Bồ-tát Thế Thân tạo luận.
Đời Đại Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch.
Việt dịch Quảng Minh
DẪN NHẬP
Duy thức nhị thập luận (唯識二十論, विम्शतिकाविज्ञप्तिमात्रतासिद्धि, Ñi-śu-paḥi ḥgrel-pa, Viṃśatikā-vijñapti-mātratā-siddhi, Twenty Verses on Consciousness Only) có 1 quyển, do bồ tát Thế Thân (世親, Vasubandhu, Dbyig-gñen, 315-395) soạn, ngài Huyền trang (玄奘) dịch vào đời Đường; cũng gọi là Nhị thập duy thức luận (二十唯識論), Tồi phá tà sơn luận (摧破邪山論), được thu vào Đại chính tạng, tập 31, No.1590. Luận này dẫn dụng câu “Tam giới duy tâm” (ba cõi chỉ do tâm) trong kinh Thập địa để luận chứng ngoại cảnh do thức hiển hiện, nói rõ nghĩa “Duy thức vô cảnh” (chỉ do thức không có cảnh) để bác bỏ sự thiên chấp của Tiểu thừa và ngoại đạo. Duy thức nhị thập luận chủ yếu khai thị về pháp vô ngã, không phải về nhân vô ngã. Đây là một trong 11 bộ luận của tông Pháp tướng, một trong 10 chi luận của Du già. Luận này được trích dẫn trong Thành duy thức luận như là một luận điểm trọng yếu.
Nội dung sách này gồm có 21 bài tụng thể năm chữ, dựa vào đó mà giải thích ý nghĩa rõ ràng. Trước hết, nói về yếu chỉ “Tam giới duy thức”, kế đó, giải thích bốn vấn nạn do Tiểu thừa và ngoại đạo đặt ra để thành lập lý “Vạn pháp duy thức”. Bài tụng cuối cùng nói về tông nghĩa. Dựa theo con số kệ tụng mà lấy tên là Nhị thập luận.
Ngoài bản dịch của ngài Huyền trang, luận này còn có hai bản dịch khác nữa, đó là:
1. Đại thừa lăng già kinh duy thức luận (大乘楞伽經唯識論, No. 1588), 1 quyển (cũng gọi Phá sắc tâm luận 稱破色心論), do ngài Bồ đề lưu chi (菩提流支), dịch vào thời Bắc Ngụy.
2. Đại thừa duy thức luận (大乘唯識論, No. 1589), 1 quyển, ngài Chân đế (眞諦) dịch vào đời Trần thuộc Nam triều.
Trong ba bản dịch này, bản của ngài Bồ đề lưu chi văn xuôi nhiều, kệ tụng ít, tất cả có 23 bài tụng; bản của ngài Chân đế văn xuôi ít, kệ tụng nhiều, có 24 bài tụng; bản của ngài Huyền trang văn xuôi, văn kệ bằng nhau, có 21 bài tụng.
Tông chỉ của Duy thức nhị thập luận là phá bỏ quan niệm ngoại cảnh thật hữu, để thành lập giáo nghĩa Duy thức. Duy thức chủ trương tất cả các pháp không có thật thể, sở dĩ có pháp tướng hiển hiện và có tác dụng là do tâm thức của chúng sinh hữu tình chế tác ra. Rời ngoài tâm thức biến hiện thì không có thực tại nào cả. Nói cách khác, cái mà ta biết về một đối tượng dù thuộc về dạng nào đều không phải tự thân đối tượng, mà chỉ là những hiểu biết ta có về đối tượng đó. Chấp ngoại cảnh thật hữu là tư tưởng của thực tại luận. Tư tưởng ấy bao hàm trong sáu phái triết học Ấn Độ, đặc biệt là phái Thắng luận, và những bộ phái Tiểu thừa như Thuyết nhất thiết hữu bộ, Kinh lượng bộ, Độc tử bộ, Chánh lượng bộ, Đại chúng bộ v.v… Nội dung của Duy thức nhị thập luận có thể tóm tắt trong bảy vấn nạn:
- Bốn sự bất thành: Phái Thắng luận, Đại chúng bộ, Độc tử bộ, Chánh lượng bộ, Tát bà đa bộ (Thuyết nhất thiết hữu bộ), Kinh lượng bộ, Thuận chánh lý đưa ra bốn sự để biện bác lý Duy thức không thể thành lập, đó là: Nếu cho rằng tất cả các pháp toàn là duy thức, không có ngoại cảnh, thì làm sao ngoại cảnh hiện thấy lại có xứ định, thời định, tương tục bất định và tác dụng bất định? Luận chủ nêu các thí dụ mộng, quỷ, địa ngục, bàng sinh cõi trời để chứng minh bốn nghĩa đều thành. (Tụng 1 – 14)
- Thánh giáo tương vi: Ngoại nhân hỏi, nếu nói tất cả đều là duy thức, không có thật cảnh ngoài tâm, thì lý do gì Phật nói 12 xứ? Luận chủ vạch rõ rằng Phật nói 10 xứ là có mật ý. Ngoại nhân hỏi, Phật nói 12 xứ đối với người nghe có lợi ích gì? Luận chủ nói, sở dĩ Phật nói 12 xứ là để pháp ngã chấp của chúng sinh, khiến cho người học ngộ nhập nhân vô ngã, tức đạo lý số thủ thú vô ngã. (Tụng 15 – 16ab)
- Hiện lượng trái với tông chỉ: Tát bà đa bộ, Kinh lượng bộ, Đại chúng bộ chủ trương rằng ngoại cảnh sắc, v.v… rõ ràng là sở chứng hiện lượng của năm thức, vì sao bác bỏ ngoại cảnh không có? Luận chủ đưa thí dụ chiêm bao để ví cho cảnh giới hiện tiền, giải thích cảnh hiện giác chứng thì không phải là thật, nói rõ sự nhớ nghĩ là cảnh chẳng thật, chưa tỉnh thì không biết mình đang chiêm bao. (Tụng 16cd)
- Hai thức quyết định: Ngoại nhân hỏi, ngoại cảnh nếu là trống rỗng không thật, thì vì sao Thánh giáo chỉ dạy người rời xa bạn xấu, ác pháp, và thân cận bạn lành, thiện pháp? Luận chủ chỉ ra cái lực tăng thượng xoay vần là do hai loại chủng tử thiện ác khi thành thục thì sinh ra tâm thức quyết định. (Tụng 17ab)
- Mộng tác bất thọ: Ngoại nhân hỏi, cảnh hiện tiền nếu giống như cảnh mộng, thì vì sao tỉnh thức tạo nghiệp thiện ác, có quả báo khổ vui, và nếu trong mộng mà tạo nghiệp thiện ác, vì sao không có quả báo? Luận chủ đáp, tâm năng tạo trong mộng đã bị thụy miên làm tổn hoại, không thể tự chủ, cho nên khi mộng và khi tỉnh mà tạo nghiệp thì có quả báo không giống nhau. (Tụng 17cd)
- Sát sinh không tội: Ngoại nhân hỏi, nếu duy hữu thức mà không có thân, ngữ nghiệp thì những con vật như dê, v.v… làm sao bị giết? Nếu súc sinh chết không do người giết, thì những người giết mỗ hoàn toàn không có tội sát sinh. Luận chủ cho rằng tội sát sinh hoàn toàn do tâm thức hai bên kết hợp mà thành, không thật có thân mệnh bị giết, xem chừng như do ngoại cảnh hình thành, nhưng kỳ thật bao hàm trong duy thức. (Tụng 18-19)
- Tha tâm trí: Ngoại nhân hỏi, nếu chỉ có thức, các tha tâm trí có thể biết tha tâm không? Nếu không thể biết thì sao gọi là tha tâm trí? Nếu có thể biết tha tâm thì nghĩa “Duy thức vô cảnh” không thể thành lập. Luận chủ cho rằng, cái biết về tha tâm bởi tha tâm trí chỉ là hư vọng không thật. (Tụng 20)
Hai mươi bài kệ tụng cũng được chia thành 12 khoa:
- Tụng 1: Vấn nạn sinh khởi.
- Tụng 2 và 3: Nói thí dụ xuất mộng để chứng minh “bốn nghĩa được thành”, tức thành lập nghĩa Duy thức.
- Tụng 4, 5 và 6: Phủ định tính thật hữu của ngục tốt để thành lập nghĩa Duy thức.
- Tụng 7 và 8: Giải thích sự dẫn dụ Thánh giáo bất thành để thành lập nghĩa Duy thức.
- Tụng 9: Lược bày nghĩa hai vô ngã.
- Tụng 10, 11, 12, 13 và 14: Khái niệm một và nhiều để phá ngoại cảnh thật hữu, để thành lập nghĩa Duy thức.
- Tụng 15 và nửa đầu tụng 16: Phá vọng chấp hiện lượng để thành lập nghĩa Duy thức.
- Nửa sau tụng 16: Chỉ ra sự ở trong mộng không biết, để thành lập nghĩa Duy thức.
- Nửa đầu tụng 17: Nói rõ hai thức chuyển quyết định, để thành lập nghĩa Duy thức.
- Nửa sau tụng 17: Hiển thị khi ngủ thì tâm hoại, để thành lập nghĩa duy thức.
- Tụng 18 và 19: Dẫn ý phạt là nặng để thành lập nghĩa Duy thức.
- Tụng 20: Giải thích tha tâm trí không như thật để thành lập nghĩa Duy thức.
Luận này có rất nhiều sách chú thích.
Ở Ấn độ, bắt đầu là luận sư Cù-ba (瞿波) - đệ tử của bồ tát Thế thân - có hơn 10 nhà chú thích, trong đó, Thành duy thức bảo sinh luận (成唯識寶生論), 5 quyển, của ngài Hộ pháp (護法) là quan trọng hơn cả. (No. 1591, Đời Đường – pháp sư Nghĩa Tịnh 義淨 dịch ra chữ Hán)
Tại Trung quốc thì có: Nhị thập duy thức luận thuật ký (唯識二十識論述記, No. 1834), 2 quyển, do ngài Khuy cơ (窺基) soạn vào đời Đường; Duy thức nhị thập luận sớ (唯識二十論疏), 2 quyển, do ngài Viên Trắc (圓測) người Tân La soạn. Nhị thập duy thức luận thuật ký là sách chú thích Duy thức nhị thập luận của ngài Thế thân (bản dịch của ngài Huyền trang). Nội dung sách này, trước hết nói về lý do soạn luận, kế đến chia làm ba môn để giải thích rõ nghĩa “an lập Đại thừa tam giới duy thức” và giải thích “phi nhất thiết chủng”, bác bỏ quan niệm “hữu tính”, v.v… Duy thức nhị thập luận và Thành duy thức luận là những bộ sách căn bản của Pháp tướng tông, bởi thế, Duy thức nhị thập luận thuật ký và Thành duy thức luận thuật ký trở thành sách nhập môn cơ bản của Duy thức học.
Ở Việt Nam có cuốn Triết Học Thế Thân của Giáo sư Lê Mạnh Thát, được Đạo Sinh chuyển dịch từ nguyên tác Anh ngữ: The Philosophy of Vasubandhu (Luận án tiến sĩ, University of Wisconsin - Madison, 1974). Sự tri nhận và đối tượng tri nhận, sự tự tri và cơ cấu tự tri trong Duy thức nhị thập luận được Lê Mạnh Thát khảo sát rất khúc chiết và sâu sắc ở chương 5 và chương 6.
Về Phạn bản của Duy thức nhị thập luận, có 2 bản:
- S. Lévi, Vijñāpti-mātratā-siddhi, Deux traités de Vasubandhu, Viṃśatikā (La Vingtaine) accompagnée d’une Explication en Prose et Triṃśika (La Trentaine) avec la commentaire de Sthiramati. (Paris 1925).
- K.S Chatterjee, Vasubandhu’s Vijñaptimātratā-siddhi with Sthiramati’s Commentary, Text with English Translation Varanasi: Kishor Vidya Niketan, 1980.
Tạng bản thì có Duy thức nhị thập luận thích sớ (唯識二十論釋疏), do học giả Ấn Độ Vinītadeva (調伏天 Điều Phục Thiên/律天 Luật Thiên, Dul ba’i lha) chú giải. Phạn bản của thích sớ này đã thất lạc, chỉ còn Tạng bản với tựa đề Rab-tu-byes-pa ñi-śu-paḥi ḥgrel-bśad (No. 4065, Prakaraṇaviṁśakaṭīkā). Tạng bản của Duy thức nhị thập tụng (Ñi-su-paḥi tshig-leḥur-byas-pa) và Duy thức nhị thập luận (Ñi-śu-paḥi ḥgrel-pa) của Thế Thân mang số hiệu No. 4056 và No. 4057.
Duy thức nhị thập luận là văn bản triết học dễ đọc, phân giải rõ ràng nhất của Thế Thân, và nó có sự thu hút và mức độ quan tâm đặc biệt bởi các học giả hiện đại, qua các văn bản bằng Phạn ngữ, Tạng ngữ, Hoa ngữ và Anh ngữ. Vì vậy, có rất nhiều bài nghiên cứu, sách khảo sát của các học giả phương Tây về Thế Thân qua hai tác phẩm nổi tiếng là Duy thức nhị thập tụng và Duy thức tam thập tụng.
Duy thức nhị thập luận là một môn học của Phân khoa Tôn giáo học của các trường Đại học lớn trên thế giới như The University of Chicago Divinity School, The University of Melbourne, University of Calgary (Canada), Stanford University, Oxford University, National Taiwan University, v.v… Học viện Phật giáo Việt Nam cho tới nay vẫn chưa đưa Duy thức nhị thập luận vào chương trình giảng dạy như là một môn học nghiên cứu triết học và văn bản của Thế Thân.
Bồ-tát Thế Thân tạo luận.
Đời Đại Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch.
Việt dịch Quảng Minh
Xem nội dung:
duy-thuc-nhi-thap-luan
- Từ khóa :
- Duy thức nhị thập luận