06. Chăm Sóc Cảm Thọ

23 Tháng Năm 201400:00(Xem: 6153)

Thích Nhất Hạnh
HƠI THỞ NUÔI DƯỠNG VÀ TRỊ LIỆU
Áp Dụng Kinh Quán Niệm Hơi Thở vào đời sống hàng ngày
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn

06. Chăm sóc cảm thọ

Chúng ta học tiếp về phép “Quán niệm cảm thọ trong cảm thọ.” Khi có một cảm thọ dễ chịu (lạc thọ) phát sinh trong ta, ta thực tập nhận diện và tiếp xúc sâu sắc với bản chất của cảm thọ ấy bằng hơi thở chánh niệm. Trong khi tiếp xúc với cảm thọ dễ chịu, ta cảm thấy an vui và được nuôi dưỡng. Nếu tiếp tục tiếp xúc và quán chiếu sâu sắc vào cảm thọ dễ chịu ấy, ta sẽ hiểu được nguồn gốc của nó, nguồn gốc của nó có thể phát sinh từ sắc thân hoặc từ tâm ta - tức là từ tri giác hay từ một tâm hành. Khi thân thể ta khỏe mạnh, ta cảm thấy rất dễ chịu, an vui. Trạng thái đó gọi là lạc thọ phát sinh từ thân thể vật lý. Còn niềm an vui, nhẹ nhàng, sự vắng mặt của khổ đau trong tâm phát sinh gọi là lạc thọ thuộc về tâm lý. Tiếp xúc với cảm thọ sâu sắc, ta sẽ tiếp xúc và nhận diện được những yếu tố của thân hành và tâm hành trong chiều sâu của nó. Một khi đã khám phá ra được những yếu tố làm phát sinh cảm thọ, ta bắt đầu có lối thoát.

Tiếp Xúc Với Những Điều Kiện Hạnh Phúc

Có những người trong chúng ta bị bệnh viêm mũi, dị ứng với phấn hoa, bụi và những triệu chứng khó chịu khác. Vào mùa Xuân, những người bị dị ứng với phấn hoa luôn cảm thấy rất khổ sở, họ không dám đi ra ngoài trời; nhưng khi có một trận mưa tuôn xuống thì tất cả bụi phấn đều bị tẩy sạch, không khí trở nên trong lành, mát dịu trở lại và ta hít thở thoải mái hơn. Nếu có chánh niệm, ta sẽ ý thức rằng cảm thọ dễ chịu được phát sinh trong ta là nhờ cơn mưa đã tẩy đi bụi phấn trong không khí và ta không bị phấn hoa hành hạ nữa. Nhờ năng lượng chánh niệm mà cảm thọ dễ chịu ấy được lan rộng. Ta mỉm cười và trân quý niềm hạnh phúc khi có một cảm thọ dễ chịu như thế. Đó là một điều kiện căn bản của hạnh phúc. Ví dụ, trong lúc này đây ta đang không bị nhức răng và không bị nhức răng đích thực là một cảm thọ dễ chịu, một cảm giác hạnh phúc. Nếu không tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại, ta sẽ cho rằng hạnh phúc không có mặt. Chánh niệm có công năng giúp ta có mặt đích thực trong giây phút hiện tại và nhận diện được những yếu tố căn bản của hạnh phúc đang có trong ta và chung quanh ta. Khi nhận diện được các yếu tố hạnh phúc, thì niềm vui và hạnh phúc trở thành hiện thực. Một tâm hành thánh thiện luôn đem lại cho ta cảm thọ dễ chịu. Nếu làm cho một người nở được nụ cười thì ta cũng được hạnh phúc. Nếu tiếp xúc và nhìn kỹ vào bản chất của cảm thọ dễ chịu ấy, ta sẽ nhận diện được tâm hành từ bi trong ta. Năng lượng Từ bi hướng dẫn, thúc đẩy ta nói hoặc làm những điều giúp cho người kia nở được nụ cười. Nếu ta biết cách ôm ấp cảm thọ dễ chịu trong ta, nhận diện được sự có mặt của yếu tố Từ bi, thì cảm thọ dễ chịu ấy sẽ tiếp tục tăng trưởng và nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc của ta. Đây là phép thực tập tự nuôi dưỡng mình bằng chất liệu niềm vui và hạnh phúc. Bài tập này cần được thực tập thường xuyên trong đời sống hàng ngày để đem lại chất liệu nuôi dưỡng và trị liệu cho thân tâm. Phép thực tập này ta có thể thực hiện một mình dù có hay không có sự yểm trợ của các bạn đồng tu. Tuy nhiên nếu có sự nâng đỡ, yểm trợ, dìu dắt và bảo hộ của tăng thân, của các bạn đồng tu, thì sự thực tập của ta sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và có thể giúp ta đạt tới kết quả thật mau chóng.

Tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, tươi mát và tốt đẹp trong ta là sự thực tập rất thiết yếu. Biết rằng khu vườn của ta có nhiều loại thảo mộc, hoa thơm cỏ lạ, có nhiều cây cổ thụ hùng vĩ. Tuy rằng trong khu vườn ấy có vài cây đang tàn rụi, nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ khu vườn bị hư hoại. Thân tâm ta cũng giống như một khu vườn. Trong cơ thể ta có thể có một bộ phận nào đó đang đau nhức, đang bị bệnh, đang có vấn đề, nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ cơ thể đều bị hư hoại; có nhiều bộ phận khác vẫn còn khỏe mạnh, cường tráng. Ta phải tiếp xúc với cả hai khía cạnh ốm đau và khỏe mạnh của cơ thể ta thì ta mới thật sự tiếp xúc được với thực tại của toàn bộ cơ thể. Sự thực ấy có công năng giúp ta làm phát sinh niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Ta thực tập ôm ấp và chăm sóc những bộ phận đau nhức trong cơ thể ta bằng năng lượng chánh niệm và tình thương; ta giao phó chúng cho những bộ phận mạnh khỏe khác của cơ thể chăm sóc và ôm ấp. Thông thường ta chỉ chú ý tới những yếu tố tiêu cực, không lành mạnh và quên rằng ta đang có rất nhiều yếu tố tích cực, lành mạnh trong ta và chung quanh ta. Nếu tự mình không thấy ta có thể tới hỏi những người bạn đồng tu của ta để nhờ họ chỉ dẫn. Điều này rất quan trọng. Ta phải biết thừa hưởng những yếu tố lành mạnh, tích cực đang có trong thân tâm ta. Ví dụ trong tăng thân ta có thể có vài người đang lên xuống thất thường, sự thực tập của họ chưa được vững chãi để có thể tự làm chủ thân tâm mình, nhưng họ đang được các thành phần khác trong tăng thân tu tập vững chãi hơn ôm ấp, dìu dắt và nâng đỡ. Đối với những người thực tập còn yếu, nếu họ được sống trong chiếc nôi của tăng thân, được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ; và họ giao phó hoàn toàn thân mạng mình cho tăng thân, thì tăng thân có thể giúp họ tiến xa trên bước đường tu tập chuyển hóa và trị liệu. Với năng lực tu tập hùng hậu, vững chãi của tăng thân, chắc chắn những người ấy sẽ không bị chùn bước, yếu đuối và lên xuống quá nhiều như họ đang là.

Nếu quý vị là một nhà tâm lý trị liệu, quý vị có thể áp dụng nếp sống chánh niệm, nhất là phép thực tập nhận diện những yếu tố lành mạnh vào đời sống hàng ngày của chính mình và áp dụng vào trong lĩnh vực trị liệu cho bệnh nhân. Khi ngồi đối diện với bệnh nhân, quý vị có thể hướng dẫn bệnh nhân của mình tiếp xúc với những yếu tố tích cực, lành mạnh trong người ấy và chung quanh người ấy. Trong khi làm như vậy, tự thân quý vị cũng được nuôi dưỡng. Quý vị không nên chỉ nói hoặc tìm hiểu về những yếu tố không lành mạnh, mà nên chú ý và nói về những yếu tố tích cực, lành mạnh có tính cách nuôi dưỡng, trị liệu và khích lệ bệnh nhân của mình tiếp xúc với những gì lành mạnh và nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày. Mời bệnh nhân thực tập thiền đi với quý vị khoảng nửa giờ cho tới một giờ để giúp người ấy tiếp xúc với những yếu tố mầu nhiệm của sự sống. Nếu tự thân thực tập được như thế, thì quý vị có thể giúp được cho các bệnh nhân của mình một cách hữu hiệu.

Bây giờ chúng ta đi sang phần khác của sự thực tập, tức là ý thức về sự có mặt của khổ thọ. ‘‘Thở vào, tôi nhận diện cảm thọ không dễ chịu đang có mặt trong tôi. Thở ra, tôi làm cho cảm thọ không dễ chịu trong tôi êm dịu trở lại.'' Ta không thể làm ngơ với những cảm thọ khó chịu như đau nhức, sầu muộn hay tuyệt vọng đang có mặt trong ta. Chúng xuất hiện trên bề mặt của ý thức và đang muốn được nhận diện, đang cần sự chú ý của ta. Chánh niệm có công năng giúp ta nhận diện sự có mặt của chúng và khi đã nhận diện được chúng, thì ta có thể thầm niệm: ''Chào em, chị biết em đang có mặt đó. Chị đang có mặt đây để chăm sóc em. Chị sẽ chăm sóc em thật đàng hoàng.'' Đó là công năng đầu tiên của chánh niệm. Khi có những cảm thọ khó chịu như bực bội, giận hờn, khổ đau hay tuyệt vọng phát khởi, ta không nên trốn chạy hay đè nén chúng. Ta nên trở về với hơi thở và bước chân chánh niệm, có mặt đích thực cho niềm đau nỗi khổ của ta, nhận diện đơn thuần sự có mặt của nó và ôm ấp nó với tình thương và sự trìu mến. Ôm ấp những cảm thọ khó chịu, ta có thể làm chúng êm dịu trở lại; khi chúng đã êm dịu, tâm ta trở nên lắng đọng ta sẽ có cơ hội nhìn sâu và thấy được nguồn gốc của chúng. Ta thấy nguồn gốc của khổ thọ trong ta có thể được phát xuất từ thân vật lý hoặc từ tâm sinh lý. Tất cả các cảm thọ đều thuộc về hiện tượng, gọi là hành. Những hiện tượng ấy dù thuộc về vật lý, sinh lý hay tâm lý, chúng đều cần được nhận diện, chú ý và chăm sóc.

Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm

Sau khi đức Thế Tôn thành Đạo, Người đã nói bài Pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như tại Vườn Nai, Ngài nói về Tứ Diệu Đế - Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm. Sự thật thứ nhất là Khổ đế - dukkha, nghĩa là khổ. Khổ tức là sự vắng mặt của an lạc, hạnh phúc. Ta nên dịch như vậy mới chính xác. Trong truyền thống của giáo lý đạo Bụt, khổ được nhận thức như một Sự Thật Mầu Nhiệm, nên mới gọi là khổ đế hay khổ thánh đế. Có lẽ quý vị ngạc nhiên hỏi rằng: ''Tại sao Bụt nói khổ là một Sự Thật Mầu Nhiệm? Khổ đau là một hiện tượng tiêu cực, là sự vắng mặt của hạnh phúc, là một sự bất hạnh; sao lại nói là mầu nhiệm, là thánh thiện?'' Câu trả lời là khi ta ôm ấp và nhìn sâu vào bản chất của khổ, không trốn chạy hoặc dồn nén, thì ta sẽ khám phá ra nguồn gốc của khổ và thấy được lối thoát. Nếu trốn chạy khổ đau, không dám đối diện với khổ đau, không nhìn sâu (quán chiếu) vào bản chất của khổ đau ta sẽ không bao giờ có cơ hội để hiểu, để tìm ra lối thoát. Vì vậy ta nên thực tập ôm ấp khổ đau với lòng từ bi và trực tiếp nhìn sâu vào bản chất của nó để khám phá ra cho được chân tướng đích thực của nó và khi hiểu được rồi, thì con đường thoát khổ sẽ hiện rõ ra trước mặt. Con đường đó gọi là Đạo đế - sự thật mầu nhiệm thứ tư.

Khi nhìn sâu vào Khổ đế (dukkha), ta thấy được sự thật thứ hai - Khổ tập đế (samudaya), tức là những nguyên do đưa đến khổ đau. Những nguyên do của khổ chỉ có thể tìm ra được bằng sự thực tập tiếp xúc và nhìn sâu (quán chiếu). Ví dụ ta đang mang trong mình căn bệnh trầm cảm. Trầm cảm là một hiện tượng của khổ đau - sự thật thứ nhất. Sự thực tập của ta trước hết là dùng năng lượng chánh niệm và tình thương để ôm ấp, chăm sóc tâm hành trầm cảm của mình, sau đó làm cho nó êm dịu trở lại và khi nó đã êm dịu, ta bắt đầu nhìn sâu vào bản chất của trầm cảm để tìm ra những nguyên do xa gần đã đưa tới sự trầm cảm đó. Ta không nên tìm cách trốn chạy. Trốn chạy thì sẽ đánh mất cơ hội. Trong khi đi thiền, ngồi thiền, tụng kinh, ăn cơm, uống nước, làm việc v.v... ta chế tác ra năng lượng Niệm và Định và ta dùng năng lượng Niệm, Định để ôm ấp, làm lắng dịu và nhìn sâu để nhận diện nguồn gốc của khổ đau. Đức Thế Tôn có nói rằng không có một thứ gì có thể sống còn được nếu nó không được nuôi dưỡng bằng thức ăn, kể cả tâm hành trầm cảm. Tất cả các pháp dù thuộc về hiện tượng tâm lý, sinh lý hay vật lý đều phải có thức ăn để sống còn. Có lẽ trong những năm tháng qua ta đã tưới tẩm và nuôi dưỡng tâm hành trầm cảm, tuyệt vọng trong ta quá nhiều. Phương pháp giúp ta nhận diện và hiểu được nguồn gốc của khổ đau là nhìn sâu để tìm ra những loại thực phẩm nào đã đem lại khổ đau như thế và ta có đang tiếp tục nuôi dưỡng khổ đau ấy trong ta hay không? Không có một thứ gì tự nó mà phát sinh được. Niềm tuyệt vọng, sự trầm cảm trong ta chắc chắn phải phát sinh từ những nguyên do nào đó. Cái khổ thuộc về thân có liên hệ đến cái khổ thuộc về tâm và ngược lại. Thân và tâm không phải là hai thực thể biệt lập, chúng làm ra nhau - Tương tức. Vì vậy, phải nhìn sâu và thấy cho được ta đã và đang tưới tẩm, nuôi dưỡng thân tâm ta bằng những loại thức ăn nào trong đời sống hàng ngày và bằng cách nào. Đó gọi là chánh kiến.

Bốn Loại Thực Phẩm - Tứ Thực

Đức Thế Tôn có dạy về bốn loại thực phẩm, gọi là Tứ Thực. Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là ý tư thực và thứ tư là thức thực. Đoàn thực tức là thức ăn ta tiêu thụ hàng ngày qua đường miệng. Loại thức ăn này có liên quan đến sức khỏe, hạnh phúc hoặc khổ đau của thân tâm. Có những loại thức ăn rất lành mạnh có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm, nhưng cũng có nhiều loại thức ăn chứa đựng rất nhiều chất liệu độc tố, bạo động và cơ thể ta không thích ứng với các loại thức ăn đó. Vì vậy ta phải nhìn sâu vào bản chất của cơ thể ta và vào các loại thức ăn mà ta tiêu thụ hàng ngày để thấy cho được loại thức ăn nào thích ứng, phù hợp cho cơ thể ta. Thở vào, thở ra trong chánh niệm và tự hỏi: ‘‘Thức ăn này có thích ứng cho thân tâm mình hay không?’’ Chánh niệm sẽ cho ta biết loại thức ăn nào ta nên đưa vào cơ thể và tâm thức, loại thức ăn nào ta nên kiêng cữ. Trong truyền thống tu tập của đạo Bụt, trước khi ăn, chúng tôi luôn luôn quán tưởng Năm Điều Quán Nguyện - Ngũ Quán. Hai điều quán nguyện đầu là: “Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác. Xin nguyện ăn trong chánh niệm và lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.” Để xứng đáng được thọ nhận thức ăn này, ta phải ăn cho có chánh niệm, ăn với lòng biết ơn, nghĩa là ăn như thế nào để có an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi ngay trong khi ăn. Nếu ăn không có chánh niệm thì ta không phát khởi được lòng biết ơn của ta đối với đất trời, muôn loài và công phu lao tác v.v... Vì vậy ta không cảm nhận được tình thương bao la của đất trời, của muôn loài trao tặng cho ta, do đó ta gây thiệt hại đến thân thể và tâm thức ta, tàn phá môi sinh và tước đoạt môi trường sống của con em ta. Nếu ăn có chánh niệm và với lòng biết ơn thì ta xứng đáng được tiếp nhận thức ăn trao tặng của muôn loài. Điều quán nguyện thứ ba là: “Xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu, nhất là tật tham ăn và tập ăn uống cho có chừng mực.” Bụt luôn luôn nhắc nhở các đệ tử của Ngài nên tập ăn uống cho có chừng mực và điều độ. Đây là phép thực tập rất thiết thực để bảo vệ sức khỏe và bày tỏ tình thương đối với thân thể ta. Điều quán nguyện thứ tư là: “Xin chỉ ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh.” Thức ăn là thuốc, là chất dinh dưỡng. Ăn như thế nào để điều hòa được tính âm dương trong cơ thể ta. Nhìn sâu vào thức ăn mà ta đang tiêu thụ, ta sẽ biết được loại thức ăn nào nên đưa vào cơ thể và loại thức ăn nào không nên đưa vào cơ thể. Điều quán nguyện thứ năm: “Vì muốn xây dựng tình huynh đệ, xây dựng Tăng thân và thực hiện sự nghiệp hiểu và thương, nuôi lớn chí nguyện độ đời, chúng con xin thọ dụng thức ăn này.” Có những người trong chúng ta đang mang trong lòng những cảm giác trống vắng, cô đơn, bất an và sầu khổ. Họ không biết cách xử lý những cảm thọ khó chịu ấy và một trong những cách để trốn chạy khổ đau, nỗi cô đơn là tìm tới tủ lạnh để lấy thức ăn mà ăn; họ ăn lấy ăn để, họ ăn như thế để mong có thể quên đi những niềm đau nỗi khổ của họ. Xã hội ngày nay người ta đều hành xử như vậy. Trong tu viện, các thầy, các sư cô và sư chú được khuyên là không nên ăn riêng và ăn ngoài những bữa ăn của đại chúng, trừ trường hợp có bệnh. Lời khuyên này được viết thành một giới trong mười giới Sa di. Phép thực tập này rất có lợi ích. Quý vị có thể thực tập như những người xuất gia trong phạm vi gia đình của mình, vì gia đình cũng là một tăng thân nhỏ. Ví dụ trong các bữa ăn khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, quý vị có thể đọc Năm điều Quán Nguyện trước khi ăn. Quý vị có thể mời các cháu đọc hoặc cả gia đình cùng đọc. Quý vị có thể đọc bằng nhiều thứ tiếng tùy theo nhu cầu. Trong khi đọc, mỗi người có cơ hội thực tập nhìn sâu vào thức ăn của mình xem những thức ăn ấy có lành mạnh, bổ dưỡng và thích hợp cho cơ thể mình hay không. Với sự thực tập này, quý vị sẽ cùng nhau tạo ra năng lượng tu tập chung trong gia đình để yểm trợ, nâng đỡ nhau trong việc ăn uống sao cho lành mạnh, có tính chất nuôi dưỡng, trị liệu và tránh gây độc hại cho thân tâm của ta và của những người ta thương.

Về Đoàn thực, đức Thế Tôn đã đưa ra một ví dụ rất tuyệt vời để minh họa cho loại thực phẩm này. Ngài kể rằng có một cặp vợ chồng kia có một đứa con trai nhỏ mà họ hết mực thương yêu, chăm sóc và nuôi dưỡng. Nhưng đời sống tại xứ của họ quá khắc khổ, khó khăn trăm bề, không có tự do nhân quyền... Một hôm muốn đem con vượt biên đến xứ khác để sinh sống và phải vượt qua vùng sa mạc khô cằn, nóng bức, đầy hiểm nguy và tai nạn. Nhưng rủi thay, đi được nửa đường thì hết lương thực, họ sa vào tình trạng đói khát không cách nào giải quyết. Họ biết rằng cả ba người đều sẽ bị chết đói giữa vùng sa mạc nếu không tìm ra thức ăn. Cuối cùng hai vợ chồng bàn tính với nhau: ‘‘Chúng ta chỉ có một đứa con mà chúng ta thương yêu hết mực. Nhưng nếu ăn thịt con mình thì chúng ta sẽ sống sót và vượt qua khỏi được cơn hiểm nạn này; còn nếu không thì cả ba người sẽ cùng chết.’’Bàn tính như vậy xong, họ giết đứa con, xót thương rơi lệ và gắng gượng ăn thịt con mình để sống còn mà vượt qua vùng sa mạc. Họ ăn thịt con mình trong tâm trạng đau khổ khôn xiết, tim can như nát tan từng mảnh. Và cuối cùng họ đã vượt qua được vùng sa mạc.

Sau khi kể xong câu chuyện bi thương ấy, Bụt hỏi các thầy: ''Này các thầy, các thầy có nghĩ là cặp vợ chồng kia ăn thịt con vì muốn thưởng thức hương vị của thịt ấy hoặc vì muốn cho thân thể có nhiều chất bổ dưỡng mà trở thành xinh đẹp thêm?’’ Các thầy khất sĩ đáp: ''Bạch đức Thế Tôn, không.'' Cũng vậy, nếu chúng ta ăn uống và tiêu thụ không có chánh niệm, không có tình thương và trách nhiệm, thì chúng ta đang tàn phá sức khỏe của ta, đang tước đoạt cơ hội sống và hạnh phúc của kẻ khác, của thế hệ tương lai, ăn như thế là chúng ta đang tàn hoại sinh môi và như vậy chẳng khác gì chúng ta đang ăn thịt của chính cha mẹ và con cái mình. Mỗi khi đưa vào miệng một giọt bia, giọt rượu, tức là ta đang uống một giọt máu của chính cha mẹ, con cái và thế hệ tương lai của ta. Mỗi khi ăn một miếng thịt là ta đồng thời đang ăn một miếng thịt của chính cha ta, mẹ ta, con ta và thế hệ tương lai của ta. Hội Liên Hiệp Quốc có tuyên cáo rằng nếu mỗi người trên thế giới giảm bớt khoảng năm mươi phần trăm số lượng tiêu thụ rượu và thịt mỗi năm, thì tình trạng nghèo đói của thế giới sẽ được cứu vãng. Mỗi năm trên thế giới có trên bốn triệu trẻ em chết vì bị suy dinh dưỡng, không có thức ăn. Đó là chưa nói đến sự tiêu thụ không có chánh niệm của ta đang trực tiếp hoặc gián tiếp tham dự vào sự tàn hoại môi trường sinh thái trầm trọng trên trái đất. Môi trường sinh thái là sinh mạng của ta. Nếu tàn phá, làm ô nhiễm môi trường, tức là ta đang tự hủy diệt chính ta và hủy diệt các thế hệ tương lai của ta. Con người trong xã hội hiện nay càng ngày càng trở nên bạo động, mức độ của sự thèm khát, hận thù, nghi ngờ và kỳ thị đang tăng gấp trăm ngàn lần cũng chỉ vì miếng ăn, cũng chỉ vì sự tiêu thụ không có chánh niệm và thiếu trách nhiệm của ta.

Xúc Thực

Loại thức ăn thứ hai là Xúc thực, là loại thức ăn ta đưa vào cơ thể qua đường mắt, tai, mũi và thân, tức là sự xúc chạm. Khi lái xe đi ngang qua trung tâm thành phố, thì tai ta nghe âm thanh, mắt ta thấy hình sắc, mũi ta ngửi mùi hương và thân ta tiếp xúc với các đồ vật. Tất cả những đối tượng xúc chạm của các căn đều được nhận thức như là thức ăn. Vì vậy nên ta gọi là xúc thực. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là sáu căn; và sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp là sáu trần. Sáu căn luôn luôn tương ứng với sáu trần. Khi xem một cuốn phim là ta đang tiêu thụ một vài loại thức ăn. Có những loại thức ăn ta đang tiêu thụ chứa đựng nhiều chất liệu độc hại. Một chương trình truyền hình hoặc một cuốn tiểu thuyết có thể chứa đựng rất nhiều chất liệu độc hại. Mỗi khi xem tin tức trên máy truyền hình hay từ báo chí hoặc nghe từ đài phát thanh, ta có thể đưa vào tâm thức ta rất nhiều chất liệu độc hại. Nỗi đau buồn, sợ hãi và tuyệt vọng trong ta được nuôi dưỡng bằng những tin tức, âm thanh và hình ảnh độc hại như thế. Chương trình rao vặt, quảng cáo thường có tính cách thu hút. Nó đảm bảo, hứa hẹn với ta rằng nếu mua sản phẩm này ta sẽ hạnh phúc. ''Nếu mua sản phẩm này, phẩm chất đời sống của các bạn sẽ trở nên tiện nghi hơn, đẳng cấp hơn.'' Những hình ảnh và âm thanh được dùng để thu hút sự chú ý của ta và lôi kéo ta vào vũng lầy của độc tố, của thèm khát và khổ đau. Ta phải thực tập hộ trì sáu căn mỗi khi lái xe đi ngang qua trung tâm thành phố đầy độc hại của âm thanh và hình ảnh. ''Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, đem ý thức tinh chuyên phòng hộ.'' Đó là hai câu trong bài tụng Sám Nguyện. Bụt đã nói về cách hộ trì sáu căn bằng ngôn ngữ đầy chất liệu thi ca rằng: ''Mắt là đại dương sâu với những đợt sóng ngầm, với những loài thủy quái, với những trận cuồng phong. Thuyền ta đi trong chánh niệm, hãy nắm vững tay chèo để đừng bị đắm chìm trong biển sắc mênh mông.'' Nếu không có chánh niệm, không học phương pháp hộ trì cánh cửa mắt (nhãn căn), thì ta sẽ bị chết chìm trong biển sắc mênh mông; không phải bị chìm một lần mà có thể bị chìm nhiều lần trong một ngày. Nhưng với con thuyền chánh niệm, và ta đang nắm rất vững tay chèo thì dù có đi ngang qua biển sắc, ta vẫn không bị chết chìm trong biển sắc mênh mông. Điều này cũng đúng đối với các cánh cửa giác quan khác như tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Bệnh trầm cảm một phần có thể phát sinh từ những hình ảnh và âm thanh không lành mạnh mà ta đã tiếp xúc mỗi ngày. Không có cái gì tự dưng mà có. Bệnh trầm cảm của ta cũng có nguồn gốc của nó. Nó được tưới tẩm và nuôi dưỡng bằng cách tiêu thụ không có chánh niệm trong đời sống hàng ngày của ta. Mỗi khi đi thiền trong phi trường Charles des Gaule - Paris, tôi thấy nhiều hình ảnh quảng cáo về các loại nước hoa. Với những nhãn hiệu như “Samsara” (Luân Hồi), “Scorpion” (Bò Cạp) và “Poison” (Chất Độc). Họ dám gọi đúng tên thật của những thứ đó. Ta biết rằng nước hoa là những sản phẩm tiêu thụ rất ăn khách và là những miếng mồi rất hấp dẫn, đẹp và thơm. Nhưng ẩn nấp trong miếng mồi thơm, đẹp đó là một cái lưỡi câu rất bén, nhọn và nếu ta là một con cá ngây thơ đớp vào thì hết gỡ. Thời nay những sản phẩm mua bán được trình bày và quảng cáo một cách rất khéo léo, tinh xảo và hấp dẫn. Chúng làm hoa mắt chúng ta, chỉ cần đớp vào là ta bị mắc câu ngay. Ta có gì để tự bảo hộ không? Có lẽ không! Nếu không có chánh niệm thì ta không có gì để tự vệ cả. Chánh niệm là môi giới duy nhất có thể canh gác sáu cánh cửa giác quan của ta và bảo hộ ta. Năm Giới Quý Báu là những kết quả của tuệ giác phát sinh từ những người đã thực tập chánh niệm. Năm Giới là những nguyên tắc thực tập căn bản có khả năng bảo hộ ta trong đời sống hàng ngày. Nếu sống và thực tập theo tinh thần của Năm Giới, ta sẽ bảo hộ được ta, gia đình ta và xã hội. Năm Giới không phải do một vị thần thánh tối cao nào chế ra để áp đặt lên con người, bắt con người phải tuân thủ, nếu không thì sẽ bị trừng phạt. Năm Giới là hoa trái của sự thực tập nhìn sâu, là cả một bề dày kinh nghiệm của nhiều thế hệ Tổ Sư đi trước. Ví dụ như Giới Thứ Năm của Năm Giới: ''Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm con bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.''

Tiêu thụ không có chánh niệm sẽ đem lại độc hại, bất an, sầu khổ, tàn hoại thân tâm ta và phản bội tổ tiên của ta. Năm Giới không phải là những luật lệ răn cấm làm ta mất hết tự do; chúng là những nguyên tắc hướng dẫn thực tập chánh niệm một cách cụ thể, giúp ta đi về hướng an lạc, giải thoát và bảo vệ tự do. Ta phải tự luyện tập để sống theo tinh thần Năm Giới mỗi ngày. Đây là tuệ giác có công năng bảo hộ để ta không bị rơi vào hầm hố của hệ lụy, khổ đau, hận thù và tuyệt vọng.

Về Xúc thực, đức Thế Tôn đã nêu ra một hình ảnh hết sức rùng rợn, đó là hình ảnh của một con bò bị bệnh ung thư da, toàn thân của nó bị lở loét không còn một mảnh da bao bọc, máu mủ chảy ròng rọc. Nếu con bò đứng gần bức tường cổ xưa bị rêu phong phủ đầy hoặc gần một cây cổ thụ già cỗi, thì tất cả những loài côn trùng, sâu bọ, vi khuẩn và ruồi muỗi... từ trong bức thành hoặc trong các vỏ cây cổ thụ sẽ bu lại hút máu, rúc rỉa. Cũng vậy, nếu không có chánh niệm, ta sẽ giống như con bò bị lột da, mỗi ngày bị những con vi khuẩn của sự thèm khát, hận thù rúc rỉa, hút từng chút và thân tâm của ta càng ngày càng bị khô cằn, cạn kiệt và nhiễm bởi các độc tố. Cũng như khi đi trong sương, tuy không thấy ướt áo, nhưng đi một hồi lâu áo ta sẽ bị ướt mèm mà ta không hề hay biết. Con bò kia cần có bộ da để được bảo hộ; ta cũng cần có năng lượng chánh niệm để hộ trì các giác quan của ta. Chánh niệm là chiếc áo bảo hộ thân tâm.

Ý Tư Thực

Loại thức phẩm thứ ba là Ý tư thực, tức là ước muốn thâm sâu nhất của đời ta, là ý niệm về hạnh phúc. Đây là thứ năng lượng thúc dục ta thực hiện những điều ta muốn thực hiện trong đời sống hàng ngày. Ta phải thực tập nhìn sâu vào chính ta để thấy những hành động (suy tư, lời nói và việc làm) của ta đang được thúc đẩy bởi loại năng lượng nào. Ta có một ý niệm về hạnh phúc và do đó ta làm việc như con thiêu thân để đạt cho được mục tiêu ta mong ước. Ta phải tự hỏi lại rằng mục tiêu của đời sống sôi động như thế là để làm gì? Thực phẩm thứ ba, tức là ý tư thực đang thúc đẩy ta và nó có thể đem lại cho ta hạnh phúc hoặc khổ đau. Hãy nhìn vào Mẹ Teresa. Trong đời sống hàng ngày, Mẹ Teresa đã được thúc đẩy bởi loại năng lượng nào? Mẹ Teresa có ước muốn giúp đỡ những người nghèo khổ và Mẹ đã thực hiện tốt đẹp ước muốn ấy với hai bàn tay trắng, không có điều kiện tài chánh, nguyên liệu, những người yểm trợ hoặc sự bảo hộ nào cả. Nguồn năng lượng vĩ đại duy nhất trong Mẹ là tình thương, là ước muốn muốn làm vơi bớt khổ đau cho nhiều người. Nếu trong lòng ta có ước muốn giống như vậy, thì đời ta sẽ có ý nghĩa và ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc. Khi tình thương - ước nguyện muốn giúp mọi người bớt khổ trong ta biểu hiện và ngày đêm ta được thúc đẩy bởi năng lượng ấy, thì ta sẽ thiết lập được truyền thông với mọi người rất dễ dàng và đời sống của ta sẽ trở nên giản dị hơn vì ta muốn đầu tư hết đời sống của mình để phụng sự. Ta sẽ từ khước nếp sống xa hoa, tiêu thụ và hưởng thụ dục lạc. Phần thưởng cao quý nhất mà ta thừa hưởng được là khả năng làm vơi nỗi khổ niềm đau và đem lại hạnh phúc cho mọi người. Mỗi khi ta làm cho một người nở được nụ cười, tự nhiên ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Cố nhiên là ta hành động với tình thương không điều kiện, nhưng cái vinh dự, cái phần thưởng cao quý ấy vẫn thuộc về ta. Có những người vì chứa chấp quá nhiều thù hận trong lòng và mục đích duy nhất mà họ muốn sống là để tìm cách trừng phạt những người họ hận thù, những người mà họ nghĩ là nguyên do làm họ khổ đau, điêu đứng. Những người ôm mối hận thù như thế không thể nào hạnh phúc được vì tâm tư họ luôn bị khống chế bởi ước muốn trả thù. Nếu ta bị thúc đẩy bởi năng lượng tiêu cực như hận thù, ghen ghét, tham lam và si mê, thì đời sống của ta sẽ rất khổ sở. Thái Tử Tất Đạt Đa có nguồn năng lượng vô biên trong lòng. Con người của Thái Tử luôn tràn đầy sức sống. Năng lượng ấy là năng lượng của Bồ Đề Tâm - tình thương lớn. Vì vậy trong suốt bốn mươi chín năm hành đạo, Ngài làm việc không ngừng và đã hóa độ cho rất nhiều người trong đó có các giới vua quan, các nhà chính trị, người cùng đinh và gái ăn sương v.v... Ngài đã xả thân hóa độ mọi người vì trong lòng Ngài luôn được thúc đẩy bởi năng lượng thương yêu lớn - ước muốn muốn cứu độ chúng sinh, muốn giúp người bớt khổ, đem lại an vui và hạnh phúc cho đời. Chúng ta cần phải thẩm định lại bản chất của ước muốn trong ta, bởi vì nó xác định phẩm chất đời sống của ta. Nếu ước muốn đó được căn cứ trên sự tham vọng về danh, lợi, quyền hành và tình dục v.v... thì nó sẽ dẫn ta đi về hướng của trụy lạc, khổ đau và hận thù.

Ở đây Bụt lại nêu lên một hình ảnh khác thật tuyệt vời để minh họa cho loại thức phẩm thứ ba này, tức là ý tư thực. Bụt kể câu chuyện về một người phạm trọng tội; người này không muốn bị trừng phạt; anh ta rất ham sống, không muốn nhận lãnh khổ đau, nhưng vẫn bị hai lực sĩ kéo đi và đẩy vào hố lửa. Hai lực sĩ đại diện cho ý tư thực hay còn gọi là tư niệm thực - tức là ước muốn, là ý niệm về hạnh phúc. Thường thường ý niệm về hạnh phúc của ta có thể đưa ta vào hướng khổ đau và tử biệt. Vì vậy, là người thực tập thiền định, hàng ngày ta phải có thì giờ để ngồi yên và nhìn sâu vào bản thân để thấy rằng mình đang bị hoặc đang được thúc đẩy bởi loại năng lượng nào? Mình đang đi về hướng nào? Phải thấy cho được cái ước muốn mà ta đang theo đuổi có đang dẫn ta vào hầm hố của khổ đau, tuyệt vọng và hận thù hay không. Nếu có, thì ta phải buông bỏ nó đi và chuyển sang nguồn năng lượng lành mạnh khác. Trong tâm thức ta có rất nhiều nguồn năng lượng lành mạnh như từ bi, hiểu biết, tha thứ và bao dung v.v… Ta nên trở về vun trồng và tưới tẩm để cho những nguồn năng lượng tốt đẹp ấy trong ta được phát triển mỗi ngày.

Thực Phẩm Cho Tâm Thức

Thức thực là loại thực phẩm thứ tư - nền tảng cho sự biểu hiện của tất cả các Pháp. Thức ở đây phải được hiểu như là đại biểu cho cái tổng thể của nghiệp, tức là những hành động đã được tạo tác: ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Khi thức được chín muồi (dị thục thức), thì nó biểu hiện ra sắc tướng (danh sắc), trạng thái của tâm hành và môi trường sinh sống (y báo) của ta trong hiện thời. Thức mà chúng ta đang nói ở đây là vọng thức, loại tâm thức bị ô nhiễm bởi những cái thấy sai lầm và phiền não do những vọng niệm, tri giác sai lầm, vô minh, những ước muốn bất thiện, không chính đáng đưa tới. Nếu tâm thức ta được tưới tẩm bởi những loại thức ăn lành mạnh, thánh thiện như chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh ngữ, chánh định, chánh tinh tấn, chánh mạng và chánh nghiệp (Bát chánh đạo), được tưới tẩm bởi lòng thương yêu và giải thoát thì nó sẽ được chuyển hóa và trở thành chân tâm. Chân tâm là tâm vô phân biệt, tâm bình đẳng, nó sẽ làm nền tảng cho sự biểu hiện sắc tướng khỏe mạnh, trạng thái lành mạnh, an lạc và thánh thiện của tâm hành và môi trường sinh sống an lành và đẹp đẽ.

Về Thức thực, Bụt lại nêu ra một hình ảnh hết sức táo bạo như sau để minh họa cho loại thực phẩm này. Bụt kể: Có một tên tội phạm bị bắt. Vua ra lệnh trừng phạt kẻ tội phạm ấy bằng cách đâm 100 mũi giáo vào thân thể hắn. Sau khi bị đâm một trăm mũi giáo, kẻ tội phạm kia không chết. Thấy vậy, tới trưa vua ra lệnh đâm thêm một trăm mũi giáo nữa, nhưng hắn vẫn không chết. Đến tối vua lại ra lệnh tiếp tục đâm thêm một trăm mũi giáo nữa, nhưng kẻ tội phạm kia vẫn không chết. Hình phạt cứ tiếp tục như vậy đến ngày này sang ngày khác mà hắn vẫn không chết. Cũng vậy, trong đời sống hàng ngày có thể ta để cho tâm thức ta bị tưới tẩm bởi những chất độc của si mê, tham đắm, giận hờn, của lời nói bất chánh và tà dục. Tâm thức ta tiếp tục phát triển theo chiều hướng của vọng tâm - tâm vẩn đục, và nó đem lại rất nhiều khổ đau cho bản thân, cho mọi người quanh ta, cho xã hội và môi trường sinh sống trên trái đất. Thiền tập là nhìn sâu vào bản chất của thực phẩm mà ta đang tự nuôi dưỡng mỗi ngày để thấy cho tận nguồn gốc của nó; và nếu cần, ta phải thay đổi thức ăn cho tâm thức ta để nó phát triển theo chiều hướng của chân, thiện, mỹ, tức là của chân tâm. Trong ánh sáng của giáo lý Mười Hai Nhân Duyên (Thập Nhị Nhân Duyên), thức là kết quả của vô minh và nguyên khối của tâm hành bất thiện. Nhưng thức cũng là kết quả của minh, tức là của trí tuệ, giải thoát, giác ngộ, đại nguyện và thương yêu. Tùy theo cách sống của ta mà thức biểu hiện theo chiều hướng nào.

Hiểu biết và thương yêu là hai nguồn năng lượng có công năng đem lại cho ta và những người chung quanh không gian, tự do và hạnh phúc. Vì vậy ta cần tu tập để chế tác chất liệu hiểu biết và thương yêu mỗi ngày. Đức Thế Tôn có dạy: ''Nếu quán chiếu vào bản chất của khổ đau và nhận ra được những nguyên do đưa tới khổ đau có liên quan đến các loại thực phẩm mà ta tiêu thụ hàng ngày, thì ta đã bắt đầu bước được vào con đường của chánh pháp, của giải thoát.'' Thấy được những nguyên do của khổ đau thì khổ đau sẽ không còn được tạo tác. Và ta chỉ cần cắt bỏ những nguồn thực phẩm không lành mạnh, thì thân tâm ta được thanh thản, được cởi trói tự do. Sau một vài tuần thực tập, ta sẽ thấy được sự chuyển hóa rất rõ ràng. Bụt có nói rằng không có cái gì có thể sống còn được nếu không có thực phẩm. Nếu ta có nỗi khổ niềm đau, tuyệt vọng hoặc bệnh trầm cảm mà ta thực tập nhìn sâu, hiểu được bản chất của chúng và cắt bỏ những nguồn thực phẩm, những nguyên do đã đem lại những khổ đau ấy, thì chúng sẽ chết, nghĩa là sẽ được chuyển hóa. Khi quán chiếu và thấy được bản chất của các loại thực phẩm, ta sẽ khám phá ra được sự thật thứ hai - tức là Khổ tập đế - những điều kiện, những nguyên do xa gần đưa tới khổ đau - tiếng Phạn là samudaya. Ta biết rằng khổ đau là một sự thật mầu nhiệm. Tuy nhiên đạo Bụt không phải chỉ nói đến khổ đau mà thôi, đạo Bụt luôn đề cập đến phương pháp nhận diện và nuôi dưỡng hạnh phúc. Muốn đạt tới hạnh phúc, ta phải cắt bỏ những nguồn thực phẩm không lành mạnh và thực tập chỉ tiêu thụ những loại thực phẩm lành mạnh có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Những loại thực phẩm lành mạnh đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh định... Bát Chánh Đạo là tám con đường chân chính, lành mạnh có thể giúp ta chuyển hóa khổ đau, đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực, là con đường Trung Đạo. Còn ngược lại là không phải con đường chánh đạo, đó là con đường tiêu thụ không có chánh niệm, là con đường của tám sự bất chính (bát tà đạo). Trong Tứ Thánh Đế - bốn sự thật mầu nhiệm, hai sự thật đầu thuộc về khổ và những nguyên do đưa tới khổ - khổ tập, trong khi đó hai sự thật còn lại nói về sự vắng mặt của khổ - tức là sự có mặt của hạnh phúc (khổ tập diệt) và con đường tu tập để chấm dứt khổ đau, khôi phục lại hạnh phúc (khổ tập diệt đạo). Đây là nội dung của bài pháp thoại mà Bụt đã nói lần đầu tiên để khai thị cho năm anh em Kiều Trần Như - những người bạn đồng tu khổ hạnh tại Vườn Nai ngay sau khi Người thành đạo. Bài pháp đó gọi là Sơ Chuyển Pháp Luân hay Đại Chuyển Pháp Luân.

Quán Niệm Tâm Ý

Bây giờ chúng ta học tới bài tập quán niệm hơi thở thứ chín của kinh Quán Niệm Hơi Thở: ''Thở vào, tôi ý thức về những hoạt động tâm ý trong tôi. Thở ra, tôi ý thức về những hoạt động tâm ý trong tôi.'' Tâm ý tức là những tâm hành. Ta có mặt cho những tâm hành mà bấy lâu nay ta đã thờ ơ, không quan tâm đến. Bài thực tập này cũng giống hai bài trước, nghĩa là ta thực tập trở về để chăm sóc những tâm hành đang có mặt trong ta. Trước hết là trở về chăm sóc thân thể, rồi đến cảm thọ và bây giờ là những tâm hành hay tâm ý.

Trước hết ta chỉ nhận diện đơn thuần sự có mặt của tâm hành. Ta không nên nắm bắt, chiếm hữu hoặc vướng mắc vào nó. Ta cũng không nên đàn áp hoặc xua đuổi nó. Đây gọi là phép thực tập nhận diện đơn thuần sự có mặt của tâm ý. Chỉ nhận diện và gọi đúng tên của nó: ''Chào em, tôi biết em có đó. Em là tôi và tôi đang có mặt đây để chăm sóc em.'' Có rất nhiều người trong chúng ta không muốn hoặc không có khả năng trở về với chính mình. Ta không dám đối diện với những khó khăn và khổ đau trong ta. Ta sợ chịu không nỗi và luôn tìm cách trốn chạy. Ta than là không có thì giờ để sống, để thực hiện chuyện này, dự án nọ; nhưng nhiều lúc rảnh rỗi ta lại không biết sử dụng thì giờ đó để trở về với chính mình, chăm sóc chính mình, ta phung phí thì giờ ấy một cách vô ích. Ta trốn chạy khổ đau trong ta bằng cách vùi đầu vào công việc, có thể ta bị lý tưởng trá hình mà ta không hay, ta đắm mình vào các chương trình truyền hình, đọc tiểu thuyết, báo chí hay lái xe đi chỗ này chỗ nọ, la cà trong các quán rượu, cà phê, sòng bạc, hút xách hoặc nơi vui chơi để thỏa mãn dục tình v.v... Nói tóm lại là ta muốn trốn chạy chính ta bằng nhiều phương tiện khác nhau, không muốn trở về với thân thể, cảm thọ và tâm ý của ta, tức là năm uẩn, vì trở về với nội tâm thật không dễ chịu chút nào. Thiền tập trước hết là trở về với năm uẩn của ta để ôm ấp, chăm sóc và sống hài hòa với chúng. Nếu ta có gây gổ, chiến tranh, hờn giận với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, xã hội, học đường và giáo hội của ta là vì trong ta đã có sẵn năng lượng của giận hờn, chiến tranh và bực bội. Khi trong lòng ta đã có chất liệu của chiến tranh, hận thù, thì ta dễ gây chiến tranh với người khác. Lãnh thổ của ta được làm bằng năm uẩn - tức là năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ta là ông vua, bà chúa của lãnh thổ năm uẩn ta. Nhưng ta đã không chăm sóc lãnh thổ của ta một cách đàng hoàng, đã không làm tròn trách nhiệm như một vị vua của lãnh thổ ta. Ta không muốn trông nom hoặc cai trị lãnh thổ của ta mà chỉ muốn trốn tránh trách nhiệm. Vương quốc của ta đang xảy ra rất nhiều cuộc nội chiến, đang bị trì trệ. Vương quốc của ta đã trở thành bãi chiến trường hỗn độn. Vì vậy ta rất sợ trở về với lãnh thổ của ta và chỉ muốn rời khỏi lãnh thổ ấy càng xa càng tốt. Ta chỉ muốn an thân. Bụt khuyên ta nên trở về với vương quốc của ta và dàn xếp lại mọi việc cho yên ổn, tái lập lại hòa bình cho vương quốc mình.

Sợ trở về với chính mình là vì ta thiếu nội lực, thiếu một vài khí cụ - phương pháp thực tập và phương tiện tự vệ. Nếu ta được trang bị với năng lượng chánh niệm thì ta có thể trở về một cách an toàn và không bị trấn ngự bởi niềm đau nỗi khổ và tuyệt vọng của ta. Với chánh niệm, ta có thể trở về trò chuyện được với đứa bé bị thương trong ta. Ta có thể thực tập câu thần chú: ''Tội nghiệp em quá! Anh biết em đã khổ quá nhiều, vậy mà bấy lâu nay anh không để tâm tới. Bây giờ anh mới ý thức được và anh đang có mặt đây để chăm sóc cho em. Anh hứa là từ nay về sau anh sẽ chăm sóc em thật đàng hoàng.'' Với vài phút thực tập đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm, ta sẽ có khả năng trở về với tự thân và ôm ấp niềm đau nỗi khổ của ta một cách dễ dàng.

Nghệ Thuật Chế Tác Niềm Vui Và Hạnh Phúc Trong Đời Sống Hàng Ngày

Thiền tập không có nghĩa là biến tâm mình thành bãi chiến trường, lấy thiện đánh ác. Lấy cái thiện để chèn ép, tiêu diệt cái ác là một quan niệm sai lầm căn bản trong quá trình tu tập. Theo truyền thống tu tập của đạo Bụt, thì không có chiến tranh giữa thiện và ác. Thiền tập không phải để chiến tranh. Những yếu tố tích cực và tiêu cực, thiện và ác, chính và tà đều là những thành phần có tính cách hữu cơ. Nếu khôn khéo trong nghệ thuật ôm ấp và chuyển hóa, ta có thể chuyển những yếu tố tiêu cực thành tích cực. Ta không vứt bỏ bất cứ thứ gì mà học cách chuyển rác thành hoa. Ta biết rác là yếu tố cần thiết để làm ra hoa. Nếu vứt bỏ rác thì sẽ không có hoa. Chánh niệm là chất hữu cơ có thể nuôi dưỡng được những loại năng lượng khác. Khi năng lượng chánh niệm có mặt và ôm ấp những tâm hành, thì những tâm hành ấy được chuyển hóa. Chánh niệm có công năng nhận diện, làm êm dịu, nuôi dưỡng, chuyển hóa và có mặt với những tâm hành mỗi khi chúng phát khởi. Mỗi khi có những tâm hành không dễ chịu phát khởi, ta không nên vướng mắc, đè nén hay xua đuổi mà hãy tập nhận diện và ôm ấp chúng bằng sự chấp nhận và thương yêu. Trước hết, ta nhận diện phần thô của nó - giống như phần trên của tảng băng đang nổi giữa mặt nước. Sau khi đã nhận diện được phần nổi của tảng băng thì ta bắt đầu tiếp xúc được với cả khối băng khổng lồ còn lại đang ẩn tàng dưới nước. Mỗi khi có một tâm hành biểu hiện, ta chế tác ra năng lượng chánh niệm để nhận diện và ôm ấp nó. Nhưng theo lối thông thường, ta luôn có khuynh hướng trốn chạy, ruồng bỏ đứa bé bị thương trong ta. Thay vì trở về nhận diện và làm quen với nó, ta muốn chôn vùi nó vào tận đáy chiều sâu của tâm thức ta để nó ngủ yên. Nhưng đứa bé bị thương trong ta luôn luôn muốn trồi lên và muốn được nhận diện, ôm ấp và chăm sóc. Nó nói: ''Em đây nè. Em đây nè. Xin anh/ chị đừng ruồng bỏ em, đừng trốn chạy em. Tội nghiệp em mà!'' Sự thực tập của ta là trở về và nhận diện những khía cạnh khác biệt của đứa bé bị thương trong ta. Ta ôm ấp từng phần một cho tới khi ta có thể ôm ấp hết cái tổng thể của đứa bé bị thương trong ta. Ở trong môi trường tăng thân, có sự yểm trợ và nâng đỡ thì sự thực tập chuyển hóa và trị liệu sẽ xảy ra dễ dàng và mau chóng hơn.

Nếu trong khi đang ngồi thiền mà có những tâm ý trồi lên, quấy động ta, ta có thể thực tập nhận diện từng tâm ý một, và nhớ là chỉ nhận diện đơn thuần thôi. Khi có một suy tư, cảm thọ, tri giác, niềm đau hoặc nỗi buồn phát khởi, ta hãy nắm lấy hơi thở chánh niệm, thực tập thở vào thở ra thật sâu và nhận diện sự có mặt của nó như nó đang là, không vướng mắc, không dồn nén hay xua đuổi. Ta có thể nói như thế này: ''Em tới chơi hả! Mình quen nhau quá mà, phải không? Mời em ngồi chơi.'' Và ta ôm ấp tâm hành khó chịu ấy với sự trìu mến, chấp nhận và thương yêu. Đối tượng của sự thực tập của hơi thở có ý thức thứ chín trong mười sáu phép Quán Niệm Hơi Thở là những loại tâm hành như ghen tỵ, sợ hãi, hận thù, tuyệt vọng, mất niềm tin và bất an - nói chung là tất cả những tâm hành tiêu cực, bất thiện dấy lên trong vùng ý thức ta.

Khi quán chiếu vào một đối tượng hết sức thích thú, thì định lực của ta có đủ khả năng làm an tịnh, lắng dịu những tâm hành đang có mặt đồng thời trong ta. Trong khi ngồi thiền, ta chọn một đề tài thiền quán đặc biệt nào đó, nhìn sâu vào nó để khám phá cái bản chất của nó. Đề tài quán chiếu càng thích thú thì định lực của ta càng hùng hậu. Nếu đối tượng thiền quán của ta không có gì thích thú lắm thì dầu có cố gắng cực nhọc, ta vẫn bị rơi vào trạng thái hôn trầm - buồn ngủ và chán nản, lúc ấy nhiều tạp niệm sẽ tiếp tục phát khởi và kéo ta đi. Trạng thái đó gọi là trạo cử. Có bài thiền tập hướng dẫn giúp ta nhận diện và liệt kê xuống trang giấy tất cả các tên gọi của những con bò trong ta, tức là các đối tượng vướng mắc, tham ái của tâm thức mà ta đang vướng vào. Bài thiền tập hướng dẫn khác là viết xuống những điều ta có thể làm hàng ngày để đem lại niềm vui cho ta. Ban đầu ta có thể nghĩ rằng: Ôi! Có gì hay ho, hạnh phúc đâu mà viết, mà làm; nhưng khi ngồi xuống cho thật yên và nhìn kỹ lại, ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng có quá nhiều điều ta có thể làm để chế tác niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Khía cạnh thực tập khác của thiền quán là cho phép những tâm hành phát khởi một cách tự nhiên và dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp, chăm sóc. Ta nuôi dưỡng hơi thở chánh niệm và nhận diện từng tâm hành mỗi khi nó biểu hiện. Mỗi khi ta nhận diện và nâng niu một tâm hành thiện thì niềm vui và hạnh phúc của ta được tăng trưởng và tâm hành đang được chăm sóc cũng lớn mạnh thêm. Khi ấy ta thấy tình thương và niềm tin của ta nơi chánh pháp trở nên vững bền hơn và ta sử dụng nguồn hạnh phúc đã chế tác được để nuôi dưỡng thân tâm. Mỗi khi có những tâm hành tiêu cực, bất thiện và khổ đau phát khởi, ta nhận diện và ôm ấp chúng với năng lượng chánh niệm; và nhìn sâu để hiểu rõ gốc rễ của chúng. Hiểu là bản chất của thương, của an vui và hạnh phúc.

An Tịnh Tâm Hành

Bây giờ ta đi sang bài tập thứ mười của kinh Quán Niệm Hơi Thở: ''Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc.'' Bài thực tập này có công năng đem lại chất liệu nuôi dưỡng, niềm vui và hạnh phúc cho ta. Ta tiếp xúc với những tâm hành lành mạnh, thánh thiện trong ta. Giống như hình ảnh của một khu vườn mà tôi đã chia sẻ kỳ trước; trong khu vườn có rất nhiều cây còn khỏe mạnh, xanh tươi. Ta tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, thánh thiện như khả năng sống an vui, chánh niệm, tha thứ, bao dung trong tâm thức ta. Trong ta, người nào cũng có hạt giống của Từ - maitri. Tất cả chúng ta đều có khả năng thương yêu. Cho dù có những lúc ta sợ thương, ta vẫn có khả năng thương và khả năng ấy đang còn ẩn náu trong hình thái hạt giống. Trong tuần đầu của khóa tu, có người viết cho tôi một lá thư rất dài nói rằng ông ta rất sợ thương yêu, vì trong quá khứ ông đã từng thương và đã trở thành nạn nhân của sầu khổ, tuyệt vọng và hận thù. Ông tự hứa với chính mình rằng: ''Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ thương yêu nữa. Không thương ai nữa hết.'' Nhưng nhờ ông đã thực tập theo lời hướng dẫn của tôi, hôm ấy là lần đầu tiên ông tiếp xúc được với hạt giống thương yêu đã bị chôn vùi trong chiều sâu tâm thức của ông và ông nhận thấy rằng mình có thể thương yêu trở lại. Từ giây phút đó ông không còn sợ sệt khi tuyên bố câu mà ông nghĩ là sẽ không bao giờ tuyên bố được, đó là câu: ''I love you - Anh yêu em.'' Người nào cũng có hạt giống thương yêu trong tự thân, nhưng nó cần được nhận diện, tiếp xúc và tưới tẩm mỗi ngày. Ta có khả năng làm cho người thương của ta hạnh phúc và nếu ta làm cho họ hạnh phúc, thì ta cũng sẽ được hạnh phúc. Maitri - lòng từ là khả năng hiến tặng niềm vui và hạnh phúc, trước hết cho chính bản thân, sau đó cho những người chung quanh. Dầu ta có đầy thiện chí muốn giúp người kia hạnh phúc, nhưng thiện chí vẫn chưa đủ. Thường thường, ta có rất nhiều thiện chí, nhưng vì không biết cách thương hoặc thương mà không hiểu, nên càng thương ta càng làm cho người thương của ta đau khổ. Muốn thương, trước hết ta phải hiểu và phải biết thương chính mình. Nếu chưa biết chăm sóc và thương yêu chính mình, thì ta chưa thương người khác được. Khi thực tập thiền buông thư tức là ta đang gửi lòng từ đến với thân tâm ta. Khi ôm ấp và nuôi dưỡng những tâm hành Hỷ và Xả, tức là ta gửi tình thương đến cho tự thân. Khả năng thương, khả năng làm cho người khác hạnh phúc là lòng từ - maitri. Ta có thể vun trồng tình thương ấy mỗi ngày.

Bi là tình thương, là khả năng làm vơi bớt khổ đau của người, yếu tố thứ hai của tình thương rộng lớn, không biên giới. Tiếng Phạn là karuna. Chúng ta ai cũng có hạt giống thương yêu trong lòng. Khi thực tập vun trồng hai đặc tính từ và bi, thì năng lượng từ bi trong ta sẽ lớn mạnh và ta có thể thiết lập liên hệ dễ dàng với mọi người, mọi loài quanh ta. Nhờ vậy mà sự truyền thông giữa ta với mọi người trở nên dễ dàng hơn và ta bớt khổ rất nhiều. Khi trong lòng ta có tràn đầy chất liệu từ và bi, thì niềm vui và hạnh phúc tự dưng có mặt. Muốn làm cho tâm ý được hoan lạc thì phải thực tập trở về nhận diện những tâm hành tốt trong ta dưới hình thái của hạt giống và sau đó làm cho nó biểu hiện lên trên bề mặt của ý thức.

Ta rất may mắn được tu tập với Tăng thân, đang được Tăng thân bảo hộ và nâng đỡ. Có nhiều người không có cơ hội được tham dự khóa tu và thực tập với Tăng thân như ta. Chúng ta đang cùng đi trên con đường tỉnh thức, đang được tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống để nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc cho tự thân và cho mọi người. Trong xã hội ta, có rất nhiều người đã đánh mất hướng đi trong cuộc đời; họ không biết đi đâu về đâu. Còn ta, ta may mắn có được con đường để đi, đó là con đường tu tập chuyển hóa, trị liệu, hiểu biết và thương yêu. Hễ không đi thì thôi, chứ đi đúng con đường đã được hướng dẫn, thì chắc chắn ta sẽ không bị lầm lạc, không bị sa vào hố lầy của khổ đau và tuyệt vọng. Nhờ tu tập mà ta đã thiết lập lại đức tin nơi chánh pháp và nơi khả năng giác ngộ, hiểu biết và thương yêu của tự thân. Chỉ cần trở về tiếp xúc với hạt giống của niềm tin trong ta, ta sẽ làm cho tâm ta được an vui và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong đời sống hàng ngày, nếu biết thực tập tự nuôi dưỡng mình với những chất liệu Từ, Bi, Hỷ, Xả, thì ta sẽ trở nên vững mạnh và làm chỗ nương tựa cho rất nhiều người. Đó là thành quả của sự thực tập bốn tâm thương yêu không biên giới - Tứ Vô Lượng Tâm. Tuy rằng trong ta vẫn còn có nhiều yếu kém, nhưng ta không còn lo sợ, chán nản và tuyệt vọng vì đã có con đường - ''Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ.'' Đó là câu tụng trong Bài Tụng Hạnh Phúc.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn