1. Người Ngu và Người Trí

06 Tháng Giêng 201915:58(Xem: 2830)
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
LỜI PHẬT DẠY
VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI
HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PĀLI
The Buddha’s Teachings on Socialand Communal Harmony 
An Anthology of Discourses from the Pāli Canon
by
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications 2016
Việt dịch:
Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC


Chương VI. LỢI LẠC CHO MÌNH và 
LỢI LẠC CHO NGƯỜI KHÁC 
  

 

1. NGƯỜI NGU và NGƯỜI TRÍ

 

“Này các Tỷ-kheo, người nào sở hữu ba tính cách này được biết như là người ngu. Thế nào là ba ? Thân làm điều ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Người nào sở hữu ba tính cách này được biết như là người ngu. Người nào sở hữu ba đức tính này được biết như là người trí. Thế nào là ba ? Thân làm điều thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện. Người nào sở hữu ba đức tính này được biết như là người trí.

 

“Bất cứ sự nguy hiểm nào khởi lên, tất cả sự nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người trí. Bất cứ tai họa nào khởi lên, tất cả tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người trí. Bất cứ sự bất hạnh nào khởi lên, tất cả sự bất hạnh ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người trí. Cũng giống như ngọn lửa phát khởi từ ngôi nhà bằng cỏ hay cỏ lau, đốt cháy thậm chí cả ngôi nhà có nóc nhọn, có lớp che trong và ngoài; cũng vậy, bất cứ sự nguy hiểm nào khởi lên, tất cả sự nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người trí. Như vậy, người ngu mang lại nguy hiểm, người trí không mang lại nguy hiểm; người ngu mang lại tai họa, người trí không mang lại tai họa; người ngu mang lại sự bất hạnh, người trí không mang lại sự bất hạnh.Không có sự nguy hiểm nào đến từ người trí; không có tai họa nào đến từ người trí; không có sự bất hạnh nào đến từ người trí.

 

“ Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông phải tự mình rèn luyện như sau: ‘Chúng tôi sẽ tránh xa ba tínhcách được biết như là người ngu, và chúng tôi sẽ chấp nhận và thực hành ba đức tính được biết như là người trí.’ Bằng cách này, các ông cần phải tự mình rèn luyện.”

 

 

                    ( Tăng Chi BK I, Ch. III, (I): 1-2, tr. 180-182 )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn