28. Vô Thường – Vô Ngã

04 Tháng Tám 201100:00(Xem: 30388)


PHÁ MÊ KHAI NGỘ

 Lê Sỹ Minh Tùng

28. Vô Thường – Vô Ngã 

Phàm là con người thì ai ai cũng có nhiều tham vọng. Những tham vọng này đã gắn bó chặt chẻ trong tâm ta để sai khiến chúng ta phải tạo tác, giữ gìn bắt đầu từ tấm thân tứ đại nầy, cho đến mọi vật thể ở chung quanh chúng ta. Chẳng hạn chúng ta cố dành dụm tiền để mua chiếc xe mới để lái cho sang và sau nữa là hãnh diện với bạn bè. Cho dù chúng ta có giữ gìn chiếc xe này cách mấy, thì ngày qua tháng lại nó cũng trở thành cũ và xấu đi. Tại sao vậy? Bởi vì tất cả mọi vật ở trên đời này đều luôn luôn biến đổi, chẳng khác nào như một giòng sông, một đám mây. Thời gian trôi qua như thế nào, thì mọi vật cũng trôi qua như thế đó. Nói theo danh từ nhà Phật, thì sự biến chuyển , đổi thay ấy gọi là luật vô thường.
 
 

 Vậy thế nào là vô thường?
 
 

 Phật dạy rằng: “Tất cả những gì trong thế gian đã là biến đổi, hư hoại, đều là vô thường”. Vậy vô thường là không ở mãi một trạng thái nhất định, mà thay hình đổi dạng, đi từ trạng thái hình thành để rồi biến hình đổi dạng và sau cùng đi đến sự tan rã. Phật gọi những giai đoạn thay đổi này là: sanh, trụ, dị, diệt. Thật vậy, mọi vật đều phải được tạo ra (sanh), tức là còn ở điều kiện tốt (trụ), sau đó phải chuyển từ từ sang xấu (dị) và sau cùng đi đến sự tan rã. Tất cả sự vật trong vũ trụ, từ nhỏ như hạt cát, đến lớn như trăng sao, đều phải tuân theo luật vô thường này.

Vậy cái luật vô thường này nó ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
 
 

Chúng ta hãy lắng nghe Thái tử Tất đạt Đa than thở với Công chúa Dà Du trước khi Ngài đi xuất gia:
 
 

“Chúng ta sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mặt trong của nàng rồi sẽ mờ đục! Môi thắm của nàng rồi sẽ úa màu! Ta nghe trong ta, trong nàng và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ, dưới sức tàn phá của cái búa thời gian, tất cả những gì quý giá của đời người… Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng, những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương!”.

Những lời than thở thốt ra từ một vị Thái tử cao sang quyền quý, tướng mạo khôi ngô, chẳng những đã thức tỉnh Công chúa Da Du, mà còn đánh thức tất cả những ai còn say đắm trong cảnh đời giả tạm mà sanh, lão, bệnh, tử là hiện thân của luật vô thường.
 
 

Thân tứ đại của chúng ta thì vô thường như thế, nhưng trong thế gian này con người vẫn cố tình bồi bổ, cung phụng xác thân của họ bằng cách tạo tác ra biết bao tội ác ghê gớm. Điển hình là vào thế kỷ thứ 18, ở bên Trung quốc có bà Từ Hi Thái hậu. Vì muốn lấy lòng những nhà ngoại giao Tây phương, bà đã đặt ra những món ăn chơi táo bạo trong đó có món ăn óc khỉ. Chúng ta thử tưởng tượng sự đau đớn cực độ của những con khỉ vô phước này khi con người móc óc của nó để ăn trong khi chúng nó vẫn còn sống. Thật là một cảnh tượng hãi hùng, chỉ vì muốn bồi bổ tấm thân vô thường mà con người đã nhẫn tâm làm những điều tàn ác như thế.
 
 

Không những Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy Thân là vô thường, mà ngay cả Đức Lão Tử cũng chán ngán cả chính cái thân mà theo Ngài là nguồn tội lỗi, là gốc khổ đau, nên thốt ra câu:
 
 

“Ngô hữu đại loạn, vị ngô hữu thân,
 
 

Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?”
 
 

 Tạm dịch:
 
 

Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân,

Nếu ta không có thân, thì đâu có khổ gì?
 
 

 Thật vậy, các tế bào trong thân thể của chúng ta luôn luôn thay đổi và cứ mỗi 7 năm thì những tế bào này hoàn toàn đổi mới. Chính sự thay đổi này đã làm cho chúng ta chóng lớn, chóng già, và dĩ nhiên là chóng chết. Vì sự vô thường của thân như thế, nên cổ nhân mới có câu:
 
 

Thân như bóng chớp chiếu tà,

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời,

Sá chi suy thạnh việc đời,

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
 
 

 Hay là:
 
 

Hồng nhan già xấu, anh hùng mất

Đôi mắt thư sinh cũng mõi buồn.
 
 

 Thân thì vô thường như thế, còn Tâm thì như thế nào?
 
 

 Ngoại cảnh đã làm cho tâm niệm của con người thay đổi từng giây từng phút. Bây giờ thì chúng ta đang vui, bỗng vài phút sau thì chuyển sang buồn. Phút này đang nghĩ chuyện này, phút sau lại nghĩ chuyện khác, đôi khi đầu óc suy nghĩ vẫn vơ, không đầu, không đuôi. Chính vì cái tâm biến đổi mau lẹ như vậy, nên chúng ta có cảm tưởng như nó không thay đổi gì cả. Tâm của chúng ta được cấu tạo bởi từng niệm sanh diệt, nhưng vì chúng ta không nhận được sự biến chuyển mau lẹ của nó, nên chúng ta cứ tưởng là nó đơn thuần và bất biến. Cái tâm phút trước đâu phải là cái tâm phút này? Và cái tâm phút này đâu còn là cái tâm phút sau? Vậy cái tâm nào là cái tâm thật? Cái tâm phút trước, cái tâm phút nầy, hay là cái tâm phút sau?
 
 

 Chúng ta vui đó rồi buồn đó, thương đó rồi giận đó. Phút trước ta nghĩ chuyện nầy, giây phút sau ta nhờ chuyện khác. Vì thế mà Đức Phật cũng dạy rằng:
 
 

 Tâm người như vượn chuyền cây,

 Như ngựa chạy rông nơi đồng nội.
 
 

 Thật vậy, tâm niệm của con người sanh diệt trong từng sát na (giây) và vì chính nó sinh diệt mau lẹ như thế nên con người có cảm tưởng như nó không thay đổi chi cả. Mỗi khi ta mở mắt, ta nhìn thấy ngoại cảnh, ta nghe âm thanh, ta nếm thức ăn gì, ta ngữi hương thơm hay thân ta có cảm giác thì trong tâm thức tức thì nảy sinh ý niệm. Như thế thì ý niệm sinh khởi vô cùng vô tận trong tâm thức của con người. Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và như thế nó cứ chồng chất lên nhau. Ý niệm càng nhiều thì vọng thức càng phát sinh và dĩ nhiên tâm càng vọng động. Tâm chứa đầy vọng thức thì dĩ nhiên chân tâm biến mất và những ô nhiễm như Tham-Sân-Si, Mạn, Nghi cũng vì thế mà tác tạo liên tục để hành hạ con người và đưa họ lún sâu vào vòng sinh tử Luân hồi. Nên nhớ có nghiệp là còn sinh tử, còn đau khổ. Xem như thế thì cái tâm thật là vô thường, mang tính chất tạm bợ và giả tạo, thế mà người đời hoang tưởng cho nó là trung tâm điểm của vũ trụ để bám víu vào nó, nhơn danh nó để tham lam, và làm bao nhiêu điều tội lỗi cũng như gây biết bao đau thương cho kẻ khác.
 
 

 Thân thì vô thường, ngay cả cái tâm cũng vô thường, vậy vật thể, sơn hà đại địa có vô thường không?
 
 

 Chẳng riêng gì sinh vật là biến đổi từ trẻ sang già rồi chết. Còn sông núi, đất cát cũng có khi lở khi bồi, và trăng sao cũng khi tròn khi khuyết. Nói chung không có vật gì là vỉnh viễn tồn tại cả. Thật thế, cuộc đời của chúng ta đã chứng kiến bao sự thăng trầm, vinh nhục, lên voi xuống chó. Giàu nghèo, sang giàu liên tục diễn ra trước mắt chúng ta như chỉ là một bức tranh vân cẩu mà thôi.
 
 

Đối với người Việt nam chúng ta, không còn ai quên được cuộc đổi đời sau năm 1975. Biết bao người giàu sang quyền quý, tiền rừng bạc biển, dinh thự nguy nga, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, thế mà nay chỉ còn là dĩ vãng. Lắm kẻ ngày xưa quyền cao chức trọng mà giờ đây bỗng trở thành những kẻ tha phương cầu thực, hay vướng cảnh tù đày.
 
 

 Sự vô thường đã sờ sờ trước mắt, thế mà biết bao nhiêu người vẫn chưa tỉnh ngộ . Kẻ mua quan, người bán tước, kẻ tham danh, người ham lợi, đã gây ra bao cảnh đa đoan, nhân tình thế thái. Thuyết vô thường của Đạo Phật là một phương pháp rất thực tiển không phải tôn chỉ gieo vào lòng mọi người những quan niệm chán đời để nhìn đời một cách tiêu cực mà cốt yếu là muốn khai trừ những sự mê lầm và ngăn chận người đời chạy theo vật dục một cách mù quáng. Chúng ta đã đau khổ vì màu sắc tốt xấu, vì lời hay tiếng dở, vì mùi vị ngọt bùi, cay đắng, thì thuyết vô thường sẽ mang lại được sự bình tỉnh thản nhiên trước cảnh đổi thay bất ngờ và có thể lạnh lùng trước cảnh phân ly, chia biệt.
 
 

 Khi đã hiểu vô thường, chúng ta không còn quan trọng mọi thứ trong cái cõi đời này. Biết vô thường, chúng ta mới chán ngán với những thú vui tạm bợ, giả trá và cương quyết tìm lại cái giá trị chơn thật, cái hạnh phúc chân chính, cái Phật tánh sáng suốt, chắc chắn muôn đời.
 
 

Bởi vậy, người xưa cũng nói:

Hoa tươi nhưng sẽ úa sầu

Tấm thân tứ đại tránh sao điêu tàn.
 
 
 
 
 
 
 

(Không có cái Ta)

(Non-self)
 
 

 Con người từ khi mới lọt lòng mẹ, rồi lớn lên, trưởng thành, già nua, bịnh hoạn, rồi cuối cùng cũng phải chết. Ngay cả khi chết, chúng ta cũng còn nghĩ rằng một cái gì đó vô hình tướng mà nó có sức mạnh để làm chủ chúng ta từ ý nghĩ cho đến hành động. Cái vô hình nấy có người gọi là linh hồn, có người gọi là bản ngã, có người gọi là thần thức, nhưng chúng ta gọi nó là cái Ta. Vì chúng ta nghĩ rằng trong ta chỉ có một cái Ta, thành thử cái Ta sẽ không biến đổi theo thời gian, hay nói một cách khác là cái Ta có tính chất tồn tại bất biến. Theo Phật thuyết thì sự tồn tại bất biến nấy được gọi là “ngã chấp”. Từ cái ngã chấp ấy, mà sinh ra “ngã ái”, nghĩa là yêu thương, chăm sóc và giữ gìn cái “ngã”.
 
 

 Vì quá thương yêu cái “ngã” của Ta, mà cuộc sống của chúng ta bị quay cuồng trong vòng luân hồi sanh tử. Thay vì sống một cuộc đời thanh cao đạo hạnh, chúng ta cam chịu làm nô lệ để thỏa mãn những dục tính của cái Ta, bởi vì chúng ta lo sợ một ngày nào đó chúng ta sẽ hoàn toàn mất nó. 
 
 

Nhưng thực ra, có một cái Ta như thế không?
 
 

 Theo Phật giáo, con người cũng như mọi vật, sở dĩ có là do nhân duyên hòa hợp tạo thành và cái Ta chỉ là một sự kết hợp của Ngũ Uẩn mà thôi. Vì là do nhân duyên hòa hợp nên Ngũ Uẩn không có tự tánh hay chủ thể. Thí dụ một hạt lúa tự nó không thể phát triển để thành cây lúa nếu không có những trợ duyên như phân bón, nước, ánh sáng mặt trời, tay vun trồng của người nông phu…Thế thì hạt lúa là vô ngã vì tự nó không thể phát triển hay tồn tại mà không có những trợ duyên khác. Cái thân của chúng ta cũng vậy, nếu thân là Ngã thì tự nó có thể lớn lên và sống mà không cần những trợ duyên bên ngoài như thức ăn, thức uống, áo quần, nhà cửa…Nhưng con người muốn sống thì cần phải ăn, phải uống…cũng như cây muốn sống thì cần phải có nước…Vì thế chính thân của con người hay nói theo danh từ nhà Phật là Ngũ Uẩn là Vô ngã tức là không có chủ thể tức là Không (nói theo danh từ Tâm Kinh).
 
 

 Ngũ uẩn hay con người là sự kết hợp của Thân và Tâm mà Phật giáo gọi là Sắc và Danh. Sắc là chỉ cho Thân và Danh là cho Tâm thức. Danh hay phần Tâm thức tức là phần tinh thần thì gồm có Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
 
 

 Tóm lại:
 
 

 Thân xác thì gọi là Sắc uẩn.

 Tâm thức hay phần tinh thần thì có Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn.
 
 

 Vậy thử xem trong ngũ uẩn nó biến đổi như thế nào?
 
 

1) Sắc: là thân xác của con người thì tan hợp, hợp tan như bọt biển. Trời đất đó đây không định hướng, không có gì cố định cả. Vì thế Sắc là biến đổi, chạy theo thời gian, là vô ngã.
 
 

2) Thọ: là những cảm giác vui khổ của thân và tâm đều sinh diệt bất thường giống như những bong bóng trên mặt nước. Như thế thọ là vô ngã.
 
 

3) Tưởng: là những ảo ảnh giống như những giả cảnh mà người lữ hành trong sa mạc thường thấy. Vì là cảnh giả nên tưởng là vô ngã.
 
 

4) Hành: là sự biến chuyển thay đổi của tâm niệm. Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và như thế ý niệm cứ tiếp tục sinh khởi liên miên trong tâm thức của con người. Ý niệm là do bên ngoài mà có tức là do nhân duyên kết tạo mới có sự suy tư. Mà đã là do nhân duyên thì hành là vô ngã. 
 
 

5) Thức: là sự hiểu biết phân biệt để có khả năng biến hiện ra các cảnh và phân biệt các cảnh. Khi sự phân biệt nầy thành cái biết thì đây chính là thức uẩn. Sự phân biệt có là do từ bên ngoài chớ không phải tự con người có được nên thức là uẩn chính là do nhân duyên tạo thành. Vì thế thức uẩn là vô ngã tức là Không. Tâm thức của con người biến đổi không ngừng từng giây từng phút. Theo Phật giáo sự biến đổi của tâm thì 16 lần nhanh hơn sự biến đổi của vật chất. Vì quá nhiều biến đổi như thế, nên thức cũng là vô ngã.
 
 

Vậy trong ngũ uẩn đâu có cái gì là bất biến, cố định đâu? 
 
 

Bởi sự biến đổi không ngừng này mà ngũ uẩn được xem là vô ngã. Nếu ngũ uẩn đã là vô ngã, thì trong ta làm gì có cái Ta. Như vậy bản ngã chỉ là một tiến trình biến đổi của danh (tâm) và sắc (thân) theo mối dây liên hệ nhân quả mà thôi.
 
 

Nếu nhìn kỹ lại cái thân tứ đại của chúng ta, thì mỗi ngày nó già đi một chút, không cách nào làm cho nó trẻ mãi được, rồi cuối cùng nó cũng phải chết. Đó là thân vô ngã. Còn Tâm có vô ngã không? Trong tâm của chúng ta lúc thì vui, khi thì giận, biến đổi khôn lường và như thế thì tâm cũng là vô ngã. Ngay đến cảnh vật chung quanh chúng ta cũng biến đổi không ngừng, đồi núi thì san bằng thành biển cả. Vạn vật thì cũng thế luôn luôn biến chuyển từng giây từng phút, cảnh này hủy diệt thì cảnh khác hiện lên.
 
 

Nói tóm lại, cái thân tứ đại của chúng ta chuyển từ trẻ sang già thì chính nó là vô ngã, mà Lục căn phát sinh từ tấm thân tứ đại này, thì Lục căn cũng là vô ngã mà thôi. Cùng lý luận này, thì Lục trần và Lục thức cũng đều là vô ngã cả.
 
 

Chúng ta sống trong mê muội bởi vì chúng ta lầm tưởng thường với vô thường, ngã với vô ngã và cũng chính bởi cái mê mờ ấy mà chúng ta đau khổ lại càng đau khổ hơn. Chính cái vô ngã của nhà Phật đã giúp cho chúng ta nhận định và phân biệt đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính, đâu là tà để cho chúng ta có thể phá tan được cái vô minh và sự phiền não chấp chứa lâu đời lâu kiếp trong tâm hồn của chúng ta.

Phật dạy: “Chế ngự được tâm là quý nhứt, bởi cái tâm thật khó mà kiểm soát, nó chạy không ngừng theo tham dục. Khi tâm đã được chế phục, thì tìm thấy được hạnh phúc”.
 
 

“Chúng ta đem tâm “thương ghét” mà cầu đạo Bồ-đề, thì không bao giờ được giải thoát, vì nó là gốc của sanh tử luân hồi vậy”.
 
 

“Vì cò phiền não nên có Bồ-đề, có sanh tử mới có Niết Bàn, có luân hồi nên mới có giải thoát, có chúng sanh mới có Phật”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 7682)
Sự giải thoát của kinh Hoa Nghiêm không phải là phá hủy sự tướng, dù chỉ bằng cách quán tưởng; cũng không phải là đưa sự tướng trở về bản tánh tánh Không của chúng. Sự giải thoát, giác ngộ của kinh Hoa Nghiêm là thấy được sự viên dung vô ngại của tất cả sự tướng.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13015)
Tháng 10 năm 2014, Đức Đạt-lai Lạt-ma có một buổi thuyết giảng tại thành phố Boston trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ. Một Phật tử Việt Nam tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã tham dự và trong dịp này có mua một tấm tranh treo tường ghi lại một lời giảng của Ngài gửi sang Pháp tặng tôi. Cử chỉ ấy khiến tôi không khỏi cảm động nhưng cũng không tránh khỏi một chút áy náy, bởi vì tôi chỉ quen biết người bạn trẻ này qua mạng internet thế nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13133)
Câu chuyện thứ nhất xin kể về ông Gandhi. Ông là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”.
24 Tháng Mười Một 2014(Xem: 8924)
Bất cứ thời nào và ở đâu, con người cũng có những nỗi khổ niềm đau, những thói hư tật xấu, tham lam, tranh chấp. Dựa vào các nguyên tắc đạo đức, con người dần điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo lý xã hội. Giới luật trong Phật giáo (Vinàya) có nghĩa là điều phục, huấn luyện, đã huấn luyện thì phải có kỷ luật. Điều phục ở đây nghĩa là điều phục thân tâm
11 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7614)
Cách đây mấy tháng, tôi đến tham dự một khóa tu hai tuần ở một tu viện trong một vùng gần bờ biển. Tu viện này được nhiều người kính trọng vì cuộc sống hòa hợp và khắc khổ của các nhà sư ở trong đó. Mỗi ngày một nhóm thí chủ khác nhau đến tu viện, thường là từ những thị trấn hay làng mạc xa xôi, mang theo vật phẩm cúng dường.
05 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11587)
Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng.
31 Tháng Mười 2014(Xem: 5462)
Đôi lời bộc bạch chân thành, chúng tôi viết quyển sách này cho những ai muốn trở thành người Phật tử chân chính. Bước đầu học Phật rất quan trọng, nếu đi sai lệch sẽ làm trở ngại trên bước đường tu học. Người mới bắt đầu học Phật không hiểu đúng tinh thần Phật giáo sẽ khó được thành tựu viên mãn.
23 Tháng Mười 2014(Xem: 11005)
Tất nhiên đã làm người thì phải chịu khổ đau nhiều hay ít tùy thuộc vào trạng thái tâm lý, sự cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của sự đau khổ do bản thân mình gây ra hay tác động bởi hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ đau có nguồn gốc từ sự tưởng tượng của con người.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 14690)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 6533)
Trải qua gần 100 năm tuổi (phôi thai bắt đầu từ khoảng năm 1916- 1918), bộ môn Cải Lương của miền Nam Việt Nam ngày nay đã thật sự "đi vào lòng người", vừa là kịch, vừa là hát, nhẹ nhàng lên bổng xuống trầm với những nhạc cụ dân tộc, tạo thành một nghệ thuật đặc thù của miền Nam Việt Nam. Cộng vào đó, những nghệ sĩ tài hoa, điêu luyện, hòa cùng kỹ thuật âm thanh tân tiến ngày nay, đã đưa bộ môn nghệ thuật Cải Lương tới chỗ tòan hảo, truyền cảm và rất tự nhiên.