PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI 2
Hãy Nhìn Phiền Não Bằng Con Mắt Khác
Lama Zopa Rinpoche
Lama Zopa Rinpoche sinh năm 1946 ở Thami, trong vùng núi Everest của Nepal, không hẳn xa nơi hang Lawudo, là nơi mà bậc tiền bối của Ngài, Lama Thubten Yeshe, đã thiền định trong suốt 20 năm cuối đời. Lama Zopa Rinpoche là vị lãnh đạo tâm linh của Tổ Chức Bảo Tồn Truyến Thống Đại Thừa (Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition) và coi sóc mọi hoạt động nơi đó.
Lama Zopa Rinpoche là một vị thầy khả kính đã dạy về con đường giải thoát cho hàng ngàn người, và hang trăm đệ tử của ngài đã trở thành tu sĩ.
“Mỗi ngày hãy tu tập hạnh Bồ tát. Người đời không thể nhìn thấy được tâm bạn, cái họ có thể thấy được là sự thể hiện của hành động và lời nói nơi thân bạn. Hãy canh giữ chúng như thể bạn là người gác cửa, người bảo vệ, hay như thể bạn là cha mẹ chăm sóc cho con, hoặc là người thầy và tâm bạn chính là đệ tử của mình”.
Lama Zopa Rinpoche
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó tránh khỏi những hoàn cảnh trái ý nghịch lòng, khiến ta phải khổ đau, phiền não. Đó là vì tâm yếu đuối của chúng ta không thể xem chướng ngại như cơ hội để ta rèn giới hạnh, đón nhận phiền não như là nhân của quả hạnh phúc. Nếu không thể chấp nhận cách suy nghĩ này, ta không thể luyện tâm có được cái nhìn như thế.
Thay vì xem những điều không như ý do chúng sanh hữu hình hay vô hình mang đến cho ta là phiền não, ta cần huân tập thói quen xem chúng là cơ hội để tu tập của ta, là nhân đưa đến hạnh phúc. Muốn đưọc thế, bưóc đầu ta tập chấp nhận những việc trái ý nhỏ, rồi dần dần khi đã quen, ta sẽ có thể đón nhận những thất vọng, phiền não lớn hơn, không để chúng làm tâm ta xao động. Lúc đó ta sẽ hoan hỉ đón nhận chướng ngại, mà không theo thói thường tình là tìm đủ mọi cách để trốn tránh chúng.
Thực tập chuyển hóa tâm như thế không phải là để phiền não, khổ đau không xảy đến cho ta nữa, mà là để ta có thể dùng phiền não, khổ đau phát triển tâm trên con đường đi đến giác ngộ. Không phải là ta không còn kẻ thù, không còn bịnh hoạn, mà là ta không còn để chúng làm tâm ta bị phiền não. Ta không để chúng làm cản trở công việc tu hành của ta. Hơn thế nữa chúng còn giúp ta phát triển tâm, để ta càng gắng công tu hành hơn.
Phiền não, khổ đau làm thế nào giúp đưọc cho việc tu hành của ta? Muốn đưọc thế, ta cần phải luyện tâm bằng hai phương cách. Trước hết, ta cần phải bỏ thái độ chống đối, tránh né phiền não, khổ đau, thứ đến ta cần phải luyện tâm chấp nhận mọi phiền não, khổ đau bằng thái độ an nhiên, tự tại. Khi thực hành thành công, có nghĩa là khi ta thực sự cảm thấy an lạc, chứ không phải khổ sở khi đối mặt với phiền não, thì lúc đó phiền não không còn là chướng ngại trên đường tiến tới giác ngộ.
Tai Hại Của Tâm Tiêu Cực:
Tất cả chúng ta đều có thể bị quấy rầy bởi những chúng sanh quanh ta. Khi tâm còn có thói quen chỉ nhìn thấy khía cạnh phiền não của mọi vấn đề, ta càng thấy hình như những hoàn cảnh không thuận lợi thưòng xảy đến cho ta. Ta gặp những người chống đối ta nhiều hơn. Nếu chỉ những việc nhỏ nhặt, không quan trọng cũng có thể khiến tâm đau khổ, ta sẽ trở nên một người dễ cáu gắt. Nguyên nhân chính của vấn đề là tâm cùng cực ích kỷ của ta.
Khi chúng ta nhìn mọi thứ như đều có vấn đề, thì việc nhỏ mọn như phải ăn đồ nguội lạnh cũng khiến tâm ta bất ổn. Cách ăn mặc, vẻ dáng của người khác nếu không hợp mắt ta, cũng khiến ta bực bội, khó chịu. Tiếng ồn trong đêm khuya đánh thức ta dậy cũng khiến ta nổi giận. Để rồi suốt ngày hôm sau, người chung quanh phải nghe ta ca cẩm: "Đêm hôm qua tôi không thể ngủ được vì thứ này, thứ kia". Chỉ ngủ không đủ giấc cũng đã là một vấn đề, một phiền não không thể tưởng được.
Bản tánh của tâm là thường suy nghĩ theo thói quen. Khi ta có thói quen xem tất cả mọi việc gì không theo đúng ý mình là có vấn đề, thì việc nhỏ cũng thành vấn đề lớn. Tâm ta do đó luôn cảm thấy nặng nề, đau khổ. Khiến ta không thể chịu đựng được gì. Tất cả mọi người, mọi việc đều trở thành kẻ thù, chướng ngại cho ta. Tất cả những gì ta nghe, thấy, ngửi, sờ, nghĩ đều khiến ta bực bội. Cuộc đời ta dần dần sẽ đầy những khổ đau, chán nản, nghi ngờ, đưa đến sụp đổ tinh thần. Ta sẽ khó có thể được hạnh phúc dầu chỉ một ngày, hay một giờ.
Tuy nhiên vì không biết tất cả là do lỗi của ta, do thói quen suy nghĩ của tâm, ta quay qua đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh bên ngoài. Và càng nghĩ là tại lỗi của người khác, ta càng thấy thêm tức giận, khổ đau. Giống như đổ dầu thêm vào ngọn lửa đang cháy. Các bậc thánh thì trái lại, đều coi mọi người là bạn, bất cứ việc gì xảy đến, họ đều chấp nhận đưọc. Tất cả đều là duyên lành, tất cả đều là không.
Hãy Chuyển Hóa Tâm:
Khi bạn gặp chướng ngại gì, đừng quên xét đến những khía cạnh tích cực của chúng, và hãy nhớ thực hành từ bi hỉ xả, thì mọi việc đều trở nên dễ chấp nhận hơn. Lúc đó, chướng ngại không còn làm bạn đau khổ nữa.
Dầu bạn có bao nhiêu vấn đề, cũng không cần phải để chúng bận tâm bạn. Khi phải đối mặt với những việc không như ý, điều quan trọng là hãy nghĩ đến những khổ đau, bực bội bạn phải gánh chịu, nếu như bạn có thái độ không chấp nhận chúng.
Nên nhớ, có những hoàn cảnh ta có thể sửa đổi, nhưng cũng có những cảnh ngộ, ta phải chấp nhận chứ không thể làm gì khác hơn. Thí dụ, dầu bạn có ước ao thế nào căn nhà của bạn cũng không thể biến thành vàng. Mặt đất không thể thành mặt trời hay ngược lại. Vậy tại sao phải để chúng làm ta bực bội, tức giận?
Dầu cho việc gì xảy ra, hãy tự nhủ: "Đây là một cơ hội cho ta tu tập". Ngay đối với các tai nạn như bị rắn cắn, dầu vết thương có bị mổ sẻ, ta cũng cần nhớ là ta đã may mắn được cứu sống.
Hãy suy gẫm về những kinh nghiệm sống của ta, về những gì mà ta coi là vấn đề và hậu quả của cách suy nghĩ đó. Dựa vào đó, hãy lập quyết tâm rằng: "Từ bây giờ, dù gặp hoàn cảnh gì, tôi cũng không để tâm phải phiền não vì chúng. Tôi sẽ tiếp nhận mọi chướng ngại với một thái độ tích cực hơn". Thái độ cứng rắn, quyết tâm như thế rất cần cho ta.
Quyết tâm đó sẽ thúc đẩy ta tinh tấn luyện tâm như người nài kiên nhẫn tập luyện con ngựa của mình. Dầu gặp chướng ngại, lúc nào người nài cũng cố gắng làm chủ con ngựa, để không bị té ngã, ảnh hưởng đến mạng sống của mình. Người nài có thể làm được điều đó, do cơ thể anh đã trở nên thuần thục với mọi động tác của ngựa. Cũng thế, khi gặp chướng ngại hay hoàn cảnh khó khăn, ta phải nhanh chóng chấp nhận chúng một cách an nhiên, không để chúng xáo động tâm ta. Thái độ chấp nhận chướng ngại cần phải an nhiên như thể ta đón nhận món quà, hay thửơng thức âm nhạc. Làm được như thế thì lúc nào ta cũng hạnh phúc dù ta bị phê bình, sống trong nghèo khó, thất bại, bịnh hoạn hay cận kề cái chết. Không có gì có thể làm tâm ta xáo động. Ta sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc. Không cần một cố gắng nào, ta sẽ tự nhiên nhận thấy được những lợi ích của các chướng ngại. Và càng thấy được sự lợi ích của chúng, ta càng không ngại ngần khi đối mặt với chúng.
Xem Chướng Ngại Như Niềm Vui:
Điều quan trọng là bạn cần phải chuẩn bị chu đáo trước khi có thể thực sự thực hiện đưọc những điều trên. Có sự luyện tập nhuần nhuyễn thì khi rơi vào nghịch cảnh, ta mới có thể dể dàng áp dụng phương thức chuyển tâm quen thuộc.
Để có thể chuyển phiền não thành an vui, không thể chỉ có thái độ xem phiền não là cách giúp ta tu tập. Như thế vẫn chưa đủ, ta còn cần phải xem phiền não như là một điều kiện tất yếu giúp ta thực hành các đạo hạnh.
Hãy chấm dứt ý nghĩ ghét bỏ các phiền não. Hãy nuôi dưỡng tâm rộng mở đón nhận chúng sẽ giúp tâm được an vui. Bằng cách đó, ta có thể tiếp tục tu tập mà không cảm thấy chán nản, lo âu. Cứ tiếp tục luyện tâm như thế, ta sẽ có thể chuyển đồi tâm ta thành an nhiên tự tại.
Nhờ thế dù ta gặp phải hòan cảnh nào, tâm ta vẫn an nhiên. Có nghĩa là ta dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh của mình hơn. Đó là cách giúp ta đối mặt với bịnh tật và những vấn đề khác trong cuộc sống.
Tóm lại, hãy luyện tâm để ta có thể nhìn thấy mặt tích cực của mọi vấn đề. Một hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, tùy thuộc vào cách nhìn, cách phán đoán sự việc của ta. Hạnh phúc hay khổ đau, tất cả tùy thuộc vào cách nhìn, vào thái độ của ta.
Diệu Liên-Lý Thu Linh
(Trích dịch theo Transforming Problems into Happiness)