Sát Sanh Trong Tư Tưởng

03 Tháng Năm 201200:00(Xem: 49382)

SÁT SANH TRONG TƯ TƯỞNG
Thích Nhật Từ

khongcokethu-bia

 

Khi chia sẻ một vài quan điểm hóa giải lòng hận thù theo tinh thần đức Phật dạy ở hai phần đầu, chúng tôi có đề cập đến câu chuyện ngụ ngôn trong kinh Đại Bảo Tích, liên hệ về phản ứng của sư tử và chó trước một khúc xương. Câu chuyện ngụ ngôn đó nói về đối tượng của lòng thù hận chính nó đã tạo ra khổ đau cho con người.

Con chó nghĩ rằng cục xương là tác nhân tạo ra sự đau đớn thân xác của chúng nên đã cấu xé khúc xương. Sư tử, ngược lại, biết rất rõ tác nhân không phải là khúc xương mà là con người, nên định hướng được nơi mà khúc xương xuất phát.

Phật dạy, ta nhìn nhận tác nhân không phải nằm ở sự kiện, sự vật, ngay cả con người, mà nằm ở lòng tham, sân, si của người thiếu sự kiểm soát tâm. Trong cuộc sống nhiều người có khuynh hướng tâm lý ngã hóa đối tượng, tức là hình dung đối tượng đã tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mình và định vị đối tượng đó. Thay vì, thấy rõ được con người là do hợp thể của năm uẩn tạo thành thì ta lại đi mê mẩn cái giả tạm đó. Tiến trình ngã hóa đối tượng làm cho con người tìm kiếm cơ hội để phóng thích nỗi khổ niềm đau qua lòng thù hận.

Nhiều nơi trên thế giới, có thói quen trút bỏ lòng thù hận lên hình nộm của người bị ghét, để không ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của người đó. Khi ghét người nào họ làm hình nộm của người đó, rồi đọc bản tuyên án, cầm dao, gậy, bật lửa để đánh đập, đốt hình nộm đó.

Làm như vậy họ cảm thấy thỏa mãn cơn tức giận và an toàn hơn; trong khi trả thù trực tiếp thì sẽ bị luật pháp cầm tù, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm, sự nghiệp, hạnh phúc. Đó là sự phóng thích lòng thù hận theo hướng “ngã hóa” đối tượng qua hình nộm. Có người dùng hình phóng to để thay thế hình

nộm, rồi đốt như hành động rửa hận. Có người khắc tên kẻ thù trên khúc cây, mảnh gỗ, rồi dùng dao chặt bằm khúc cây ra nhiều mảnh, nghĩ rằng họ đang băm dằm thân thể của kẻ thù.

Dù bất cứ hình thức nào thì tiến trình ngã hóa đối tượng cũng đã làm cho lòng thù hận có cơ hội gia tăng. Mặc dù đối với pháp luật, kẻ trả thù hình nộm được xem là không có tội, nhưng trong nhân quả đạo đức, người đó đã sát sanh trong tâm tưởng. Tức là hành động sát sinh bằng tâm ý đã được gieo, có sự hưởng ứng, sự đồng tình của nhiều người đang gieo trồng chung một cộng nghiệp trả thù bằng tâm thức, mà tác hại của nó không thua kém gì so với tác hại của một hành động giết người cụ thể.

Hành động thường được thể hiện qua ba khuynh hướng: Hành động của thân thể, lời nói và chữ viết, tâm tư duy với kế hoạch hay những âm mưu.

Hành động của tâm còn nguy hại hơn những hành động cụ thể. Trong hành động cụ thể, chẳng hạn, khi bắn giặc chết nghĩa sĩ có thể ngưng bắn để không phí đạn. Còn hành động ngã hóa đối tượng là bắn, chặt, giết bằng tâm, nên động tác giết hại diễn ra nhiều lần như thể chết nhiều lần. Sự trả thù này chỉ làm cho người sân hận thoả mãn cơn tức giận trong ảo giác. Bất cứ cái gì có thể hình dung đều được sử dụng như công cụ ngã hóa kẻ thù bằng hình nộm, tranh ảnh để tha hồ giết đốt. Kẻ thù không chết thật nhưng nghiệp sát là có thật.

Có người ngã hóa đối tượng theo cách giết người trong giấc mộng. Khi ức chế không giải phóng được, con người có khuynh hướng mang vào giấc ngủ, giấc mơ tạo ra ác mộng để tự thỏa mãn. Ý thức giết người trong mộng để trả thù cũng là nghiệp sát của tâm, cần được chuyển hóa.

Học đạo đức của Bồ tát phân tích, rằng tác nhân chính yếu của hành động nằm ở tâm. Một người được gọi là đạo đức không chỉ được đánh dấu qua những biểu đạt của thân và khẩu. Người giỏi về ngoại giao thường là người thâm thúy, có thể không thể hiện ra ngoài nhưng trong dòng cảm xúc của họ vẫn nghĩ đến hoặc tán đồng các hành vi sát hại.

Hãy trưởng dưỡng lòng từ bi để tất cả những nghiệp thù hận được tháo gỡ và chuyển hóa. Hành động giúp đỡ với động cơ tốt mới thật sự là một thiện sự đúng ý nghĩa, bằng không chưa chắc đã có giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.

Như vậy tiến trình ngã hóa có thể thực hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, mỗi người hình dung ra một cách để thỏa mãn bằng hành động, tư duy hay bất cứ một hình thức nào, làm thương tổn trực tiếp hay gián tiếp đến người khác.

thitgachayTrong công nghệ ăn chay ngày nay, có thể nói rằng Đài Loan là một trong những xứ sở tiên phong tạo ra khuynh hướng ngã hóa đối tượng của việc ăn chay. Lúc đầu, công nghệ thực phẩm chay giả mặn được hình thành với một thiện ý. Thay vì để thực khách ăn thịt những con vật thật thì họ tạo ra những món chay giả các loại thịt cá bằng tàu hủ, mì căn để cho người ăn bớt đi nghiệp sát. Khẩu vị tiếp xúc thì giống nhau nhưng nghiệp sát mạng sống thật thì không có. Thiện chí đó có ý nghĩa dẫn dụ người chưa quen ăn chay.

Về lâu dài, thực phẩm chay được sản xuất theo công nghệ dây chuyền và trở nên phổ biến khắp thế giới. Dĩ nhiên tác dụng lúc đầu của nó không còn nữa. Hiện nay thực phẩm chay giả mặn được sản xuất với hình thù và mùi vị y hệt như thịt cá thật. Nếu có dịp thưởng thức nước mắm chay thì quý vị sẽ cảm nhận được hương vị của nước mắm cá thu không khác chút nào. Tương tự mắm ruốc chay hay các loại cá chay, đùi gà chay, tôm sú, tôm càng chay v.v... không còn hương vị chay tịnh nữa, tanh hôi vô cùng. Ăn những thực phẩm đó nếu không biết trước là đồ chay giả mặn thì không thể phân biệt được giữa thật và giả. Vô tình ta đang ngã hóa đối tượng các con cá, gà thành các hình thù thực phẩm chay. Trong hành động ăn chay đó, ta vẫn đang tiếp tục gieo trồng các hạt giống của sát hại bằng tâm nghĩa là sát sanh trong tư tưởng, do đó nghiệp sát trong tâm cũng khó có thể hóa giải.

Cần loại trừ thói quen tiêu thụ các thực phẩm chay giả mặn. Về phương diện y học, các thực phẩm đó không có dưỡng chất và chứa nhiều độc tố. Hạt giống của tâm sát hại vô tình vẫn được tồn tại dưới dạng tùy miên, tức là ngủ ngầm trong tạng thức con người. Lúc ăn những đồ chay giả mặn, hạt giống sát hại thầm lặng được xúc tác, tưới tẩm và nuôi lớn. Ăn loại thực phẩm chay giả mặn chẳng khác nào ăn những động vật thật, dưới góc độ tâm tưởng. Để xóa bỏ được lòng thù hận ta phải dẹp bỏ tiến trình ngã hóa đối tượng.

Trích từ sách: KHÔNG CÓ KẺ THÙ, Thích Nhật Từ - Chương 3 - Nhà Sách Thời Đại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn