03. Thương Thân

23 Tháng Năm 201400:00(Xem: 5908)

Thích Nhất Hạnh
HƠI THỞ NUÔI DƯỠNG VÀ TRỊ LIỆU
Áp Dụng Kinh Quán Niệm Hơi Thở vào đời sống hàng ngày
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn

03. Thương thân

Chúng ta thật may mắn tổ chức được một khóa tu dài hạn với một đại chúng đông đảo như thế này cùng tu tập với nhau. Xin quý vị đem hết lòng để học hỏi, tu tập, giao phó thân mạng mình cho Tăng thân, thực tập quay về nương tựa Tăng một trăm phần trăm, mở lòng để cho năng lượng tu tập của Tăng thân thấm nhuần vào thân tâm mình. Năng lượng chánh niệm của Tăng thân rất mầu nhiệm, hùng hậu; nếu hết lòng phó thác thân tâm mình vào tăng thân, thì ta sẽ thừa hưởng được rất nhiều lợi lạc. Cố nhiên tự mình cũng chế tác ra được năng lượng chánh niệm, nhưng ta cũng cần nương vào năng lượng chánh niệm của Tăng thân thì sự chuyển hóa của ta mới xảy ra mau chóng. Nếu biết kết hợp năng lượng chánh niệm của ta và của Tăng thân thì ta sẽ có một nguồn năng lượng hùng hậu hơn cho sự chuyển hóa và trị liệu. Ví dụ có một người đang có rất nhiều khổ đau và người ấy đang ngồi bên cạnh quý vị, nếu quý vị là người đang thực tập vững chãi, nụ cười hiền từ, tươi mát thì người ấy đã bớt khổ rất nhiều rồi. Người ấy đang cố gắng thực tập mỉm cười; nhưng vì trong lòng người ấy còn có khổ đau nên nụ cười chưa được tươi lắm, chưa tự nhiên lắm. Nếu là người thực tập giỏi, ta có thể chế tác ra năng lượng chánh niệm và yểm trợ cho người ấy bằng cách cống hiến cho người ấy một nụ cười tươi mát, hiền hòa, thông cảm và hạnh phúc để cho người ấy mỉm được nụ cười tươi mát như ta. Khi người ấy cười tươi được, thì tất cả các thế hệ ông bà tổ tiên trong người ấy cũng cười theo và thừa hưởng niềm an lạc, hạnh phúc với người ấy. Đây là điều hết sức mầu nhiệm. Tổ tiên người Việt của chúng tôi thường nói rằng: “Con cháu ở đâu thì ông bà ở đó.” Câu nói này phản ánh rất xác thực giáo lý vô ngã, giáo lý tương tức trong đạo Bụt. Nụ cười không phải là sản phẩm của một cá nhân mà là một sản phẩm chung. Nếu ta đạt tới được sự chuyển hóa và trị liệu, thì ông bà, tổ tiên trong ta và ngoài ta cũng được thừa hưởng. Hãy cho phép Tăng thân ôm ấp ta như bà mẹ hiền ôm ấp và nâng niu đứa con thơ trong vòng tay. Hãy tin vào Tăng thân, cho phép Tăng thân chuyên chở, nâng đỡ và dìu dắt ta trên bước đường tu tập. Đó là hành động nương tựa Tăng đích thực. Hành động ấy sẽ đem lại cho ta niềm vui, sự chuyển hóa và trị liệu rất lớn.

Hôm trước chúng ta được học về bài tập thứ nhất của mười sáu phép quán niệm hơi thở, ''Thở vào, ý thức rằng tôi đang thở vào. Thở ra, ý thức rằng tôi đang thở ra.'' Ta cũng có thể nói, ''Thở vào, ý thức đây là hơi thở vào. Thở ra, ý thức đây là hơi thở ra.'' Ta nhận diện hơi thở vào như là hơi thở vào và hơi thở ra như là hơi thở ra. Ta không nên can thiệp vào hơi thở. Hãy để cho hơi thở hoạt động một cách tự nhiên. Sự thực tập của ta là dùng ánh sáng chánh niệm để soi chiếu vào, quán sát liên tục quá trình vào - ra của hơi thở. Nếu ta thực tập đúng theo sự chỉ dẫn, thì phẩm chất hơi thở của ta sẽ tiến bộ rất mau chóng. Hơi thở của ta sẽ trở nên sâu lắng, hòa điệu và nhẹ nhàng hơn. Khi hơi thở chánh niệm trở nên sâu lắng, an bình, thì thân và tâm cũng an bình, tĩnh lặng. Ta không cần phải cố gắng gì cả.

Phép thở có ý thức thứ hai của mười sáu phép quán niệm hơi thở là: ''Thở vào một hơi dài, tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài. Thở vào một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn.'' Ta không nên làm cho hơi thở dài ra hay ngắn lại theo ý của ta. Năng lượng chánh niệm được nuôi dưỡng trong suốt thời gian của hơi thở vào và hơi thở ra. Ta chỉ nhận diện đơn thuần và theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu cho tới cuối mà thôi. ''Dài'' hay ''ngắn'' không quan trọng, quan trọng là trong khi thở, ta ý thức được và có mặt trọn vẹn suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra. Niệm hơi thở tức là có chánh niệm về toàn thân của hơi thở.

Trong hai phép thở có ý thức đầu, ta thấy rằng khi thực tập thành công được phép thở đầu, thì ta cũng thực tập thành công được phép thở thứ hai. ''Thở vào, tôi ý thức đây là hơi thở vào.'' Ta ý thức trọn vẹn hơi thở vào. Khi ý thức trọn vẹn hơi thở vào và hơi thở ra, thì đồng thời ta cũng đang thực tập phép thở thứ hai. Và khi thực tập phép thở thứ hai thành công thì đồng thời ta cũng đang thực tập phép thở thứ nhất. Càng thực tập ta sẽ thấy được tính chất tương tức của mười sáu phép quán niệm hơi thở. Ta phải tu tập như thế nào để thấy được tính vô ngã và tương tức của các pháp, cụ thể qua mười sáu phép quán niệm hơi thở. Phép thở đầu được làm bằng phép thở thứ hai. Nếu ta thực tập phép thở đầu thành công thì đồng thời ta cũng đang thực tập phép thở thứ hai. Nếu ta đảo phép thở thứ hai lên đầu, thì phép thở đầu không còn là phép thở đầu nữa. Đây là điểm rất mầu nhiệm. Ta có thể thấy được tính tương tức trong tất cả các phép thở. Điều này có nghĩa là khi ta thực tập phép thở có ý thức này thì ta cũng đang thực tập tất cả các phép thở khác. Đó gọi là cái một chứa đựng cái tất cả.

Quán Thân Trong Thân

Bây giờ ta đi sang bài tập thứ ba của mười sáu phép quán niệm hơi thở: ''Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi.'' Trước hết, ta thấy rằng đây là ước muốn muốn trở về làm quen, làm hòa với thân thể ta. Có khi ta nhận thấy rằng thân thể này là ta, là một cái gì rất gần gũi, thân thiện với ta; nhưng có lúc ta lại nghĩ thân thể này không phải là của ta, nó là một cái gì rất xa lạ đối với ta, thậm chí ta rất chán ghét nó. Ta nghĩ rằng thà không có thân này còn hơn. Ta muốn đày đọa, loại trừ thân thể ta. Đó là thái độ muốn trốn chạy, muốn thoát ly ra khỏi thân thể của chính mình. Vì vậy bài tập thứ ba là để giúp ta thực tập trở về làm hòa với thân thể. Hơi thở chính là một phần của thân thể. Hơi thở chánh niệm là nhịp cầu giúp ta thực tập trở về với thân thể, cảm thọ, tâm ý và tri giác của ta. Khi thở vào, ta biết ta đang thở vào; khi thở ra, ta biết ta đang thở ra, thì cái biết ấy tức là năng lượng chánh niệm; nếu thực tập liên tục thì năng lượng chánh niệm sẽ tăng trưởng rất hùng hậu. Năng lượng chánh niệm ôm lấy hơi thở vào và hơi thở ra. Ta trở thành một với hơi thở vào và hơi thở ra. Càng tiếp tục thực tập thì hơi thở vào và hơi thở ra càng trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng, hòa điệu và khoan thai. Khi hơi thở của ta đã trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng, thì ta bắt đầu bước thêm một bước nữa, tức là phép thở thứ ba - thực tập tiếp xúc với thân thể - ''Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi.'' Ta trở về với thân thể và ôm lấy thân thể ta bằng sự trìu mến, thương yêu. Ta làm hòa với thân thể ta. Bài tập này có thể thực tập trong tư thế ngồi hoặc tư thế nằm. Trở về để chăm sóc, để bày tỏ niềm ưu ái đối với thân thể ta là hành động hết sức cấp thiết và quan trọng. Thân thể ta có thể đang có nhiều đau nhức và căng thẳng. Nhưng vì sống trong thất niệm nên ta không biết được những gì đang xảy ra trong cơ thể ta; ngược lại, ta đối xử thiếu tình thương, niềm ưu ái và trách nhiệm đối với cơ thể ta, ta không ngó ngàng, quan tâm, chăm sóc đến cơ thể ta một cách đàng hoàng. Vì vậy tu tập là chế tác ra năng lượng chánh niệm để trước hết trở về ôm ấp và chăm sóc, bày tỏ tình thương đối với cơ thể ta. Đây là bước đầu của sự thực tập thương yêu. Trở về với cơ thể, ý thức sự có mặt của cơ thể và hứa từ nay về sau mình sẽ chăm sóc cơ thể mình một cách đàng hoàng hơn. Nếu làm được như vậy thì cơ thể ta sẽ cảm thấy rất ấm áp và những niềm đau trong cơ thể sẽ được chữa trị.

Sabbakaya nghĩa là toàn thân. Trong suốt chiều dài của hơi thở vào, ta ý thức toàn vẹn sự có mặt của thân thể ta. Ta chiếu dụng ánh sáng chánh niệm vào thân thể ta từ đỉnh đầu xuống tới các ngón chân, bàn chân. Lúc đó đối tượng của chánh niệm không còn chỉ là hơi thở mà nó bao gồm cả thân thể. Ban đầu đối tượng của chánh niệm chỉ thuần là hơi thở, nhưng tới bài tập thứ ba và thứ tư thì nó chuyên chở thêm một đối tượng khác, đó là thân thể. Ta ôm ấp thân thể ta bằng tất cả sự trìu mến trong suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra với ước muốn muốn làm hòa, chăm sóc và bày tỏ lòng ưu ái của ta đối với thân thể. Tuy nhiên ta có thể linh động trong cách sử dụng ngôn ngữ, nhưng nội dung của sự thực tập vẫn giống nhau. Ví dụ, ''Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân thể tôi.'' Đây là nụ cười của ý thức, nụ cười của tình thương đối với thân thể ta. Ta có thì giờ để trở về ôm ấp thân thể ta với tất cả sự trìu mến, thương yêu và mỉm cười với thân thể ta hay chưa? Nếu chưa, thì ta hãy lập tức trở về làm cho được chuyện đó. Ta phải dành thì giờ để trở về chăm sóc thân thể ta với tất cả tình thương và nói với thân thể ta rằng: ''Thân thể ơi, tôi biết em có mặt đó một cách nhiệm mầu. Vậy mà bấy lâu nay tôi sống thờ ơ quá. Từ nay trở đi, tôi hứa sẽ chăm sóc em đàng hoàng hơn.'' Bây giờ chúng ta hãy cùng thực tập trở về chăm sóc thân thể ta và mỉm cười với thân thể ta với nụ cười chánh niệm và trìu mến. Bây giờ chúng ta gởi sự chú ý tới với từng bộ phận của thân thể ta như mắt, tai, mũi, buồng phổi, tim, gan, ruột v.v... theo phương pháp mà tôi đã đề nghị ngày hôm qua: ''Thở vào, tôi ý thức về hai mắt tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với hai mắt.'' Bài tập này nếu được thực tập liên tục sẽ giúp ta đạt tới cái thấy sâu sắc về thực tại và cái thấy ấy sẽ giải phóng ta ra khỏi sự sợ hãi, buồn khổ, đem lại an lạc và hạnh phúc thật sự. Trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (kinh Tứ Niệm Xứ), Bụt có dạy: “Này các vị khất sĩ! Ví dụ có một bác nông dân đi vào nhà kho và mang ra một bao tải chứa đựng đủ các loại ngũ cốc - như gạo lứt, gạo trắng, hạt lúa, đậu xanh, đậu ngự, hạt mè v.v… Bác nông dân mở hai đầu bao tải và để cho các loại đậu mặc nhiên tuôn ra trên sàn nhà; với đôi mắt tốt, bác có thể nhận diện được: “Này đây là đậu xanh. Này đây là đậu ngự. Này đây là gạo trắng v.v…” Với đôi mắt còn tốt, bác nông dân có thể nhận diện và phân biệt được rõ ràng tất cả các loại hạt giống.

Khi trở về với thân thể, trước hết ta thực tập ôm ấp toàn thân thể ta với hơi thở chánh niệm, sau đó ta có thể gởi sự chú ý đến từng bộ phận của thân thể ta, nhận diện sự có mặt của từng bộ phận của thân thể giống như bác nông dân kia khi bác nhận diện và phân loại các loại hạt giống. Trong kinh, Bụt có nói rằng trong thân thể ta có cả thảy là ba mươi sáu bộ phận. Ta thực tập ôm ấp và mỉm cười với từng bộ phận bằng năng lượng chánh niệm. Với năng lượng chánh niệm, ta làm cho bộ phận ấy của cơ thể trở nên êm dịu, buông thư bằng tư thế nằm hoặc trong tư thế đi hay ngồi... Trong khóa tu, ta nên thực tập thiền buông thư mỗi ngày ít nhất là một lần. Ta có thể thực tập chung với Tăng thân dưới sự hướng dẫn bởi một thầy hoặc một sư cô. Nhưng nếu ta có năm phút, mười phút hay mười lăm phút rảnh rỗi, ta có thể tìm một nơi vắng vẻ, yên tĩnh để tự thực tập thiền buông thư. Đây là sự thực tập thương yêu đích thực đối với cơ thể ta. Cứ như thế, ta từ từ soi chiếu ánh sáng chánh niệm tới các bộ phận khác của cơ thể. Trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, những bộ phận ấy được liệt kê như: xương, tủy, thận, máu, gan, lá lách, hoành cách mạc v.v… Thở vào, ta ôm ấp và mỉm cười với từng bộ phận của cơ thể ta bằng năng lượng chánh niệm như bà mẹ ôm đứa con vào lòng với tất cả sự thương yêu, trìu mến của mình. Đây là phép thực tập rất hay có khả năng đem lại rất nhiều lợi lạc, chuyển hóa và trị liệu.

Khi thực tập ''Thở vào, tôi ý thức về lá gan của tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với lá gan của tôi.'' ngay lập tức lá gan cảm nhận được tình thương của ta. Lá gan sẽ nói: ''Dễ sợ chưa! Bây giờ mới ngó ngàng tới em. Em đã ngày đêm gởi thông điệp SOS tới để cầu cứu, nhưng anh/chị cứ thờ ơ, không quan tâm gì cả. Anh/chị vẫn tiếp tục uống rượu, hút thuốc, ăn nhậu một cách vô tội vạ. Thật khổ sở cho em. Anh/chị có biết em làm việc cực nhọc lắm không? Phải gạn lọc không ngừng nghỉ, phải chống cự suốt ngày đêm để bảo tồn mạng sống cho toàn bộ các chi phần khác của cơ thể; vì vậy em đã tìm mọi cách để gởi thông điệp SOS đến cầu cứu, nhưng thông điệp của em không bao giờ được anh/chị quan tâm tới. Em chịu hết nổi rồi. Cứu em với!'' Nếu thực tập hơi thở chánh niệm, thân thể ta sẽ bớt khổ rất nhiều. Nếu ta gởi sự chú tâm tới lá gan và mỉm cười với nó, ta sẽ hiểu được tình trạng của lá gan. Ta thấy rằng lá gan của ta đã làm việc không ngừng nghỉ để duy trì sức khỏe cho toàn bộ cơ thể, nhưng vì sống trong sự quên lãng, thiếu trách nhiệm, nên ta đã làm tình làm tội lá gan của ta, đã thờ ơ với lá gan của ta.

Thất niệm là ngược lại với chánh niệm. Ta thường sống trong sự quên lãng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời ta trở về chăm sóc lá gan của ta. Lá gan của ta cảm thấy ấm áp trở lại khi được ta ngó ngàng, quan tâm đến. Nếu ta tiếp tục thực tập thêm vài hơi thở nữa thì ta có Định và năng lượng Định sẽ làm phát sinh tuệ giác. Có tuệ giác là ta bắt đầu biết thương yêu, chăm sóc và bảo vệ lá gan của ta, vì lá gan là điều kiện thiết yếu cho sức khỏe của toàn thân. Khi ý thức được phát sinh, ta tự khắc biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm để bảo vệ lá gan của ta. Điều này không cần ai nhắc nhở cả. Ta chăm sóc, nuôi dưỡng lá gan của ta bằng năng lượng chánh niệm, hiểu biết và thương yêu. Ta quyết sẽ không ăn uống hoặc đưa vào cơ thể ta những chất độc hại nữa. Không những ta đối xử với lá gan như thế, mà đối với tất cả các bộ phận khác của cơ thể ta cũng phải thực tập như thế.

Quán Chiếu Về Bốn Đại

Trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, Bụt có dạy, mình có thể nhìn vào hình hài của mình và nhận diện những yếu tố căn bản làm ra hình hài ấy. ''Thở vào, tôi ý thức về yếu tố đất trong hình hài tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với yếu tố đất trong hình hài tôi.'' Hình hài ta được cấu tạo bởi bốn đại (mahabhuta) gồm: đất, nước, lửa và không khí. Yếu tố đất là yếu tố rắn chắc trong cơ thể ta. Nếu nhận diện được yếu tố đất trong ta thì ta cũng nhận diện được yếu tố đất ngoài ta. Ta biết rằng cả hai đều thuộc về đất. Yếu tố đất trong ta và ngoài ta luôn luôn có sự trao đổi mật thiết qua nhiều hình thức. Sự trao đổi xảy ra trong từng giây phút của đời sống hàng ngày.

''Thở vào, tôi ý thức về yếu tố lửa trong hình hài tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với yếu tố lửa trong hình hài tôi.'' Lửa là sức nóng, là nhiệt lượng. Ta biết rằng sự sống được làm bằng nhiệt lượng - chất cháy. Ví dụ khi ta đưa vào thân thể dưỡng khí (oxygen) thì dưỡng khí biến thành nhiệt lượng đốt cháy. Quá trình này xảy ra từng sát-na trong cơ thể ta. Nhờ quá trình đốt cháy nhiệt lượng đó, sự sống mới hình thành. Sinh và diệt cũng xảy ra liên tục trong mỗi phút giây. Trong cơ thể ta, mỗi giây có hàng triệu tế bào chết đi và hàng triệu tế bào được sinh sản. Nếu không có chết thì làm sao có sống. Nhìn kỹ vào thực tại, ta sẽ thấy trong diệt có sinh và trong sinh có diệt. Sinh và diệt tương tức. Nếu ta lấy cái chết ra khỏi cái sống, thì sự sống sẽ không có mặt, sẽ sụp đổ. Nếu ta lấy cái sống ra khỏi cái chết, thì sự chết sẽ sụp đổ. Như ví dụ của một bông hoa, mây và ánh nắng mặt trời - nhìn vào bông hoa ta thấy yếu tố mây và ánh nắng. Ta phải tập nhìn để thấy được tính tương tức của các pháp. Ta thường bị kẹt vào cái nhìn nhị nguyên, phân biệt. Ta nghĩ rằng chết là kẻ thù của sống. Tất cả chúng ta, dù là người thực tập thiền hay nhà nghiên cứu khoa học, bất kể nhìn với phương tiện nào đi chăng nữa, ta cũng phải nhìn để thấy cho được trong cái sống có chứa đựng cái chết và ngược lại. Không có cái này thì không có cái kia. Nếu nghĩ rằng tôi chỉ muốn chọn cái này thôi, không muốn chọn cái kia, thì đó là một thái độ quá ngây thơ. Nhìn kỹ vào những yếu tố trong cơ thể, ta thấy rằng sống và chết tương tức, chúng nương nhau mà biểu hiện. Tới đây ta bắt đầu thấy được sự mầu nhiệm của thực tại mà trước đó ta chưa bao giờ thấy. Nhờ nhìn sâu và hiểu được bản chất chân thực của thực tại, ta có thể xua tan được sự sợ hãi, buồn khổ, cô đơn và tuyệt vọng trong ta. Ta biết rằng khổ đau, sợ hãi, cô đơn và tuyệt vọng chỉ có thể tung hoành trên căn bản của vô minh. Ví dụ như cây bút chì này, ta nghĩ rằng đầu này là đầu trái, không phải là đầu phải. Nếu mình là một nhà chính trị thuộc về phe tả, mình sẽ chọn phe tả và muốn loại trừ phe hữu. Nhưng chỉ muốn có trái mà không có phải, thì đó là một điều thật phi lý. Giả sử mình muốn loại trừ bên phải, mình lấy con dao chặt cây bút chì ra. Nhưng sau khi chặt đầu bên phải của cây bút chì đi, thì đầu bên phải của cây bút chì có thật sự bị triệt tiêu hay không hay nó vẫn tiếp tục là đầu bên phải? Thực ra hể có trái thì tất nhiên có phải; trái có mặt thì phải có mặt. Cái nhìn của ta thường bị kẹt vào thế lưỡng nguyên, đối đãi và phân biệt. Ta phải tập nhìn với con mắt bất nhị, không phân biệt, không kỳ thị thì mới chạm tới được thực tại chân thực của sự sống.

''Thở vào, tôi thấy yếu tố nước trong hình hài tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với yếu tố nước trong hình hài tôi.'' Hai chữ ''vào'' và ''ra'' cũng là một cặp đối đãi. Tôi có viết một cuốn sách với tựa đề Trái Tim Mặt Trời. Tôi có cảm hứng viết cuốn sách ấy là vì tôi thấy rằng mặt trời là trái tim thứ hai của tôi. Lúc xưa tôi thường hay nghĩ rằng mình chỉ có một trái tim thôi, đó là trái tim trong cơ thể của mình. Nếu bất chợt trái tim trong mình ngưng hoạt động thì mình sẽ chết. Nhưng nhìn kỹ lại, tôi thấy rằng nếu trái tim ngoài tôi, tức là mặt trời bị tan vỡ, thì tôi cũng bị tan vỡ theo. Trái tim thứ hai của tôi nằm ngoài tôi. Tôi có thể nghĩ rằng buồng phổi của tôi chỉ có mặt trong tôi, nhưng kỳ thực núi rừng và cây cỏ chung quanh tôi cũng là buồng phổi tôi. Nếu chúng ngưng hoạt động thì tôi sẽ không có dưỡng khí để thở. Tôi có buồng phổi bên trong nhưng cũng có buồng phổi bên ngoài. Nếu nhận diện và nhìn sâu vào bốn yếu tố bên trong và bên ngoài của thân thể, ta sẽ tiếp xúc được với tính tương tức của chúng và ý niệm về hình hài là một thực thể biệt lập, thường còn và bất biến của mình sẽ bị tan biến. Ý niệm về ngã được đồng hóa với hình hài cũng sẽ tan biến. Ta phải nhìn vào thực tại bằng con mắt bất nhị, vô phân biệt mới chuyển hóa được ảo tưởng của ta về thực tại. Và ta tiếp xúc được với cảnh giới niết bàn, của không sinh không diệt. Phải thấy cho được rằng ngã được làm bằng những yếu tố không phải ngã (phi ngã).

Quán Niệm Về Các Tư Thế Của Thân

Theo lời Bụt dạy trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, sau khi quán chiếu về tứ đại trong cơ thể, hành giả quán về các tư thế của thân. Có tất cả bốn tư thế, gọi là tứ uy nghi: đi, đứng, nằm và ngồi. Ta ý thức rõ ràng các tư thế căn bản của thân ta. Khi đi, biết mình đang đi; khi đứng, biết mình đang đứng; khi ngồi, biết mình đang ngồi; khi nằm, biết mình đang nằm. Ta chiếu dụng ánh sáng chánh niệm vào các tư thế của thân thể ấy. Các thầy, các sư cô được tập luyện rất kỹ về bốn tư thế hoạt động của thân, gọi là tứ uy nghi. Tuy nhiên đừng nghĩ rằng Bụt chỉ dạy kinh này riêng cho người xuất sĩ, người cư sĩ cũng có thể thực tập. Phép quán này thuộc về lĩnh vực quán thân trong thân. Chúng ta bắt đầu thực tập ý thức về hơi thở, nhận diện tình trạng của hơi thở và làm lắng dịu hơi thở. Kế đó ta thực tập ý thức về thân, ôm ấp, chăm sóc thân, làm cho thân thể lắng dịu, chú ý và mỉm cười với từng bộ phận của thân. Ta quán chiếu những yếu tố tạo nên thân thể và mỉm cười với từng yếu tố ấy trong thân thể ta. Rồi ta thực tập quán niệm về các tư thế của thân trong khi đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc. Chúng ta sẽ cùng thực tập với nhau trong suốt khóa tu này. Đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc cho thật vững chãi và thảnh thơi.

Quán niệm về thân đưa tới sự quán niệm về các hoạt động của thân. Khi khom xuống, ý thức rõ ràng là mình đang khom xuống. ''Thở vào, biết mình đang khom xuống để nhặt cây bút. Thở ra, biết mình đang nhặt cây bút.'' Ta ý thức từng động tác, từng cử chỉ của thân thể ta. Ví dụ, mỗi buổi sáng khi đun nước để chế cà phê hoặc pha trà, ta có thể sử dụng thời gian chế cà phê hoặc pha trà để thực tập chánh niệm. Ta ý thức từng cử chỉ, từng động tác của ta trong lúc chế cà phê hoặc pha trà. Ta mỉm cười với từng động tác, cử chỉ ấy của thân thể, dù đó là một động tác rất nhỏ. Thực tập như thế giúp ta thiết lập được vững mạnh năng lượng chánh niệm và nó đem lại cho ta rất nhiều niềm vui. Ta hạnh phúc là vì trong đời sống hàng ngày ta biết cách thắp lên ánh sáng chánh niệm và chiếu dụng vào mỗi cử chỉ và hoạt động của thân thể. Ta không còn sống trong sự quên lãng, không sống như một người mộng du nữa. Ta làm tất cả mọi cái trong ánh sáng chánh niệm. Ta hoàn toàn làm chủ các hoạt động của thân thể ta. Chánh niệm là sự hiện diện của Bụt, là năng lượng của Chúa Ki Tô, là chất thánh trong ta. Chánh niệm không phải là một cái gì trừu tượng. Hạt giống chánh niệm đã sẵn có trong tâm thức ta. Tất cả chúng ta đều có khả năng tiếp xúc với hạt giống chánh niệm và làm cho nó biểu hiện thường xuyên trong đời sống hàng ngày.

Thời còn làm sa di, một hôm Thầy của tôi dạy tôi làm giùm Thầy một việc. Tôi rất thương kính Thầy và sẵn sàng làm bất cứ điều gì Thầy giao phó, làm bất cứ điều gì có thể để đem lại niềm vui cho Thầy. Sau khi tiếp nhận xong lời dạy, tôi liền lui ra để đi làm. Nhưng do hạnh phúc quá, tôi đã mở cửa và đóng cửa rất hấp tấp, không có chánh niệm. Thấy vậy, Thầy tôi gọi tôi trở lại và nói rất nhỏ nhẹ rằng: ''Này con, con hãy đi ra trở lại. Lần này con nhớ mở cửa và đóng cửa cho thật từ tốn, nhẹ nhàng, có chánh niệm nghe con.'' Tôi chắp tay xá Thầy, rồi lui ra. Lần này tôi biết tôi phải làm gì. Tôi đã đi từng bước thật chánh niệm tới cửa, đặt bàn tay lên núm cửa, rồi nhẹ nhàng mở cửa, bước ra ngoài và đóng cửa thật từ tốn; tất cả mọi động tác, mọi cử chỉ đều được làm trong chánh niệm. Từ đó về sau Thầy tôi không cần phải nhắc nhở tôi lần thứ hai. Tôi không bao giờ quên bài học quý giá ấy.

Vào năm 1966, tôi viếng thăm cha Thomas Merton tại thành phố Kentucky, một vị tu sĩ thuộc dòng Luyện tâm (Trappist - dòng tu kín- giáo phái sống rất khắc khổ và phát nguyện không nói, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài). Cuộc gặp gỡ của hai chúng tôi rất lý thú. Sau này cha Thomas có nói với các môn đệ của ngài rằng: ''Quý vị chỉ cần quán sát cách thầy Nhất Hạnh mở cửa, đóng cửa thì đủ biết thầy là một vị chân tu.'' Năm trước có một cô thiền sinh người Đức đến tu học tại tu viện Làng Mai. Cô ấy đã ở lại tu tập khoảng một tháng. Ngày rời Tu Viện, cô chia sẻ với chúng tôi rằng sở dĩ cô đến Làng Mai là vì cô có nghe cuốn băng thuyết giảng của cha Thomas Merton; trong bài thuyết giảng đó cha có nói về phong cách mở cửa, đóng cửa của thầy Nhất Hạnh. Và vì tâm hiếu kỳ, tâm tò mò muốn thấy tận mắt cách thầy Nhất Hạnh mở cửa và đóng cửa như thế nào mà cha Thomas khen ngợi đến thế. Trong thời gian một tháng ở Làng Mai, cô cảm thấy rất thoải mái, hạnh phúc và mục đích chính của chuyến viếng thăm Tu Viện Làng Mai là để mắt quán sát cách thầy trò chúng tôi mở cửa và đóng cửa.

Đóng cửa và mở cửa là một phần của sự thực tập chánh niệm để làm cho thân tâm lắng dịu và bình an trở lại. Xin quý vị thực tập mở cửa và đóng cửa trong chánh niệm để nhiều người, trong đó có Thầy tôi nữa được thừa hưởng niềm an lạc và hạnh phúc tỏa ra nơi hành động mở cửa và đóng cửa của quý vị. Thầy tôi vẫn còn có mặt đó với chúng ta trong giây phút này. Quý vị đã được học cách chăm sóc, tiếp xúc với cơ thể bằng hơi thở chánh niệm. Đây là sự thực tập rất quan trọng. Quý vị không cần phải trở thành một vị giáo thọ mới có thể tổ chức được những ngày tu chánh niệm. Quý vị có thể dành một ngày cuối tuần để trở về với chính mình, thực tập chăm sóc cơ thể và sống hài hòa với cơ thể mình. Nếu muốn, quý vị có thể mời thêm một số bạn bè đến tham dự ngày tu. Một ngày hoặc vài giờ thực tập chánh niệm như thế là cơ hội để thân tâm được nghỉ ngơi, phục hồi lại sự tươi mát và thư thái. Bốn phép thở đầu của kinh Quán Niệm Hơi Thở nếu được thực tập đúng cách, ta thấy tình thương của Bụt dành cho ta rất lớn. Bụt chỉ dạy cho ta những phương pháp tu tập thật thực tiễn, khoa học và hữu hiệu.

Bài tập thứ tư của kinh Quán Niệm Hơi Thở là: ''Thở vào, tôi làm cho toàn thân an tịnh, lắng dịu, buông thư. Thở ra, tôi làm cho toàn thân an tịnh, lắng dịu, buông thư.'' Thân thể ta xứng đáng được cư xử như thế. Ta nên học cách đối xử tử tế, dễ thương với thân thể ta; có mặt đích thực cho thân thể và nhìn sâu vào thân thể ta để hiểu rõ tình trạng. Nếu có một bộ phận nào trong cơ thể bị đau nhức, thì ta phải dành nhiều thì giờ để ôm ấp, chăm sóc bằng tình thương và đem lại sự trị liệu cho bộ phận ấy. Thở vào, ta mỉm cười với phần đau nhức ấy với nụ cười chánh niệm và tràn đầy tình yêu thương. Thực tập như thế sẽ giúp cơ thể ta mau chóng được trị liệu. Nói như thế không có nghĩa là ta không cần đi khám bác sĩ. Nhưng bác sĩ không thể hiểu tường tận căn bệnh của ta được; mình phải đóng góp phần mình vào trong quá trình tìm hiểu căn nguyên của bệnh trạng mình. Có thể nói mình là người hiểu rõ về bệnh trạng của mình hơn ai hết. Mình không nên phó thác hoàn toàn vào bác sĩ và thuốc men. Mình phải có đức tin nơi khả năng tự trị liệu của cơ thể mình. Nếu mình không cho phép cơ thể mình được nghỉ ngơi, buông thư, thì liều thuốc vẫn không đủ tác dụng cho sự trị liệu. Chúng ta cần phải cho cơ thể mình cơ hội để nó tự trị liệu lấy. Đôi khi cơ thể mình tự chữa trị lấy mà không cần tới thuốc men nếu mình biết cách cho phép cơ thể mình cơ hội nghỉ ngơi và khôi phục lại sức khỏe của nó.

''Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân thể tôi. Thở vào, tôi buông thư toàn thân. Thở ra, tôi làm cho toàn thân lắng dịu trở lại.'' Đây là những bài thực tập rất hay, thực tiễn mà bất cứ ai cũng có thể thực tập được. Chúng ta phải nắm cho vững nghệ thuật sống trong chánh niệm, thở trong chánh niệm và chăm sóc thân thể mình bằng năng lượng chánh niệm. Các sinh viên có thể thành lập những nhóm tu tập chánh niệm tại học đường để thực tập, vì họ thường bị căng thẳng. Họ có thể thành lập một Tăng thân cùng tu tập với nhau và tìm ra phương cách để chăm sóc, bảo hộ thân tâm của họ. Các nhà tâm lý trị liệu cũng nên làm việc như một Tăng thân. Họ phải chăm lo cho nhiều bệnh nhân. Nhưng nếu họ không biết tự chăm sóc họ cho đàng hoàng, không có Tăng thân bảo hộ và nuôi dưỡng thì họ sẽ bị kiệt sức và bỏ cuộc giữa chừng hoặc trở thành nạn nhân của khổ đau. Họ có thể làm việc chung với các chuyên gia trị liệu khác hoặc làm việc chung với các bệnh nhân của họ. Thời nay giới nhân viên cảnh sát đau khổ rất nhiều. Họ là những nạn nhân của sự căng thẳng, sợ hãi và bạo động. Họ cũng cần phải thành lập nhóm tu tập, làm việc với nhau và chăm sóc cho nhau. Những người sống trong những trung tâm cải tạo, nhà tù cũng nên tạo thành một nhóm tu học để giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau. Người nào cũng có thể thực tập chánh niệm. Quý vị không cần phải là những người Phật tử mới có thể thực tập chánh niệm. Quý vị không cần phải là giáo thọ mới có thể tổ chức những tăng thân tu tập chánh niệm. Nghĩa là quý vị không cần có chứng chỉ từ vị đạo Sư hoặc từ bất cứ ai mới có thể thành lập nhóm tu học. Quý vị có thể thành lập nhóm tu tập chánh niệm bất cứ lúc nào, nơi nào hoặc ngay tại địa phương của mình.

Ba Bản Kinh Căn Bản Của Bụt

Trước khi học tiếp kinh Quán Niệm Hơi Thở, tôi muốn giới thiệu ba bản kinh mà tôi cho là sự tu tập căn bản của giáo lý đạo Bụt. Ba bản kinh này có thể nói là ba kinh gối đầu giường của các thầy và các sư cô. Ba kinh này có thể giúp chúng ta học hỏi và thực tập phát triển Niệm, Định, Tuệ một cách rất thực tiễn và sâu sắc. Trong các buổi giảng, tôi sẽ thường xuyên đề cập đến ba bản kinh này. Kinh đầu tiên tôi muốn nói đến là kinh Quán Niệm Hơi Thở. Cốt lõi của Kinh này là mười sáu phép thực tập hơi thở chánh niệm mà chúng ta đang được học. Tôi có viết những lời giảng giải về kinh này trong cuốn sách với tựa đề: Kinh Quán Niệm Hơi Thở.

Kinh thứ hai là kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Niệm Xứ Kinh), tức là Thân, Thọ, Tâm và Pháp - các đối tượng nhận thức của tâm. Chúng ta phải sử dụng hai kinh này để thực tập song song với nhau, bởi vì hai kinh này tuy hai mà là một, chúng bổ sung cho nhau. Đây là điểm rất quan trọng. Chúng ta nên học tập kinh thứ nhất trong ánh sáng của kinh thứ hai và ngược lại. Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm đã được đối chiếu và chuyển dịch từ hai bản Hán tạng và tạng Pali và được in trong quyển sách với tựa đề: Con Đường Chuyển Hóa.

Kinh thứ ba là bản kinh dạy chúng ta sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại - hiện pháp lạc trú; tên của kinh này là kinh Người Biết Sống Một Mình (Kinh Nhất Dạ Hiền Giả). Tôi có giảng giải kinh này trong quyển sách mang tựa là Ước Hẹn Với Sự Sống. Kinh này là một bản kinh rất xưa trong đó Bụt dạy chúng ta làm thế nào để sống an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc trong giây phút hiện tại - bây giờ và ở đây. Quý vị có thể sử dụng ba bản kinh này để tham khảo và học hỏi. Tuy nhiên trong khóa tu này, chúng ta không cần phải đọc hết ba quyển sách giảng giải về các kinh này. Quan trọng là chúng ta nên dành hết thì giờ để thực tập.

Thân Và Tâm Tương Tức

Trong các kinh điển của Bụt, ta thấy chữ namarupa - danh sắc, thỉnh thoảng được sử dụng để chỉ cho toàn thể con người. Nama nghĩa là ''danh'' và rupa nghĩa là ''sắc.'' Ta nghĩ rằng danh và sắc là hai yếu tố khác biệt nhau. Ta cho rằng thân là sắc, còn các cảm thọ, tri giác, tâm hành và các đối tượng tâm hành (thức) là danh. Đây là cách chia chẻ, phân biệt của ta. Ta có khuynh hướng cho rằng danh không phải là sắc và sắc không phải là danh. Ta phải tập nhìn trong ánh sáng của tương tức và vô ngã mới thấy được bản chất chân thực của danh và sắc. Theo ánh sáng của tương tức, vô ngã, hễ lấy danh ra khỏi sắc thì sắc không thể tồn tại được và ngược lại. Namarupa - danh sắc vốn là hai khía cạnh của cùng một thực tại. Có khi nó biểu hiện như là danh và ta gọi là danh; có khi nó biểu hiện như là sắc và ta gọi là sắc. Vì vậy, thay vì viết hai chữ rời nhau, ta viết thành một chữ là namarupa - danh sắc.

Cách tư duy như vậy có lẽ hơi khó chấp nhận nếu ta mới nghe qua lần đầu, nhưng từ từ sẽ quen. Như các nhà vật lý học nguyên tử, họ nói rằng hạt có khi biểu hiện như là sóng và có khi biểu hiện như là hạt. Cả hai vốn mang cùng một thực tại. Lúc đầu ta nghĩ rằng nếu là sóng thì không thể là hạt; nếu là hạt thì không thể là sóng. Sự thực là hạt có khi biểu hiện như là sóng và có khi biểu hiện như là hạt. Vì thế các nhà khoa học vật lý đã chế ra một danh từ mới để gọi cái thực tại của nguyên tử mà họ đã khám phá ra là ''wavicle- sóng hạt.'' Điều này cũng đúng đối với thân và tâm. Ta nghĩ rằng tâm và vật trái ngược nhau; nhưng theo ánh sáng tương tức, vô ngã thì tâm có khi biểu hiện như là vật và vật có khi biểu hiện như là tâm. Tâm và vật tương tức, có mặt trong nhau. Điều này mới nghe thì thật khó tin, nhưng đó là sự thật.

Năm Yếu Tố Tạo Nên Một Hiện Hữu

Đức Thế Tôn đã trình bày con người dưới nhiều khía cạnh khác nhau; có khi Ngài trình bày như là danh sắc, có khi Ngài trình bày như là một hợp thể Ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm yếu tố tạo nên tổng thể con người. Đó là nền tảng hiện hữu của ta. Yếu tố thứ nhất là sắc; thứ hai là thọ; thứ ba là tưởng (tri giác); thứ tư là hành (tâm hành); và thứ năm là thức. Nếu ta dùng khái niệm danh sắc để phân tích con người, thì yếu tố thứ nhất là thuộc về thân thể và bốn yếu tố còn lại là thuộc về tâm.

Chúng ta đã học về yếu tố hành. Hành tức là hiện tượng được tạo thành bởi nhiều yếu tố khác nhau. Bông hoa là một hành - một hiện tượng. Chúng ta có thể gọi nó là một hành - hiện tượng thuộc về vật lý; nó thuộc về lĩnh vực của sắc. Đám mây và cây cỏ cũng là những hiện tượng (hành) thuộc về vật lý (sắc). Hận thù, sợ hãi, yêu, ghét v.v… đều là những hành thuộc về tâm lý, gọi là tâm hành. Theo giáo lý của đạo Bụt, có cả thảy là năm mươi mốt loại tâm hành. Lúc còn làm sa di, tôi phải học thuộc lòng năm mươi mốt loại tâm hành ấy. Hai yếu tố trong năm uẩn là thọ và tưởng cũng thuộc về tâm hành và chúng là những tâm hành trong nhóm năm mươi mốt loại tâm hành. Nhưng vì hai tâm hành này quá phổ biến cho sự tu tập nhận diện, ôm ấp và nhìn sâu, nên Bụt đã tách rời hai yếu tố - thọtưởng ra thành hai uẩn riêng trong số năm mươi mốt loại tâm hành. Uẩn thứ năm là thức. Thức là gì? Thức tức là căn bản, là nền tảng biểu hiện của tất cả các tâm hành, các pháp. Trong truyền thống giáo lý đạo Bụt, chúng tôi gọi thức này là Tàng thức, Căn bản thức hoặc Nhất thiết chủng thức hay thức A-lại-gia. Tất cả các hạt giống đều được cất chứa trong chiều sâu của tàng thức. Tất cả năm mươi mốt tâm hành đều được tàng trữ trong lòng đất của tàng thức dưới hình thái của hạt giống. Khi nhân duyên đầy đủ thì các hạt giống ấy biểu hiện. Tâm thức có thể chia thành hai phần. Phần trên gọi là ý thức, nơi các tâm hành biểu hiện thành những hiện tượng, thành những năng lượng, tướng trạng. Có khi một, hai hoặc ba hạt giống biểu hiện lên vùng ý thức cùng một lúc; còn phần dưới gọi là tàng thức, nơi cất chứa tất cả các hạt giống. Thức ở đây là nền tảng biểu hiện của tất cả các tâm hành, bao gồm hai tâm hành thọ và tưởng.

Có những lúc ta không giận, không bực bội; ta vui cười thoải mái. Sở dĩ ta không giận là vì hạt giống giận trong ta đang nằm yên trong chiều sâu của tàng thức, không bị tưới tẩm. Nhưng ta biết rằng hạt giống giận vẫn có đó. Nếu có ai đó nói hoặc làm điều gì xúc phạm đến ta, thì hạt giống giận trong tâm thức ta bị chạm đến và nó sẽ biểu hiện lên trên vùng ý thức dưới hình thức của năng lượng, ta gọi là hạt giống sinh hiện hành. Mỗi khi năng lượng sân hận biểu hiện lên, thì nó làm ô uế khu vườn ý thức của ta. Năng lượng giận thúc đẩy ta nói hoặc làm những điều gây đổ vỡ giữa ta và những người chung quanh ta.

Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm

Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm là bốn lĩnh vực thiền quán của ta. Lĩnh vực quán niệm thứ nhất là quán thân trong thân; thứ hai là quán cảm thọ trong cảm thọ; thứ ba là quán tâm hành trong tâm hành; và thứ tư là quán đối tượng tâm hành trong đối tượng tâm hành, tức là pháp. Pháp ở đây không phải là giáo pháp của Bụt dạy, pháp ở đây là đối tượng của nhận thức, là những hiện tượng (hành) như bông hoa, đám mây, cây cỏ, giận hờn hoặc ghen tỵ v.v… Những pháp như thế được diễn tả như là những đối tượng của tâm. Chẳng hạn như sông, núi, cây cỏ, hoa lá, giận hờn, thương, ghét và thân thể của ta đều là những đối tượng của tâm. Những pháp ấy là những pháp thuộc về thế giới hiện tượng.

Tại sao trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm Bụt nói rằng: Quán thân trong thân, quán cảm thọ trong cảm thọ? Tại sao những câu như thế được lập đi lập lại nhiều lần? Bởi vì muốn thực tập chánh niệm và nhìn sâu được thành công, điều kiện tất yếu là hành giả phải trở thành một với đối tượng quán chiếu, ta không thể đứng ngoài như người quan sát được. Điều này rất quan trọng. Khi thở vào và ôm ấp thân thể của ta trong chánh niệm, hơi thở phải trở thành một với thân thể thì sự thực tập mới thành công.

Tâm có thể biểu hiện trong năm mươi mốt trường hợp. Thỉnh thoảng nó biểu hiện như là tình thương. Thương luôn luôn phải có đối tượng thương. Thương luôn luôn là thương về một cái gì, thương ai... Ta không thể thương mà không có đối tượng. Ý thức luôn luôn là ý thức về cái gì. Chánh niệm có nghĩa là chánh niệm về cái gì. Ta không thể chánh niệm mà không có đối tượng. Khi có chánh niệm về thân và hơi thở của ta, thì thân và hơi thở là đối tượng của chánh niệm. Khi thở vào và ôm ấp thân thể của ta, thì thân thể là chánh niệm. Chánh niệm trở thành thân thể và thân thể trở thành chánh niệm. Lúc đó ta không còn sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng; kẻ biết và vật được biết không nằm ngoài nhau. Đây là tư tưởng rất quan trọng trong giáo lý đạo Bụt.

Tiếng Pháp có chữ comprendre, nghĩa là hiểu, là nhận thức thấu đáo. Com nghĩa là ''trở thành một với'' và prendre nghĩa là ''lấy lên, cầm lên''. Vậy thì comprendre nghĩa là cầm lên một vật gì đó và trở thành một với vật đó. Khi muốn hiểu cái gì đó, ta phải thật sự trở thành một với cái đó. Nếu thiền quán sâu sắc thì sự phân biệt ranh giới giữa chủ thể và đối tượng được tan biến. Không còn có sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng của nhận thức nữa.

Chúng ta phải tập luyện mới có thể làm được. Chúng ta đã quen với lối nhận thức rằng thân tức không phải là tâm và tâm là chủ thể của nhận thức, là kẻ nhận thức. Cái tâm (cái được gọi là chủ thể ấy) muốn làm chủ, muốn nhận thức cái thân như là đối tượng. Nhưng theo nguyên tắc mà tôi đã trình bày thì nhận thức chỉ có thể có được với điều kiện là chủ thể và đối tượng là một và hai cái phải phát sinh cùng lúc. Giống như muốn có phải thì đồng thời phải có trái, không thể có phải mà không có trái. Trái và phải làm ra nhau, nương nhau mà biểu hiện. Vì vậy đức Thế Tôn mới nói: ''Quán thân thể trong thân thể. Quán cảm thọ trong cảm thọ'', là vậy. Ranh giới giữa chủ thể và đối tượng phải được lấy đi thì ta mới chạm tới được thực tại tương tức tương nhập của các pháp. Danh từ ''tương nhập'' rất hay; nghĩa là khi quán sát, người quán sát phải trở thành một với đối tượng quán sát, mình không chỉ là đối tượng quán sát. Các nhà khoa học trong thời đại chúng ta đã nhận thấy được điều này. Muốn thật sự hiểu được bản chất của hạt nguyên tử, các nhà khoa học không thể đứng ngoài làm người quán sát; họ phải là người tham dự vào quá trình của sự quán sát.

Khi nói về nhận thức, ta phải hiểu rằng nó bao gồm cả chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Khi nói về niệm, ta phải hiểu rằng niệm bao gồm cả chủ thể niệm và đối tượng niệm. Niệm không thể có được nếu chủ thể và đối tượng không có mặt cùng lúc. Chánh niệm bao giờ cũng chánh niệm về một cái gì. Khi phân tích tâm và pháp (đối tượng của tâm) như hai lĩnh vực riêng biệt là để cho ta dễ dàng nắm bắt và thực tập. Chúng là những đối tượng của sự thực tập, quán niệm và nhìn sâu. Điều đó cũng đúng đối với lĩnh vực của thân và thọ. Nhìn cho kỹ ta sẽ thấy rằng tâm là chủ thể nhìn và pháp là những đối tượng bị nhìn như niềm vui, nỗi khổ, cây cỏ, mây, mưa, thân thể, v.v… đều là một. Không thể có cái này mà không có cái kia.

Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, bốn hơi thở đầu Bụt hướng dẫn chúng ta thực tập về quán thân trong thân.

Bài thực tập đầu: ''Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào. Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra. Vào/Ra.''

Bài thực tập thứ hai: ''Thở vào một hơi dài, tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài. Vào dài/Ra dài. Thở vào một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn. Vào ngắn/Ra ngắn.''

Bài thực tập thứ ba: ''Thở vào, ý tôi thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Ý thức toàn thân/Ý thức toàn.''

Bài thực tập thứ tư: ''Thở vào, tôi làm cho toàn thân an tịnh, lắng dịu, buông thư. Thở ra, tôi làm cho toàn thân an tịnh, lắng dịu, buông thư. An tịnh toàn thân/Buông thư toàn thân''.

Bốn bài thực tập kế tiếp là quán cảm thọ trong cảm thọ. Chúng ta sẽ học bốn bài tập này trong những ngày tới. Bốn hơi thở kế nữa là các hơi thở thứ chín, thứ mười, thứ mười một và thứ mười hai hướng dẫn về phép quán tâm ý trong tâm ý. Tâm ý ở đây tức là các tâm hành. Và bốn hơi thở cuối - bài tập thứ mười ba, mười bốn, mười lăm và mười sáu là quán đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý. Bốn bài thực tập này giúp chúng ta quán chiếu để đạt tới cái thấy về bản chất chân thực của các pháp, tức là các đối tượng của tâm ý. Vì nhận thức sai lầm (vọng tưởng) mà ta không thấy được thực tại như chính nó. Bốn bài thực tập này giúp ta xua tan đi màn vô minh để cho thực tại phản chiếu được tính chất chân thực của nó. Cái thấy này có khả năng giải phóng ta ra khỏi ngục tù của vô minh, sầu khổ và sợ hãi.

Năm mươi mốt tâm hành là sự biểu hiện cụ thể của thức. Khi ta tiếp xúc với năm mươi mốt tâm hành, tức là ta tiếp xúc với thức. Thức là căn bản của tất cả các tâm hành, gọi là Căn bản thức hay Nhất thiết chủng thức. Ví dụ, khi ta tiếp xúc với sóng thì ta đồng thời tiếp xúc được với nước, bởi vì sóng chính là nước, mà nước là nền tảng biểu hiện của sóng. Thân ta cũng là sự biểu hiện của thức. Đây là điểm rất quan trọng của giáo lý Duy thức. Trong tâm học Phật giáo, ta được học rằng tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng là nền tảng cho sự biểu hiện của tất cả các pháp, trong đó gồm có núi, sông, động vật, thực vật, chất khoáng, văn hóa và xã hội v.v… Tất cả đều là sản phẩm của tâm thức. Thị trường chứng khoán là một sản phẩm của tâm thức cộng đồng. Thị trường chứng khoán có cái căn bản của nó trong tâm ta, nó mang nhiều tính chất của sự tham vọng và sợ hãi. Thị trường chứng khoán không tin vào một mục tiêu nào cả. Tâm thức của ta, bao gồm tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng là căn bản biểu hiện của các pháp mang tính tương tức của danh và sắc. Thức có mặt khắp nơi, trong ta và ngoài ta. Ta phải tập nhìn như thế thì mới có thể hiểu được lời dạy của Bụt một cách dễ dàng và sâu sắc. Mấy năm trước ở Bắc Mỹ, tôi có hướng dẫn một khóa tu bảy ngày dành cho các nhà tâm lý trị liệu về Năm mươi Bài Tụng Duy Biểu ở thành phố Key West, tiểu bang Florida. Chúng tôi đã có cơ hội chia sẻ và học hỏi sâu sắc về giáo lý Duy Biểu để thấy rằng thế giới là sự biểu hiện của tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Cá nhân và cộng đồng (tự biểu và cộng biểu) tương tức. Tâm thức cá nhân làm ra tâm thức cộng đồng và ngược lại. Cả hai đều nương vào nhau mà biểu hiện. Nếu lấy cá nhân ra khỏi cộng đồng thì cộng đồng không thể tồn tại. Nếu lấy cộng động ra khỏi cá nhân thì cá nhân sẽ bị sụp đổ. Giáo lý tương tức, vô ngã được tìm thấy bàng bạc trong tất cả các kinh điển của Bụt.

Sáng nay tôi có chia sẻ với quý vị về bản chất sống và chết. Nhiều người trong chúng ta không có cơ hội để nhìn sâu vào bản chất của cái mà ta gọi là sống và chết. Chúng ta nghĩ rằng chết nằm ngoài sống. Nếu biết thực tập nhìn sâu theo lời Bụt dạy thì ta sẽ khám phá ra rằng sống và chết tương tức, nghĩa là chúng nương nhau mà biểu hiện. Sống và chết làm ra nhau. Cả hai đều mang cùng một thực tại. Đôi khi thực tại biểu hiện như là chết, đôi khi thực tại lại biểu hiện như là sống. Khi tiếp xúc được với thực tại không sinh không diệt, với tuệ giác tương tức, thì ta không còn buồn khổ, sợ hãi nữa. Ta hoàn toàn tự do.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn