Nhiều Tác Giả
PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI 2
PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI 2
Tổng Hợp & Biên Dịch
Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
Nghi: Cánh Cửa Dẫn Đến Trí Tuệ
Sri Krisna Prem
Krisna Prem hay Krishnaprem (1898-1965), sinh ra ở Luân Đôn, với tên Ronald Henry Nixon, là người khao khát khám phá tâm linh. Ông sang Ấn Độ vào đầu thế kỷ 20. Ông cùng với vị thầy tâm linh của mình, Yashoda Ma, xây dựng một nơi tu tập tại Mirtola, gần Almore, Ấn Độ. Ông là một trong những người Tây phương tu theo Ấn Độ giáo. Ông rất được tôn kính và có nhiều đệ tử người Ấn.
***
Thường người ta có thái độ rất sai lầm về tâm nghi. Thay vì coi Nghi như con đường dẫn đến trí tuệ, họ coi đó là sai lầm, là điều không bao giờ nên xảy ra. Tâm nghi là cánh cửa trí tuệ, là lý do tại sao khoa học dựa trên nghi vấn và thí nghiệm đã rất tiến bộ, trong khi tôn giáo, dựa vào lòng tin mù quáng vào các kinh điển đã được viết ra hằng trăm hay ngàn năm trước, đã dần dần đánh mất lòng tin của con người. Tất cả những trí tuệ ta có được là kết quả của lòng nghi ngờ của ai đó đối với một vấn đề gì đó, trong khi đa số lại không hề nghi ngờ gì. Điều đó đúng cho cả trong lãnh vực tôn giáo tín ngưỡng cũng như khoa học.
Hiện nay tôn giáo là gì? Phần lớn tôn giáo bao gồm việc chấp nhận một cách mù quáng vào những tín ngưỡng đã được dạy bởi các bậc tiền bối, trưởng lão. Người ta tsuy nghĩhường nói: "Tôn giáo tôi nói điều này, điều nọ; giáo hội dạy thế này, thế kia; kinh điển phán thế kia, thế khác". Không kể tôn giáo nói gì, giáo hội truyền chi, kinh điển dạy chi! Điều quan trọng duy nhất là sự thật; mà sự thật chỉ có thể đạt được khi người ta bỏ ngoài tai những điều giáo hội hay kinh điển nói, và chỉ tìm kiếm sự thật không mỏi mệt, không sợ hãi, bằng tất cả tâm hồn, cho đến khi ta có thể giác ngộ được sự thật.
Không kể trên con đường tìm kiếm ta đã phải đánh mất bao niềm tin, tan vỡ bao ảo vọng. Sự thật luôn vượt lên mọi vật, và những ai ngại bước trên con đường tụ do tìm kiếm sẽ chẳng bao giờ đạt đến Sự Thật. Như người lương thiện không sợ ai chất vấn hành tung của mình, người đi tìm sự thật, sẽ không ngại chất vấn những điều mình tin tưởng, vì người ấy biết rằng sự thật không bao giờ bị lay chuyển, trong khi những gì bị lay chuyển trước các nghi vấn đều không phải là sự thật, không có giá trị thật sự.
Tuy nhiên chớ lầm tâm nghi chân thật với thói quen vô ý thức thích tranh cãi chỉ để cho có chuyện tranh cãi, hay chỉ để phô trương sự hiểu biết của mình. Ngược lại cũng đừng nên để sự nghi ngờ đưa ta đến chỗ từ chối có một kết luận nào đó về các vấn đề căn bản không thể bàn cãi được. Thí dụ, việc con người không thể hiểu về nguồn gốc vũ trụ, không nên dẫn đến chỗ từ chối chấp nhận những gì khác có thể được chứng minh là sự thật, giống như nếu khả năng của một nhà khoa học không thể hiểu về tính cách căn bản của dòng điện, thì sự kiện đó không thể đưa đến việc ông từ chối chấp nhận rằng cái máy phát điện hoạt động.
Tâm nghi chân thật, trái lại, là những dấu hiệu khởi đầu của sự tiến bộ. Nếu một người học trò có lòng nghi vấn, thì người thầy giáo không nên coi đó là dấu hiệu của sự cứng đầu, mà nên khuyến khích em, vì đó là những dấu hiệu chứng tỏ em có sự suy nghĩ độc lập, và việc biết tự suy nghĩ là những bước đầu trên con đường tìm kiếm sự thật.
Đã có những bước khởi đầu, ta không nên dừng lại ở đó. Người ta không nên cứ mãi sống trong sự nghi ngờ, vì điều đó sẽ làm đầu óc ta yếu đuối, sẽ hủy diệt mọi hành động và sự tiến bộ. Một khi lòng nghi ngờ dấy lên, ta phải cố gắng tìm lời giải đáp cho đúng. Nhưng thường là người ta dập tắt nó bằng sự im lặng, xua đuổi nó ra khỏi tâm trí, hay ảo tưỏng rằng nó không hiện hữu. Tuy nhiên, hành động như thế là vô ích. Lòng nghi ngờ được chôn kín trong lòng ta, và ở trong tận chốn sâu thẳm đó, nó vẫn âm thầm hiện hữu, đầu độc tâm hồn của kẻ có lòng nghi hoặc, giống như một mụt nhọt ẩn náu trong thân thể. Rồi để làm bặt đi tiếng nói nghi ngờ trong trái tim mình, kẻ đầy lòng nghi hoặc đó lại lớn tiếng tuyên bố này nọ, càng ngày càng hăng say, và chính vì tự trong lòng họ chẳng có niềm tin vào các điều đó, họ lại kêu gọi người khác tin chúng, để có cảm giác rằng có rất nhiều người đứng về phiá mình. Do đó việc đè nén lòng nghi vấn là nguồn gốc của các mục đích tuyên truyền tôn giáo, và sự thật thường là chính những kẻ cố lôi kéo người khác nghe theo những suy nghĩ của mình, hay tôn giáo của mình, lại là người đầy lòng nghi hoặc ở bên trong. Đó là con đường của những kẻ cuồng tín và đạo đức giả, vì thế khi có lòng nghi vấn về điều gì, ta phải cố gằng tìm câu trả lời.
Bước thứ nhất là phải chắc chắn rằng mình đã hiểu đúng vấn đề, và để hiểu rõ vấn đề, ta cần phải lắng nghe những người có trình độ hay tham khảo sách báo nói về các đề tài ta thắc mắc, cũng rất cần thiết.
Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu, và nếu ta vẫn chưa tìm được câu trả lời, thì ta phải chuẩn bị để tự tìm lời giải đáp cho chính mình. Để làm được điều đó, ta cần phải có hai điều: tâm hoàn toàn chân thật và lòng kiên trì cố gắng không mệt mỏi. Chúng ta không nên để các thành kiến hay tham vọng làm ảnh hưởng đến cuộc tìm kiếm của mình. Chúng ta phải thẳng thắn đối mặt với mọi yếu tố, dữ liệu, không che giấu chúng với ý nghĩ rằng nếu ta ngoảnh mặt đi thì chúng sẽ biến mất.
Kế đến là sự nỗ lực. Sau khi đã hiểu rõ vấn đề là gì, ta phải dồn hết nỗ lực vào việc tìm kiếm lời giải đáp, giống như người đang đói sẽ dồn hết nỗ lực vào việc tìm kiếm thức ăn. Suốt ngày ta cần suy gẫm về vấn đề phải tìm lời giải đáp. Không chỉ trong lúc thiền quán, mà bất cứ lúc nào ta cũng phải quán tưởng, sau khi đã làm được như thế, ta cần phải định tâm để lời giải đáp có thể đến với ta. Khi đầu óc ta đã suy nghĩ rốt ráo, ta có thể chắc chắn rằng câu trả lời sẽ đến với ta; nếu không thì có lẽ chúng ta đã không suy gẫm đủ hay vấn đề đặt ra để tìm kiếm không rõ ràng. Không ích lợi gì khi ta cố gắng giải đáp một bài toán trong đó ta chưa hiểu hết mọi điều kiện, từ ngữ. Thí dụ, hỏi tại sao Thượng đế tạo dựng nên vũ trụ không lợi ích gì khi bạn còn chưa hiểu từ ngữ Thượng đế đối với bạn có ý nghĩa gì. Chỉ khi nào các khái niệm đã rõ ràng thì câu trả lời mới có thể đến với chúng ta.
Tuy nhiên, nếu bạn đã chắc chắn rằng mình biết điều mình muốn kiếm tìm, mà vẫn không tìm ra được lời giải đáp, thì bạn còn phải tiếp tục suy nghĩ, suy nghĩ mãi đến khi sự suy gẫm chín mùi. Rồi, một ngày, khi bạn định tâm, lời giải đáp sẽ hiện ra như tia chớp trong đầu hay như một giấc mơ trong lúc ngủ.
Nhưng cũng đừng vì những gì bạn đã thấy trong giấc mơ hay trong lúc thiền định, mà nghĩ rằng đó chính là sự thật, là điều Thượng đế đã tiết lộ cho bạn. Vì những giấc mơ và các ảnh hiện thường hoàn toàn sai lạc. Bạn phải suy gẫm về câu giải đáp cẩn thận, xem nó có làm thỏa mãn tâm trí bạn không. Nếu là không, bạn bắt đầu trở lại. Nếu là có, thì đúng là bạn đã tìm được lời giải đáp cho chính mình, nhưng không nên coi đó là sự thật cuối cùng. Rất có thể vì bạn chưa sẳn sàng để hiều sự thật vẹn toàn, nên bạn chỉ có thể có câu trã lời gần nhất với điều bạn hiểu. Vì thế với những hiểu biết vừa khám phá ra được, bạn phải luôn chuẩn bị để sửa đổi những gì trước đó bạn ngỡ là sự thật, giống như một nhà khoa học luôn sẳn sàng buông bỏ những lý thuyết trước đó của mình khi khám phá ra những điều mới lạ khác.
Do đó ta có thể thấy là con đường đi đến sự thật rất khó nhọc. Sai lầm này tiếp nối sai lầm khác có thể xảy ra, nhưng nếu bạn kiên trì không mệt mỏi, và không bao giờ buông bỏ hy vọng thì trước sau gì bạn cũng đạt được cái trí tuệ mà nếu đã biết, mọi thứ khác đều biết. Đó là con đường chắc chắn và an toàn duy nhất. Những con đường khác sẽ dẫn bạn vào những chiếc bẫy của lý thuyết hay lạc lỏng trong các khu rừng ảo tưởng. Ý kiến bạn có thể nghe đó đây, nhưng nếu bạn cần sự thật, thì bạn phải dấn bước trên con đường đó thôi, mặc bao khó nhọc. Với hành trang là lòng chân thành cộng với nỗ lực, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Sự thật tiềm ẩn trong bạn. Chính bản thân bạn phải tìm kiếm và thể nghiệm. Rồi bạn sẽ khám phá ra sự thật trong chính bản thân mình.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển Ngữ theo Doubt: Doorway to Knowledge, Yoga International 2-3/98)
Gửi ý kiến của bạn