Chương Ix Một Số Kinh Quan Trọng

06 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 9511)

NHỮNG ĐIỀU ĐỨC PHẬT ĐÃ DẠY
Nguyên tác: What The Buddha Taught
H.T Tiến Sĩ Walpola Rahula
Người dịch: Lê Kim Kha 
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011

Chương IX

Một Số Kinh Quan Trọng

(tác giả dịch từ tiếng Pali)

* * * * *

Kinh Chuyển Pháp Luân
 (Dhammacakkappavattana-Sutta)

“Bài Thuyết pháp Đầu tiên của Đức Phật”

Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật gọi là Dhammacakka. Dhamma nghĩa là pháp, cũng có nghĩa là chân lý. Cakka nghĩa là bánh xe. Dhamma-cakkappavattana là "Dịch chuyển hay Thiết lập sự chuyển động Bánh Xe Chân Lý". Trong bài Pháp “nền tảng”, cực kỳ quan trọng này, Đức Phật khai giảng một con đường tu tập gọi là "Trung Đạo", tránh xa những lối tu tập cực đoan truyền thống vốn chỉ mang lại đau khổ và không lợi ích gì mà Đức Phật là người đã trải nghiệm qua. Bài thuyết giảng đầu tiên này Đức Phật đã nói với chính năm anh em nhà Kiều Trần Như, là những người bạn tu khổ hạnh trước đây của Đức Phật lúc Người chưa chứng đạt sự Giác Ngộ.

 

“Tôi nghe như vầy. Đức Thế Tôn có lần sống ở Vườn Nai ở Isapatana gần Baranasi (Ba-La-Nại). Lúc đó, Phật đã nói với nhóm năm Tỳ kheo như sau:

“Này các Tỳ Kheo, có hai cực đoan mà những người xuất gia phải nên tránh. Hai đó là gì? Sự mê đắm vào khoái lạc giác quan, điều đó thấp hèn, phàm tục, là cách của những người tầm thường, không đáng làm và không lợi lạc; và sự dấn thân vào việc tự hành xác bản thân, việc đó chỉ mang lại đau đớn, không đáng làm và không lợi lạc.

“Để tránh hai cực đoan này, Như Lai đã chứng ngộ con đường Trung Đạo: Nó mang lại tầm nhìn, nó mang lại tri thức, và nó dẫn đến sự an tĩnh, sự giác ngộ và Niết bàn. Và con đường Trung Đạo đó là gì…? Đơn giản đó là “Bát Chánh Đạo”, như tên được đặt, bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường Trung Đạo đã được chứng ngộ bởi Như Lai, nó mang lại tầm nhìn, nó mang lại tri thức, và nó dẫn đến sự an tĩnh, sự giác ngộ và Niết-bàn.

Diệu Đế về Khổ (Dukkha) là như vầy:

Sinh ra là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; u sầu và ai oán là khổ; đau đớn, buồn rầu và tuyệt vọng là khổ; gặp gỡ những người không ưa là khổ; xa cách những người ưa mến là khổ; không đạt được điều mình muốn là khổ. Nói tóm lại, Năm Uẩn dính chấp đều là khổ.

 

Diệu Đế về Nguồn gốc Khổ (Dukkha-samudaya) là như vầy:

“Chính sự ‘thèm khát’ (dục vọng, tanhà) này tạo ra sự luân hồi và tái sinh (pono-bhavika), và nó bị trói buộc cùng với sự ‘tham muốn si mê’ (nadiràgasahagatà) và đi tìm khoái lạc mới chỗ này chỗ khác (tatratratràbhinadini), gọi là dục vọng hay sự thèm khát khoái lạc giác quan (kama-tanhà), dục vọng hay sự thèm khát được sống (hiện hữu) và được trở thành (bhava-tanhà), dục vọng hay sự thèm khát được không hiện hữu (vibhava-tanhà).”

 

Diệu Đế về sự Chấm Dứt Khổ (Dukkha-nirodha) là như vầy:

“Đó là sự chấm dứt hoàn toàn của dục vọng đã nói trên, xa lìa nó, từ bỏ nó, và giải thoát bản thân khỏi nó, không còn dính mắc vào nó”.

 

“Diệu Đế về Con Đường dẫn đến sự Chấm dứt Khổ (Dukkha-nirodha gāminipatipadā) là như vầy:

“Đơn giản đó là Bát Chánh Đạo, như tên được đặt, bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”.

 

“Đây là Diệu Đế về Khổ (Dukkha)”: Như là tầm nhìn, tri thức, trí tuệ, khoa học, ánh sáng, chúng khởi sinh trong ta về những điều chưa từng được nghe trước đây. ‘Sự Khổ’ này, là một chân lý cao cả, phải được hiểu thấu rõ”: Như là tầm nhìn, tri thức, trí tuệ, khoa học, ánh sáng, chúng khởi sinh trong ta về những điều chưa từng được nghe trước đây.”

“Đây là Diệu Đế về Nguồn gốc Khổ”: Như là tầm nhìn, tri thức trí tuệ, khoa học, ánh sáng, chúng khởi sinh trong ta về những điều chưa từng được nghe trước đây. ‘Nguồn gốc Khổ’ này , là một chân lý cao cả, phải được hiểu thấu rõ”: Như là tầm nhìn, tri thức, trí tuệ, khoa học, ánh sáng, chúng khởi sinh trong ta về những điều chưa từng được nghe trước đây”.

“Đây là Diệu đế về sự Chấm dứt Khổ”: Như là tầm nhìn, tri thức, trí tuệ, khoa học, ánh sáng, chúng khởi sinh trong ta về những điều chưa từng được nghe trước đây. ‘Diệu Đế về sự Chấm dứt Khổ’ này, là một chân lý cao cả, phải được hiểu thấu rõ”: Như là tầm nhìn, tri thức, trí tuệ, khoa học, ánh sáng, chúng khởi sinh trong ta về những điều chưa từng được nghe trước đây.”

“Đây là Diệu Đế về Con Đường dẫn đến sự Chấm dứt Khổ”: Như là tầm nhìn, tri thức, trí tuệ, khoa học, ánh sáng, chúng khởi sinh trong ta về những điều chưa từng được nghe trước đây. “Con Đường dẫn đến sự Chấm dứt Khổ” này, là một chân lý cao cả, phải được theo (làm, tu tập) đúng: Như là tầm nhìn, tri thức, trí tuệ, khoa học, ánh sáng, chúng khởi sinh trong ta về những điều chưa từng được nghe trước đây.”

 

“Cho đến khi mà tầm nhìn bằng tri kiến thật sự của Ta chưa hoàn toàn thấu rõ về ba sự hiểu biết, mười hai cách này, đối với Bốn Diệu Đế (Cattrari Ariyasaccani)[1], Ta đã không tuyên bố Ta đã chứng đạt sự Giác Ngộ, đó là sự Giác ngộ tối thượng trong thế giới của trời thần, với Ma vương và Phạm Thiên, trong thế gian này, với các Ẩn sĩ và Bà-la-môn, với các hoàng tử và mọi người.

“Nhưng khi tầm nhìn bằng tri kiến thật sự của Ta đã hoàn toàn thấu rõ về ba sự hiểu biết, mười hai cách này, đối với Bốn Diệu Đế,5 Ta tuyên bố Ta đã chứng đạt sự Giác Ngộ, đó là sự Giác Ngộ tối thượng trong thế giới của trời thần, với Ma vương và Phạm Thiên, trong thế gian này, với các Ẩn sĩ và Bà-la-môn, với các hoàng tử và mọi người.

“Và một tầm nhìn bằng tri kiến thật sự đã khởi sinh trong ta như vậy: Sự giải thoát của tâm ta là tối thắng. Đây là lần đản sinh cuối cùng. Từ đây không còn tái sinh nữa.”

 

“Kinh này do Đức Thế Tôn nói ra. Nhóm năm Tỳ kheo vui mừng, và họ cùng hoan hỉ nhận lời dạy.”

(Kinh Tương Ưng Bộ, LVI, 11)

 

*Chú Thích:

Như chúng ta đã thấy trong bốn đoạn kinh đầu, mỗi đoạn nói về một trong bốn Diệu Đế, trong một Diệu Đế có ba vấn đề phải biết hiểu rõ. 1. Sự hiểu biết rằng đó là Chân Lý, là Lẽ Thật (sacca-nàna). 2. Sự hiểu biết là phải có trách nhiệm, hành động để thực hành chân lý đó (kicca-nàna). 3. Sự hiểu biết là trách nhiệm, hành động thực hành chân lý đó đã được thực hiện (kata-nàna).

Khi ba sự hiểu biết nếu được áp dụng vào mỗi chân lý của bốn Diệu Đế, thì tất cả có mười hai phần hay mười hai cách hiểu biết hay cách thực hành.

  

Kinh Lửa1
(Adittapariyaya-sutta)

 

Tôi nghe như vầy. Thời Đức Thế Tôn cư ngụ tại Gayasisa, xứ Gaya với một ngàn Tỳ kheo. Bấy giờ người thuyết giảng cho các Tỳ kheo như sau :

“Này các Tỳ kheo, tất cả đang bốc cháy. và cái gì là tất cả đang bốc cháy?

“Này các Tỳ kheo, mắt đang bốc cháy, những hình sắc đang bốc cháy, nhãn thức đang bốc cháy, nhãn xúc đang bốc cháy, cũng như vậy bất kỳ cảm thọ dễ chịu hay đau đớn hay không dễ chịu cũng không đau đớn, khởi sinh từ duyên của nhãn xúc, cũng đang bốc cháy.

“Bốc cháy bằng cái gì? Bốc cháy bằng lửa Tham dục, bốc cháy bằng lửa Sân hận, bốc cháy bằng lửa Si mê; Ta nói rằng lửa đang bốc cháy bằng sanh, già và chết bằng sầu não, khổ sở,

bằng đau đớn, bằng đau buồn, bằng tuyệt vọng.

“Này các Tỳ kheo, tai đang bốc cháy, những âm thanh đang bốc cháy, nhĩ thức đang bốc cháy, nhĩ xúc đang bốc cháy, cũng như vậy bất kỳ cảm thọ dễ chịu hay đau đớn hay không dễ chịu cũng không đau đớn, khởi sinh từ duyên của nhĩ xúc, cũng đang bốc cháy.

“Bốc cháy bằng cái gì? Bốc cháy bằng lửa Tham dục……

“Này các Tỳ kheo, mũi đang bốc cháy, những mùi hương đang bốc cháy, tỷ thức đang bốc cháy, tỷ xúc đang bốc cháy, cũng như vậy bất kỳ cảm thọ dễ chịu hay đau đớn hay không dễ chịu cũng không đau đớn, khởi sinh từ duyên của tỷ xúc, cũng đang bốc cháy.

“Bốc cháy bằng cái gì? Bốc cháy bằng lửa Tham dục......

“Này các Tỳ kheo, lưỡi đang bốc cháy, những mùi vị đang bốc cháy, thiệt thức đang bốc cháy, thiệt xúc đang bốc cháy, cũng như vậy bất kỳ cảm thọ dễ chịu hay đau đớn hay không dễ chịu cũng không đau đớn, khởi sinh từ duyên của thiệt xúc, cũng đang bốc cháy.

“Bốc cháy bằng cái gì? Bốc cháy bằng lửa Tham dục……

“Này các Tỳ kheo, thân đang bốc cháy, những chạm xúc đang bốc cháy, thân thức đang bốc cháy, thân xúc đang bốc cháy, cũng như vậy bất kỳ cảm thọ dễ chịu hay đau đớn hay không dễ chịu cũng không đau đớn, khởi sinh từ duyên của thân xúc, cũng đang bốc cháy.

“Bốc cháy bằng cái gì? Bốc cháy bằng lửa Tham dục……

“Này các Tỳ kheo, tâm đang bốc cháy, những đối tượng của tâm (pháp) đang bốc cháy, tâm (ý) thức đang bốc cháy, tâm (ý) xúc đang bốc cháy, cũng như vậy bất kỳ cảm thọ dễ chịu hay đau đớn hay không dễ chịu cũng không đau đớn, khởi sinh từ duyên của tâm (ý) xúc, cũng đang bốc cháy.

“Bốc cháy bằng cái gì? Bốc cháy bằng lửa Tham dục, bốc cháy bằng lửa Sân hận, bốc cháy bằng lửa Si mê; Ta nói rằng lửa đang bốc cháy bằng sanh, già và chết bằng sầu não, khổ sở, bằng đau đớn, bằng đau buồn, bằng tuyệt vọng.

“Này các Tỳ kheo, một đệ tử có học và thánh thiện, khi thấy (sự vật) như vậy, sẽ trở nên chán bỏ đối với mắt, chán bỏ đối với những hình sắc, chán bỏ đối với những nhãn thức, chán bỏ đối với nhãn xúc, cũng như vậy bất kỳ cảm thọ dễ chịu hay đau đớn hay không dễ chịu cũng không đau đớn, khởi sinh từ duyên của nhãn xúc, đối với chúng người đó cũng trở nên chán bỏ luôn.

“Này các Tỳ kheo, một đệ tử tẻ có học và thánh thiện, khi thấy (sự vật) như vậy, sẽ trở nên chán bỏ đối với tai, chán bỏ đối với những âm thanh……,

“Này các Tỳ kheo, một đệ tử tẻ có học và thánh thiện, khi thấy (sự vật) như vậy, sẽ trở nên chán bỏ đối với mũi, chán bỏ đối với những mùi hương……,

“Này các Tỳ kheo, một đệ tử tẻ có học và thánh thiện, khi thấy (sự vật) như vậy, sẽ trở nên chán bỏ đối với miệng, chán bỏ đối với những mùi vị……,

“Này các Tỳ kheo, một đệ tử tẻ có học và thánh thiện, khi thấy (sự vật) như vậy, sẽ trở nên chán bỏ đối với thân, chán bỏ đối với những chạm xúc……,

“Này các Tỳ kheo, một đệ tử tẻ có học và thánh thiện, khi thấy (sự vật) như vậy, sẽ trở nên chán bỏ đối với tâm, chán bỏ đối với những đối tượng của tâm (pháp, ý tưởng, suy nghĩ…), chán bỏ đối với tâm thức, chán bỏ đối với tâm (ý) xúc, cũng như vậy bất kỳ cảm thọ dễ chịu hay đau đớn hay không dễ chịu cũng không đau đớn, khởi sinh từ duyên của tâm (ý) xúc, đối với chúng người đó cũng trở nên chán bỏ luôn.

“Khi trở nên chán bỏ, người đó trở nên buông bỏ; thông qua sự buông bỏ, người được giải thoát, có một sự hiểu biết rằng người đó được giải thoát. Và người đó biết rằng: Sinh đã tận hết, đời sống thánh thiện đã được sống, những gì cần phải làm đã làm xong, không còn những gì phải làm về vấn đề này nữa.”

Đây là những lời Đức Thế Tôn đã dạy. Các Tỳ kheo đều vui mừng, và cùng hoan hỉ nhận lời dạy của Người.

Trong khi bài thuyết giảng đang được truyền dạy, tâm của một ngàn Tỳ kheo đó đã được giải thoát khỏi ô nhiễm, không còn dính mắc.

(“Tiểu Bộ Kinh”, Samyutta-Nikaya - XXXV, 28)

*Chú Thích:

[1] Có rất nhiều bản dịch “Kinh Lửa” dịch ra tiếng Anh bởi các học giả nổi tiếng như Eliot, Henrry Clarke Warren. Bản dịch tiếng Anh trong quyển sách này do chính tác giả Hòa Thượng W. Rahula dịch từ bản nguyên thủy bằng tiếng Pali trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya), thuộc Kinh Tạng (Sutta-pitaka). Còn bản dịch của Warren là dựa vào bản kinh tìm thấy trong bộ Đại Phẩm (Mahavagga) thuộc Luận Tạng (Vinaya-pitaka). 

 

Kinh Pháp Cú
(Dhammapada: Những Lời Chân Lý)

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là bản kinh tập hợp hàng nghìn lời dạy thiết thực, gồm 423 Bài Kệ do chính Đức Phật nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của Người, để giảng dạy cho tất cả chúng sinh con đường giải thoát, lìa bỏ mọi ô nhiễm và bất tịnh, như: tham, sân, si, dính mắc, chấp ngã nhằm diệt trừ khổ đau và luân hồi sanh tử luân hồi, nhằm dẫn đến sự giải thoát cuối cùng, sự hiểu biết sâu sắc Chân Lý Tột Cùng và Niết-bàn.

“Dhamma”(Pháp) tức: Chân lý, Lẽ Thật, Chánh Đạo, Đạo Lý. “Pada” (câu cú, lời nói, câu Kệ) và cũng có nghĩa là “con đường”. “Dhamma-pada” có nghĩa là: “Con đường Chân Lý” hoặc “Những lời Chân lý” hay “Chân Ngôn” của Đức Phật.

Kinh Pháp Cú, được kết tập trong Đại Hội Kết Tập Kinh Điển đầu tiên sau khi Đức Phật Bát-Niết-Bàn, là quyển thứ hai trong 15 quyển thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka-Nikaya) trong tạng “Kinh Tạng” (Suttanta-Pitaka). Kinh Pháp Cú được chia và nhóm các bài Kệ (hay gọi là những bài Pháp cú) vào từng nhóm chủ đề triết học và giáo pháp Đức Phật (hay gọi là 26 Phẩm) để dễ dàng chọn và tụng đọc.

Tại các nước theo Phật giáo Nguyên Thủy, các Sa-di, Tỳ Kheo phải học thuộc lòng Kinh Pháp Cú nhằm mục đích tu học và giảng dạy Phật pháp cho các Phật tử. Riêng tại Việt Nam, kinh này không được xếp vào danh sách các kinh tụng niệm hàng ngày nên Kinh ít được biết đến và ít có Phật tử hay tăng ni thuộc lòng hết toàn bộ Kinh.

Đây là một quyển kinh Phật giáo thông dụng và được giảng dạy nhiều nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, đã có rất nhiều bản dịch của nhiều Đại Đức, Hòa Thượng, thiền sư và cư sĩ nổi tiếng. Bản dịch tiếng Anh xưa nhất là bản năm 1870 của dịch giả Max Muller.

Sau đây là những bài Kệ ‘Pháp Cú’ được trích dịch bởi chính tác giả từ bản Kinh nguyên thủy cổ xưa nhất bằng tiếng Pali, như đã giới thiệu ở trên. Vì lí do không gian hạn hẹp của quyển sách này, tác giả không trích toàn bộ của Kinh mà chỉ chọn lọc đa số những bài Kệ mang ý nghĩa sâu sắc để độc giả bước đầu tìm hiểu.

Bản dịch Việt bằng câu năm chữ thông thường (không chuyển thể thành thơ theo đúng niêm luật, nhằm mục đích dịch từ và dịch nghĩa một cách đầy đủ, trọn nghĩa từng câu chữ của Kinh Pháp Cú nguyên thủy để độc giả thuận tiện tham khảo).

1
Những trạng thái của tâm (ý), đều có tâm dẫn trước
do tâm làm chủ đạo, và do tâm tạo tác.
Nếu ai nói hay làm, với cái tâm ô nhiễm,
đau khổ sẽ theo sau, như bánh xe theo dấu (chân bò).
2
Những trạng thái của tâm (ý), đều có tâm dẫn trước,
do tâm làm chủ đạo, và do tâm tạo tác.
Nếu ai nói hay làm, với cái tâm thanh tịnh,
hạnh phúc sẽ theo sau, như bóng không rời hình.
3
“Nó chửi tôi đánh tôi, nó hạ tôi cướp tôi”
Ai ôm hiềm hận đó, hận thù không thể nguôi.
 
5
Hận thù trên đời này, không thể làm nguôi ngoai,
bằng chính những hận thù, mà bằng lòng yêu thương.
Đây quy luật ngàn thu.
 
24
Ai tinh tấn, chánh niệm, thanh tịnh trong giới hạnh,
biết suy xét kiềm chế, danh phận ắt tăng lên.
 
25
Bằng tinh tấn giới luật, tự chế ngự bản thân,
người tự (lấy chính mình) làm hòn đảo,
nước lũ không ngập được.
 
26
Kẻ ngu người ít trí, sống biếng lười buông thả.
Người có trí hành trì, giữ gìn sự tinh tấn, như giữ gìn kho báu.
 
27
Không biếng lười buông thả, không mê say nhục dục.
Ai tinh tấn thiền định, sẽ được nhiều hạnh phúc.
 
33
Tâm người không ở yên, dao động và nhảy nhót,
khó canh giữ điều phục.
Người có trí giữ tâm, ngay thẳng như người thợ,
uốn mũi tên thật thẳng.
 
35
Tâm người không ở yên, bất định khó kiềm chế,
như nhảy nhót chuyền cành.
Lành thay, điều phục tâm. Tâm nếu được điều phục,
mang lại niềm hạnh phúc.
 
38
Ai tâm không yên ổn, ai không biết Chánh Pháp,
lòng tin bị lung lạc.
Trí tuệ của người đó, khó giác ngộ viên thành.
 
42
Dù cho tệ bạc như: kẻ thù hại kẻ thù,
người ghét hại kẻ ghét.
Không tệ bằng khi tâm, bị hướng tà sai trái,
và làm hại chính mình.
 
47
Người chỉ biết hái hoa, (hưởng khoái lạc nhục dục),
tâm mê muội rối rắm.
Thần chết mang anh đi, giống như cường lũ đến,
cuốn làng mạc trong đêm.
 
50
Không cười lỗi người khác, làm được hay không được
mà phải nên nhìn mình, làm được hay không được.
 
51
Bông hoa đẹp màu sắc, mà lại thiếu mùi hương,
như người chỉ nói hay, mà không biết tu hành.
 
61
Ai là người lữ khách, không tìm được bạn hiền,
hay bạn tốt hơn mình.
Tốt hơn đi một mình, hơn đi với kẻ ngu.
 
64
Cả đời người ngu dốt, sống với bậc trí hiền,
mà không ngộ Chân Lý.
Như muỗng trong tô canh, không nếm được mùi canh.
 
67
Nghiệp không được làm tốt, khi làm xong ăn năn.
Nghĩ đến lúc trả nghiệp, nước mắt rơi đầm đìa.
69
Người ngu coi nghiệp ác, như mật ngọt thơm ngon,
lúc nghiệp chưa chín mùi.
Đến lúc nghiệp chín mùi, người âu sầu nhận lãnh.
 
81
Cũng như ngọn núi đá, không lung lay bởi gió.
Người trí không lay động, trước những lời khen chê.
 
82
Cũng như hồ nước sâu, nước trong sâu tĩnh lặng.
Người trí tâm tĩnh lặng, sau khi nghe Giáo Pháp.
 
85
Cả ‘biển’ người bên sông, không mấy ai sang được,
bờ giải thoát bên kia,
Mọi người đi lên xuống, lẫn quẫn bên bờ này.
 
90
Ai hoàn tất chuyến đi, rũ bỏ hết âu sầu,
đã hoàn toàn giải thoát, và lìa bỏ dính mắc.
Đối với người như vậy, không còn lửa si mê,
thiêu đốt trong nhiệt não.
 
94
Ai điều phục các căn (giác quan), như người lái xe ngựa,
điều khiển được con ngựa.
Ai bỏ tánh kiêu mạn, bỏ hết những si mê,
người vững chãi như vậy, thánh thần cũng thèm ghen,
(tức là cũng mến phục).
 
96
Suy nghĩ trong an tịnh; lời nói, nghiệp an tịnh.
Ai hiểu làm đúng vậy, là giải thoát hoàn toàn,
trong yên bình tĩnh mịch.
 
97
Không nhẹ dạ cả tin, biết được tính “vô vi”,
Cắt bỏ mọi ràng buộc, đã tận kết cơ duyên,
ngay cả thiện hay ác; đã trừ bỏ tham dục.
Ai làm được như vậy, là bậc thượng đẳng nhất.
 
103
Dù chiến thắng ngàn trận, dù chinh phục ngàn người
Không bằng sự chinh phục, được chính bản thân mình.
 
104-105
Chinh phục được chính mình, mới là điều thật tốt,
hơn chinh phục kẻ khác.
Dù thiên nhân, thiên thần, dù Ma vương, Phạm Thiên,
không ai thắng được mình.
Người tự điều phục mình, người canh giữ giới hạnh,
đó là người tối thắng.
 
111
Dù sống cả trăm năm, mà không có tri kiến,
và cũng không tự chủ.
Cũng không bằng một ngày, sống một ngày thật sự,
bằng trí tuệ hành thiền.
 
116
Nhanh nhẩu làm việc lành, ngăn tâm làm việc ác.
Ai chậm làm điều lành, thì tâm hay dính ác.
 
119
Người ác không thấy ác, khi nghiệp (ác) chưa chín mùi.
Khi ác nghiệp chín tới, mới thấy được ác quả.
 
120
Người thiện không thấy gì, khi nghiệp (thiện) chưa chín mùi.
Khi thiện nghiệp chín tới, mới thấy được thiện quả.
 
121
Chớ khinh suất điều ác, nói: “Nó không đến mình”.
Ngay cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình.
Đừng như kẻ ngu dại, tích dần từng ‘giọt’ ác,
đến khi ác đầy mình.
 
122
Chớ khinh suất điều thiện, nói: “Nó không đến mình”.
Ngay cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình.
Do vậy người có trí, tích cóp từng ‘giọt’ thiện,
đến khi thiện đầy mình.
 
125
Ai hại người lương thiện, người lương thiện thanh cao
Điều ác đó quay lại, vào chính kẻ ngu đó,
như đất quăng ngược gió, thổi lại mắt người quăng.
 
129
Mình run sợ đao kiếm, mình cũng sợ chết chóc.
Vậy lấy người là mình, thì không nên giết chóc,
không gây ra giết chóc.
 
131
Ai thì cầu hạnh phúc, mà lại dùng roi vọt,
hành hạ sinh vật khác.
Thì từ đó về sau, không tìm được hạnh phúc.
 
152
Kẻ ít học (vô minh), lớn lên như con bò,
xác thân ngày càng lớn, óc trí tuệ thì không.
 
155
Không sống Đời Thánh thiện, như không chút của cải,
làm ra lúc xuân thời.
Giống như con diếc nước, trên hồ không cá tôm.
 
159
Nếu người cũng tự làm, những việc mình khuyên bảo,
thúc đẩy người khác làm.
Ai từ điều phục mình, điều phục được người khác.
Nhưng thật lắm khó khăn, mới điều phục được mình.
 
160
Chính mình là nương tựa, cho bản thân của mình,
Chứ còn ai chỗ nào, lấy làm nơi nương tựa?
Khi bản thân một người, được hoàn toàn chế ngự,
Trở thành nơi nương tựa, vững chãi thật khó tìm.
 
165
Tự mình làm điều ác, và tự mình ô nhiễm
Thật ra cũng chính mình, tự trừ bỏ điều ác,
mới thanh lọc được mình
Thanh tịnh không thanh tịnh, thật ra cũng chính mình.
Không ai làm cho mình, trở nên thanh tịnh được.
 
167
Không theo pháp thấp hèn, không phóng túng buông thả,
không ôm giữ tà kiến.
Thì luân hồi tái sinh, không kéo dài thêm nữa.
 
171
Hãy đến nhìn thế gian, thêu dệt màu lộng lẫy,
như xe ngựa hoàng gia
Kẻ ngu nhìn mê mẫn, kẻ trí không dính mắc.
 
178
Thà (tinh tấn tu hành), để nhập vào dòng Thánh
Còn hơn làm chúa tể, cai trị trái đất này,
Còn hơn lên cõi thiên, hơn chúa tể vũ trụ.
 
183
Không làm những điều ác.
Mau làm các điều lành.
Thanh lọc tâm trong sạch.
Đây là lời Phật dạy.
 
184
Sự tu hành khổ hạnh, xuất chúng nhất đó là:
nhẫn nhục và kiên trì.
Niết-bàn là tối thượng, như Đức Phật đã nói.
Đối với những người khác, người xuất gia bất hại,
cả người tu khổ hạnh, cũng vô hại với người (khác).
 
185
Không nên nói điều ác. Không nên hãm hại người.
Tu tập để giữ mình, trong Giới hạnh căn bản.
Tiết độ trong ăn uống, sống ở nơi thanh nhàn.
Tinh tấn nâng tầm thức.
Đây là lời Phật dạy.
 
197
Hạnh phúc thay (chúng) ta sống,
không thù ghét hận thù, giữa những người thù hận.
Ta sống không hận thù, giữa những người thù hận.
 
 
201
Kẻ thắng tạo thù địch; kẻ bại lụy âu sầu.
Sống yên bình hạnh phúc, không màng đến chiến thắng,
không màng cả chiến bại.
 
204
Có được sức khỏe tốt, là điều lợi tốt nhất;
Có được sự mãn nguyện, là tài sản lớn nhất.
Một người bạn tin cậy, như bà con tốt nhất;
Niết-bàn cũng như vậy, hạnh phúc cao thượng nhất.
 
215
Tham dục sinh sầu não, tham dục sinh sợ hãi.
Ai không còn tham dục, không sầu não sợ hãi.
 
222
Người kiềm nén cơn giận, như điều phục con ngựa,
giữ xe không lăn vòng. Đó là người đánh xe.
Người không kiềm cơn giận, như kẻ nắm dây cương,
(nhưng không nài được ngựa).
 
223
Chinh phục sân bằng tu, chinh phục ác bằng thiện,
chinh phục khổ bằng diệt (giải thoát)
Và chính phục dối trá, bằng lẽ thật sự thật.
 
231
Luôn tự chủ trong thân, thân không bị kích động.
Bỏ phạm giới về thân, giữ chánh hạnh về thân.
 
232
Luôn tự chủ trong lời, lời không bị kích động
Bỏ lời nói sai trái, giữ lời trong chánh ngữ.
 
233
Luôn tự chủ về tâm, tâm không bị kích động
Bỏ suy nghĩ cái xấu, giữ ý chánh tư duy.
 
234
Người trí luôn tự chủ, trong hành động lời nói,
trong tư duy suy nghĩ.
Thật đúng là những người, đã hoàn toàn điều phục.
 
239
Từng mức độ ít nhiều, từng giây phút trôi qua,
người khôn dần loại bỏ, những ô nhiễm nơi mình;
Cũng giống người thợ bạc, loại dần những lớp xỉ,
được thanh bạc tinh khôi.
 
240
Lớp sét rỉ từ sắt, ăn mòn chính thanh sắt
Như hành động sai trái, của chính mình gây ra,
kẻ phạm tội phải chịu, cảnh khổ thân đọa đày.
 
248
Này thiện nam thiện nữ, hãy biết rõ điều này:
điều ác khó chế ngự.
Đừng để cho tham lam, ác tâm lôi kéo mình,
đến khổ đau lâu dài.
 
251
Lửa nào bằng lửa tham. Chấp nào bằng sân hận.
Lưới nào bằng si mê. Sông nào bằng sông dục (dục vọng).
 
252
Lời người khác dễ thấy, nhưng lời mình khó thấy.
Moi tìm lời người khác, như sàng trấu đãi vỏ;
Nhưng che giấu lời mình, như thợ săn thiện xạ,
giấu thân trong ngụy trang
 
267
Ai vượt qua cả thiện, và vượt qua cả ác
Ai sống đời thanh tịnh, ai sống hiểu thế gian
Người đó thật xứng danh, được gọi là Tỳ kheo.
 
268-269
Không phải bởi im lặng, người trở thành Mâu-ni (muni)(*),
nếu mình còn ngu dốt, chưa học được chánh pháp,
(sao gọi là Mâu-ni?).
Người khôn thì suy xét, như cầm cân hai đầu
chôn lấy những điều tốt, bỏ đi những điều xấu,
làm được những điều ấy, mới là bậc Mâu-ni.
Người hiểu rõ hai mặt, của sự thật thế gian,
mới là bậc Mâu-ni.

 

(*) Chữ muni trong tiếng Pali được phiên âm là Mâu-ni (giống như trong chữ Phật Thích-Ca Mâu-ni vậy), có nghĩa là trí giả trầm mặc, yên lặng; hiền triết tĩnh mặc, tương tự như cách người ta gọi Đức Phật Mâu-ni vì sự tĩnh mặc, tĩnh lặng của Người.

 

273
Đối với mọi con đường (giải thoát), Bát Chánh Đạo tối ưu;
Đối với mọi chân lý, Tứ Diệu Đế tối ưu;
Đối với mọi trạng thái, Giải Thoát là tối ưu;
Với các loài hai chân, Người Thấy Biết (Tri Kiến),
mới là loài tối ưu.
 
274
Đây duy nhất Con Đường, Không còn con đường khác,
làm thanh tịnh, Tri Kiến.
Đi theo Con Đường này: Ma-Vương (Điều Ác) phải rối loạn.
 
275
Đi theo Con Đường này, sẽ chấm dứt khổ đau,
Chính là Con Đường này, nhờ nó Ta tuyên thuyết,
Ta đã học được cách, nhổ tên độc (khổ đau).
 
276
Phải tự mình tinh tấn, chư Phật chỉ là thầy.
Ai bước vào Chánh Đạo, và nỗ lực hành thiền,
thì sẽ được giải thoát, khỏi trói buộc Ma-Vương (Điều Ác).
 
277
“Tất cả các pháp hữu vi đều là khổ (dukkha)”
Ai hiểu thấu điều này, bằng trí tuệ tri kiến,
sẽ trở nên vô tư, trước tất cả khổ đau.
Đây chính là Con Đường, dẫn đến nơi Thanh Tịnh.
 
280
Ai không chịu nỗ lực, lúc nên cần nỗ lực,
khi còn trẻ khỏe mạnh, ngồi rồi không mục đích,
biếng nhác không tư duy.
Kẻ biếng lười như vậy, không thể thấy con đường,
đến trí tuệ tri kiến.
 
281
Cẩn thận với lời nói, kiềm chế trong tâm ý,
khiến thân tránh điều ác;
Ba nghiệp (thân, ý, miệng) được trong sạch,
Và thực hiện Con Đường, Bậc Giác Ngộ đã qua.
 
334
Dục vọng của những người, sống vô lo phóng dật
lớn lên như dây leo (Màluvà) (*)
Người nhảy đây nhảy đó, giống như loài vượn rừng,
chạy nhảy tìm hoa trái.
 
(*) Dây leo Mavula là giống giây leo to, sống bằng cách quấn quanh các cây đa cây long thọ, siết chặt thân cây chính.
 
335
Ai sống trên đời này, bị chế ngự dính chặt,
bởi dục vọng trầm luân, thì sầu não người đó
lớn nhanh như loài cỏ, Bi-ra-na gặp mưa.
 
336
Nhưng ở thế gian này, ai hàn phục được hết,
những dục vọng dính chặt, dù rất khó hàn phục,
thì sầu não người đó, tự nhiên rơi rụng đi
như giọt nước trên (lá) sen.
 
338
Khi cây đã bị chặt, mầm vẫn còn mọc lên
nếu rễ còn nguyên khỏe, như gốc rễ dục vọng.
Nếu không được tận diệt, đau khổ sẽ khởi sinh,
lần này rồi lần khác.
 
343
Người chạy theo dục vọng, giống như thỏ mặc bẫy.
Vì thế các Tỳ kheo, đang mong cầu thoát dục,
nên buông bỏ dục vọng.
 
348
Không còn dính quá khứ, không vướng bận tương lai,
tự do khỏi hiện tại
Vượt qua bờ bỉ ngạn, tâm hết thẩy giải thoát,
không còn bị sanh, già.
 
360
Lành thay điều phục mắt.
Lành thay điều phục tai.
Lành thay điều phục mũi.
Lành thay điều phục lưỡi.
 
361
Lành thay điều phục thân.
Lành thay điều phục lời.
Lành thay điều phục tâm.
Lành thay điều phục hết (tất cả).
Tỳ kheo điều phục hết,
là thoát khỏi khổ đau.
 
362
Người kiểm soát được tay, kiểm soát được bàn chân,
kiểm soát được lời nói.
Đạt kiểm soát cao nhất (tâm): vui thích thiền tự tại,
sống độc thân tri túc, người đó gọi là Tỳ kheo.
 
365
Chớ chê bai những gì, mình nhận được có được.
Chớ ganh tỵ những gì, người nhận được có được.
Tỳ kheo mà ghen tỵ, không chứng thiền đạt định.
 
367
Ai không còn dính chấp, vào Danh Sắc (tâm, thân)
Không sầu não những gì, không phải là có thật
Thật vậy là Tỳ kheo.
 
368
Tỳ kheo luôn ẩn trú, ở trong lòng từ bi
Người say mê học hỏi, giáo lý của Đức Phật
Chứng đạt Cảnh Yên Tịch, (và) hạnh phúc nhờ tĩnh lặng,
trong mỗi pháp hữu vi.
 
385
Đối với ai không chấp, bờ nay hay bờ kia,
không chấp cả hai bờ,
người đó không còn khổ, và lìa xa dính mắc,
ta gọi là Bà-la-môn.
 
387
Mặt trời chiếu ban ngày.
Trăng soi rọi về đêm.
Áo giáp sáng chiến binh.
‘Thiền’ sáng Bà-la-môn.
Còn hào quang Đức Phật, soi sáng cả ngày đêm.
 
420
Ai không biết số phận, là trời hay là người,
hay là Càn-thát-bà.
Ai diệt trừ ô nhiễm, trở thành người đáng trọng,
ta gọi là Bà-la-môn.
 
423
Ai biết thấy kiếp trước, thiên giới và địa ngục,
người đã đạt đến được, sự chấm dứt tái sinh,
chứng đạt siêu tri thức, thành trí giác Mâu-ni,
mọi chứng ngộ viên mãn, Ta gọi là Bà-la-môn.

 

Kinh Từ Bi
(Metta-sutta)

Đây là bài Kinh Đức Phật thuyết giảng cho nhiều Tỳ kheo đang tu tập trong rừng vắng, những nơi được xem là có nhiều chư Thiên bậc thấp, chúng sinh xung quanh, kể cả những chúng sinh khuất mặt. Thứ nhất, bài Kinh để các thầy Tỳ kheo trì tụng để làm cho tâm an tịnh với tâm hướng về sự an bình của mỗi chúng sinh và chư Thiên xung quanh. Thứ hai, bài Kinh là một thông điệp của Đức Phật về lòng Từ, lòng yêu thương bao trùm của tất cả mọi người và chúng sinh nên dành cho nhau. Và chính sự yêu thương bao trùm đó sẽ đem lại niềm an lạc, hạnh phúc và trạng thái Cao Đẹp nhất của tâm chúng ta.

 

“Người khéo léo bản thiện,
và mong cầu An tịnh,
nên thể hiện (như vầy):
Có năng lực, hiền hòa,
ngay thẳng, thật ngay thẳng,
nhẹ nhàng và khiêm tốn,
 
Sống dễ dàng, tri túc,
các căn được chế ngự,
cẩn trọng, không trơ tráo
không tham đắm gia đình
không làm điều sai trái,
bậc hiền trí chê cười.
 
(Người ấy nên thực hành,
giữ tâm niệm như sau):
Nguyện tất cả chúng sinh,
được hạnh phúc an bình,
Nguyện cho tâm chúng sinh,
được vui lòng như ý.
 
Chúng sinh dù yếu mạnh,
dài cao hoặc trung bình,
thấp, nhỏ hay to lớn,
có mặt hay khuất mặt,
dù ở gần ở xa,
chưa sinh và đã sinh
 
Không trừ chúng sinh nào,
Nguyện cho tâm tất cả,
được tràn đầy hạnh phúc!
 
Không lừa đảo lẫn nhau,
thường bất khinh khắp chốn
khi tâm đang oán giận,
không mong hay nguyền rủa,
cho ai khác bị hại,
 
Như là một người mẹ,
luôn che chở cho con,
bằng cả mạng sống mình.
Hãy phát tâm vô lượng,
cho lòng Từ vô biên,
bao trùm cả thế giới
trên, dưới và khắp nơi
không cách trở hẹp hòi,
hết giận hờn thù ghét.
 
Khi đang đứng hay đi,
khi ngồi hay khi nằm,
bao giờ còn thức tỉnh,
giữ niệm Từ Bi này,
đây chính là tâm trạng:
Cao Đẹp nhất trong đời.
 
Không rơi vào tà kiến,
giữ đạo đức Tri Kiến,
từ bỏ các căn dục
Ai làm được thế,
không còn chui bào thai,
quay lại thế gian này.”

(“Kinh Tập”(Suttanipàta) I. 8, thuộc Kinh Tiểu Bộ).

    

 

Kinh Hạnh Phúc
(Mangala-sutta)

“Tôi nghe như vầy:

Trong một lần Đức Thế Tôn lưu trú tại tu viện Kỳ-Viên do ông Cấp-Cô-Độc xây ở khu rừng Kỳ-Đà, gần Sāvatthi (Xá-vệ). Lúc bấy giờ đã quá nửa khuya, một vị thần với hào quang rạng r, chiếu sáng cả Khu Rừng Kỳ-Đà, diện kiến Đức Thế Tôn, đến gần và nghiêm trang đánh lễ Người rồi đứng qua một bên. Sau khi đứng qua một bên, vị thần liền thưa với Đức Phật, bằng những vần kệ như sau:

1.
“Chư thiên thần và người
Ngày đêm trông điềm lành
Nguyện cầu: ‘Xin cho gặp,
Phúc Lành Cao Đẹp Nhất!’.
 
(Đức Thế Tôn dạy rằng:)
2.
Không giao lưu kẻ ác
Gần gũi người trí hiền
Kính trọng người đáng trọng
-Là Phúc Lành Cao nhất.
 
3.
Sống ở nơi thích hợp
Đã tạo nhiều nghiệp tốt
Chọn theo đường chánh Đạo
-Là Phúc Lành Cao nhất.
 
4.
Kỹ năng nghề nghiệp giỏi
Tuân thủ tốt nghi luật
Nói lời thật ôn hòa
-Là Phúc Lành Cao nhất
 
5.
Luôn phụng dưỡng mẹ cha
Yêu thương vợ con nhiều
Làm những nghề chánh thiện
-Là Phúc Lành Cao Nhất.
 
6.
Luôn san sẻ đúng mực
Giúp người thân họ hàng
Làm những việc đáng khen
-Là Phúc Lành Cao nhất.
 
7.
Ngừng và tránh việc ác
Tránh say sưa rượu chè
Chuyên cần giữ đức hạnh
-Là Phúc Lành Cao nhất.
 
8.
Kính trọng và khiêm nhường
Hài lòng và biết ơn
Nghe học Pháp đúng lúc
- Là Phúc Lành Cao nhất.
 
9.
Tự chủ sống Phạm Hạnh
Thấy được bốn Diệu Đế
Và chứng ngộ Niết-bàn
- Là Phúc Lành Cao nhất.
 
10.
Lúc gặp phải thăng trầm
(của cuộc sống thế gian)
Tâm người vẫn vô ưu
An bình và vô nhiễm
- Là Phúc Lành Cao nhất.
 
11.
Ai làm được như thế
Tự tại khắp mọi nơi
Mọi nơi được hạnh phúc
-Những điều trên chính là:
-Những Phúc Lành Cao nhất.”
 
  (“Kinh tập” (Suttanipàta), II, 4, Tiểu Bộ Kinh)

 

Kinh Lời Khuyên Dạy Sigàla
(Sigàlovàda-sutta) (trích dịch)
 “Quan Hệ Trong Gia Đình & Ngoài Xã Hội”

“Tôi nghe như vầy. Một lần Thế Tôn sống gần Ràjagaha (thành Vương Xá), chỗ khu vực tìm ăn của loài sóc, tại rừng Trúc Lâm.

Lúc bấy giờ, Sigàla, con của một gia chủ, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước, chấp tay thấp, vái lạy các phương của đất và trời: phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, dưới Thiên Đế, trên Thiên Đỉnh.[1]

Cũng buổi sáng sớm hôm ấy, Thế Tôn đắp y, cầm y bát vào thành Vương xá để khất thực. Thế Tôn thấy Sigàla đang thực hiện những nghi lễ cúng lạy, Người nói với anh ta như vầy:

“Này chủ gia trẻ, vì sao anh dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chấp tay cúng lạy các phương của đất và trời như vậy?”

“Thưa Ngài, khi cha con gần chết, người có dặn con: “Này con thân yêu, hãy thờ cúng các phương của đất và trời. Vì vậy thưa Ngài, để thực hiện lời dặn của cha, tôn trọng, cung kính lời dặn thiêng liêng, thức dậy sớm và, rời thành Vương-Xá, cúng lạy theo cách như vậy.”

“Này chủ gia trẻ, nhưng theo Nghi Luật của Thánh Nhân (Àrya), sáu phương không phải được cúng lạy như vậy.

“Vậy thưa Ngài, theo Nghi Luật của bậc Thánh Nhân thì sáu phương nên được cúng lạy như thế nào? Thật là tốt đẹp nếu Đức Thế Tôn dạy cho con biết được cách mà sáu phương được cúng lạy theo như Nghi Luật của bậc Thánh nhân.”

“Hãy nghe đây, chủ gia trẻ, hãy suy nghiệm cẩn thận, ta sẽ nói cho anh nghe.”

“Dạ thưa Ngài”, Sigàla trả lời.

Và Đức Thế Tôn:

“Này chủ gia trẻ, đệ tử của bậc Thánh Nhân đã dẹp bỏ bốn điều xấu ác về đạo đức; như là không làm những hành động xấu ác từ bốn động cơ thúc giục; như là không bước xa đến sáu cửa để phung phí tiền của, tránh xa mười bốn điều xấu ác này, người ấy là người bảo vệ sáu phương, đang trên bước đường chinh phục cả hai thế giới, thành đạt trong đời này và đời sau. Sau khi cơ thể tan ra, sau khi chết, người ấy sẽ được tái sinh vào nơi hạnh phúc ở cõi trời.

“Cái gì là bốn điều xấu ác mà người ấy dẹp bỏ? Đó là sự hủy diệt sự sống (sát sinh), trộm cắp, ngoại tình và nói dối. Đó là bốn điều xấu về đạo đức mà người ấy đã dẹp bỏ.

…………………..

“Bởi những động cơ nào thúc giục mà người ấy dẹp bỏ những hành động xấu ác? Hành động (nghiệp) xấu ác được thực hiện từ động cơ thúc giục của lòng thiên vị, sự thù ghét, sự ngu xuẩn và sợ hãi. Nhưng vì Nghi Luật Thánh Nhân không được bị chi phối bởi những động cơ này, cho nên người ấy không làm những hành động xấu ác do chúng thúc giục.

……………………

“Và sáu cửa để phung phí tiền của là gì? Uống rượu; đi ra ngoài đường phố vào những giờ không thích hợp; tụ tập, đình đám; cờ bạc; giao du với bạn xấu; lười biếng.

“Này chủ gia trẻ, có sáu nguy cơ của việc uống rượu:

- Mất tài sản thật sự;

- Gây thêm cãi vả, xích mích;

- Gây bệnh tật;

- Mang tiếng xấu rượu chè;

- Tư cách không đàng hoàng, đứng đắn;

- Làm ngu mụi trí óc.

“Này chủ gia trẻ, có sáu hiểm họa khi một người đi ra ngoài đường phố vào những giờ không thích hợp:

- Bản thân không được bảo vệ và đề phòng, và vợ con vì thế cũng không có ai bảo vệ;

- Tài sản, tiền của vì thế cũng không có ai bảo vệ;

- Bản thân, thêm vào đó, có thể bị rơi vào trường hợp đối tượng bị tình nghi trong những chỗ có tệ nạn gây ra;

- Tên tuổi bị tin xấu đồn đại;

- Sẽ gặp nhiều rắc rối, phiền phức khác.

“Này chủ gia trẻ, có sáu hiểm họa khi tụ tập, đình đám:

- Luôn tìm chỗ có nhảy múa?

- Luôn tìm chỗ xướng ca, hát hò?

- Luôn tìm chỗ có nhạc?

- Luôn tìm chỗ ngâm thơ, kể chuyện?

- Luôn tìm chỗ nhấc tay, trống dùi, chủm chọe?

- Luôn tìm chỗ đánh gõ trống cơm?

“Này chủ gia trẻ, có sáu hiểm họa khi cờ bạc:

- Nếu mình thắng, sẽ bị người thua ghét;

- Nếu mình thua, sẽ tiếc than tiền của bị mất;

- Lãng phí tiền của không đáng;

- Lời nói không còn giá trị nếu phân xử hay bị bắt ra tòa;

- Bị bạn bè, đồng nghiệp coi khinh;

- Không được chào đón trong hôn nhân, vì mọi người đều cho rằng kẻ cờ bạc chắc chắn không thể nào làm người chồng tốt.

 

“Có sáu hiểm họa khi giao du với bạn bè xấu:

- Gặp dân cờ bạc;

- Kẻ trụy lạc, ăn chơi;

- Kẻ nghiện rượu;

- Kẻ gian lận;

- Kẻ lừa đảo;

- Hay bất cứ kẻ bạo động nào.

 

“Có sáu điều xấu xảy ra với sự lười biếng:

- Người lười biếng hay nói: trời lạnh quá, không thể làm được;

- Người lười biếng hay nói: trời nóng quá, không thể làm được,

- Người lười biếng hay nói: còn quá sớm…hay đã quá trễ, không thể làm được;

- Người lười biếng hay nói: đói bụng quá…hay no quá, không thể làm được;

- Do đó, những việc cần làm không bao giờ làm xong;

- Do đó, không làm ra tiền của, và như vậy tiền của trong nhà cũng vơi cạn đi.

……………….............

 

“Bốn loại người nên được xem như kẻ thù, dù đang là bạn, đó là:

- Kẻ tham, chỉ biết lấy;

- Kẻ mồm mép, chỉ biết nói;

- Kẻ nịnh hót, chỉ biết ba phải;

- Kẻ vô dụng, chỉ có mặt xấu.

“Trong số này, kẻ thứ nhất được nhận dạng bởi vì bốn điều sau: Tham lam, chỉ biết lấy, bỏ ra ít đòi được nhiều; làm điều gì chỉ vì sợ hãi; làm chỉ tính lợi ích cho mình.

“Trong số này, kẻ thứ hai được nhận dạng vì bốn điều sau: Hay nói về sự hào hiệp trong quá khứ; hứa hẹn rộng lượng trong việc tương lai; toàn nói chuyện đạo đức suông; khi gặp chuyện cần nhờ thì không giúp được gì.

“Trong số này, kẻ thứ ba được nhận dạng vì bốn điều sau: Điều tốt cũng theo; điều xấu cũng theo; khen trước mặt; nói xấu sau lưng.

“Trong số này, kẻ thứ tư được nhận dạng vì bốn điều sau: Chỉ là bạn khi nhậu nhẹt (bạn nhậu); chỉ làm bạn khi mình ra đường phố lúc không thích hợp (bạn hè phố); chỉ là bạn ở nơi tụ tập, đình đám (bạn chơi bời); chỉ là bạn cờ bạc.

………………………

“Và bây giờ, này chủ gia trẻ, Nghi Luật Thánh Nhân bảo vệ sáu phương như thế nào?.[2]

Những đối tượng sau đây sẽ được coi là sáu Phương. Đức Phật nói với chàng trai trẻ rằng:

“Nghi Luật Thánh Nhân” (hay còn gọi là “Thánh Giới Luật” (ariyassa-vinaye) của Đức Phật về sáu phương thì khác”.

Theo “Thánh Giới Luật” (ariyassa-vinaye) của Đức Phật, sáu phương đó là:

Đông: Cha Mẹ;

Nam: Thầy Cô;

Tây: Vợ con;

Bắc: Bạn bè, họ hàng và láng giềng;

Thiên đế (nadir): Người ở, người làm, nhân viên;

Thiên đỉnh (zenith): Những người mộ đạo, người theo đạo, thánh nhân.

1) Đông: Cha Mẹ:

+ “Một người con phải có trách nhiệm đối với cha mẹ bằng năm cách sau đây (tự nhủ với chính mình):

- Vì được cha mẹ nuôi dưỡng, nên phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già yếu;

- Phải thực hiện những công việc giùm cho cha mẹ;

- Gìn giữ danh dự và duy trì gia phong của gia đình;

- Phải gìn giữ những gì cha mẹ đã vất vả đã làm ra và để lại cho mình; và

- Phải tổ chức lễ nghi, cũng kính khi cha mẹ đã qua đời.

+ “Còn đối với cha mẹ, cha mẹ cũng phải thể hiện tình yêu thương đối với con cái theo năm cách sau đây:

- Phải nuôi dạy khuyên răn con tránh xa đường xấu ác;

- Hướng, dạy con làm điều lành, điều thiện, điều có ích;

- Phải lo cho con cái được ăn học tốt;

- Gả cưới con cái cho những gia đình tốt; và

- Chuyển giao tài sản cho con cái đúng lúc.

“Bằng cách này, phương Đông được bảo vệ và an toàn cho người ấy”.

 

2) Nam: Thầy Cô:

+ “Một học trò phải có trách nhiệm với Thầy, Cô theo năm cách như sau:

- Học trò phải kính trọng, chào hỏi lễ phép;

- Vâng lời thầy cô của mình;

- Chú tâm đến những điều thầy cô cần;

- Vâng lời khi được nhờ sai; và

- Phải cố gắng học tập hết mình.

+ “Còn đối với người thầy phải có trách nhiệm đối với học trò theo năm cách sau đây:

- Dạy dỗ và uốn nắn học trò một cách đúng phép;

- Dạy học, dạy nghề cho học trò;

- Giới thiệu học trò với bạn bè mình, đồng nghiệp mình;

- Chăm lo an toàn cuộc sống; và

- Giúp đỡ, lo công ăn việc làm cho học trò khi đã học xong.

“Bằng cách này, phương Nam được bảo vệ và an toàn cho người ấy”.

 

3) Tây: Vợ Chồng:

+ “Một người chồng phải có trách nhiệm với ngườivợ theo năm cách sau đây:

- Người chồng luôn luôn chân thật với vợ;

- Không bao giờ bớt tôn trọng vợ mình;

- Anh ta yêu thương và chung thủy;

- Phải lo lắng phương tiện đi đứng và tiện nghi cho vợ mình; và

- Làm vui lòng vợ bằng cách mua quần áo, nữ trang để tặng vợ mình.

 

+ “Đối với người vợ, người vợ phải có trách nhiệm với người chồng theo năm cách sau đây:

- Phải trông nom, chăm sóc mọi chuyện nhà cửa, nội trợ;

- Tiếp đãi khách khứa đến thăm, bạn bè, bà con họ hàng và những người làm công cho gia đình mình;

- Phải yêu thương và chung thủy với chồng;

- Gìn giữ những tài sản người chồng đã làm ra;

- Phải tháo vát và khôn khéo trong mọi việc giúp chồng.

……………………………

“Bằng cách này, phương Nam được bảo vệ và an toàn cho người ấy”.

 

4) Bắc: Bạn bè, họ hàng và láng giềng:

+ “Theo năm cách, một người trong gia đình phải có trách nhiệm đối xử với bạn bè, họ hàng….như sau:

- Phải nên hoan hỉ và rộng lòng với người khác;

- Ăn nói hòa nhã, dễ nghe;

- Nên làm những việc có lợi lạc cho người khác;

- Phải sòng phẳng, bình đẳng trong mọi điều với mọi người;

- Nói lời chân thật, thật thà.

+ “Đối với những người bạn, họ hàng, phải có trách nhiệm thể hiện tình thương yêu đối với người ấy theo năm cách sau đây:

- Bảo vệ người ấy khi người ấy cần sự bảo vệ;

- Gìn giữ tài sản người ấy khi người ấy bất lực;

- Phải giúp đỡ khi người khác cần;

- Không nên bỏ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn;

- Làm nơi nương nhờ khi anh ấy gặp hiểm nguy.

...........................................

“Bằng cách này, phương Bắc được bảo vệ và an toàn cho người ấy”.

 

5) Thiên đế (nadir): Người ở, người làm, nhân viên:

+ “Người chủ phải có trách nhiệm đối với người ở, người làm theo năm cách sau đây:

- Giao công việc phải phù hợp với khả năng của người làm;

- Phải nên trả lương, cung cấp thức ăn tương xứng với lao động của họ;

- Phải cung cấp thuốc men cho họ khi họ đau ốm;

- Đôi lúc chia sẻ một ít cao lương mỹ vị cho họ;

- Cho họ nghỉ phép và nhiều lúc phải cho thêm hoặc thưởng công cho họ để khuyến khích họ.

+ “Đối với người làm thuê, vì được chủ đối đãi như vậy, nên cũng đáp lại bằng trách nhiệm theo năm cách sau đây:

- Dậy sớm trước chủ;

- Đi ngủ sau chủ;

- Thật thà chỉ nhận lấy những gì được cho;

- Làm tốt mọi việc;

- Nói tốt đẹp về chủ, giữ gìn uy tín cho gia đình người chủ.

………………………….

“Theo cách này, Thiên Đế được bảo vệ và an toàn cho người ấy”.

 

6) Người mộ đạo, tu sĩ, Thánh nhân, Bà-la-môn……:

+ “Những người cư sĩ tại gia phải có trách nhiệm đối với Người mộ đạo, tu sĩ, thánh nhân, Bà-la-môn….. theo năm cách sau đây:

- Hành động quý mến;

- Lời nói quý mến;

- Suy nghĩ quý mến;

- Mở rộng nhà cửa tiếp đón;

- Chăm lo, cấp dưỡng cho những nhu cầu vật chất của người xuất gia với lòng thương mến và kính trọng.

 

+ “Đối với Người mộ đạo, tu sĩ, thánh nhân, Bà-la-môn…..có trách nhiệm đối với người tại gia đó theo sáu cách như sau:

- Hướng dẫn họ đi theo con đường tốt, làm điều thiện;

- Hướng dẫn họ tránh xa điều xấu, điều ác;

- Thương mến họ với suy nghĩ tốt đẹp;

- Truyền đạt, phổ biến những kiến thức (bố thí Pháp) mà họ chưa học được;

- Đính chính và làm rõ những gì họ đã học được;

- Chỉ cho họ con đường hướng thượng, để được lên cõi trời.

…………………………..

“Theo cách này, Thiên Đỉnh được bảo vệ và an toàn cho người ấy”.

Sau khi Đức Thế Tôn giảng giải như vậy, chủ gia trẻ Sigàla nói lên điều này:

“Thật vi diệu, Đức Cồ-Đàm, thật xuất chúng! Giống như người nên đứng thẳng dậy, sau bao lâu nay bị lộn đầu xuống đất, hãy phơi bày những điều bị che giấu hoặc chỉ đường cho người lạc lối, hoặc đem ngọn đèn vào soi bóng tối để cho ai có mắt sẽ được nhìn thấy mọi vật. Cứ như vậy, Giáo Pháp đã được Đức Cồ-Đàm khéo léo giảng dạy bằng nhiều cách. Nay con xin quy y nương tựa vào Đức Cồ-Đàm, vào Giáo Pháp và vào Tăng Đoàn. Con xin Đức Thế Tôn chấp nhận con là đệ tử tại gia quy y nương tựa vào Người cho đến cuối đời.”

 (“Trường Bộ Kinh” (Dìgha Nikàya), Kinh số 31).

 

*Chú Thích:

[1] Bây giờ Đức Phật giải thích cho Sagala rõ sáu phương đó là những gì và làm thế nào để ‘thờ cúng’ những phương đó theo đúng Nghi Luật Thánh Nhân (Thánh Giới Luật), bằng cách thực hiện những nghĩa vụ và bổn phận đối với những ‘phương’ đó, thay vì chỉ thực hiện việc cúng lạy theo truyền thống cũ của Bà-la-môn. Nếu ‘sáu phương’ được bảo vệ theo cách này, thì những phương được bảo vệ và an toàn, và không còn hiểm họa đến từ đó. Bà-la-môn cũng thờ cúng các phương của thế gian với mục đích ngăn chặn những hiểm họa đến từ những linh hồn và thánh thần ngụ ở những phương đó.

[2] Việc cúng lạy các phương khác nhau của thế gian là để cầu khẩn để ‘được sự bảo vệ’ từ những linh hồn và thánh thần đang ngụ tại những phương đó, là tục lệ ngày trước của truyền thống Vệ-Đà. Đức Phật là người không đồng tình và bài bác những tục lệ mê tín đó, mà đưa vào những ý nghĩa mới cho những phương đó và giảng giải cho những người như vậy. So sánh với ‘Kinh Ví Dụ Về Tấm Vải’, ở đó Đức Phật nói với một Bà-la-môn rằng ‘sự tắm rửa từ bên trong’ (tức trong tâm, nội tâm) mới là quan trọng thay vì những tục lệ ‘tắm trong dòng nước thiêng của những dòng sông linh thiêng’ để gột rửa tội lỗi.

 

Kinh Ví Dụ Về Tấm Vải
(Vatthùpama-sutta) (trích dịch)
Tự Mình Làm Trong Sạch Mình

Tôi nghe như vầy: Trong một lần Đức Thế Tôn lưu trú tại tu viện Kỳ-Viên do ông Cấp-Cô-Độc xây ở khu rừng Kỳ-Đà, gần Sāvatthi (Xá-vệ).

Lúc đó, Đức Phật nhìn xuống các Tỳ kheo và nói: “Này các Tỳ kheo”, và tất cả đáp lại rằng: “Dạ, thưa Đức Thế Tôn”. Đức Thế Tôn nói rằng:

1. “Nếu một tấm vải bị dính đất hoặc dơ dáy bị một người thợ nhuộm nhúng vào thùng nhuộm- màu xanh, vàng, đỏ hay hồng- thì nó sẽ vẫn là tấm vải có màu nhuộm xấu và dơ dáy. Tại sao? Bởi vì tấm vải đó không sạch. Tương như tự vậy, này các Tỳ kheo, khi tâm người không trong sạch, ắt hẳn một cuộc sống tương lai xấu đang chờ đợi

2. “Nếu một tấm vải hoàn toàn sạch được một người thợ nhuộm nhúng vào thùng nhuộm - màu xanh, vàng, đỏ hay hồng - thì nó sẽ trở thành tấm vải có màu nhuộm đẹp và sạch sẽ. Tại sao? Bởi vì tấm vải đó sạch. Tương tự như vậy, này các Tỳ kheo, khi tâm người trong sạch, ắt hẳn một cuộc sống tương lai tốt đẹp đang chờ đợi.

3. “Bây giờ, thế nào là sự ‘không trong sạch’ (không thanh tịnh, bất tịnh) của tâm? Sự tham lam - quá tham muốn - là một dạng bất tịnh của tâm; thù ghét…tức giận…oán cừu…đạo đức giả…hiểm độc…ghen tỵ...hám lợi…gian trá….lừa đảo...ngang bướng…kiêu căng…phóng đại...lười biếng là một dạng bất tịnh của tâm.

“Này các Tỳ kheo, khi Tỳ kheo đó nhận biết được sự tham lam - quá tham muốn - là một dạng bất tịnh của tâm, thì từ bỏ nó; nhận biết được sự thù ghét…tức giận…oán cừu...đạo đức giả…hiểm độc…ghen tỵ…hám lợi…gian trá….lừa đảo…ngang bướng…kiêu căng…phóng đại…lười biếng là một dạng bất tịnh của tâm, thì từ bỏ nó.

“Này các Tỳ kheo, khi tỳ kheo đó đã từ bỏ sự tham lam - quá tham muốn - nhận biết được là một dạng bất tịnh của tâm; khi người ấy đã từ bỏ sự thù ghét…tức giận…oán cừu...đạo đức giả…hiểm độc…ghen tỵ...hám lợi…gian trá….lừa đảo...ngang bướng…kiêu căng…phóng đại…lười biếng là một dạng bất tịnh của tâm, nhận biết được là một dạng bất tịnh của tâm, thì:

─ “Người ấy sẽ thấy được sự an lạc (sự mãn nguyện) với niềm tin vào Người Giác Ngộ (Phật): (biết rõ rằng) “Đức Thế Tôn là bậc Đáng Tôn Kính (bậc A-la-hán), là bậc Giác Ngộ Hoàn Toàn (bậc Toàn Giác), bậc Có Đủ Trí Đức (Minh Hạnh Túc), bậc Thượng Đẳng (Thiện Thệ), bậc Hiểu Biết Thế Giới (Thế Gian Giải), bậc Điều Phục Con Người (Điều Ngự Trượng Phu), Thầy của Trời và người (Thiên Nhân Sư), Phật, và Thế Tôn.”

─ “Người ấy sẽ thấy được sự an lạc (sự mãn nguyện) với niềm tin vào Giáo Pháp (Pháp): (biết rõ rằng) “Pháp được Đức Thế Tôn khéo léo giảng dạy; thực tế có thể chứng ngộ được trong cuộc sống này; dẫn đến kết quả lập tức (nhãn tiền); Pháp để mọi người ‘đến và thấy’; để dẫn đến mục tiêu giải thoát (Niết-bàn); người có trí sẽ chứng hiểu được.

─ “Người ấy sẽ thấy được sự an lạc (sự mãn nguyện) với niềm tin vào Tăng Đoàn (Tăng): (biết rõ rằng) “Tăng Đoàn của Đức Thế Tôn tu hành tốt đẹp, chánh trực, trí tuệ, trách nhiệm.

─ “Tăng Đoàn của Đức Thế Tôn: được gọi là Bốn Đôi, Tám vị (dạng người) [1], là đáng kính trọng, đáng được cúng dường (thức ăn, phẩm vật, thuốc men…), đáng được đảnh lễ (chấp tay, quỳ lạy) và là nơi để tạo công đức vô song, là phúc điền (ruộng phước) vô thượng ở trên đời”.

4. “Cuối cùng, với những bất tịnh đã được từ bỏ, được khử bỏ, được đào thải, được xả bỏ, và với ý nghĩ rằng ta đã đạt được sự an lạc với niềm tin vào Phật-Pháp-Tăng, người ấy sẽ được tiếp xúc với cảm thọ thật sự đối với Ý Thức và Chân Lý, và người ấy nhận được sự hoan hỷ đi kèm với Chân Lý; khi người hoan hỷ, niềm vui sẽ khởi sinh; khi tâm đầy những niềm vui, thân sẽ trở nên thư giãn, khinh an; khi được thư giãn, khinh an, người cảm thấy được sự hài lòng, mãn nguyện: Tâm của một người đã hài lòng, mãn nguyện sẽ được tập trung, sẽ Định, được (thiền) Định.

5. “Một Tỳ kheo đã đạt tới trạng thái về giới hạnh (giới), về tu tập tâm (định) và về trí tuệ (tuệ) như vầy, và nếu không còn chướng ngại đối với người ấy (trong đời sống tâm linh), người ấy có thể dự phần trong một bữa cơm ngon nhất với đầy đủ nước xốt và cà-ri. Đơn giản giống như một tấm vải dính đất và dơ dáy, nhúng vào trong chậu nước trong, nó sẽ trở thành sạch và không còn dơ dáy; cũng như miếng vàng, nhúng luyện qua lò lửa, nó sẽ trở thành sạch và tinh khiết;

“Tương tự vậy, một Tỳ kheo đã đạt tới trạng thái về giới hạnh (giới), về tu tập tâm (định) và về trí tuệ (tuệ) như vầy, người ấy có thể dự phần trong một bữa cơm ngon nhất với đầy đủ nước sốt và cà-ri, và sẽ không còn chướng ngại (nguy hại) đối với người ấy (trong đời sống tâm linh).

6. “Với những ý nghĩ về tình yêu thương, lòng từ ái (Từ) – lòng bi mẫn (Bi) – Lòng vui vẻ, hoan hỷ (Hỷ) – Lòng buông xả, vô tư (Xả), người ấy rải tâm mình đến một phương, rồi hai phương, ba phương, bốn phương, trên, dưới, ngang dọc; Toàn thể thế giới được bao trùm bởi những ý nghĩ của một cái tâm bao trùm, vô lượng, vô biên, không còn hận thù, xấu ác.

“Rồi người ấy biết rõ: “Có cái này (tồn tại), có tầng thấp hơn và tầng cao hơn (Tâm)[2]; Sự giải thoát (nằm bên trên) vượt trên phạm vi của sự nhận thức (sự nhận thức đối với các phạm trú nói trên- ND). [3]

“Khi người ấy biết và thấy điều này, tâm của người ấy được giải thoát khỏi những bất tịnh về khoái lạc giác quan, khỏi những (dục vọng được) tái hiện hữu và khỏi sự vô minh.

“Khi được giải thoát, có ‘sự biết rõ’ là mình được giải thoát. Rồi anh ta biết rõ:“Sinh đã tận hết, đời sống thánh thiện đã được sống, cái gì phải làm đã được làm, không còn gì để làm về vấn đề này nữa”. Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo như vầy được gọi là người đã “tắm gội bên trong”(nội tâm).

 

7. Lúc bấy giờ, có một Bà-la-môn tên là Sundarika-Bharadvaja ngồi gần đó đã hỏi Đức Thế Tôn như sau:

“Đức Cồ-Đàm có đi tắm gội ở sông Bàhikà hay không?”

“Này hỡi Bà-la-môn, sông Bàhikà thì có dính dáng gì đến vấn đề này? Nó làm được điều gì (tốt cho ta)?”

“Thưa Đức-Cồ Đàm, dòng sông Bàhikà được nhiều người cho là linh thiêng, làm trong sạch người. Nhiều người đã gội sạch tội lỗi ở sông Bàhikà đó”.

Ngay lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói cho Bà-la-môn Sundarika-Bharadvaja bằng những lời kệ như sau:

“Sông Bàhukà và Adhikakkà
Sông Gayà, Sundarikà
Sarassatì, Payàna và Bàhumatì
Kẻ ngu tắm cả đời
Không tẩy được nghiệp đen
Người hận thù, ác độc
Cũng không sạch được gì
 
Ai nội tâm trong sạch
Mỗi ngày đều hạnh phúc
Mỗi ngày đều thiêng liêng
Sạch sẽ, nghiệp thanh tịnh
Giữ mình theo nghi luật
 
Vì vậy Bà-la-môn
Hãy đến tắm ở đây:
Yêu thương mỗi chúng sinh
Không nói dối, sát sinh
Không trộm cắp, keo kiệt
Sống trong niềm tin nhau
 
Đi Gayà làm gì?
Nên về ‘tắm ao ta’
‘Giếng nhà’ là Gayà”.

Lúc đó, Bà-la-môn Sundarika-Bhàradvàja thưa với Đức Thế Tôn:

“Thật vi diệu, Đức Cồ-Đàm, thật xuất chúng! Giống như người nên đứng thẳng dậy, sau bao lâu nay bị lộn đầu xuống đất, hãy phơi bày những điều bị che giấu, hoặc chỉ đường cho người lạc lối, hoặc đem ngọn đèn vào soi bóng tối để cho ai có mắt sẽ được nhìn thấy mọi vật. Cứ như vậy, Giáo Pháp đã được Đức Cồ-Đàm khéo léo giảng dạy bằng nhiều cách. Nay con xin quy y nương tựa vào Đức Cồ-Đàm, vào Giáo Pháp và vào Tăng Đoàn. Con xin được gia nhập Tăng Đoàn và được thọ Đại Giới Tỳ kheo dưới Đức Cồ-Đàm”.

Bà-la-môn Sundarika-Bhàradvàja đã được nhận vào Tăng Đoàn và thọ Đại Giới Tỳ kheo. Chẳng bao lâu sau khi thọ giới, Ngài Bhàradvàja về ở một mình, ẩn dật, nhiệt tâm, nghị lực, tinh tấn và đã chứng đạt được trạng thái tâm linh cao nhất, mục tiêu cứu cánh tột cùng của đời sống thánh thiện, mà vì mục tiêu đó, nhiều người con đã ra đi khỏi gia đình để trở thành những tu sĩ xuất gia.

Và Ngài đã biết, bằng tri kiến siêu việt:

“Sinh đã tận hết, đời sống thánh thiện đã được sống, cái gì phải làm đã được làm, không còn gì để làm về vấn đề này nữa”.

Và, cũng như vậy, bằng cách này, Ngài Bhàradvàja đã trở thành một trong những A-la-hán.”

 (“Trung Bộ Kinh” (Majjihima-nikàya), Kinh số.7).

 

*Chú Thích:

[1] Bốn Đôi Người bao gồm bốn dạng Tỳ kheo đã chứng ngộ được bốn Con Đường (Thánh Đạo) và bốn dạng Tỳ kheo chứng đạt được bốn Thánh Quả, theo thứ tự là:

1. ‘Nhập vào Dòng Thánh’ (sotàpatti, Nhập Lưu),

2. ‘Quay lại Một Lần’ (Sakakàgàmi, Nhất Lai), tức còn tái sinh lại thế gian này một lần nữa,

3. ‘Không Còn Quay Lại Nữa’ (Anàgàmi, Bất Lai), tức không còn tái sinh lại thế gian lần nào nữa; và

4. ‘Thánh Nhân’ (một ‘ariya-puggala’), một ‘A-la-hán (‘Arahatta’) : Bậc Vô sinh…).

Một người đã chứng ngộ một ‘chặng’ con đường Thánh Đạo cùng với một người đã chứng đạt Thánh Quả của ‘chặng đó’, được ghép thành một Đôi. Vì thế, sẽ có được Bốn Đôi, một đôi có hai người, nên tất cả gồm tám Người, hay là tám dạng người ở những giai đoạn chứng ngộ Đạo và chứng đạt Thánh Quả khác nhau.

Ví dụ: A, B, C, D là bốn ‘chặng’ hay ‘bậc’ con đường ‘Thánh Đạo’ và E, F, G, H là bốn ‘Thánh Quả’. Vậy bốn đôi có thể là: AE, BF, CG, DH, tám người. Một người sau khi đã chứng đạt Thánh Quả ‘Bất Lai’ và hiện tiếp tục đang ở ‘chặng’ để chứng đạt A-la-hán sẽ được ghép với một người đã chứng đạt Thánh Quả A-la-hán. - ND.

[2] Có nghĩa là: Anh ta thấy được “Có cái này (tồn tại), có cái thấp hèn và có cái xuất chúng (tầng thiền của Tâm)”. Nguyên văn: “so 'atthi idam atthi hinam atthi panitam...'pajanati” (He understands:‘There is this; there is a lower and there is yet a higher stage’, or ‘what exists, what is lower, what is excellent’).

- Khi định nghĩa về ‘tâm hay vật chất (danh & sắc), người ấy hiểu được “Cái này tồn tại”(atthi idánti: ‘Có cái này’). Đây là chân lý hay Diệu Đế về Khổ.

- Sau đó người ấy suy xét về Nguồn gốc của Khổ, người ấy hiểu được “Cái này là bậc thấp”. Đó là chân lý hay Diệu Đế về Nguồn gốc Khổ.

- Sau đó tiếp tục quán chiếu ý nghĩa của việc từ bỏ nó, người ấy hiểu được “Cái này là bậc cao hơn, xuất chúng”- Ở đây, chân lý hay Diệu Đế về Con Đường đã được định rõ.

(“- When defining 'mind and matter' in this manner, 'he understands what exists' (atthi idan'ti; lit. 'There is this'). Hereby a definition of the truth of suffering has been given." 

"- Then, in comprehending the origin of that suffering, he understands 'what is low.' Thereby the truth of the origin of suffering has been defined.

“- Further, by investigating the means of giving it up, he understands 'what is excellent. Hereby the truth of the path has been defined.") - (Theo Nyanaponika Thera, Thuvienhoasen.com).

[3] “… và cái được giải thoát khỏi sự nhận thức về những phạm trú ‘Từ, Bi, Hỷ, Xả’. Nguyên văn: “atthi uttari imassa saññaga-tassa nissaranam”, nghĩa là: “Người ấy biết: Niết-bàn là sự giải thoát vượt lên sự nhận thức (đối với những phạm trú “Tứ Vô Lượng Tâm” (Từ, Bi, Hỷ, Xả) người ấy đạt được. Ở đây, chân lý hay Diệu Đế về Sự Diệt Khổ đã được định rõ”.

"...and what escape there is from this (whole) field of perception" (atthi uttari imassa saññaga-tassa nissaranam). Comy.: "He knows: 'There is Nibbana as an escape beyond that perception of the “Divine Abidings” attained by me.' Hereby the truth of cessation has been defined."

 

 

Kinh Diệt Trừ Những Âu Lo & Phiền Não
 (Sabbàsava-sutta)
“Tu Tập Bảy Cách Quán Chiếu”

Tôi nghe như vầy: Trong một lần Đức Thế Tôn lưu trú tại tu viện Kỳ-Viên do ông Cấp-Cô-Độc xây ở khu rừng Kỳ-Đà, gần Sāvatthi (Xá-vệ).

Lúc đó, Đức Phật nhìn xuống các Tỳ kheo và nói: “Này các Tỳ Kheo”, và tất cả đáp lại rằng: “Dạ, thưa Đức Thế Tôn”. Đức Thế Tôn nói rằng:

 

(Phần Dẫn Nhập)

“Này các Tỳ kheo, Ta sẽ giảng giải cho các thầy những phương pháp hạn chế tất cả những âu lo & phiền não.[1] Hãy lắng nghe và quán chiếu một cách khéo léo; Ta sẽ nói cho các thầy.

“Dạ, thưa Đức Thế Tôn”, các Tỳ kheo đáp lại lời của Đức Phật.

Rồi Đức Phật thuyết giảng như sau:

“Này các Tỳ kheo, Ta nói sự diệt trừ những âu lo & phiền não cho (có thể thực hiện được bởi) những người biết và thấy, không phải cho những người không biết và không thấy. Một người cần phải biết và thấy những gì mới có thể thực hiện được sự diệt trừ những âu lo & phiền não?. Đó là sự quán chiếu khôn khéo và sự quán chiếu không khôn khéo.[2]

“Đối với những người quán chiếu không khôn khéo, thì khởi sinh những âu lo & phiền não vốn chưa khởi sinh; và (hơn nữa), những âu lo & phiền não đã khởi sinh càng tăng thêm.

“Đối với những người quán chiếu khôn khéo, thì không khởi sinh những âu lo & phiền não vốn chưa khởi sinh; và (hơn nữa), những âu lo & phiền não đã khởi sinh thì biến mất.

“Này các Tỳ kheo:

1) Có những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng tri kiến;

2) Có những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách kiềm chế;

3) Có những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách sử dụng;

4) Có những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách chịu đựng;

5) Có những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách tránh né;

6) Có những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách phân tán;

7) Có những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách tu tập.

 

1) Những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng Tri kiến

1.1) “Này các Tỳ kheo, thế nào là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng tri kiến?. Này các Tỳ kheo, một người phàm phu, ít học, không gặp bậc Thánh nhân, không biết rõ về những Lời Dạy của bậc Thánh nhân, không được dạy về những Lời Dạy của bậc Thánh nhân, không gặp được người tốt, không biết rõ về những Lời Dạy của người tốt, không được dạy về những Lời Dạy của người tốt, không hiểu được những điều cần được quán chiếu và những điều không nên quán chiếu. Vì không hiểu được những điều cần được quán chiếu và những điều không nên quán chiếu, người ấy lại quán chiếu những điều không nên quán chiếu và lại không quán chiếu những điều cần được quán chiếu.

a) “Bây giờ, này các Tỳ kheo, thế nào là những điều không nên quán chiếu mà người ấy lại quán chiếu?. Nếu, trong một người, khi quán chiếu những điều nào đó thì:

: Làm khởi sinh sự bất tịnh từ khoái lạc giác quan vốn chưa được khởi sinh, và (hơn nữa), sự bất tịnh từ khoái lạc giác quan đã khởi sinh trong người càng tăng thêm;

: Làm khởi sinh sự bất tịnh từ (dục vọng) được sống và được trở thành,…sự bất tịnh từ vô minh vốn chưa được khởi sinh, và (hơn nữa), sự bất tịnh từ vô minh đã khởi sinh trong người càng tăng thêm;

“Vậy, đó là những điều không nên quán chiếu, nhưng người ấy lại quán chiếu.”

 

b) “Bây giờ, này các Tỳ kheo, thế nào là những điều cần được quán chiếu mà người ấy lại không quán chiếu?. Nếu, trong một người, khi quán chiếu những điều nào đó thì:

: Không làm khởi sinh sự bất tịnh từ khoái lạc giác quan vốn chưa được khởi sinh, và (hơn nữa), sự bất tịnh từ khoái lạc giác quan đã khởi sinh trong người thì biến mất;

: Không làm khởi sinh sự bất tịnh từ (dục vọng) được sống và được trở thành,…sự bất tịnh từ vô minh vốn chưa được khởi sinh, và (hơn nữa), sự bất tịnh từ vô minh đã khởi sinh trong người thì biến mất;

“Vậy, đó là những điều cần được quán chiếu, nhưng người ấy lại không quán chiếu.”

 

c) “Vì quán chiếu những điều không nên quán chiếu, và lại không quán chiếu những điều cần được quán chiếu, nên làm khởi sinh những bất tịnh vốn chưa khởi sinh và những bất tịnh đã khởi sinh trong người thì càng tăng thêm. Người ấy quán chiếu một cách không khôn khéo (một cách không cần thiết) theo kiểu như sau:

  1. Tôi đã hiện hữu trong quá khứ?
  2. Tôi không hiện hữu trong quá khứ?
  3. Tôi là gì trong quá khứ ?
  4. Tôi như thế nào trong quá khứ ?
  5. Như đã từng là cái gì, thì tôi đã tái sinh thành cái đó trong quá khứ?
  6. Tôi sẽ hiện hữu trong tương lai?
  7. Tôi sẽ không hiện hữu trong tương lai?
  8. Tôi sẽ là gì trong tương lai?
  9. Tôi như thế nào trong tương lai?

10. Như đã từng là cái gì, thì tôi đã tái sinh thành cái đó trong tương lai?

Hoặc bây giờ ngay trong hiện tại người ấy lại nghi ngờ về bản thân mình như sau:

11. Tôi là tôi?

12. Tôi không là tôi?

13. Tôi là gì?

14. Tôi là thế nào?

15. Con người ‘tôi’ đến đây từ khi nào?

16. ‘Con người’ đó rồi sẽ đi về đâu?

 

“Khi người ấy quán chiếu không khôn khéo theo cách này, một trong sáu quan điểm sai lầm hay tà kiến sẽ khởi sinh trong anh ta:

  1. Tôi có một Bản Ngã: quan điểm này khởi sinh trong anh ta như thật và có thật.
  2. Tôi không có một Bản Ngã: quan điểm này khởi sinh trong anh ta như thật và có thật.
  3. Bằng Bản Ngã tôi nhận thấy được Bản Ngã: quan điểm này khởi sinh trong anh ta như thật và có thật.
  4. Bằng Bản Ngã tôi nhận thấy được sự Vô Ngã: quan điểm này khởi sinh trong anh ta như thật và có thật.
  5. Bằng sự Vô-Ngã tôi nhận thấy được Bản Ngã: quan điểm này khởi sinh trong anh ta như thật và có thật.
  6. Hoặc một quan điểm sai lầm khởi sinh trong anh ta như sau: Bản Ngã này của tôi, chính nó nói và cảm giác, nó nhận lãnh kết quả của những hành động tốt xấu, thiện nghiệp, ác nghiệp khắp nơi đây đó, Bản Ngã này là thường hằng, chắn chắn, trường tồn, bất biến, trước sau như một.

“Điều đó, các Tỳ kheo, được gọi là sự dính mắc vào lưới quan điểm, một rừng quan điểm, sự hoang mang của các quan điểm, sự chen lấn của các quan điểm, sự xung khắc của các quan điểm, sự bị trói (gông cùm) vào các quan điểm, không thể nào giải thoát người ấy khỏi sinh, già và chết, khỏi u sầu, than khóc, đau đớn, phiền não, tuyệt vọng; mà Ta nói rằng người ấy không giải thoát được bản thân mình khỏi Khổ đau (dukkha).

1.2) “Và, này các Tỳ kheo, những học trò cao quý có học, gặp được bậc Thánh nhân, biết rõ về những Lời Dạy của bậc Thánh nhân, đã được dạy về những Lời Dạy của bậc Thánh nhân, gặp được người tốt, biết rõ về những Lời Dạy của người tốt, đã được dạy về những Lời Dạy của người tốt, hiểu rõ được những điều cần được quán chiếu và những điều không nên quán chiếu. Vì hiểu rõ được những điều cần được quán chiếu và những điều không nên quán chiếu, người ấy không quán chiếu những điều không nên quán chiếu và chỉ quán chiếu những điều cần được quán chiếu.

a) “Bây giờ, này các Tỳ kheo, thế nào là những điều không nên quán chiếu và người ấy không quán chiếu?. Nếu, trong một người, khi quán chiếu những điều nào đó thì:

: Làm khởi sinh sự bất tịnh từ khoái lạc giác quan vốn chưa được khởi sinh, và (hơn nữa), sự bất tịnh từ khoái lạc giác quan đã khởi sinh trong người càng tăng thêm;

: Làm khởi sinh sự bất tịnh từ (dục vọng) được sống và được trở thành,...sự bất tịnh từ vô minh vốn chưa được khởi sinh, và (hơn nữa), sự bất tịnh từ vô minh đã khởi sinh trong người càng tăng thêm;

“Vậy, đó là những điều không nên quán chiếu và người ấy không quán chiếu.”

b) “Bây giờ, này các Tỳ kheo, thế nào là những điều cần được quán chiếu và người ấy quán chiếu?. Nếu, trong một người, khi quán chiếu những điều nào đó thì:

: Không làm khởi sinh sự bất tịnh từ khoái lạc giác quan vốn chưa được khởi sinh, và (hơn nữa), sự bất tịnh từ khoái lạc giác quan đã khởi sinh trong người thì biến mất;

: Không làm khởi sinh sự bất tịnh từ (dục vọng) được sống và được trở thành,…sự bất tịnh từ vô minh vốn chưa được khởi sinh, và (hơn nữa), sự bất tịnh từ vô minh đã khởi sinh trong người thì biến mất;

“Vậy, đó là những điều cần được quán chiếu, người ấy thật quán chiếu.”

c) “Vì không quán chiếu những điều không nên quán chiếu, và chỉ quán chiếu những điều cần được quán chiếu, nên không làm khởi sinh những bất tịnh vốn chưa khởi sinh và (hơn nữa), những bất tịnh đã khởi sinh trong người thì biến mất.

“Người ấy quán chiếu một cách khôn khéo: Đấy là Khổ (dukkha).

“Người ấy quán chiếu một cách khôn khéo: Đấy là Sự khởi sinh (nguyên nhân, nguồn gốc) cuả Khổ (dukkha-samudaya).

“Người ấy quán chiếu một cách khôn khéo: Đấy là Sự Chấm dứt Khổ (dukkha- nirodha).

“Khi người ấy quán chiếu một cách khôn khéo theo cách này, thì ba cái Cùm (sự trói buộc): Ý nghĩa sai lầm về tự ngã, Sự nghi ngờ và Sự dính chặt vào những lễ nghi & tục lệ sẽ bị tháo gỡ khỏi mình.

“Này các Tỳ kheo, đó là những phiền não (những bất tịnh, những gông cùm trói buộc) nên được diệt trừ bằng tri kiến.”

2) Những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách Kiềm chế

“Này các Tỳ kheo, thế nào là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách kiềm chế?

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo suy xét một cách khôn khéo, người ấy sống với mắt được kiềm chế. Bây giờ, nếu có những phiền não, đau buồn và bực bội xảy ra đối với người ấy khi người ấy sống không kiềm chế mắt, thì những phiền não, đau buồn và bực bội đó sẽ không xảy ra khi người ấy sống kiềm chế mắt theo cách như vậy.

“Suy xét một cách khôn khéo, người ấy sống với tai được kiềm chế….với mũi được kiềm chế…. với lưỡi được kiềm chế….với thân được kiềm chế….với tâm được kiềm chế.

“Bây giờ, nếu có những phiền não, đau buồn và bực bội xảy ra đối với người ấy khi người ấy sống không kiềm chế tâm, thì những phiền não, đau buồn và bực bội đó sẽ không xảy ra khi người ấy sống kiềm chế tâm theo cách như vậy.

“Này các Tỳ kheo, đó là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách kiềm chế.”

3) Những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách Sử dụng

“Này các Tỳ kheo, thế nào là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách sử dụng?

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo, suy xét một cách khôn khéo, sử dụng một y cà-sa ─ chỉ để che mình khỏi cái lạnh, che mình khỏi cái nóng, che mình khỏi ruồi muỗi, khỏi gió, khỏi nắng gắt, và khỏi những côn trùng, bò sát, và để làm trang phục cho mình.

“Suy xét một cách khôn khéo, người ấy sử dụng thức ăn ─ không phải vì sự ngon của thức ăn hay vì ham ăn ham uống, không phải thức ăn để làm đẹp hay thức ăn để trang hoàng, mà chỉ để giữ cho cơ thể được sống, để khỏi đau bệnh và để nuôi thân để tu hành phạm hạnh, suy nghĩ rằng: Bằng cách này, ta làm cho hết cảm giác (khổ sở, đói khát) đã có trước đó, và sẽ không tạo ra cảm giác mới, và cuộc sống của ta sẽ được duy trì mà không bị chê bai (không tổn hại).

“Suy xét một cách khôn khéo, người ấy sử dụng chỗ ở ─ chỉ để che mình khỏi cái lạnh, che mình khỏi cái nóng, che mình khỏi ruồi muỗi, khỏi gió, khỏi ánh nắng, và khỏi những côn trùng, bò sát, để tránh những rủi ro thời tiết cuả các mùa, và dùng làm nơi ẩn dật để tu hành.

“Suy suy xét một cách khôn khéo, người ấy sử dụng những thuốc thang và dụng cụ y tế ─ chỉ để phòng trừ đau đớn và bệnh tật có thể có, và nhằm duy trì sức khoẻ.

“Này các Tỳ kheo, nếu có những phiền não, đau buồn và bực bội xảy ra đối với người ấy khi người ấy sống không biết cách sử dụng (bất kỳ phương tiện nói trên), thì những phiền não, đau buồn và bực bội đó sẽ không xảy ra khi người ấy sống biết sử dụng mỗi phương tiện theo cách như vậy.

“Này các Tỳ kheo, đó là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách Sử dụng (các phương tiện sống).

4) Những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách Chịu đựng

“Này các Tỳ kheo, thế nào là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách chịu đựng?

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo, suy xét một cách khôn khéo, dàn xếp bản thân đương đầu với nóng lạnh, đói khát, ruồi muỗi, gió bão, nắng gắt và côn trùng bò sát, những lời lăng mạ và sỉ nhục, người ấy trở nên quen dần với sự chịu đựng những cảm giác cực thân, như đau đớn, buốt giá, gai nhọn, khắc nghiệt, khó chịu, khó ở, bực bội, chết chóc. 

“Này các Tỳ kheo, nếu có những phiền não, đau buồn và bực bội xảy ra đối với người ấy khi người ấy sống không biết cách chịu đựng (bất kỳ hoàn cảnh nói trên), thì những phiền não, đau buồn và bực bội đó sẽ không xảy ra khi người ấy sống biết cách chịu đựng theo cách như vậy.

“Này các Tỳ kheo, đó là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách chịu đựng (các hoàn cảnh sống).

5) Những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách Tránh né

“Này các Tỳ kheo, thế nào là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách tránh né?

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo, suy xét một cách khôn khéo, tránh né một con voi dữ, một con ngựa chứng, một con bò điên, một con chó dại, tránh một con rắn, một gốc cây, một hàng rào gai nhọn, hang lổ, vách núi, ao tù sình lún, dơ bẩn.

“Suy xét một cách khôn khéo, người ấy cũng tránh ngồi ở những chỗ không nên ngồi, và tránh lui tới những nơi không nên lui tới, tránh những bạn bè xấu mà nếu giao du thì dễ bị các bạn tu cho là bị lầm đường lạc lối.

“Này các Tỳ kheo, nếu có những phiền não, đau buồn và bực bội xảy ra đối với người ấy khi người ấy sống không biết cách tránh né (bất kỳ đối tượng nói trên), thì những phiền não, đau buồn và bực bội đó sẽ không xảy ra khi người ấy sống biết cách tránh né theo cách như vậy.

“Này các Tỳ kheo, đó là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách tránh né (các đối tượng cần tránh).

6) Những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách Phân tán

“Này các Tỳ kheo, thế nào là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách phân tán?

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo, suy xét một cách khôn khéo, không-cam-chịu, khước từ, bỏ đi, diệt trừ, dập tắt những ý nghĩ về khoái lạc giác quan đã khởi sinh trong người; người ấy không-cam-chịu những ý nghĩ về xấu ác….người ấy không-cam-chịu…. những ý nghĩ về hung dữ bạo lực....người ấy không-cam--chịu, khước từ, bỏ đi, diệt trừ, dập tắt bất kỳ những ý nghĩ xấu ác và không lành mạnh nào đã khởi sinh trong người.

“Này các Tỳ kheo, nếu có những phiền não, đau buồn và bực bội xảy ra đối với người ấy khi người ấy sống không biết cách phân tán (bất kỳ cảm thọ… nói trên), thì những phiền não, đau buồn và bực bội đó sẽ không xảy ra khi người ấy sống biết cách phân tán theo cách như vậy.

“Này các Tỳ kheo, đó là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách phân tán (các cảm thọ…xấu, không lành mạnh).

7) Những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách Tu tập

“Này các Tỳ kheo, thế nào là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách tu tập?

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo, suy xét một cách khôn khéo, tu tập sự Chánh Niệm, như một Yếu Tố Giác Ngộ, cùng với sự tháo gỡ, sự bỏ lơ, sự không tham đắm, sự chấm dứt, sự lìa bỏ thuần thục.

“Suy xét một cách khôn khéo, tu tập sự Trạch Pháp (nghiên cứu, học hỏi Giáo pháp), như một Yếu Tố Giác Ngộ….Năng lượng Tinh Tấn, như một Yếu Tố Giác Ngộ…. sự Hoan Hỷ, như một Yếu Tố Giác Ngộ.... sự Khinh An, như một Yếu Tố Giác Ngộ.… sự Chánh Định, như một Yếu Tố Giác Ngộ…. sự Buông Xả, như một Yếu Tố Giác Ngộ [3], cùng với sự tháo gỡ, sự bỏ lơ, không tham dám, sự chấm dứt, sự lìa bỏ thuần thục.

“Này các Tỳ kheo, nếu có những phiền não, đau buồn và bực bội xảy ra đối với người ấy khi người ấy sống không biết cách tu tập (bất kỳ Yếu Tố Giác Ngộ nói trên), thì những phiền não, đau buồn và bực bội đó sẽ không xảy ra khi người ấy sống biết cách tu tập theo cách như vậy.

“Này các Tỳ kheo, đó là những âu lo & phiền não được diệt trừ bằng cách tu tập (những Yếu Tố Giác Ngộ).

(Kết luận)

“Này các Tỳ Kheo, những âu lo & phiền não phải được diệt trừ bằng tri kiến, đã được diệt trừ bằng tri kiến.

“Này các Tỳ Kheo, những âu lo & phiền não phải được diệt trừ bằng cách kiềm chế, đã được diệt trừ bằng cách kiềm chế.

“Này các Tỳ Kheo, những âu lo & phiền não phải được diệt trừ bằng cách sử dụng, đã được diệt trừ bằng cách sử dụng.

“Này các Tỳ Kheo, những âu lo & phiền não phải được diệt trừ bằng cách chịu đựng, đã được diệt trừ bằng cách chịu đựng.

“Này các Tỳ Kheo, những âu lo & phiền não phải được diệt trừ bằng cách tránh né, đã được diệt trừ bằng cách tránh né.

“Này các Tỳ Kheo, những âu lo & phiền não phải được diệt trừ bằng cách phân tán, đã được diệt trừ bằng cách phân tán.

“Này các Tỳ Kheo, những âu lo & phiền não phải được diệt trừ bằng cách tu tập, đã được diệt trừ bằng cách tu tập.”

(Kinh Trung Bộ (Majjihima-nikaya) Kinh Số.2)

*Chú Thích:

[1] Kinh tên là ‘Sabbàsava-sutta’. Theo tiếng Pali, từ ‘sabb’ nghĩa là: tất cả. Từ ‘àsava’: trong kinh này bao hàm nhiều nghĩa sâu rộng hơn là nghĩa thông thường của nó về vấn đề tâm lý học và đạo đức như là: ‘dòng chảy vào’, ‘dòng chảy ra’, ‘ô nhiễm’, ‘không sạch’, ‘bất tịnh’. Ở đây nó được dùng một cách hình tượng và nó bao hàm cả hai nghĩa: ‘những âu lo về mặt tâm lý’ và ‘những phiền não và những khó khăn, khó chịu về mặt vật chất’, như bạn sẽ được thấy kinh diễn tả ở phần sau - TG.

(Vì thế, tác giả đã nhất định dịch chữ “sabbàsava” là:“Tất cả những Âu lo & phiền não” (bản tiếng Anh ghi: “All cares and troubles”). Những bản dịch từ tiếng Hán qua tiếng Hán Việt trước đây thì dịch là: “Tất cả những Lậu Hoặc” - ND).

[2] “Quán chiếu” hay “Quán chiếu khôn khéo”: “yoniso manasikāra”, Hán Việt trước đây dịch là ‘như lý tác ý’, nghĩa là dùng tâm hay nhận thức để suy xét một cách khôn khéo, phù hợp với “đạo lý”, với chân lý hay nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng - ND.

[3] Xem thêm phần quán niệm “Bảy Yếu Tố Giác Ngộ” (Thất Giác Chi) trong Chương VII “Thiền” (Bhāvanā) – ND

 

Kinh Niệm Xứ
(Satipathàna-sutta)

Tôi nghe như vầy. Đức Thế Tôn có lần sống gần những người Kuru, ở Kammassadama, một quận thị của những tộc người Kuru. Lúc đó, Đức Thế Tôn đang nói với các Tỳ kheo và giảng rằng:

Đây là con đường duy nhất, này các Tỳ kheo, để làm thanh tịnh chúng sinh, để vượt qua sự buồn đau và sầu não, để tiêu trừ sự khổ và phiền não, để bước đến được con đường Chánh Đạo, để chứng đạt Niết-bàn, được gọi là Bốn Nền Tảng (lĩnh vực) Chánh Niệm. “Bốn” đó là gì?”

“Này có một Tỳ kheo, nhiệt thành, thấy rõ ràng các pháp và chánh niệm, sống quán sát (những hành vi của) thân, vượt qua dục vọng và xung khắc đối với thế giới (của thân);

sống quán sát (những hành vi của) những cảm thọ, vượt qua dục vọng và xung khắc đối với thế giới (của cảm thọ)…….

………

sống quán sát (những hành vi của) tâm, vượt qua dục vọng và xung khắc đối với thế giới (của tâm);

sống quán sát những đối tượng của tâm (tức các pháp), vượt qua dục vọng và xung khắc đối với thế giới (của những đối tượng của tâm, tức Pháp)”.

(I). Quán niệm THÂN

“Và làm thế nào một Tỳ kheo sống quán sát (những hành vi của) thân?

1. (Quán niệm) Hơi Thở

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo đi vào rừng, đến gốc cây hay một nơi vắng người, ngồi xuống, với hai chân chéo nhau, giữ thân ngồi thẳng và sự chánh niệm của người ấy tĩnh thức.

“Cứ chánh niệm người ấy thở vào, và cứ chánh niệm anh ta thở ra. Thở vào một hơi thở dài, người ấy biết ‘Tôi đang thở vào một hơi thở dài’; thở ra một hơi thở dài, người ấy biết ‘Tôi đang thở ra một hơi thở dài’; thở vào một hơi thở ngắn, người ấy biết ‘Tôi đang thở vào một hơi thở ngắn’; thở ra một hơi thở ngắn, người ấy biết ‘Tôi đang thở ra một hơi thở ngắn’.

“Nhận thức (trải nghiệm) trọn vẹn (hơi thở─) thân, Tôi thở vào”: người ấy luyện tập mình như vậy.

“Nhận thức trọn vẹn (hơi thở─) thân, Tôi thở ra”: người ấy luyện tập mình như vậy.

“Làm dịu hành vi của (hơi thở─) thân, Tôi thở vào”: Người ấy luyện tập mình như vậy.

“Làm dịu hành vi của (hơi thở─) thân, Tôi thở ra”: Người ấy luyện tập mình như vậy….

“Như vậy người ấy sống quán sát (những hành vi của) thân bên trong, hoặc….bên ngoài, hoặc….cả bên trong và bên ngoài.

“Người ấy sống cũng quán sát những yếu tố sinh trong thân, hoặc những yếu tố diệt trong thân, hoặc những yếu tố sinh-và-diệt trong thân. 

“Hoặc sự chánh niệm được thiết lập đến một mức độ cần thiết để có được sự biết và thấy được thân hiện hữu và người ấy sống không còn dính mắc, và không chấp trước vào thứ gì ở đời.

“Bằng cách này, này các Tỳ kheo, môt Tỳ kheo sống quán sát (những hành vi của) thân.”

2. (Quán niệm) Các Tư Thế Của Thân

“Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo biết rõ khi người ấy đang đi, ‘Tôi đang đi’. Người ấy biết rõ khi người ấy đang đứng, ‘Tôi đang đứng’. Người ấy biết rõ khi người ấy đang ngồi, ‘Tôi đang ngồi’. Người ấy biết rõ khi người ấy đang nằm. ‘Tôi đang nằm’. Hoặc người ấy biết rõ thân anh ta đang ở tư thế nào.

“Như vậy người ấy sống quán sát (những hành vi của) thân bên trong, hoặc bên ngoài….

3. (Quán niệm) Sự Chú Tâm Hoàn Toàn

“Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo chú tâm hoàn toàn vào sự đi tới hoặc đi lui;

vào sự nhìn thẳng hay nhìn ngang;

vào sự co lại hay duỗi ra;

vào sự mặc y hay sự mang bình bát;

vào sự ăn, sự uống, sự nhai hoặc sự nếm; vào sự lắng nghe tiếng gọi của thiên nhiên; vào sự đi, vào sự đứng, vào sự ngồi, vào sự nằm ngủ, vào sự thức dậy, vào sự nói hay vào sự giữ im lặng.

Trong tất cả những hành vi này, người ấy áp dụng sự chú tâm hoàn toàn.

“Như vậy, người ấy sống quán sát (những hành vi của) thân.

4. (Quán niệm) Sự Gớm Ghiếc Của Thân

“Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo quán chiếu ngay trên thân này được bao bọc bởi đẩy da và đầy những thứ dơ dáy, từ gót chân trở lên, và từ trên đỉnh đầu tóc trở xuống, suy nghĩ rằng: “Trong thân này có tóc trên đầu, có lông trên thân, có mông, răng, da, thịt, gan, xương, tuỷ, thận, tim, gan, xường, lá lách, phổi, ruột, màng treo ruột, bao tử, phân cứt, túi mật, đờm đãi, máu, mủ, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước bọt, cứt mũi, nước dịch, nước tiểu”.

“Cứ như thể là một cái bao có hai túi miệng chứa đầy những hạt như lúa nương, lúa thóc, đậu xanh, đậu bò, hạt mè và gạo, và một người với đôi mắt tinh tường, mở miệng bao, phải quán chiếu như vậy: “Này là lúa nương, này là lúa thóc, này là đậu xanh, này là đậu bò, này là hạt mè và đây là gạo;

“Cứ như vậy, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo quán chiếu ngay trên thân này được bao bọc bởi dẩy da và đầy những thứ dơ dáy, từ gót chân trở lên, và từ trên đỉnh đầu tóc trở xuống, suy nghĩ rằng: “Trong thân này có tóc trên đầu, có lông trên thân, có mông, răng, da, thịt, gan, xương, tuỷ, thận, tim, gan, sườn, lá lách, phổi, ruột, màng treo ruột, bao tử, phân cứt, túi mật, đờm đãi, máu, mủ, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước bọt, cứt mũi, nước dịch, nước tiểu”.

“Như vậy, người ấy sống quán sát thân….

5. (Quán niệm) Các Yếu Tố Tứ Đại

“Và thêm nữa các Tỳ kheo, một Tỳ kheo quán chiếu ngay trên thân này, đúng như nó là, và nó được cấu thành bằng sự kết hợp những yếu tố:

“Trong thân này, có yếu tố đất, yếu tố nước, yếu tố lửa, yếu tố gió”.

“Cứ như thể, này các Tỳ kheo, một người bán thịt hoặc người giúp việc của ông ta đã giết mổ một con bò và cắt chia thành nhiều phần, đang ngồi (bày bán những phần thịt đó) ở ngã tư một con đường; tương tự như vậy, một Tỳ Kheo quán chiếu ngay trên thân này, như nó là, và nó được cấu thành bởi, sự kết hợp của những yếu tố vật chất: “Trong thân này có những yếu tố đất, nước, lửa , gió”.

“Như vậy, người đó sống quán sát thân….

6. (Quán niệm) Chín Loại Tử Thi Trong Nghĩa Địa

1) “Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, như khi một Tỳ kheo thấy tử thi của người đã chết một, hai, hay ba ngày, phình ra, xanh tím và thối rữa, bị quăng vào nghĩa địa, như vậy người ấy sẽ dùng sự nhận thức này liên tưởng đến thân mình như vầy: “Ngay chính thân ta cũng giống tính chất như vậy, sẽ đến lúc như vậy và không thể tránh được.”

“Như vậy người ấy sống quán sát thân….

2) “Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, như khi một Tỳ kheo thấy một tử thi bị quăng vào nghĩa địa, bị quạ, diều hâu, kền kền, chó rừng và đủ loài giòi bọ rỉa ăn, như vậy người ấy sẽ dùng sự nhận thức này liên tưởng đến thân mình như vầy: “Ngay chính thân ta cũng giống tính chất như vậy, sẽ đến lúc như vậy và không thể tránh được.”

“Như vậy người ấy sống quán sát thân….

3) “Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, như khi một Tỳ kheo thấy một tử thi bị quăng vào nghĩa địa, còn trơ bộ xương với vài miếng thịt máu me, dính nhau bằng những sợi gân……..

4) “Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, như khi một Tỳ kheo thấy một tử thi bị quăng vào nghĩa địa, còn trơ bộ xương nhơ nhớp máu me, không còn thịt, dính với nhau bằng những sợi gân……..

5) “Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, như khi một Tỳ kheo thấy một tử thi bị quăng vào nghĩa địa, chỉ còn trơ bộ xương, không còn máu và thịt, dính với nhau bằng những sợi gân……..

6) “Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, như khi một Tỳ kheo thấy một tử thi bị quăng vào nghĩa địa, chỉ còn trơ những khúc xương rời nhau, văng vãi tứ tung - Này là xương bàn tay, này là xương bàn chân, này là xương ống chân, này là xương đùi, này là xương hông, này là xương sống và này là xương sọ……..

7) “Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, như khi một Tỳ kheo thấy một tử thi bị quăng vào nghĩa địa, chỉ còn trơ những khúc xương trắng bệch như màu xà cừ……..

8) “Và thêm nữa, này các Tỳ Kheo, này các Tỳ kheo, như khi một Tỳ kheo thấy một tử thi bị quăng vào nghĩa địa, chỉ còn trơ lại những khúc xương đã hơn một năm, nằm trong đống xương tàn……..

9) “Và thêm nữa, này các Tỳ kheo, như khi một Tỳ kheo thấy một tử thi bị quăng vào nghĩa địa, chỉ còn trơ lại những mảng xương đã mục rữa và biến thành đất…., như vậy người ấy sẽ dùng sự nhận thức này liên tưởng đến thân mình như vầy: “Ngay chính thân ta cũng giống tính chất như vậy, sẽ đến lúc như vậy và không thể tránh được.”

“Như vậy người ấy sống quán sát THÂN…….

(II). (Quán niệm) CẢM THỌ

“Và này các Tỳ kheo, làm thế nào một Tỳ kheo quán sát những cảm thọ?

“Này các Tỳ Kheo, một Tỳ kheo khi(trải nghiệm) một cảm giác dễ chịu, biết được ‘Tôi có một cảm giác dễ chịu’;

khi có một cảm giác đau đớn, người ấy biết ‘Tôi có một cảm giác đau đớn’;

khi có được một cảm giác không dễ chịu cũng không đau đớn, người ấy biết ‘Tôi có một cảm giác không dễ chịu cũng không đau đớn’.

Khi có một cảm giác trần tục dễ chịu, người ấy biết ‘Tôi có một cảm giác trần tục dễ chịu’;

khi có một cảm giác về tâm linh dễ chịu, người ấy biết ‘Tôi có một cảm giác về tâm linh dễ chịu’.

Khi có một cảm giác trần tục đau đớn, người ấy biết ‘Tôi có một cảm giác trần tục đau đớn’;

khi có một cảm giác về tâm linh đau đớn, người ấy biết ‘Tôi có một cảm giác về tâm linh đau đớn.

Khi có được một cảm giác trần tục không dễ chịu cũng không đau đớn, người ấy biết ‘Tôi có một cảm giác trần tục không dễ chịu cũng không đau đớn’;

khi có được một cảm giác về tâm linh không dễ chịu cũng không đau đớn, người ấy biết ‘Tôi có một cảm giác không về tâm linh dễ chịu cũng không đau đớn’.

“Theo cách này, người ấy sống theo cách này quán sát cảm thọ ở bên trong,… hoặc bên ngoài, hoặc… bên trong và bên ngoài.

“Người ấy sống quán sát những yếu tố sinh trong những cảm thọ, hoặc những yếu tố diệt trong cảm thọ, hoặc những yếu tố sinh-và-diệt trong những cảm thọ.

“Hoặc sự chánh niệm được thiết lập đến một mức độ cần thiết để có được sự biết và thấy được những cảm thọ hiện hữu và người ấy sống không còn dính mắc, và không chấp trước vào thứ gì ở đời.”

(III). (Quán niệm) TÂM

“Và này các Tỳ kheo, làm thế nào một Tỳ kheo quán sát tâm?

“Này các Tỳ Kheo, một Tỳ kheo biết được: Tâm có tham dục, khi đang có tham dục; tâm không có tham dục, khi không có tham dục;

Tâm có sân hận, khi đang có sân hận; tâm không có sân hận, khi không có sân hận;

Tâm có si mê, khi đang có si mê; tâm không có si mê, khi không có si mê; 

Trạng thái tâm thụ động, là trạng thái thụ động; trạng thái tâm xao lãng, là trạng thái xao lãng;

Trạng thái tâm phát triển, là trạng thái phát triển; trạng thái tâm không phát triển, là trạng thái không phát triển;

Trạng thái tâm đang có những trạng thái tâm cao thượng hơn nó, là trạng thái có trạng thái tâm cao thượng hơn; trạng thái tâm đang không có những trạng thái tâm cao thượng hơn nó, là trạng thái không có trạng thái tâm cao thượng hơn;

Trạng thái tâm tập trung, là trạng thái tập trung; trạng thái tâm không tập trung, là trạng thái không tập trung;

Trạng thái tâm được giải thoát, là trạng thái giải thoát; trạng thái tâm không được giải thoát, là trạng thái không được giải thoát.”

“Theo cách này, người ấy sống theo cách này quán sát tâm ở bên trong hoặc bên ngoài, hoặc bên trong và bên ngoài. Người ấy sống cùng quán sát những yếu tố sinh trong tâm, hoặc những yếu tố diệt trong tâm, hoặc những yếu tố sinh-và-diệt trong tâm.

“Hoặc sự chánh niệm được thiết lập đến một mức độ cần thiết để có được sự biết và thấy được tâm hiện hữu và người ấy sống không còn dính mắc, và không chấp trước vào thứ gì ở đời.”

(IV). (Quán niệm) NHỮNG ĐỐI TƯỢNG THUỘC TÂM

“Và này các Tỳ kheo, làm thế nào một Tỳ kheo quán sát những đối tượng của tâm (các pháp)?

1. Năm Chướng Ngại (Năm triền cái)

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống quán sát Năm Chướng Ngại như là những đối tượng của tâm?”.

“Này các Tỳ kheo, làm thế nào một Tỳ kheo sống quán sát Năm Chướng Ngại như là những đối tượng của tâm?”.

1) “Này các Tỳ kheo, khi dục vọng giác quan (Tham dục) có mặt, một Tỳ kheo biết ‘dục vọng giác quan đang ở trong ta’; hoặc khi dục vọng giác quan không có mặt, người ấy biết ‘dục vọng giác quan không có trong ta’.

“Người ấy biết dục vọng giác quan chưa khởi sinh khởi sinh như thế nào; Người ấy biết dục vọng giác quan đã khởi sinh biến mất như thế nào;

“Và người ấy biết thế nào là sự không khởi sinh trở lại trong tương lai của dục vọng giác quan đã bị lìa bỏ.”

2) “Này các Tỳ kheo, khi sự giận dữ (Sân) có mặt, người ấy biết ‘Sự giận dữ đang có ở trong ta’; hoặc khi……..

3) “Này các Tỳ kheo, khi sự buồn ngủ và dã dượi (Hôn Trầm) có mặt, người ấy biết sự ‘buồn ngũ và dã dượi đang có ở trong ta’; hoặc khi……..

4) “Này các Tỳ kheo, khi sự bất an và lo lắng (Trạo Hối) có mặt, người ấy biết ‘bất an và lo lắng đang có ở trong ta’; hoặc khi……..

5) “Này các Tỳ kheo, khi sự nghi ngờ (Mạn Nghi) có mặt, người ấy biết ‘sự nghi ngờ đang có ở trong ta; hoặc khi sự nghi ngờ không có mặt, người ấy biết ‘Nghi ngờ không có trong ta’.

“Người ấy biết nghi ngờ chưa sinh khởi khởi sinh như thế nào; Người ấy biết nghi ngờ đã khởi sinh biến mất như thế nào;

“Và người ấy biết thế nào là sự không khởi sinh trở lại trong tương lai của nghi ngờ đã bị lìa bỏ.”

“Theo cách này, người ấy sống quán sát những đối tượng của tâm ở bên trong hoặc bên ngoài, hoặc bên trong và bên ngoài.

“Người ấy sống quán sát những yếu tố sinh trong những những đối tượng của tâm, hoặc những yếu tố diệt trong những đối tượng của tâm, hoặc những yếu tố sinh-và-diệt trong những đối tượng của tâm.

“Hoặc sự chánh niệm được thiết lập đến một mức độ cần thiết để có được sự biết và thấy được những đối tượng của tâm hiện hữu và người ấy sống không còn dính mắc, và không chấp trước vào thứ gì ở đời.”

“Bằng cách này, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống quán sát năm chướng ngại như là những những đối tượng của tâm”.

2. Năm Uẩn

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống quán sát Năm Uẩn dính chấp như là những đối tượng của tâm?”.

“Này các Tỳ kheo, làm thế nào một Tỳ kheo sống quán sát (nhìn kỹ, nhìn sâu) Năm Uẩn dính chấp như là những đối tượng của tâm?”.

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo suy nghĩ: Này là Sắc, nó khởi sinh như vậy; và nó biến mất như vậy.

“Này là Thọ, nó khởi sinh như vậy; và nó biến mất như vậy.

“Này là Tưởng, nó khởi sinh như vậy; và nó biến mất như vậy.

“Này là Hành, nó khởi sinh như vậy; và nó biến mất như vậy.

“Này là Thức, nó khởi sinh như vậy; và nó biến mất như vậy.

“Như vậy, người ấy sống quán sát những đối tượng của tâm bên trong……..

“Theo cách này, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống quán sát (nhìn kỹ, nhìn sâu) Năm Uẩn dính chấp như là những đối tượng của tâm.”

3. Sáu Căn Bản Giác Quan & Sáu Đối Tượng Của Chúng - (hay Sáu nội xứ và Sáu ngoại xứ)

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống quán sát sáu nội xứ và sáu ngoại xứ như là những đối tượng của tâm?”.

“Này các Tỳ kheo, làm thế nào một Tỳ kheo sống quán sát (nhìn kỹ, nhìn sâu) sáu nội xứ và sáu ngoại xứ như là những đối tượng của tâm?”.

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo biết rõ mắt và những hình sắc nhìn được, và sự trói buộc khởi sinh phụ thuộc vào cả hai (mắt và những hình sắc nhìn được);

“Người ấy biết sự trói buộc chưa sinh khởi khởi sinh như thế nào;

“Người ấy biết sự trói buộc đã khởi sinh biến mất như thế nào;

“Và người ấy biết thế nào là sự không khởi sinh trở lại trong tương lai của sự trói buộc đã bị lìa bỏ.

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo biết rõ tai và âm thanh….mũi và mùi hương….lưỡi và mùi vị….thân và những vật hữu hình, chạm xúc….tâm và những đối tượng của tâm; và sự trói buộc khởi sinh phụ thuộc vào cả hai.

“Người ấy biết sự trói buộc chưa sinh khởi khởi sinh như thế nào;

“Người ấy biết sự trói buộc đã khởi sinh biến mất như thế nào;

“Và người ấy biết thế nào là sự không khởi sinh trở lại trong tương lai của sự trói buộc đã bị lìa bỏ.

“Theo cách này, người ấy sống quán sát những đối tượng của tâm bên trong….Theo cách này, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống nhìn kỹ sáu nội xứ và sáu ngọai xứ như là những đối tượng của tâm”.

4. Bảy Yếu Tố Giác Ngộ (Thất Giác Chi)

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống quán sát Bảy Yếu Tố Giác Ngộ như là những đối tượng của tâm?”.

“Này các Tỳ kheo, làm thế nào một Tỳ kheo sống quán sát Bảy Yếu Tố Giác Ngộ như là những đối tượng của tâm?”.

1) “Này các Tỳ kheo, khi Yếu Tố Giác Ngộ là Chánh Niệm có mặt, Tỳ kheo biết ‘yếu tố Chánh Niệm đang có ở trong ta’; hoặc khi yếu tố Chánh Niệm không có mặt, người ấy biết ‘yếu tố Chánh Niệm không có trong ta’;

“Và người ấy biết yếu tố Chánh Niệm chưa khởi sinh khởi sinh như thế nào;

“Và yếu tố Chánh Niệm đã khởi sinh sẽ được phát triển viên thành như thế nào”.

2) “Này các Tỳ kheo, khi Yếu Tố Giác Ngộ là Trạch pháp (điều nghiên, tìm hiểu các đối tượng thuộc tâm hay các pháp) có mặt, Tỳ kheo biết ‘yếu tố Trạch pháp đang có ở trong ta’; hoặc khi yếu tố Trạch pháp không có mặt, người ấy biết ‘yếu tố Trạch pháp không có trong ta’;

“Và người ấy biết yếu tố Trạch pháp chưa khởi sinh đang khởi sinh như thế nào;

“Và yếu tố Trạch pháp đã khởi sinh sẽ được phát triển viên thành như thế nào.”

3) “Này các Tỳ kheo, khi Yếu Tố Giác Ngộ là Năng Lực (tinh tấn) có mặt, Tỳ kheo biết ‘yếu tố năng lực đang có ở trong ta’; hoặc khi yếu tố Năng Lực không có mặt, người ấy biết ‘yếu tố Năng Lực không có trong ta’;

“Và người ấy biết yếu tố Năng lực chưa khởi sinh đang khởi sinh như thế nào;

Và yếu tố Năng lực đã khởi sinh sẽ được phát triển viên thành như thế nào.”

4) “Này các Tỳ kheo, khi Yếu Tố Giác Ngộ là Hoan Hỉ có mặt, Tỳ kheo biết ‘yếu tố Hoan Hỉ đang có ở trong ta’; hoặc khi yếu tố Hoan Hỉ không có mặt, người ấy biết ‘yếu tố Hoan Hỉ không có trong ta’;

“Và người ấy biết yếu tố Hoan hỉ chưa khởi sinh đang khởi sinh như thế nào;

“Và yếu tố Hoan hỉ đã khởi sinh sẽ được phát triển viên thành như thế nào”

5) “Này các Tỳ kheo, khi Yếu Tố Giác Ngộ là Khinh An (nhẹ nhàng, thư giãn) có mặt, Tỳ kheo biết ‘yếu tố Khinh An đang có ở trong ta’; hoặc khi yếu tố Khinh An không có mặt, người ấy biết ‘yếu tố Khinh An không có trong ta’;

“Và người ấy biết yếu tố Khinh Anchưa khởi sinh khởi sinh như thế nào;

“Và yếu tố Khinh An đã khởi sinh sẽ được phát triển viên thành như thế nào.”

6) “Này các Tỳ kheo, khi Yếu Tố Giác Ngộ là Chánh Định (tập trung, thiên định) có mặt, Tỳ kheo biết ‘yếu tố Chánh Định đang có ở trong ta’; hoặc khi yếu tố Chánh Định không có mặt, người ấy biết ‘yếu tố Chánh Định không có trong ta’;

“Và người biết yếu tố Chánh Định chưa khởi sinh khởi sinh như thế nào;

“Và yếu tố Chánh Định đã khởi sinh sẽ được phát triển viên thành như thế nào”

7) “Này các Tỳ kheo, khi Yếu Tố Giác Ngộ là Xả Bỏ (buông xả, vô tư, bình thản) có mặt, Tỳ kheo biết ‘yếu tố Xả Bỏ đang có ở trong ta’; hoặc khi yếu tố Xả Bỏ không có mặt, người ấy biết ‘yếu tố Xả Bỏ không có trong ta’;

“Và người biết yếu tố Xả Bỏ chưa khởi sinh khởi sinh như thế nào;

“Và yếu tố Xả Bỏ đã khởi sinh sẽ được phát triển viên thành như thế nào”

“Như vậy, người ấy sống quán sát những đối tượng của tâm bên trong……..

“Như vậy, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống quán sát Bảy Yếu Tố Giác Ngộ như là những đối tượng của tâm ”.

5. Tứ Diệu Đế

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống quán sát (nhìn sâu) Tứ Diệu Đế như là những đối tượng của tâm?”.

“Này các Tỳ kheo, làm thế nào một Tỳ kheo sống quán sát (nhìn sâu) Tứ Diệu Đế như là những đối tượng của tâm?”.

“Này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo biết rõ, “Đây là Khổ (dukkha)”, theo đúng như thực tại.

“Người ấy biết rõ, “Đây là Nguồn Gốc Khổ”, theo đúng như thực tại.

“Người ấy biết rõ, “Đây là sự Diệt Khổ”, theo đúng như thực tại.

“Người ấy biết rõ, “Đây là Con Đường dẫn đến sự Diệt Khổ”, theo đúng như thực tại.

“Như vậy, người ấy sống quán sát những đối tượng của tâm bên trong……..

“Bằng cách này, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo sống nhìn sâu vào Tứ Diệu Đế như là những đối tượng của tâm”.

─ “Này các Tỳ kheo, ai hành trì bốn “Nền Tảng Chánh Niệm” này theo phương pháp này trong bảy năm, thì người ấy có thể trông đợi được chứng đạt một trong hai thành quả cao nhất: Tri Kiến Cao Nhất (trở thành A-la-hán) vào một lúc nào đó, hoặc nếu vẫn còn một số dính mắc, thì có thể chứng đạt được cảnh giới Bất-Lai. (không tái sinh lại trần gian nữa).

─ “Này các Tỳ kheo, ai hành trì bốn “Nền Tảng Chánh Niệm” này theo phương pháp này trong sáu năm….năm năm….bốn năm….ba năm.…hai năm….một năm, thì người ấy có thể trông đợi được chứng đạt một trong hai thành quả cao nhất: Tri Kiến Cao Nhất (trở thành A-la-hán) vào một lúc nào đó, hoặc nếu vẫn còn một số dính mắc, thì có thể chứng đạt được cảnh giới Bất-Lai.

─ “Này các Tỳ kheo, ai hành trì bốn “Nền Tảng Chánh Niệm” này theo phương pháp này trong bảy tháng….sáu tháng….năm tháng….bốn tháng….ba tháng.…hai tháng….nửa tháng, thì người ấy có thể trông đợi được chứng đạt một trong hai thành quả cao nhất: Tri Kiến Cao Nhất (trở thành A-la-hán) vào một lúc nào đó, hoặc nếu vẫn còn một số dính mắc, thì có thể chứng đạt được cảnh giới Bất-Lai.

─ “Này các Tỳ kheo, không hẳn là trong nửa tháng, ai hành trì bốn “Nền Tảng Chánh Niệm” này theo phương pháp này trong một tuần, thì người ấy có thể trông đợi được chứng đạt một trong hai thành quả cao nhất: Tri Kiến Cao Nhất (trở thành A-la-hán) vào một lúc nào đó, hoặc nếu vẫn còn một số dính mắc, thì có thể chứng đạt được cảnh giới Bất-Lai.

─ “Vì như vậy, nên ta đã nói rằng:

“Đây là con đường duy nhất, này các Tỳ kheo, để làm thanh tịnh chúng sinh, để vượt qua sự buồn đau và sầu não, để tiêu trừ sự khổ và phiền não, để bước đến được con đường Chánh Đạo, để chứng đạt Niết-bàn, được gọi là “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm”.

Đây là những gì Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết. Các Tỳ Kheo cảm thấy toại nguyện và vui nhận với những lời dạy đó.

 (“Trung Bộ Kinh” (Majjihama-nikaya), Kinh Số. 10).

 

Những Lời Cuối Cùng Của Đức Phật
(Trích Kinh “Đại Bát-Niết-Bàn”)

……………………..

“Có thể là, này Ananda, một số các thầy có thể chợt nghĩ rằng: “Bây giờ chúng ta có Những Lời Dạy của người Thầy sắp đi xa [1], Thầy của chúng ta không còn ở với chúng ta nữa”. Nhưng này Ananda, các thầy không nên suy nghĩ theo cách này. Những gì ta đã dạy và trình bày, Ananda, Giáo Pháp (Dhamma) và Giới Luật (Vinaya), chính là người Thầy của các thầy khi ta đã mất đi.

“Cho đến bây giờ, này Ananda, các Tỳ kheo vẫn xưng hô với nhau là “Bạn” (Avuso, Đạo hữu), các thầy không nên xưng hô như vậy khi ta mất đi. Một Tỳ kheo lớn tuổi, này Ananda, có thể gọi Tỳ kheo nhỏ tuổi hơn mình bằng tên, họ hoặc “Bạn” (Đạo hữu); Tỳ kheo nhỏ tuổi phải gọi Tỳ kheo lớn tuổi hơn mình là “Ngài” (Bhante) hoặc “Đức” (Ayasma: Đức, Thầy, Bậc).

“Nếu Tăng Đoàn muốn điều này, này Ananda, hãy để họ, khi ta mất đi, bãi bỏ bớt những điều thiểu số và nhỏ nhặt (của Giới Luật)”

“Khi ta mất đi, này Ananda, hình thức phạt[2] cao nhất cần phải được áp dụng cho Tỳ kheo Channa”.

“Nhưng hình thức phạt cao nhất là gì, thưa Đức Thế Tôn?”

“Hãy để cho Tỳ Kheo Channa nói ra hình thức phạt nào mà thầy ấy muốn, Ananda, không Tỳ kheo nào cần phải nói cho thầy ấy, hay khuyên bảo thầy ấy, hay thúc giục thầy ấy”. [3]

Sau đó Đức Thế Tôn cũng bảo với các Tỳ kheo:

“Có thể là, này các Tỳ kheo, có sự nghi ngờ hay phân vân trong đầu ngay cả một Tỳ kheo về Phật, hay Giáo Pháp hay Tăng Đoàn, hay về Con Đường Chánh Đạo, hay về cách Tu hành. Các Tỳ kheo cứ hỏi. Đừng để sau này tự trách mình với suy nghĩ: “Thầy của chúng ta đang đối diện với chúng ta, chúng ta không thể hỏi Đức Thế Tôn khi chúng ta đang đối diện với Người”.

Sau khi Phật nói xong điều này, các Tỳ kheo vẫn im lặng.

Thêm một lần thứ hai và đến lần thứ ba, Đức Thế Tôn vẫn hỏi các Tỳ kheo ….giống như trên.

Các Tỳ kheo vẫn im lặng sau lần thứ ba.

Rồi Đức Phật nhìn các Tỳ kheo và nói rằng:

“Có thể là, này các Tỳ kheo, các thầy không đặt câu hỏi vì lòng kính trọng đối với người Thầy, này các Tỳ kheo, vậy hãy để bạn nói với bạn (để bạn mình đặt câu hỏi-ND)”. [4]

Ngay đến lúc này, các Tỳ kheo cũng vẫn im lặng.

Sau đó, Ngài Ananda thưa với Đức Thế Tôn rằng:

“Kỳ diệu thay, thưa Đức Thế Tôn. Điều đó thật tuyệt diệu, thưa Đức Thế Tôn. Con có một niềm tin, thưa Đức Thế Tôn, trong đoàn thể Tỳ kheo ở đây, là không có lấy một người nào có bất cứ nghi ngờ hay phân vân về Đức Phật, hay về Giáo Pháp, hay về Tăng Đoàn, hay về Con đường Chánh Đạo hay cách Tu hành”.

“Thầy đã nói ra niềm tin của mình, Ananda. Nhưng trong vấn đề này, Ananda, Như Lai (tức Đức Phật) biết và biết chắc chắn, rằng trong đoàn thể các Tỳ Kheo không có lấy một người nào có bất cứ nghi ngờ hay phân vân về Đức Phật, hay về Giáo Pháp, hay về Tăng Đoàn, hay về Con đường Chánh Đạo hay cách Tu hành. Đúng vậy, Ananda, ngay cả những chứng quả tâm linh thấp nhất trong năm trăm Tỳ kheo ở đây cũng là Dự Lưu (Sotàpana: nhập vào dòng thánh), không còn thoái lui nữa (vào những tầng thấp hơn), là chắc chắn, và hướng đến Giác Ngộ”.

Rồi Đức Thế Tôn nhìn các Tỳ kheo, nói rằng:

“Bây giờ, này các Tỳ kheo, ta nói với các thầy: Tất cả mọi pháp hữu vi đều vô thường. Hãy cố tinh tấn để đạt mục tiêu của mình”.

 

Đó là những lời sau cùng của Đức Phật.

(Trích Kinh “Đại-Bát-Niết-Bàn” “Trường Bộ Kinh”, Kinh số 16).

 

*Chú Thích:

[1] atitasatthukam pavacanam: có bản dịch như bản dịch của Rhys Davids là “lời của Người thầy đã chấm dứt’, là sai nghĩa với ngôn ngữ nguyên thủy.

[2] Nguyên văn gốc là “Brahma-danda”, Brahma là bậc chư thiên, cao quý. ‘danda’ có nghĩa là cây gậy, gậy gộc, hình phạt. “Brahma-danda” có nghĩa là hình phạt dành cho các bậc cao quý. Nhiều sách dịch là “Phép trị tội Phạm Đàn”. Có nhiều chỗ dịch là “hình phạt cao nhất, nặng nhất”, nhưng không rõ từ nguyên nào có nghĩa là “nặng nhất” đó.

[3] Channa là người hầu cận gần gũi với Đức Phật và là người lái xe ngựa cho Thái Tử Tất-Đạt-Đa ở kinh thành trước khi Người thành Phật. Sau đó Channa gia nhập Tăng Đoàn, trở thành Tỳ kheo, nhưng ông ta hay tự đại, cao ngạo vì là người thân cận của Đức Phật. Ông tỏ ra bướng bỉnh và hay tự làm theo ý mình, thiếu tinh thần tập thể và thường cư xử một cách ngang ngạnh. Sau khi Bát-Niết-Bàn của Đức Phật, khi Ananda ghé thăm Channa và báo cho ông biết về hình phạt ‘bị tẩy chay hoàn toàn khỏi xã hội’, thì thái độ cao ngạo của ông ta đã được thuần hóa, ông trở nên khiêm tốn, đã sáng mắt ra. Sau đó, ông ta thay đổi toàn bộ cách sống và tu tập, và cuối cùng đã trở thành một A-la-hán và hình phạt đó cũng tự động hết hiệu lực.

[4] Ý của Đức Phật là nếu các Tỳ kheo cảm thấy ngần ngại, không dám đặt câu hỏi vì sự tôn trọng đối với người Thầy khi đang đối diện với người Thầy, thì một Tỳ kheo có thể nói câu hỏi của mình cho người bạn tu đứng cạnh, và sau đó người bạn tu sẽ đặt câu hỏi với Đức Phật giùm cho vì Tỳ kheo đó (tức là để vì Tỳ kheo khỏi ngần ngại khi đặt câu hỏi trực tiếp với Đức Phật. Và vì bạn tu đặt câu hỏi cho Đức Phật cũng không thấy ngại ngùng, vì đó là câu hỏi của vị Tỳ kheo khác nhờ mình hỏi giùm).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn