08. Chuyển Hóa Tận Gốc

24 Tháng Năm 201400:00(Xem: 6781)

Thích Nhất Hạnh
HƠI THỞ NUÔI DƯỠNG VÀ TRỊ LIỆU
Áp Dụng Kinh Quán Niệm Hơi Thở vào đời sống hàng ngày
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn

08. Chuyển hóa tận gốc

Chúng ta thực tập như thế nào để mỗi hơi thở có thể đem lại an lạc và hạnh phúc. Nếu trong đời sống hàng ngày quý vị cảm thấy bối rối, không biết phải làm gì thì nên trở về và an trú trong từng hơi thở vào, ra. Tôi nghĩ rằng quý vị đã nắm vững phương pháp thở trong bài thực tập: ''Vào/ra. Sâu/chậm. Khỏe/nhẹ. Lặng/cười. Hiện tại/tuyệt vời.'' Đây là bài kệ giúp chúng ta thực tập hơi thở chánh niệm rất hay, rất dễ chịu. Quý vị có thể tập thở chánh niệm trong khi lái xe, ngồi trên xe buýt hoặc xe lửa hoặc trong khi rửa chén. Trong khi rửa chén quý vị có thể thực tập mỉm cười. ''Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào. Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra - Vào/ra.'' Ta tận hưởng từng hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu quý vị làm đúng theo sự hướng dẫn của bài thực tập này, thì đời sống của quý vị sẽ trở nên một phép lạ. Khi thở, quý vị thực tập trở thành một với hơi thở. Trong khi thở vào, thở ra, quý vị an trú trong từng hơi thở, có mặt đích thực ngay bây giờ và ở đây và ý thức rằng mình đang còn sống là một phép lạ. Quý vị có thể thực hiện phép lạ bất cứ lúc nào. Khi quý vị thở có chánh niệm và an trú trong định, thì sự sống có mặt cho quý vị. Nghĩa là trong khi thở quý vị chỉ có mặt trọn vẹn cho hơi thở thôi, không suy tư về chuyện này chuyện nọ, về quá khứ, tương lai và trở thành một với hơi thở. Sau vài phút của sự thực tập như thế, tôi cam đoan phẩm chất hơi thở của quý vị sẽ tiến bộ rất nhanh.

Bây giờ chúng ta hãy thử thực tập câu thứ hai: ''Sâu/chậm.'' Nghĩa là: ''Thở vào, tôi biết hơi thở vào đã sâu. Thở ra, tôi biết hơi thở ra đã chậm.'' Sau vài phút thực tập câu thứ nhất, hơi thở vào của ta tự nhiên trở nên sâu lắng hơn, chứ không phải do ta cố làm cho nó sâu. Hơi thở ra cũng vậy, nó trở nên chậm lại một cách tự nhiên. Chánh niệm chạm tới đâu thì phẩm chất của sự sống nơi ấy được nâng cao. Chánh niệm làm cho hơi thở của ta hòa điệu và lắng dịu trở lại. Khi hơi thở được hòa điệu và lắng dịu, ta cảm thấy rất dễ chịu, khỏe khoắn. Sau đó ta đi sang câu thực tập thứ ba của bài kệ: ''Khỏe/nhẹ.'' ''Thở vào, tôi làm cho toàn thân an tịnh. Thở ra, tôi làm cho toàn thân an tịnh. Vào, an tịnh thân / Ra, an tịnh thân.'' ''Ý thức sự có mặt của cảm thọ, tôi thở vào. Ý thức về sự có mặt của cảm thọ, tôi thở ra. Thở vào, tôi làm cho những cảm thọ trong tôi an tịnh. Thở ra, tôi làm cho những cảm thọ trong tôi an tịnh. Vào, an tịnh cảm thọ / Ra, an tịnh cảm thọ.''

Bài tập này rất hiệu nghiệm và dễ chịu. An tịnh nghĩa là: ''Thở vào, tôi cảm thấy sự an tịnh trong thân và tâm.'' Ta thực nghiệm sự hoạt động của thân và của những cảm thọ. Hơi thở vào và thở ra trước hết là làm cho những hoạt động của thân an tịnh trở lại, sau đó làm cho những cảm thọ an tịnh. ''Nhẹ'' nghĩa là: ''Thở ra, tôi cảm thấy thân tâm tôi nhẹ nhàng, không bị năng lượng bồn chồn, lo lắng, sợ hãi chi phối... tôi làm mọi chuyện trong sự thanh thản.'' Ta đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, làm việc v.v... trong chánh niệm, trong sự thong thả, không vội vàng hấp tấp và cảm thấy hạnh phúc trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Thân tâm được nhẹ nhàng. Ta không còn là nạn nhân, là gánh nặng của sự âu lo và phiền muộn nữa; ta hoàn toàn tự do. Ta hoàn toàn có chủ quyền và không còn là nạn nhân của sự tiếc nuối về quá khứ, lo lắng, sợ hãi và mơ tưởng về tương lai. Ta là người có tự do thật sự.

Câu thứ ba của bài kệ là: ''Mỉm cười/ buông bỏ''. ''Thở vào, buông bỏ. Thở ra, mỉm cười.'' Ta buông bỏ những dự án, lo toan và nuối tiếc của ta. Bởi vì giây phút hiện tại thật tuyệt vời, thật mầu nhiệm và ta có khả năng tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại, ta mỉm cười trong khi thở vào. Nụ cười làm thư giản sự căng thẳng trên khuôn mặt và cơ thể ta. Nụ cười của ta là nụ cười của sự chiến thắng, của tình thương đối với thân và thọ của ta. Khi thở ra, ta buông bỏ hoàn toàn và trở thành người tự do. An lạc, vững chãi và thảnh thơi là ba đặc tính quý giá nhất của người tu. Ta không thể đánh đổi chúng với bất cứ thứ gì trên đời này. Ba đặc tính ấy là những đặc tính của Niết bàn. Buông bỏ nghĩa là ta làm chủ được ta; ta là con người hoàn toàn tự do. Ta có khả năng buông bỏ những sợi dây ràng buộc - những con bò làm ta bận rộn, lo sợ ngày đêm, nhất là những ý niệm của ta về hạnh phúc. Ta thường bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể có được khi ta thỏa mãn, thủ đắc được những cái này cái nọ. Ta không thấy rằng ý niệm về hạnh phúc có thể chính là chướng ngại lớn nhất cho sự thực tập đạt tới hạnh phúc chân thật. Nếu ta có khả năng buông bỏ được ý niệm về hạnh phúc của ta, thì hạnh phúc chân thật hiển lộ liền lập tức. Có nhiều người trẻ nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể có được khi họ đạt được bằng cấp, có công ăn việc làm, hoặc cưới được người đó v.v… Ta đặt ra những điều kiện, mơ ước cho hạnh phúc và bị rơi vào cạm bẫy của những mơ ước ấy. Theo giáo lý hiện pháp lạc trú, hạnh phúc chỉ có thể có mặt khi tâm ta hoàn toàn tự do, nghĩa là ta buông bỏ được những ý niệm của ta về hạnh phúc. Tại sao ta tự giam mình vào ý niệm của hạnh phúc? Nếu tiếp tục nghĩ rằng hạnh phúc là phải đạt cho được những cái này cái nọ, phải thỏa mãn được năm thứ dục lạc như tiền tài, danh vọng, quyền hành, sắc dục, thức ăn cao lương mỹ vị... tức là ta đang giới hạn khả năng sống hạnh phúc thật sự của ta. Chỉ cần buông bỏ ý niệm ấy đi là hạnh phúc chân thực hiển lộ cho ta liền lập tức.

Toàn dân trong một quốc gia có thể đã nhiều năm sống trong ảo tưởng, trong ý niệm về hạnh phúc. Dân chúng của nước ấy có thể tin rằng nếu dự án tốt đẹp như thế của chính phủ không được tiến hành theo kế hoạch thì các công nhân sẽ không có tương lai. Theo lời Bụt dạy, nếu dân chúng của quốc gia ấy không thấy được ý niệm mà họ đang đeo đuổi có thể là chướng ngại cho hạnh phúc, thì họ sẽ chuốc lấy bi kịch của khổ đau. Nếu họ có khả năng buông bỏ được những ý niệm sai lầm ấy thì họ sẽ đạt tới tự do, hạnh phúc. ''Thở vào, mỉm cười. Thở ra, buông bỏ.'' Chỉ cần ngồi cho thật yên, an trú vững chãi trong từng hơi thở vào và hơi thở ra là ta đã nếm được hạnh phúc rồi. Ta không cần phải làm gì thêm hoặc thành đạt gì thêm, kể cả ước muốn thành Phật, thành Tổ, chứng được Niết bàn. Đó gọi là giáo lý Vô tác, Vô nguyện trong kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát - Tam Giải Thoát Môn - Không, Vô tướng, Vô tác. Ta thưởng thức trọn vẹn những nhiệm mầu của sự sống, của sự có mặt chân thật và giản dị của ta trong giây phút hiện tại. ''Tĩnh lặng, buông bỏ, mỉm cười'' là những chất liệu có công năng đem lại hạnh phúc chân thực. Hỷ và lạc là hai yếu tố có công năng nuôi dưỡng và trị liệu những vết thương của thân và tâm ta.

Hiện Tại Tuyệt Vời

Câu cuối của bài kệ là: ''Hiện tại / tuyệt vời.'' ''Thở vào, tôi thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại. Thở ra, tôi biết giây phút hiện tại là giây phút thật tuyệt vời.'' Nếu có người hỏi quý vị rằng: ''Anh đã bắt gặp được giây phút tuyệt vời nhất của đời anh chưa?'' Lúc ấy có thể quý vị sẽ cảm thấy lúng túng và trả lời rằng: ''Giây phút tuyệt vời nhất của đời tôi hả? Hình như chưa đến bao giờ. Nhưng tôi tin chắc thế nào nó cũng sẽ đến. Nếu không, thì đời tôi sẽ vô vị lắm.'' Quán chiếu thật sâu, ta sẽ thấy rằng nếu tiếp tục sống theo lề thói như ta đã từng sống cách đây hai mươi năm - tức là luôn sống trong sự quên lãng, lúc nào cũng muốn trốn chạy, lúc nào cũng sống trong sự tiếc nuối về quá khứ, mơ tưởng tới tương lai hoặc đắm chìm trong nếp sống hưởng thụ dục lạc, thì giây phút huy hoàng nhất của đời ta sẽ không bao giờ đến như ta mong ước. Theo giáo lý hiện pháp lạc trú, chúng ta đã được học rằng giây phút hiện tại là giây phút đáng sống nhất, ta phải biến giây phút hiện tại trở thành giây phút đẹp nhất của đời ta, bởi vì chỉ có giây phút ấy mới có mặt đích thực đối với ta mà thôi. Nếu biết cách trở về với giây phút hiện tại, có mặt đích thực và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống thì giây phút ấy trở nên giây phút tuyệt vời nhất của đời ta. Ta có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Qua sự thực tập đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm, mỉm cười hoặc tiếp xúc với những nhiệm mầu của sự sống, ta có thể tạo dựng được cõi Tịnh Độ, Thiên Quốc ngay bây giờ và ở đây. Tôi thường chia sẻ với các thiền sinh gốc Ki Tô giáo rằng họ không cần phải đợi đến khi chết mới có thể đi vào Nước Chúa, họ có thể đi vào Nước Chúa ngay bây giờ và ở đây trong khi họ đang còn sống, đang còn tỉnh táo. Thở vào và thở ra có ý thức, đưa thân tâm trở về một mối, có mặt đích thực trong giây phút hiện tại là những điều kiện thiết yếu để bước vào cõi Tịnh Độ hoặc Thiên Quốc. Chỉ cần một bước chân có chánh niệm, tỉnh thức thôi là ta đã có thể bước ngay được vào cõi Tịnh Độ hoặc Thiên Quốc rồi. ''Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ. Mỗi cái nhìn thấy được pháp thân.'' Đó là hai câu trong bài tụng Sám Quy Nguyện. Điều này không có gì khó; người nào cũng có thể làm được. Nhưng trong ta luôn có nguồn năng lượng của tập khí ngăn cản ta tiếp xúc với Niết bàn, với Tịnh Độ hay Thiên Quốc trong từng phút giây. Năng lượng tập khí trong ta luôn thúc đẩy ta đi về phía trước, luôn chủ trương rằng hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy ở phía tương lai mà thôi. Ta rong ruổi suốt cả cuộc đời để tìm kiếm chân hạnh phúc ở phía tương lai. Theo lời Bụt dạy: Muốn đạt được chân hạnh phúc, trước hết ta phải thực tập dừng lại - danh từ chuyên môn gọi là chỉ - shamatha. Thiền trước hết là phải nắm vững nghệ thuật dừng lại và đừng để cho con ngựa hoang của tập khí níu kéo ta về hướng quá khứ hoặc dẫn dắt ta phóng tới tương lai. Thiền tập được trình bày qua hai khía cạnh: khía cạnh thứ nhất là chỉ, tức là sự thực tập dừng lại và khía cạnh thứ hai là quán, tức là sự thực tập nhìn sâu. Trong khi thở vào, ta an trú trong giây phút hiện tại, thân tâm trở về một mối và có mặt đích thực trong giây phút ấy. Thở ra, ta ý thức rằng hiện tại là giây phút đẹp nhất, đáng sống nhất. Đó là ý nghĩa của câu cuối: ''Hiện tại / tuyệt vời.''

Khi đi từ phòng ngủ tới phòng ăn, ta thưởng thức từng bước chân trong chánh niệm theo bài kệ này. Ta không cần phải thực tập tất cả các câu kệ cùng một lúc. Chỉ cần thực tập một hoặc hai câu của bài kệ là đã có thể an trú được trong giây phút hiện tại. Ta kết hợp bước chân với hơi thở. Đi như thế nào để mỗi bước chân có thể bước được vào cõi tịnh, mỗi cái nhìn có thể thấy được pháp thân - tức là bản chất không sinh không diệt, không đến không đi của ta; đi như thế nào để mỗi bước chân phản chiếu được chất liệu an lạc, vững chãi và thảnh thơi. Mỗi bước chân có thể đưa ta trở về trong giây phút hiện tại - bây giờ và ở đây. Mỗi bước chân có thể làm cho sự sống mầu nhiệm hiển bày. Tâm thức ta có đầy đủ khả năng để sống được như vậy; hơn nữa, với sự yểm trợ của tăng thân thì sự thực tập của ta sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta có thể biến cõi ô uế thành cõi tịnh hay Thiên Quốc. Tất cả đều tùy thuộc vào tâm của ta. Tịnh Độ hay Thiên Quốc đều là sản phẩm của tâm thức, là sự biểu hiện của tâm. Hễ tâm ta tịnh thì nơi nào ta ở cũng đều trở nên tịnh. Đó gọi là Duy Tâm Tịnh Độ.

Nếu năng lượng tập khí của ta quá mạnh thì ta có thể thực tập như thế này: Ta ký hiệp ước với một đoạn đường nào đó hoặc với chiếc cầu thang trong nhà hoặc trong sở làm, trường học... và tự cam kết với chính mình là mỗi khi đi trên đoạn đường đó hoặc đi lên đi xuống cầu thang đó, ta sẽ thực tập đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm, từng bước khoan thai, không hấp tấp, vội vã. Nếu lỡ đánh mất bước chân và hơi thở có ý thức trong khi đi trên đoạn đường đó thì ta phải trở lui nơi điểm khởi hành và bắt đầu trở lại. Nếu thực tập như vậy độ vài tuần thì ta sẽ thấy có sự chuyển đổi lớn trong thân tâm. Tôi có ký một hiệp ước với chiếc cầu thang tại Sơn Cốc, căn nhà tôi đang ở. Trong suốt hai mươi năm qua, lúc nào tôi cũng thực tập đi lên đi xuống cầu thang trong chánh niệm, không để cho bước chân nào bị rơi vào thất niệm. Tôi tôn trọng hiệp ước mà mình đã ký với cái cầu thang ấy. Nhờ vậy mà tôi có thể đi trong chánh niệm bất cứ nơi nào; trong khi leo lên cầu thang máy bay tôi cũng đi từng bước thảnh thơi y như tôi đang leo núi Linh Thứu nơi đức Thế Tôn đã từng ngồi thiền, đi thiền và thuyết pháp. Bước chân nào của tôi cũng đem lại an lạc và thảnh thơi. Nếu trong nhà của quý vị có cầu thang, quý vị nên ký hiệp ước sống chung an lạc với cầu thang ấy. Quý vị hãy cam kết với chính mình là mỗi khi đi lên đi xuống cầu thang ấy, quý vị sẽ đi trong chánh niệm, sẽ tập sống an lạc trong từng bước. Nếu quý vị đi làm hoặc đi học bằng phương tiện xe buýt thì nên ký hiệp ước sống chung an lạc với đoạn đường từ nhà ra trạm xe buýt và cam kết là quý vị sẽ đi từng bước trong chánh niệm trên đoạn đường từ nhà dẫn ra trạm chờ xe buýt. Đoạn đường đó không nhất thiết phải dài quá - khoảng bốn mươi hoặc năm mươi mét là đủ. Thiền đi là một pháp môn rất mầu nhiệm giúp ta sống đời sống hàng ngày của ta một cách sâu sắc trong từng phút giây. Tại Làng Mai, chúng tôi yểm trợ nhau trong sự thực tập, nhờ vậy mà sự chuyển hóa và trị liệu xảy ra rất dễ dàng và mau chóng. Nếu cả nhà cùng tham dự vào nếp sống chánh niệm thì rất lý tưởng. Điều quan trọng là đừng bị kẹt vào sự thực tập hình thức, phải khéo sử dụng ngôn từ hòa ái trong đời sống hàng ngày để khích lệ các thành phần trong gia đình tham gia vào sự thực tập. Nên thực tập như thế nào để chính bản thân mình tỏa ra được năng lượng tươi vui, thoải mái và trở thành tấm gương sáng cho người khác noi theo. Nếu nụ cười của quý vị tỏa chiếu được chất liệu từ bi và tươi mát, quý vị sẽ thuyết phục được gia đình của quý vị và khiến họ cảm thấy thích thú tham gia vào sự thực tập.

Chuyển Hóa Tận Gốc

Hôm nay chúng ta học tiếp phép thở thứ mười một và thứ mười hai của kinh Quán Niệm Hơi Thở. Hơi thở thứ mười một: ''Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định.'' Hơi thở thứ mười hai: ''Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do.'' Tâm ý ở đây phải hiểu là những tâm hành được cất chứa trong tàng thức dưới hình thức của hạt giống. Nếu là tâm hành thiện, thì với năng lượng của Định, ta có thể biến nó thành năng lượng của niềm vui và an lạc. Nếu là tâm hành bất thiện như giận hờn, sợ hãi và nghi ngờ, thì ta dùng ánh sáng của Niệm và Định để soi chiếu vào và ôm lấy chúng. Như vậy chúng sẽ được thu nhiếp, lắng dịu, và năng lượng Định giúp ta nhìn sâu vào bản chất của chúng để hiểu. Thực tập nhìn sâu ta sẽ thấy được nguồn gốc của các tâm hành và giúp ta giải phóng ra khỏi hố lầy của khổ đau, hận thù và nghi kỵ. Chuyển y nghĩa là chuyển hóa tận gốc, tiếng Phạn là ashrayaparavritti; tâm thức của ta được chuyển hóa tận nguồn gốc, chuyển hóa hoàn toàn chứ không phải đạt tới sự vơi nhẹ tạm thời. Nếu muốn chuyển hóa tận nguồn gốc của tâm thức, ta phải thực tập quán chiếu - nhìn sâu. Chỉ có sự thực tập quán chiếu sâu sắc vào bản chất của khổ đau ta mới khám phá ra những nguyên do đưa tới khổ đau và nhận diện được những nguồn thực phẩm (trong bốn loại thực phẩm) đã đưa tới khổ đau đó. Sau một thời gian thực tập, ta sẽ thấy sự chuyển hóa luôn luôn xảy ra ở tận chiều sâu của tâm thức. Tàng thức của ta đóng vai trò của sự nâng đỡ, làm nền tảng, y cứ cho các thức khác; giống như các chân bàn là sự nâng đỡ, là chỗ căn cứ cho cái bàn. Asharya nghĩa là nâng đỡ, chống đỡ hoặc nền tảng, y cứ, nơi căn cứ và paravritti nghĩa là chuyển - Asharyaparavritti nghĩa là chuyển y.

Thực tập nhìn sâu, ta sẽ làm phát sinh cái thấy và cái thấy ấy sẽ giải phóng ta, chuyển hóa những phiền não khi chúng còn ở dưới dạng hình thái của hạt giống. Tâm hành là những năng lượng biểu hiện lên trên vùng ý thức, trên sân khấu của cuộc sống, còn hạt giống thì luôn nằm dưới tàng thức. Nếu biết cách nhận diện sự có mặt của tâm hành, chăm sóc, ôm ấp, làm cho nó lắng dịu xuống và nhìn sâu vào bản chất của nó thì ta sẽ đạt tới được cái thấy rạch ròi về nó. Nếu hạt giống giận biểu hiện thì ta mời hạt giống chánh niệm đến để ôm ấp và chăm sóc năng lượng giận. Chánh niệm có khả năng nhận diện, ôm ấp, làm lắng dịu tâm hành và nhìn sâu vào tâm hành để hiểu. Sự chuyển hóa, trị liệu và giải thoát chỉ có thể có được khi ta đạt tới tuệ giác. Tuệ giác phát sinh qua hai khía cạnh của sự thực tập, đó là dừng lại (chỉ) và nhìn sâu (quán). Niệm đưa tới Định và Định làm phát sinh Tuệ. Niệm, Định và Tuệ là bản chất, là cốt lõi của thiền tập. Bản chất của thiền là chỉ và quán. Chỉ tức là sự dừng lại, chuyên chú, lắng đọng và hợp nhất. Nếu có dịp viếng thăm Trung Quốc, quý vị sẽ thấy bảng hiệu với chữ Chỉ viết bằng chữ Hán trên các ngã tư của đường phố. Chỉ nghĩa là dừng lại giống bảng hiệu “Stop” ở các ngã tư đường tại các nước phương Tây. Tôi đề nghị quý vị viết bảng hiệu “Chỉ - Stop” này cho thật đẹp và treo một nơi nào đó trong nhà, nơi phòng khách hoặc trong xe hơi... để nhắc nhở quý vị thực tập. Mỗi khi nhìn thấy cái bảng đó, quý vị có thể trở về với hơi thở chánh niệm, thở vào và thở ra vài phút để giúp quý vị thực tập dừng lại. Yếu tố thứ hai của thiền tập là quán, tiếng Phạn là vipashyana. Quán nghĩa là nhìn sâu, nhìn kỹ. Nhưng nếu quý vị chưa biết thực tập dừng lại, chưa có khả năng dừng lại, thì sự thực tập nhìn sâu sẽ rất khó. Nếu quý vị thực tập nhìn sâu thành công, điều đó có nghĩa là quý vị có khả năng dừng lại. Do đó, Chỉ là nền tảng căn bản của Quán.

Đức Thế Tôn đã cống hiến cho chúng ta phương pháp thực tập đối trị với nguồn năng lượng của tập khí. Tập khí, tiếng Phạn là Vasana. Năng lượng này luôn luôn thúc đẩy ta đi về phía trước, không cho phép ta dừng lại. Năng lượng tập khí trong ta được ví như một con ngựa hoang. Bụt dạy chúng ta dùng năng lượng chánh niệm để điều phục con ngựa tập khí của ta. Bất kể vào lúc nào, ở đâu, nếu cảm thấy bất an, ta nhớ lập tức trở về với hơi thở chánh niệm để nhận diện tập khí của ta. Mỗi khi con ngựa tập khí xuất hiện, ta nói: ''Chào anh bạn tập khí, anh đến thăm tôi hả! Mời anh đi dạo với tôi''. Rồi ta mỉm cười. Ta tiếp nhận năng lượng tập khí từ ông bà tổ tiên của ta; những khó khăn, khổ đau mà họ chưa chuyển hóa được đã trao truyền lại cho ta. Bây giờ ta may mắn học được phương pháp tu tập để đối trị với những tập khí, những khó khăn và khổ đau ấy. Nếu không tu tập để chuyển hóa ta sẽ tiếp tục trao truyền chúng về cho thế hệ con cháu ta.

Tại Làng Mai, vào khóa tu mùa Hè, chúng tôi thường tổ chức ngày Lễ Giổ Tổ theo truyền thống Làng Mai. Các nhóm thiền sinh đến tu tập từ nhiều quốc gia khác nhau, vào ngày lễ này, họ tụ họp lại theo sắc tộc của họ để bàn bạc và cùng làm một món ăn đặc biệt của dân tộc để dâng cúng lên ông bà tổ tiên. Nếu thiền sinh đến từ hai mươi lăm nước khác nhau thì đại chúng có tới hai mươi lăm món ăn khác nhau. Họ bàn bạt với nhau để quyết định nên dâng cúng món gì. Sau đó họ cùng nhau nấu món đó trong chánh niệm và trong khi nấu, họ tiếp xúc với ông bà tổ tiên, văn hóa của đất nước họ qua tài năng của từng người và món ăn dân tộc của họ.

Nhận Diện Năng Lượng Tập Khí

Một hôm, có anh thanh niên người Mỹ ra chợ Ste. Foy La Grand để mua thực phẩm. Trước đó, anh đã ở suốt ba tuần trong tu viện để tu tập. Trong suốt thời gian ấy anh cảm thấy rất an lạc, hạnh phúc. Anh được Tăng thân bảo bọc và che chở. Mỗi ngày anh có cơ hội đi thiền, ngồi thiền, ăn cơm, làm việc trong chánh niệm với tăng thân. Hôm ấy ra chợ một mình, tự nhiên anh cảm thấy rất hấp tấp, vội vàng và bất an. Nhờ thực tập thiền đi và thở trong chánh niệm suốt ba tuần qua nên anh có khả năng nhận diện được năng lượng bất an và vội vàng trong anh. Anh ý thực được điều đó và lập tức trở về với hơi thở chánh niệm. Anh thở vào, thở ra, mỉm cười và thầm nói: ''Chào mẹ, con biết mẹ đang có mặt trong con.'' Anh đột nhiên nhận thấy năng lượng bất an, vội vàng và hấp tấp này chính là năng lượng bất an, vội vàng và hấp tấp của mẹ mình. Mẹ anh thường hay sống trong sự vội vàng, bất an và bà đã trao truyền năng lượng ấy lại cho anh. Trong thời gian ba tuần tu tập với tăng thân Xóm Thượng, anh được bảo bọc và che chở bởi năng lượng tu tập hùng hậu của tăng thân nên hạt giống bất an và vội vàng không có cơ hội để trồi lên. Nhưng khi anh ra chợ một mình, hạt giống bất an và vội vàng trong anh bị môi trường chung quanh tưới tẩm và làm cho chúng biểu hiện. Sau khi thấy được như vậy, anh trở về với hơi thở chánh niệm, nhận diện được năng lượng tập khí. Ngay trong giây phút ấy sự bất an, vội vàng trong anh tự nhiên tan biến và chúng trở về với hình thức của hạt giống trong chiều sâu tâm thức. Từ giây phút đó anh tiếp tục theo dõi hơi thở chánh niệm, duy trì niềm an lạc và hạnh phúc trong suốt thời gian còn lại của sự mua sắm. Anh không còn là nạn nhân của năng lượng tập khí nữa.

Tưới Tẩm Hạt Giống Tốt

Chúng ta đã tiếp nhận tất cả những hạt giống thiện và bất thiện từ ông bà, cha mẹ và tổ tiên của ta. Có những người trong chúng ta đã bị cha lạm dụng tình dục từ khi còn nhỏ hoặc bị cha mẹ đối xử một cách khinh suất và bạo động, vì thế họ mang trong lòng khối nội kết, khổ đau ấy mãi cho đến khi lớn khôn. Trong niềm bất hạnh đó, họ thành tâm tự hứa là khi lớn lên, lập gia đình, có con, họ sẽ không đối xử tồi tệ, thiếu đạo đức đối với con cái của mình như cha mẹ mình đã từng đối xử với mình. Thế nhưng, vì không biết cách chuyển hóa năng lượng tiêu cực ấy trong họ nên họ sẽ đối xử với con cái của họ y hệt như cha mẹ họ đã từng đối xử với họ. Sự kiện này đã xảy ra rất nhiều đối với các bậc cha mẹ. Khi còn nhỏ, mình đã từng đau khổ vì cha mẹ đối xử tệ bạc với mình, bỏ rơi mình. Và đứa bé bị thương trong mình vẫn còn đó. Mình cảm thấy rất mong manh và lo sợ một ngày kia người bạn đời, và nhiều người bạn khác sẽ bỏ rơi mình, sẽ đối xử tệ bạc với mình. Mình đã nếm mùi khổ đau khi bị bỏ rơi như thế nào rồi và mình không muốn người khác bị rơi vào tình trạng giống mình. Nhưng nếu không biết cách chuyển hóa và trị liệu những vết thương, những hạt giống tiêu cực trong lòng, quý vị sẽ tiếp tục làm cho con cái, người thương của quý vị đau khổ như quý vị đã từng khổ đau với cha mẹ của quý vị. Quý vị sẽ đổ lỗi cho những người mà quý vị nghĩ là nguyên nhân gây nên khổ đau cho quý vị. Quý vị biết rất rõ rằng lạm dụng người khác, làm cho họ tuyệt vọng, bỏ rơi họ, gây thương tích khi họ còn nhỏ là điều không tốt, thế mà quý vị vẫn làm. Nếu con cái của quý vị không có cơ hội gặp tăng thân, không có cơ hội sống gần gũi với các bậc thiện tri thức thì những hạt giống khổ đau trong chúng sẽ không được chuyển hóa và sau này chúng sẽ trao truyền những hạt giống tiêu cực ấy lại cho các thế hệ con cháu của chúng. Đây là cái vòng lẩn quẩn, gọi là luân hồi - Samsara. Mục đích của sự tu tập là để đoạn trừ, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi. Vì vậy ta phải nhận diện cho được những phiền não - những yếu tố tiêu cực đang có mặt trong chiều sâu tâm thức (tàng thức) của ta. Ta phải can thiệp vào và tu tập để đem lại sự chuyển hóa thật sự - chuyển hóa tận gốc, chứ không phải chỉ để tìm chút ít thuyên giảm tạm thời. Đó gọi là chuyển y. Quá trình chuyển y có thể được thực hiện bằng hai cách; cách thứ nhất là sự quán chiếu trực tiếp vào bản chất của hạt giống. Ta cho phép hạt giống giận hờn, phiền não biểu hiện lên trên vùng ý thức và dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp, làm lắng dịu, rồi nhìn sâu để hiểu. Đây là cách trực tiếp làm phân tán hạt giống. Chỉ có ánh sáng của Niệm, Định và Tuệ mới có thể phá tan được màng vô minh, chuyển hóa được những hạt giống phiền não. Cách thứ hai là sự quán chiếu gián tiếp vào tâm thức. Cách này mang lại hiệu quả chậm hơn. Đó là sự thực tập gieo trồng và tưới tẩm vào tâm thức ta những năng lượng tích cực mỗi ngày. Thay vì mời hạt giống phiền não lên để ôm ấp và quán chiếu, ta có thể để cho nó nằm yên đó và thực tập tưới tẩm những năng lượng tốt đẹp, lành mạnh để giúp chúng chuyển hóa. Điều này ta có thể tự mình thực tập hoặc thực tập với tính cách một tập thể, cộng đồng, gọi là Tăng thân. Tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, tươi mát và trị liệu trong đời sống hàng ngày là sự thực tập rất nuôi dưỡng, dễ chịu, có công năng dẫn đến sự trị liệu và chuyển hóa cho thân tâm.

Tôi rời Việt Nam vào năm 1966, đi qua Mỹ và các nước châu Âu, châu Á và châu Úc để vận động cho hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trả lại sự thanh bình cho quê hương đất nước. Hầu hết dân chúng Việt Nam đều không tán thành cuộc chiến và ai ai cũng muốn chiến tranh chấm dứt càng sớm càng tốt. Hàng triệu người dân đều là nạn nhân của chiến tranh. Nhưng tiếng nói của chúng tôi bị lấn át, bị chôn vùi trong tiếng bom đạn kinh hoàng, trong sự đấu tranh ý thức hệ. Có những người đã phải tự thiêu để mong cho tiếng nói hòa bình được vang tới các nước bên ngoài. Chúng tôi đã bị đàn áp, cảm thấy tuyệt vọng và muốn mọi người lắng nghe tiếng kêu thương của chúng tôi; lúc bấy giờ chúng tôi không có phương tiện kỹ thuật tối tân để lên tiếng kêu gọi sự công bằng, bày tỏ nỗi khổ đau của dân chúng để được hiểu, để được nhân loại, thế giới nghe thấu. Vì vậy chúng tôi đã đem tấm thân của mình biến thành những ngọn đuốc của tình thương yêu đồng loại để báo động cho nhân loại biết rằng chúng tôi thật sự không muốn chiến tranh, muốn chấm dứt sự giết chóc. Tôi đã rời Việt Nam sang Mỹ để cất lên tiếng nói với chính phủ Mỹ, với quốc tế rằng chúng tôi không tán thành cuộc chiến; chúng tôi muốn cuộc chiến và sự tàn sát chấm dứt ngay lập tức. Chúng tôi muốn cả hai bên trả lại sự hòa bình cho đất nước Việt Nam.

Vào đầu tháng Sáu năm 1966, tôi bị cấm về nước. Lúc ấy tất cả các đệ tử, bạn đạo và sự nghiệp mà tôi đã dày công gầy dựng như Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Tuần Báo Phật Giáo, Trường Cao Đẳng Phật Học Vạn Hạnh đều nằm ở Việt Nam. Khi biết được lệnh cấm về nước, tôi vô cùng buồn khổ, cảm thấy mình như một tế bào bị văng ra khỏi cơ thể. Có những lần tôi đã thức giấc vào giữa khuya và không biết là mình đang ở đâu, bởi vì vào thời gian ấy, tôi đã du hành đến rất nhiều quốc gia để tham gia vào những cuộc hội thảo vận động chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam. Tôi thường mơ thấy mình trở về chùa Tổ (Từ Hiếu) để được gặp lại Thầy, các huynh đệ, các bằng hữu, các đệ tử và các tác viên thanh niên phụng sự xã hội. Trong nhiều giấc mơ tương tự, tôi thường thấy một ngọn đồi xanh mơn mởn với những hàng cây thông thật dễ thương, tráng lệ. Trong giấc mơ, tôi luôn thấy mình leo lên tới nửa chừng đồi, và khi lên gần tới đỉnh, đột nhiên tôi thức giấc và thấy mình đang bị lưu đày. Lần nào trong giấc mơ cũng đều xảy ra y hệt như vậy. Tôi rất buồn tủi. Giấc mơ ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều năm. Trong giấc mơ tôi thấy tôi không bao giờ vượt qua được ngọn đồi Dương Xuân ấy.

Sống ở xứ lạ quê người, tôi đã bắt đầu học làm quen với đất nước, con người bản xứ và tập nhận nơi đây làm quê hương của mình. Lúc ấy cuộc chiến đang xảy ra khốc liệt ở Việt Nam vì vậy tôi không thể ở Mỹ được. Tôi muốn đứng lên kêu gọi chấm dứt cuộc chiến, kêu gọi chính phủ Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Thế nên tôi phải rời Mỹ đẻ đến châu Âu. Ở Châu Âu, mọi vật đều xa lạ đối với tôi như cây cối, hoa trái, chim chóc, con người, thức ăn, văn hóa và tín ngưỡng... Tôi đã thực tập đi thiền, thở trong chánh niệm và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt quanh tôi. Tôi sinh hoạt với các cháu thiếu nhi người Pháp và người Đức. Tôi làm quen với các giáo sĩ Công Giáo và các vị linh mục Tin Lành. Tôi đã học ăn các món ăn Tây Phương như bánh mì và phó mát thay cơm. Tôi nhận thấy rằng sông núi, con người và các cháu thiếu nhi ở Châu Âu thật dễ thương, mộc mạc và xinh đẹp. Tôi vượt qua được những khó khăn là nhờ thực tập như thế. Dần dần tôi biết tự tưới tẩm và nuôi dưỡng mình với những yếu tố hạnh phúc trong tôi và quanh tôi. Một hôm tôi nhận thấy rằng giấc mơ ''leo tới nửa chừng đồi'' của tôi không còn trở lại nữa; tôi không còn có cảm giác cô độc, buồn tủi về sự kiện mình bị lưu đày nữa.

Bây giờ tôi không còn nhớ tưởng về quê hương của tôi nữa, bởi vì tôi đã tiếp xúc được với quê hương và dân tộc của tôi trong tự thân. Tuy rằng tôi đang ở đây, nhưng tôi thấy mình đồng thời cũng đang có mặt tại Việt Nam trong nhiều hình thái biểu hiện khác. Các thiền sinh Việt Nam cũng như Tây Phương đã về Việt Nam thăm viếng và họ đã chia sẻ với tôi rằng họ thấy rất rõ rằng Thầy đang có mặt tại Việt Nam; băng giảng, thư tịch và sách báo của tôi đều đang được lưu hành rộng rãi tại Việt Nam. Nhiều thế hệ tăng sinh trẻ được tiếp xúc với tôi qua các sách báo và băng pháp thoại. Cảm giác bị lưu vong trong tôi không còn nữa. Lẽ dĩ nhiên không phải chỉ do tôi thực tập mời gọi nỗi khổ bị lưu vong ấy lên để quán chiếu mà chuyển hóa hết được Một phần là do tôi đã biết cách thực tập nhận diện và tưới tẩm những hạt giống của niềm vui, hạnh phúc trong tôi và chung quanh tôi mỗi ngày. Tôi luôn luôn thực tập nhận diện những yếu tố lành mạnh, tươi mát và đẹp đẽ có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu quanh tôi. Tôi nghĩ quý vị nên thực tập nhận diện những hạt giống tích cực, thánh thiện trong mình và chung quanh mình, đồng thời làm cho chúng phát triển mỗi ngày, thì chúng sẽ giúp chuyển hóa những hạt giống tiêu cực khác trong tâm thức quý vị. Những hạt giống tốt, thánh thiện là những người bạn thân thiện đến để bảo hộ và làm cho những hạt giống tiêu cực được chuyển hóa. Những hạt giống tích cực làm công việc chăm sóc, bảo hộ và chuyển hóa những hạt giống tiêu cực. Bản chất của những hạt giống là Vô thường, có tính cách hữu cơ, chúng thay đổi liên tục. Nếu biết cách gieo trồng những hạt giống tốt, thánh thiện trong ta mỗi ngày, ta có thể làm cho chúng phát triển và lớn lên rất mau chóng. Những năng lượng tốt đẹp ấy có công năng giúp ta ôm ấp và chuyển hóa những hạt giống bất thiện, tiêu cực trong ta. Tôi đã thực tập như thế để chuyển hóa những niềm đau nỗi khổ, những hạt giống bất thiện, tiêu cực có mặt trong tâm thức tôi.

Nhìn Kỹ Để Thương

Chúng ta biết rằng sự chuyển hóa và trị liệu chỉ có thể có được khi ta đạt được cái thấy, tức là sự hiểu biết. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu có công năng giải phóng ta ra khỏi ngục tù của nội kết, hận thù, khổ đau, tuyệt vọng và phiền não. Bụt nói rằng sở dĩ những phiền não như sợ hãi, lo lắng và sầu đau phát sinh là vì ta có tri giác sai lầm về thực tại. Vì vậy muốn đạt được hiểu biết lớn (đại trí) ta phải thực tập nhìn sâu. Theo lời Bụt dạy, giải thoát và tự do chỉ có thể thực hiện được khi ta có hiểu biết lớn - cái thấy sâu sắc về bản chất của thực tại. Đó gọi là kiến tánh. Nhìn sâu giúp ta hiểu được gốc rễ khổ đau của chính mình và của những người mà mình nghĩ là nguyên nhân gây ra khổ đau cho mình, những người đã làm mình và gia đình mình, dân tộc mình điêu đứng. Cách đây khoảng mười lăm năm, có một cậu con trai gốc Việt sinh ra và lớn lên tại nước Thụy Sĩ, đến Làng Mai tu tập vào những khóa tu mùa Hè. Mỗi năm cậu trai trẻ ấy đều đến Làng Mai tu tập cùng với em gái. Cậu ấy có nội kết và không truyền thông được với ba. Cậu rất giận ba cậu vì ba cậu thường hay la rầy và nói chuyện không ôn hòa với mọi người trong gia đình. Mỗi khi cậu làm điều gì sơ ý, thay vì tới hỏi han giúp đỡ và nói vài lời an ủi vỗ về để biểu lộ tình thương và sự chăm sóc của người cha. Ba cậu thường hay la rầy cậu nặng lời. Ba cậu hay la cậu: ''Đồ ngu! Tại sao mày chơi để rồi bị té như vậy?'' Cậu ta không hiểu được tại sao ba mình đối xử như vậy với mình. Từ đó cậu trở nên hờn ghét ba và tự hứa với chính mình là sau này lớn lên mình sẽ không hành xử như ba mình. Cậu nghĩ là sau này mình sẽ làm hay hơn ba; sau này nếu có con cái và nếu con mình có lỡ làm điều lầm lỗi, thiếu cẩn trọng như mình bây giờ thì mình sẽ tới giúp đỡ và an ủi nó thay vì giáng cho nó một câu nặng nề như ba mình đã đối xử với mình. Một hôm tại chùa Cam Lộ, Xóm Hạ, trong lúc cậu đang ngồi trông em gái của mình chơi giỡn với một đứa bạn gái khác trên chiếc võng. Cả hai đứa đu đưa qua lại trên võng rất khoái chí. Bất chợt chiếc võng bị lật, hai đứa té nhào xuống đất. Em gái của cậu bị trầy trên trán, chảy máu một tí. Thấy vậy, cậu rất giận dữ, định tới la rầy em mình một trận. Cậu định nói: ''Đồ ngu! Tại sao mày vô ý như vậy!'' Nhưng nhờ đã biết phương pháp tu tập, cậu lập tức trở về với hơi thở và thực tập đi thiền để chăm sóc cảm thọ của mình thay vì tới la em. Cố nhiên lúc đó đã có người tới chăm sóc em gái của cậu rồi. Trong khi đi thiền, cậu khám phá ra một điều thật mầu nhiệm: Cậu thấy rằng mình rất giống ba. Trong cậu có nguồn năng lượng muốn rầy la, muốn trừng phạt giống hệt như ba thường hay la rầy mình. Năng lượng đó cậu cho là sự ngu dại. Khi người thương của quý vị đang khổ, quý vị nên tới an ủi, vỗ về, bày tỏ sự yêu thương, ân cần và nâng đỡ của mình cho người đó bớt khổ thay vì đem tâm phiền giận để la rầy, trách móc. Cậu trai trẻ kia nhận thấy trong mình có nguồn năng lượng muốn trừng phạt giống hệt như ba mình. Nhưng cậu đã có khả năng dừng lại kịp thời. Đó là tuệ giác, là khả năng nhận diện được cái gì đang xảy ra trong mình và chung quanh mình. Cậu trai trẻ này mới mười bốn tuổi thôi, nhưng cậu đã có khả năng thực tập dừng lại và nhận diện được như vậy rồi. Cậu nhận thấy mình là sự tiếp nối của ba mình thật rõ ràng. Cậu đã tiếp nhận năng lượng tập khí muốn la rầy, trừng phạt ấy từ ba. Tiếp tục thực tập đi trong chánh niệm, cậu thấy rằng hạt giống giận trong cậu không thể nào chuyển hóa được nếu cậu không thực tập; và nếu không thực tập bây giờ, sau này cậu sẽ trao truyền năng lượng tập khí ấy lại cho con cái cậu. Tôi nghĩ đối với một cậu bé mới mười bốn tuổi mà đã có thể thực tập thành công như vậy, thì đó là sự kiện thật phi thường, thật mầu nhiệm. Cậu bé đạt được hai cái thấy chỉ trong vòng mười lăm phút thực tập thiền đi. Cậu nghĩ khi trở về Thụy Sĩ, cậu sẽ chia sẻ cái thấy ấy với ba. Cậu sẽ khéo léo mời ba cùng thực tập thiền đi và thở trong chánh niệm với cậu để cả hai cha con có thể chuyển hóa năng lượng tập khí tiêu cực ấy. Với cái thấy thứ ba, cậu đã làm tan biến cơn giận, nội kết đối với ba mình vì cậu đã hiểu được ba cậu cũng là nạn nhân của sự trao truyền. Có thể ba cậu đã tiếp nhận những hạt giống tiêu cực từ ông nội của cậu. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cậu bé ấy có khả năng đạt tới cái thấy thứ ba này, điều đó có nghĩa là cậu thiếu niên này đã thấy được ba mình đã từng là nạn nhân của sự trao truyền từ ông nội.

Có nhiều người trong đại chúng đau khổ và hờn giận cha mẹ của họ. Như tôi đã nói trong các bài pháp thoại trước, có nhiều người trong chúng ta mang trong mình một đứa bé bị thương. Có những người, nhất là những người trẻ vì hận ba, hờn mẹ nên thường hay dại dột tuyên bố một cách trắng trợn rằng: ''Tôi không muốn có liên hệ gì với ba tôi, mẹ tôi hết.'' Đó là lời tuyên bố hết sức dại dột. Vì sao? Vì theo tuệ giác Tương tức, Vô ngã của đạo Bụt, mình là sự tiếp nối của cha mẹ mình; mình chính là cha mẹ mình. Mình không thể nào trốn thoát được sự thật ấy. Cách khôn ngoan nhất là nên trở về làm hòa với chính mình và với cha mẹ đang có mặt trong mình. Không có cách nào khác. Lời dạy của Bụt rất rõ ràng. Ta đã từng là nạn nhân của những tập khí xấu, những hạt giống tiêu cực, nhưng với sự thực tập nhìn sâu, ta sẽ hiểu được rằng người kia cũng đã từng là nạn nhân của sự trao truyền như ta. Người kia không được may mắn như ta, người kia không có cơ duyên gặp thầy hiền bạn tốt dẫn dắt, nên những hạt giống tiêu cực trong họ không có cơ duyên được chuyển hóa và vì vậy họ đã truyền lại cho ta. Khi thấy được cha mẹ mình là nạn nhân của sự trao truyền, thì sự hờn giận của mình đối với cha mẹ sẽ tan biến. Nhìn sâu để hiểu, để thương và để thoát ra khỏi hầm lửa của oán hận, trách móc, tuyệt vọng là phép thực tập rất quan trọng. Đó gọi là quán, tức là nhìn sâu.

Có một lần tại chùa Pháp Vân, xóm Thượng thuộc tu viện Làng Mai, mọi người đều được đề nghị làm bài tập là viết thư cho cha mẹ của mình. Có một chàng thanh niên thiền sinh người Mỹ bảo rằng anh không thể nào làm được bài tập này, bởi vì mỗi khi nghĩ tới ba là anh nổi giận đùng đùng và rất đau khổ. Mặc dầu ba của anh đã qua đời, thế nhưng giữa hai cha con vẫn không có sự hòa giải. Tôi đã đề nghị cho anh ta một vài phương pháp thực tập và những phương pháp thực tập ấy có thể thực hiện trong vòng một tuần. ''Thở vào, tôi thấy tôi là em bé năm tuổi. Thở ra, tôi mỉm cười với em bé năm tuổi là tôi.'' Tôi hướng dẫn cho anh ta quán tưởng vào chính mình như là một đứa bé năm tuổi, rất mong manh, rất dễ bị thương tích. Khi thấy được đứa bé năm tuổi trong anh đã từng bị thương tích, mong manh như thế nào rồi, anh ta sẽ có tình thương và sự cảm thông cho đứa bé mà anh ta đã đi qua. Thở ra, anh ta mỉm cười với đứa bé năm tuổi với nụ cười cảm thông, thương yêu. Khi còn là chú bé năm tuổi, anh đã va chạm rất nhiều vấn đề khó khăn và khổ đau với ba. Có thể anh đã cố gắng nói với ba điều gì đó, nhưng anh đã không tìm ra lời lẽ hay, khéo léo để trình bày. Và trong lúc đang tìm chữ, có lẽ ba của anh đang trong cơn bực bội đã lớn tiếng la rầy và quát: ''Im đi! Mày là đồ vô tích sự.'' Điều đó đã gây thành vết thương sâu đậm trong lòng thơ dại của đứa bé và từ đó đứa bé không bao giờ dám tới gần để tỏ lộ điều gì với ba nó nữa. Anh đã không có khả năng chia sẻ với ba mình về những khó khăn và khổ đau của mình vì anh không có can đảm làm như vậy, và cha của anh cũng không có đủ kiên nhẫn để lắng nghe. Khi thở ra, anh sử dụng năng lượng thương yêu mà anh đã chế tác để ôm ấp đứa bé bị thương trong anh. ''Thở vào, tôi thấy tôi là một đứa bé năm tuổi rất mong manh, dễ bị thương tích. Thở ra, tôi mỉm cười với đứa bé năm tuổi là tôi.''

Một tuần sau, tôi đã cống hiến cho anh ta thêm một câu thực tập khác: ''Thở vào, tôi thấy cha tôi là một em bé năm tuổi. Thở ra, tôi mỉm cười với em bé năm tuổi là cha tôi.'' Có lẽ quý vị chưa bao giờ nghĩ về cha mình như một đứa bé năm tuổi, rất mong manh, dễ bị thương tích. Nếu thấy được cha mình như vậy, quý vị sẽ hiểu được cha, thông cảm cho cha. Cũng như bản thân quý vị vậy, có thể cha của quý vị đã từng là nạn nhân của sự giận hờn, la mắng, khổ đau... và đã mang trong mình một đứa bé bị thương như mình. Quý vị có thể xem tấm hình của ba mình chụp lúc ba còn là một đứa bé năm tuổi, nếu có. Anh thiền sinh trẻ kia đã xin được một tấm hình của ba anh lúc ba anh còn nhỏ và anh đặt tấm hình ấy lên bàn học của anh. Mỗi lần bước vào phòng hoặc rời khỏi phòng, anh thường dừng lại chốc lát để nhìn vào đôi mắt của ba anh trong tấm hình và thở vào, thở ra ba hơi thật chánh niệm. Trong khi thở và nhìn kỹ vào ba, anh ta quán tưởng ba mình như là một đứa bé năm tuổi. Và mầu nhiệm thay anh đã khám phá ra rằng ba anh cũng đã từng là một nạn nhân, đã không có cơ duyên gặp chánh pháp để tu tập và chuyển hóa. Khi anh thấy được như vậy thì bao nhiêu oán hận, bực tức trong lòng anh bắt đầu tan biến. Một hôm anh ngồi xuống và viết một bức thư tình cho ba. Anh viết: ''Thưa ba, con biết ba đã đau khổ rất nhiều khi còn là một chú bé năm tuổi và vì ba đã không may mắn gặp được chánh pháp, chưa biết nghệ thuật tu tập chuyển hóa niềm đau nỗi khổ của mình nên ba đã truyền lại cho con. Con thật dại dột; con không hiểu được điều đó và con cứ hờn giận, trách móc ba. Nay con đã hiểu và rất cảm thông cho ba. Con hứa là con sẽ thực tập chuyển hóa những khó khăn, khổ đau giùm cho ba...'' Sau khi viết xong bức thư cho ba, tự nhiên anh được chuyển hóa, lòng anh cảm thấy nhẹ nhõm và anh biết rằng mình đã hòa giải được với ba mình.

Khi tắm gội, ta có cơ hội để thực tập nhìn sâu vào cơ thể ta. Bụt mời chúng ta thực tập nhìn sâu vào bản chất của từng bộ phận trên cơ thể và thấy cho được bản tính Tương tức, trống rỗng (tánh không) của sự trao truyền. Sự trao truyền ấy gọi là Tam Luân Không Tịch. Tam luân tức là ba yếu tố của sự trao truyền: đó là người trao truyền, vật được trao truyền và người tiếp nhận. Tuy ba nhưng chỉ là một, chúng tương quan tương duyên với nhau, ba yếu tố không thể có mặt như là một thực thể biệt lập. Bụt mời chúng ta nhìn sâu vào bản chất của mỗi yếu tố và thấy cho được bản tính trống rỗng (không), Tương tức của sự trao truyền. Ta thử đặt câu hỏi như thế này: ‘‘Ba mình đã trao truyền cho mình những gì?’’ Câu trả lời là: ‘‘Ba đã trao truyền chính toàn bộ con người của ba cho mình.’’ Đối tượng được trao truyền không gì khác hơn chính là toàn bộ con người của ba mình và mình đích thực là sự tiếp nối của ba mình. ‘‘Mình chính là ba mình.’’ Đối tượng của sự trao truyền là một với người trao truyền. Thế thì ta có thể hỏi tiếp: ‘‘Vậy ai là người tiếp nhận sự trao truyền? Người đó là một thực thể biệt lập chăng?’’ Và câu trả lời là: Không phải một cũng không phải khác. Người tiếp nhận sự trao truyền mang trong tự thân cả hai yếu tố: đó là đối tượng của sự trao truyền và người trao truyền. Khi quý vị chạm tới được cái thực tại Vô ngã, Tương tức, Không của sự trao truyền, thì quý vị sẽ không còn tuyên bố những câu động trời như: ''Tôi rất hận cha tôi, mẹ tôi. Tôi không muốn có liên quan gì tới cha tôi, mẹ tôi hết.'' Thực ra theo tuệ giác vô ngã, mình chính là cha mình, là mẹ mình. Mình chính là sự tiếp nối của cha mình, của mẹ mình. Vì vậy tốt nhất là quý vị nên trở về làm hòa với cha mình, với mẹ mình. Nhưng đừng nghĩ rằng cha mẹ mình có mặt biệt lập ngoài mình, họ đang có mặt ngay trong tự thân của mình, trong từng tế bào của cơ thể mình. An lạc và hạnh phúc chân thật chỉ có thể có được khi nào ta đạt được cái thấy không phân biệt (vô phân biệt trí) và thực hiện được sự hòa giải giữa mình và cha mẹ mình.

Nếu ta nhận diện được những hạt giống tích cực, tốt đẹp và lành mạnh trong ta thì tìm cách làm cho chúng biểu hiện và duy trì chúng càng lâu càng tốt. Còn nếu ta nhận diện được hạt giống tiêu cực, có tính cách tàn phá sức khỏe và hạnh phúc của ta thì nên thực tập ôm ấp và chuyển hóa chúng càng nhanh càng tốt. Khi ta được chuyển hóa, thì ông bà, cha mẹ, tổ tiên và các thế hệ tương lai của ta cũng được chuyển hóa. Khi tôi thực tập thở vào và làm cho thân tâm an tịnh; thở ra, tôi mỉm cười, thì tôi đồng thời cũng đang cởi trói cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên và các đệ tử của tôi được giải thoát, tự do. Mỗi khi tôi bước được một bước chân có vững chãi, thảnh thơi và an lạc, thì đồng thời tôi cũng bước cho các thế hệ ông bà tổ tiên và con cháu của tôi. Phép thực tập này có công năng giúp ta chuyển hóa và trị liệu rất mầu nhiệm. Ta thực tập không phải cho riêng ta mà ta thực tập cho tất cả ông bà, tổ tiên, con cháu và các thế hệ tương lai của ta. Có như thế ta mới đem lại sự hòa giải thật sự.

Nhưng sự hòa giải trước hết phải bắt đầu từ chính mình. Ta không cần phải đợi đến lúc ngồi lại với người kia mới làm công việc hòa giải. Có lần, có một người thiền sinh viết cho tôi như thế này: ''Kính thưa Thầy, con biết trong quá khứ con đã gây ra nhiều lầm lỗi với đứa con gái của con. Con rất muốn được ngồi lại với con gái của con để thực tập làm mới, hòa giải và thiết lập lại sự truyền thông. Thế nhưng mỗi lần con viết thư muốn được ngồi lại với con gái của con để chia sẻ, làm mới, nhưng con của con đều từ chối. Thưa thầy, trong trường hợp như thế, con phải làm sao?’’ Có lẽ quý vị nghĩ rằng sự hòa giải chỉ có thể được thực hiện bằng cách phải gặp mặt và nói chuyện trực tiếp với người kia. Điều này chứng tỏ rằng quý vị chưa nắm vững phương pháp Làm Mới; muốn làm mới với người kia, trước hết quý vị phải thực tập làm mới với tự thân mình, gọi là giải giới đơn phương; nếu chưa hòa giải được những khó khăn, bế tắc, buồn giận... nơi chính mình, thì khó mà hòa giải được với người khác, quý vị sẽ không có khả năng thấy và hiểu được người kia. Hiểu mình chính là nền tảng căn bản để hiểu người. Sự hòa giải chân thật chỉ có thể được thực hiện bằng chất liệu hiểu biết và thương yêu. Khi mình có chất liệu hiểu biết và thương yêu trong lòng thì việc giúp đỡ người khác sẽ trở nên rất dễ dàng. Khi nội tâm mình được hóa giải, lưu thông, thì yếu tố an lạc và thương yêu sẽ có mặt. Nếu thân tâm mình tràn đầy năng lượng an lạc, hiểu biết và thương yêu thì mình có thể chuyển đổi hoàn cảnh một cách dễ dàng. Cho nên vấn đề không phải chỉ nằm ở ngoài, mà căn bản là chính nơi tự thân của mình. Khi tâm an thì thế giới an. Khi tâm bình thì thế giới bình.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn