Bát Nhã Đăng Luận Thích

06 Tháng Mười Một 201816:49(Xem: 5278)

BÁT NHÃ ĐĂNG LUẬN THÍCH
Kệ bản: Bồ tát Long Thọ
Thích luận: Bồ tát Phân Biệt Minh (Thanh Biện)
Hán dịch: Thời Đại Đường, Ấn Độ Tam tạng Pháp sư Ba-la-phả-mật-đa-la
Việt dịch: Quảng Minh

 

DẪN NHẬP

 

blankTrung luận, còn gọi là Trung quán luận, bốn quyển, Bồ-tát Long Thọ trước tác kệ tụng, ngài Thanh Mục làm Thích luận, được dịch ra chữ Hán bởi ngài Cưu-ma-la-thập. Đây là bộ luận trọng yếu của Phật giáo Đại thừa, là luận thư căn bản của Trung quán tông của Ấn ĐộTam luận tông của Trung Quốc.

Trung luận trình bày thâm nghĩa của duyên khởi tánh Không, chỉ rõ gốc rễ của sinh tửgiải thoát. Trung là nghĩa chính xác, chân thật, tách rời hý luận điên đảo mà không rơi vào hai bên Không và hữu. Thể của quán là trí tuệ; dụng của quán là quán sát, thể ngộ. Đem trí tuệ để quán sát tánh chân thật của tất cả pháp, tức là pháp duyên khởi, không quán sát theo điên đảo hữu vô, đó là tuệ giác về thật tướng của các pháp, gọi là Trung quán.

Trung quán hay Trung luận tức là luận lý học về Trung đạo. Cũng như Chánh lý là Chân lý, một danh từ chuyên dùng của luận lý học đã có từ sớm ở Ấn độ, được gọi là ‘Ngũ chánh lý tụ’, đó là: 1. Căn bản Trung luận; 2. Hồi tránh luận; 3. Thất thập Không tánh luận; 4. Lục thập như lý luận; 5. Đại thừa nhị thập luận.[1] Như thế có thể thấy được Trung luận là một môn học dùng phương pháp luận lý để tham cứu Chân lý.

Xem xét về hệ phổ của phái Trung quán, như sau:

Long Thọ 龍樹 (Nāgārjuna, 150–250)  à Đề-bà 提婆 (Āryadeva, 170–270) à La-hầu-la 羅睺羅 (Rāhulabhadra,  200–300) à A & B
(1) Tự tục phái 自續派 (Tự lập lượng phái 自立量派) : Thanh Mục 青目(Piṅgala, 301-400)à Thanh Biện 清辨 (Bhāvaviveka, 490-570) à Quán Thệ 觀誓  (Avalokitavrata  ─700─)  à Cát Tường Hộ 吉祥護 (Śrīgupta) , Trí Tạng  智藏 (Jñānagarbha, 700–760).

(2) Trung quán Du-già hành phái 中觀瑜伽行派 : Tịch Hộ 寂護 (Śāntirakṣita, 725-790) à Liên Hoa Giới 蓮華戒 (Kamalaśīla, 740-796)  à Giải Thoát Quân 解脫軍 (Vimuktisena) à Sư Tử Hiền 師子賢 (Haribhadra,  ─800─) à Bảo Tịch 寶寂 (Ratnākaraśānti, ─1000─) à Thắng Địch 勝敵(Jitāri,  ─1000─).

B. Ứng thành phái 應成派 (Tùy ứng phá phái, 隨應破派) : Phật Hộ 佛護 (Buddhapālita, 470–540) à Nguyện Xứng 月稱 (Candrakīrti, ─650─)  à Tịch Thiên 寂天 (Śāntideva, 650-700) à Trí Sinh Tuệ 智生慧 (Prajñākaramati, 950-1030) à A-để-hạp 阿底峽 (Atīśa,  982–1054)

Phật giáo Trung Quốc xưa nay biết đến Thanh Biện như là người thừa kế chính thống tư tưởng của Long Thọ, mà không biết gì về vai trò của Phật HộNguyệt Xứng trong học phái Trung quán[2]. Tam luận tôngTrung Quốc ra đời dựa trên nền tảng ba bộ luận do Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什, Kumārajīva, 344-413) dịch, đó là:  Trung Quán Luận (中觀論, Madhyamaka-kārikā, Thanh Mục giải thích), Thập Nhị Môn Luận (十二門論, Dvādaṣadvāra-śāstra, Long Thọ trước tác), và Bách Luận (百論, Śataśàstra, Đề-bà trước tác). Sự truyền thừa học phái Trung quánTrung Quốc như sau: La-hầu-la truyền cho Thanh Mục, Thanh Mục truyền cho Tu-lợi-da-sô-ma (須利耶蘇摩, Sūryasoma), Tu-lợi-da-sô-ma truyền cho Cưu-ma-la-thập. Cưu-ma-la-thập đến Trung Quốc khoảng năm 410, ở lại đó 10 năm, truyền cho đệ tửĐạo Sinh (道生), Tăng Triệu (僧肇), Tăng Duệ (僧叡) và Đạo Dung (道融). Các vị này vạch rõ sự khác nhau giữa tông phái mình với Thành thật tông và có thể xem là những người sáng lập Tam luận tông. Trong thế kỷ thứ 6, Tam luận tông rất thịnh hành và những Cao tăng thời này là Pháp Lãng (法朗) và đệ tửCát Tạng (吉藏). Trong thế kỷ thứ 7, Tam luận tông được Cao tăng Tuệ Quán (慧灌), đệ tử của Cát Tạng truyền qua Nhận bản, Tam luận tông dần dần mất ảnh hưởng sau khi Pháp tướng tông ra đời. Trong Đại Đường Tây vức ký (大唐西域記) của Huyền Trang (玄奘, 602-664)[3] và Nam hải ký quy truyện (南海寄歸傳) của Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713)[4] đều nhắc đến Thanh Biện như là hành giả Trung quán, chứ không nhắc đến tên Phật HộNguyệt Xứng.

Người đầu tiên giới thiệu Bhāviveka  (Phân Biệt Minh) ở Trung Quốc là Ba-la-phả-mật-đa-la qua dịch phẩm Bát-nhã đăng luận thích vào năm 632. Sau đó, Huyền Trang dùng tên Thanh Biện khi dịch Chưởng trân luận (Karatalaratna) từ Phạn bản sang Hán ngữ vào năm 647 (hay 649), nhưng lại dùng Hán âm Bà-tỳ-phệ-già (婆毘吠伽) để giới thiệu Thanh Biện trong Đại Đường Tây vức ký.

Bát-nhã đăng luận thích (般若燈論釋, Prajñāpradīpa) có 15 quyển, Bồ-tát Long Thọ trước tác kệ tụng, Bồ-tát Phân Biệt Minh (分別明, tức Thanh Biện)[5] biên soạn thích luận. Đời Đường, từ tháng 6 năm Trinh Quán thứ 4 (630) đến ngày 17 tháng 10 năm Trinh Quán thứ 6 (632), Tam tạng Pháp sư Ba-la-phả-mật-đa-la (波羅頗迦羅蜜多羅, S: Prabhākaramitra) cùng chư vị cộng sự hoàn thành bản dịch chữ Hán từ Phạn bản. Lược xưng là Bát-nhã đăng luận. Bát-nhã đăng luận thích là sách giải thích Trung luận, được thu vào Đại chánh tạng, tập 30, No. 1566.

Thanh Biện 清辨 (490-570), tiếng Phạm là Bhāvaviveka, Bhāviveka, Bhavya. Hán âm là Bà-tỳ-phệ-già (婆毘吠伽), Bà-tỳ-bệ-ca (婆毘薛迦), cũng gọi Minh Biện (明辯), Phân Biệt Minh (分別明), cao tăng Ấn độ sống vào thế kỷ thứ 6, luận sư của học phái Trung quán thuộc Phật giáo Đại thừa tại Nam Ấn độ. Có thuyết cho rằng sư thuộc Vương tộc nước Mạt-lợi-da-na (末利耶那, Malyara) ở Nam Ấn độ. Lại có thuyết nói sư thuộc chủng tánh Sát đế lợi (Kshatriya) ở nước Ma-già-đà (摩伽陀, Magadha) ở Bắc Ấn độ.

Sư từng đến Trung Ấn độ thờ ngài Tăng Hộ (僧護, Saṃgharakṣita)[6] làm A-xà-lê (Ācārya), chuyên cần tu học kinh điển Đại thừa và giáo thuyết của Bồ-tát Long Thọ (Nāgārjuna). Sau đó, sư trở về Nam Ấn Độ tuyên dương nghĩa Không, mở màn cho cuộc tranh luận về Không, Hữu với ngài Hộ Pháp (護法, Dharmapāla) thuộc tông Du-già ở nước Ma-yết-đà (磨羯陀). Ngài Hộ Pháp thừa kế học thuyết của các Bồ-tát Vô Trước, Thế Thân, chủ trương ‘Hữu là tận cùng của Không’, ngài Thanh Biện thì noi theo học thuyết của bồ-tát Long thọ, chủ trương ‘Không là tận cùng của Hữu’, hai bên bác bỏ nhau và thành tựu cho nhau. Trên văn tự thấy như hai ngài phá nhau, vì bên nói Hữu bên nói Không. Song, các ngài chỉ có một bản ý là hiển bày lý Chơn không - Diệu hữu, nên nói thành tựu cho nhau.

truyền thuyết cho rằng sau khi trở về Nam Ấn Độ, sư chủ trì hơn 50 ngôi già lam, trở thành một luận sư danh tiếng, tuyên thuyết giáo pháp, soạn Trung luận thích, bác bỏ thuyết của ngài Phật Hộ (佛護, Buddhapālita, 470-540), cũng là người thuộc học phái Trung Quán. Trong các tác phẩm được dịch ra chữ Hán và chữ Tây Tạng (phần lớn của nguyên bản Phạn ngữ đã thất truyền), Duy thức tông (Vijñānavādin, yogācārin) là đối tượng bị sư chỉ trích. Là người sáng lập hệ phái Trung quán Tự tục (中觀自續派, Madhyamaka-svàtantrika, the Svātantrika school of  Madhyamaka)[7], Sư cũng đả kích Phật Hộ (Buddhapālita), người sáng lập trường phái Trung quán Ứng thành (中觀應成派,Prāsaṅgika-mādhyamika)[8], bằng một phương pháp suy luận biện chứng trên cơ sở Nhân minh luận (Hetuvidyā) và Nhận thức học (Pramāṇavāda). Cứ xem Bát nhã đăng luận thích của sư thì thấy ý kiến của sư trái với quan điểm của ngài Phật Hộ.

Vào thế kỷ thứ 8, trường phái của sư được Tịch Hộ (Śāntarakṣita) biến thành phái Trung quán-Duy thức (Mādhyamika-yogācāra). Về già, sư ở ẩn trong núi phía Nam nước Đà-na yết-trách-ca (馱那羯磔迦, Dhanya-kaṭaka), đọc tụng chân ngôn rồi thị tịch.

Các tác phẩm của Sư gồm có: Đại thừa chưởng trân luận (大乘掌珍論,  Mahāyānatālaratnaśāstra), Huyền Trang dịch; Bát-nhã đăng luận thích (Prajñāpradīpa, cũng có tên prajñāpradīpa-mūlamadhyamaka-vṛtti), Ba-la-phả-mật-đa-la dịch; Trung quán tâm luận tụng (Madhyamakahṛdayakārikā), Tạng ngữ; Trung quán tâm quang minh biện luận (Madhyamakahṛdayavṛttitarkajvālā), chú giải Trung quán tâm luận tụng (Madhyamakahṛdayakārikā), Tạng ngữ; Trung quán nhân duyên luận (Madhyamikapratītyasamutpāda-śāstra), Tạng ngữ; Nhập trung quán đăng luận (Madhyamakāvatārapradīpa), Tạng ngữ; Nhiếp trung quán nghĩa luận (Madhyamārtha-saṃgraha), còn bản Tạng ngữ và Phạn ngữ; Dị bộ tông tinh thích (Nikāyabheda-vibhaṅgavyākhyāna), chỉ còn lưu lại trong Tạng ngữ, nói về các tông phái phật giáo sau khi Phật diệt độ đến thời Thanh Biện, rất giống Dị bộ tông luân luận (Samayabhedavyūhacakraśāstra) của Thế Hữu (Vasumitra).[9]

Nội dung luận thích này là ngài Thanh Biện đã đứng trên quan điểm của phái Trung quán Tự tục để chú thích các chương trong luận Trung quán của Bồ-tát Long Thọ mà thành. Đặc trưng tư tưởng trong luận thích này là lấy việc giữ gìn một cách nghiêm túc cái học Trung quán của Bồ-tát Long Thọ đã được truyền nối từ trước đến nay làm nền tảng.  Lý luận căn bản được thiết lập là ‘các pháp là vô tự tánh’, và lập luận thêm rằng, ‘bản chất thực sự của các pháp là sự trống rỗng’. Trong Đại thừa Chưởng trân luận, ngài Thanh Biện lập ‘tự tỷ lượng’ ngang qua kệ tụng: “Chân tánh, hữu vi không, Như huyễnduyên sinh, Vô vi không thật có, Không khởi, tợ không hoa.[10] (真性有為空,如幻緣生故, 無為無有實, 不起似空華. Chân tánh hữu vi không, Như huyễn duyên sinh cố, Vô vi vô hữu thật, Bất khởi tự không hoa.), từ đó xác lập tông nghĩa ‘Vô tướng là Đại thừa’. Lập trường của ngài Thanh Biện là: y Thế tục đế (saṃvṛti-satya) tất cả đều có[11]; y Đệ nhất nghĩa đế (paramārthasatya) tất cả đều trống không[12], hay còn gọi là ‘Chân không tục hữu’ (真空俗有). Ngài Thanh Biện thông thạo về Nhân minh học, sư tin rằng trong cuộc tranh luận, trước tiên phải thiết lập quan điểm của tự tông, sau đó sử dụng quan điểm  của tự tông để biện phá tha tông, cho nên xưng là phái Trung quán Tự tục.

Thế nên, Bát-nhã đăng luận thích không những chỉ luận phá tà kiến của ngoại đạoTiểu thừa, mà còn phê phán ngay cả học thuyết của luận sư Phật Hộ[13], là người cùng trong phái Trung quán nữa. Một đặc điểm khác, đối với lập trường của phái Du-già, chủ trương của luận thích này trái hẳn với quan điểm của các học giả Trung quán trước nay, nhất là kiến giải đối với thế tục đếđệ nhất nghĩa đế, thì ý thú lại càng khác xa. Thanh Biện chấp nhận quan điểm về Trung quán rằng, ‘đệ nhất nghĩa đế là không có thực thể để có thể xác định với bất cứ hình thái hiện hữu’, đồng thời Thanh Biện cũng muốn sử dụng sự khẳng định ấy trên bình diện thế tục đế. Về điểm nầy, dường như có một cuộc thảo luận về phạm vi triết học Trung quán giữa Thanh Biện thuộc phái Trung quán Tự tục và Nguyệt Xứng đại biểu cho phái Trung quán Ứng thành. Nguyệt Xứng không đưa ra bất kỳ khẳng định nào về ‘bản chất thật của hiện tượng’, mà cho rằng, thế tục đế chỉ có nghĩa là sự ‘che phủ’ hoặc ‘chướng ngại’ bởi nhận thức ‘vô trí’ (ajñāna), thì làm sao thế tục đế lại có sự chính xác để nói là ‘hiển bày’ thật tướng của các pháp? Lại nữa, nếu thế tục đế có thể tiếp cận với đệ nhất nghĩa đế nhờ vào sự ‘biểu hiện’, thì có thể dẫn đến sự hiểu lầm về Nhị đếThế tục đế của Nguyệt Xứng dường như là ‘cái nhìn thoáng qua’, tức khía cạnh kế đạc của nhận thức (: biến kế sở chấp, parikalpita). Nhưng Nguyệt Xứng cũng giới thiệu ở đây một thuật ngữ mới, ‘duy biểu’[14]vốn phân biệt rạch ròi với đệ nhất nghĩa đế cũng như với thế tục đế, tức sự tương qua giữa hệ luỵ nhân sinhcõi giới của Bồ-tát. 

Ngoài ra, tác giả luận thích này còn vận dụng luận lý Nhân minh rất thạo. Để duy trì khái niệm thế tục đếđệ nhất nghĩa đế của truyền thống Phật giáo mà vẫn nói về con đường phát triển tâm linh trong khi từ chối thực tại tối hậu của những khái niệm ấy, Thanh Biện đã sử dụng tam đoạn luận giả định (三段論法, Pratijñā, Hypothetical syllogism), một phương thức biện luận mà gần như không thể hiểu được bởi các học giả của Trung quán thời bấy giờ. Họ chỉ biết được trường phái này thông qua hệ thống hóa bởi Trung quán Ứng thành của Nguyệt Xứng. Thanh Biện sử dụng phương pháp luận một cách sắc bén, khéo léo ngang qua các chi Tông Nhân Dụ hoàn chỉnh cân đối, dùng chúng để đánh phá lập luận của đối phương. Thí dụ như: “Trong đệ nhất nghĩa, nội nhập không sinh ra từ các duyên kia. (Tông)  Vì sao? Vì các duyên là cái khác, (Nhân) thí như chiếc bình, v.v… (Dụ)”[15] Phương thức ấy không chỉ đưa đối phương đến chỗ giảm trừ phi lý, mà còn dùng những luận chứng độc lập để im lặng đối phương, và đó là điểm độc đáo của luận thích này.

Nguyên văn tiếng Phạm của tác phẩm này hiện nay đã mất, bản Hán dịch thì không được hoàn bị, bản dịch Tây tạng được thu vào tạng Đan châu nhĩ (丹珠爾/ Tengyur) đề tên là: Dbu-maḥi rtsa-baḥi ḥgrel-pa śes-rab-sgron-ma (Căn bản Trung quán chú trí tuệ đăng, 根本中觀註智慧燈,  Prajñā-pradīpa-mūlamadhyamaka-vrtti. 德格版 (東北目錄) , No. 3853, Tsha 45b4-259b3), được các học giả coi trọng hơn bản Hán dịch. Ngoài tác phẩm này và Đại thừa Chưởng trân luận, thế giới học thuật còn biết thêm tư tưởng của Thanh Biện ngang qua chương đầu tiên của Minh cú luận (明句論, Prasannapadā) của Nguyệt Xứng (Candrakīrti, 580–650). Do đó, có thể lập luận rằng, sự hiểu biết về Trung quán (Mādhyamika) nói chung vào thời gian đó là phải chấp nhận quan điểm một chiều dựa trên trường phái Trung quán Ứng thành (Prāsaṅgika-mādhyamika) của Nguyệt Xứng. Tuy nhiên, các học giả đương đại không bỏ qua các nguồn kinh văn Tây Tạng, và vì vậy có sự tiếp cận cân bằng hơn về Trung quán. Người đọc những tác phẩm chính của Long Thọ cần thông qua những bình giảng của cả hai trường phái Trung quán Tự tục và Trung quán Ứng thành.

Bát-nhã đăng luận thích (Prajñāpradīpa) đã được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán bởi Tam tạng Pháp sư Ba-la-phả-mật-đa-la (Prabhākaramitra)[16] vào thế kỷ thứ 7. Và bản tiếng Tây Tạng của luận này được dịch bởi Jñānagarbha[17] và Cog-ro kluḥi rgyal-mtshan (Giác nhã long tràng, 覺若龍幢), cũng xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 9, trừ một vài trích dẫn trong Minh cú luận của Nguyệt Xứng - tác phẩm chú giải Trung quán luậnphê bình Bát-nhã đăng luận. Nhiều học giả theo sau giáo sư Kenryu Tsukinowa[18] đều cho rằng bản Tạng dịch đáng tin cậy hơn so với bản Hán dịch. Tuy nhiên, hai bản dịch có niên đại khác nhau và có bối cảnh lịch sử, văn hóa, con người, v.v… khác nhau.  Hơn nữa, cấu trúc của Tạng ngữ và Hán ngữ cũng khác nhau nữa. Tạng ngữ phù hợp với cấu trúc ngữ pháp của tiếng Phạn, trong khi Hán ngữ thì không. Sự khác biệt đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến hai phiên bản. Nhìn vào Phẩm một, Quán Duyên Khởi, của hai bản Hán dịch và Tạng dịch, các nhà nghiên cứu đã so sánh định nghĩa của ‘duyên khởi’:  Trong bản Hán dịch, định nghĩa ‘duyên khởi’ là ‘những thứ được tạo ra bởi sự kết hợp của những nguyên nhânđiều kiện.’ Mặt khác, định nghĩa duyên khởi trong bản Tạng dịch được giải thích ngang qua ‘duyên tánh’ (縁性, Idaṃpratyayatā)[19] , và như vậy giải thích đó đã bác bỏ sự xác nhận tánh chất cạnh tranh trong luận lý Phật giáo, vì trong đó vẫn có một sự tương tự như bản Hán dịch. Từ những giải thích đề cập trong bản Hán dịch được bỏ qua trong bản Tạng dịch, và ngược lại, cho thấy sự không rõ ràng trong cách phiên dịch của các dịch giả đối với các từ ngữ trong Phạn bản. Sau khi nghiên cứu hai văn bản, các học giả đã đề xuất định nghĩa về ‘duyên khởi’ lấy từ bản Tạng dịch rằng, ‘những nguyên nhân không thể được xác định cho đến khi kết quả được thực hiện’, là chìa khóa cho sự hiểu biết của Thanh Biện về sự tương quan giữa ý nghĩa duyên khởitánh Không. Nói cách khác, định nghĩa ‘duyên khởi’ được trình bày trong bản Hán dịch không có khái niệm này.

Trong các bản chú sớ về Bát-nhã đăng luận thích, bản nổi tiếng hơn cả là Bát nhã đăng luận quảng chú (般若燈論廣註, S: Prajñāpradīpa-tīkā, Shes rab sgron ma'i rgya cher 'grel pa, 大谷 No.5259;東北 No.3859) của luận sư Quán Thệ (觀誓, S: Avalokitavrata, thế kỷ 8), đó là tư liệu trọng yếu để tìm hiểu về phái Trung quán và phái Du giàthời kỳ cuối tại Ấn độ.

Có thể dẫn ra đây một số dịch phẩm và nghiên cứu của các học giả về Bát-nhã đăng luận thích của Thanh Biện

  1. Walleser, Max[20] (1914): Madhyamakakārikā's 1.1-2.25 (with Bhāvaviveka's `Prajñāpradīpa'), Bibliotheca Buddhica vol. 226, Calcutta. (Tib.)
  2. Kajiyama, Yūichi[21] (1963/4): Translation of Chap. i, WZKS 7-8, 37-62/100-30. (Germ.)
  3. Uryūzu, Ryushin[22] (1971): Translation of Chap. xxiv, Kinki Daigaku kyoyo gakubu kenkyū kiyo 2/2.
  4. Ames, William (1986): Bhāvaviveka's Prajñāpradīpa: Six Chapters. University of Washington. Unpublished doctoral dissertation (ed. & transl. of chap. 3, 4, 5, 17, 23, 26).
  5. Ames, W. (1994): Bhāvaviveka's Prajñāpradīpa. A translation of chapter one: 'Examination of causal conditions' (pratyaya), JIP 22, p. 93-135.
  6. Ames, W. (1995): Bhāvaviveka's Prajñāpradīpa. A translation of chapter two: 'Examination of the traversed, the untraversed, and that which is being traversed', JIP 23, p. 295-365.
  7. Ames, W. (1999): Bhāvaviveka's Prajñāpradīpa: A translation of chapters three, four, and five, examining the āyatanas, aggregates, and elements, Indiana University: Buddhist Literature 1, p. 1-119 (from Tibetan)
  8. Ames, W. (2000): Bhāvaviveka's Prajñāpradīpa: A translation of chapters six, examination of desire and the one who desires, and seven, examination of origin, duration and cessation, Indiana University: Buddhist Literature 2, p. 1-91 (from Tibetan)
  9. Malcolm David Eckel (2008) Bhāviveka and his Buddhist opponents: chapters 4 and 5 of Bhāviveka's Madhyamakahṛdayakārikaḥ with Tarkajvāla commentary; Harvard University Press. p. Cover.
  10. Nguyệt Luân Hiền Long月輪賢隆 (Tsukinowa Kenryu, 1888 - 1969) 1929〈漢譯般若燈論の一考察〉(Khảo sát về Hán dịch Bát-nhã đăng luận), Nguyệt san《密教研究》 (Mật giáo Nghiên Cứu), Kỳ 1,  số 33, tr. 125-143
  11. Nguyệt Luân Hiền Long月輪賢隆 1929 〈漢譯般若燈論の一考察〉, 《密教研究》, Kỳ 2, số 35, tr. 35 – 47
  12. Nguyệt Luân Hiền Long月輪賢隆1931 〈漢譯般若燈論の一考察〉,《密教研究》, Kỳ 3, số 40, tr. 28 – 51
  13. Vũ Khê Liễu Đế 羽溪了諦 (Hadani Ryōtai,  1883 – 1974)  1930 《国訳一切経中観部二:般若灯論》(Quốc Dịch Nhất Thiết Kinh[23], Trung Quán Bộ, nhị : Bát Nhã Đăng Luận),  Đông Kinh 東京:Đại Đông Xuất bản xã 大東出版社 (:). [: Bản dịch tiếng Nhật luận này.]

Bát-nhã đăng luận thích có 15 quyển, với 27 phẩm như sau:

  1. Quán Duyên (Examination of Conditions, Pratyayaparīkṣā)
  2. Quán Khứ Lai (Examination of Motion, Gatāgataparīkṣā)
  3. Quán Sáu Căn (Examination of the Senses, Cakṣurādīndriyaparīkṣā)
  4. Quán Năm Ấm (Examination of the Skandhas, Skandhaparīkṣā)
  5. Quán Sáu Giới (Examination of the Dhatus, Dhātuparīkṣā)
  6. Quán Nhiễm và Nhiễm giả (Examination of Desire and the Desirous, Rāgaraktaparīkṣā)
  7. Quán Tướng Hữu Vi (Examination of the Conditioned, Saṃskṛtaparīkṣā)
  8. Quán Tác Giả và Nghiệp (Examination of the Agent and Action, Karmakārakaparīkṣā)
  9. Quán Thủ Giả (Examination of the Prior Entity, Pūrvaparīkṣā)
  10. Quán Lửa và Củi  (Examination of Fire and Fuel, Agnīndhanaparīkṣā)
  11. Quán Sinh Tử (Examination of the Initial and Final Limits, Pūrvaparakoṭiparīkṣā)
  12. Quán Khổ (Examination of Suffering, Duḥkhaparīkṣā)
  13. Quán Hợp (Examination of Compounded Phenomena, Saṃskāraparīkṣā)
  14. Quán Hành (Examination of Connection, Saṃsargaparīkṣā)
  15.  Quán Hữu Vô (Examination of Essence, Svabhāvaparīkṣā)
  16. Quán Trói BuộcGiải thoát (Examination of Bondage, Bandhanamokṣaparīkṣā)
  17. Quán Nghiệp (Examination of Actions and their Fruits, Karmaphalaparīkṣa)
  18. Quán Pháp (Examination of Self and Entities, Ātmaparīkṣā)
  19. Quán Thời (Examination of Time, Kālaparīkṣā)
  20. Quán Nhân Quả Hòa Hợp (Examination of Combination, Sāmagrīparīkṣā)
  21. Quán Thành Hoại (Examination of Becoming and Destruction, Saṃbhavavibhavaparīkṣā)
  22. Quán Như Lai (Examination of the Tathagata, Tathāgataparīkṣā)
  23. Quán Điên Đảo (Examination of Errors, Viparyāsaparīkṣā)
  24. Quán Thánh Đế (Examination of the Four Noble Truths, Āryasatyaparīkṣā)
  25. Quán Niết Bàn (Examination of Nirvana, Nirvānaparīkṣā)
  26. Quán Thế Đế Duyên Khởi (Examination of the Twelve Links, Dvādaśāṅgaparīkṣā)
  27. Quán Tà Kiến (Examination of Views, Dṛṣṭiparīkṣā)

Trong quá trình chuyển dịch Bát-nhã đăng luận thích từ Hán văn ra Việt văn, dịch giả có vài ghi nhận như sau:

Trước hết, Bát-nhã đăng luận thích rất khó chuyển dịch, vì văn nghĩa diễn đạt quá cô đọng, đánh đố, thậm chí ngô nghê, kiều như Google translate từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Vì lẽ đó, các nhà Phật họcĐài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc hầu như tránh né luận thích này. Học giả người Nhật là Vũ Khê Liễu Đế đã dịch trọn bộ luận thích này vào năm 1930. Vài học giả phương Tây như Ames William, Malcolm David Eckel thì chỉ dịch những phẩm mình ưa thích. Không có bản dịch, chú giải nào bằng Phổ thông thoại hay Quốc ngữ, vì vậy mà Bát-nhã đăng luận thích không được phổ biến trong giới học thuật, kể cả trong Đại học Phật giáo.

Trước bản Việt dịch này, đã có hai bản Việt dịch luận thích này: một của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, và một của Luận Tạng Phật Giáo Tuệ Quang, Cư sĩ Nguyên Huệ dịch[24]. Hán dịch luận thích này là ngài Ba-la-phả-mật-đa-la, người từng học Luận Thập Thất Địa với luận sư Giới Hiền (戒賢, 529 - 645) ở chùa Na-lan-đà, người tinh thông pháp học và pháp hành, cả Đại thừaTiểu thừa, người dịch xuất sắc Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh từ Phạn ngữ ra chữ Hán ngữ, thì không lý gì lại dịch vụng về Bát-nhã đăng luận thích? Lý do hợp lý là bản Phạn Bát-nhã đăng luận thích, ngữ nghĩa và văn phạm khá mắc mỏ, cô đọng.

Bản Hán ngữ luận thích này có nhiều chữ mắc mỏ, nếu không ‘giải mã’ được thì sẽ tối nghĩa. Thí dụ như chữ ‘già’ (遮), nghĩa là ‘ngăn’, ‘ngăn trở’, ‘che lấp’, được dịch là ‘bác bỏ’, ‘phủ định’; như chữ ‘tương quán’ (相觀), được hiểu là ‘thấy nhau’ (theo nghĩa bóng), ‘liên quan nhau’, ‘đối đãi nhau’. Ngoài ra, có một chữ được dùng rất nhiều, đó là chữ ‘giả’(者): Thí dụ ‘tác giả’ (作者), thông thường được hiểu là ‘người tạo tác’, nhưng trong luận này, chữ ‘giả’ được dùng như dấu ngoặc kép hay ngoặc đơn (Quotation masks  “ ” , Single quotation masks ‘ ’ ), để trích dẫn một câu nói hay nhấn mạnh một danh từ, thế nên, ‘tác giả’ được hiểu và viết có ngoặc đơn là ‘tác dụng’. Toàn bộ luận thích là cuộc tranh luận về ‘Thế tục đếĐệ nhất nghĩa đế’ giữa ngài Thanh Biện với người các bộ phái hay ngoại đạo, cho nên việc sử dụng chữ ‘giả’ là để cho thấy đoạn văn nào là trích dẫn ‘câu nói’ của đối phương. Cũng lưu ý đến chữ ‘cố’ (故): Chữ này xuất hiện rất nhiều. Ngoài ý nghĩa ‘cho nên’, ‘vì’, ‘lý do’, còn được dùng như động từ ‘to be’, ‘là’, chỉ trạng thái của một con người, sự vật, sự việc. Thí dụ, câu ‘như bình y đẳng thật hữu cố dị cố.’ (如瓶衣等實有故異故), dịch là ‘như chiếc bình, cái áo, v.v… là thật có, là khác biệt.’

Xuyên suốt Bát-nhã đăng luận thích, bằng thể văn tường thuật ‘đối vấn’, nghị luận, thuyết minh, ngài Thanh Biện đã dẫn chứng nhiều quan điểm của các bộ pháingoại đạo đương thời như Thuyết nhất thiết hữu bộ/ Tát-bà-đa bộ (Sarvastivada), Đại chúng bộ (Mahāsañghika), Độc tử bộ/ Bà-tư-phất-đa-la (Vātsīputrīya), Chánh Lượng bộ (Sammitiyàh), Pháp tạng bộ/ Đàm-vô-cúc-đa (Dharmaguptaka), Kinh bộ/ Tu-đa-la (Sautrāntika), Xích đồng diệp bộ/ Đa-ma-la-bạt (Tāmraparṇīya), Hữu bộ (Sarvāstivāda)/ Tỳ-bà-sa (Vibhāṣa) - A-tỳ-đàm (Abhidharma), Số luận/ Tăng khư (Samkhya), Thắng luận/ Bệ-thế-sư (Vaiśeṣika), Thuận thế ngoại đạo/ Lộ-già-da-đà (Lokayata), Ni-kiền-tử (Nirgrantha-putra). Đây là nguồn tư liệu để nghiên cứu về các bộ phái Phật giáo.

 Bồ-tát Long Thọ cho rằng có bốn quan điểm sai lầm về nhân quả, đó là: (1) Sinh khởi từ chính nó (tự sinh); (2) Sinh khởi từ cái khác nó (tha sinh); (3) Sinh khởi từ chính nó và từ cái khác nó (cộng sinh); (4) Sinh khởi không do nguyên nhân nào cả, sinh khởi ngẫu nhiên (vô nhân sinh). Thanh Biện dẫn chứng, bốn quan điểm này là chủ trương của bốn học phái của ngoại đạo, trong đó: (1) Tự sinh là luận thuyết ‘trong nhân có quả’ (: nhân quả đồng nhất) của phái Số luận; (2) Tha sinhluận thuyết ‘trong nhân không quả’ (: nhân quả dị biệt) của phái Thắng luận; (3) Cộng sinh là luận thuyết ‘trong nhân vừa có quả vừa không quả’ (: nhân quả vừa đồng nhất vừa dị biệt) của phái Ni-kiền-tử; (4) Vô nhân sinh là luận thuyết ‘không nhân có quả’ của phái Thuận thế ngoại đạo.[25]

Thanh Biện cũng dẫn chứng nhiều kinh điển của hai trường phái Thượng tọa bộĐại chúng bộ như: kinh A-hàm, kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa, kinh Phạm vương sở vấn, kinh Thắng man, kinh Kim cương bát-nhã, kinh Bảo tích, kinh Vô Tận Tuệ, kinh Vô ngôn thuyết, kinh Kim Quang Minh nữ, kinh Phật mẫu, kinh Lăng già, kinh Thắng Tư Duy Phạm thiên sở vấn, kinh Bảo tụ, kinh Nguyệt đăng tam muội, kinh Vô thủy, kinh Vô thượng y, kinh Bảo thắng, kinh Như Lai tam mật, kinh Không Tịch sở vấn, kinh Phóng quang, kinh Diệu tý, kinh Thức thú hậu thế, kinh Văn Thù sở vấn, kinh Xá-lợi-phất đà-la-ni, kinh Phật địa, kinh Văn Thù đạo hành. Đây cũng là nguồn tư liệu để xác định niên đại xuất hiện của các kinh điển.

Mỗi kệ tụng của luận thích này đều được đối chiếu với kệ tụng của Trung luận, ngang qua bản dịch của Hòa thượng Thích Thiện Siêu. Có một vài kệ tụng ở Bát-nhã đăng luận thích không có trong Trung luận, và ngược lại. Số thứ tự kệ tụng ở luận thích sẽ tương ứng với số thứ tự của của Trung luận. Kệ tụng nào không có trong Trung luận sẽ được đánh dấu hoa thị (*), và kệ tụng nào của Trung luận không có trong luận thích thì được ghi ở chú thích cho tiện tra cứu. Nhìn chung, sự giải thích các kệ tụng ở mỗi phẩm trong Bát-nhã đăng luận thích của Thanh Biện thì chi tiết hơn, đầy đủ hơn, dài hơn, vì như đã nói, tường thuật lời nghị luận qua lại giữa Thanh Biện và chư sư bộ phái. Đây cũng là nguồn tư liệu hữu ích bổ sung cho sự giải thích Trung luận của Thanh Mục.

Sau cùng, với một bộ luận đặc thù như thế này, dù dịch giả đã cố gắngcẩn trọng hết sức trong từng thuật ngữ, chấm câu, trích dẫn, v.v…, thì vẫn không sao tránh khỏi những sai sót. Ngưỡng mong chư vị thiện tri thức từ bi chỉ dạy và hoan hỷ tác chứng. Dịch giả chân thành tri ân chư vị tác giả, dịch giả có những tác phẩm, dịch phẩm được trích dẫn trong phần chú thích của Bát-nhã đăng luận thích này.

Nghĩa lý Bát-nhã đăng

Bao quát kinh A-hàm

Pháp A-tỳ-đạt-ma

Biệt duyên khởi trung đạo

Bác bỏ các nghĩa khác

Của bộ phái, ngoại đạo

Là các tưởng trói buộc

Trừ khử bởi tánh Không.

Nay con được dịch chú

Mong đáp đền bốn ơn

Xin nguyện cho những ai

Có duyên đọc luận này

Thì biết đạo chân thật

Của đức Bà-già-bà

Có được những thắng giải

Sinh đức tin trong sáng.

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tửchúng sinh

Đều trọn thành Phật đạo.

Vía Bồ-tát Quán Thế Âm, 27-10-2018 (19-9-Mật Tuất)

Cũng là húy nhật lần thứ 24

Tôn sư Hòa thượng Thích Minh Hạnh - Tổng Quản Sự Tổ Đình Ấn Quang 

Phật tử Quảng Minh kính bút



[1] Ngũ chánh lý tụ 五正理聚: 1. Căn bản Trung luận: gồm có các thích luận của Trung luận như: (1) Trung luận, 4 quyển, Thanh Mục thích, La-thập dịch (No. 1564); (2) Thuận trung luận nghĩa, 2 quyển, Vô Trước thích, đời Nguyên Ngụy, Cù-đàm Bát-nhã Lưu-chi dịch (No. 1565); (3) Bát-nhã đăng luận thích, 15 quyển, Thanh Biện thích, đời Đường, Ba-la-phả-mật-đa-la dịch (No. 1566); (4) Đại thừa Trung quán thích luận, 18 quyển, An Tuệ thích, đời Tống, Duy Tịnh dịch (No. 1567); (5) Căn bản Trung chú vô úy 根本中觀註無畏, Mūlamadhyamakavṛttyakutobhaya, Dbu ma rtsa ba'i 'grel pa ga las 'jigs mod, Tạng bản, Long Thọ thích (No. 3829); (5) Trung luận chú / Phật-đà Ba-lợi-đa Căn bản Trung quán chú, 佛陀波利多根本中觀註, Buddhapālitamūlamadhyamakavṛtti, Dbu-ma rtsa-baḥi ḥgrel-pa buddha-pā-lit-a, Tạng bản, Phật Hộ chú (No. 3842); (6) Minh cú luận 明句論 prasannapadā, Phạn bản, Tạng dịch, Nguyệt Xứng chú; 2. Hồi tránh luận 迴諍論, Đại Chánh tạng, No. 1631, Bồ-tát Long Thọ tạo; Hậu Ngụy, Tam tạng Tỳ Mục Trí Tiên thuật; H.T Thích Như Điển dịch Việt văn, 2004; 3. Thất thập Không tánh luận 七十空性論, Tạng bản, gồm có 70 kệ tụng nói về đạo lý của Không tánh; cận đạipháp sư Pháp Tôn dịch ra Hán văn; Quảng Minh dịch Việt văn, 4/2017; 4. Lục thập như lý luận 六十如理論, gồm có 60 kệ tụng thuyết minh duyên khởi; 5. Đại thừa nhị thập luận: 20 luận thư của Long Thọ, ngoài Trung luận, như: Thập nhị môn luận, Quảng phá luận, Thập trụ Tỳ-bà-sa luận, Bách tự luận, Đại thừa phá hữu luận, Phương tiện tâm luận, Nhân duyên tâm luận tụng, Bảo hành vương chánh luận, Bồ đề tư liệu luận, Bồ đề tâm ly tướng luận, Bồ đề hành kinh, Thích ma ha diễn luận, v.v… phần nhiều nghiêng về Duy thức.

[2] Không tìm thấy tư liệu Hán tạng nào nói đến Phật Hộ (Buddhapālita) and Nguyệt Xứng (Candrakīrtivà).

[3] Xem Phụ lục ở cuối sách.

[4] Nam hải ký quy truyện, T54n2125, quyển 4, tr.229b : “Xa thì có các bậc Thầy Long Mãnh, Đề-bà, Mã Minh; giữa thì có các môn đồ Thế Thân, Vô Trước, Tăng Hiền, Thanh Biện; gần thì có các hậu bối Trần Na, Hộ Pháp, Pháp Xứng, Giới HiềnSư Tử Nguyệt, An Tuệ, Đức Tuệ, Tuệ Hộ, Đức Quang, Thắng Quang.”

[5] Hầu hết các học giả Trung Hoa xa xưa đều sử dụng Thanh Biện (清辨/ 清辯). Phân biệt minh (分別明) chỉ xuất hiện trong bản dịch Bát-nhã đăng luận thích của Ba-la-phả-mật-đa-la. Ở đây, thanh = minh (Bhā), và biện = phân biệt (viveka). Trong Đại Đường Tây vức ký, Bhāviveka được phiên âm là Bà-tỳ-phệ-già 婆毘吠伽. Bhāviveka, phiên âm theo Tạng văn là Legs-ldan-ḥbyed.

[6] Tăng Hộ: Còn dịch là Chúng Hộ 眾護, Tăng-già-la-sát 僧伽羅剎, là đệ tử của Long Hữu (友, Nāgamitra); cao Tăng cùng thời với Vô trước (Asaṅga), Thế thân (Vasubandhu); kế thừatruyền bá tư tưởng Trung Quán của Long ThọThanh Mục (Pingalanetra); môn hạ có Phật HộThanh Biện.

[7] Còn gọi là Tự lập lượng phái 自立量派, Tự lập luận chứng phái 自立論證派, Độc lập luận chứng phái 獨立論證派, Trung quán Y tự khởi 中觀依自起.

[8] Còn gọi là Trung quán Cụ duyên 中觀具緣, Tùy ứng phá phái 隨應破派, Quy mậu luận chứng phái 歸謬論證派.

[9] Xem Luận Biện chính Q.4; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.4; điều Đà na yết trách ca quốc trong Đại đường tây vực kí Q.10; Đại từ ân tự tam tạng pháp sư truyện Q.4; Pháp hoa kinh huyền tán yếu tập Q.5; Ấn độ triết học nghiên cứu 5; The Conception of Buddhist Nirvàna by Th. Stcherbatsky.

[10] Đại thừa Chưởng trân luận (大乘掌珍論, Karatalaratna, No.1578) được phiên dịch sang Hán văn bởi Huyền Trang, khoảng năm 647 hay 649, 80 năm sau ngày mất của Thanh Biện.

 “Vì muốn cho họ dễ chứng chân không, mau chóng hội nhập pháp tánh, nên lược bày Luận Chưởng Trân này. ‘Chân tánh hữu vi không, Như huyễnduyên sinh, Vô vi không thật có, Không khởi, tợ không hoa.’ … Lấy chân tánh để giản biệt mà lập tông. Tự thể của chân nghĩa, gọi là chân tánh, tức Thắng nghĩa đế. Căn cứ Thắng nghĩa đế mà lập hữu vi không, chẳng phải căn cứ thế tục. Vì các duyên hợp thành và có sự tạo tác, nên gọi là hữu vi. … Các duyên khởi ra các sự huyễn ảo như là nam, nữ, dê, nai, v.v…, tự tánh của chúng thật sự không có, mà biểu hiện tợ như có. Pháp sở lập và pháp năng lập đều là pháp hữu vi, vì đồng pháp và đồng dụ, nên nói là như huyễn. … Pháp được lập là ‘có’ thì đều từ duyên sinh;  vì lập ‘nhân’ này nên nói là duyên sinh. (Quyển thượng) … Chẳng phải là hữu vi nên gọi là vô vi. Ngược lại với hữu vi là nghĩa vô vi, tức là hư không trạch diệt, phi trạch diệt và tánh chân như. …  Tức là sự nhận biết của thế gian này thì như hư không, vì cắn cứ nơi tánh chân thật. Tánh ‘Không’ không có thật, đó gọi là lập tông. Tức sự thành lập này căn cứ tánh chân thật, thế nên không thậthư không. Do hai tông (tự và tha) đều chấp nhận [các pháp] ‘không khởi’, hoặc giả lập làm ‘pháp không khởi’, gọi đó là nhân. Hoa đốm giữa hư khôngkhông thật có, cũng không khởi, nên lập làm đồng dụ. (Quyển Hạ)”

(「為欲令彼易證真空,速入法性故,略製此掌珍論:真性有為空,如幻緣生故。無為無有實,不起似空華。」「以真性簡別立宗,真義自體,說名真性,即勝義諦,就勝義諦,立有為空,非就世俗,眾緣合成。有所造作故,名有為。……眾緣所起,男、女、羊、鹿,諸幻事等,自性實無,顯現似有,所立能立法,皆通有為,同法喻故,說如幻。……所立有法,皆從緣生,為立此因,說緣生故。」「非有為故,說名無為,翻對有為,是無為義,即是虛空,擇、非擇滅,及真如性。……即此世間所知虛空,就真性故,空無有實,是名立宗。即此所立,就真性故,無實虛空,二宗皆許為不起故,或假立為不起法故,說名為因。空花無實,亦不起故,立為同喻。)

[11] Trong thế tục đế lại có tự tượng, tức là gần giống với Bất không giả danh, thừa nhận pháp do nhân duyên sinh có tự tướng, tức muốn hiểu rốt ráo được nghĩa ‘không vô tự tánh’, cần phải thấu đạt thêm một bước nữa. Trong đệ nhất nghĩa đế, giả sinh tức chẳng sinh, giả diệt tức chẳng diệt; tức là nói tất cả pháp giả sinh giả diệt mà tịch diệt vô tướng, chứ chẳng nói không có nhân quả sinh diệt. Nếu chấp thủ kiến giải này thì đó là tư tưởng Bất Không giả danh.

[12] Trong đệ nhất nghĩa tất cả đều bất khả đắc. Điều này cho thấy rằng, ‘bát bất‘ đều luận theo kiến giải đệ nhất nghĩa đế, bởi vì trong ‘đệ nhất nghĩa không’ thì sinh diệt, đoạn thường, nhất dị, khứ lai đều bất khả đắc.

[13] Trong Phật Hộ - Căn bản trung quán luận thích  佛護-根本中觀論釋 (Buddhapālita-Mūlamadhyamaka-vṛtti, Tạng ngữ), Phật Hộ đả phá quan điểm của những kẻ đối nghịch và những kết luận sai trái của họ, có thể gọi là ‘phá tà hiển chánh’, nghĩa là không nêu quan điểm của chính mình, chỉ dựa vào những nhược điểm, những mâu thuẫn hiển hiện của đối thủ mà đả phá họ. Thanh Biện chỉ trích Phật Hộ không đưa ra một chủ trương, một mệnh đề (Tông) nào làm tiêu đích tranh luận mà chỉ dùng luận pháp tấn công bằng phép phản chứng. Như vậy, luận chứng không đủ khả năng giải thích và thuyết phục đối phương vì thiếu chính xác và có thể dẫn đến kết luận sai lầm.

[14] Thuật ngữ Duy biểu 唯表 (S: Saṃvṛti-mātra; E: Saṃvṛti-only) còn gọi là duy danh 唯名, duy giả thi thiết 唯假施設, xuất hiện trong tác phẩm Nhập Trung quán luận của Nguyệt Xứng.

[15] Đệ nhất nghĩa trung, nội nhập bất tùng bỉ chư duyên sinh (Tông). Hà dĩ cố? Dĩ tha cố (Nhân), thí như bình đẳng (Dụ). 第一義中, 內入不從彼諸緣生 (宗). 何以故? 以他故 (因), 譬如瓶等 (喻).

[16] Ba-la-phả-mật-đa-la (波羅頗蜜多羅 Prabhākaramitra, 565~633) phiên dịch hoàn tất vào đời Đường, năm Trinh Quán thứ 7 (633). Sư người nước Ma kiệt đà, Trung Thiên Trúc, còn gọi là Ba la phả ca la mật đa la, Ba phả mật đa la, hoặc gọi tắt là Ba phả, dịch ý là Tác minh tri thức, Minh hữu, Quang trí.  Sư thuộc dòng dõi Sát đế lợi, 10 tuổi xuất gia, tụng thuộc kinh điển đại thừa cả trăm ngàn bài kệ.  Sau khi thọ cụ túc giới, sư học tập luận tạng, tu tập định nghiệp, không xả bỏ kinh điển suốt 12 năm trường.  Sau đó sư Nam du tới tu viện Na lan đà, ở chỗ luận sư Giới Hiền mà nghe học Thập thất địa luận và tụng đọc các bộ luận tiểu thừa.  Nhờ khí chất thông minh uyên bác, sư nghiên cứu tinh tường giáo lý đại thừatiểu thừa. Sư lại làm bậc giáo thọ sư cho các đồng học, cùng hóa độ tăng chúng, và thường diễn giảng những bộ kinh như Bát nhã nhân đà la bạt ma v.v…, khiến các học nhân đều thâm đạt nghĩa lý u huyền. Với giới hạnh tinh cần, tài thức minh mẫn, sư được các vị đồng học kính trọng. Theo duyên hóa độ, sư đi   đến vùng Bắc Địch giáo hóa Phật pháp cho dân Đột Quyết, rồi tiếp tục đi về phương Bắc, đến nước Tây Đột Quyết của Khả hãn Thống Diệp Hộ, giáo hóa những kẻ chưa từng biết đến chánh giáo, khiến Nhung chúa ở vùng đó thâm tín bội phục vô vàn, nên cấp cho 20 người để hầu hạ cung phụng ngày đêm. Năm 626, tướng quân Cao Bình Vương thỉnh cầu sư đến Đông độ.  Thế là, vào đời vua Đường Thái tông, đầu năm Trinh Quán (627), sư đầu đội Phạn kinh đi vào Trường an, trú ở chùa Đại Hưng Thiện, trong 3 năm 3 tháng, cùng với các vị Tuệ Thừa, Tuệ Trách, Pháp Lâm, Huyền Mô v.v… cả thảy 19 bậc danh tăng thạc đức cùng nhau dịch kinh.  Các kinh được dịch gồm có: kinh Bảo tinh đà la ni, 10 quyển; Bát nhã đăng luận thích, 15 quyển; luận Đại thừa trang nghiêm kinh, 13 quyển. Do thệ nguyện hoằng dương Phật pháp, sư không màng bao gian nan nguy hiểm, đi hơn 40 ngàn dặm, vượt ngọn Thông Lĩnh, băng qua các bãi sa mạc cùng núi sông hiểm trở, tự mang kinh điển để sang nước Chấn Đán phiên dịch. Song chí nguyện của sư chưa hoàn mãn, mà thân sanh bịnh. Vào năm Trinh Quán thứ 7 (633), tự biết không cứu trị nổi, sư bèn phân phát vật dụng, tạo các tịnh nghiệp, rồi ngồi thẳng trước chánh điện chùa Thắng Quang, nhất tâm quán tượng Phật mà thị tịch, thọ thế 69 năm. [Xem Tục Cao Tăng truyện, quyển 3]

[17] Jnānagarbha (tiếng Tây Tạng: ཡེ་ ཤེས་ སྙིང་ པོ་, Wyl. Ye shes snying po. Trí Tạng 智藏, 700 - 760) là một nhà triết học Phật giáo thế kỷ thứ 8 xuất thân từ đại học Nalanda, người đã viết về Madhyamika (Trung quán kiến, 中觀見) và Yogacara (Du-già hành, 瑜伽行) và được coi là một phần của truyền thống Trung quán tự tục (Svatantrika) của Thanh Biện (Bhāviveka).  Học sinh của Shrigupta và vị Thầy và là Đạo sư của Shantarakshita.

[18] Kenryu Tsukinowa (Nguyệt Luân Hiền Long, 月輪賢隆,1888 – 1969): Là một học giả Phật giáo Nhật Bản từ thời Minh Trị đến thời đại Chiêu Hòa, người tỉnh Thu Điền, quận Tiên Bắc, thị trấn Mỹ Hương, giáo sư Phật giáo của chùa Viên Đức, thuộc phái Tịnh độ chân ngôn của chùa Tây Bản Nguyện.

[19] Nidānasaṃyukta, số 14.6 Pratītyasūtra, trang 148. (Hán dịch của Huyền Tráng, T 99, No. 296, k. 12, p. 84b12–c10; tương đương với Pāli, kinh Paccayasuttanta thuộc Saṃyutta, II, p. 25, l. 18–20) iti yātra dharmatā dharmasthititā dharmaniyāmatā dharmayathātathā avitathatā ananyathā bhūtaṃ satyatā tattvatā yāthātathā aviparītatā aviparyastatā idaṃpratyayatā pratītyasamutpādānulomatā, ayam ucyate pratītyasamutpādaḥ| Thể tính của cái gì là pháp tướngpháp trụpháp vị, thì cái đó chính là chân như, không khác biệt với chân như, không trái ngược với chân như, là thật tế, là sự thực, là thực tại, là giống với chân như, là không nghịch hướng với chân như, là không điên đảo với chân như. Cái đó là duyên tính, là thuận thứ của duyên khởi, ta nói nó chính là duyên khởi. (Thích Phước Nguyên – Cơ sở lý tính duyên khởi)

[20] Walleser, Max (瓦理瑟, 1847-1953): Nhà Ấn độ họcPhật giáo học người Đức, là học trò ưu tú của Sử gia kiêm Triết gia Kuno Fischer. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông chuyên nghiên cứu về tư tưởng Ấn độ, đặc biệttư tưởng Phật giáo. Năm 1918, ông nhận lời mời làm Giáo sư Ấn độ học tại Đại học Heidelberg, trong thời gian này, ông đã soạn thuật và phiên dịch rất nhiều. Ông bắt đầu nghiên cứu tư tưởng Phật giáo nguyên thủy, sau đó tiến sâu vào lĩnh vực triết học Trung quán và đã đạt được những thành quả lớn lao trong việc nghiên cứu cũng như truyền bá Phật giáo Trung quán. Ông thông hiểu tiếng Tây tạng, thừa nhận giá trị của những kinh điển Phật Hán dịch, bởi thế ông đã là 1 trong những người Tây âu đầu tiên sử dụng các kinh điển này. Ông có các tác phẩm: Satkāya, ZDMG. LXIV, 1910; Buddhapālita, Mūlamadhyamakavrtti, tibetische Übers., Herausg.(BB. XVI), 1913~1914; Prajñāpāramita, die Vollkommenheit der Erkenntnis, nach indischen, tibetischen und chinesischen Quellen, 1914;Prajñāpradīpah, a commentary on the Mādhyamaka Sūtra by Bhāvaviveka, Herausg. in Tib.(BI),1914.

[21] Kajiyama, Yūichi (梶山 雄一, 1925 – 2004): Giáo sư danh dự Phật học tại Đại học Kyoto. Tháng 10 năm 1944, ông vào Đại học Kyoto, học ngành Triết học, phân khoa Phật học, và tốt nghiệp vào tháng 3 năm 1948. Từ tháng 4/1953 đến tháng 3/1956, ông tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Professors J. Kashab và Giáo sư Satkari Mookerjee ở The Nalanda Pali Institute, Bihar, India. Sau đó ông trở về lại Đại học Kyoto là Giáo sư trợ giảng ở Phân khoa Triết học. Ông giành cả cuộc đời để nghiên cứu và giảng dạy Phật học. Ông có 22 tác phẩm nghiên cứu được xuất bản, và khoảng 11 bài khảo cứu bằng ngôn ngữ phương Tây. Phạm vi nghiên cứu của ông bao gồm: triết học Trung quán, tư tưởng Đại thừa, nhận thức luận Phát giáo, phân tích tư tưởngvai trò của các bộ phái Phát giáo, nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Trung quốcNhật bản dựa trên triết học Phật giáo Ấn độ.

[22] Uryūzu, Ryushin (瓜生津隆真, 1932 - 2015).

[23] Đây là Đại tạng kinh tiếng Nhật

[24] Trong ‘Lời thưa của người Việt dịch’ (để độc giả ghi nhận trước khi đọc Bát-nhã đăng luận thích), cư sĩ Nguyên Huệ ghi: “Phần nêu dẫn kinh nơi Luận này (No. 1566) câu văn Hán dịch sáng rõ dễ hiểu, dù nội dung của những đoạn kinh ấy nêu giảng các vấn đề cao siêu vi diệu. Vậy tại sao nơi phần Nêu dẫn kinh thì dịch giả dịch được? Còn phần Giải thích quảng diễn thì người đọc không thể hiểu nổi? Đọc không hiểu mà vẫn phải Việt dịch! Đó là nỗi khổ tâm của người Việt dịch. Chúng tôi đã dịch hàng mấy ngàn trang Luận Tạng (1/4 tập 25, toàn tập 26, 27, 28 v.v… nhưng chưa gặp lối diễn giải nào như nơi Luận này!) Như vậy là chúng tôi chỉ căn cứ vào nghĩa của chữ, của câu để dịch, thêm một vài giới từ, liên từ để tạo sự thuận hợp tạm, chứ không hiểu là tác giả nói về gì. Tất nhiên cũng có những phần, những đoạn hiểu được, hoặc hiểu lờ mờ, nhưng nơi 9 quyển đầu, những phần này không nhiều. Từ quyển 10 –> 15, tình hình có khá hơn, tức phần có thể hiểu được chiếm đa số. Ví như phẩm 26 (Quán Về Duyên Khởi Của Thế Đế) thì hầu hết là hiểu được. Đoạn cuối của Luận cũng như vậy.”

[25] Bát-nhã đăng luận thích, 52c-53c.




pdf_download_2
Bản PDF
bat-nha-dang-luan-thich
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn