ÁNH SÁNG LÀ MỘT PHẨM TÍNH CỦA TÁNH KHÔNG
Nguyễn Thế Đăng
Chúng ta vẫn thường hình dung Đức Phật có ánh sáng, và tranh tượng đều diễn tả ánh sáng bằng hào quang bao quanh đầu và thân; kinh điển thường nói đến việc Đức Phật phóng ánh sáng trùm khắp. Ánh sáng như để diễn tả Phật, như là một phẩm tính căn bản của Phật.
Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề này qua kinh Pháp hội Xuất hiện Quang minh trong bộ Đại Bảo Tích do Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi dịch.
“Lúc ấy, trong pháp hội có một đồng tử tên Nguyệt Quang rời chỗ ngồi đứng dậy trịch y vai hữu, quỳ gối đảnh lễ dưới chân Đức Phật, chắp tay cung kính bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thuở xưa Như Lai tu hạnh nghiệp gì mà có thể được các quang minh như là quyết định quang minh, nhiếp thủ quang minh, phát khởi quang minh, hiển hiện quang minh, chủng chủng sắc quang minh, quảng đại quang minh, thanh tịnh quang minh, khắp thanh tịnh quang minh, vô năng chướng quang minh, trụ vô biên xứ quang minh, vô lượng sắc tướng quang minh, hư không sắc tướng quang minh… Các thứ quang minh như vậy, mỗi quang minh đều cùng quang minh năm sắc hoà hợp hiển hiện, cho đến các sự xanh vàng đỏ trắng… mỗi sự cũng cùng vô lượng vô biên các thứ sắc quang hoà hợp hiển hiện”.
Đồng tử Nguyệt Quang thưa hỏi Đức Phật do hạnh nghiệp gì mà hiển hiện vô số ánh sáng, hoà hiệp vô ngại với nhau, đến độ toàn bộ vũ trụ đầy cả ánh sáng đủ loại, đủ màu sắc và vũ trụ chính là sự hoà hợp của vô lượng vô biên đủ loại ánh sáng như vậy.
“Đức Thế Tôn nói kệ cho Nguyệt Quang:
Ta dùng bất tư nghị
Nghiệp lành làm nhân duyên
Xa lìa những mê lầm
Nên được các quang minh…”.
Những mê lầm đồng nghĩa với vô minh. Vô minh (avidya) là quan niệm sai lầm, hiểu sai lầm, thấy biết sai lầm. Chính những mê lầm này che đậy thật tướng của các sự vật là tánh Không. Khi những mê lầm vô minh được xa lìa, thì các quang minh kia hiện ra, như khi những đám mây qua đi thì mặt trời hiện ra đầy ánh sáng. Nghiệp lành làm nhân duyên là những phương pháp tu hành khiến xa lìa những mê lầm để cho các ánh sáng hiện ra. Những phương pháp tu hành là nhân duyên để xua tan những đám mây vô minh che ám mặt trời khiến cho mặt trời hiện ra chứ chúng không tạo ra mặt trời đầy ánh sáng. Thế nên kinh nói
“Xa lìa những mê lầm, Nên được các quang minh”. “…
Lại dùng nhiều công hạnh
An trụ trong Phật đạo
Dùng huệ Không,
Vô tác Hiện hoà hiệp quang minh…”.
An trụ trong Phật đạo là an trụ trong thực tại tối hậu là tánh Không. Từ tánh Không ấy, dùng trí huệ về tánh Không, Vô tác mà hiện hoà hiệp quang minh. Quang minh được hiện, được xuất hiện từ trong tánh Không. Quang minh hay ánh sáng là một phẩm tính của tánh Không.
Đầu đề kinh nói “Xuất hiện Quang minh” chứ không nói tạo tác, biến chế ra quang minh. Quang minh vốn hiện hữu trong tánh Không, chỉ cần dùng “nhiều nghiệp lành, nhiều công hạnh” thì quang minh có sẵn ấy xuất hiện.
Kệ nói tiếp:
“… Ví như trong ngoại pháp
Các thứ tướng sai khác
Trong ấy Không,
Vô ngã Không tác, không tâm ý.
Lại như trong nội thân Không, Vô ngã, Vô tác
Trong ấy thị hiện được
Nhiều thứ loại âm thanh
Do Vô tác như vậy
Hiện vô biên sắc quang”.
Ngoại pháp là các hiện tượng bên ngoài, chúng đều rỗng không, vô ngã, vô tự tánh, không tác, không tâm ý. Chúng là tánh Không. Các hiện tượng ở trong nội thân cũng trống không, vô ngã, vô tự tánh, vô tác. Bên trong cũng là tánh Không.
Do bên ngoài là tánh Không (vô pháp), bên trong là tánh Không (vô ngã) mà “do Không, Vô ngã, Vô tác như vậy, hiện vô biên sắc quang”. Do bên ngoài và bên trong đều là tánh Không, vô tự tánh, mà vô biên ánh sáng xuất hiện.
Như vậy, bất cứ khi nào chúng ta thấy ra vô tự tánh, tánh Không của bên ngoài và bên trong, thì ánh sáng vốn sẵn nơi tánh Không xuất hiện. Sở dĩ ánh sáng chưa xuất hiện vì “những mê lầm” cho rằng mọi sự vật, thế giới, con người là có tự tánh khiến che đậy cái thấy biết của chúng ta. Chính sự mê lầm cho rằng mọi vật có tự tánh khiến cho mọi sự trở thành cứng đặc, thành vật thể, làm cho ánh sáng không phát ra được, không xuất hiện được. Chính sự mê chấp của chúng ta rằng có tự tánh đã che đậy ánh sáng vốn sẵn có của sự vật.
Đoạn kệ sau nói nếu thấy biết nhãn là tánh Không thì ánh sáng sẽ phát ra, sẽ xuất hiện:
Nương nhãn biết nhãn không
Không chấp trước vào nhãn
Nếu biết được như vậy
Ở nhãn cũng vô hại.
Nếu biết nhãn tánh Không
Thành tựu trí chân thật
Do trí chân thật này
Quang minh sẽ phát ra.
Nếu biết nhãn tánh Không
Dứt hẳn tâm tham dục
Do không có tham dục
Quang minh sẽ phát ra.
Tánh Không của nhãn là sự thanh tịnh của nhãn. Và khi nhãn thanh tịnh thì quang minh xuất hiện:
Nếu khéo biết rõ được
Thanh tịnh của nhãn tánh
Thì cũng khéo biết rõ
Thanh tịnh của nhĩ tánh
Người ấy sẽ chứng được
Quang xuất hiện như vậy.
Cho nên bất cứ lúc nào chúng ta thấy tánh Không, thấy ra sự vô tự tánh của mọi sự vật thì ánh sáng căn bản nơi mọi sự vật xuất hiện. Cái thấy tánh Không vô tự tánh càng sâu rộng thì ánh sáng xuất hiện càng sâu rộng.
Một thí dụ từ xưa là: Khi đứng trước một tấm gương, nếu cho hình bóng trong gương là có tự tánh, có thật, không phải do duyên sanh, rồi chạy theo chúng, thì chúng ta chẳng thể nào nhận ra tấm gương sáng làm nền tảng cho mọi hình bóng xuất hiện. Khi không chạy theo chúng, “không chấp trước vào nhãn”, thì “do không có tham dục” nên chúng ta thấy tấm gương với đầy đủ ánh sáng. Đó là sự thanh tịnh của tấm gương đầy ánh sáng, hay nói theo kinh “quang minh xuất hiện”.