Chương 2 Khảo Sát Sự Có Mặt Của Con Người

28 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 7282)

KHẢO NGHIỆM DUY THỨC HỌC
TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Thích Thắng Hoan

Chương 2

KHẢO SÁT SỰ CÓ MẶT CỦA CON NGƯỜI

 

A.- NHỮNG YẾU TỐ CẤU TẠO CON NGƯỜI VÀ VẠN PHÁP:

Theo Duy Thức Học, vạn pháp và loài người trong vũ trụ tất cả đều do bảy yếu tố cấu tạo bằng lối kết hợp lẫn nhau để thnàh hình. Thiếu một trong bảy yếu tố này, vạn pháp và loài người không thể sanh trưởng và tồn tại. Bảy yếu tố này gọi là bảy nguyên nhân rất cần thiết để xây dựng vạn pháp và loài người. Theo Phật Giáo, con số "7" là một "BIỂU PHÁP" nghĩa là nguyên lý của vạn pháp tiêu biểu bởi bảy yếu tố và nó vô cùng quan hệ, vô cùng cần thiết trong việc xây dựng vạn pháp và loài người. Cho nên số "7" được gọi là Biểu Pháp. Bảy yếu tố nói trên một khi hợp tác với nhau để sáng tạo vạn pháp và loài người thì tác dụng theo công thức mười hai nhân duyên, thường gọi là Nhân Duyên Sanh. Đức Phật Thích Ca khi mới sanh ra đi bảy bước trên bảy hoa sen cũng là hình thức biểu tượng cho nguyên lý số "7" nói trên. Bảy yếu tố là: Đất, Nước, Gió, Lửa, Nghiệp, Ngã Pháp (tức là Ngã Tướng và Pháp Tướng) và Thức.

1/- ĐẤT: là năng lực chướng ngại, có tánh chất ngăn ngại khiến cho vạn vật bị ngăn cách và không được lưu thông với nhau, như xương thịt con người, xương thịt cây cỏ v.v...

2/- NƯỚC: là năng lực lưu nhuận, có tánh chất tươi nhuận và dung hóa các chất ngại để thành nhiều nguyên chất khác nhau, như máu huyết con người lưu thông, thấm nhuần và dung hóa thành tươi nhuận.

3/- GIÓ: là năng lực phiêu động, có tánh chất chuyển động và biến đổi, khiến cho các hiện tượng luôn luôn sanh diệt biến hóa không ngừng, như gió, như hơi thở của con người.

4/- LỬA: là năng lực viêm nhiệt, tức là sức nóng hàm chứa trong vạn vật, như nhiệt lượng trong con người.

5/- NGHIỆP: là một năng lực được kết thành hạt giống bởi hành động, bởi nói năng và bởi ý tưởng của chúng sanh. Năng lực nghiệp hội tụ lại thành tiềm năng trong Tâm Thức Alaya. Năng lực này là một trong những nguyên nhân thúc đẩy vạn pháp sanh khởi và lớn lên theo chiều hướng quả báo thiện ác.

6/- NGÃ PHÁP (Forms): gọi đủ là Ngã Tướng và Pháp Tướng. Ngã Tướng là chỉ cho hình tướng của những chúng sanh thuộc loại động vật, trong đó gồm có con người. Pháp Tướng là chỉ cho hình tướng của những chúng sanh thuộc loại Thực Vật và Khoáng Vật. Ngã Tướng và Pháp Tướng được gọi chung là Ngã Pháp. Ngã Pháp là hình tướng sai khác của các chúng sanh được Ý Thức thứ sáu kết hợp và cô đọng lại thành hạt giống (Chủng Tử) nằm trong Thức Thể Alaya. Những hạt giống này chính là những mô hình (Forms) để làm nhân tố cho sự sanh khởi vạn pháp không giống nhau. Thí dụ như, hai người sanh đôi, một trai, một gái không giống nhau, nguyên vì chúng có hai Ngã Tướng nam và nữ khác nhau, Do hai Ngã Tướng nam và nữ khác nhau cho nên chúng được xây dựng thành hai hình tướng trai và gái không giống nhau.

7/- THỨC TẠNG (Thức Alaya): là một Tâm Thức có khả năng duy nhất về việc xây dựng hệ thống sanh mạng cho tất cả chúng sanh, cũng như xây dựng hệ thống sinh lý cho con người qua sự thúc đẩy bởi Nghiệp Lực.

Trong bảy yếu tố trên, Thức Tạng (Thức Alaya) mới chính là yếu tố quan trọng nhất, đóng vai ông chủ (chủ thể) đứng ra trực tiếp trong các công việc tàng trử tất cả hạt giống vạn pháp, xây dựng cũng như bảo trì sinh mệnh của vạn pháp và loài người. Thức Tạng (Thức Alaya) nếu như không chịu góp mặt trong các công việc trên thì hệ thống sinh mệnh của vạn pháp và loài người nhất định không còn ai đủ khả năng thay thế để xây dựng nên. Sáu yếu tố: Đất, Nước, Gió, Lửa, Nghiệp Lực và Ngã Pháp, chúng nó không thể tự động sanh khởi vạn pháp và loài người, nếu như không có Thức Tạng góp mặt vào, mặc dù sự xây dựng cũng như phát triển vạn pháp và loài người của Thức Tạng cũng phải nhờ đến Nghiệp Lực thúc đẩy để làm động cơ trợ duyên, vì thế các nhà Duy thức mới xác định và quả quyết rằng: Vạn pháp và loài người đều do Thức Biến, nên gọi là DUY THỨC.

Muốn biết Thức Tạng (Thức Alaya) làm chủ xây dựng vạn pháp và loài người như thế nào, chúng ta trước hết hãy tìm hiểu con người gồm có những yếu tố gì và sự quan hệ lẫn nhau như thế nào giữa các yếu tố trên. Có như vậy chúng ta mới nhận thức được vạn pháp trong vũ trụ một cách cụ thể hơn.

B.- NHẬN ĐỊNH SỰ CÓ MẶT CON NGƯỜI VÀ VŨ TRỤ:

Mỗi con người là điểm trung tâm của vũ trụ loài người. Sự có mặt của vũ trụ là tùy thuộc sự có mặt của con người, cũng tương tợ như một bóng đèn điện là điểm trung tam của vũ trụ ánh sáng điện và vũ trụ của ánh sáng điện chính là phát sanh từ nơi bóng đèn điện. Sự có mặt của ánh sáng điện lại cũng tùy thuộc và sự có mặt của bóng đèn điện. Bởi thế vũ trụ nhất định không thể có mặt trước khi con người chưa xuất hiện và ngược lại, con người cũng không thể có mặt trước khi vũ trụ chưa thành hình, nghĩa là đứng về phía nguồn gốc của bản thể mà nhận xét, vũ trụ và loài người cả hai có mặt cùng một lúc, khác nào con người đang mộng (Dream) và thế giới trong mộng cả hai hiện khởi cùng một lúc. Để có một số khái niệm rõ ràng hơn về vấn đề nêu trên, chúng ta thử đặt một giả thuyết:

Giả sử quả địa cầu mà chúng ta đang nương tựa được thí dụ như thân thể con người đối với những loài vi trùng hiện đang sống trong đó. Chúng ta bám vào quả Địa Cầu này để sanh trưởng cũng không khác nào những loài vi trùng bám váo trong thân thể của con người để phát triển. Như vậy, thử đặt vấn đề, con người có mặt trước khi những loài vi trùng xuất hiện hay là những loài vi trùng có mặt trước khi con người sanh ra?

Chúng ta đặt câu hỏi là đã gián tiếp trả lời rằng, vũ trụ và loài người cả hai xuất hiện cùng một lúc, nguyên vì chúng ta đều hiện khởi từ Tiềm Năng (Memories) trong Tâm Thức Alaya, Theo Đại Thừa Khởi Tín của ngài Mã Minh, địa cầu và con người đều là Hiện Tướng (đều là Activities) của Nghiệp Tướng (của Memories) được chuyển biến từ trong Thức Tạng (Thức Alaya). Khi chuyển biến, địa cầu và con người được chuyển cùng một lúc theo tinh thần Chánh Báo và Y Báo của chúng. Chánh Báo nghĩa là các hiện tượng sanh ra theo nghiệp báo chánh thức của quá khứ quyết định. Nghiệp báo chánh thức của quá khứ thì thuộc về nghiệp nhân và quả báo ở hiện tại thì thuộc về nghiệp quả. Chánh Báo ở đây là chỉ cho các loài động vật, trong đó gồm có loài người nhằm để thọ nhận những quả báo khổ vui trong thế gian, còn Y Báo nghĩa là quả báo có tánh cách phụ thuộc đã được kết thành với hình thức để làm chỗ nương tựa cho chúng sanh thuộc Chánh báo hưởng thụ. Y Báo có tánh cách phụ thuộc ở đây nghĩa là những sự vật được xây dựng nhằm mục đích để làm chỗ nương tựa cho những chúng sanh thuộc loại Chánh Báo sanh trưởng và hưởng thụ. Cũng như quả địa cầu và không khí đều là Y Báo để làm chỗ nương tựa cho vạn vật sanh sống.

Trường hợp này cũng giống như những hình ảnh trên màn ảnh (Screen Font) được xuất hiện (hiện tướng) cùng một lúc từ nơi Tiềm Năng (Memories) trong Hardisk của Computer. Con người (chánh báo) đầu tiên xuất hiện trên quả địa cầu (y báo) bằng cách hóa sanh, nghĩa là con người sanh ra đầu tiên bằng cách chuyển hóa từ hình tướng này sang hình tướng khác (transform). Cho đến các loài động vật khác đầu tiên cũng chuyển hóa theo hình thức hóa sanh. Rồi từ đó loại nào sanh trưởng và phát triển theo loại đó, nghĩa là loài người thì phát triển theo phương pháp sanh ra bằng thai v.v... gọi là thai sanh. Loài động vật khác, có loại phát triển theo phương pháp sanh ra bằng trứng, gọi là noãn sanh và có loại phát triển theo phương pháp sanh ra nơi chỗ ẩm thấp, gọi là thấp sanh. Con người cứ tiếp tục sanh ra rồi lại chết đi và chết đi để rồi sanh ra nữa và liên tục mãi như thế trong thời gian quả địa cầu đang ở thời kỳ tăng trưởng để lớn lên. Cũng như khi con người được đậu thai vào bụng mẹ, máu huyết của mẹ đã chứa sẵn một số vi trùng chờ đợi, đồng thời những vi trùng đó cũng cứ tiếp tục sống rồi chết và chết rồi sống trong thân thể con người đang ở thời kỳ nẩy nở và lớn lên.

Theo quan niệm của Phật Giáo, quả địa cầu cũng có sự sống, cũng ăn uống hít thở như con người. Lông tóc mọc lên từ nơi thân thể con người cũng giống như cây cỏ mọc lên từ nơi thân thể quả địa cấu. Quả địa cầu được chuyển hóa từ nơi nguồn khí quyển (Whirl-Atmosphere) trong không gian cô đọng lại thành khối và tượng hình theo Pháp Tướng (form) của trái đất. Địa cầu từ khi tượng hình cho đến khi hoại diệt, nghĩa là cho đến khi tan rã thành tro bụi phải trải qua hằng tỷ năm. Điều này cũng giống như trái cam từ khi kết nụ cho đến khi già chín để rồi hư hoại cũng phải trải qua một thời gian theo giá trị sự sống của nó.

Sự sanh diệt của quả địa cầu, theo Câu Xá Luận quyển 12, Du Già Sư Địa Luận quyển 2 và Lập Thế A Tỳ Đàm Luận quyển 9 giải thích, địa cầu từ khi tượng hình cho đến khi hoại diệt trải qua bốn thời kỳ: Thành, Trụ, Hoại và Không mới tượng hình thành quả địa cầu khác. Bốn thời kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không gọi là bốn Kiếp.

1/- KIẾP THÀNH: (Vivarta-Kalpa) nghĩa là thời kỳ thành lập sơn hà đại địa (Khí Thế Gian. Sơn hà đại địa thức là chỉ cho địa cầu này. Trải qua 20 Tiểu Kiếp xây dựng, địa cầu này mới hoàn thành nên gọi là Kiếp Thành.

2/- KIẾP TRỤ: (Vivarta-Sthàyin-Kalpa) nghĩa là thời kỳ địa cầu đã hoàn thành, chúng sanh hữu tình có thể sanh khởi và an trụ. Thời kỳ Trụ của địa cầu trải qua 20 Tiểu Kiếp.

3/- KIẾP HOẠI: (Samvarta-Kalpa) nghĩa là Kiếp Trụ đã mãn, địa cầu và vạn vật thảy đều hoại diệt. Sự hoại diệt của địa cầu và vạn vật phải trải qua 20 Tiểu Kiếp mới hoàn toàn dứt sạch.

4/- KIẾP KHÔNG: (Samvarta-Sthàyin-Kalpa) nghĩa là trời đất và vạn vật đều vô hình, chỉ còn một khoảng trống rỗng mênh mông. Khoảng trống rỗng mênh mông trải qua 20 Tiểu Kiếp mới thành lập lại Kiếp Thành.

Nhị Khóa Hiệp Giải của ngài Quán Nguyệt biên soạn và Hòa Thượng Khánh Anh dịch, trang 319 và 320 giải thích: "Mỗi một đại kiếp nào, cũng đều đủ có bốn trung kiếp là: thành, trụ, hoại và không; mỗi một trung kiếp cũng đều đủ có hai mươi tiểu kiếp; mỗi một tiểu kiếp nào cũng có đủ hai thời kỳ tăng và giảm".

Như thế một Tiểu Kiếp thì gồm có kiếp tăng và kiếp giảm cọng lại. Kiếp Tăng là căn cứ tuổi thọ thấp nhất của loài người, bắt đầu từ mười tuổi (10 tuổi), cách một trăm năm (100 năm) tăng lên mười một tuổi, cách một trăm năm tăng lên mười hai tuổi, các một trăm năm tăng lên mười ba tuổi và cứ như thế tăng lên đến tột đỉnh của tám mươi bốn ngàn tuổi (84,000 tuổi) gọi là Kiếp Tăng.

Kiếp Giảm là căn cứ tuổi thọ cao nhất của loài người, bắt đầu từ tám mươi bốn ngàn tuổi (84,000 tuổi), cách một trăm năm (100 năm) giảm xuống một tuổi, chỉ còn tám mươi ba ngàn chín trăm chín mươi chín tuổi (83,999 tuổi), cách một trăm năm giảm xuống một tuổi, chỉ còn tám mươi ba ngàn chín trăm chín mươi tám tuổi (83,998 tuổi), cách một trăm năm giảm xuống một tuổi, chỉ còn tám mươi ba ngàn chín trăm chín mươi bảy tuổi (83,997 tuổi) và cứ như thế giảm xuống cho đến thấp nhất của mười tuổi gọi là Kiếp Giảm.

Như vậy, theo Nhị Khóa Hiệp Giải của ngài Quán Nguyệt do Hòa Thượng Thích Khánh Anh dịch, trang 321 giải thích, tuổi thọ của quả địa cầu gồm ba Trung Kiếp của Kiếp Thành, Kiếp Trụ và Kiếp Hoại hợp lại, nghĩa là quả địa cầu sống lâu đến 960,000,000 năm (960 triệu năm).

Qua sự trình bày trên, chúng ta nhận thấy rằng, so với quả địa cầu kể từ khi mới tượng hình cho đến khi bị hoại diệt, tuổi thọ của loài người phải trải qua hơn cả trăm triệu lần chết đi sống lại mới bằng tuổi thọ của quả địa cầu trong một Kiếp. Chẳng những thế, tuổi thọ của con người còn thua xa so với tuổi thọ của cây Xương Rồng (Old-Cactus) bên Tiểu Bang Arizona. Tuổi thọ của cây Xương Rồng già sống lâu gần ba ngàn năm. Chúng ta ngày nay so với quả địa cầu đây chỉ là cháu chắt gần một tỷ đời của tổ tiên loài người cùng sanh ra một thời với quả địa cầu mà chính họ lúc đó đang bám vào trái đất để sống còn.

Cũng từ ý niệm này, chúng ta có thể xác định được một điều là muốn tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, trước hết chúng ta phải tìm hiểu tường tận về con người gồm có những thứ gì, chúng từ đâu đâu sanh ra và sanh bằng cách nào, nguyên vì theo Phật, vũ trụ là chỗ nương tựa (Y báo) của loài người (Chánh báo) sanh trưởng. Chúng ta một khi hiểu được con người một cách chính xác thì tất nhiên sẽ hiểu được tường tận nguồn gốc của vũ trụ.

C.- THÀNH PHẦN XÂY DỰNG CON NGƯỜI:

Con người qua sự khảo sát (Examination) là một trong những hiện tượng bao gồm nhiều yếu tố kết hợp nhau lại để tạo thành hình tướng, nhưng nhận xét tổng quát chúng ta có thể chia con người thành hai phần khác nhau để tìm hiểu. Hai phần khác nhau là: phần vật chất và phần tâm linh.

1.- PHẦN VẬT CHẤT:

Thân thể con người mà ai cũng đều biết là thuộc về vật chất. Thân thể con người được bốn yếu tố vật lý kết hợp nhau lại để tạo thành hình tướng. Bốn yếu tố này theo ngôn ngữ Phật Giáo gọi là Tứ Đại (bốn yếu tố). Thành phần của bốn yếu tố nói trên gồm có: Đất, Nước, Gió và Lửa.

a) ĐẤT : là chỉ cho xương thịt của con người.

b) NƯỚC : là chỉ cho máu huyết của con người.

c) GIÓ : là chỉ cho hơi thở của con người.

d) LỬA : là chỉ cho sức ấm của con người.

Bốn yếu tố: Đất, Nước, Gió, Lửa nơi thân thể con người chính là hiện tượng đã tác dụng và chúng nó được phát sanh từ nơi bốn nguồn năng lượng nguyên thể (Energies) của mỗi loại trong không giàn. Bốn nguồn năng lượng nguyên thể của mỗi loại trong không gian thì hoàn toàn không có hình tướng và bốn nguồn năng lượng này cũng là nguyên nhân quan trọng trong việc kết hợp để sanh khởi vạn pháp về vật chất, trong đó có con người. Bốn nguồn năng lượng nguyên thể thuộc vật chất đây mỗi khi bị biến động thì liền kết hợp lẫn nhau và cùng nhau sanh khởi vạn pháp cũng như sanh khởi con người qua hình thức ăn uống, hít thở. Bốn yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa trong thể vạn pháp và trong thân thể con người chính là thành quả của bốn nguồn năng lượng nguyên thể trong không gian. Bốn nguồn năng lượng nguyên thể này đều là nguyên nhân và những nguyên nhân đó tác dụng từ nơi thể tánh của mỗi loại để hiện tướng.

Thí dụ, chúng ta ăn uống lương thực với mục đích là lấy bốn nguồn năng lượng của Đất, Nước, Gió, Lửa trong đồ ăn để nuôi sống thân thể, còn thể xác của chúng trong đồ ăn thì bị chúng ta đào thải ra ngoài bằng cách đi tiểu và đi tiêu.

Đứng trên vị trí nguyên thể, bốn nguồn năng lượng của Đất, Nước, Gió, Lửa chỉ là bốn khối năng lực riêng biệt và bốn khối này không có hình tướng. Khi bị kích động để tác dụng, bốn khối năng lực này, mỗi loại từ nguồn năng lượng riêng biệt của chính nó tự động chuyển biến để trở nên để cùng kết hợp và cùng hiện thành hình tướng về vật chất nơi thân thể của mỗi pháp, của mỗi con người. Nói cách khác, con người cũng như vạn pháp đều là một trong những bộ máy đã được bốn nguồn năng lượng trong không gian biến thể và kết hợp từ không hình tướng, chuyển thành hình tướng (Không tức thị sắc của Kinh Bát Nhã).

Bốn yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa khi ở trạng thái nguồn năng lượng nguyên thể thì không có hình tướng và bao trùm khắo vũ trụ ba cõi (tam giới), cũng giống như điện thể thuộc về thể tĩnh (Static State) trong không gian mà Phật Giáo gọi là lửa, một trong bốn yếu tố, thì tràn khắp vũ trụ và điện thể này mỗi khi bị kích động thì chỉ xuất hiện ở một vị trí thu hẹp trong không gian với hình thức điện động thuộc về điện tác dụng (Activity) mà không phải là điện tĩnh.

Vạn pháp và loài người, tất cả đều là hiện tướng và được phát sanh ở phía bên trong của bốn nguồn năng lượng nguyên thể trong không gian. Điều này không khác nào điện sấm chớp hiện hình ở phía bên trong của điện thể trong không gian. Vạn pháp và loài người không thể sanh khởi ở phía bên ngoài, ở phía bên trên hoặc ở phía bên dưới của bốn nguồn năng nượng nguyên thể trong không gian. Bốn yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa trong thân thể vạn pháp và trong thân thể con người đều là hình tướng luôn luôn bị biến động và bị chuyển dịch theo nguyên tắc sanh diệt và biến hóa không ngừng, cho nên chúng khác xa với bốn nguồn năng lượng nguyên thể trong không gian. Nguyên do, bốn nguồn năng lượng nguyên thể trong không gian chính là những nguyên nhân, là những thể động (Dynamic States) không bị biến đổi bản chất của bốn yếu tố trên, cho nên chúng vẫn thường còn mãi mãi và không bao giờ bị hoại diệt. Bốn nguồn năng lượng nguyên thể Đất, Nước, Gió, Lửa trong không gian chỉ bị biến thể là khi nào Thức Thể Alaya được chuyển thành Trí Tuệ Đại Viên Cảnh.

Thế nên vạn pháp và loài người nhờ nương tựa nơi bốn nguồn năng lượng nguyên thể không bị biến đổi bản chất để làm nền tảng cho việc sanh khởi và nhờ đó mới có thể góp mặt trong thế gian về phương diện vật chất. Bằng ngược lại, vạn pháp và loài người nếu như không có bốn nguồn năng lượng nguyên thể này làm nền tảng để sanh khởi thì nhất định không bao giờ có mặt trong thế gian và cho đến cả thế gian cũng không bao giờ có mặt.

2.- PHẦN TÂM LINH:

Ngoài tứ đại thuộc về vật chất nơi thân thể ra, con người còn có tám loại hiểu biết thuộc về Tâm Linh. Tám loại hiểu biết này, nhà Duy Thức gọi là tám Tâm Thức. Tánh chất căn bản của tám loại hiểu biết (tám Tâm Thức) nói trên thì hoàn toàn không phải vật lý, cho nên chúng không thể phát sanh từ nơi vật chất. Tám loại hiểu biết (tám tâm thức) tự chúng nó nhất định có nguyên thể riêng biệt và chúng nó không bao giờ quan hệ với chúng nó một cách sâu nặng. Cũng giống như tứ đại, đất không thể sanh ra nước, nguyên vì bản chất của đất không phải là nước và ngược lại, nước cũng không thể sanh ra đất. Gió và lửa cũng thế, mỗi đại tự nó có nguyên thể riêng biệt và không bao giờ loại này có thể sanh ra được loại kia, nguyên vì chúng hoàn toàn khác nhau tánh chất.

Còn não bộ (Brain) của con người thì thuộc về vật chất, đều do tứ đại: Đất, Nước, Gió, Lửa cùng nhau tạo thành và Não Bộ cũng không cùng một bản chất với tâm linh, cho nên não bộ cũng không thể có khả năng sanh ra hiểu biết (tâm thức). Nếu như không có não bộ, tâm linh con người cũng không thể tác dụng để hiểu biết vạn pháp. Nói cách khác, vật chất không thể sanh ra tâm linh, nguyên vì vật chất không cùng một bản chất với tâm linh. Điều này cũng giống như bóng đèn điện không thể sanh ra ánh sáng điện, mặc dù không có bóng đèn điện thì nhất định điện lực không thể phát sanh ra ánh sáng. Não bộ của con người chỉ làm chỗ trợ duyên cần thiết để tâm linh nương nơi đó phát sanh hiểu biết. Cũng như bóng đèn điện chỉ làm hỗ trợ duyên cho dòng điện nương nơi đó phát sanh ánh sáng. Khi con người bị chết đi, não bộ của họ đã hư hoại và sự hiểu biết của họ không còn phát sanh, nhưng tâm linh của họ chưa hẳn bị tiêu diệt. Tâm linh của họ lúc đó chỉ ẩn núp trong tiềm năng (trong Memories) để chờ đợi điều kiện thuận lợi (nhân duyên hội đủ) liền tiếp tục phát sanh hiểu biết kế tiếp. Trường hợp này cũng không khác nào bóng đèn điện bị bể, lúc đó điện lực mặc dù không còn tác dụng để cháy sáng, nhưng dòng điện chưa hẳn hoàn toàn đã mất. Dòng điện chỉ ẩn núp một nơi nào đó, chờ điều kiện thuận lợi liền phát sanh ánh sáng qua bóng đèn vừa mới được thay thế. Nói cách khác, con người chỉ chết cái thân thể nhưng Tâm Linh của họ không bao giờ chết. Họ chết đi là chỉ thay đổi cái ngã tướng (cái form) này chuyển sang cái tướng khác do bởi nghiệp lực của họ lôi cuốn (transform), nhưng tâm linh của họ thật ra không bao giờ chết.

Trên thực tế, thân thể con người thì hoàn toàn lệ thuộc vào sự điều khiển của tâm linh trong sự sinh hoạt thường ngày. Khi tôi muốn, thân thể vật chất của tôi lúc đó trở thành kẻ nô lệ và hành động một cách ngoan ngoãn theo ý tôi muốn, ngược lại, không ai có quyền điều khiển tôi mỗi khi ý tôi không muốn.

Với dữ kiện trên, chúng ta có thể xác định rằng, tâm linh không phải do vật chất sanh ra, mà ở đây tâm linh chính tự nó đã có sẵn nguyên thể riêng biệt và nguyên thể của tâm linh thì hoàn toàn không chút nào quan hệ với vật chất. Đời sống con người có được văn minh tiến bộ hoặc không được văn minh tiến bộ là đều do sự quyết định sáng tạo của tâm linh con người làm chủ. Có một điều, tâm linh của con người thì lại rất trừu tượng và phức tạp, thành thử các nhà khảo sát về tâm lý đã gặp không biết bao nhiêu vấn đề nan giải cho sự nghiên cứu và học hỏi mỗi khi họ muốn tìm hiểu về nguồn gốc của tâm linh trên lãnh vực khoa học. Nguyên do các nhà khảo sát tâm lý luôn luôn bị lầm lẫn bởi quan niệm cho rằng, não bộ mới là nơi chính yếu để sanh ra tâm linh. Thế nên gặp phải thất vọng vớ những sự việc nêu trên ở nơi bình diện khoa học vật lý. Ngoại trừ những bậc siêu nhân, các vị ấy đã thực nghiệm, thực tu, thực chứng, nên mới có thể giải thích một cách minh bạch và đúng với chân lý qua những vấn đề khó khăn nêu trên.

Bởi lẽ đó, xưa này các triết gia cổ kim tây cố gắng thi đua khai tác tận cùng tâm linh trừu tượng này và mang theo chỗ nhận thức không giống nhau, đưa ra nhiều luận thuyết về triết học khác nhau. Những luận thuyết mà họ quan niệm như: Atman, Brahman, Thượng Đế, Chúa, Tâm, Vật Chật v.v... và họ hệ thống hóa lại những luận thuyết trên để hoàn thành tôn giáo hay triết học theo sự kiến giải của họ.

Ngược lại, không giống như các tôn giáo và các triết họ quan niệm, Phật Giáo cho rằng, vạn pháp, tất cả đều do "NHÂN DUYÊN SANH" mà trong đó tâm linh của con người đóng vai làm chủ tất cả để tự xây dựng vũ trụ và nhân sanh cho chính con người đó. Nguồn gốc của tâm linh đích thực là tâm thức, nguyên vì tâm linh sinh hoạt trong thân thể con người liền phát sanh ra hiểu biết, cho nên tâm linh gọi là tâm thức.

3.- SỰ TÁC DỤNG CỦA TÂM LINH:

Tâm linh là danh từ chung, dùng để diễn tả tâm thức của loài người và danh từ này sở dĩ được thành lập là do căn cứ nơi vật chất mà đặt tên, nguyên vì tâm linh là đối lập với vật chất về phương diện tánh chất, giá trị và ý nghĩa. Thật sự tâm linh là tên khác của tâm thức. Lý do, trong thân thể con người, tâm linh mỗi khi sinh hoạt liền phát sanh ra hiểu biết (Tâm Thức), nhưng sự hiểu biết (Tâm Thức) trong con người mỗi khi sinh hoạt được minh định thành tám loại khác nhau. Tám loại hiểu biết khác biệt được liệt kê như sau:

a1)- Hiểu biết qua con mắt gọi là Nhãn Thức.

b2)- Hiểu biết qua lỗ tai gọi là Nhĩ Thức.

c3)- Hiểu biết qua lỗ mũi gọi là Tỷ Thức.

d4)- Hiểu biết qua miệng lưỡi gọi là Thiệt Thức.

e5)- Hiểu biết qua toàn bộ thân thể gọi là Thân Thức.

g6)- Hiểu biết qua Ý Căn (Manas) gọi là Ý Thức.

h7)- Hiểu biết qua sự so đo chấp trước gọi là Mạt Na Thức.

k8)- Hiểu biết qua sự tàng trữ, bảo trì và xây dựng nên gọi là Tạng Thức (Thức Alaya).

Trong tám loại Tâm Thức vừa trình bày, sáu loại Tâm Thức trên, từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức khi sinh hoạt thường biểu lộ ra ngoài nơi thân thể khiến mọi người nhận định dễ dàng, nên gọi chung là Biểu Thức, nghĩa là sáu Tâm Thức thường biểu hiện ra bên ngoài dễ cảm nhận. Mạt Na Thức (Manas) là một loại Tâm Thức chuyên môn đóng vai trung gian giữa Ý Thức và Tạng Thức (Thức Alaya) trong sự sinh hoạt thâu nhận những hạt giống (chủng tử) của vạn pháp, nên gọi là Tiềm Thức, nghĩa là loại Tâm Thức thường sinh hoạt tiềm ẩn bên trong nội tâm. Riêng Tạng Thức (Thức Alaya) là một loại Tâm Thức cao siêu mầu nhiệm, có khả năng tàng trữ, xây dựng, bảo vệ và duy trì sức sống của vạn pháp, nên gọi là Siêu Thức.

Giờ đây chúng ta thử tìm hiểu tánh chất, giá trị và ý nghĩa khác nhau như thế nào của mỗi Tâm Thức khi chúng sinh hoạt trong thân thể con người.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn