Nhiều Tác Giả
PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI 2
PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI 2
Tổng Hợp & Biên Dịch
Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
Sa-di Bom
Phra Peter Pannapadipo
Peter Robinson trở thành tu sĩ Phật giáo ở tuổi bốn mươi lăm. Sư Phra Peter Pannapadipo đã thiết lập Quỹ Giáo Dục Học Sinh (Students’ Education Trust – SET) -một tổ chức từ thiện để giúp học sinh nghèo và các sa-di trẻ được tiếp tục học lên cao. Vì người tu sĩ không thể kiếm tiền hay trực tiếp gây quỹ, nên sau mười năm, Sư Peter đã tạm thời cởi áo hoàn tục để điều hành tổ chức SET ở Thái Lan.
+++++
Truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy ở Thái Lan cho phép các bé trai được đến chùa tu gieo duyên trong thời gian một hay hai năm. Sau đó, người sa-di có thể quyết định tiếp tục tu hay hoàn tục. Dưới đây là câu chuyện của một chú sa-di như thế. Chúng tôi hy vọng câu chuyện nhẹ nhàng này sẽ giúp chúng ta có thêm chút hiểu biết về phong tục này ở Thái Lan, cũng như có được đôi giây phút thư giãn trong mấy ngày Xuân.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi rất kính ngưỡng các vị sa-môn và các chú sa-di ở tu viện trong làng. Tôi nghĩ là các chú sa-di, dầu ít tuổi, cũng rất nghiêm túc trong việc giữ giới luật của họ. Quan sát họ đi khất thực mỗi sáng, tôi thấy họ hành xử rất đúng mực, có vẻ được huân tập rất tốt. Tôi chưa bao giờ thấy họ phạm giới luật, và họ đã khiến tôi muốn trở thành một đứa trẻ tốt. Từ khi trở thành một chú sa-di, tôi đã sống ở nhiều tu viện. Giờ tôi biết rằng ở chốn riêng tư, hành vi của các thầy và các chú sa-di không phải lúc nào cũng đúng. Một số người chỉ tỏ ra như thế khi có các vị cư sĩ ở chung quanh.
Khi đọc về quý sư hay các chú sa-di có tà hạnh trên báo chí, tôi đâm lo ngại là người ta sẽ nghĩ rằng tất cả các tu sĩ đều giống nhau. Điều đó không đúng. Tôi công nhận là chính bản thân tôi không phải lúc nào cũng tốt –thỉnh thoảng tôi cũng rất hư đốn- nhưng phần lớn các chú sa-di đều cố gắng tuân giữ giới luật và tu hành nghiêm chỉnh. Họ rất cố gắng để có thể là tấm gương đạo đức cho người cư sĩ. Một số ít tỏ ra bất cần, nhưng điều đó cũng không khác dầu người ta là tu sĩ hay cư sĩ, giàu hay nghèo; lúc nào cũng có kẻ xấu, người tốt. Ngay cả các chính trị gia Thái Lan cũng không tuân giữ năm giới luật của Đức Phật, dầu họ cũng phải làm gương tốt cho người dân thường. Tôi chỉ là một chú sa-di mười lăm tuổi, nên điều duy nhất tôi có thể làm để giúp người khác là cố gắng hết sức để hành xử đúng đắn và tuân giữ giới luật. Nhưng đôi khi điều đó cũng khó, nên tôi cũng chưa làm tốt mấy bổn phận của mình.
Tôi nghĩ các giới luật rất quan trọng, dầu với các vị tu sĩ hay cư sĩ. Chúng không khó hiểu, nhưng khó giữ. Chúng ta không chỉ đọc tụng chúng trong chùa, nghiên cứu trong sách vở, hay thuộc lòng trong trí nhớ. Chỉ làm như thế thì dễ rồi, nhưng chúng ta cũng phải thực hành chúng trong đời sống thường nhật. Chí ít điều chúng ta có thể làm được là biết rằng mình đã phạm giới khi chúng ta lỗi lầm. Như thế ít nhất là chúng ta sẽ cố gắng làm tốt hơn trong tương lai.
Ai cũng biết giới thứ nhất, không sát sanh. Giới này đặc biệt khó khăn. Vì chỉ cần bước đi, chúng ta cũng có thể vô tình dày xéo lên các côn trùng và làm chúng chết. Nhưng nếu chúng ta không cố tình giết chúng, tôi nghĩ là đó không phải là phạm giới…. Tôi không bao giờ cố ý làm hại sinh vật nào, dẫu là con kiến hay con muỗi, dầu chúng có cắn tôi. Mà không, nếu chúng cắn tôi, có thể là tôi vẫn đập chúng, do thói quen đã huân tập trước khi tôi được biết về giới luật này, nhưng tôi phải cố gắng để dần dần thay đổi hành động này. Tôi nghĩ Đức Phật khi đi trong rừng cũng có thể dẫm lên các côn trùng, nhưng tôi chắc chắn rằng ngài không cố ý vì ngài rất nhân từ. Tôi nghĩ Đức Phật là người nhân từ nhất từ trước đến nay.
Tôi nghĩ giới thứ tư về việc không nói dối, cũng khó giữ. Đôi khi người ta cũng phải nói dối để bảo vệ bản thân. Thí dụ, nếu tôi thấy một chú sa-di lớn làm điều gì sai, chú ấy cũng có thể dọa đánh tôi, nếu tôi nói ra sự thật. Nên nếu sư trụ trì có hỏi, tôi cũng phải nói dối, vì sợ bị đánh.
Giới thứ sáu, không được ăn sau ngọ, tôi nghĩ là không phù hợp đối với các chú sa-di. Tôi chỉ là một đứa trẻ, mà nếu không được ăn vào buỗi chiều, tôi bị đau bụng. Tôi biết các sư và các chú sa-di lớn không được ăn nhiều vì như thế khi hành thiền sẽ bị bù ngủ, nhưng chúng tôi đâu có phải hành thiền. Có lần, sư trụ trì bắt gặp tôi ăn vào buổi chiều, nên sư quở trách tôi. Sư bảo rằng tôi là một chú sa-di hư, nên phạt tôi phải quét cả chùa. Sau khi phải tiêu hao hết năng lượng vào việc quét chùa, tôi lại đói, và lại phải ăn vụng. Tôi rất xấu hỗ vì đã phạm giới này, nhưng có thể là Sư trụ trì không bị đói như tôi. Tôi không hiểu sao Sư ăn quá ít mà vẫn mập mạnh… Đúng là thật khó khi bạn chỉ là một chú sa-di ở tuổi mười lăm.
Tôi không nhớ gì về mẹ tôi vì cha mẹ tôi đã chia tay khi tôi mới lên một. Từ đó không bao giờ tôi gặp lại mẹ. Lớn lên, tôi thường rất giận khi bị trẻ con trong làng chọc ghẹo, vì tôi là đứa trẻ duy nhất không có mẹ. Chúng bảo rằng mẹ tôi bỏ đi vì bà không thương tôi, và vì tôi là một đứa trẻ quá xấu xí. Dầu biết là chúng nói không đúng sự thật, nhưng tôi vẫn khóc vì chúng. Cha rất thương tôi, nhưng tôi cũng cần có mẹ để được hạnh phúc như bao bạn bè. Cha tôi tái hôn lúc tôi được năm tuổi. Dầu trong các chuyện cổ tích, các bà mẹ ghẻ rất ác, nhưng tôi may mắn được mẹ kế thương như là con đẻ, nên tôi rất hạnh phúc. Tôi rất thương nhớ mẹ kế, nhưng vì chùa tôi ở rất xa làng, phải mất gần mười ba tiếng trên xe buýt mới tới. Lâu rồi tôi không về thăm nhà vì tiền xe buýt cũng rất đắc.
Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học ở trường làng, tôi không biết phải làm gì. Cha mẹ không có tiền gửi tôi đi học xa, nên tôi nghĩ chắc là tôi phải làm công việc đồng án, hoặc đi Bangkok hay Pattaya để tìm việc làm. Nhưng tôi không muốn phải làm thứ gì cả. Công việc đồng án thì cực nhọc, nhưng tôi cũng nghe nhiều chuyện không tốt về thành thị, và những điều có thể xảy ra cho một đứa trẻ trai. Tôi chỉ mới mưới hai, không có nhiều suy nghĩ về tương lai, nhưng tôi thực sự muốn hoàn tất chương trình trung học phổ thông. Cha mẹ không có điều kiện giúp tôi, nên tôi bắt đầu làm công việc đồng án. Cũng không khó nhọc như tôi tưởng vì bạn bè tôi cũng làm ở những cánh đồng bên cạnh, nên chúng tôi vẫn có thể vừa làm việc, vừa chơi đùa.
Một ngày kia, cha bắt gặp tôi sử dụng thuốc kích thích. Bạn tôi đã cho tôi cả viên, nhưng tôi đã bẻ ra và vứt đi phân nửa, hy vọng là không có con gà nào ăn phải nó. Thực ra tôi cũng không muốn uống nửa viên thuốc này, nhưng mấy đứa trẻ khác đều uống, nên tôi không muốn bị coi là khác biệt. Tôi biết là tôi rất ngu khi làm thế. Đêm đó cha tôi đã khuyên nhủ tôi rất nhiều. Ông không giận dữ với tôi, nhưng tôi nghĩ ông nhận ra rằng phải tách biệt tôi ra khỏi đám trai trẻ trong làng.
Cha khuyên tôi xuất gia. Ngoài việc muốn tôi không tiếp xúc với ma túy, cha mẹ tôi cũng có khó khăn trong việc nuôi dưỡng con cái, dầu họ rất thương yêu chúng tôi. Nếu được xuất gia, tôi không còn là gánh nặng kinh tế cho họ nữa, vì tôi sẽ sống ở chùa. Tôi phân vân trước việc xuất gia, nhưng tôi không muốn nói ra để cha phải thất vọng hay để khiến cha thêm khó xử. Tôi đã nghĩ đời sống xuất gia sẽ rất khó cho tôi, vì đôi khi tôi rất hư hỏng. Tôi đã sợ rằng nếu tôi phạm giới luật, thì quả xấu sẽ xảy đến cho tôi trong tương lai.
Tôi trở thành một chú sa-di ở chùa làng năm tôi mười hai tuổi. Có khoảng sáu chú nữa, trạc tuổi tôi, cũng ở trong chùa. Tôi đã quen biết họ trước, nên dễ kết bạn với nhau, và điều đó giúp tôi bớt cô đơn. Mỗi sáng tôi cũng đều nhìn thấy cha mẹ khi tôi đi khất thực qua nhà. Thật buồn cười khi nhìn thấy cha mẹ giữ lễ đối với tôi, chứ không phải là ngược lại. Lúc đầu tôi cũng thấy ngượng ngùng, nhưng đó là phong tục của người Thái đối với người tu sĩ. Chùa tôi trú ngụ ít Phật sự. Không ai trong chúng tôi có nhiều việc phải làm trừ việc quét dọn quanh chùa. Ở đó tôi cũng không được đi học, nên tôi sinh lười biếng, suốt ngày gần như chỉ ngủ giống như các chú sa-di khác trong chùa. Nếu không có biến cố sau đây xảy ra thì chắc tôi sẽ ở chùa đó suốt đời. Đó là một buổi tối kia, tôi đã phạm giới ăn phi thời, và đêm đó một con quỷ gớm ghiếc đã hiện ra ám tôi.
Tôi rất sợ ma, nhưng chưa bao giờ thấy chúng. Các chú sa-di khác đã bảo là có một con quỷ sống trên cây cổ thụ trong chùa. Tôi thưa với sư trụ trì là tôi rất sợ, nên sư đã xăm vào cánh tay và ngực tôi hình ảnh của những con chim và cá linh mà Sư bảo là chúng sẽ xua đuổi ma quỷ đi.
Tôi không biết ngạ quỷ có sống ở những xứ sở khác không, nhưng ở Thái Lan có rất nhiều. Chúng rất tham ăn nhưng không bao giờ được thõa mản, vì bụng chúng thì to mà miệng thì nhỏ, nên chúng luôn phải ăn. Người Thái tin rằng nếu bạn là một người tham lam, lúc nào cũng muốn được nhiều, nhiều hơn nữa, thì bạn sẽ tái sinh làm ngạ quỷ. Tôi biết là ngạ quỷ đang đuổi theo tôi vì tôi đã ăn phi thời… Khi nhìn thấy ngạ quỷ, tôi chết đứng một chỗ, nhưng rồi tôi hét lên và chạy về thất, không dám nhìn lại phía sau vì tôi chắc chắn là nó đang đuổi theo tôi, để phạt tôi là một sa-di tham ăn, hư hỏng.
Tôi chạy đến thất của Sư trụ trì, dọng cửa ầm ầm. Sư mở cửa cho tôi vào và hỏi lý do, nhưng tôi sợ đến không cất tiếng nổi, chỉ biết khóc. Sau khi được Sư trấn an, tôi kể cho Sư nghe tôi đã thấy gì. Tôi thú nhận rằng tôi đã phạm giới ăn phi thời. Sư trụ trì đeo một tượng Phật quanh cổ tôi, và bảo rằng nó sẽ bảo vệ tôi.
Sau kinh nghiệm khủng khiếp đó tôi quyết định rời chùa, đến tá túc ở một chùa cách làng đến hai trăm ki-lô mét, để có thể tiếp tục việc học. Cha mẹ tôi rất buồn vì tôi phải đi xa làng quê. Họ biết là họ sẽ không được gặp tôi trong một thời gian dài. Tôi cũng buồn, nhưng tôi cố gắng tỏ ra là một sa-di biết kiềm chế, không khóc khi từ giã mẹ, nhưng sau đó, khi một mình trên xe buýt, tôi đã khóc.
Chùa mới có trường lớp rộng lớn nhưng chúng tôi chỉ được học tiếng Pali và Phật Pháp. Tôi nghĩ tiếng Pali không ích lợi gì cho tôi, nhưng Phật pháp thì ích lợi đối với mọi người. Mỗi tuần tôi có một ngày được đi học ở trường đặc biệt của chính phủ nơi tôi có thể học các môn học khác của bậc trung học. Tôi đã học được năm thứ hai. Tôi rất thích học các môn, nhất là tiếng Anh.
Tôi rất hạnh phúc trong thời gian làm sa-di, giờ nghĩ lại tôi mừng là cha tôi đã khuyến khích tôi làm điều đó. Làm sa-di, tôi được có nhiều cơ hội mà tôi không thể có nếu chỉ là một đứa trẻ bình thường sống trong làng quê. Nếu sống ở nhà, tôi chỉ biết làm công việc đồng án, nhưng sống ở chùa tôi được đi học. Công việc ở chùa không quá nhọc nhằn, và không ai cố sức cám dỗ tôi sử dụng ma túy. Tôi có nhiều huynh đệ tốt, được học hành miễn phí, không phải lo lắng về cơm áo, không phải dựa vào cha mẹ về vấn đề tiền bạc.
Dầu tương lai sẽ như thế nào, tôi cũng không bao giờ quên thời gian sống làm sa-di, ngay cả lúc về già. Cuộc sống của một sa-di có thể khá nhọc nhằn đối với một đứa trẻ trai như tôi. Tôi nghĩ để có thể là một sa-di hiền thiện, đứa trẻ cũng phải rất đặc biệt. Nhưng dầu là đứa trẻ bình thường như tôi, cũng có thể học được rất nhiều điều, nếu người đó hết sức cố gắng. Tôi tin là nhờ thời gian sống làm sa-di mà tính cách, hành vi của tôi đã được chuyển đổi rất nhiều. Khi trở về cuộc sống của người cư sĩ, tôi chỉ phải giữ năm giới luật, không còn phải lo lắng về việc ăn phi thời và một số giới luật khác mà người sa-di phải giữ. Ngoài việc cho tôi cơ hội để học tập, tôi tin rằng việc được sống làm sa-di trong một thời gian, được học Phật pháp sẽ giúp tôi trong tương lai được trở thành một người tử tế, từ bi, bác ái. Tôi nghĩ là tôi sẽ làm được như thế.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược dịch theo Novice Bom, NXB Arrow Books, 2001)Gửi ý kiến của bạn