PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI 2
Chế Ngự Căng Thẳng
Lily de Silva, Ph.D
Lily de Silva theo học tại đại học Ceylon, Peradeniya, tại đó bà đã nhận được bằng Cử Nhân hạng Danh dự Tối ưu (First Class Honor), giải thưởng Woodward về tiếng Pali và bằng Tiến sĩ vào năm 1967. Bà đã nhiều năm dạy học tại đó và nhận chức Khoa Trưởng Ban Pali và chương trình Phật Học cho đến khi nghỉ hưu năm 1994. Tiến sĩ de Silva cũng là người biên tập Digha Nikaya Atthakatha Tika (Bộ Yếu giảng của Trường Bộ Kinh), được Hội Ngữ Văn Pali (Pali Text Society) xuất bản thành ba bộ, và bà cũng là người thường xuyên viết bài cho các tờ tập san nghiên cứu Phật giáo nổi tiếng.
***
Căng thẳng (Stress) là một từ trong môn khoa học kỹ thuật được khoa tâm lý học và y học chấp nhận. Nó được giải nghĩa một cách đơn giản. Căng thẳng trong khoa kỹ thuật có nghĩa là áp lực trên một khu vực. Cũng tương tự như trong thời hiện đại này chúng ta gặp vô số áp lực, và chúng ta thấy rằng rất khó để đối diện với những sức ép này , căng thẳng được gọi là “căn bịnh của nền văn minh”.
Phillip Zimbardo trong quyển sách Tâm Lý Chủ Yếu Và Đời Sống (Essentials Of Psychology & Life), vạch ra bốn phạm trù có liên quan với nhau, mà tại thời điểm đó chúng ta phản ứng lại với áp lực xảy ra nơi môi trường xung quanh chúng ta. Bốn phạm trù đó là: Cảm xúc, hành vi, sinh lý, và nhận thức. Những phản ứng của cảm xúc đối với căng thẳng là buồn bã, chán chường, tức giận, khó chịu, và thất vọng. Những hành vi phản ứng là thiếu sự tập trung, hay quên, quan hệ cá nhân sai lạc, và năng suất làm việc kém. Những phản ứng sinh lý bao gồm thân căng thẳng, có thể dẫn đến nhức đầu, đau lưng, loét dạ dày, huyết áp cao, kể cả những căn bịnh chết người. Đối với nhận thức, căng thẳng có thể khiến ta đánh mất lòng tự trọng và hy vọng. Tệ hơn người đó có thể tự tử.
Để hiểu được sự căng thẳng, chúng ta hãy xem xét các yếu tố môi trường khác nhau mà ở đó nó gây ra áp lực cho con người hiện đại. Trong thời đại nguyên tử, ngay cả sự sinh tồn của các loài cũng đang bị đe dọa. Chiến tranh hạt nhân đe dọa tất cả nhân loại trên địa cầu, không phân biệt người đó sống ở đất nước có vũ khí hạt nhân hay không.
Sự bùng nổ dân số đe dọa con người cùng với sự thiếu thốn thực phẩm trầm trọng; ngay hiện tại một phần lớn dân số nhân loại đang thiếu ăn hay đang bị chết đói, suy dinh dưỡng. Ô nhiễm môi trường gây ra nguy cơ cho sức khỏe và bịnh tâm thần, chậm phát triển. Nhiều người có tay nghề cao vẫn bị thất nghiệp là một vấn nạn toàn cầu đang gia tăng.
Nhịp sống bắt đầu rối loạn, con người chỉ gấp rút hoàn thành nhiệm vụ nầy đến nhiệm vụ khác mà chẳng có bất cứ thời gian nghỉ ngơi nào. Điều này thực là mâu thuẫn trong thời đại các thiết bị tiết kiệm sự lao động sẵn có, miễn phí và được sử dụng đến một mức độ chưa từng có. Sự cạnh tranh về giáo dục và những cơ hội việc làm thực quá nghiêm trọng, và nó đã phần nào đóng góp vào sự gia tăng tỷ lệ của việc tự tử. Sự hưởng thụ những khoái lạc giác quan đã tăng trưởng đến mức độ mê luyến và nó trở nên giống như uống nước biển để giải khát. Sự kích thích liên tục các giác quan hiện nay được xem như một nhu cầu, và như vậy máy phát thanh bỏ túi với tai nghe (earphones), kẹo cao su và mỹ phẩm được bày bán khắp mọi nơi. Sự kích thích các giác quan tiếp tục phát triển không chút dừng lại, nhưng sự thỏa mãn thì còn xa mới đạt được. Hèn gì con người bị kẹt cứng nơi đây, bị rối loạn và thất vọng một cách khủng khiếp, và cuộc sống con người trở nên căng thẳng một cách không chịu nổi. Đây là trường hợp mà Phật giáo miêu tả như “rối loạn bên trong và rối loạn bên ngoài, con người bị vướng mắc vào những rối loạn.”
Trong khi những nhận xét trên được thành lập từ quan điểm của các nhà nghiên cứu, trong điều kiện hiện đại, Phật giáo cũng có những nhận xét tương tự từ quan điểm tâm lý. Con người kinh nghiệm căng thẳng và đau khổ bởi vì năm trạng thái tâm lý bao bọc toàn thể cá tính của con người. Các trạng thái này được gọi là _“nivarana”, trong tiếng Pali có nghĩa là chướng ngại. Chúng ngăn chận hạnh phúc và che mờ tầm nhìn về bản thân của con người với môi trường xung quanh, và sự tương tác giữa hai bên. Những chướng ngại này càng dầy, càng mờ đục, thì con người phải trải nghiệm nhiều đau khổ và căng thẳng hơn. Ngược lại nệ các chướng ngại này mỏng và rải rác hơn, thì con người sẽ ít khổ hơn và hạnh phúc tương ứng gia tăng. Năm chướng ngại này là sự khao khát thú vui nhục dục (tham), sự tức giận (sân), lười biếng (si), âu lo (mạn) và nghi ngờ (nghi). Kinh điển Pali minh họa ảnh hưởng của các chướng ngại này bằng năm ví dụ có tính cách hùng biện. Tâm thức bị chế phục bởi ham muốn thú vui nhục dục được so sánh với nước có màu ngăn chận việc phản ảnh trung thực của sự vật trong nước. Như vậy, con người bị mê luyến với ham muốn thú vui nhục dục không thể nhận thức rõ ràng về bản thân hoặc người khác hoặc môi trường xung quanh. Tâm thức bị đè nén bởi sự phẫn nộ được so sánh với nước đang sôi, không thể nào nhìn thấy được phản ảnh chính xác. Con người bị sự phẫn nộ áp chế không thể nào phân biệt được sự việc một cách chính đáng. Khi tâm thức bị kiềm kẹp trong sự lười biếng, nó giống như nước bị rêu bao phủ: ánh sáng không thể nào chạm đến nước và không thể phản ảnh. Người lười biếng không có bất cứ sự cố gắng nào để hiểu biết đúng đắn. Khi lo âu, tâm thức giống như lốc nước, cũng không thể nào có được sự phản ảnh chính xác. Người âu lo luôn luôn bất an, không có khả năng đánh giá đúng đắn một vấn đề. Khi tâm thức ở trong trạng thái nghi ngờ được so sánh với nước bùn đặt trong bóng tối không thể phản ảnh. Do đó, tất cả năm chướng ngại tước đoạt tâm thức khỏi sự hiểu biết và hạnh phúc và gây ra nhiều căng thẳng, khổ đau.
Phật giáo đề xuất một kế hoạch hành động có phương pháp cho việc dần dần loại bỏ căng thẳng và gia tăng hạnh phúc và hiểu biết. Trong bản kế hoạch này bước đầu tiên được kiến nghị là Gìn giữ Ngũ Giới bao gồm tránh việc sát hại, trộm cắp, gian dâm, nói láo và uống rượu, hay sử dụng các chất kích thích. Sự căng thẳng tăng lên bởi cảm giác tội lỗi, và ngũ giới giúp cho con người giải thoát ý thức khỏi cảm giác tội lỗi. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) nói rằng người làm việc xấu ác, đau khổ đời này và ở những đời sau; mặt khác, người làm những việc thiện hạnh phúc đời này và ở những đời sau.
Phật giáo tin tưởng một cách vững chãi rằng việc xấu ác gia tăng sự căng thẳng trong khi đó việc thiện lành gia tăng hạnh phúc. Bên cạnh việc giữ gìn ngũ giới suốt cuộc sống, Phật giáo khuyến khích các Phật tử tham gia định kỳ vào Bát Quan Trai. Các giới luật được bổ sung thử thách, huấn luyện con người hướng đến một cuộc sống đơn giản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hơn là thỏa mãn lòng tham của mình. Theo Phật giáo, một cách sống cần kiệm, có ít nhu cầu và dễ dàng hài lòng được nhiệt liệt khen ngợi.
Bước kế tiếp trong quá trình luyện tập là điều phục các giác quan. Khi các giác quan không được điều phục, chúng ta trải nghiệm sự căng thẳng trầm trọng. Đầu tiên chúng ta phải hiểu các giác quan bị điều phục có nghĩa gì. Khi con người với đôi mắt nhìn thấy một hình dạng đẹp, con người liền bị vật đẹp ấy hấp dẫn; khi thấy một vật khó chịu, liền sanh lòng ghét bỏ. Tương tự như vậy, với các giác quan khác. Do đó nếu con người không điều phục được các giác quan của mình, liên tục bị hấp dẫn hay bị khó chịu bởi các đối tượng của giác quan, cũng như trong cuộc sống khi chúng ta thức, các dữ liệu của giác quan liên tục tác động đến chúng ta. Khi bị lôi kéo vào những định hướng khác nhau bởi sự kích thích của các giác quan, chúng ta trở nên rối loạn và đau khổ.
Các giác quan của chúng ta có những lĩnh vực hoạt động và đối tượng khác nhau, và mỗi giác quan là chúa tể trong lĩnh vực riêng nó, và chúng có thể thống trị con người một cách tập thể và nghiêm khắc. Nếu ta cho phép các giác quan thống trị mình, ta sẽ bị rối loạn kinh khủng. Nếu chúng ta khẳng định bản thân và điều khiển các giác quan, chúng ta có thể có được niềm vui thuần khiết (avyasekasukha), được gọi như vậy bởi vì niềm vui nầy không bị ô nhiễm. Trong khi dục vọng gia tăng căng thẳng, niềm vui tâm linh làm giảm đi sự căng thẳng và gia tăng tinh thần an lạc.
Bước thứ ba trong việc khống chế căng thẳng là sự nuôi dưỡng tinh thần lành mạnh qua việc hành thiền (bhavana). Như chúng ta chăm sóc và nuôi dưỡng cơ thể với thực phẩm thích hợp và sự thanh khiết, tâm thức cũng cần sự nuôi dưỡng thích hợp và thanh tịnh. Tâm thức bất an nhất khi nó ở trạng thái chưa thuần phục, nhưng một khi nó đã được huấn luyện và trở nên vững chãi hơn, nó sẽ mang lại hạnh phúc to tát. Phật giáo quy định hai phương thức thiền căn bản cho việc thuần phục tâm thức được gọi là thiền định và thiền minh sát (samatha và vipassana), sự tĩnh lặng và sự thấu hiểu sâu sắc. Thiền định là phương thức tịnh hóa tâm thức bất an, trong khi thiền minh sát là phương thức để hiểu rõ bản chất chân thật của các hiện tượng nơi thân và tâm. Cả hai phương thức đều hữu ích rất nhiều cho việc khắc phục căng thẳng. Kinh Sa Môn Quả (Samaññaphala Sutta) giảng giải bằng năm sự so sánh thích hợp như thiền định làm giảm sự căng thẳng được gây ra bởi năm chướng ngại. Người thực tập thiền định sỡ hữu được cảm giác nhẹ nhàng và đây là cảm giác gánh nặng được bỏ xuống như một minh họa cho sự so sánh. Năm so sánh đó như sau: Một người gom tiền để kinh doanh bằng cách mượn nợ, việc kinh doanh phát đạt, họ trả hết nợ và ngày ngày quản lý dễ dàng tài chính kinh doanh của mình. Người như vậy trải nghiệm qua cảm giác nhẹ nhàng. Sự so sánh thứ hai miêu tả một người đau khổ rất nhiều với căn bịnh mãn tính. Sau cùng anh ta bình phục, thức ăn trở nên ngon hơn và anh ta lấy lại sức khỏe. Người này trải nghiệm qua cảm giác nhẹ nhàng. Sự so sánh thứ ba nói về cảm giác nhẹ nhàng mà một tù nhân hưởng sau khi mãn hạn tù. Sự so sánh thứ tư là như người nô lệ được giải thoát khỏi chế độ nô lệ. Sự so sánh thứ năm nói về một người giàu có bị lạc trong sa mạc đáng sợ không có thức ăn. Khi đến được nơi an toàn, ông ta trải nghiệm được cảm giác nhẹ nhàng. Khi năm chướng ngại gây ra căng thẳng bị tiêu trừ khỏi tâm thức, niềm vui to tát và sự hân hoan xuất hiện tương tự như cảm giác nhẹ nhàng đã được miêu tả trong các so sánh. Phương thức tốt nhất và hữu hiệu nhất để khắc phục căng thẳng là thiền định hoặc nuôi dưỡng tâm thức. Nhưng ít nhất ở khúc dạo đầu phải là việc giữ giới.
Việc nuôi dưỡng các cảm giác tích cực như từ ái (metta), bi ái (karuna), hỷ lạc (mudita) và buông xả (upekka) là một cách để chinh phục căng thẳng. Các mối quan hệ cá nhân là một trong những nguyên nhân thường gây ra căng thẳng trong cuộc sống gia đình và nơi công sở. Từ ái là thái độ lành mạnh tích cực mà con người có thể nuôi dưỡng với lợi ích cho bản thân và những người khác trong các mối quan hệ cá nhân. Bi ái là cảm xúc mà con người có thể quan sát và giúp đỡ những người khốn khổ. Hỷ lạc là khả năng vui cùng với niềm vui của người khác. Đây là việc làm khó khăn cho một người có cá tính xấu, vì niềm vui của người khác chỉ mang lại sự ganh tỵ cho người này. Nơi nào có sự ganh tỵ thì nơi đó chẳng có sự đồng lòng, và nơi nào chẳng có sự đồng lồng nơi đó chẳng có tiến bộ. Việc nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực này đại diện cho hai sự tiến bộ về vật chất và tâm linh.
Sự trầm tĩnh là thái độ cần được chấp nhận khi đối diện với những thăng trầm trong cuộc sống. Có tám cách thức tự nhiên của thế giới mà chúng ta phải đối diện trong đời. Đó là được và mất, hữu danh và vô danh, lời khen và tiếng chê, hạnh phúc và đau khổ. Nếu con người luyện tập bản thân để gìn giữ cá tính trầm tĩnh mà không cần phấn khởi hoặc phiền muộn khi đối diện với những thăng trầm trong cuộc sống, con người có thể tránh được căng thẳng và có cuộc sống đơn giản an lành và hạnh phúc. Chúng ta không thể thay đổi thế giới để nó mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi thái độ của chúng ta đối với thế giới, như vậy chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng phát sinh do các hoàn cảnh xảy ra xung quanh chúng ta. Phật giáo giúp cho chúng ta các phương thức để mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho các hành vi của chúng ta.
Diệu Ngộ-Mỹ Thanh
(Trích dịch từ One Foot In The World: Buddhist Approaches to Present-day Problems – Bước Chân Vào Đời: Phương cách Giải quyết Những Vấn đề Hiện đại theo Phật giáo, NXB Phật giáo BPS Wheel Publication Số 337 /338)