Sinh sống có chánh niệm

28 Tháng Mười 201501:46(Xem: 6028)

SINH SỐNG CÓ CHÁNH NIỆM
Tâm Quang Từ

 

sinh-song-co-chanh-niemSinh sống có chánh niệm là một trong các quan niệm của đạo Phật nói về thái độ cẩn trọng và sáng suốt của người xuất gia trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đó là việc thọ nhận “tứ sự cúng dường” – y áo, đồ ăn khất thực, chỗ cư trú, thuốc trị bệnh – một cách chơn chánh đúng pháp hay sự chú tâm vào việc ăn, mặc, ở và sử dụng thuốc trị bệnh một cách có hiểu biết, có cân nhắc, có chánh niệm, khiến cho đời sống không rơi vào lỗi lầm, trở nên chính đáng, có ý nghĩa, có giá trị, có định hướng, có cứu cánh. Trong quan niệm về hiện hữu, đạo Phật nói đến bốn điều kiện cơ bản giúp cho con người sinh tồn một cách tương đối yên ổn, đó là cơm ăn, áo mặc, nhà ở và thuốc trị bệnh. Giống như bao người khác, người tu học theo đạo Phật cũng phải dựa vào bốn nhu yếu ấy để duy trì đời sống tu hành của mình. Chỉ khác chăng là người thực hành lời Phật dạy biết cách “quán niệm” về lý do và mục đích sinh tồn nên đời sống của vị ấy tự  nó đã trở nên sinh động và có ý nghĩa. Đức Phật cho phép các học trò mình thọ nhận các nhu yếu tối thiểu do người khác hiến tặng gồm y áo, đồ ăn khất thực, chỗ cư trú, dược phẩm trị bệnh để hỗ trợ đời sống tu học nhưng nhấn mạnh đến việc thọ dụng đúng pháp, tức giữ tâm chánh niệm tỉnh giác trong lúc sử dụng các nhu yếu như là một phương pháp tu tập nhằm mục đích thăng tiến giới đức, tâm đức, tuệ đức, hướng đến đoạn trừ các lậu hoặc, thành tựu lý tưởng xuất gia tu học đạo lý giác ngộ. Ngài nêu rõ:

“Này Cunda, Ta không thuyết pháp chỉ để ngăn chặn các lậu hoặc ngay trong hiện tại. Này Cunda, Ta không thuyết pháp, chỉ để diệt trừ các lậu hoặc trong tương lai mà thôi. Này Cunda, Ta thuyết pháp vừa để ngăn chặn các lậu hoặc ngay trong hiện tại mà cũng để diệt trừ các lậu hoặc trong tương lai nữa. Do vậy, này Cunda, tấm y mà Ta cho phép các ngươi mặc, như vậy là vừa đủ cho các ngươi ngăn chặn lạnh, ngăn chặn nóng, ngăn chặn sự xúc chạm của các loài ruồi muỗi, gió, mặt trời và các loài rắn, và để che giấu sự hổ thẹn. Các món ăn khất thực mà Ta cho phép các ngươi dùng, như vậy là vừa đủ để nuôi dưỡng thân thể, giúp thân thể sống còn, tránh khỏi nguy hại và giúp hỗ trợ đời sống phạm hạnh với hy vọng:

‘Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, nhờ vậy đời sống của ta mới khỏi bị lầm lỗi và ta sống an lạc’. Nhà cửa nào mà Ta cho phép các ngươi an trú, như vậy là vừa đủ cho các ngươi ngăn chặn lạnh, ngăn chặn nóng, ngăn chặn sự xúc chạm của ruồi muỗi, gió, mặt trời và các loài rắn, chỉ với mục đích tránh thoát sự nguy hiểm của thời tiết, và an hưởng đời sống tịnh cư. Các dược phẩm và thuốc trị bệnh mà Ta cho phép các ngươi dùng, như vậy vừa đủ để ngăn chặn các cảm thọ đau ốm khởi lên và để gìn giữ sức khỏe”1.

Theo lời dạy của Phật thì việc ăn, mặc, ở và sử dụng thuốc trị bệnh của người xuất gia có hai công năng rõ rệt. Thứ nhất là để bảo đảm đời sống tu học được an ổn, không lỗi lầm; thứ hai là khiến cho việc tu học đạt đến cứu cánh giải thoát. Đó là ý nghĩa và mục đích của việc thọ dụng “tứ sự cúng dường” hay sử dụng các nhu yếu liên quan đến việc sinh sống của người xuất gia. Nói cách khác, người xuất gia sống theo chánh hạnh, thọ dụng y áo, đồ ăn khất thực, chỗ cư trú và thuốc trị bệnh do người khác hiến cúng chỉ với mục đích ngăn chặn các lậu hoặc ngay trong hiện tại và diệt trừ các lậu hoặc trong tương lai. Các lậu hoặc ở đây bao gồm dục lậu (kamasava), hữu lậu (bhavasava) và vô minh lậu (avijjasava), nghĩa là tất cả các thứ phiền toái phát sinh đưa đến phiền não khổ đau, gắn liền với sự kiện hiện hữu của chúng sinh ở trong các cảnh giới sanh tử luân hồi, có gốc rễ là dục vọng và vô minh. Ví dụ, làm người thì ai cũng phải ăn mới tồn tại, không ăn thì không thể duy trì sự hiện hữu, đó là điều kiện tất yếu của quy luật sinh tồn; vậy nên, sự kiện làm người tự nó đã là một phiền toái vì phải lệ thuộc vào cái ăn; hơn thế, chính do cái ăn mà các phiền toái khác có thể phát sinh, nếu không có sự thọ dụng đúng pháp hoặc do vô minh, thiếu sự hiểu biết sáng suốt về cái ăn2. Đây gọi là các phiền toái hay khổ đau phát sinh do sự kiện hiện hữu hoặc do dục vọng và vô minh mà kinh Phật gọi là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Để tránh các phiền toái hay lậu hoặc phát sinh đưa đến khổ đau hiện tại và tương lai, Đức Phật đã nhấn mạnh đến ý nghĩa và mục đích chính đáng của việc thọ dụng các nhu yếu hay “tứ sự cúng dường”, khiến cho việc sinh sống của người xuất gia không rơi vào lỗi lầm, trở thành một phương tiện thích đáng phục vụ cho mục đích tu tập hướng đến đoạn trừ các lậu hoặc, giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau. Đó chính là thể hiện tâm thái ứng xử đúng đắn đối với việc nuôi sống hay còn gọi là thực hành chánh niệm trong việc ăn, mặc, ở và sử dụng thuốc trị bệnh. Ngài gọi lối sống chánh niệm đối với việc thọ dụng “tứ sự cúng dường” như vậy là pháp môn đoạn trừ các lậu hoặc (đoạn trừ khổ đau) và giảng giải chi tiết:

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ? Này các Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng. Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: ‘Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn’. Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh. Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chặn các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn. Này các Tỳ- kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỳ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ”.3

Như lý giác sát (yoniso patisankhàna) hay chánh niệm (sammà-sati) có nghĩa là chú tâm nhận biết một cách đúng đắn về những gì mình đang làm hay đang đối diện với một tâm tư đầy tỉnh táo và sáng suốt, biết rõ những gì mình đang làm, hiểu rõ ý nghĩa và mục đích chính đáng của việc mình đang làm, khiến cho tâm tư trở nên thư thái, định tĩnh, sáng suốt, không dao động, không quay cuồng, không rơi vào tham ái hay bực phiền mà thuật ngữ Phật học gọi là thuận ứng(anuruddha) hay nghịch ứng (pativiruddha)4.

Chánh niệm đối với việc ăn, mặc, ở, sử dụng thuốc trị bệnh tức là ghi nhận một cách rõ ràng về ý nghĩa và mục đích của việc thọ dụng bốn nhu yếu liên quan đến sự sinh tồn, biết rõ chúng chỉ là các phương tiện hỗ trợ cho đời sống tu tập hướng đến đoạn trừ các lậu hoặc, chấm dứt mọi khổ đau, không phải là đối tượng đáng để thích thú hay tham đắm, bực phiền hay giận dữ. Chẳng hạn, đối với việc thọ dụng món ăn khất thực thì chánh niệm ở đây tức là nhận thức rõ việc thọ dụng món ăn khất thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, để diệt trừ các cảm thọ cũ (xua tan cảm giác đói khát khó chịu) và không cho khởi lên các cảm thọ mới (không để cho tâm rơi vào tham đắm hay bực phiền đối với món ăn), để đời sống không lỗi lầm, được an ổn. Đây gọi là sự chứng nghiệm đầy đủ về quy luật sinh tồn hay còn gọi là như thật tuệ tri (yathàbhùtam pajànàti) về vị ngọt (assàda), sự nguy hiểm (àdìnava) và sự xuất ly (nissarana) của sự kiện hiện hữu, có khả năng giúp cho con người thực thi lối sống giải thoát hay biết cách sống an lạc ngay trong cuộc thế đầy trói buộc đau khổ. Nói cách khác, đây chính là sinh sống có chánh niệm, tức là có thái độ xử sự đúng đắn và sáng suốt đối với các điều kiện duy trì sự hiện hữu (ăn, mặc, ở, dược phẩm trị bệnh), nuôi sống theo trung đạo (majjhimà-patipadà), không rơi vào chủ nghĩa khắc kỷ khổ hạnh (atta-kilamatha) hoặc thói quen hưởng thụ dục lạc (kàma-sukha), vừa khiến cho sự sống được bảo đảm an ổn, vừa khiến cho nhân tính được phát triển tốt đẹp, không bị chi phối hay ô nhiễm bởi tham-sân-si. Đức Phật gọi lối sống có chánh niệm hay khéo thọ dụng “tứ sự cúng dường” như vậy là một nếp sống thanh tịnh, giải thoát, an lạc, không có tàn hại, không có nhiệt não, vì nó có khả năng chận đứng các lậu hoặc hay khổ đau ngay trong hiện tại và dứt trừ các lậu hoặc hay khổ đau trong tương lai5.

Nhìn chung, sinh sống có chánh niệm hay thọ dụng “tứ sự cúng dường” một cách đúng pháp là một pháp môn tu tập thiết thực mà Đức Phật đã giảng dạy cho người xuất gia. Đó là phương pháp thiết lập đời sống an lạc ngay trong hiện tại và đưa đến an lạc trong tương lai, nhờ ứng dụng chánh niệm trong việc thọ dụng các nhu yếu; một mặt, để ngăn chặn tức thời các phiền toái hay khổ đau, không để cho chúng phát sinh do duyên đói, khát, lạnh, nóng, đau đớn, khó chịu; và mặt khác, dứt trừ gốc rễ của các phiền toái hay khổ đau, không để cho chúng có cơ hội tiếp tục sinh khởi do nhân tham đắm hay bực phiền đối với việc ăn, mặc, ở… Sinh sống có chánh niệm hay thọ dụng “tứ sự cúng dường” một cách chơn chánh cũng được xem là đồng nghĩa với việc thực hành đời sống tri túc, tức là người xuất gia phải nhận thức rõ tính tương đối của cuộc sống, luôn luôn tự dò xét và cân nhắc về mục đích tu học của mình: “không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không phải vì món ăn khất thực… không phải vì sàng tọa… không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”6, tự bằng lòng với các vật dụng nhận được như y áo, đồ ăn khất thực, chỗ cư trú và thuốc trị bệnh; không dung dưỡng thói quen đòi hỏi quá đáng; không sinh tâm phân biệt nhiều ít, tốt xấu, ngon dở; không rơi vào thái độ khen chê, tham đắm hay bực phiền đối với các điều kiện sinh tồn, do ý thức rõ chúng chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh của lý tưởng xuất gia.

Đáng chú ý là trong đời sống của người tu học theo đạo Phật, các sự việc xem ra hết sức thường tình nhưng đôi lúc cũng lắm phiền toái như chuyện ăn, mặc, ở, dùng thuốc trị bệnh… lại trở thành đề tài quan trọng và thiết thực cho việc tu tiến về đạo đức, tâm linh và trí tuệ, nói khác là cơ sở cho sự giác ngộ, hoàn thiện nhân tính. Tương tự việc “chú tâm” vào hơi thở để thực nghiệm lối sống giải thoát, an lạc; việc ăn, mặc, ở và sử dụng thuốc trị bệnh của người con Phật cũng được vận dụng như là một phương pháp hữu hiệu cho việc chứng nghiệm lẽ sống giác ngộ, an lạc. Chẳng hay người khác là thế nào, nhưng với người Phật tử thì ăn là một pháp môn tu tập, một cơ duyên để thực nghiệm an lạc; mặc là một pháp môn tu tập, một cơ duyên để thực nghiệm an lạc; ở là một pháp môn tu tập, một cơ duyên để thực nghiệm an lạc; ốm đau cũng là một pháp môn tu tập, một cơ duyên để thực nghiệm an lạc. Vì sao? Vì ăn có chánh niệm, mặc có chánh niệm, ở có chánh niệm, dùng thuốc trị bệnh cũng có chánh niệm. Mà ở đâu có chánh niệm thì ở đó có giới đức, có tâm đức, có tuệ đức, có hoàn thiện nhân tính, có giác ngộ, có an lạc. Nói khác đi, việc sinh sống của người tu học theo giáo pháp của Phật có ý nghĩa và mục đích rõ rệt, đó là sinh sống một cách có hiểu biết, có giác sát, có cân nhắc, có chánh niệm, đưa đến chứng đắc hạnh phúc hiện tại và an lạc tương lai. Rõ ràng, với các pháp môn tu tập hết sức giản dị và thực tế do bậc Đạo sư giảng dạy, người Phật tử không cần phải tìm ở đâu xa cách thức để thực nghiệm an lạc; bởi an lạc nằm ngay trong đời sống hàng ngày, trong việc ăn, mặc, ở có chánh niệm mà đấng Giác ngộ đã ân cần chỉ bảo cho mọi người. Trong một thế giới mà hầu như càng ngày con người càng trở nên vong thân, căng thẳng và mệt mỏi bởi các áp lực huyễn ảo nhân tạo và sự hào nhoáng phù phiếm của chủ nghĩa thực dụng, người ta có thể trông chờ và tìm ở đâu khác một lẽ sống tỉnh táo, minh triết và an lạc như vậy? ■„ (TC. Văn Hóa Phật Giáo số 186)

Chú thích:

  1. Kinh Thanh tịnh, Trường Bộ.
  2. Kinh Ví dụ con chim cáy, Trung Bộ.
  3. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
  4. Chỉ cho tham và sân, tức là tham ái đối với những gì thích ý, hấp dẫn và bất mãn đối với những gì không thích ý, không hấp dẫn, hai loại phản ứng của tâm thức đưa đến phiền não khổ đau cùng có chung gốc rễ là vô minh hay si mê. Xem Tiểu kinh Sư tử hống, Trung Bộ.
  5. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
  6. Kinh Khu rừng, Trung Bộ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn