30. Kinh Kim Cang Bát Nhã

04 Tháng Tám 201100:00(Xem: 15856)


PHÁ MÊ KHAI NGỘ

 Lê Sỹ Minh Tùng

30. Kinh Kim Cang Bát Nhã

Kim Cang Bát Nhã Ba-La-Mật Kinh là Kinh nói về “Trí tuệ Phật” (Bát nhã), loại trí tuệ đã tạo thành viên mãn (Ba-La-Mật). Trí tuệ nầy có công năng đưa chúng ta từ bến bờ mê muội của chúng sanh sang bờ giác ngộ giải thoát của chư Phật.

 Sau hai mươi năm thuyết pháp về những Chân lý sinh diệt của thế gian, bây giờ Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết về Bát nhã và Ngài đã dùng tới hai mươi hai năm để diễn giải về cái trí tuệ quý báu nầy. 

 Trí tuệ Phật (Bát Nhã) rất quý báu (như ngọc Kim Cương), vừa cứng rắn và cũng vừa sắc bén (như thép). Chính thứ trí tuệ nầy có khả năng phá tiêu núi vô minh vọng chấp và đốn tận gốc rừng phiền não nghiệp chướng, từ vô lượng kiếp đến nay, mà không bị hư tổn, giống như là viên Kim cương có thể cắt, chẻ các loại cứng như sắt, đá…. mà không bị hư hại.

 Điều đặc biệt là Trí tuệ Bát Nhã, không phải do tu mới có, hay nhờ các duyên bên ngoài luyện tập mới thành. Mà nó có sẵn trong mỗi chúng sinh từ vô thỉ đến nay. Cho dù chúng ta hiện giờ đang ở địa vị phàm phu thì nó cũng không giảm, hay chúng ta chứng được quả Thánh thì nó cũng không tăng. Nó đã không bị các vô minh phiền não tàn phá, trái lại nó còn phá tan tất cả vô minh phiền não từ vô thỉ đến nay. Vì thế Phật mới dùng “ngọc Kim Cương” để thí dụ “Trí tuệ Bát Nhã” rất quý báu và sẵn có trong tất cả chúng ta, đó là Phật tánh sáng suốt.

 Kinh Kim Cương Bát Nhã mở đầu bằng câu chuyện:

 Tôi nghe như vầy: Một hôm, tại nước Xá Vệ, Phật và 1250 vị Đại Tỳ kheo, đều ở Tịnh xá Kỳ Hoàn, trong vườn của Thái tử Kỳ đà và Trưởng giả Cấp Cô Độc.

 Sắp đến giờ ngọ trai, Phật và chúng Tăng đều đắp y, mang bình bát vào thành Xá Vệ, theo thứ lớp khuất thực.

 Khuất thực xong, Phật và chúng Tăng đồng về Tịnh xá để thọ trai. Sau khi thọ trai xong, Phật xếp y, cất bình bát và rửa chân, rồi trải tọa cụ, ngồi yên tịnh.

 Đây là những cử chỉ bình thường và rất đơn giản, nhưng đã tạo thành một hình ảnh tuyệt diệu, nói lên được tinh thần “giải thoát vô trụ”, để mở màn cho Phật nói Kinh Bát Nhã. Người mà ngộ được Kim Cang Bát Nhã rồi thì đối với các pháp và mọi việc đều thông suốt do đó những việc làm dù là bình thường hằng ngày đều là Phật pháp. Tâm bình thường đó cũng là Phật pháp cho đến đi, đứng, nằm, ngồi… cũng đều là Phật pháp. Trái lại, người chưa nhập được “Kim Cương Bát Nhã’ cho dù họ có luyện được thần thông biến hóa, có thể di sơn đảo hải đi nữa, cũng chỉ là yêu ma ngoại đạo mà thôi. Nói một cách khác, Kinh Kim Cương Bát Nhã xác nhận là trong mỗi người đều có đủ tất cả các pháp giới. Nếu chúng ta bền chí tu hành lâu dài, thì sẽ có ngày tự nhiên đốn ngộ. Trái lại, nếu chúng ta hướng ngoại mà tìm, vì nghĩ rằng Phật có thần thông biến hóa thì chúng ta cần phải luyện như thế mới phải là Phật thì chúng ta đã đi lầm đường lạc lối.

 Sở dĩ Phật nói Kinh Kim Cương Bát Nhã là do sự thưa thỉnh của Tôn giả Tu Bồ Đề với ba nội dung chính là: 

1) Phát bồ đề tâm: có nghĩa là phát tâm tu tập để thành tựu đạo quả vô thượng Bồ-đề. Phạn ngữ A-nậu-đa-la tam-miệu tam-Bồ-đề là vô thượng chánh đẳng chánh giác. A-nậu-đa-la là vô thượng tức là không còn ai cao hơn, tam-miệu là chánh đẳng tức bình đẳng chân chính và tam-Bồ-đề là chánh giác tức là sự giác ngộ hoàn toàn chân chính.

2) Làm thế nào để hàng phục vọng tâm? Là chế phục tâm xấu. Làm sao có thể chế phục được tham-sân-si? Muốn chế ngự được những ô nhiễm nầy thì cần phải vun trồng giới, định, tuệ. Vì sự quan hệ giữa tham-sân-si và giới, định, tuệ thật hổ tương liên đới. Có nghĩa là có cái nầy thì cái kia phải mất và ngược lại. Thí dụ nếu chúng ta còn tham thì chắc chắn sẽ phá giới. Còn sân, còn nóng giận, còn buồn phiền thì tâm không bao giờ an định được. Còn ham muốn, còn thích cái nầy cái kia, còn chạy theo vật chất phù du thì tâm trí bị ngu si hắc ám tức là không có tỉnh thức, trí tuệ. 

3) Làm sao để có thể an trụ chơn tâm? Đối với người ngu si thì giới, định, tuệ sẽ biến thành tham-sân-si. Cũng như nước và băng thì cũng thế. Băng chẳng khác nước, nước tức là băng và băng tức là nước. Nói sâu xa hơn thì phiền não tức Bồ-đề hay sanh tử tức Niết bàn. Người trí thì trong phiền não mà họ tìm thấy Bồ-đề và trong sanh tử họ có được Niết bàn. Còn kẻ vô minh thì lấy phiền não, sinh tử làm cứu cánh cho cuộc sống của đời mình. 

Muốn tâm được thanh tịnh để quay về sống với chân tâm, với Phật tánh, với trí tuệ sáng suốt của mình thì chúng sinh phải biết trồng căn lành, gieo giống tốt. Như thế chúng sinh sẽ không còn bốn tướng:

v Ngã tướng: là thấy có Ta, một thực thể thật trong thế gian vũ trụ nầy.

v Nhân tướng: là thấy có người. Vì thấy mình là thật nên dĩ nhiên cũng thấy người chung quanh ta là thật.

v Chúng sinh tướng: thấy mình là thật, thấy người là thật thì sẽ thấy tất cả chúng sinh mọi loài là thật, là chắc chắn muôn đời.

v Thọ giả tướng: Hễ thấy mình là thật, người là thật, chúng sinh là thật thì không muốn nó bị mất, bị hư hoại theo luật vô thường. Niềm luyến tiếc và hy vọng sống mãi mãi nầy chính là thọ giả. 

Nếu trong tâm chúng sinh còn có tướng tức là hãy còn chấp có mình, có người, có chúng sinh, có thọ giả thì không thể giải thoát được vì không thể chân chánh buông xả. Đây là một lối giải thích thân nầy là giả, không thật. Bởi vì nếu chấp thân mình là thật thì từ đây lòng tham-sân-si sẽ tha hồ phát tác mà tạo ra nghiệp. Biết thân mình là giả thì con người có thể kiềm chế lòng tham, bớt nóng giận, buồn phiền và bỏ bớt sự ham muốn của thế gian. Có buông xả thì tâm mới thanh tịnh. Có càng nhiều thì lo càng lớn và dĩ nhiên đau khổ, buồn phiền cũng vì thế mà tăng theo. Cho nên cổ nhân cũng có câu:”Trọc phú đa ưu” là vậy. 

Phật dạy rằng các vị Bồ Tát khi nhập thế độ sanh làm các Phật sự thì họ phải luôn luôn dùng trí tuệ Bát Nhã để phá trừ các chấp ngã, chấp pháp, không còn thấy bốn tướng, thì phiền não vọng chấp không sanh. Đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm”. Nếu Bồ tát còn vô minh phiền não vọng chấp nổi lên thì không phải là Bồ tát, vì chưa nhập được trí tuệ Bát nhã.

 Nếu Bồ tát làm các Phật sự, như hóa độ chúng sanh, hay bố thí mà tâm còn chấp ngã chấp pháp, thì tâm của họ còn phiền não ô nhiễm. Và nếu đem tâm phiền não ô nhiễm nầy làm các Phật sự (phước thiện) thì các Phật sự đó cũng biến thành ô nhiễm. Trái lại, khi bố thí, nếu Bố tát dùng trí tuệ Bát nhã, phá trừ chấp ngã chấp pháp, có nghĩa là không chấp mình là người bố thí, ban ơn (chấp ngã), người đó là kẻ chịu ơn (chấp nhơn), đây là vật bố thí (chấp pháp), thì các phiền não ô nhiễm không sanh, tâm sẽ được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh tức là tâm Phật hay chơn tâm. Nếu đem tâm thanh tịnh mà bố thí thì chúng ta sẽ được phước vô lậu thanh tịnh, rộng lớn như hư không, không cùng tận. Cũng như một giọt nước tuy nhỏ (bố thí ít), nhưng được hòa vào biển cả (tâm tịnh) thì được biến khắp cả biển, rộng rãi bao la. Vì thế Đức Phật lại dạy rằng:”Bồ thí vô tướng và độ sanh vô ngã thì tâm sẽ thanh tịnh”

 Nói tóm lại, nếu Bồ tát độ sanh hay làm các Phật sự, mà không khởi vọng tâm, chấp ngã chấp pháp thì các phiền não tham, sân, si không sanh. Phiền não không sanh thì không tạo nghiệp. Mà nghiệp không tạo thì không còn sanh tử luân hồi. Vì thế, Phật dạy:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là Đừng để tâm trụ chấp, dính mắc một nơi nào”. Đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm” và “an trụ chơn tâm” vậy.

Ngay cả pháp giáo do Đức Phật dạy, như Giới Định Tuệ, như Tứ Diệu Đế, như Lục Độ Bồ tát giới (nhẫn nhục, trì giới, bố thí, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) là những giáo pháp giúp chúng ta để đi đến đời sống giải thoát và giác ngộ mà chính những giáo pháp nầy tự nó không phải là giải thoát, giác ngộ. Chất liệu giải thoát giác ngộ là Như Lai, là Minh hành túc và những chất liệu nầy do sự thực hành pháp giáo ấy của Thế Tôn mà thành tựu. Nói một cách khác, Giác ngộ hoàn toàn mới chính là giác ngộ còn tất cả kinh điển đều như ngón tay chỉ mặt trăng. Người xem phải nương theo ngón tay mới thấy được mặt trăng. Nhưng nếu chấp ngón tay (chỉ xem ngón tay) thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Cũng như chiếc bè đưa người sang sông, khi sang sông rồi thì không nên mắc kẹt ở nơi chiếc bè, mà hãy buông bỏ chiếc bè để bước lên bờ giác ngộ, tức là không cần kinh điển hay giáo pháp nữa. Không mắc kẹt ở chiếc bè tức là không mắc kẹt ở nơi pháp giáo. 

Vì thế giáo pháp chỉ là ngón tay, là chiếc bè chớ không phải là ánh sáng huyền diệu của mặt trăng, là Chân lý. Con người nương theo giáo pháp mà thấy Chân lý chớ đừng lầm tưởng giáo pháp là Chân lý. 

Đức Phật nói thêm:

”Hãy biết những lời thuyết pháp của Ta ví như chiếc bè. Chánh pháp (Phật pháp) mà còn buông bỏ (không nên chấp) huống gì là không phải là pháp (phi pháp)”.

Ngày nay con người vì quá chấp vào hình thức bề ngoài tức là chấp vào phương tiện mà quên đi cứu cánh là giải thoát giác ngộ. Cứ ôm kinh điển cũng như ôm cứng chiếc bè thì làm sao lên bờ giải thoát được. Vì thế Phật dạy rằng:

“Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng, phi tướng tức kiến Như Lai”.

Tức là tất cả mọi vật thể trên thế gian nầy từ động vật, thực vật, hay khoáng vật mà ngũ quan của con người có thể nhận biết được đều là giả tướng, là hư vọng, là phù du, là hương khói, là không thật. Chỉ khi nào thấy được thật tướng của nó là vô tướng thì chúng sinh mới thấy được Chân lý, thấy được Như Lai.

Làm sao thấy được vô tướng của vạn pháp?

Tất cả vạn pháp trong thế gian hay trong vũ trụ nầy không thể tự nó có được mà phải cần trợ duyên mới thành. Cái thân chúng ta là do đất, nước, gió, lửa, không gian và tâm thức tạo thành. Cái nhà là do gạch, ngói, xi măng, công thợ…mà có. Chén cơm là do hạt giống, đất, nước, ánh sáng mặt trời, công phu người nông phu…tạo nên. Cây muốn sống thì phải có đất, nước…Thế thì không có vật gì mà tự nó lớn lên và tồn tại mà không cần trợ duyên cả. Nếu đã cần trợ duyên thì chính nó không có chủ thể, không có tự tánh tức là vô ngã có nghĩa là Không. Vì thế tuy bề ngoài hình tướng của muôn sinh vạn vật có khác nhau, có lớn có nhỏ, có nặng có nhẹ, có xanh có đỏ, có cao có thấp nhưng thực chất tức là bản thể bên trong vẫn như nhau. Đó là chân không, không hình, không tướng, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch. Thì đây mới chính là vô tướng của tất cả vạn pháp vậy. Khi con người còn tùy thuộc vào hình tướng bề ngoài như thấy có nhà cao cửa rộng, xe sang mặc đẹp, danh vọng cao sang thì còn thấy có sự sinh diệt nên còn dính với phiền não khổ đau. Nếu bây giờ không quan trọng những hình tướng bên ngoài tức là tâm không còn dính mắc thì tâm từ từ thanh tịnh để giúp chúng sinh quay về sống với cái trí tuệ sáng suốt hằng có trong ta tức là trí tuệ bát nhã ba-la-mật thì cuộc đời sẽ vô cùng an vui tự tại. 

 Nếu Như Lai có nói Pháp, tất nhiên phải có chúng sanh nghe pháp. Nếu còn có kẻ nói người nghe, tức nhiên còn ngã, nhơn, bỉ, thử. Mà nếu còn ngã, nhơn thì không phải là thuyết Phật pháp. Bởi thế, mặc dù Đức Phật đã thuyết pháp trong 49 năm, mà rốt cuộc Ngài nói:”Ta không nói một chữ”. Điểm nầy Đức Lão Tử cũng tương đồng, Ngài nói:”Cái “đạo” mà có thể nói được thì không phải thật là đạo. Cái “tên” mà có thể kêu được thì không phải thật là tên”.

 Một hôm, ông Tu Bồ Đề ngồi yên lặng dưới gốc cây. Trời Đế Thích rưới hoa cúng dường. 

Ông Tu Bồ Đề hỏi:

-Ai rãi hoa đây?

Trời Đế Thích thưa:

-Con là trời Đế Thích 

-Vì lẽ gì ông tới đây rãi hoa cúng dường?

-Vì tôn giả nói Bát nhã hay quá nên con mới đến cúng dường.

-Từ hồi nào tới giờ tôi chưa từng nói một câu, sao ông lại nói tôi thuyết Bát nhã?

-Tôn giả không nói, tôi không nghe . Không nói, không nghe mới là Bát nhã chân chính.

Trong việc tu hành, chúng ta cũng phải dùng trí tuệ Bát Nhã để phá trừ cái chấp. Có nghĩa là tu mà không chấp mình tu , thế mới thật là tu. Chứng quả, mà không chấp mình chứng quả, thế mới thật là chứng quả. Nếu người tu chứng, đúng theo tinh thần của “Kim Cang Bát Nhã”, có nghĩa là không còn các vọng chấp về ngã và pháp hay bốn tướng, thì mới thật tu và thật chứng.

 Tâm Bồ Đề là tâm Phật, do đó khi Bồ tát phát tâm Bồ đề, thì họ phải xa lìa tất cả các vô minh vọng chấp: Không có chấp ngã, chấp nhơn, chấp chúng sanh, thọ giả, không chấp 6 căn, 6 trần và 6 thức. Nói chung là không chấp ngã chấp pháp.

 Khi các vọng chấp hết rồi, thì tâm bồ đề, tánh Bát nhã hay Phật tánh hiện ra. Đó là “hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm”. 

 Một hôm tôn giả Tu Bô-đề bạnh với Phật rằng:

 - Bạch Thế Tôn! Phật chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác có phải là không có chứng đắc gì cả ư?

 Phật dạy rằng:

 - Đúng thế! đúng thế! Tu Bồ-đề! Ta đối với vô thượng chánh đẳng chánh giác, cho đến một chút pháp cũng không chứng đắc, ấy gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 Nếu muốn biết có đắc hay không đắc thì trước hết phải biết rằng mình có mất hay không mất. Nếu nói rằng pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác là một thứ đã từng mất đi tức là thất thì nay mới có thể nói là tìm kiếm lại được tức là đắc. Thật sự chúng ta đâu có mất mát gì bởi vì pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác chính là “bổn tính cố hữu” hay “bản lai diện mục” có sẳn trong chúng ta. Chúng ta không thấy, biết nó là vì bị màng vô minh dày đặc che lấp. Nếu xóa tan được màng vô minh hắc ám ấy thì ánh sáng huyền diệu của chân lý sẽ hiển bày tức là có được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cái trí Bồ-đề nầy lúc nào cũng có sẳn trong ta chứ không phải do bên ngoài đưa vào. 

 Thêm nữa, Đức Phật nói Ngài không chứng đắc chi cả mà thế gian đều tôn trọng Ngài là vì Như Lai không có tướng ngã, không có tướng nhơn, không có tướng chúng sinh và không có tướng thọ giả. Như Lai nhìn vạn pháp đều bình đẳng không thương, không ghét, không giận không hờn, không thiên không vị. Và đặc biệt là Như Lai luôn sống trong thiện pháp chớ không lọt vào quỷ đạo của ác pháp cho nên người đời gọi Như Lai chứng quả Vô thượng Bồ-đề chớ thật ra Như Lai đâu có chứng đắc gì đâu. Nhưng Như Lai nói không chứng đắc mà thật ra Như Lai có chứng đắc! Cái chứng đắc nầy là vô thực và vô hư tức là không phải thật và cũng không phải là không. Tại sao không mà là thật? Bởi vì cái mà Như Lai chúng đắc thì không có hình tướng, không có màu sắc, không có kích thước, không có văn tự ngôn ngữ để diễn tả. Thế thì cái mà Như Lai chứng đắc là không thật có. Nhưng nếu không thật thì phải là hư? Vậy mà cái chứng đắc của Như Lai lại là vô hư! Tại sao? Bởi vì Như Lai có đầy đủ trí tuệ để nhận thức chân lý hoàn toàn đúng. Đúng theo tự tánh Bồ-đề và tự tánh thanh tịnh Niết bàn của tất cả mọi sự vật hiện tượng. Đúng theo thật tánh của con người, đúng theo Pháp tánh của vạn pháp cho nên Như Lai không bao giờ có vô minh phiền não và tâm luôn thường trụ Niết bàn. Thế thì quả chứng đắc chính là vô hư tức là không phải là không có. Vì thế mà tâm kinh cũng viết:”Sắc tức là không và Không tức là Sắc” nghĩa là Có tức là Không và Không cũng chính là Có vậy. 

 Ngày nay khi vào chùa gặp các vị Tăng thì làm sao chúng ta biết vị Tăng nào chứng đắc và vị nào chưa chứng đắc?

 Theo Phật giáo thì chứng đắc là vô thực bởi vì đâu có ai cấp bằng hay chứng chỉ chứng đắc cho ai đâu. Các danh xưng như Thượng tọa, Hòa thượng chỉ là những giả danh dùng để gọi chớ nó đâu có phản ảnh đúng con người thật hay bản tâm của họ được. Vì tu hành là vô cầu vô sở đắc tức là ngay cả chứng đắc cũng không mong cầu thì Thượng tọa, Hòa thượng có xá gì. Nhưng hư vô thì nó sẽ phản ảnh tướng mạo uy nghi đạo đức, tư tưởng chân chính, lời nói hòa nhã và hành động đúng với chân lý. Họ sẽ không còn tánh tham tật đố, không còn tập khí ngã mạn và dĩ nhiên làm việc vì lợi ích cho chúng sinh chớ không mong cầu lợi ích cho riêng mình. Khi quý vị thấy được vị Tăng nào như vậy thì đây chính là người đã chứng đạo. Nên nhớ có vô hư mới thành vô thực được.

 Sau cùng Phật dạy thêm: 
 
 

“Này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Như Lai hoặc là có đến, có đi, có nằm, có ngồi thì họ không hiểu được ý nghĩa của Như Lai. Tại sao? Bởi vì, Như Lai không đến từ đâu và cũng không đi về đâu, nên mới gọi là Như Lai!”.
 
 

 Như Lai không còn đi đâu, nghĩa là Như Lai vốn là tịch nhiên, các phiền não và vô minh ở trong tâm thức hoàn toàn không còn sinh khởi. Như Lai không còn về đâu, nghĩa là tự tánh giác ngộ của Như Lai là nghiễm nhiên thường tại không bao giờ bị hủy diệt.
 
 

 Mọi tướng đều là tướng của vọng tưởng. Chư Phật đã buông xã hết thảy vọng tưởng nơi tự tâm, nên đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, im lặng, hành xử của Thế Tôn là từ nơi thể tịch diệt tướng mà biễu hiện và từ nơi thể tướng tịch diệt nầy mà chư Phật giáo hóa độ sanh đem lại lợi ích cho tất cả muôn loài. Pháp thân Phật là vô tại vô bất tại tức là chẳng ở mà chẳng không phải ở bởi vì Pháp thân thì trùm khắp mọi nơi. Nếu đã trùm khắp hết tất cả mọi nơi thì làm sao có thể nói là Phật đến hay là Phật đi? Nếu đến thì đến từ đâu và đi thì đi về chỗ nào? Do đó nếu chúng sinh thấu hiểu Phật pháp thì tất cả đâu đâu cũng là Pháp thân Phật, ở đâu cũng có Pháp thân Phật. Còn nếu không thấu hiểu Phật pháp thì cho dù có thấy Như Lai cũng không hề hay biết. Do đó, bất cứ ai tiếp xúc được thực tại vô tướng ở nơi các tướng là tiếp xúc và thấy được Như Lai hay là tiếp xúc và thấy được Chư Phật ngay trong cuộc sống nầy.
 
 

 Vì thế ngay cả Lục Tổ Huệ Năng cũng thốt lên năm cái không ngờ:
 
 

¨ Nào ngờ tâm mình vốn tự thanh tịnh.
¨ Nào ngờ tâm mình vốn không sanh diệt.
¨ Nào ngờ tâm mình vốn tự đầy đủ.
¨ Nào ngờ tâm mình vốn không dao động.
¨ Nào ngờ tâm mình hay sanh muôn pháp.
 
 

 Tóm lại, theo tinh thần Bát Nhã, phải lìa xa tất cả các vô minh, vọng chấp, thì chơn tâm hay Phật tính mới hiện. Đó mới thật là thấy Phật vậy.
 
 

 Do đó cổ nhân có bài tụng như sau:
 
 

 Phật tức tâm, tâm tức Phật
 Tâm Phật cả hai đều vọng vật
 Người ngộ vô tâm và vô Phật
 Liền chứng Chơn như Pháp thân Phật
 
 

Còn nếu phá được các vọng chấp ngã, chấp pháp :
 
 

 Mượn áo tràng bà để lạy bà
 Lễ rồi, áo trả lại cho bà
 Bóng trúc quét sân, trần chẳng động
 Vừng trăng xuyên biển, nước không xao.
 
 

Nghĩa là: 
 
 

Bồ-tát độ sanh hay làm các Phật sự mà không thấy việc mình làm, không thấy có mình độ và chúng sinh được độ. Cũng như bóng trúc quét bụi mà không thấy mình quét, ánh sáng của vừng trăng xuyên biển mà không thấy xuyên. Thế thì bụi trần không động và nước cũng dợn.
 
 

 Trước mưa chỉ thấy hoa cùng bướm
 Mưa rồi chẳng thấy bướm với hoa
 Hoa rụng bướm xanh qua khỏi vách
 Vậy ai đã hưởng thú xuân nầy.
 
 
 
 

Nghĩa là:
 
 

 Trước kia chưa dùng trí tuệ Bát nhã (chưa mưa) để phá trừ vô minh vọng chấp thì ngã (bướm) và pháp (hoa) còn lăng xăng trước mắt. Sau khi dùng trí tuệ Bát nhã mà phá trừ hết vô minh vọng chấp (mưa rồi) thì ngã và pháp đều hết (hoa rụng, bướm bay). Lúc ấy chơn tâm thanh tịnh hay Phật tánh hiện bày. Vậy ai hưởng được cảnh giới nầy.
 
 

 Sau cùng Ngài Xuyên Thiền sư có câu:
 
 

 Gió cuốn mây đen về biển cả
 Một vầng trăng sáng giữa trời không.
 
 

Nghĩa là:
 Khi các mây vô minh vọng chấp hết thì mặt trăng trí tuệ Bát Nhã hiện ra

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Năm 2016(Xem: 5284)
Tam Bảo như lãnh vực hoạt động của mặt trời. Lòng bi mẫn của các ngài thì vô tư và không bao giờ cạn kiệt. Hãy quy y từ tận đáy lòng bạn. Đây là lời khuyên tâm huyết của tôi.
06 Tháng Năm 2016(Xem: 5456)
Phật Giáo là một tôn giáo có khoảng 300 triệu người trên khắp thế giới. [01] Từ ngữ "Phật Giáo" xuất phát từ chữ "budhi", có nghĩa là "tỉnh thức". Phật Giáo có nguồn gốc cách đây khoảng 2.500 năm khi Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm (Siddhartha Gotama), được biết là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tự mình tỉnh thức (giác ngộ) ở tuổi 35.
11 Tháng Tư 2016(Xem: 6672)
Sách nằm trong loạt sách liên kết được sự cho phép chính thức bằng văn bản của ngài Rajiv Mehrotra, thay mặt cho Văn phòng Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Ấn Độ.
18 Tháng Giêng 2016(Xem: 6668)
Đây là bốn Chân lý cao quý. Này chư tăng! Những gì là bốn? Các Chân lý cao quý về khổ, về nguồn gốc của khổ, về sự chấm dứt của khổ, và Chân lý cao quý về phương pháp dẫn đến sự chấm dứt của khổ.
03 Tháng Giêng 2016(Xem: 6162)
Chúng ta hãy đừng lừa dối chính mình, điều này tưởng chừng như không khó khăn nhưng thật sự đó là điều khó nhất trong tất cả các trạng thái mà chúng ta có thể đạt được. Bằng cách "không lừa dối chính mình", nghĩa là tôi muốn nói chúng ta hãy ngưng vẽ một bức tranh của thế giới ngày nay bằng những sai lầm với các màu sắc khoái lạc, vì tiện nghi và an toàn cho riêng mình.
19 Tháng Tám 2015(Xem: 4892)
25 Tháng Tư 2015(Xem: 41558)
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”, hiện tại vẫn là Phật. Chẳng qua hiện tại, bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên biến thành như vầy. Nếu buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn cùng Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật Như Lai, Tỳ Lô Giá Na Phật,… không hề khác nhau