- Lời Dẫn Nhập
- 01. An Trú Hiện Tại
- 02. Phép Quán Niệm Hơi Thở
- 03. Thương Thân
- 04. Câu Hỏi Và Trả Lời
- 05. Quán Thân Trong Thân
- 06. Chăm Sóc Cảm Thọ
- 07. Tưới Tẩm Hạt Giống Tốt
- 08. Chuyển Hóa Tận Gốc
- 09. Câu Hỏi Và Trả Lời
- 10. Tình Thương Chân Thật
- 11. Tam Pháp Ấn
- 12. Chuyển Hóa Khổ Đau
- 13. Buông Bỏ Tri Giác Sai Lầm
- 14. Câu Hỏi & Trả Lời
- 15. Hạnh Phúc Không Phải Là Vấn Đề Cá Nhân
- 16. Lục Độ Ba La Mật
- Kinh Văn
HƠI THỞ NUÔI DƯỠNG VÀ TRỊ LIỆU
Áp Dụng Kinh Quán Niệm Hơi Thở vào đời sống hàng ngày
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn
16. Lục độ ba la mật
Chúng ta ai cũng muốn được cư trú ở cõi nước an lạc, hạnh phúc và tự do; không ai muốn cư trú nơi cõi nước của sầu khổ, giận hờn và thù hận nên trong khóa tu này quý vị đã được cống hiến những phương pháp tu tập cụ thể để giúp quý vị vượt qua được bờ bên kia. Chúng ta muốn xa lìa bờ ghen tỵ, kỳ thị, hận thù và sầu khổ để tới bờ của Từ, Bi, Hỷ, Xả, của an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi. Vì vậy đức Thế Tôn đã cống hiến cho ta phép thực tập rất mầu nhiệm để ta có thể thực hiện được điều đó, đó là Lục Độ Ba La Mật. Chúng ta có thể thực tập vượt qua bờ bên kia ngay trong đời sống hàng ngày của ta bằng sáu phép ba la mật. Ta có thể vượt qua bờ bên kia bất cứ lúc nào ta muốn, vì ta đã được trao truyền con đường. Tôi xin trình bày Sáu Phép Ba La Mật như một đóa hoa gồm có sáu cánh; cái đài ở giữa là tâm hoa, ta viết chữ ''chánh niệm.'' Sáu cánh hoa tượng trưng cho sáu độ hoặc sáu phép tu: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ và bản chất của mỗi cánh hoa là tâm hoa, tức là chánh niệm.
Bố Thí Độ
Bố thí độ (dana paramita) tức là phép tu cúng dường, hiến tặng. Khi hiến tặng, ta được sinh qua bờ bên kia liền lập tức. Khi giận một người nào ta liền đau khổ. Nếu ta thực tập hiến tặng (bố thí), thì niềm sân hận trong ta được chuyển hóa và ta vượt sang được bờ bên kia ngay tức khắc, đó là bờ của vô sân, của an lạc, hạnh phúc và từ bi. Ta có ý muốn dâng tặng niềm vui cho người kia, muốn giúp người kia sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Điều này rất dễ thực tập. Ta biết trong chiều sâu tâm thức ta có hạt giống của sự độ lượng, sẵn lòng muốn làm cho người khác hạnh phúc. Những hạt giống và tâm hành này luôn luôn có mặt trong ta. Khi buồn giận, ta vung vãi sự buồn giận, bạo động và khổ đau lên những người quanh ta. Vậy điều thiết yếu trước tiên là trở về chăm sóc chính mình, thực tập tiếp xúc với hạt giống hiểu biết và thương yêu nơi tự thân. Thời gian đầu của mối liên hệ, ta cam kết là sẽ làm bất cứ điều gì cho người thương của ta hạnh phúc. Nhưng có lẽ bây giờ ta đang làm ngược lại với lời cam kết ấy. Vậy sự thực tập là trở về với cái tâm ban đầu, tiếp xúc với hạt giống thương yêu trong ta và làm đúng theo những lời mà ta đã cam kết, thì thế nào ta cũng làm cho người thương của ta hạnh phúc.
Ta không cần phải đi ra siêu thị để mua những món quà đắt tiền cho người thương. Có rất nhiều món quà ta có thể hiến tặng cho người thương ngay bây giờ và ở đây mà không cần tốn một đồng xu nào - ví dụ như nụ cười tươi mát và cái nhìn hiền từ của ta đã là những món quà quý giá và mầu nhiệm. Ta có khả năng hiến tặng không? Ta có thể hiến tặng cho người thương của ta niềm vui, sự vững chãi và thảnh thơi của ta không? ‘‘Thở vào, tôi biết tôi đang còn sống và người thương của tôi cũng đang còn sống bên tôi.’’ Với cái thấy ấy, ta sẽ nở được nụ cười tươi mát, nhìn với con mắt hiền từ và cơn giận trong ta sẽ tự dưng tan biến. Nụ cười tươi mát, niềm vui và khả năng biết trân quý sự có mặt của chính mình, của những người mình thương là một món quà rất lớn, đó chính là bờ của an lạc, hạnh phúc. Hoa trái của sự thực tập là thứ ta có thể gặt hái được liền ngay trong giây phút hiện tại, chứ không cần phải thực tập mười năm hay hai mươi năm sau mới đạt được. Nếu ta thực tập thở vào và thở ra trong chánh niệm, làm cho năng lực của định hùng hậu, thì tuệ giác sẽ phát sinh và ta có thể chuyển hóa được tình trạng. Điều này rất đơn giản và dễ thực tập; chỉ cần làm cho lòng thương (Từ bi) trong ta sống dậy là ta thực hiện được điều ấy. Đây là món quà do sự thực tập hiến tặng (Bố thí độ) đưa tới. Bố thí Ba la mật là phép thực tập có công năng đưa ta và người ta thương sang được bờ bên kia, bờ của an lạc và hạnh phúc. Ta cũng có thể hiến tặng chất liệu tự do của ta cho người khác, tự do đối với giận hờn, sầu khổ và quên lãng, tự do đối với những ràng buộc về quá khứ và mơ tưởng, lo sợ tới tương lai. Tự do nghĩa là ta có khả năng sống an lạc, thảnh thơi ngay bây giờ và ở đây. Tự do là hoa trái lớn nhất của người tu và cũng là món quà cao quý nhất mà ta có thể hiến tặng cho người ta thương. Ta có thể nói với người thương của ta: ''Em thương quý, món quà lớn nhất anh có thể dâng tặng em là tự do, là sự vô úy của anh.'' Nếu chúng ta cống hiến cho nhau chất liệu tự do thì đời sống của chúng ta chắc chắn sẽ được an vui và hạnh phúc.
Khi bị khống chế bởi những tâm hành phiền não, giận hờn và sầu lo, thì ta không phải là người có tự do, có hạnh phúc đích thực. Trong khóa tu này, chúng ta đã được học nghệ thuật buông bỏ - gọi là thả bò. Chúng ta đã học nhiều phương cách để phục hồi lại khả năng tự do của ta. Là một người tự do, ta có thể hiến tặng món quà đẹp nhất, cao quý nhất cho người ta thương, cho đời. Người đó có thể là người hôn phối của ta, là con trai, con gái, bạn bè hoặc có thể là kẻ thù của ta. Bằng phép thực tập bố thí Ba la mật, ta có thể biến kẻ thù thành bạn. Bố thí Ba la mật là phép thực tập rất cao thâm, hữu hiệu và mầu nhiệm.
Đức Thế Tôn có nói rằng khi mình còn phiền giận một người nào, dầu mình cố tìm đủ cách để xua đuổi cái phiền giận ấy đi, thì cơn giận vẫn còn y nguyên. Tôi xin đề nghị một phương pháp thực tập rất có hiệu quả, đó là tặng cho người ta đang phiền giận một món quà. Khi quý vị chưa hờn giận người kia, quý vị nên làm sẵn một món quà cho người kia, rồi hãy cất giữ đó. Trong khi gói quà, quý vị hãy làm với tất cả tình thương yêu, lòng biết ơn và nghĩ như thế này: ''Mình đang gói món quà này cho anh ấy. Trái tim của mình đang tràn ngập tình thương yêu và lòng biết ơn. Mỗi cử chỉ của mình đều được phát xuất từ tình thương và lòng biết ơn ấy. Ước mong của mình là muốn làm cho người mình thương được hạnh phúc. Thế nào mình cũng có dịp gởi món quà này cho anh ấy.'' Quý vị hãy thực tập phương pháp tặng quà này với ý thức rằng bản chất của người thương của mình là Vô thường; một ngày nào đó người ấy sẽ xa lìa mình. Món quà mà quý vị đang làm có thể một ngày nào đó sẽ giúp quý vị phục hồi lại tình thương, là bảo bối cứu giúp quý vị trong tình trạng nguy khó. Khi giận người ấy quý vị hãy đi tới bưu điện và gởi món quà cho người ấy. Sau khi gởi món quà đi rồi, tôi bảo đảm quý vị sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Quý vị có bao giờ thực tập phương pháp này chưa? Quý vị hãy thử xem. Tôi cam đoan là nó sẽ thay đổi tình trạng của quý vị rất mau chóng.
Có nhiều cách khác để thực tập phép bố thí Ba la mật. Khi phát nguyện tiếp thọ Ba Sự Quay Về (Tam Quy) và Năm giới, sống đúng theo tinh thần của Năm giới, ta sẽ bảo hộ được ta và những người ta thương. Năm giới quý báu là những nguyên tắc thực tập rất cụ thể, mầu nhiệm có công năng đưa ta sang được bến bờ của bình an, giải thoát và hạnh phúc. Thực tập Năm giới cho sâu sắc, ta sẽ thực hiện được phép bố thí Ba la mật. Quý vị không cần phải là người giàu có mới có thể thực hiện phép bố thí. Sự thật là mình giàu có hơn mình tưởng rất nhiều. Quý vị có thể làm cho nhiều người hạnh phúc bằng sự thực tập bố thí Ba la mật. Quý vị chỉ cần trở về với chính mình, thực tập hơi thở chánh niệm và nhận diện để thấy rằng mình có rất nhiều châu báu của hạnh phúc, niềm vui, tình thương yêu, hiểu biết và tự do để hiếu tặng; quý vị có rất nhiều yếu tố có thể làm cho nhiều người hạnh phúc. Nếu biết xử lý năng lực và thì giờ của mình một cách khôn khéo, mình có thể làm cho rất nhiều người hạnh phúc. Khi làm cho người khác hạnh phúc, tự thân mình cũng sẽ được hạnh phúc. Trong khi quý vị thực tập chánh niệm và đồng thời giúp cho người khác thực tập chánh niệm, quý vị sẽ cùng với họ chế tác ra sức sống rất hùng hậu gọi là pháp sống. Đây gọi là Pháp thí. Khi đã tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt của các pháp, quý vị vượt thoát được sợ hãi, chứng đạt được vô úy. Có được đức vô úy, quý vị sẽ giúp được người khác chuyển hóa khổ đau, sợ hãi và giúp họ sống an vui, tự do và hạnh phúc như mình. Đó là phép bố thí cao quý nhất trong tất cả các loại bố thí - tức là hiến tặng sự không sợ hãi, danh từ chuyên môn gọi là Vô úy thí. Có tất cả ba loại bố thí: thứ nhất là Tài thí, thứ hai là Pháp thí và thứ ba là Vô uý thí.
Quý vị cũng đã được học về giáo lý tánh Không (the teaching on the nature of emptiness) trong sự bố thí. Theo tinh thần của giáo lý tánh Không, thì chúng ta phải thực tập bố thí theo tinh thần vô phân biệt, không kỳ thị và không đặt điều kiện. Đây là hành động cao siêu nhất của sự bố thí. Nếu quý vị bố thí theo tinh thần Bồ Tát, nghĩa là bố thí mà không thấy có người bố thí, người tiếp nhận sự bố thí và phẩm vật bố thí, thì công đức vô lượng và hạnh phúc sẽ rất lớn. Xin quý vị học hỏi sâu thêm về giáo lý này để phép thực tập bố thí đạt tới hiệu quả lớn hơn. Càng bố thí ta càng hạnh phúc và ta làm cho nhiều người chung quanh ta hạnh phúc.
Tinh Tấn Độ
Tinh tấn là phép thực tập thứ hai của sáu phép tu Ba la mật (Lục độ Ba la mật) có công năng giúp ta vượt qua bờ bên kia. Ta đã được học và biết rằng trong tâm thức ta có rất nhiều loại hạt giống (chủng tử): hạt giống thiện và hạt giống bất thiện. Ta cần có đủ thì giờ và năng lực để trở về với tự thân và thực tập tưới tẩm những hạt giống của niềm vui, an lạc, tình thương, lòng tha thứ và bao dung trong ta mỗi ngày. Làm cho những hạt giống tốt, thánh thiện trong ta được phát triển liên tục, đó đích thực là sự thực tập tinh tấn. Muốn cho sự thực tập tinh tấn được thành công, ta phải thực tập như một Tăng thân, một cộng đồng, chúng ta phải giúp đỡ và yểm trợ nhau, nghĩa là phải tạo ra một môi trường sống thật tốt lành trong đó mọi người sống đúng theo tinh thần Năm giới, an trú vững chãi trong chánh niệm, không để cho những yếu tố độc hại của xã hội xâm chiếm, trấn ngự và làm ô nhiễm ta.
Ta phải tổ chức đời sống tu tập của ta như thế nào để những hạt giống tốt trong tâm thức của mỗi cá nhân và cộng đồng được tưới tẩm và phát triển mỗi ngày. Ta có thể mời những người thương của ta cùng thực tập chung. Ta có thể nói với người thương của ta như thế này: ''Anh yêu quý, nếu muốn chăm sóc em, muốn cho em có hạnh phúc, thì xin anh tưới tẩm những hạt giống tốt trong em mỗi ngày. Em biết trong em có khả năng thương yêu, hiểu biết, tha thứ và bao dung. Em rất cần sự yểm trợ, nâng đỡ của anh để sự thực tập của em được thành công dễ dàng. Em biết nếu em hạnh phúc, thì anh cũng hạnh phúc. Em nguyện thực tập để nhận diện những hạt giống tốt nơi anh và em sẽ cố gắng làm hết khả năng của em để tưới tẩm và vun trồng những hạt giống tốt ấy nơi anh để chúng được phát triển mỗi ngày. Em hứa sẽ không tưới tẩm những hạt giống tiêu cực như buồn giận, bực bội và nghi ngờ nơi anh và em cũng mong anh thực tập như vậy đối với em.'' Đây là ngôn ngữ thương yêu đích thực. Mặt khác ta không muốn tưới tẩm những hạt giống tiêu cực, bất thiện trong ta như hạt giống thiếu niềm tin cậy, hận thù, ghen tỵ và kỳ thị... Ta cũng không muốn người thương của ta tưới tẩm chúng mỗi ngày, vì làm như vậy ta sẽ khổ. Nếu ta khổ, thì người thương của ta cũng sẽ khổ. Và đây là sự thực tập: ''Con nguyện sẽ không để cho những hạt giống tiêu cực trong con bị tưới tẩm mỗi ngày. Con nguyện ăn uống và tiêu thụ có chánh niệm để những hạt giống tiêu cực trong con không bị tưới tẩm. Con ý thức rằng nếu con không biết hộ trì thân tâm, để cho những hạt giống tiêu cực trong con bị tưới tẩm thì chúng sẽ phát triển lớn mạnh, như vậy con sẽ khổ và sẽ làm cho những người con thương khổ. Con ý thức rằng nỗi khổ của người kia sẽ ảnh hưởng đến con, sẽ làm cho con bị ngột ngạt.'' Ta phải rất chánh niệm, phải quyết tâm trong sự thực tập. Đó là sự thực tập tinh tấn đích thực. Ta có thể ký một Hiệp ước sống chung an lạc với mọi người trong gia đình ta. Có những lúc ta sống rất hòa thuận với nhau, mọi người ngồi quây quần bên nhau, uống những tách cà phê, trà rất đầm ấm và hạnh phúc. Trong những dịp như thế, ta nhân cơ hội đó để ký hiệp ước cho hạnh phúc của ta, của con cháu ta, của cha mẹ và bè bạn ta. Tinh tấn phải được thực tập trong ánh sáng của giáo lý Tứ chánh cần - bốn phép thực tập siêng năng:
Thứ nhất: Khi những hạt giống bất thiện, tiêu cực như hạt giống của hờn giận, trách móc, ghen tỵ, kỳ thị trong tâm thức ta chưa phát khởi, ta phải làm mọi cách để cho những hạt giống tiêu cực, bất thiện ấy không có cơ hội bị tưới tẩm và phát khởi.
Thứ hai: Khi những hạt giống tiêu cực đã biểu hiện lên trên vùng ý thức, ta hãy thực tập nhận diện, ôm ấp và đưa chúng trở lại tàng thức dưới trạng thái của hạt giống. Nếu một hoặc hai hạt giống bị tưới tẩm và biểu hiện trên vùng ý thức, ta hãy chăm sóc chúng và đưa chúng trở về với nguồn gốc của chúng càng nhanh càng tốt. Nếu ta nhởn nhơ, đùa giỡn với chúng, để cho chúng hiện hành quá lâu trong vùng ý thức của ta, thì chúng sẽ gây ra nhiều tai họa và đổ vỡ.
Thứ ba: Nếu những hạt giống tốt, tích cực trong tâm thức ta chưa biểu hiện thì ta thực tập tưới tẩm để làm cho chúng biểu hiện lên trên vùng ý thức của ta. Ta biết rằng trong chiều sâu tâm thức ta có những hạt giống tốt như những hạt giống thương yêu, hiểu biết, tha thứ và bao dung...; ta phải cố gắng làm đủ mọi cách để tiếp xúc với chúng mỗi ngày để cho chúng có cơ hội biểu hiện lên trên vùng ý thức của ta.
Thứ tư: Khi những hạt giống thiện đã biểu hiện lên trên vùng ý thức, ta phải tìm cách khéo léo để duy trì chúng ở lại càng lâu càng tốt. Những tâm hành đó là những khách quý của ta. Những năng lượng ấy càng ở lâu trên vùng ý thức của ta chừng nào, thì tàng thức của ta càng được nuôi dưỡng, trong sáng và hùng mạnh chừng ấy.
Đó là phép thực tập tinh tấn thứ tư của Tứ chánh cần. Tinh tấn không phải là một danh từ trừu tượng, mà là sự thực tập rất thiết thực. Ta thực tập chung với cha mẹ, con cái và xã hội ta. Thực tập tưới tẩm cho nhau những hạt giống tốt sẽ giúp ta vượt qua được bờ bên kia rất mau chóng. Đây gọi là sự thực tập chuyển căn - chuyển hóa tận gốc.
Bây giờ chúng ta hãy trắc nghiệm lại tất cả những gì mình đã được học trong gần ba tuần qua. Trong khóa tu hai mươi mốt ngày, chúng ta đã tạo cơ duyên, môi trường tốt cho những hạt giống lành, tích cực trong ta được tưới tẩm. Tất cả những gì tôi đã cống hiến, trao truyền cho quý vị đều đã có sẵn trong tự thân của quý vị dưới hình thức của hạt giống. Tăng thân và tôi chỉ giúp khai mở, tưới tẩm những hạt giống ấy nơi quý vị mà thôi. Đất tâm của chúng ta đã được thấm nhuần bởi những cơn mưa pháp và nhờ chúng ta đã mở lòng đón nhận một cách chân thành nên những cơn mưa pháp đã chạm tới được những hạt giống tốt trong ta. Nhiều người trong chúng ta đã gặt hái được nhiều kết quả, nếm được hương vị của an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc và giải thoát; đã thiết lập lại được niềm tin của mình trong sự thực tập. Ta làm được như vậy là nhờ sự dìu dắt, nâng đỡ và muôi dưỡng của Tăng thân.
Tổ chức khóa tu là chúng ta tạo cơ duyên, điều kiện cho những cơn mưa pháp có cơ hội thấm vào lòng đất tâm của chúng ta để cho hạt giống thương yêu, hiểu biết, tha thứ, bao dung trong ta được nẩy mầm và người nào cũng được thừa hưởng. Trong khóa tu, có khi chúng ta chưa cần làm gì cả, không cần tu tập có tính cách sít sao mang nặng hình thức, ta chỉ mở lòng và cho phép những cơn mưa pháp và năng lượng của tăng thân đánh động tới những hạt giống tốt trong tâm thức ta thôi cũng đủ cho ta được nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa. Chúng ta nên tổ chức khóa tu thường xuyên hơn - khóa tu dài hạn hay ngắn hạn, điều đó tùy khả năng và điều kiện. Tổ chức một ngày chánh niệm hoặc chỉ nửa ngày chánh niệm cũng tốt, bởi vì đó là cơ hội cho mọi người thuộc nhiều Tăng thân đến để tu tập, để cùng nuôi dưỡng, nâng đỡ và yểm trợ nhau; có mặt cho nhau và cùng nhau đi thiền, ngồi thiền, ăn cơm trong chánh niệm, chia sẻ những khó khăn và phương cách thực tập để chuyển hóa khó khăn, khổ đau v.v... Một ngày hoặc nữa ngày tu chánh niệm như thế chắc chắn sẽ đem lại rất nhiều lợi lạc và nuôi dưỡng.
Xem Ti Vi Trong Chánh Niệm
Là cha mẹ, chúng ta có thể bàn bạc với con cái của ta về phương cách sử dụng máy truyền hình hay máy vi tính như thế nào cho thông minh để những hạt giống tiêu cực như bạo động, căm thù, kỳ thị và thèm khát trong mỗi người không bị tưới tẩm. Nếu con cái của quý vị xem chương trình phim ảnh có chứa đựng quá nhiều chất liệu bạo động, thèm khát và sợ hãi - dù bộ phim đó rất hào hứng làm cho chúng say mê, thì chúng cũng sẽ mệt mỏi, tê liệt sau một giờ đồng hồ tiêu thụ. Quý vị có thể nói chuyện với con mình bằng ngôn từ hòa ái, cởi mở và xây dựng: ''Này con ạ, có chuyện này ba/mẹ muốn thảo luận với con. Con có thể ngưng xem ti vi một chút được không?'' Rồi quý vị có thể hỏi con xem chúng nó cảm thấy như thế nào trong khi xem cuốn phim ấy. Chúng có cảm thấy bình an và hạnh phúc sau khi xem cuốn phim như thế hay không? Lúc ấy con của quý vị sẽ có cơ hội chia sẻ cái cảm giác, nhận thức của chúng cho quý vị nghe. Sau khi nghe xong, cả gia đình có thể bàn thảo với nhau và đi tới phương pháp hay, thông minh nhất về việc sử dụng ti vi, xem phim ảnh. Cố nhiên không phải chương trình truyền hình nào cũng dỡ, cũng độc hại; có rất nhiều chương trình truyền hình hay, lành mạnh có thể nuôi dưỡng tình thương và mở rộng kiến thức của ta. Tôi biết có một gia đình nọ ở thành phố Boston, sau khi biết tu tập, họ đã ngồi lại với nhau để bàn bạc về việc sử dụng máy truyền hình và đã đi tới một giải pháp rất hay trong việc sử dụng máy truyền hình; họ chọn những chương trình lành mạnh và cả gia đình cùng ngồi xem chung với nhau. Vào những buổi xem phim như thế, họ ăn mặc rất trang nhã như thể đi xem phim ở rạp xi nê. Họ quây quần tại phòng khách và xem một cuốn phim đã được tuyển chọn bởi một thành viên trong gia đình. Trong đời sống hàng ngày, họ giới hạn xem truyền hình, họ có ký Hiệp ước sống chung an lạc với nhau nên họ rất thận trọng khi có ý muốn xem truyền hình, xem phim, chứ không phải ai muốn xem lúc nào thì xem. Tôi thấy giải pháp đó rất hay.
Một hôm tôi có buổi phỏng vấn với ký giả của tờ báo Phụ Nữ ở Paris. Tôi đã kể câu chuyện này. Cô ký giả mời tôi chia sẻ một vài sự thực tập cụ thể cho những đọc giả của tờ báo Phụ Nữ và tôi đã chia sẻ với họ một ví dụ về một cặp vợ chồng có khó khăn với nhau. Họ không truyền thông, nói chuyện được với nhau, không khí trong gia đình càng ngày càng trở nên ngột ngạt, cả hai người không nhìn nhau được nữa và cuối cùng họ đều nhìn về một hướng cho bớt khổ, đó là hướng ti vi. Tôi nói rằng quý bà có thể thực tập như thế này: trong khi người chồng đang xem ti vi, thì người vợ với năng lượng chánh niệm vững mạnh tới bên cạnh, xin ông ngưng xem ti vi một chút và nói với chồng mình như thế này: ''Thưa anh, em có chuyện này xin được bàn thảo với anh. Anh có thể ngưng xem ti vi vài phút được không?'' Ông chồng vốn là một người trí thức nên giữ phép lịch sự mà chấp thuận và tắt máy ti vi. Sau khi ông đã tắt máy ti vi, bà hãy nhìn chồng một lúc, rồi hỏi: ''Này anh, có phải chúng ta là một cặp vợ chồng có hạnh phúc không? Nếu không, thì tại sao? Chúng ta có thể nhìn lại để xem nguyên do nào đã khiến cho chúng ta mất đi sự hòa nhã, mất đi hạnh phúc đến nỗi bây giờ không thể nói chuyện được với nhau? Những năm đầu chúng ta hạnh phúc lắm mà, phải không anh? Sao bây giờ lại như vậy? Chúng ta có thiếu thốn gì không về phương diện vật chất, công ăn việc làm, tiền tài và danh vọng? Nếu không thiếu thốn gì, vậy thì tại sao chúng ta không hạnh phúc?'' Thiền tức là dừng lại và nhìn sâu để tìm hiểu những nguyên do đưa đến tình trạng bế tắc, không hạnh phúc trong gia đình hoặc trong mối liên hệ giữa vợ chồng, cha con và mẹ con với nhau v.v...
Là một cá nhân, một cặp vợ chồng, một gia đình, liên hệ cha con, mẹ con, anh, chị, em với nhau, quý vị có đủ sự thông minh và khả năng thực tập nhìn sâu để tìm ra những nguyên do tại sao quý vị không hạnh phúc. Nhìn sâu vào sự thật thứ nhất tức là khổ đế, ta sẽ khám phá ra sự thật thứ hai - khổ tập đế - những nguyên do, những điều kiện đã đưa tới cái khổ đó; và quý vị phải tập nhìn qua lăng kính của bốn loại thực phẩm (Đoàn thực, Xúc thực, Ý tư thực và Thức thực) đã có tác dụng nuôi dưỡng và tưới tẩm những khổ đau của quý vị. Khi hiểu được nguồn gốc của khổ, quý vị có thể loại trừ, xa lìa chúng. Quý vị nên bàn thảo về phương pháp làm mới hữu hiệu giữa vợ chồng, cha con, mẹ con với nhau. Dù vấn đề khó khăn, bế tắc cách mấy, quý vị vẫn có thể làm cho mối liên hệ mới trở lại, chuyển đổi được tình trạng, nối lại tình thâm với nhau. Ngày hôm qua có một cặp vợ chồng trong khóa tu này đã làm mới với nhau và sự thực tập đã làm họ cảm thấy như họ vừa mới đám cưới trở lại. Pháp môn Làm Mới rất hữu hiệu; người nào cũng có thể thực tập thành công.
Khi mới quen nhau, yêu nhau, ta thấy cái gì cũng đẹp, dễ thương; ta nhìn nhau suốt ngày mà không thấy chán, không thấy đói. Ta nói: ''Khuôn mặt của em đẹp quá. Đôi mắt của em dễ thương quá. Em là người anh thương yêu nhất trên đời. Không có em, anh không thể sống được.'' Ta dành rất nhiều thì giờ ngồi bên nhau, có mặt cho nhau và nhìn nhau hoài mà không thấy mệt, thấy đói. Tình yêu ban đầu lúc nào cũng đẹp đẽ, trong sáng và tràn đầy sự chấp nhận. Nhưng vì ta không biết thực tập chăm sóc, vun bón, tưới tẩm và nuôi dưỡng mối tình đầu đẹp đẽ ấy, nên ta đã biến tình yêu của ta thành hận thù, ta bắt đầu tưới tẩm cho nhau những hạt giống tiêu cực. Ta bắt đầu thay đổi thái độ cư xử, cách nhìn và nói: ''Bà bây giờ như bà chằng, không dễ thương như ngày xưa nữa. Bây giờ nhìn bà tui thấy chán ngấy, không thoải mái chút nào.'' Bây giờ ta không muốn nhìn nhau nữa. Vì vậy để cho đỡ khổ, ta nhìn về hướng ti vi. Ta trốn chạy khổ đau bằng cách đó. Đó là bi kịch của rất nhiều gia đình trong xã hội chúng ta. Người ta muốn trốn chạy, muốn quên đi những khó khăn, khổ đau bằng đủ mọi phương tiện. Ti vi là một phương tiện để trốn chạy; sa vào xì ke ma tuý, sống lang thang ngoài phố chợ, la cà nơi những quán rượu cũng là những cách để trốn chạy khổ đau v.v... Sự thực tập là phải trở về và đối diện với thực trạng của ta. Trốn chạy không phải là giải pháp. Cho nên ta phải tắt ti vi, bắt đầu nhìn nhau và cùng nhau đặt lại những vấn đề thiết thực. Ta phải công nhận là trong gia đình ta đang có khổ đau, đang bị bế tắc và phải cùng nhau nhìn lại để tìm ra những nguyên do tại sao gia đình mình không có hạnh phúc, tại sao mọi người không truyền thông được với nhau; có phương pháp tu tập nào có thể giúp ta tái lập lại sự truyền thông, phục hồi lại hạnh phúc và niềm an vui cho nhau hay không?
Có những người cho rằng thiền tập (đi tu) tức là trốn tránh thực tại; nghĩ rằng người tu khi đã đạt tới trạng thái giải thoát, siêu việt, thì họ không màng tới vấn đề thực trạng của đời sống nữa. Nghĩ như thế là không đúng; thiền tập - cụ thể qua phép tu tập chánh niệm, là lối sống giúp ta trực diện, ôm ấp và xử lý những vấn đề thiết thực trong hiện tại. Vì vậy tu thiền không phải là hành động trốn tránh thực tại.
Các cơ quan bảo vệ sức khỏe cho dân chúng đã đưa ra quy luật bắt các công ty sản xuất thuốc lá ghi câu cảnh tỉnh, cảnh báo lên các bao thuốc lá: “Hút thuốc sẽ có hại đến sức khỏe.'' Những câu cảnh báo như thế nên được ghi và dán lên trên các màn ảnh của ti vi, máy vi tính, bởi vì có hàng triệu người đã bị đầu độc khi xem những chương trình ti vi có tính cách độc hại, chứa đựng nhiều chất liệu bạo động, căm thù, kỳ thị và thèm khát. Cho nên ta có thể ghi câu cảnh tỉnh: ''Xem ti vi có thể bị độc hại đến thân tâm.'' Vì vậy ta phải có chánh niệm, phải tỉnh thức mỗi giây mỗi phút trong đời sống hàng ngày của ta, bởi vì chỉ có chánh niệm mới bảo hộ được ta và con em của ta. Tôi nghĩ vấn đề này phải được đem ra bàn thảo trong các cơ quan chính quyền, cơ quan lập pháp. Chúng ta phải thi thiết những pháp luật mới để bảo vệ ta, bảo vệ con em ta và dân tộc ta từ những sản phẩm văn hóa có tính cách độc hại thân tâm, phá hoại nền đạo đức của nhân loại. Chúng ta sản xuất ra vô số những sản phẩm tiêu thụ có chứa đựng quá nhiều những chất liệu bạo động, hận thù và thèm khát; những chất liệu ấy đã tưới tẩm những hạt giống xấu, tiêu cực và bất thiện trong ta và trong con em của chúng ta. Siêng năng (tinh tấn) phải được thực tập như một quốc gia. Những nhà chính trị, ký giả, nhà văn, thầy giáo, cô giáo và những nhà tâm lý trị liệu phải có trách nhiệm đóng góp phần mình trong việc gây ý thức về thực trạng của xã hội để mọi người cùng thức dậy và tìm ra những biện pháp cụ thể nhằm bảo hộ chúng ta và các thế hệ tương lai. Đây là việc làm rất cấp bách và cả quốc gia cùng làm mới thành công.
Trì Giới Độ
Phép thực tập thứ ba giúp ta vượt sang được bờ bên kia là trì giới. Năm giới là những nguyên tắc hướng dẫn chúng ta đi về hướng an lạc, giải thoát và giác ngộ. Năm giới có công năng bảo hộ bản thân, gia đình, xã hội, dân tộc và đất nước. Vừa qua, sư cô Chân Không đã đề nghị chúng ta gửi cho tổng thống Bill Clinton quyển sách nói về sự học hỏi và thực tập về Năm giới và hỏi ông xem có cách nào để thực thi những nguyên tắc ấy trên toàn quốc không. Bởi vì nếu mọi người trên toàn quốc sống theo tinh thần Năm giới, thì khổ đau sẽ được chuyển hóa rất nhiều, đất nước sẽ trở nên an bình, hạnh phúc hơn.
Giới tướng của Năm giới có thể được trình bày theo tinh thần phi tôn giáo - nghĩa là trình bày như thế nào để có thể lấy đi bớt những chất liệu, âm hưởng có tính cách tôn giáo, giáo điều và lễ nghi để những người khác tôn giáo có thể chấp nhận và thực tập được một cách dễ dàng. Thực ra tinh thần Năm giới cũng được tìm thấy rải rác trong các hệ thống giáo lý của tất cả các truyền thống tâm linh. Nếu trong đời sống hàng ngày chúng ta học hỏi và tập sống theo tinh thần Năm giới, thì tự thân sẽ được bảo hộ và chúng ta sẽ tạo dựng được một xã hội, thế giới hòa bình và hoàn thiện hơn. Năm giới là một món quà rất quý giá. Thực tập theo tinh thần Năm giới, ta sẽ thiết lập được chất liệu vững chãi, an lạc, thảnh thơi, từ bi và lòng bao dung trong ta. Những chất liệu ấy là món quà quý giá nhất ta có thể hiến tặng cho người thương của ta và đóng góp vào việc tạo dựng hòa bình cho nhân loại.
Muốn thực tập Năm giới có hiệu quả, ta phải thực tập như một tăng thân, một cộng đồng, một dân tộc, phải biết nương tựa vào Tăng thân; thực tập một mình sẽ khó gấp trăm lần. Nếu mọi người trong gia đình cùng sống theo tinh thần Năm giới, ta sẽ tránh được nhiều lầm lỗi, tránh gây khổ đau cho nhau. Nếu người nào cũng thực tập phương pháp lắng nghe sâu với tâm từ bi, sử dụng ngôn từ hòa ái, dịu dàng và xây dựng, thì chúng ta sẽ chuyển đổi được tình trạng trong gia đình. Nếu tự thân, gia đình ta thực tập thành công, thì năng lượng bình an, hài hòa và hạnh phúc của gia đình sẽ có ảnh hưởng rất tốt vào xã hội. Các cháu thiếu nhi cũng có khả năng thực tập hạnh lắng nghe sâu và ái ngữ như những người lớn trong gia đình.
Nhẫn Nhục Độ
Phép thực tập thứ tư của Lục độ Ba la mật giúp chúng ta vượt sang bờ bên kia là hạnh Nhẫn nhục - sự thực tập mở lòng để ôm lấy tất cả, không phân biệt, kỳ thị, theo phe. Tiếng Phạn là kshanti paramita. Nhẫn nhục Ba la mật nghĩa là không ghét bỏ một ai, không loại trừ một ai, là khả năng ôm lấy tất cả. Chữ Nhẫn nên dịch theo nghĩa bao dung, độ lượng thì hay hơn, vì chữ Nhẫn nhục có thể làm người ta hiểu lầm là sự cắn răng chịu đựng, chịu đựng như thế không phải là tinh thần của đạo Bụt, là không có trí tuệ và tình thương. Sức người có hạn, khi chịu đựng không nổi nữa, thì sẽ đưa tới hận thù, ghét bỏ v.v... Nếu tự luyện tập cho mình khả năng ôm lấy, bao dung, thì mỗi ngày trái tim của ta sẽ lớn rộng, bao la hơn và ta có thể ôm hết được tất cả mọi người vào lòng, chấp nhận được tất cả những khó khăn của họ mà không một lời than van, oán trách. Quý vị có nhớ hai ví dụ về tính chất của đất và nước không? Tính chất của đất rất sâu, dày và rộng, nhờ vậy mà đất có khả năng tiếp nhận, ôm lấy và chuyển hóa tất cả mọi thứ trong đó có các chất nhơ bẩn, hôi hám v.v... mà con người trút xuống. Đất không bao giờ tẩy chay, xua đuổi, ghét bỏ, kêu van hay oán trách một lời. Nước cũng vậy. Dung lượng của nước rất mênh mông, sâu rộng và uyển chuyển, vì thế nước có khả năng tiếp nhận, ôm lấy, dung chứa và thanh lọc tất cả. Đức Thế Tôn đưa ra ví dụ về một nắm muối được bỏ vào tô nước. Vì lượng nước trong tô quá ít nên khi bỏ nắm muối vào, thì nước trong tô trở nên quá mặn, không thể uống được. Nhưng cũng nắm muối đó mà nếu ta đem bỏ vào dòng sông, dòng sông sẽ hòa tan chúng, chuyển hóa chúng mà nước sông vẫn không biến đổi, ta vẫn dùng được. Nếu lòng ta tràn ngập chất liệu hiểu biết và thương yêu, thì ta có thể ôm lấy tất cả mà không bị đau khổ. Cho dù nếu có người nói hoặc làm điều gì xấu ác với ta, ta cũng không đau khổ, than trách, thù hận họ bởi vì ta có khả năng thương yêu, tha thứ và bao dung lớn trong lòng. Ta không loại trừ một ai; ta bước được những bước rất xa trên quá trình thương yêu. Lòng bao dung của ta được xuất phát từ sự hiểu biết và thương yêu lớn, chứ không phải do sự chịu đựng. Có rất nhiều cách để dịch chữ Nhẫn như nghĩa chịu đựng hoặc nhẫn nhục, nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất cao thâm của giáo lý, ta thấy rằng dịch chữ Nhẫn theo nghĩa bao dung, ôm lấy tất cả (inclusiveness) thì hay hơn, chính xác hơn.
Thiền Định Độ
Phép tu tập thứ năm của Lục độ Ba la mật có công năng giúp ta vượt sang bờ bên kia là thiền định. Thiền định nói cho đúng nghĩa gồm có hai phần: chỉ và quán. Khi ở trong tình huống khó khăn, bế tắc mà ta biết trở về với hơi thở chánh niệm, mỉm cười, thì ta có thể thay đổi được tình trạng, có thể tạo ra được phép lạ. Khi phục hồi lại được chất liệu vững chãi và thảnh thơi, ta có thể vượt qua được tất cả những tình huống khó khăn, tai ương và khổ nạn. Ví dụ có hai chàng trai trẻ sắp đánh nhau. Nếu một trong hai anh chàng có khả năng trở về thực tập hơi thở chánh niệm, anh ta sẽ biết rằng trong khi hai người đánh nhau, thế nào rồi cả hai cũng sẽ bị trọng thương và có thể đi vào bệnh viện. Thấy được như thế, anh ta nói: ''Anh thật sự muốn đánh hả? Tôi biết nếu làm như thế, chắc chắn cả hai chúng ta sẽ bị trọng thương.'' Cái thấy ấy sẽ giúp cho người kia thức tỉnh. Sau đó, thay vì đánh nhau, hai người có thể ngồi xuống thương thuyết, làm hòa với nhau. Khi chánh niệm có mặt thì định lực phát sinh và giúp ta dừng lại kịp thời. Vì vậy thiền tập trước hết là dừng lại, danh từ Phật học gọi là Chỉ. Khi Niệm lực và Định lực được phát triển hùng hậu thì Tuệ giác phát sinh; có tuệ giác, thì chỉ cần một tích tắc là ta có thể chuyển đổi được tình trạng; chỉ cần trong chớp nhoáng của ý thức, một hơi thở có chánh niệm là ta đã có thể đem lại sự chuyển hóa và trị liệu. Nếu thực tập hơi thở có ý thức một cách miên mật và đúng đắn, ta có thể thực hiện được những phép lạ, có thể can thiệp, ngăn chặn một bi kịch, một thảm họa sắp xảy ra. Ta trở thành vị Bồ Tát có khả năng phục hồi lại sự an bình và hòa giải.
Thiền định cụ thể qua sự thực tập chánh niệm có công năng giúp ta có mặt trọn vẹn và tiếp xúc được với những yếu tố mầu nhiệm, lành mạnh, tươi mát và trị liệu trong sự sống. Tiếp xúc và nuôi dưỡng ta với những yếu tố tích cực, lành mạnh như thế, ta có thể chuyển hóa, buông bỏ những yếu tố tiêu cực trong ta rất dễ dàng. Nếu không biết thừa hưởng và tự nuôi dưỡng mình với những yếu tố tươi mát, lành mạnh và mầu nhiệm đang có mặt cho ta mà cứ để thân tâm mình bị trấn ngự bởi những lo âu, giận hờn, ghen tỵ và kỳ thị thì thật đáng tiếc và đáng tội nghiệp cho bản thân. Ta không cần phải thực tập ngồi thiền mười năm, hai mươi năm mới có thể vượt qua được bờ bên kia; theo sự thực tập này, nếu thông minh, khéo léo thì chỉ cần vài phút là ta đã có thể làm được việc ấy rồi. Phép lạ có thể được thực hiện trong từng hơi thở có ý thức và bước chân chánh niệm của ta. Thiền sư Lâm Tế nói rằng: ''Phép lạ là đi trên mặt đất - Địa hành thần thông.'' Ta có thể chế tác chất liệu giác ngộ trong mỗi giây mỗi phút và giác ngộ, tự do là năng lực rất hùng hậu vốn sẵn có trong ta. Khi ta có năng lực của sự giác ngộ thì lòng ta cảm thấy thư thái, bao la như trời, vững chãi như núi và ta có thể tiếp xúc được với những yếu tố mầu nhiệm của sự sống đang dàn trãi quanh ta và trong ta.
Trí Tuệ Độ
Trí tuệ, tiếng Phạn là prajna được ví như là người Mẹ của tất cả các vị Bụt. Ở Ấn Độ, người ta tạc hình tượng một người phụ nữ tượng trưng cho Trí tuệ Ba la mật (prajnaparamita). Trí tuệ Ba la mật là loại trí tuệ có công năng giúp ta vượt qua được bờ bên kia. Trí tuệ ba la mật là Mẹ sinh ra các vị Bụt và Bồ Tát. Do đó ta mới có danh xưng Phật Mẫu. Chúng ta đều là con của Phật Mẫu. Nhờ trí tuệ mà ta được sinh vào dòng của chánh Pháp và lớn lên trong gia đình của những người con Phật. Khi hạt giống của hiểu biết (trí tuệ) trong ta được chạm tới và biểu hiện, thì tự khắc ta biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Ngay trong giây phút đó, ta đột nhiên thấy mình đang ở bên bờ của an lạc, hạnh phúc, vô úy và thương yêu. Nếu ta sắp lâm vào một cuộc tranh chấp, ta có thể thực tập thiền ôm mà ta đã được học. Khi giận người thương của ta và muốn chuyển hóa cơn giận, ta cần thực tập nhìn sâu, nhìn với con mắt Vô thường, Vô ngã và Tương tức. Như tôi đã trình bày trong những bài pháp thoại trước: Khi giận, quý vị hãy nhắm mắt lại và quán tưởng theo bài kệ:
''Giận nhau trong tích môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Em đâu và tôi đâu?''
Thực tập bài kệ này giúp ta chạm tới được hạt giống trí tuệ về Vô thường trong tàng thức của ta. Nếu quý vị nhắm mắt lại, thở vào, thở ra và quán tưởng mình và người thương của mình trong ba trăm năm sau, thì khi mở mắt ra, chắc chắn quý vị sẽ trở thành một con người khác, một con người hoàn toàn mới; cơn giận của quý vị đã được chuyển hóa, tan biến. Quý vị sẽ thấy rằng điều ý nghĩa và cần làm nhất ngay bây giờ là giang tay ra để ôm lấy người kia vào lòng với ý thức rằng mình và người thương của mình đang còn sống là một phép lạ. Quý vị tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm khi hạt giống hiểu biết trong tâm quý vị được chạm đến. Quý vị không cần vị Đạo Sư trao cho quý vị nguồn tuệ giác này hoặc đợi đến Bụt tương lai ra đời mới thực hiện được. Nếu quý vị biết cách tiếp xúc với tuệ giác Vô thường, Vô ngã và Tương tức nơi chính mình, thì Bụt tự thân của quý vị sẽ biểu hiện.
Con Mắt Của Bụt
Trong khóa tu này, tôi đã trao truyền cho quý vị con mắt của Bụt (Phật Nhãn). Con mắt đó có thể nhìn thấu được thực tại chân thật của các pháp. Quý vị có sẵn hạt giống, khả năng giác ngộ nơi tự thân, gọi là Phật Tánh. Mỗi khi ta nhìn sự vật bằng năng lực của Niệm và Định, tức là ta đang sử dụng con mắt của Bụt. Nhìn bằng con mắt của Bụt, ta đem lại rất nhiều niềm an vui, hạnh phúc, tình thương cho ta và cho mọi người chung quanh. Đó gọi là Từ nhãn thị chúng sanh. Cái nhìn của ta trở nên sâu sắc, không bị vẩn đục bởi những tri giác sai lầm của tâm kỳ thị, phân biệt, ghen tỵ và giận hờn. Nhìn như thế, ta sẽ hiểu được chính ta và mọi người quanh ta rõ ràng và sâu sắc. Ta phải tự hỏi: mình đang nhìn bằng mắt Bụt hay bằng mắt phàm? Đừng nghĩ rằng mình không có mắt Bụt (Phật Nhãn). Nhìn bằng mắt Bụt không phải là một ý niệm trừu tượng, mơ hồ. Nhìn bằng mắt Bụt là sự thực tập rất thực tiễn, bởi vì mình có khả năng đó, mình có sẵn con mắt của Bụt nơi tự thân.
Lỗ Tai Của Bụt
Quý vị cũng đã được trao truyền lỗ tai của Bụt. Xin quý vị khéo sử dụng lỗ tai của Bụt để lắng nghe sâu, lắng nghe với tình thương (từ bi) và hiểu biết. Khi quý vị lắng nghe người kia bằng lỗ tai của Bụt, thì người kia sẽ cảm thấy bớt khổ rất nhiều. Có thể từ trước đến nay chưa có một người nào lắng nghe ông ta, bà ta như thế bao giờ. Đừng bảo rằng quý vị không có lỗ tai của Bụt, sự thật là quý đã có sẵn lỗ tai của Bụt, quý vị có khả năng lắng nghe với tâm từ bi như Bụt. Quý vị phải biết sử dụng khả năng mầu nhiệm ấy mỗi ngày để lắng nghe con mình, vợ mình, chồng mình, người thân của mình, người công nhân, đồng sở của mình v.v... Trong khi nghe, ta phải tập nghe bằng cả con người của ta, thân tâm trở về một mối, thiết lập vững vàng năng lượng Niệm, Định và Tuệ. ‘‘Chỉ cần lắng nghe thôi cũng đã làm vơi bớt khổ đau của kẻ khác rồi.’’ Đó là hạnh của đức Bồ Tát Quán thế Âm.
Bàn Tay Của Bụt
Quý vị cũng đã được trao truyền bàn tay của Bụt. Tôi thường sử dụng bàn tay của Bụt để hành động, phụng sự. Sáng nay đôi mắt của tôi hơi mệt, khó chịu, vì tối hôm qua tôi bị thiếu ngủ. Tôi đã thực tập theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra trong chánh niệm và dùng những ngón tay của Bụt để tiếp xúc, chăm sóc và ôm ấp hai mắt của tôi. Tôi biết Bụt luôn có mặt đó cho tôi và tôi muốn tiếp xúc với Ngài lúc nào cũng được. Chỉ cần có một ít năng lượng của Niệm và Định, thì bàn tay của mình tự nhiên trở thành bàn tay của Bụt và mình có thể thực hiện phép lạ. Mình phải tập tiếp xúc với thân thể, cảm thọ và tâm ý mình bằng bàn tay của Bụt. Bụt không phải là đối tượng có mặt ngoài ta, Ngài có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta, Ngài là tổ tiên tâm linh của ta và ta là sự tiếp nối của Ngài. Nếu ta biết cách tiếp xúc sâu sắc, thì Ngài sẽ biểu hiện ngay trước mặt.
Nhớ lại lúc còn nhỏ, có những lần mình bị cảm, bị lên cơn sốt, nằm một mình cô quạnh trên giường; liền lúc đó mẹ xuất hiện như một thiên thần, như mẹ hiền Quán Thế Âm, đặt bàn tay lên trán mình với tất cả tình thương yêu, dịu dàng quan tâm, chăm sóc và tự nhiên mình cảm thấy khỏe ra liền lập tức. Nếu mẹ mình đã qua đời hoặc ở xa, nhưng nếu biết cách tiếp xúc với mẹ, thì mẹ sẽ biểu hiện ra liền cho mình. Vì sao, vì mình chính là sự tiếp nối của mẹ mình. Mình chính là mẹ mình. Mình và mẹ mình không phải là hai thực thể riêng biệt. Nhìn vào bàn tay mình, mình thấy bàn tay này cũng là bàn tay của mẹ, bày tay mình là sự tiếp nối của bàn tay mẹ. Nếu muốn được bàn tay ấm áp, dịu dàng và đầy tình thương của mẹ áp lên trán mình thì mình có thể làm được ngay bây giờ và ở đây. Hãy thực tập thử xem; đặt bàn tay mình lên vầng trán, ta sẽ thấy bàn tay này đích thực là bàn tay của mẹ. Mẹ mình còn sống trong từng tế bào của cơ thể mình. Mẹ mình chưa bao giờ từng chết. Đó là sự thật. Đó là thực tại mầu nhiệm mà mình phải tiếp xúc cho được trong từng giây từng phút của đời sống hàng ngày.
Có một anh thiền sinh người Việt đã kể cho tôi nghe chuyện anh rời Việt Nam sang Mỹ sinh sống cách đây bốn mươi năm. Mẹ của anh là người bình dân, không có học thức, không biết chữ. Trước ngày anh rời Việt Nam, mẹ anh nhắn nhủ với anh rằng: ''Con trai thương của mẹ, khi con ra đi, con sẽ nhớ mẹ và nhớ quê hương đất nước. Mỗi khi nhớ mẹ, con hãy nhìn vào bàn tay của con, con sẽ thấy mẹ có mặt đó với con.'' Đó là tuệ giác Tương tức. Thật là mầu nhiệm. Với lời dặn dò ấy, trải qua bao nhiêu năm sống xa quê, xa mẹ, anh ta đã thực tập theo lời mẹ dặn dò để anh ta bớt nhớ mẹ. Anh ta hiện đang sinh sống ở Mỹ.
Với năng lượng của Niệm và Định, ta có thể luyện tập để nhìn bằng mắt của Bụt, nghe bằng tai của Bụt và hành động bằng bàn tay của Bụt để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Tất cả vẫn còn đây, tròn đầy; không có gì mất đi và không có gì cần hồi phục. Chúng ta chỉ cần nhận diện và tiếp xúc mà thôi. Sống được như vậy, ta sẽ tránh gây ra lầm lỗi và có khả năng làm vơi đi khổ đau trong cuộc sống, đem lại an lạc, hạnh phúc, thương yêu và hòa bình cho ta và cho mọi người quanh ta. Hiểu biết, thương yêu là hai nguồn năng lượng có thật trong ta, ta có thể vun trồng và chế tác những nguồn năng lượng ấy bất cứ lúc nào. Ta có thể thi thiết các phép lạ khi ta có mặt đích thực trong giây phút hiện tại. Ta phải tỉnh thức thật sự trong mỗi phút giây. Đi trong chánh niệm là thể hiện thần thông. Thiền sư Lâm Tế có nói rằng phép lạ không phải là đi trên mặt nước hay đi trên than hồng; phép lạ là đi trên mặt đất. Địa hành thần thông là câu nói trong bài Ngữ Lục của Thiền sư Lâm Tế. Ta phải đi như thế nào để mỗi bước chân của ta đem lại an lạc, vững chãi và thảnh thơi, đem lại sự sống đích thực. Đi như vậy tức là ta đang thể hiện thần thông, đang diễn bày phép lạ. Khi thấy các thầy, các sư cô, sư chú, quý vị đi từng bước an lạc, vững chãi, thảnh thơi, tôi cảm thấy được nuôi dưỡng rất nhiều và năng lượng ấy đã khích lệ tôi bước được từng bước như quý vị. Đi như vậy thì sự sống trở nên sống động, chân thật cho ta và những người ta thương.
Thiền Điện Thoại
Khi trở về lại phố thị, có thể quý vị sẽ cảm thấy khó thích nghi với nhịp sống mà quý vị đã từng sống trong đó. Môi trường sống chung quanh quá nhanh, dồn dập, ồn ào, náo nhiệt. Những người chung quanh không có khả năng sống chậm, an trú trong giây phút hiện tại. Dù thế, trong đời sống hàng ngày quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng con mắt của Bụt, lỗ tai của Bụt, bàn tay của Bụt và bàn chân của Bụt để thực tập.
Có một pháp môn thực tập rất đơn giản tôi muốn cống hiến cho quý vị để thực tập, đó là thiền điện thoại. Khi có tiếng chuông điện thoại reo, thay vì vội vàng chạy tới bắt điện thoại, quý vị hãy đứng yên tại chỗ, trở về với hơi thở chánh niệm. Quý vị thực tập thở theo bài kệ:
Thở vào: Lắng lòng nghe. Lắng lòng nghe.
Thở ra: Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
Thực tập với tiếng chuông chùa (như chuông đại hồng, chuông gia trì, chuông báo chúng) đã hay rồi, nhưng thực tập với tiếng chuông của điện thoại hoặc tiếng chuông nhà thờ cũng hay không kém. Là người thực tập thông minh, ta biết sử dụng các âm thanh như thế để thực tập, để giúp ta đưa thân và tâm trở về một mối, an trú vững chãi trong giây phút hiện tại. Tại Làng Mai, chúng tôi thực tập tiếng chuông điện thoại rất nghiêm túc. Mỗi khi có tiếng điện thoại reo, tất cả mọi người trong tu viện đều thực tập dừng lại - dừng lại mọi suy tư, nói năng, hàng động và trở về an trú trong giây phút hiện tại. Thở vào, tâm tĩnh lặng; thở ra, miệng mỉm cười. Đại chúng thực tập như vậy với ba tiếng reo đầu, sau đó mới nhắc điện thoại để trả lời. Đừng ngại người bên kia đầu giây phải chờ quá lâu hoặc sẽ gác điện thoại; nếu người ấy muốn báo tin quan trọng, thì ít nhất trong ba tiếng reo đầu, người ấy sẽ không gác điện thoại. Vì vậy, quý vị thực tập ở yên tại chỗ và tận hưởng từng hơi thở vào ra, thiết lập sự vững chãi và thảnh thơi trong giây phút hiện tại. Mỗi khi có tiếng điện thoại reo, chúng ta thường có cảm giác khẩn trương, hồi hộp, kích động. Chúng ta tự hỏi: Không biết ai gọi vậy ta? Tin vui hay tin buồn? Thay vì làm theo thói quen ấy, quý vị hãy ở yên tại chỗ, trở về theo dõi hơi thở trong ba tiếng reo đầu, thiết lập sự vững chãi, thảnh thơi, trở về với chính mình, sau đó quý vị thực tập đi từng bước an lạc, vững chãi và thảnh thơi tới phía điện thoại. Quý vị phải đi như một ông vua, bà chúa, phải có tự do. Trong khi đi, quý vị vẫn làm chủ được thân tâm mình. Khi nhắc điện thoại lên để trả lời, quý vị đã là một con người tươi mát, vững chãi và thảnh thơi. Năng lượng lành mạnh đó không những bản thân của quý vị được lợi lạc, mà người bên kia đầu giây cũng sẽ được thừa hưởng. Chắc chắn cuộc trao đổi sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp và có phẩm chất.
Tôi xin cống hiến cho quý vị một bài kệ để quý vị thực tập mỗi khi gọi điện thoại:
Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu.
Quý vị có thể sáng tác ra bài kệ khác để thực tập. Mỗi khi muốn gọi điện thoại, quý vị hãy đặt bàn tay lên máy điện thoại và tập thở vào, thở ra trong chánh niệm. Quý vị có thể thực tập thở vào với câu kệ đầu và thở ra với câu kệ thứ hai, thở vào với câu kệ thứ ba và thở ra với câu kệ thứ tư. Thực tập thở cho đến khi nào quý vị cảm thấy thân tâm thư thái, vững chãi và thảnh thơi thì mới bấm số điện thoại. Quý vị biết rằng người bạn của mình bên kia đầu giây sẽ không nhấc điện thoại trong ba tiếng reo đầu, vì bạn mình cũng đang thực tập thở, thực tập an trú. Hãy tự nhắc mình: ''A! bạn mình đang thực tập thở, đang thực tập mỉm cười, tại sao mình không làm như thế?'' Nếu bạn mình chưa biết về phép thực tập này, quý vị có thể khéo léo chia sẻ cho bạn để bạn có thể cùng thực tập và yểm trợ mình.
Có rất nhiều cơ hội và điều kiện cho ta thực tập. Có thể quý vị nghĩ rằng đời sống bận rộn, tấp nập như thế, quý vị sẽ không có thì giờ và không gian để sống theo nếp sống chánh niệm, tỉnh thức. Theo tôi, quý vị vẫn có thể thực tập chánh niệm được trong môi trường phố thị, chợ búa v.v... trong đời sống hàng ngày. Nếu mọi người trong thành phố thực tập Thiền Điện thoại thì con người, xã hội và đất nước sẽ trở nên hoàn thiện, an bình và hạnh phúc hơn rất nhiều. Quý vị hãy thực tập và khích lệ các bạn của mình thực tập pháp môn Thiền Điện thoại. Tôi đã sáng chế ra pháp môn này để mọi người thực tập trong đời sống xô bồ, bận rộn và căng thẳng. Nếu mọi người trên thế giới thực tập pháp môn này thì thế giới sẽ được hòa bình, chuyển hóa và trị liệu.
Bữa Cơm Gia Đình
Xin quý vị hãy tổ chức đời sống như thế nào để mỗi ngày ít nhất là gia đình có một bữa ăn chung. Điều này rất quan trọng. Sau khi mọi người trong gia đình ngồi vào bàn ăn, tất cả mọi người thực tập im lặng, trở về với hơi thở chánh niệm, thở vào thở ra ba lần rồi nhìn quanh và nhận diện sự có mặt của từng người trong gia đình, sau đó ăn trong im lặng khoảng năm tới mười phút đầu của bữa ăn. Nếu muốn, quý vị có thể thực tập năm lời Quán Nguyện trước khi ăn. Đây là Năm Lời Quán Nguyện:
1. Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, mọi người, mọi loài và công phu lao tác.
2. Xin nguyện ăn trong chánh niệm, có mặt đích thực trong giây phút hiện tại để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.
3. Xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu, nhất là tật tham lam và tập ăn uống có chừng mực.
4. Xin chỉ ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm và ngăn ngừa tật bệnh.
5. Vì muốn thành tựu sự nghiệp giác ngộ, hiểu biết và thương yêu, xây dựng tình huynh đệ, tạo dựng hạnh phúc gia đình, chúng con xin thọ dụng thức ăn này.
Sự thực tập rất đơn giản. Chỉ cần ăn cho có chánh niệm, an trú vững chãi trong giây phút hiện tại là ta đã xứng đáng được ăn cơm này. Nếu ăn không có chánh niệm, thì ta không dễ thương với thức ăn, với mọi người và mọi loài đã làm ra thức ăn này. Tôi luôn luôn tự nhắc mình là phải ăn uống cho có chừng mực, điều độ. Tôi biết thức ăn đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe, hạnh phúc của tôi và những người thương của tôi. Vì vậy tôi nguyện chỉ ăn những thức ăn, thức uống có tác dụng nuôi dưỡng, duy trì sức khỏe và an lạc cho thân tâm mình. Người lớn cũng như người nhỏ đều có thể thực tập pháp môn này.
Ăn cơm chung là cơ hội để chúng ta vun trồng, nuôi dưỡng thêm sự hòa thuận và tình thương yêu trong gia đình. Biết trân quý sự có mặt của mọi thành phần trong gia đình. Mời cháu nhỏ nào đã học thuộc lòng Năm Lời Quán Nguyện hoặc có thể cầm bổn để đọc lớn trong mỗi bữa ăn để cả nhà cùng thực tập quán chiếu. Thực tập Năm Lời Quán Nguyện trong khi ăn sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng hạnh phúc, tình thương, lòng biết ơn của ta đối với mọi người, mọi loài và đất trời. Quý vị có thể đọc hoặc làm thành bài hát để hát cũng được. Phải dùng tài năng và nghệ thuật của mình để làm cho sự thực tập trở nên hứng thú, vui tươi và linh động. Thiền tập không phải là chịu đựng cực khổ để gặt hái kết quả trong tương lai mà thiền tập là để có chất liệu hỷ lạc ngay trong khi thực tập.
Phòng Thở
Tại nhà, quý vị nên thiết lập một phòng thở tương tự như một thiền đường. Phòng Thở không cần phải lớn. Nhiều căn nhà được thiết kế với đủ các loại phòng - nào là phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng đồ chơi v.v… nhưng chưa có nhà nào thiết kế phòng thở. Tôi đề nghị mỗi gia đình nên thiết lập một phòng để mọi người trong gia đình có cơ hội trở về phục hồi lại sự thăng bằng và bình an trong cuộc sống. Trong căn phòng đó, quý vị chỉ cần đặt một cái bàn nhỏ, thấp, trên bàn chỉ cần chưng một bình hoa và một tượng Bụt nhỏ nhưng phải thật đẹp. Bình hoa tượng trưng cho sự tươi đẹp, lành mạnh và chân thật trong ta - cái đẹp đó là chất liệu của hiểu biết và thương yêu. Quý vị cũng nên thỉnh thêm một cái chuông nhỏ, vài bồ đoàn và gối ngồi thiền. Quan trọng là phải chọn những gối ngồi thiền cho vừa để quý vị có thể ngồi được lâu, thoải mái mà không bị đau hoặc tê chân. Khi tôi chọn đúng gối, tôi có thể ngồi tới hai tiếng hoặc lâu hơn mà không bị đau hoặc tê chân. Nếu không, tôi chỉ có thể ngồi được ba mươi hoặc bốn mươi phút là phải đổi chân. Quý vị phải thử ngồi qua nhiều loại gối khác nhau để tìm ra gối ngồi thích hợp nhất để có thể giúp quý vị ngồi một cách vững chãi, thoải mái ít nhất là ba mươi phút.
Tại phòng thở này, ta thực tập y như ta đã từng thực tập tại các thiền đường của tu viện. Khi bước vào phòng thở, ta đặt tay lên nắm cửa trong khi thở vào và mở cửa trong khi thở ra. Ta bước vào phòng thở như ta bước vào Tịnh Độ hay Nước Chúa không khác. Ta phải làm cho được và mời con cái của ta cùng thực tập với ta. Ta phải biến căn nhà của ta thành Tịnh Độ, thành lãnh thổ của bình an, của hạnh phúc. Mỗi khi thân tâm có sự bực bội, giận hờn, bối rối, bất an hoặc khủng hoảng, quý vị nên đi vào phòng thở, thỉnh lên ba tiếng chuông và tập thở. Dùng hơi thở chánh niệm để chăm sóc những cảm thọ giận hờn, bực bội trong lòng. Đây là cách xây dựng hòa bình hữu hiệu nhất. Nếu bản thân mình không làm được, mình sẽ không có gì để trao truyền cho con cái của mình để chúng học hỏi và biết cách chăm sóc những cảm thọ khó chịu, những cảm xúc mạnh mỗi khi nó phát khởi?
Là một giáo viên, quý vị nên giúp các học trò của quý vị thực tập như thế, bởi vì các em cũng đương đầu với những căng thẳng, giận hờn, sợ hãi và tuyệt vọng. Thầy giáo, cô giáo phải thấy rằng các học trò của mình cũng là con của mình và phải tập ôm ấp, chăm sóc họ bằng tất cả tình thương yêu. Ở trường, nếu trong khi quý vị đi, đứng, ngồi, nói và cười mà biểu lộ được năng lượng Từ bi, thì các em sẽ thấy, sẽ cảm nhận và chúng sẽ được thừa hưởng. Nếu quý vị ôm ấp, chăm sóc học trò của mình bằng tình thương, quý vị sẽ làm cho học trò của quý vị bớt khổ rất nhiều và giúp các em thiết lập lại được liên hệ tốt với bố mẹ của các em và nhờ vậy mà việc học của các em tiến bộ hơn. Sau này, quý vị có thể bàn với bố mẹ của các em để tìm ra cách giáo dục hữu hiệu để giúp các em học hành tốt hơn. Thầy giáo, cô giáo và các bậc cha mẹ phải làm việc sát cánh bên nhau, phải liên kết với nhau để giúp cho các em. Nếu cả hai không làm việc chung được, không liên kết được với nhau, thì việc giáo dục các em sẽ trở nên rất khó khăn. Các giáo viên nên ngồi lại với nhau để bàn thảo, chia sẻ sự thực tập và tìm ra phương pháp hay để giáo dục các học sinh. Quý vị có thể thực hiện một tờ báo trong đó các thầy giáo, cô giáo viết những bài chia sẻ về hoa trái, kinh nghiệm của sự thực tập tại nhà và ở học đường. Tờ báo như thế sẽ giúp ích rất nhiều cho các giáo viên khác trong nước cũng như ngoài nước.
Các nhà tâm lý trị liệu cũng nên thực tập như thế. Họ phải tìm cách áp dụng nếp sống chánh niệm với những thành phần trong gia đình và với các bệnh nhân của họ. Là nhà tâm lý trị liệu, quý vị nên đến với nhau để thực tập như một Tăng thân để có thể nâng đỡ nhau. Nếu muốn, quý vị có thể phát hành Lá Thư (hình thức như một tờ báo nhỏ) trong đó quý vị chia sẻ những kinh nghiệm, tuệ giác, hoa trái của sự thực tập và trị liệu của mình. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà tâm lý trị liệu khác. Quý vị hãy sử dụng trí thông minh, tài năng, sự khéo léo và óc sáng tạo của mình để làm cho sự thực tập trở nên linh động, thoải mái và tươi vui.
Là cha mẹ, mỗi buổi tối trước khi các cháu sắp đi ngủ, quý vị có thể mời các cháu vào phòng thở để thực tập ngồi yên và thở khoảng hai đến năm phút. Quý vị có thể dạy cho các cháu cách thỉnh chuông và tập thở chánh niệm theo tiếng chuông. Trong các khóa tu cho các cháu thiếu nhi, tôi thường dạy cho các cháu cách thỉnh chuông và thở trong chánh niệm. Cả nhà ngôi quây quần bên nhau, thỉnh lên một tiếng chuông để tất cả cùng thở - mỗi tiếng chuông quý vị thở vào và thở ra ba lần thật thoải mái, đưa thân và tâm trở về một mối, dùng hơi thở để làm cho thân tâm an tịnh, lắng dịu trở lại. Trong khi thở, quý vị có thể thực tập mỉm cười để cho những bắp thịt trên khuôn mặt được thư giãn. Quý vị thực tập như vậy với ba tiếng chuông; trong ba tiếng chuông ấy, ta có được chín cơ hội để thở vào và thở ra. Được ngồi yên và biết mình đang còn thở là món quà vô cùng quý giá, là hạnh phúc lớn. Sau đó mọi người nhìn nhau và ý thức sự có mặt của nhau. Đó là cái nhìn của sự trân quý và niềm biết ơn. Sau khi cháu thỉnh xong ba tiếng chuông, các cháu có thể đi ngủ trước. Quý vị có thể tiếp tục ngồi thêm năm, mười phút nữa nếu muốn, nhưng không nên quá gắng sức hay cố ép mình. Có những lúc quý vị cần ngồi lâu hơn để phục hồi lại chính mình. Điều đó tùy thuộc vào nhu cầu riêng của mỗi người. Tuy nhiên, nếu mỗi ngày quý vị thực tập ngồi thiền đều đặn như thế khoảng mười tới mười lăm phút, thì tự thân quý vị sẽ được nuôi dưỡng rất nhiều.
Mỗi buổi sáng sau giờ ăn sáng hoặc trước giờ ăn sáng, quý vị có thể vào Phòng Thở, ngồi thật yên, thực tập thở khoảng năm, mười phút. Ngồi yên và thực tập thở vào, thở ra với ba tiếng chuông để bắt đầu một ngày mới là nếp sống rất đẹp. Nếu được, quý vị cũng có thể mời các cháu thực tập chung. Quý vị cũng có thể tập cho các cháu thực tập lạy ba lạy trước bàn thờ Bụt, bàn thờ tổ tiên huyết thống để tiếp xúc với gốc rễ huyết thống, tâm linh và bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên trước khi đi học. Sau một thời gian thực tập, quý vị sẽ tạo được một thói quen rất tốt và năng lượng của thói quen tốt ấy sẽ được duy trì suốt cả ngày, sẽ nhắc nhở các cháu rằng các cháu là những người có gốc rễ. Nếu gần nhà có khu công viên hoặc một khu rừng, quý vị có thể thực tập đi thiền; cả gia đình dắt tay nhau đi bộ (thiền đi) là một hình ảnh rất đẹp, rất nuôi dưỡng. Quý vị cũng có thể tổ chức đi chơi ngoài trời (picnic), kết hợp với một buổi thiền đi ngắn và thiền buông thư trên cỏ. Mỗi ngày gia đình nên tổ chức thực tập thiền buông thư khoảng năm đến mười phút để cho thân tâm được nghỉ ngơi, thư giãn, bớt những phần căng thẳng trên cơ thể và tâm hồn. Quý vị nằm xuống trong tư thế buông thư và mời một người trong gia đình có khả năng hướng dẫn, cố nhiên là người đó có giọng hát hay để giúp mọi người buông thư dễ dàng. Nếu trong gia đình không có người nào có khả năng hướng dẫn thiền buông thư, quý vị có thể thỉnh đĩa CD hướng dẫn về phương pháp buông thư hoặc có thể dùng một đĩa nhạc tâm linh hòa tấu để thực tập. Trong tư thế nằm, quý vị thực tập thở vào, thở ra và buông thư khoảng năm tới mười phút. Sau năm, mười phút thực tập buông thư, quý vị sẽ thấy rằng mình đã trở thành một con người mới, tươi mát, nhẹ nhõm hơn. Ban đầu, quý vị có thể sử dụng băng hoặc CD hướng dẫn của một thầy hoặc một sư cô... nhưng khi đã biết cách thì mỗi thành phần trong gia đình có thể thay phiên nhau để hướng dẫn buổi thiền buông thư cho gia đình. Đây là món ăn tinh thần rất cần thiết cho thân tâm. Người nào thực tập thiền buông thư ít nhất là một lần trong ngày, người đó sẽ chuyển hóa được bệnh căng thẳng và phục hồi lại niềm vui và sự tươi mát rất mau chóng. Căng thẳng (stress) là một căn bệnh rất phổ biến của thời đại chúng ta. Chúng ta cũng có thể tổ chức nửa ngày tu chánh niệm. Tuy chỉ có nửa ngày, nhưng nếu thực tập hết lòng, chúng ta sẽ đem lại cho tự thân rất nhiều niềm vui, an lạc và thư thái. Chúng ta có thể mời một số các bạn thân quen và các cháu thiếu nhi đến để cùng thực tập. Ta cũng có thể mời các cháu tổ chức nửa ngày tu dưới sự yểm trợ và hướng dẫn của ta.
Xây Dựng Tăng Thân
Tăng thân là một viên ngọc quý trong ba viên ngọc quý, gọi là Tam Bảo. Xin quý vị đem hết tâm lực và thì giờ để tạo dựng một tăng thân nhỏ để nuôi dưỡng sự thực tập tại địa phương của mình. Nếu không có sự nâng đỡ và yểm trợ của tăng thân thì khó mà duy trì được sự thực tập lâu bền. Ở nước tôi, người ta nói rằng khi con cọp rời bỏ núi rừng và đi xuống miền đất bằng, thì thế nào nó cũng bị con người bắt giết, lột da. Trong thiền môn, các thầy tu cũng nói tương tợ như vậy: ''Tăng ly chúng tăng tàn. Hổ ly sơn hổ bại.'' Đúng vậy, người tu mà rời bỏ thầy, rời bỏ Tăng thân, huynh đệ ra đi, lập am thất riêng để tu một mình thì thế nào cũng đánh mất sự thực tập trong một thời gian ngắn hoặc sẽ bị lột da - tức là bỏ áo tu. Vì vậy tạo dựng một tăng thân để tiếp tục duy trì và nuôi dưỡng sự thực tập là điều hết sức cần thiết. Dựng Tăng là một công tác rất thánh thiện và cấp thiết. Có thể nói là sự thực tập quan trọng nhất của người tu. Vì vậy về lại nhà, việc làm cấp bách nhất là nghĩ ra phương cách để tập họp một nhóm người ở tại địa phương của mình - những người tha thiết tu tập, có khả năng yểm trợ nhau trong sự thực tập. Quý vị phải sắp đặt như thế nào để Tăng thân có thể đến sinh hoạt, tu tập với nhau ít nhất là một lần trong tuần hay một lần trong mỗi hai tuần hoặc một lần trong một tháng. Thỉnh thoảng quý vị có thể tổ chức một ngày tu chánh niệm và mời các vị giáo thọ xuất gia hoặc tại gia đến hướng dẫn. Đây đích thực là sự thực tập “Con về nương tựa Tăng.” Tăng thân là chỗ nương tựa vững chắc. Mỗi người cần phải thực tập quay về nương tựa Tăng. Vì vậy, ''Con về nương tựa Tăng'' không phải là vấn đề đức tin, không phải là vấn đề cam kết suông, mà chính là sự thực tập cụ thể. Đời sống tâm linh và phẩm chất tu tập của ta tùy thuộc vào khả năng nương tựa Tăng của ta.
Trong suốt hai mươi mốt ngày qua chúng ta đã sống và tu tập với nhau như một Tăng thân. Bây giờ chúng ta nên mang Tăng thân về nhà và làm cho mạng mạch của Tăng thân tiếp tục biểu hiện hùng mạnh trên nhiều hình thái, nhiều lãnh thổ. Cố nhiên là tùy theo hoàn cảnh, điều kiện để sáng tạo cách tu cho phù hợp. Trong khóa tu này, chúng ta đã có cơ duyên được thấm nhuần mưa Pháp. Chúng ta biết Tăng thân là viên ngọc quý giá bậc nhất. Không có Tăng thân thì Phật thân và Pháp thân cũng không thể duy trì được. Có những điều ta đã không thực hiện được ở nhà dưới tư cách của một cá nhân, thế mà ta đã làm được ngay tại đây với sự yểm trợ hùng hậu của Tăng thân. Sự yểm trợ, nâng đỡ và dìu dắt của Tăng thân là điều rất thực tiễn và hết sức cần thiết. Trở về nhà, chúng tôi mong rằng quý vị có thể tạo dựng được những Tăng thân và tiếp tục sự thực tập để nuôi dưỡng bản thân, gia đình, con cái và đóng góp vào công việc lành mạnh hóa môi trường của học đường và xã hội. Có như vậy chúng ta mới tạo dựng được một thế giới hòa bình thật sự, một nhân loại chứa chan tình người.