12 Áp Dụng các Giáo Lý này vào sự Tu Tập của Chúng Ta

23 Tháng Bảy 201409:11(Xem: 5520)
Khenchen Thrangu Rinpoche
Đỗ Đình Đồng dịch
TÁNH KHÔNG
TRONG TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
hay
SHENTONG & RANGTONG
Hai Cái Thấy về Tánh Không

12 
Áp Dụng các Giáo Lý này vào sự Tu Tập của Chúng Ta

Cái thấy chính của các giáo lý về tánh không là từ cái thấy của các kinh. Cái thấy của các kinh có thể tìm thấy bên trong những lời dạy của chính đức Phật (sūtrās) và các luận (shāstras) do các bậc đại sư Phật giáo tạo ra. Chúng ta có thể học cái thấy triết lý từ cả hai loại bản văn này. Truyền thống của các giáo lý trình bày trong bản văn của Jamgon Kongtrul là truyền thống của các luận (shāstras) của các bậc đại sư.

 Một vài người không đồng ý và nói, “Nhấn mạnh vào các luận là sai. Thay vì, người ta có nên tập trung vào các kinh của chính đức Phật.” Nhưng sự thực, điều này không phải như vậy. Chúng ta nên tập trung vào các luận bởi vì đối với những người bình thường thì khó nắm vững được kinh. Ở một vài chỗ thì kinh đi vào chi tiết chi ly còn ở một vài chỗ khác thì lại rất cô đọng. Các bậc đại sư có thể giải thích những lời dạy cô đọng hay cô đọng những lời dạy dài của đức Phật. Cũng như một vài giáo lý của đức Phật rải rác trong các kinh khác nhau và không theo bất cứ thứ tự nào. Tuy nhiên các sư có thể tổ chức những giáo lý như vậy để ý nghĩa chứa trong các kinh có thể tiếp cận những người bình thường và có thể học được dễ dàng. Thí dụ, một trong năm tác phẩm của đức Di Lặc là Luận Hiện Chứng Trang Nghiêm. Luận này là một bản văn rất ngắn khoảng 20 trang và bao gồm toàn bộ ý nghĩa của 100.000 bài tụng (bộ kinh 12 tập) của Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

 Chúng ta có thể nghiên cứu các luận chẳng hạn như bản văn chính của đại sư Long Thọ, Bát-nhã Trung đạo (Phạn: Mūla-madhyamika-prajñā), nhưng điều đó có nghĩa là sau đó chúng ta có thể thiền định về các giáo lý của bản văn này không? Không, bởi vì không dễ gì áp dụng các giáo lý này vào thiền định. Khi đến với thiền định, những bài đạo ca (Phạn: dohā) là những bài ca của các bậc đại sư Ấn độ, như Sahara chẳng hạn. Chúng ta có thể nghiên cứu Đạo ca của Vua, Đạo ca của Hoàng hậu, và Đạo ca của Thường dân của Sahara hay Đạo ca của NaropaĐạo ca của Tilopa, tất cả những ca khúc đó là những đạo ca của Ấn độ trình bày vắn tắt cái thấy làm thế nào để thiền định. Những đạo ca này không đưa ra sự miêu tả quảng bác hay những biện luận hợp lý để giải thích cái thấy. Đúng hơn, chúng là những chỉ dẫn ngắn gọn và trực tiếp đặt căn bản trên kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ của các bậc sư ấy. Cũng có những đạo ca của Marpa, Milarepa, và Gampopa từ Tây tạng đến với chúng ta. Những đạo ca này cũng miêu tả trong hình thức trực tiếp, cô đọng, và rõ ràng cái thấy và cách chúng ta nên thiền định.

 Cũng có những chỉ dạy bằng miệng mà một người thọ nhận qua dòng khẩu truyền. Một vị thầy của một người nói, “Đây là những lời chỉ dạy mà thầy đã thọ nhận từ thầy của thầy. Đây là cách thầy đã tu tập những chỉ dạy ấy và đây là cách con nên tu tập chúng. Nếu con tu tập những chỉ dạy ấy theo cách này, con sẽ được lợi ích từ sự tu tập như vậy.” Sự thực, những lời chỉ dạy bằng miệng mà một người thọ nhận từ vị thầy của mình là những giáo lý lợi ích nhất mà y có thể thọ nhận để tu tập thiền định. Chúng còn quan trọng hơn là những giáo lý của các kinh, luận, hay đạo ca.

 Những biện luận hợp lý dạy trong truyền thống kinh quan trọng đối với sự chứng ngộ tánh không. Chúng ta nghĩ, “Các pháp đều là không, vì lý do này hay lý do khác. Các pháp ngoại giới đều là không và các thức bên trong cũng là không.” Bằng cách áp dụng những biện luận hợp lý này cũng như trí tuệ đến từ chiêm nghiệm, chúng ta có được sự chắc chắn về tánh không của các pháp. Chúng ta phát triển sự chắc chắn ấy đến độ nếu có một đại học giả nào đó đến và bảo chúng ta, “Cái ấy chẳng phải vậy. Bản tánh của các pháp không phải là tánh không.” Chúng ta sẽ nghĩ, “Ông ấy sai bởi vì dù ông ấy biết nhiều đến đâu, bản tánh của các pháp là tánh không. Ông ấy nhất định sai.” Chúng ta phát triển sự chắc chắn mãnh mẽ đã được phát triển qua lý luận dạy trong truyền thống kinh. 

 Sự chắc chắn về tính vô ngã của ngã và của các pháp này rất quan trọng, nhưng vậy có đủ không? Không, bởi vì phải mất một thời gian dài để đạt mục đích chứng ngộ bằng cách theo con đường của các kinh. Người ta nói rằng phải mất hằng vô số kiếp mới đạt được kết quả dựa trên sự chắc chắn ấy bởi vì nó là một phương thức tiếp cận rất dịu dàng và chậm rãi. Qua lý luận chúng ta có được sự chắc chắn về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, và những ba-la-mật khác và rồi tích lũy công đức. Phương thức tiếp cận cẩn thận và chậm chạp này sẽ mất nhiều kiếp trước khi chúng ta đạt được mục đích thành Phật.

 Đây có phải là cách tu tập duy nhất không? Không, cũng có cách tu tập của Kim Cương thừa, có những chỉ dạy qua đó chúng ta có thể đạt được mục đích của mình trong một kiếp trong một thân. Milarepa cho một tấm gương. Một đêm Rechungpa nằm mộng thấy mình ở một nơi người ta nghe kể những câu chuyện về cuộc đời của các bậc đại sư. Đó là những câu chuyện tuyệt vời. Một vài không hành nữ đa-ki-ni nói, “Những câu chuyện này thật kỳ diệu, nhưng chỉ có câu chuyện về cuộc đời của Milarepa nghe tuyệt diệu hơn nhiều. Nó quan trọng hơn nhiều.” Họ hỏi, “Ai sẽ kể chuyện cuộc đời của Milarepa?” Rechungpa để ý thấy rằng một vài không hành nữ đa-ki-ni đang chỉ vào ông ta. Khi Rechungpa thức dậy, ông ta đến gặp Milarepa và nói, “Con đã hỏi xin thầy và được thọ nhận tất cả những chỉ dạy về thiền định này của thầy, nhưng con chưa bao giờ yêu cầu thầy kể cho con về cuộc đời của thầy. Dựa vào những gì thầy đã thành tựu được, thầy không thể là một người thường. Thầy phải là hóa thân của một bậc nào đó như đức Kim Cương Thủ (Vajrapāṇi) hay một trong những vị Phật thuộc năm gia đình.” Rồi ông ta cầu xin Milarepa, “Xin hãy kể chuyện về cuộc đời của thầy, thầy đã phát triển tinh tấn như thế nào, phát triển chứng ngộ như thế nào, và thầy đã đạt kết quả như thế nào?”

 Milarepa bảo Rechungpa, “Con nghĩ rằng ta là hóa thân của một bậc nào đó. Đây là cách nói của niềm tin nơi con và thị kiến thuần khiết của con về ta, nhưng theo ngôn ngữ của pháp thì đó là cái thấy sai bởi vì ta không phải là hóa thân của đức Phật. Ta không phải là hóa thân của Bồ-tát. Ta không là hóa thân của một cái gì cả. Ta chỉ là một thường nhân. Không những ta chỉ là một thường nhân mà còn có nghiệp rất xấu bởi vì ta đã luyện tập huyền thuật và đã đem bão đá đổ xuống dân làng và giết chết họ. Con tin rằng ta không phải là một người thường là không đúng bởi vì cái thấy này thực tế phủ nhận năng lực của pháp. Ta là một người thường với nghiệp cực xấu, nhưng nhờ năng lực của pháp ta đã gặp được thầy ta, đức Marpa, người đã ban cho ta những chỉ dẫn, và ta đã tinh tấn tu tập những chỉ dẫn ấy. Qua nỗ lực đó ta đã có thể tẩy sạch nghiệp xấu của ta và đạt được kết quả.” Như thế, quí vị không nên nghĩ rằng pháp không có năng lực đó. Trái lại, ngay cả với người có nghiệp rất xấu cũng có thể tẩy sạch nó và thành Phật trong đời này nếu y tinh tấn tu tập.

 Điều đặc biệt của truyền thống Kim Cương thừa là nó khiến cho một người có thể thành Phật chỉ trong một đời và con đường này là con đường trực tiếp với cái thấy trực tiếp bản tánh của các pháp. Nó là truyền thống không thiết lập qua suy đoán và lý luận. Qua lý luận, chúng ta có thể kết luận rằng các hiện tướng trong bản tánh là không. Trên con đường Kim Cương thừa, chúng ta đặt lý luận sang một bên, như vậy không lợi ích cũng không nguy hại. Chúng ta để nó sang một bên bởi vì thực sự nó không thành vấn đề dù các hiện tướng chỉ là tâm hay không. Chúng ta cứ để hiện tướng là hiện tướng trong thiền định của chúng ta. Trong bài đạo ca cho Naropa, Tilopa nói trong câu nói nổi tiếng của sư, “Con ơi, các hiện tướng không thể làm hại được con. Chính sự chấp trước hiện tướng là cái con phải tiêu trừ.” Như thế, chúng ta không lo về các hiện tướng bởi vì chúng không gây nguy hại gì cho chúng ta. Tất cả sự nguy hại phát sinh trong tâm chúng ta; tất cả sự nguy hại đến từ sự chấp trước trong tâm chúng ta. Tất cả hạnh phúc và đau buồn xảy ra trong tâm của chúng ta. Chính tâm của chúng ta là cái chúng ta cần phải lo, không phải các hiện tướng. Tất cả những vấn đề và những khó khăn của chúng ta đều phát sinh trong tâm, vì thế chúng ta cần đối xử với nó. Tâm là căn nguyên hay cái nguồn của đạo.

 Truyền thống kinh chia tâm thành các thức khác nhau có những tài sản đặc thù. Như vậy, có nhãn thức, nhĩ thức, ý thức, và v.v… Mặc dù những thức này được dạy như là những thức riêng biệt, sự thực, tất cả chúng là tâm. Nhãn thức chỉ là tâm, nhĩ thức chỉ là tâm, thức nền tảng thứ tám (thức a-lại-da) chỉ là tâm, và v.v… Nên xem nó theo cách đó, “Tâm chỉ đơn giản là tâm.” Trong con đường của các kinh chúng ta tập trung vào tâm và chúng ta làm điều đó qua lý luận. Chúng ta có thể áp dụng mọi thứ lý luận để quyết định bản tánh của tâm. Nhưng dù chúng ta có áp dụng lý luận hay không, tâm là tâm; tâm chỉ tiếp tục cùng cách ấy.

 Trong Kim Cương thừa có con đường trực tiếp để khảo sát tâm. Trong đời sống hằng ngày chúng ta quen nghĩ, “Tôi có tâm và tôi nhận thức những vật này.” Thông thường, chúng ta không nhìn tâm một cách trực tiếp và do đó chúng ta không thấy tâm. Điều này rất kỳ lạ bởi vì chúng ta thấy sự vật và chúng ta biết rằng chúng ta đang thấy những hiện tượng có thể thấy được. Nhưng ai đang thấy? Chúng ta có thể nhìn thẳng vào tâm và thấy rằng không có ai đang thấy; không có người thấy; song chúng ta đang thấy các hiện tượng. Cũng đúng như vậy đối với ý thức. Chúng ta nghĩ những ý nghĩ khác nhau, nhưng sự suy nghĩ đó xảy ra ở đâu? Ai hay cái gì đang suy nghĩ? Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn trực tiếp vào tâm, chúng ta khám phá ra rằng không có ai ở đó; không có người suy nghĩ song suy nghĩ vẫn tiếp tục. Phương thức tiếp cận bằng cách nhìn trực tiếp này trong trạng thái thiền định thì không phải là một phương thức lý luận, mà nhìn trực tiếp vào tâm để thấy cái gì đang xảy ra.

 Thí dụ, Changkya Rolpai Dojre đã phát biểu kinh nghiệm của sư trong một đạo ca. Sư viết về một đứa bé đang ngồi trong lòng mẹ nó, nhìn chung quanh và nghĩ, “Tôi mất mẹ tôi rồi.” Lúc ấy người anh của đứa bé bảo, “Quay quanh xem. Em đang ngồi trong lòng mẹ mà.” Đứa bé quay quanh và thấy mẹ nó. Trong thí dụ này, Changkya Rolpai Dorje muốn chỉ ra rằng, giống như đứa bé ấy, ở trong chân tánh của các pháp, nhưng lại tìm nó ở chỗ khác là một nhận thức không đúng hay bị nhầm lẫn. Đứa bé nghĩ, “Ta không thể hiểu dharmadhātu (chân tánh của các pháp). Nó ở đâu vậy?” Người anh, tượng trưng cho sự tương tùy của các pháp tương đối, nói, “Nhìn đi, nó ngay đó." Vì vậy đứa bé quay quanh và thấy, “Ồ, phải.” Đứa bé đã tìm chân tánh của các pháp bên ngoài nhưng lúc nào nó cũng ở đó. Đối với tánh không của tâm cũng như vậy. Một người nhìn vào nó và khám phá, “Không có tâm. Nó chỉ là tánh không. Đó là nó, tánh không của tâm. Tôi đã tìm nó mãi tận nơi xa xôi, trải qua quá trình lý luận hợp lý để hiểu nó. Lúc nào nó cũng ở ngay đây. Bằng cách nhìn vào bên trong, tôi thấy rằng không có tâm. Chỉ có tánh không.”

 Một vài người có thể thắc mắc, “Tâm là cái gì?” Cái gì đang nhìn vào tâm? Ai đang nhìn?” Họ suy nghĩ về điều này, nhưng nếu chúng ta chỉ đơn giản nhìn, chúng ta có thể kinh nghiệm trực tiếp điều này. Chúng ta có thể tìm tâm ở đầu, ở tay, ở chân, và khắp cả thân. Nếu chúng ta nhìn, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều ý nghĩ phát sinh, vì tức giận và v.v… Chúng từ đâu đến? Chúng không từ đâu đến cả. Chúng ta sẽ thấy rằng đây là tánh không. Chúng ta không thể tìm thấy cái gì phát sinh ra các ý nghĩ khi tìm tâm. Chúng ta có thể kết luận, “Đây là tánh không mà đức Phật đã nói đến.” Chúng ta có thể thấy nó một cách trực tiếp cho chính mình. Đó là lý do tại sao nó là con đường trực tiếp. Chúng ta nhìn vào trong và thấy rằng các ý nghĩ phát sinh không từ đâu cả.

 Điều này không có nghĩa là người ta không có tâm như hòn đá, không có tánh giác và tánh biết, bởi vì lúc nào chúng ta cũng có tri thức; chúng ta nhận thức và biết. Đồng thời, không có tâm nào để tìm. Chúng ta có hình thái của tánh không và hình thái của tính trong sáng quang minh.

 Chúng ta không dùng luận lý học hay lý luận để thấy tâm một cách trực tiếp. Chính tâm ấy là dharmadhātu (pháp giới). Dù chúng ta có khảo sát nó hay không, nó vẫn là nó. Chúng ta có thể nhìn và thấy pháp giới. Chúng ta có thể thấy tánh không. Chúng ta có thể thấy tính trong sáng quang minh bởi vì đó chính là tâm. Chỉ vì chúng ta không nhìn. Jamgon Kongtrul nói rằng lý do không nhận ra bản tánh của tâm là vì nó quá dễ thấy. Không phải là bản tánh của tâm ở tận nơi xa xôi; thay vì, nó rất gần. Sự thực, nó quá gần, quá dễ. Chứng ngộ bản tánh của tâm không phải là một sự thử thách hay khó khăn gì để hoàn thành. Tất cả những gì một người phải làm là nhìn vào bản tánh của tâm, nhưng vì nó quá gần và quá dễ, chúng ta nghĩ, “Đó không thể nào là nó.”

 Một vài người nói rằng những gì các lạt-ma này nói là ngốc nghếch bởi vì, “Làm sao tâm có thể nhìn tâm được? Điều đó không thể được.” Nhưng một cách đơn giản, nếu chúng ta nhìn vào tâm, thì chúng ta sẽ có được kinh nghiệm về tâm và chúng ta sẽ thấy rằng có tính trong sáng và tánh không. Chúng ta sẽ có kinh nghiệm trực tiếp về pháp giới nếu chúng ta thực sự tu tập thiền định và nhìn trực tiếp vào tâm của mình. Đây là điều rất quan trọng để làm.

 Người ta có thể hỏi, “Tại sao phải phiền như vây? Tâm không thể nhìn tâm như vậy thì nhìn hay không chẳng có gì khác nhau. Chẳng có gì để thấy khi tâm nhìn tâm.” Nhưng sự thực, có thể làm được như vậy là điều rất quan trọng. Bằng cách nhìn vào bản tánh của tâm, chúng ta có thể thấy bản tánh của tính trong sáng và bản tánh của tánh không; chúng ta có thể thấy được bản tánh của tâm là gì và như thế nào. Chúng ta không nên nghĩ rằng không có gì để đạt bằng cách cố gắng nhìn vào tâm và do đó lờ bỏ nó. Chúng ta không nên như thế bởi vì khám phá chân lý thì rất lợi ích. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Chín 2022(Xem: 33339)
Tinh yếu của đạo lý Tánh Không của Bồ Tát Long Thọ xưa nay vốn là thểtài sâu rộng mà biết bao luận sư, giảng sư, học giả, trí thức đã dày côngnghiên cứu và lưu bố. Nhưng, không phải vì thế mà không còn gì để truy tầmhay ham học. Ngược laị, càng có nhiều người diễn giải càng có thêm nhiềuchiếu kiến mới lạ rất giá trị để suy nghiệm. Nay Thượng Tọa Thích Viên Lý, một tác giả và dịch giả của hàng chục pho sách rất giá trị, phát tâm dịch sang tiếng Việt để giúp cho người học Phật, nhất là những ai quan tâm đến giáo nghĩa Không Tánh của Bồ Tát Long Thọ. Mặc dù, đây là một tác phẩm chứa đầy những phương pháp lý luận tinh vi, những thuật ngữ triết luận lý học, và Tánh Không học chuyên biệt, dịch giả bằng phong cách đặc dị và bút pháp trong sáng đã giúp cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng và dễ nắm bắt hơn.
19 Tháng Sáu 2017(Xem: 8014)
19 Tháng Tư 2017(Xem: 7322)