Phật Tử Chân Chính

09 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 19358)

PHẬT TỬ CHÂN CHÍNH
Đại Đức Shangpa Rinpoche

shangparinpocheKhi chúng ta tự gọi mình là những Phật tử, có nghĩa là chúng ta là những người đi theo Phật. Khía cạnh quan trọng nhất của việc làm một Phật tử đó là chúng ta đi theo con đường của Phật và luôn luôn suy nghĩ như một người con Phật. Phật [Buddha] là một từ trong tiếng Phạn. Từ này dùng để chỉ người đã tỉnh thức thoát khỏi tâm si mê, người đã thành tựu về hiểu biết và trí tuệ. Từ này trong tiếng Tây Tạng gọi là ‘Sangye’.

Mỗi Phật tử đều có mục đích là đạt được trạng thái giác ngộ của Phật. Phật quả này là sự phát triển và thành tựu khả năng của mỗi người trong việc giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình khỏi đau khổ.

Những người chưa đạt được Phật quả có nhiều cảm xúc rất mâu thuẫn, ví dụ tham muốn, căm giận, ghen tỵ, mê muội và vô số xúc tình vô minh khác. Tất cả những sự vô minh này đều xuất phát từ si mê; đó là trạng thái không có trí tuệ và không nhận biết được bản chất thật sự của tâm. Sự si mê này là nguyên nhân gây ra tất cả những rắc rối phức tạp và hỗn loạn trong cõi luân hồi. Nhưng vô minh này không phải là vĩnh cửu. Nó có thể bị loại bỏ bằng cách áp dụng những phương cách của trí tuệ. Bằng cách chuyển hóa vô minh thành trí tuệ, người ta sẽ có khả năng thấu hiểu được sự thật. Điều này sẽ dần dần dẫn ta đến trạng thái của giác ngộ. Do vậy, là một người Phật tử, mục đích quan trọng nhất là phải phát triển trí tuệ và thông hiểu những giáo lý căn bản của Phật pháp, như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo; và sau đó thực hành con đường của Bồ Tát và những phương pháp Kim Cương thừa. Hiểu được điều này sẽ giúp ta phát triển được trí tuệ.

Bên cạnh việc thấm nhuần hiểu biết về Pháp, áp dụng những giáo lý này cũng vô cùng quan trọng. Bất kỳ Pháp nào mà tâm ta lĩnh hội được, ta đều phải áp dụng. Ví dụ, tất cả mọi người đều biết rằng mình cần phải hào phóng. Nhưng hiểu về điều này là chưa đủ. Ta cần phải thực hiện điều mình đã hiểu ấy và thực tập bố thí mọi lúc.

Tương tự như vậy, các phẩm hạnh cũng quan trọng như vậy và ta cần rèn luyện thực hành. Chỉ bằng cách áp dụng những giáo pháp vào thực tế, ta mới có thể đạt được đến trạng thái của tỉnh thức.

Chúng ta càng hiểu về Pháp, ta càng hiểu ở đâu và khi nào thì nên áp dụng. Mỗi khoảnh khắc trong bất kỳ tình huống nào của đời sống hàng ngày của ta đều là cơ hội để thực hành, để ta phát triển về mặt tâm linh. Chúng ta trải qua những tình huống càng khó khăn, thì đó là cơ hội càng lớn để ta thành công trong việc thực hành Pháp.

Ví dụ, ta có thể có một kẻ thù, người ấy đã gây ra cho ta vô số những điều không như ý, căm hận và nguyền rủa ta. Nhìn chung, đây là một tình huống tồi tệ, không ai muốn mình bị ghét bỏ và nguyền rủa, điều này gây ra rất nhiều đau khổ. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh thực hành tâm linh, đây là một thời điểm tốt để thử thách ta, nó mang lại cho ta cơ hội để phát triển và củng cố thái độ tích cực của ta đối với Pháp. Sự nhẫn nhục là một giáo lý quan trọng trong Phật pháp và ta có thể thực hành điều này trong mọi tình huống. Đặc biệt là khi ta đối mặt với kẻ thù của mình, ta cần phải kiên nhẫn và khoan dung. Nếu ta có thể áp dụng được những nguyên tắc này, ta sẽ thành công trong việc thực hành pháp.

Đau khổ là con đường dẫn tới hạnh phúc. Về cơ bản, ta trải qua càng nhiều khó khăn, thì kết quả mà ta đạt được càng lớn, cũng giống như ta phải làm việc chăm chỉ để đạt được những kết quả tốt. Mặc dù ta có thể gặp phải vô số thử thách, chướng ngại và cản trở, nhưng đó lại là con đường dể dẫn tới thành công. Pháp rất quý giá, nó giúp ta vượt qua được tất cả những thử thách, không kể đó là thử thách thực tế hay về tinh thần. Pháp thực sự là bảo bối duy nhất dẫn ta tới thành công.

Do đó, là một Phật tử không có nghĩa là lúc nào cũng có mặt ở trong chùa. Trong thực tế, một Phật tử thuần thành có thể ở bất kỳ chỗ nào, ở nơi làm việc, ở trên phố hay trong nhà hàng. Nói cách khác, khi nào ta vẫn còn áp dụng và thực hiện Pháp mọi lúc, thì ta là một Phật tửchân chính. Một người tận dụng được tất cả những thời điểm trong những trải nghiệm của họ để phát triển sự thực hành tâm linh của mình, đó là Phật tử chân chính. Những người không thể áp dụng Pháp một cách hiệu quả nhưng luôn luôn ở trong chùa, đó chỉ gọi là những Phật tử bề ngoài. Những người rèn luyện và thực tập Pháp thường xuyên một cách đúng đắn, và đồng thời, cả đi chùa, đó là người Phật tử rất tích cực và là một hành giả.

Những khi vô minh xảy đến, người hành giả có thể nhận ra nó ngay lập tức. Sau khi nhận thức được nó là vô minh, ta sẽ áp dụng trí huệ để thực hiện những pháp tịnh hóa vô minh và thoát khỏi những rắc rối ấy. Như vậy, bất cứ những cảm xúc và vô minh nào xuất hiện, ta phải coi đó là một thử thách và vượt qua nó, đó là phương pháp đúng đắn nhất mà ta phải làm theo.

Tuy nhiên, việc thực hành Pháp không dễ như ta nghĩ. Việc nhận ra khi vô minh xuất hiện có thể trở nên rất khó khăn. Thậm chí khi ta đã nhận ra nó, việc nhớ lại và dùng thuốc giải độc cũng rất khó để thực hiện một cách hiệu quả. Sức mạnh của vô minh có thể là vô cùng lớn so với phương thuốc để giải trừ nó, ta có thể không có khả năng để xóa bỏ vô minh một cách nhanh chóng. Thật ra, tất cả chúng ta đều muốn tịnh hóa một số lượng lớn những si mê của mình nhưng vô minh thì quá nhiều nên ta không thể vượt qua chúng tất cả cùng một lúc. Sự nỗ lực kiên định và tinh tấn sẽ giúp ta đẩy lùi chúng. Cuối cùng, nỗ lực của chúng ta sẽ trở thành một thói quen tích cực và một ngày nào đó ta có thể thành công.

Ngày xưa có một thương gia Tây Tạng tên là Norbu Zangpo, người ấy đã mất tất cả tiền trong việc kinh doanh. Vì sự thất bại trong làm ăn, ông cảm thấy rất thất vọng, nản lòng và muốn rút lui. Rất buồn chán, ông ta nằm xuống đất và đã nhìn thấy một chú kiến đang cố trèo qua một cọng cỏ. Được nửa đường, nó lại ngã xuống. Nó lại cố trèo lần nữa và cứ như vậy, ông ta đếm được 79 lần chú kiến ngã. Nhưng lần cuối cùng là lần thứ 80, chú kiến đã trèo lên được đỉnh của ngọn cỏ. Đột nhiên, ông ta nhận ra nếu không có sự nỗ lực bền bỉ, thì không thể thành công được trong bất kỳ điều gì. Từ đó về sau, ông ta đã cố gắng rất nhiều và làm ăn chăm chỉ, ông đã thành công. Ông trở thành thương gia giàu có nhất và thành công nhất ở Tây Tạng. Con côn trùng nhỏ bé đã trở thành động lực cố gắng của ông.

Câu chuyện nhắc ta phải nỗ lực không ngừng và không sợ thất bại. Trong quá trình ấy, dù ta không đạt được thành tựu từ lúc đầu, ta cũng cần phải thực hành đến tận khi đạt được thành tựu. Chúng ta thiếu sự tỉnh thức và sự nỗ lực lâu dài. Ta mong chờ một kết quả ngay lập tức mà không cần cố gắng nhiều. Điều đó là không thể. Pháp là sự rèn luyện về tinh thần mà không thể do ai khác mang đến hay chuyển sang cho ta được. Điều này rất đơn giản nếu ta biết cách chuyển Pháp thành hành động, thành thuốc giải để tịnh hóa vô minh. Nếu Pháp trở thành thứ gì đó khiến người ta tăng thêm danh vọng hay vô minh, thì nó sẽ phát triển thành một mặt rất tiêu cực đối với chúng ta. Nếu Pháp được thực hành một cách đúng đắn, ta có thể giảm bớt được vô minh như lòng căm giận, si mê, tham muốn và tất cả những xúc tình khác.

Về cơ bản, thông qua tất cả những quá trình này, ta sẽ có khả năng phân biệt được một người là Phật tử chân chính hay không. Một Phật tử thật sự là người không chỉ hiểu về giáo lý mà còn thực hành chúng và trải nghiệm được những kết quả mà điều đó mang lại. Không phải là một Phật tử chân chính có nghĩa là ta không áp dụng được giáo pháp vào thực tế và không bao giờ thay đổi được thái độ của mình trên con đường tâm linh. Thay vào đó, người ta tự hào về sự hiểu biết của mình về Pháp và nhìn xuống những người khác, điều này sẽ làm tăng những suy nghĩ tiêu cực của họ.

Việc lắng nghe giáo Pháp và suy ngẫm và thiền định, đó là tất cả những việc cần rèn luyện. Ta cần cố gắng hiểu được những giáo pháp của Phật, sau đó suy ngẫm và nghiên cứu về pháp. Sau khi đã tìm hiểu về logic của sự thật, ta phải áp dụng và thực hiện tất cả những gì ta đã học và thiền định về việc đó. Với những phương pháp này, việc thực hành Pháp của ta sẽ trở nên có hiệu quả và ta sẽ có thể thành tựu giác ngộ.

Thiền định không có nghĩa là chỉ ngồi xuống và đặt hai tay vào nhau. Thiền định có thể được thực hiện bằng rất nhiều cách khác nhau như phát triển hạnh bố thí, nhẫn nhục và phẩm hạnh. Thực tế, tất cả những thực hành này đều liên quan đến thiền định, nó đòi hỏi hiểu biết và trí tuệ. Ví dụ, nếu một người đang nấu ăn và nói rằng anh ta đang thiền định, ta sẽ không tin bởi ta nghĩ rằng thiền định không phải là như vậy. Làm sao anh ta có thể thiền được khi đang nấu nướng? Tuy nhiên, nếu anh ta áp dụng những phẩm hạnh của trí tuệ và hiểu biết vào quá trình nấu nướng, thì anh ta thực sự đang thiền.

Trong Kim Cương thừa, ta có rất nhiều bài kinh, những nhạc cụ và rất nhiều loại ấn khác nhau v.v… Tất cả những điều ấy đều là một phần của thiền định. Thông qua những thiền định này và sự thực hành, ta có khả năng nhận ra được bản chất của tâm một cách hiệu quả hơn.

Kết lại, một Phật tử chân chính là người áp dụng những giáo lý của Phật ở trong tâm và trong cả cuộc sống hàng ngày. Bằng cách đó, ta sẽ tỉnh thức trong mọi suy nghĩ và hành động. Một khi ta đã có được hạnh đó, ta sẽ không còn mắc sai lầm và sẽ tiếp tục phát triển được những suy nghĩ tích cực cũng như công đức và trí tuệ. Khi ta đã có tất cả những hạnh đó, niềm hạnh phúc an lạc bên trong ta sẽ lớn lên và ta sẽ được hoàn toàn thỏa mãn và thành tựu được tất cả những mục đích của cuộc đời.

 

Bài pháp được giảng tại Đạo tràng Karma Kagyud, Singapore vào ngày 3 tháng 5 năm 1995 trước ngày Phật đản.

Nguồn: http://www.dhagpo-kagyu.org/anglais/science-esprit/fondements/general/true-buddhist.htm

Việt dịch: Quỳnh Anh – Nhóm Thuận Duyên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Chín 2014(Xem: 6503)
Đạo Phật chủ trương lấy nhân quả làm nền tảng của sự sống để phản ảnh mọi lẽ thật hư trong cuộc đời này bằng ánh sáng trí tuệ, nhằm thấu suốt nguyên lý thế gian. Mọi lẽ thật giả đều hiện bày sau khi có sự chiêm nghiệm và suy xét bởi ánh sáng giác ngộ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin đó là "chánh tín".
16 Tháng Chín 2014(Xem: 12081)
Có một số người bảo "Nhà Phật nói Luân hồi để ru ngủ con người trong giấc mơ mê tín". Chúng ta khảo sát kỹ, coi câu ấy có đúng thế không? Đó là nhiệm vụ của người truyền bá Phật giáo, cần phải làm sáng tỏ vấn đề này.
12 Tháng Chín 2014(Xem: 5790)
Hồi còn trẻ tôi thường cảm thấy lòng tin (faith) giống như là một ‘cái nạng’ không cần thiết trong đời sống vì nó đã không giúp ích gì nhiều cho bản thân, nhưng đôi khi chính vì nó mà tôi bị khổ sở, trù dập. Không có lòng tin thì khó sống trong đời, mà tin nhiều thì dễ bị lợi dụng, bêu xấu.
30 Tháng Tám 2014(Xem: 13682)
Rắn độc, thuốc độc là thứ người đời rất kinh sợ, nhưng không đáng sợ bằng tam độc. Vì rắn độc, thuốc độc hại người chỉ một thân này, tam độc hại người đến bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Nếu đáng sợ, chúng ta nên sợ tam độc hơn tất cả thứ độc khác. Thế mà, người đời chẳng những không sợ tam độc, lại còn nuôi dưỡng, chứa chấp, bảo vệ, khiến nó càng ngày càng tăng trưởng. Do đó, người đời luôn luôn sống trong mâu thuẫn, một mặt cầu mong được an ổn vui tươi, một mặt nuôi dưỡng tam độc là động cơ bất an và đau khổ.
07 Tháng Tám 2014(Xem: 6385)
Để trở thành phật tử chân chính” là quyển sách được chia ra làm nhiều tập với đầy đủ nội dung về đạo làm người, tuy xúc tích và ngắn ngọn, đơn giản và thiết thực nhưng có thể giúp cho tha nhân phân biệt được chánh tà, phải quấy, tốt xấu, đúng sai để từng bước hoàn thiện chính mình mà sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
25 Tháng Bảy 2014(Xem: 7630)
Mục đích của người theo đạo Phật là sự giải thoát nên Phật tử không được chú trọng việc cầu tài, cầu phúc, cầu quả báo tốt đẹp ở nhân thiên. Mà cần phải phát tâm hướng mạnh về giải thoát, thì sự tu hành mới càng lâu càng bền, càng khó càng dai và có ngày mới đạt được mục đích cuối cùng như chư Phật.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 7817)
Chúng ta thường nghe: “Mục tiêu chính của Đạo Phật là thoát Khổ, giác ngộ, và giải thoát.” Thực ra, cả ba ý nghĩa của mục tiêu này đều rốt ráo qui về một, nói đến một mục tiêu là đã hàm ý cả hai cái kia. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ khai triển mục tiêu thứ nhất tức là "Thoát Khổ."
11 Tháng Bảy 2014(Xem: 50083)
Sám hối, tụng kinh, niệm Phật là những phương thức sơ đẳng nhưng vô cùng cần thiết cho tất cả những người tu Phật. Đây là hình thức có tính cách tín ngưỡng như thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật vậy, nhưng ẩn bên trong là ý nghĩa của giáo pháp, chúng ta không thể không tìm hiểu cho thấu đáo.
09 Tháng Bảy 2014(Xem: 7214)
Quả thật, cứ nghe đến chữ tu là hầu hết chúng ta liên tưởng tới nhà chùa, đến những người mặc áo cà sa hay đắp y màu vàng, cạo đầu và sống khắc khổ. Không ít người nghĩ rằng tu yếm thế, rằng chỉ những người chán đời hoặc gặp sự cố lớn mới trốn vào chùa cạo tóc, ở ẩn để trốn tránh.
07 Tháng Bảy 2014(Xem: 9634)
Chúng ta quen gọi là Bát Chánh Đạo, nhưng thật ra, cụm từ Pāḷi nghĩa là Bát Đạo (Aṭṭhaṅgikamagga) hay Bát Thánh Đạo (Ariyaṭṭhaṅgikamagga); tất cả chúng đều chỉ Sự Thật Về Con Đường Đi Đến Nơi Diệt Khổ (Dukkha Nirodhamaggasacca), tức là Đạo Đế.