3. Bốn Chân Lý Cao Cả

02 Tháng Tám 201100:00(Xem: 10977)

ĐỨC PHẬT

VÀ HÀO QUANG CHÂN LÝ
Dịch giả: TT Thích Giải Thông-Phỏng dịch theo bản tiếng Anh The light of truth
của Giảng sư LOKANATHA Do The Singapore Maha Bodhi School xuất bản


BỐN CHÂN LÝ CAO QUÝ

Tôn giáo là gì? Tôn giáo là phương pháp diệt trừ mọi phiền não và đau khổ. Bởi vì nếu trên thế gian này tuyệt đối không có phiền não đau khổ thì chắc chắn không cần phải có một tôn giáo nào. Theo định nghĩa đúng đắn như vậy thì Phật Giáo quả là một tôn giáo toàn thiện, toàn mỹ nhất trên thế giới vì Phật Giáo là tôn giáo duy nhất đã thực sự dập tắt được phiền não, đau khổ vĩnh viễn, quả là khoa học. Đức Phật đã chẩn đoán bệnh cho trần gian và cấp toa chữa trị. 

1) Đức Phật quán sát thế giới và chỉ thấy bệnh khổ mênh mông. Những bệnh gì là khổ? Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, buộc phải sống với người mình không ưa là khổ, xa lìa người yêu thương là khổ, sự hiện hữu của ngũ uẩn là khổ. Tóm lại, những chứng bệnh đau khổ của trần gian là vậy, và đây là chân lý cao quý liên hệ đến sự khổ. 

2) Nhưng Đức Phật không dừng ở đây. Ngài như một y sĩ giỏi chẩn đoán từng trường hợp và đã tìm thấy nguyên nhân của bệnh khổ. Bởi vì biết được nguyên nhân của bệnh là coi như chữa được phân nửa chứng bệnh. Đức Phật cho biết nguyên nhân của đau khổ là lòng khao khát hay tham ái. Đây là chân lý cao quý hay liên hệ đến nguyên nhân bệnh khổ. 

3) Bởi vậy nếu diệt trừ được nguyên nhân là đương nhiên bạn sẽ loại trừ được hậu quả của nó. Diệt trừ tham ái là diệt được khổ. Đây là chân lý cao quý đưa đến chấm dứt sự đau khổ. 

4) Có điều nói thì dễ mà làm thì khó. Dễ nói dập tắt tham ái, nhưng bằng cách nào? Đức Phật đã ban cho chúng ta một toa thuốc khoa học nhiệm mầu để diệt trừ tham ái, nghĩa là: BÁT CHÁNH ĐẠO, gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là chân lý cao quý đưa đến con đường diệt trừ tham ái. 

Đây là TỨ DIỆU Đế (hay 4 Thánh Đế) kết thành bốn nền tảng của Phật Giáo vì bốn chân lý cao quý này chỉ tìm thấy trong Phật Giáo, không nơi nào khác trên thế gian có được. Chân lý cao quý thứ tư (tức là Bát Chánh Đạo) đặc biệt vô cùng độc đáo. Bởi vì nơi đây bạn sẽ tìm thấy tám bước nhiệm mầu liên kết một cách khoa học theo quy luật nhân quả. 

Hãy chiêm nghiệm công thức khoa học này: 
Chánh kiến: tạo duyên cho Chánh tư duy. 
Chánh tư duy: tạo duyên cho Chánh ngữ. 
Chánh ngữ: tạo duyên cho Chánh nghiệp. 
Chánh nghiệp: tạo duyên cho Chánh mạng. 
Chánh mạng: tạo duyên cho Chánh tinh tấn. 
Chánh tinh tấn: tạo duyên cho Chánh niệm. 
Chánh niệm: tạo duyên cho Chánh định. 

Có hai bước thăng hoa đưa thẳng đến Niết Bàn tối thượng là như vầy: 
- Chánh định tạo duyên cho Chánh kiến thực chứng. 
- Chánh kiến tạo duyên cho Chánh giải thoát. 

Trong công thức mầu nhiệm trên, nếu bước thứ nhất đúng thì mọi vấn đề đều đúng. Nếu bước thứ nhất sai thì mọi vấn đề đều sai. Những ai có được chánh kiến sẽ có được Niết Bàn, những ai bị tà kiến dẫn lối sẽ đi vào địa ngục, ngạ quỷ. Vì vậy chúng ta hãy cứu vớt những người có tri kiến sai lầm bằng cách tặng cho họ phương thuốc Chánh kiến. Không có món quà nào cao quý bằng món quà Chân lý. Đó là món quà vĩ đại nhất trong tất cả món quà. 

Như chúng ta thấy qua công thức kỳ diệu trên, Tri Kiến trong Phật Giáo đứng hàng đầu và sau cùng. Tri Kiến sơ cơ đến trước (nhờ đọc và nghe), Tri Kiến thực chứng đến sau cùng. Tiến trình nhân quả nhiệm mầu này chỉ được tìm thấy trong Đạo Phật mà thôi, không nơi nào có. Do vậy Phật Giáo là tôn giáo hoàn hảo nhất trên thế giới vì nó là một tôn gián khoa học dành cho những đầu óc khoa học. Phật Giáo là tôn giáo lạc quan nhất bởi vì nó trực chỉ Niết Bàn ngay chính trong đời này. (Dịch giả trích “Thanh Tịnh Đạo Luận” của VISUDDHI MAGGA T.T. Thích Phước Sơn–Trường Cao Cấp Phật Học biên soạn). Bản luận đề cập đến 4 nghĩa của khổ là: bất đắc, hữu vi, bốc cháy và biến đổi.Tính chất của nó là chân thật không hư ngụy, không thể khác. Nguồn gốc hay tập khởi của khổ với ý nghĩa tích tập, căn nguyên, trói buộc, chướng ngại. Diệt có nghĩa là thoát ly, tách rời, vô vi, bất tử. Đạo có nghĩa là lối ra, nguyên nhân, thấy, ưu thắng. 

Nguyên nhân của khổ (DUKKHA): Du là xấu xa, ác độc Kha là trống rỗng. Thế nên chân lý thứ nhất: Khổ (Dukkha) là xấu vì nó là nơi thường lai vãng của sự hiểm nguy và nó trống rỗng vì không trường cửu, không đẹp, không vui vì không có tự ngã. 

Chân lý thứ hai: Tập (Samudaya) sam là liên kết, u chỉ sự khởi lên như udita (đi lên), Aya chỉ lý do. Như vậy chân lý này là lý do cho sự khởi lên của khổ, chi phối hợp với những duyên còn lại. 

Chân lý thứ ba: Diệt (Nirodha). Ni: chỉ sự vắng mặt. Rodha là nhà tù. Chân lý này chỉ sự vắng mặt của mọi sanh thù vì nơi đây không có sự bức não của khổ được xem như nhà tù. 

Chân lý thứ tư: Đạo hay khổ diệt Đạo. Con đường đưa đến chấm dứt khổ nên gọi là khổ diệt Đạo. 

Cả 4 chân lý này được gọi là Thánh đế, vì chỉ có các bậc Thánh mới thâm nhập được chúng. Lại nữa những sự thật cao cả được gọi là sự thật của các bậc Thánh. Hoặc bốn Thánh đế này là chân thật, không hư ảo, không thể khác nên gọi là Thánh đế. 

Bản luận lại mô tả: không có niềm đau nào ngoài khổ, không có nguồn khổ nào khác hơn tham ái. Không có niềm an tịnh nào ngoài tịch diệt (Niết Bàn) và không có lối thoát nào ngoài Chánh Đạo. 

* Về thứ tự: Khổ đế được nêu lên trước tiên vì nó dễ hiểu, vì nó thô phù, vì nó chung cho tất cả chúng sanh. Chân lý Khổ tập nêu kế tiếp để chỉ rõ nguyên nhân. Rồi chân lý về Diệt đế biểu thị rằng nhân chấm dứt thì quả kết thúc. Chân lý về Đạo được nói sau rốt để chỉ ra con đường, phương tiện đạt đến Diệt, và Cổ Đức cũng bảo: tri khổ, đoạn tập, tu đạo chứng diệt (biết khổ để đoạn trừ các nguyên nhân của khổ (tập) nên phải thực hành các Pháp môn do đó mà chứng đạt sự tịnh diệt). 

CHÂN LÝ VỀ KHỔ. 
Thông thường khổ có ba loại: 
- Khổ khổ tức là nỗi khổ ở nội tại. 
- Hoại khổ tức là nỗi khổ do biến hoại. 
- Hành khổ tức là nỗi khổ về các phương diện hoặc ngấm ngầm 
 hoặc lộ liễu. 

Khi cảm thọ khổ về thân và tâm gọi là khổ-khổ vì tự tánh của nó là khổ, khi cảm thọ lạc về thân và tâm gọi là hoại khổ, vì đó là nguyên nhân sinh ra khổ khi cảm thọ ấy biến mất. Xả thọ và các hành khác trong ba cõi là hành khổ vì chúng bị bức bách trong sinh diệt. 
a) Sanh là khổ, vì nó là cội nguồn cho khổ trong các đọa xứ, nào là nỗi khổ đi đầu thai, khi ở trong bầu thai và khi sinh ra. Lúc đang sống, chúng sinh cũng phải chịu bao nhiêu nỗi khổ. Nếu ở địa ngục thì khổ vì bị lửa thiêu đốt. Nếu ở loài súc sanh thì phải chịu khổ vì bị đánh đập bằng roi gậy hoặc ăn nuốt lẫn nhau. Nếu sinh vào loài ngạ quỷ thì đau khổ vì đói khát bức bách. Nếu sinh vào Atula thì đau khổ vì giá lạnh tối tăm. 

b) Già: là căn bản của sự đau khổ thể xác và tâm hồn. Nó khởi lên do nhiều duyên như: tứ chi nặng nề, các căn suy yếu, tuổi trẻ tan biến, sức lực bị phá hủy, trí nhớ sút kém, bị người khi dễ.v.v... 

c) Chết: là sự chấm dứt mạng căn nơi một chúng sinh, có nhiều nguyên nhân như: chết do thọ mạng chết, do công đức tận hoặc chết bất đắc kỳ tử, bị tai nạn đột ngột xảy ra.

d) Sầu: là đốt cháy tâm can nơi người bị mất thân quyến hay bị mất mát những gì mình yêu quý. 

đ) Bi: là sự đau buồn do mất mát người thân của cải v.v... được biểu hiện bằng những hành vi, cử chỉ mà người khác có thể thấy được. 

e) Khổ: là sự khổ đau, bức bách của thân xác. 

g) Ưu: là sự khổ sở về tâm. 

h) Não: là sự thiêu đốt tâm can. 
Sầu như chảo dầu nấu trên bếp lửa riu riu. Bi như chảo dầu nấu trên bếp lửa mạnh. Não như những gì còn lại trong chảo sau khi nấu, còn tiếp tục cho đến khi chảo khô. 

i) Oan gia tụ hội: là sự gặp gỡ những người và vật mà mình oán ghét.
k) Ái biệt ly: là phải xa lìa những người và vật mà mình yêu quý. 
l) Cầu bất đắc: là sự mong cầu không toại ý. 
m) Năm uẩn là khổ: vì năm uẩn là đối tượng của sự chấp thủ, như tấm bia thu hút những tên bắn, như ruồi nhặng bu trên thân con bò. 

Các nỗi khổ về 5 uẩn thì Sanh là cái khổ đầu tiên, Già là cái khổ chặng giữa, Chết là cái khổ chặng cuối. Khổ nung nấu tâm can gọi là Sầu. Khổ dưới hình thức than van khóc lóc gọi là Bi. Cái khổ do thân tứ đại bị xáo trộn gọi là Khổ. Nỗi khổ bức bách trong tâm hồn gọi là ưu. Khổ ngấm ngầm chồng chất nhiều lớp gọi là Não, khổ do thất vọng gọi là Cầu bất đắc khổ. Chung quy khi năm uẩn bị chấp thủ chính là khổ. 
 

LUẬN VỀ KHỔ DIỆT HAY NIẾT BÀN
Niết Bàn có thể đạt được nhờ đạo lộ chân chính vì đã có các bậc Thánh đạt được nó nhờ dùng phương tiện Giới, Định, Tuệ. Do đó không thể bảo rằng Niết Bàn là không có gì cả, vì ta không thể hiểu được. Điều hiển nhiên là không phải ai cũng thấy được Niết Bàn mà nó chỉ có thể đạt được bởi các vị La Hán tức là những người đã đoạn tận tham, sân, si, đã cắt đứt mọi gốc rễ của tham ái. 

Mục tiêu duy nhất mà Đức Phật truyền dạy chính là Niết Bàn. Theo bản luận thì Niết Bàn có hai loại là Hữu dư y và Vô dư y. Hữu dư y Niết Bàn là các cấu uế đã lắng dịu nhưng hậu quả của sự chấp thủ trong quá khứ vẫn còn tồn tại. Vô dư y Niết Bàn là đoạn tận các nghiệp đưa đến tái sanh trong tương lai, các uẩn không còn sanh khởi nữa, mà những uẩn đã sinh thì biến mất. 

CHÂN LÝ VỀ CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN DIỆT KHỔ 
Con đường đưa đến diệt khổ chính là Bát Chánh Đạo. Tám pháp này được giải thích như sau: 
1) Chánh kiến: Kiến giải chính xác, hiểu biết chính xác. 
2) Chánh tư duy: suy nghĩ một cách chính xác, đúng đắn. 
3) Chánh ngữ: nói lời chân thực đúng đắn dễ nghe, có lợi ích. 
4) Chánh nghiệp: làm những việc chân chính như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.v.v... 
5) Chánh mạng: sinh sống bằng những nghiệp chân chính, lương thiện. 
6) Chánh tinh tấn: nỗ lực chính đáng, siêng làm việc thiện. 
7) Chánh niệm: nghĩ nhớ chân chánh, luôn luôn tỉnh táo cảnh giác từng việc nhỏ. 
8) Chánh định: tập trung tư tưởng một cách chân chính, không để ngoại vật chi phối làm rối loạn tâm trí. 

Tám Chánh đạo này liên quan đến các Pháp như sau: 
Chánh kiến dẫn đầu, bao gồm: trạch pháp, như ý túc, tuệ căn, tuệ lực và trạch pháp giác chi. Chánh tư duy bao gồm ba loại tâm là viễn ly, tham sân và hại. Chánh ngữ bao gồm ba loại thiện về thân. Chánh mạng bao hàm thiểu dục, tri túc. Chánh tinh tấn bao hàm 4 chánh cần tấn căn, tấn lực và tinh tấn giác chi. Chánh niệm bao gồm 4 niệm xứ, niệm căn, niệm lực và niệm giác chi. Chánh định bao hàm 4 loại: định có tầm, có tứ, định tâm, định căn, định lực và các giác chi hỷ, khinh an, định, xả. 

Tám chánh đạo cũng liên quan mật thiết đến 3 vô lậu học như đoạn Kinh sau đây mô tả : Bất cứ chánh ngữ nào, chánh nghiệp nào, chánh mạng nào cũng thuộc GIỚI UẨN. Bất cứ chánh tinh tấn nào, chánh niệm nào, chánh định nào cũng đều thuộc ĐỊNH UẨN. Bất cứ chánh kiến nào, chánh tư duy nào cũng đều thuộc về TUỆ UẨN. Bản luận nêu ví dụ: Định ví như người trông thấy hoa đẹp mà tự mình không hái được. Tinh tấn ví như người bạn đưa lưng ra cho người ấy đứng lên. Niệm ví như người đứng gần đưa vai làm điểm tựa nhờ vậy mà ngươi ấy hái được hoa. Nghĩa là tinh tấn và niệm là những yếu tố giúp sức rất đắc lực cho Định. 

Để làm sáng tỏ ý nghĩa của cả 4 Chân lý, luận chủ đưa ra ví dụ: Khổ ví như gánh nặng, Tập ví như người mang gánh nặng, Diệt như gánh nặng cần đặt xuống, Đạo như phương tiện đặt gánh nặng. Hoặc: Khổ như chứng bệnh. Tập là nguyên nhân. Diệt như sự cần hết bệnh. Đạo như thuốc chữa bệnh. Theo ý nghĩa tuyệt đối, cả bốn chân lý này cần được hiểu là trống rỗng vì không có người chịu khổ, không có người tập khởi nên cái khổ, không có người chứng sự diệt khổ và không có người đi trên đạo lộ đến diệt khổ. Do đó có khổ nhưng không có người chịu khổ. Có sở tác nhưng không có người tạo tác. Có tịch diệt nhưng không có người chứng đắc. Có đạo lộ nhưng không có người đi. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn