Bài Thứ Mười: A Nan Thuật Lại Chỗ Mình Đã Ngộ

23 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 11394)

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành 1997
KHOÁ THỨ 7: TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT
hay là ĐẠI CƯƠNG KINH LĂNG NGHIÊM
(TT)

Bài Thứ Mười

I. A Nan thuật lại chỗ mình đã ngộ và thỉnh Phật chỉ dạy phương pháp tu hanh để nhập chơn tâm
II. Phật chỉ dạy phương pháp tu
III. Nghĩa quyết định thứ nhứt
IV. Nghĩa quyết định thứ hai
V. Vì vọng nổi lên nên chơn tâm bị ẩn
VI. Xoay vọng về chơn thì sáu căn được tự tại
VII. Dẫn chứng các vị thấy, nghe, hay, biết được tự tại, không còn bị cuộc hạn nơi căn
VIII. A Nan nghi: các giác quan hiện tiền là vọng, tại sao Phật lại dây nương nơi đó làm nhơn địa tu hành, để chứng đặng quả Phật chơn thật
IX. Phật bảo đánh chuông để chứng nghiệm “tánh nghe” thường còn
X. Phật chỉ khi ngủ, cái “nghe” cũng không mất

 
I. A Nan thuật lại chỗ mình đã ngộ và thỉnh Phật chỉ dạy phương pháp tu hanh để nhập chơn tâm 
Ông A Nan và đại chúng được Phật dạy bảo rất tường tất, nên các điều nghi lầm đã trừ hết, ngộ được chơn tâm (thật tướng), nhưng chưa biết làm sao chứng nhập, nên các ông cúi đầu lạy Phật, chắp tay kính cẩn thưa rằng:

 Bạch Thế Tôn, Ngài đã dùng đủ phương tiện dẫn dắt chúng con ra khỏi sông mê bể khổ. Hôm nay, chúng con tuy ngộ được chơn tâm của mình, biến khắp cả mười phương thế giới, nhưng còn bị Như Lai quở trách, học nhiều mà không tu, chẳng bẳng người lo tu tập.

 Nay chúng con cũng như người bần cùng vất vả, được vị Thiên Vương ban cho cái nhà lầu tốt đẹp, song chưa biết làm sao vào nhà. Cúi xin đức Như Lai chỉ dạy cho chúng con, được vào tri kiến của Phật (chứng nhập chơn tâm).

II.  Phật chỉ dạy phương pháp tu
Phật dạy A Nan và đại chúng: Các ông nếu phát tâm Bồ đề, đối với các pháp môn tu hành chí quyết tăng tấn, tâm không giải đãi thì khi mới phát tâm, trước phải phân biệt rành rõ hai nghĩa quyết định.

III. Nghĩa quyết định thứ nhứt
Này A Nan! Các ông muốn bỏ Tiểu thừa Thinh văn, tu theo Đại thừa Bồ tát, vào tri kiến của Phật, thì trước phải quan sát cái nhơn địa phát tâm cùng với quả vị sẽ chứng là đồng hay khác?

Nếu các ông dùng cái vọng tâm sanh diệt làm nhơn tu hành, mà mong cầu cho đặng quả Phật, thường còn không sanh diệt thì không thể được. Đây là điều quyết định thứ nhứt.

LƯỢC GIẢI

Đoạn trước Phật đã dạy: nếu dùng vọng tâm làm tu nhơn, mà muốn đặng quả thường trụ, thì như người nấu cát muốn cho thành cơm, dầu trải qua bao nhiêu kiếp cũng không thể được. Hành giả phải an trụ nơi chơn tâm làm nhơn địa tu hành, thì mới đặng quả Phật bất sanh bất diệt.

*

A Nan! Ông hãy xét coi: trong thế gian những vật gì có làm ra, đều phải hoại diệt, chứ chưa từng nghe cái hư không có hoại diệt bao giờ, vì hư không không phải là vật bị làm ra vậy (hư không dụ chơn tâm, các vật là dụ vọng tâm có sanh diệt)

Xét lại trong thân ông, những vật cứng dẻo (da, thịt, gân, xương) là đất; nhug vật đượm ướt (máu, huyết, mồ hôi, mỡ) là nước; chất ấm, nóng trong người thuộc về lửa; những vật lưu động (hơi thở ra vào) là thuộc về gió. Do bốn món này nó phiền phược và phân chia cái chơn tâm của ông, thành ra có thấy, nghe, hay, biết, từ thì chí chung năm lớp ngầu đục (ngũ trược).

Tỷ dụ như nước trong sạch có người lấy bụi đất quăng vào, thì đất sẽ mất chất cứng, còn nước mất chất trong sạch, trở thành ngầu đục, nên gọi là ô trược.

A Nan! Nay ông muốn cho cái thấy, nghe, hay, biết (các giác quan) trở lại để hiệp với bốn đức Niết bàn của Như Lai: thường, lạc, ngã, tịnh, thì trước ông phải lựa ra cái gốc rễ sanh tử (vọng tâm) và y theo chơn tâm thanh tịnh viên mãn bất sanh bất diệt làm nhơn địa tu hành.

LƯỢC GIẢI

Vì còn ở trong vòng mê nên gọi là các giác quan: thấy, nghe, hay, biết; đến khi ngộ rồi thì các giác quan này trở lại thành bốn đức Niết bàn: thường, lạc, ngã, tịnh.

Chúng ta cũng nên phân biệt cho rõ nghĩa: 1. chơn tâm, 2. các giác quan, 3. vọng niệm phân biệt. Như nước biển trong veo, (dụ chơn tâm) chảy vào các sông ngòi lẫn lộn bùng đục (dụ cho chơn tâm lưu lộ nơi các căn, thành các giác quan; “đục” là dụ còn ở nơi mé) nổi sóng ba đào (dụ cho vọng niệm phân biệt)

*

Các ông hãy xoay cái hư vọng sanh diệt trở lại chơn tâm thanh tịnh không sanh diệt; phải lấy chơn tâm không sanh diệt này làm nhơn địa tu hành, thì sau mới chứng được quả Phật thường trụ.

Cách tu hành cũng như lóng nước. Nước đục để yên tịnh trong một cái bình, để lâu thì những bụi cát từ từ chìm lặn, mà nước trong hiện ra; hễ càng yên ti6nh thì nước càng trong. Đây là dụ cho giai đoạn thứ nhứt, khi mới hành phục được phiền não khách trần (phiền não vừa lặng). Đến chừng lọc bỏ cặn đục chỉ còn toàn là nước trong, là dụ cho giai đoạn thứ hai, khi đã đoạn trừ căn bản vô minh.

Đến khi chỉ còn hoàn toàn là nước trong, thì dù lắc cho mấy nó cũng vẫn trong. Còn khi đoạn được căn bản vô minh, chỉ còn chơn tâm thanh tịnh hiện tiền, lúc bấy giờ dầu có tạo tác thi vi làm đủ mọi việc, song cũng đều là chơn, vẫn hiệp với đức tánh thanh ti6nh mầu nhiệm của Niết bàn, không còn bị phiền não nhiễu loạn.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này hay lắm; Phật dạy lối tu rất rõ ràng và thật tế. Hiệp với đoạn trước Phật dạy: “khi đối cảnh không khởi phân biệt, thì vọng niệm chẳng sanh. Vọng niệm không sanh thời chơn tâm tự hiện”.

Cũng như nước đứng trong, thì cặn cáu lóng chìm. Lóng càng lâu thì nước càng trong. Đến khi dứt sạch căn bản vô minh, chỉ còn toàn thể chơn tâm, thì hành động thi vi chi cũng đều là thanh tịnh. Nên kinh nói: “Như Lai án túc hải ấn phát quang v.v..” (Phật vừa để chơn, thì biển trogn in ánh sáng). Như nước đã lọc bõ cặn rồi thì lắc mấy cũng vẫn trong. Đoạn này cũng chỉ rõ cái nghĩa “thành Phật rồi không trở lại làm chúng sanh”.

Các đạo khác tu hành dẫu cao siêu cho mấy, chẳng qua cũng như nước lóng mà chưa lọc bỏ được cặn. Lâu lâu phiền não nổi lên, thì phải đọa trở lại, nên gọi là hữu lậu (còn sa rớt).

*

IV. Nghĩa quyết định thứ hai

A Nan, các ông phát tâm dõng mãnh, quyết định dẹp trừ các tướng hữu vi, cầu quả đại thừa, thì cần phải xét rõ gốc rễ của phiền não: từ vô thỉ đến nay, cái nào là phát nghiệp vô minh (bất giác vọng động) cái nào nhuận sanh vô minh (ái, thủ) cái gì tạo (lục thức), cái gì lãnh thọ (bát thức). Đây là nghĩa quyết định thứ hai.

Các ông tu đạo Bồ đề, nếu không xét rõ gốc rễ của phiền não, thì đối với căn và trần hư vọng này, không thể biết được cái “điên đảo” ở chỗ nào. Cái chỗ ở còn không biết thời làm sao hàng phục được giặc phiền não để chứng quả Phật.

Các ông hãy xem trong thế gian, những người mở gút, nếu họ chẳng thấy được mối, thì không mong gì mở được. Chưa từng nghe cái hư không bị ai mở được, vì hư không vô hình chẳng có gút và mở vậy (hư không dụ cho chơn tâm).

Ông nên hiểu: hiện tiền sáu căn của ông đây: mắt, tai, ũi, lưỡi, thân và ý, chúng làm mai mối cho sáu giặc (sáu thức), đến cướp giựt của báu nhà ông. Bởi thế nên các ông cùng tất cả chúng sanh, từ vô thie đến nay bị triền phược trong vòng luân hồi, không vượt ra ngoài ba cõi được.

LƯỢC GIẢI

Vì sáu căn làm mai mối, dẫn chúng sanh ra sáu thức là lục tặc, cướp hại chơn tánh. Nghĩa là vì căn đối với cảnh, khởi vọng niệm phân biệt, nên chơn tâm phải bị mờ. Cũng như gió xao động, cặn cáu nổi lên, nên tánh nước trong phải ẩn.

*

V. Vì vọng nổi lên nên chơn tâm bị ẩn

Này A Nan, sáu căn của ông như vậy, do vô minh vọng động nổi lên, nên chơn tâm bị ẩn. Từ đây về sau, mỗi khi chiếu soi thì gồm cả vọng đều phát.

Bởi thế nên rời tối và sáng, thời mắt ông không thấy, rồi động và tịnh thì tai ông không nghe, rồi thông và nghẹt thì mũi ông không ngửi, rồi các vị ra thời lưỡi ông không nếm, rời các xúc trần thì thân ông không biết, rời cả pháp trần thì ý ông không phân biệt.

VI. Xoay vọng về chơn thì sáu căn được tự tại

Chỉ sáu căn của ông không theo sáu trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt, tùy ông mở gút (vọng nhiễm) được một căn nào thì các căn đều được giải thoát. Nghĩa là ngoài không cùng với trần cảnh gút chặt, trong thâu phục phiền não trở lại với chơn tâm sáng suốt, thì năm căn bị gút chặt kia cũng đều được hoàn toàn giải thoát. Lúc bấy giờ sáu căn tự tại, thay nhau cần dùng, các giác quan: thấy, nghe, hay, biết, không còn bị cuộc hạn nơi các căn: mắt, ai, mũi, lưỡi v.v... chỉ nương các căn phát ra tác dụng; không cần có trần cảnh đối chiếu mà cũng vẫn thấy, nghe, hay, biết.

VII. Dẫn chứng các vị thấy, nghe, hay, biết được tự tại, không còn bị cuộc hạn nơi căn

A Nan! Ông đã thấy trong hội này, như ông A Na Luật Đà không có con mắt mà vẫn thấy. Rồng Bạt Nan Đà không lỗ tai mà vẫn nghe. Thần nữa Căn đà không lỗ mũi mà ngửi được mùi. Ông Kiều Phạm Bác Đề cái lưỡi không phải lưỡi người, mà biết được các món ăn của người. Ông Thần Thuấn Nhã Đa không có thân mà vẫn biết xúc. Ông Ma Ha Ca Diếp tu diệt tận định, dứt trừ ý căn đã lâu, mà vẫn phân biệt được rõ ràng.

 A Nan! Hiện nay các căn của ông nếu hoàn toàn gỡ hết cái gút chặt nơi trần cảnh (không theo trần cảnh phân biệt) trong chinh phục được phiền não, trở về với chơn tâm rồi thì hiện tiền thân căn và thế giới đây đều không còn; cũng như nước nóng băng tan, ông liền chứng được quả Phật.

 A Nan! Như người thế gian, cái thấy của họ chỉ gom ở con mắt. Nếu bảo họ nhắm mắt lại, thì hiện tiền tối đên, sáu căn mờ mịt, đầu chân in nhau. Người kia lấy tay rờ khắp cả thân thể, tuy mắt họ không thấy, mà cũng vẫn biết đâu là đầu và đâu là chân; cái hiểu biết đồng nhau (đây cũng là một bằng chứng: các giác quan chẳng bị cuộc hạn nơi căn và trần).

 A Nan, nhơn sáng mới thấy, nếu tối thời không thấy. Nay không cần sáng mà cũng thấy biết, như thế thì cái tối kia không thể làm mờ (mất) cái “thấy biết” của ông được. Căn và trần các vọng đã tiêu rồi, thì liền trở lại với chơn tánh.

VIII.  A Nan nghi: các giác quan hiện tiền là vọng, tại sao Phật lại dây nương nơi đó làm nhơn địa tu hành, để chứng đặng quả Phật chơn thật

A Nan thưa: Bạch Thế tôn, như lời Phật dạy: “Muốn câu quả Phật thường còn, thì cái nhơn địa phát tâm tu hành phải chơn thật, mới chứng được quả vị chơn thật”.

Bạch Thế tôn! Bồ đề, Niết bàn, Chơn như, Pháp tánh, Yêm ma la thức, Không Như Lai tạng và Đại viên cảnh trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại.

 Còn cái thấy, nghe, hay, biết, các giác quan của con đây, nếu rời các trần cảnh hiện tiền: tối, sáng, động, tịnh, v.v…, thời không còn thấy, nghe, hay, biết nữa. Quanh quẩn tới lui, chín chắn suy tìm, thì cái tâm của con hoàn toàn không chơn thật. Tại làm sao Phật dạy lấy cái hư vọng đoạn diệt này làm nhơn tu, để cầu quả Phật thường còn không sanh - diệt cho được. Vậy thì lời nói của Phật trước sau trái nhau, làm sao gọi là “Như Lai nói thật”, xin đức Từ tôn, từ bi vén mở chỗ mê mờ cho chúng con.

IX. Phật bảo đánh chuông để chứng nghiệm “tánh nghe” thường còn

 Phật dạy: A Nan, ông tuy học rộng, nghe nhiều, nhưng các phiền não hữu lậu (mê lầm) chưa hết, nên ông chỉ biết suông cái tên “điên đảo”. Đến lúc cái “điên đảo” thật hiện tiền, thì ông lại không biết. Như thế thì sự tin hiểu của ông chưa được chắc chắn. Tôi nay đem những việc thường trong đời, để trừ các nghi lầm cho ông.

 Khi đó Phật liền bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông A Nan rằng: 

 -Ông có nghe không?

 A Nan thưa: Nghe.

 Đến lúc chuông hết ngân, Phật lại hỏi:

 Ông có nghe không?

 A Nan thưa: Không nghe.

 Phật lại bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông nữa và hỏi: Ông có nghe không?

 A Nan đáp: Nghe.

 Phật hỏi: Thế nào là nghe và thế nào là không nghe?

 A Nan thưa: Vì đánh chuông có tiếng ngân, nên con nghe, đến khi tiếng chuông hết ngân thì con không nghe.

 Phật dạy: A Nan! Khi tiếng chuông hết ngân, ông nói rằng: “không nghe”; nếu ông that không có “cái nghe” thì ông đồng như cây đá, tại sao khi đánh tiếng chuông thứ hai, ông lại có nghe?

 Vậy cho biết: cái “tiếng” (cảnh) khi có khi không, chớ cái “nghe” (tâm) của ông lúc nào cũng có. Nếu cái “nghe” của ông thật không, thì cái gì biết được “không nghe” đó?

 Thế nên ông phải biết: cái “tiếng” đối với cái “tiếng” nó tự sanh và diệt, chớ ở cái “nghe” (tâm) của ông, không phải vì tiếng sanh mà nó “có”, tiếng diệt mà nó “không”. Tại ông điên đảo hôn mê, nhận cái “thường” (tánh nghe) làm đaọn diệt (tiếng), chớ không phải rời sáu trần cảnh: sắc, thinh, hương, v.v... mà các giác quan thấy, nghe, hay, biết của ông không có.

LƯỢC GIẢI

 Đây là lần thứ bảy, Phật chỉ rất rõ ràng các giác quan: thấy, nghe v.v... là tâm và thường còn.

*

X. Phật chỉ khi ngủ, cái “nghe” cũng không mất

Bằng chứng thứ hai: Như người đang ngủ, nằm trên giường chõng, trong nhà có người giã gạo, khi đó người ngủ kia mơ màng, tưởng là tiếng trống hoặc tiếng chuông, đến chừng thức dậy rồi mới nhận rõ đó là tiếng chày giã gạo.

A Nan! Người ngủ kia, mặc dù đối với cảnh vật hiện tiền, họ không thấy biết, mà cái “nghe” của họ cũng không mất.

Dù cho thân thể ông đến khi già chết tiêu tan, mà cái “tánh nghe” này cũng không vì ông già, chết đó mà tiêu diệt. Bởi chúng sanh từ vô thỉ đến giờ, cứ theo các trần cảnh, khởi vọng niệm phân biệt lăng xăng, chưa từng ngộ được chơn, tâm thường còn của mình

Vì cứ nương theo vọng niệm phân biệt, chẳng nương theo chơn tâm thường trụ, cho nên đời đời nhiễm ô, trôi lăn trong vòng sanh tử. Vậy các ông phải bỏ cái vọng niệm sanh diệt, theo về với chơn tâm thường trụ. Khi chơn tâm thanh tịnh sáng suốt hiện tiền rồi, thì căn thân, trần cảnh và vọng trần và tâm cấu nhiễm đã tiêu rồi, lúc bấy giờ lo gì chẳng thành quả Phật vô thượng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 7651)
Sự giải thoát của kinh Hoa Nghiêm không phải là phá hủy sự tướng, dù chỉ bằng cách quán tưởng; cũng không phải là đưa sự tướng trở về bản tánh tánh Không của chúng. Sự giải thoát, giác ngộ của kinh Hoa Nghiêm là thấy được sự viên dung vô ngại của tất cả sự tướng.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 12958)
Tháng 10 năm 2014, Đức Đạt-lai Lạt-ma có một buổi thuyết giảng tại thành phố Boston trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ. Một Phật tử Việt Nam tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã tham dự và trong dịp này có mua một tấm tranh treo tường ghi lại một lời giảng của Ngài gửi sang Pháp tặng tôi. Cử chỉ ấy khiến tôi không khỏi cảm động nhưng cũng không tránh khỏi một chút áy náy, bởi vì tôi chỉ quen biết người bạn trẻ này qua mạng internet thế nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13105)
Câu chuyện thứ nhất xin kể về ông Gandhi. Ông là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”.
24 Tháng Mười Một 2014(Xem: 8895)
Bất cứ thời nào và ở đâu, con người cũng có những nỗi khổ niềm đau, những thói hư tật xấu, tham lam, tranh chấp. Dựa vào các nguyên tắc đạo đức, con người dần điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo lý xã hội. Giới luật trong Phật giáo (Vinàya) có nghĩa là điều phục, huấn luyện, đã huấn luyện thì phải có kỷ luật. Điều phục ở đây nghĩa là điều phục thân tâm
11 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7586)
Cách đây mấy tháng, tôi đến tham dự một khóa tu hai tuần ở một tu viện trong một vùng gần bờ biển. Tu viện này được nhiều người kính trọng vì cuộc sống hòa hợp và khắc khổ của các nhà sư ở trong đó. Mỗi ngày một nhóm thí chủ khác nhau đến tu viện, thường là từ những thị trấn hay làng mạc xa xôi, mang theo vật phẩm cúng dường.
05 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11564)
Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng.
31 Tháng Mười 2014(Xem: 5450)
Đôi lời bộc bạch chân thành, chúng tôi viết quyển sách này cho những ai muốn trở thành người Phật tử chân chính. Bước đầu học Phật rất quan trọng, nếu đi sai lệch sẽ làm trở ngại trên bước đường tu học. Người mới bắt đầu học Phật không hiểu đúng tinh thần Phật giáo sẽ khó được thành tựu viên mãn.
23 Tháng Mười 2014(Xem: 10969)
Tất nhiên đã làm người thì phải chịu khổ đau nhiều hay ít tùy thuộc vào trạng thái tâm lý, sự cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của sự đau khổ do bản thân mình gây ra hay tác động bởi hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ đau có nguồn gốc từ sự tưởng tượng của con người.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 14578)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 6517)
Trải qua gần 100 năm tuổi (phôi thai bắt đầu từ khoảng năm 1916- 1918), bộ môn Cải Lương của miền Nam Việt Nam ngày nay đã thật sự "đi vào lòng người", vừa là kịch, vừa là hát, nhẹ nhàng lên bổng xuống trầm với những nhạc cụ dân tộc, tạo thành một nghệ thuật đặc thù của miền Nam Việt Nam. Cộng vào đó, những nghệ sĩ tài hoa, điêu luyện, hòa cùng kỹ thuật âm thanh tân tiến ngày nay, đã đưa bộ môn nghệ thuật Cải Lương tới chỗ tòan hảo, truyền cảm và rất tự nhiên.