Chương Một: Phật Bảo - 1.04 Tuệ Giác Của Thế Tôn

02 Tháng Tám 201100:00(Xem: 10800)

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam

Phật Học Khái Luận
Thích Chơn Thiện In Lần Thứ Hai - 1997

Chương Một - Phật Bảo
Tiết IV

Tuệ Giác của Thế Tôn


Như vừa đề cập ở tiết III, sự tán thán Thế Tôn một cách chân chính là tán thán Tuệ Đức của Ngài. Để sự tán thán ấy có ý nghĩa, người Phật tử cần hiểu rõ về Tuệ giác của Thế Tôn, hay trí tuệ của Thế Tôn là gì? Ở đâu? Chính sự có mặt của Tuệ giác là sự phân biệt rõ ràng giữa những gì gọi là Phật giáo với ngoại đạo. Ngoài Tuệ giác ấy, Phật giáo không còn là Phật giáo, Tam Minh hay Lục Thông là sự phân biệt đầu tiên giữa Phật giáo và ngoại đạo mà người viết đề cập đến.

Tam Minh (Tevijjà) là: "Túc mệnh minh" (Thấy rõ vô lượng kiếp của tự thân với tất cả nghiệp nhân và nghiệp quả); "Thiên nhãn minh" (Thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh, thấy rõ sự sinh tử của chúng sanh với tất cả nghiệp nhân và nghiệp quả) và "Lậu tận minh" (đoạn hết lậu hoặc, chứng vô lậu Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát) (Kinh Tam Minh, Trung Bộ II, Trung A-hàm số 157).

Kinh Bà-sa-cù-đa Tam Minh (Tevijjà-Vacchagottasuttam, Trung Bộ Kinh; Hán tạng: Kinh Tam Minh số 26) chép: "... Nếu nói rằng Sa-môn Gotama là bậc Nhất Thiết Trí, Nhất Thiết Kiến, Ngài tự cho là có trí kiến hoàn toàn, khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ, và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại và liên tục. Như thế là nói một điều không thực về Ta. Nếu nói rằng Sa-môn Gotama là bậc có ba Minh (với ý nghĩa rằng khi nào Thế Tôn muốn thì Túc mệnh minh và Thiên nhãn minh mới khởi lên). Như thế mới không nói điều không thật về Ta".

Chính với Thiên nhãn minh (hay cả ba Minh), Thế Tôn thấy và tuyên bố rằng: "Không có một người tại gia nào không đoạn trừ kiết sử, sau khi thân hoại, có thể diệt tận, khổ đau. Không phải một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm; nhưng nhiều hơn như thế là những ngưòi tại gia không đoạn trừ kiết sử có thể sanh Thiên".

Nhưng đối với hành tà mạn ngoại đạo thì Thế Tôn dạy: "Không có một vị tà mạn ngoại đạo nào, sau khi thân hoại, có thể diệt tận, khổ đau, và dầu cho Ta nhớ đến chín mươi mốt kiếp, Ta không thấy một vị tà mạn ngoại đạo nào được sanh Thiên, trừ một vị, vị này thuyết về nghiệp và thuyết về tác dụng của nghiệp".

--"Sự việc là như vậy, này Vaccha, thời ngoại đạo giới này là trống không, cho đến vấn đề sanh Thiên".

Kinh Bà-sa-cù-đa Tam Minh; Kinh Bà-sa-cù-đa Hỏa Dụ (Trung Bộ Kinh III); Kinh Xuất Gia (Đại II, 246b, Đại II 446a, Hán tạng) xác nhận rằng, nếu muốn thì các đệ tử của Thế Tôn có thể chứng Tam minh (hay Lục thông) ngay trong hiện tại.

Điểm đặc sắc thứ hai nổi bật của Thế Tôn giữa các ngoại đạo là nói lên vị trí độc tôn cuả Ngài với mười Như Lai lực:

- Như Lai như thật, biết xứ phi xứ.
- Như Lai như thật, biết các quả báo tuỳ thuộc sở do, sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai và hiện tại.
- Như Lai như thật, biết con đường đưa đến các sanh thú.
- Như Lai như thật, biết mọi thế giơi với mọi sai biệt của chúng.
- Như Lai như thật biết sự hiểu biết sai biệt của các loài hữu tình.
- Như Lai như thật biết các tâm tánh sai biệt của tất cả chúng sanh.
- Như Lai như thật biết các tạp nhiễm, thanh tịnh, xuất khởi của các Thiền chứng về Thiền, về giải thoát và về định.
- Như Lai chứng Túc mệnh minh.
- Như Lai chứng Thiên nhãn minh.
- Như Lai chứng Lậu tận minh.
Chính do mười Như Lai lực này mà Thế Tôn cất tiếng rống sư tử giữa các hội chúng và chuyển xe Pháp (Tăng Chi Bộ kinh V, Phẩm Mười Pháp).

Truyền thống Bắc và Nam tạng đều tán dương Thế Tôn về mười "Như Lai lực" và mười "hiệu Như Lai". Ở mười hiệu Như Lai, Thế Tôn hiện rõ là bậc Vô thượng về đức, tuệ và giáo hóa. (Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Trí, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn).

Từ đây, chúng ta đã có thể thấy được: Tuệ giác vô thượng của Thế Tôn, một tuệ giác không thể tìm thấy trong bất cứ một hệ thống tôn giáo, tư tưởng ngoại đạo nào, trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.

Ở quả chứng Tam minh, đây là quả chứng của Tuệ giải thoát thuộc Thiền quán (Vipassana). Nói rõ hơn, Ấn Giáo có tư duy về tiểu ngã và đại ngã, nhưng không có nhìn bằng con mắt "duyên sinh", nghĩa là không có Thiền quán. Đặc điểm của Thiền quán Phật giáo là phân tích các pháp qua mười hai nhân duyên (qua Duyên khởi). Tại đây, có hai điểm giáo lý giải thoát đặc biệt của Phật giáo không tìm thấy ở ngoại đạo.

1. Giáo lý Duyên khởi:

Giáo lý này do Thế Tôn tự thân khám phá. Từ đó, Thế Tôn đắc Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Qua Duyên khởi, Thế Tôn dạy toàn bộâ khổ uẩn là do Mười hai nhân duyên sinh khởi (Tập khởi) và toàn bộ khổ uẩn diệt là do Mười hai nhân duyên diệt. Nói khác đi; gốc của sanh tử, khổ đau chính là vô minh, hay ái hoặc thủ... Sự khám phá này không có trong bất cứ một hệ thống giáo lý ngoại đạo nào.

2. Từ "Duyên sinh":

Thế Tôn tuyên bố: "Hết thảy các Pháp là vô ngã", "Hết thảy các hành là vô thường và khổ đau" (Dhp, 277, 278, 279). Đây gọi là "Ba Pháp ấn".

Nhìn thấy các pháp (hữu vi và vô vi) đều vô ngã (anatta) là cái nhìn độc đáo nhất trong lịch sử của tôn giáo và triết học, gây sửng sốt cả thế giới.

Chính gốc của mọi khổ đau, mọi tranh chấp, mọi tù ngục là sự chấp trước ngã, là ý niệm sai lầm về ngã. Cái nhìn vô ngã của trí tuệ vô ngã của Thế Tôn quả nhiên là cái nhìn giải phóng khổ đau, tù ngục... Chính ở đây, chúng ta nhận ra Tuệ giác của Thế Tôn.

Chỉ khi nào loại trừ hết vô minh, ái, thủ thì cái nguyên nhân đưa đến sinh tử (các lậu hoặc) mới bị chặt đứt, và bấy giờ mới đắc "Lậu tận minh", một quả vị hoàn toàn không thể có ở ngoại đạo.

Từ điểm khác biệt nền tảng này, phát sinh rất nhiều điểm khác biệt nổi bật khác, nói lên sắc thái độc đáo gọi là Phật giáo. Đấy là con đường trí tuệ của nhận thức vô ngã, của thực tại vô ngã, mà không phải là của Hữu thần, Nhất thần, Đa thần, hay Phiếm thần, cũng không phải là sản phẩm của giáo lý "mặc khải" từ một đấng tối cao nào. Đây là con đường hoàn toàn của trách nhiệm tự thân, của tự độ, tự giác, mà không phải của sự ban ân cầu nguyện, thưởng phạt, bùa chú hay hành xác nào. Đây là con đường vắng mặt chủ trương "Duy Tâm", "Duy linh", "Duy vật", "Duy thần" v.v..., và là con đường của Duyên sinh vô ngã. Nếu phải miễn cưỡng gọi nó là Duy thức, Duy linh, Duy vật v.v... thì phải hiểu rằng Thức, Linh, Vật v.v... ấy là vô ngã, khác hẳn với chủ trương của ngoại đạo. Đây là con đường cho rằng gốc của sanh tử, khổ đau và ái, thủ, vô minh, mà không phải là gì khác của thế giới bên ngoài. Ở đây không chủ trương rằng cuộc đời này là hoàn toàn mộng ảo, phi thực, cần phải từ bỏ để đi tìm cõi chân thực ở bên kia thế giới, mà chỉ chủ trương loại bỏ ái, thủ, vô minh. Tất cả đều là phi thực, nếu vướng mắc ai, thủ, vô minh... Tất cả đều là chân thực, nếu xa rời hẳn ái, thủ, vô minh.

Nói tóm, con đường Tuệ giác vô ngã của Thế Tôn là con đường "Trung đạo" của hai mặt: nhận thức và hành động.

Từ nghĩa "Trung đạo" ấy, Thế Tôn vạch mở lối đi "Bát Thánh Đạo", con đường đi vào giải thoát, rốt ráo dứt sạch sinh tử, khổ đau.

Đây là điểm giáo lý độc đáo khác của Phật giáo mà không thể tìm thấy trong bất cứ hệ thống giáo lý nào khác. Con đường này xây dựng trên căn bản của Giới (gồm Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng), Định (gồm Chánh Tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định) và Tuệ (Gồm Chánh Kiến và Chánh Tư duy) do từ chính Tuệ giác của Thế Tôn.

Tự mình chứng nhập chân lý mà trước đó chưa từng có người chứng (trừ chư Phật quá khứ) là một sự kiện biểu hiện Tuệ giác vô thượng, nhưng tự mình mở đường cho hàng đệ tử chứng nhập chân lý cũng là một sự kiện của Tuệ giác vô thượng.

Từ đây, chúng ta sẽ hiểu rõ rằng từ Tuệ Giác vô thượng, Thế Tôn thiết lập giáo lý giải thoát của Ngài, nên từ giáo lý ấy, ta có thể tìm thấy Tuệ giác vô thượng kia. Đó là những gì có mặt trong Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, và Giải thoát tri kiến.

Giới, được xây dựng trên cơ sở của chánh trí và từ bi, nhằm mục đích đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi loài trong hiện tại và tương lai. Căn bản của Giới là Giới bổn Patimokha (Skt. Pratimoksa), Hán dịch là Ba-la-đề-mộc-xoa (hay Biệt giải thoát, hoặc Xứ giải thoát). Đấy là sự giải thoát do nhiếp phục các hành động của thân, lời và ý, là kết quả của Tuệ giác của Thế Tôn.

Về Định, hay Thiền định, có thể nói Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (Đạo đế) như là giáo lý của Định, là con đường đưa đến loại trừ hết khổ đau. Con đường nầy được thiết lập trên căn bản của Giới (Tương Ưng Bộ Kinh, IV), như các loài động vật di chuyển trên nền tảng đất.

Các giáo lý về Tuệ như Duyên khởi, Vô ngã, Năm uẩn, Nhân quả, v.v... thì nhắm đến ly tham, đoạn trừ các lậu hoặc.

Toàn bộ giáo lý đạo Phật thực sự đều đưa đến ly tham, ly sân, ly si, giải thoát và tri kiến giải thoát. Tất cả đó phải là sản phẩm của Tuệ giác vô thượng, của một sự chứng nhập Pháp giới táng vô thượng. Trí tuệ ấy Thế Tôn đạt được ở thời điểm gọi là Thành Đạo, thành Phật hay đắc Niết-bàn.

Chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa của Thành Đạo, thành Phật, Niết-bàn trong các tiết mục tiếp theo./.




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 7693)
Sự giải thoát của kinh Hoa Nghiêm không phải là phá hủy sự tướng, dù chỉ bằng cách quán tưởng; cũng không phải là đưa sự tướng trở về bản tánh tánh Không của chúng. Sự giải thoát, giác ngộ của kinh Hoa Nghiêm là thấy được sự viên dung vô ngại của tất cả sự tướng.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13019)
Tháng 10 năm 2014, Đức Đạt-lai Lạt-ma có một buổi thuyết giảng tại thành phố Boston trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ. Một Phật tử Việt Nam tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã tham dự và trong dịp này có mua một tấm tranh treo tường ghi lại một lời giảng của Ngài gửi sang Pháp tặng tôi. Cử chỉ ấy khiến tôi không khỏi cảm động nhưng cũng không tránh khỏi một chút áy náy, bởi vì tôi chỉ quen biết người bạn trẻ này qua mạng internet thế nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13135)
Câu chuyện thứ nhất xin kể về ông Gandhi. Ông là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”.
24 Tháng Mười Một 2014(Xem: 8927)
Bất cứ thời nào và ở đâu, con người cũng có những nỗi khổ niềm đau, những thói hư tật xấu, tham lam, tranh chấp. Dựa vào các nguyên tắc đạo đức, con người dần điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo lý xã hội. Giới luật trong Phật giáo (Vinàya) có nghĩa là điều phục, huấn luyện, đã huấn luyện thì phải có kỷ luật. Điều phục ở đây nghĩa là điều phục thân tâm
11 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7620)
Cách đây mấy tháng, tôi đến tham dự một khóa tu hai tuần ở một tu viện trong một vùng gần bờ biển. Tu viện này được nhiều người kính trọng vì cuộc sống hòa hợp và khắc khổ của các nhà sư ở trong đó. Mỗi ngày một nhóm thí chủ khác nhau đến tu viện, thường là từ những thị trấn hay làng mạc xa xôi, mang theo vật phẩm cúng dường.
05 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11593)
Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng.
31 Tháng Mười 2014(Xem: 5466)
Đôi lời bộc bạch chân thành, chúng tôi viết quyển sách này cho những ai muốn trở thành người Phật tử chân chính. Bước đầu học Phật rất quan trọng, nếu đi sai lệch sẽ làm trở ngại trên bước đường tu học. Người mới bắt đầu học Phật không hiểu đúng tinh thần Phật giáo sẽ khó được thành tựu viên mãn.
23 Tháng Mười 2014(Xem: 11011)
Tất nhiên đã làm người thì phải chịu khổ đau nhiều hay ít tùy thuộc vào trạng thái tâm lý, sự cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của sự đau khổ do bản thân mình gây ra hay tác động bởi hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ đau có nguồn gốc từ sự tưởng tượng của con người.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 14713)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 6535)
Trải qua gần 100 năm tuổi (phôi thai bắt đầu từ khoảng năm 1916- 1918), bộ môn Cải Lương của miền Nam Việt Nam ngày nay đã thật sự "đi vào lòng người", vừa là kịch, vừa là hát, nhẹ nhàng lên bổng xuống trầm với những nhạc cụ dân tộc, tạo thành một nghệ thuật đặc thù của miền Nam Việt Nam. Cộng vào đó, những nghệ sĩ tài hoa, điêu luyện, hòa cùng kỹ thuật âm thanh tân tiến ngày nay, đã đưa bộ môn nghệ thuật Cải Lương tới chỗ tòan hảo, truyền cảm và rất tự nhiên.