Đà-la-ni và xu hướng xóa tội

12 Tháng Bảy 201815:27(Xem: 6420)
ĐÀ-LA-NI VÀ XU HƯỚNG XÓA TỘI
Thích Nguyên Hùng


blankLuận Đại trí độ cho biết có cả 500 loại đà-la-ni, trong đó có ba loại đà-la-ni cơ bản là Trì đà-la-ni, Phân biệt đà-la-ni và Nhập âm thanh đà-la-ni. Trì đà-la-ni hay Văn trì đà-la-ni là một khi đã nghe hết thảy ngữ ngôn các pháp rồi thì không bao giờ quên mất. 

Khái niệm 

Đà-la-ni, dhāraṇī, dịch ý là tổng trì, năng trì hay năng giá1, chỉ cho một pháp môn tu tập có khả năng duy trì thiện pháp không bị tán thất và ác pháp không sinh khởi. Sau này, vì một lý do nào đó, hầu hết khi nói đến đà-la-ni là chỉ cho các bài thần chú dài (指長咒而言), như Đại bi tâm đà-la-ni, Phật đảnh tôn thắng đà-la-ni; còn các câu thần chú ngắn được gọi là chân ngôn (短句者爲真言), như Vãng sinh quyết định chân ngôn, Thất Phật diệt tội chân ngôn... 

Luận Đại trí độ cho biết có cả 500 loại đà-la-ni, trong đó có ba loại đà-la-ni cơ bản là Trì đà-la-ni, Phân biệt đà-la-ni và Nhập âm thanh đà-la-ni. 

Trì đà-la-ni hay Văn trì đà-la-ni là một khi đã nghe hết thảy ngữ ngôn các pháp rồi thì không bao giờ quên mất. Phân biệt trí đà-la-ni là khả năng phân biệt, hiểu biết hết các loài chúng sinh, các pháp lớn nhỏ, xấu tốt. Nhập âm thanh đà-la-ni là nghe hết thảy âm thanhkhông vui, không giận, không dính mắc, không lay động2

Kinh Bồ-tát trì địa3, quyển 8, luận Du-già sư địa4, quyển 45 lại nêu bốn loại đà-la-ni: Pháp đà-la-ni là khả năng nghe và giữ gìn giáo pháp của Phật không để quên mất. Do nghe mà ghi nhớ không quên nên còn gọi là Văn đà-la-ni. Thứ hai, Nghĩa đà-la-ni, là đối với nghĩa thú của vô lượng các pháp đều có thể nắm giữ tất cả không quên. Thứ ba, Chú thuật đà-la-ni, là Bồ-tát an trú ở trong thiền định khởi sinh ra các chú thuật để tiêu trừ tai họa cho chúng sinh! Và thứ tư, Nhẫn đà-la-ni, là an trú trong thật tướng của các pháp mà nhẫn trì không thối thất. 

Kinh Pháp hoa, phẩm Khuyến phát cũng nêu ba loại đà-la-ni, đó là Toàn đà-la-ni, Bách thiên vạn ức Toàn đà-la-ni và Pháp âm phương tiện đà-la-ni5

Toàn có nghĩa là xoay chuyển. Xoay chuyển cái tâm phàm phu chấp trước giả tướng sai biệt khiến nhập vào tính không bình đẳng. Người trì tụng kinh Pháp hoa sẽ được vô số đà-la-ni như vậy, và đặc biệt là đà-la-ni về nghệ thuật thuyết pháp (pháp âm phương tiện đà-la-ni). 

Phật địa kinh luận6, quyển 5, giải thích đà-la-ni là một pháp ký ức (一種記憶法), là khả năng giữ gìn tổng quát về vô lượng Phật pháp khiến cho không quên mất; ở trong một pháp duy trì tất cả pháp, trong một lời văn bao hàm tất cả lời văn, trong một nghĩa chứa đựng tất cả nghĩa; cho nên chỉ ghi nhớ một pháp, một lời, một nghĩa mà tổng thâu vô lượng Phật pháp

Trong các kinh luận khi đề cập đến đà-la-ni thường có hai xu hướng. Một là xem đà-la-ni như là trí tuệ hoặc tam-muội (指智慧或三昧); tức là lấy trí tuệ làm thể, thâu nhiếp và giữ gìn tất cả các pháp đã nghe, đã quán khiến cho không bị quên mất. Hai là, đà-la-ni chính là chân ngôn, mật ngữ (指真言密語); tức là từng chữ, từng câu của thần chú bao hàm vô lượng nghĩa lý, nếu hành giả thông đạt nó thì trừ được tất cả mọi chướng ngại, đạt được lợi ích rất to lớn. 

Bài viết này chúng tôi xin được xem xét xu hướng thứ hai của các đà-la-ni trong một số kinh điển thuộc truyền thống Bắc truyền mà theo chúng tôi nó có xu hướng xóa bỏ tội lỗi, một xu hướng đề cao thái quá tác dụng của các đà-la-ni, mà thực ra, nếu được dịch nghĩa, các đà-la-ni chứa đựng không nhiều giáo lý nhiệm mầu và thiết thực mà Đức Đạo sư đã dạy. 

Các đà-la-ni và xu hướng xóa tội 

1- Kinh Bi hoa7 

Kinh này chủ yếu tán thán Đức Thích Ca Như Lai thành Phật ở cõi không thanh tịnh (uế độ). Toàn kinh chia thành 6 phẩm. Phẩm thứ nhất Chuyển pháp luân và phẩm thứ hai Đà-la-ni, miêu tả thế giới Liên Hoa của Đức Liên Hoa Tôn Như Lai cư ngụ. Phẩm ba Đại thí, tường thuật sự kiện Bồ-tát Tịch Ý hỏi duyên do Đức Thích Tôn xuất hiệnthế giới đầy dẫy 5 thứ nhiễm ô này, qua đó làm rõ chủ đề của bản kinh, ấy là do Đức Thích Tôn vì lòng từ bi và thệ nguyện đời trước của mình mà xuất hiệnthế giới Ta-bà ô trược. Phẩm này còn tường thuật bổn sanh của chư Phật, Bồ-tát cũng như phép trị thế của vua Vô Tránh Niệm. Phẩm thứ tư, chư Bồ-tát bổn thọ ký, tường thuật việc đại thần Bảo Hải khuyến khích vua Vô Tránh Niệm phát thệ nguyện thành Phậtcõi Tịnh độ; Bảo Tạng Như Lai thọ ký cho Vô Tránh Niệm thành Phật hiệu là Vô Lượng Thọ. Tiếp đó, một ngàn vương tử cũng được thọ ký thành Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, A Súc Phật… Tám mươi người con của Bảo Hải cùng ba ức đệ tử cũng phát tâm Vô thượng Bồ-đề, thệ nguyện thành Phật ở cõi ô trược. Cuối phẩm, Bảo Hải phát khởi 500 thệ nguyện, nguyện thành Phật ở cõi đời ô trược; Bảo Tạng Như Lai tán thán Bảo Hải là vị Bồ-tát có 4 pháp tinh tấn thanh tịnh như hoa sen trắng, nên gọi là Bồ-tát Đại Bi, đồng thời thọ ký cho Bảo Hải thành Phật thế giới Ta-bà hiệu là Thích Ca Như Lai. Phẩm thứ năm, Đàn-ba-la-mật, kể chuyện tiền thân và các hạnh tu trải lòng thương yêu của Bồ-tát Đại Bi. Phẩm thứ sáu, Vào cửa tam-muội, chỉ rõ loại tam-muội mà Đức Thích Ca Như Lai an trú

Theo đó, phẩm thứ hai, Đà-la-ni, ghi chép nhiều câu thần chúcho biết uy lực của nó, đoạn chép: “Nếu bậc Bồ-tát Ma-ha-tát có khả năng tu hành, hiểu rõ tất cả các môn đà-la-ni này thì mọi tội lỗi ngũ nghịch đã gây tạo đều được trừ diệt hết”8

2- Kinh Đà-la-ni tập9 

Theo bài tựa phiên dịch kinh Phật thuyết Đà-la-ni tập, thì kinh này được rút ra từ kinh Kim cang đại đạo tràng, và là một phần nhỏ của Đại minh chú tạng10. Cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy bộ kinh Kim cang đại đạo tràng11, do đó độ khả tín của kinh Đà-la-ni tập là điều đáng bàn, và chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một chuyên đề khác. 

Đà-la-ni tập do A-địa-cù-đa (Atikūṭa) dịch vào đời nhà Đường, gồm 12 quyển, chia thành năm loại là Phật bộ, Bồ-tát bộ, Kim cang bộ, Thiên bộ và Phổ tập hội đàn pháp. Nội dung toàn kinh hầu hết trình bày ấn chú của chư tôn và cách thức kiết ấn, trì chúlợi ích của nó. Trong 12 quyển kinh này thì có đến 8 quyển với 21 lần nói rằng trì tụng thần chú sẽ diệt trừ được bốn tội trọng, năm tội ngũ nghịch… Như nói, “Nếu người nào chí tâm thọ trì, đọc tụng đủ 30 vạn cho đến 70 vạn biến thì diệt trừ được bốn tội trọng, năm tội ngũ nghịch, tội nhất xiển-đề”12; “Tụng ba biến, lễ một lạy. Như vậy ba lần. Hành giả lễ bái hết thảy chư Phật, Bát-nhã Bồ-tát (Prajñā-pāramitā), Kim Cang, Hiền Thánh như vậy sẽ diệt trừ mọi tội lỗi như mười tội ác, bốn tội trọng, năm tội nghịch, cùng hết thảy chướng nạn đều tiêu diệt”13; “Nếu người thiện nam, thiện nữ nào chí tâm kiết ấn, tụng đà-la-ni một biến thì tiêu diệt hết tất cả tội chướng như bốn tội trọng, năm tội nghịch, nhất-xiển-đề trong trăm ngàn vạn ức câu-trí na-do-tha hằng hà sa kiếp”14… 

3- Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni15 

Kinh này là pháp Thiên thủ của Mật giáo, thuộc Tạp bộ. Phần đầu kinh văn tường thuật thệ nguyệnnguyên do nói đà-la-ni đại bi tâm của Bồ-tát Quán Thế Âm. Tiếp theo nói nếu ai tụng chú này sẽ được xa lìa hết mọi khốn khổ như đói khát…, sẽ được 15 điều sinh tốt và thoát khỏi 15 điều chết xấu. Đặc biệt, phần nói về uy lực to lớn của chú Đại bi, kinh này viết: “Nếu chúng sinh nào xâm chiếm cùng hao tổn tài vật và thức ăn nước uống của Thường trụ, dù 1.000 Đức Phật xuất hiệnthế gian thì họ cũng chẳng có cơ hội sám hối. Dù có sám hối thì cũng chẳng diệt trừ. Nhưng nay, khi họ trì tụng Đại bi thần chú, tội ấy liền tiêu tan

“Nếu người nào xâm chiếm cùng hao tổn tài vật và thức ăn nước uống của Thường trụ, họ phải đối với mười phương chư Đạo sư sám hối thì mới diệt trừ. Nhưng nay, khi họ trì tụng chú Đại bi, thì mười phương chư Phật liền đến chứng minh. Hết thảy tội chướng đều sẽ tiêu trừ

“Tất cả nghiệp ác trọng tội, như là mười nghiệp ác, năm tội ngỗ nghịch, nhục mạ người khác, hủy báng Pháp, phạm trai phá giới, hủy hoại chùa tháp, trộm cắp đồ vật của chư Tăng, và làm ô uế người tu tịnh hạnh… hết thảy đều sẽ diệt trừ”16

Nhưng “nếu ai sinh tâm nghi ngờ thần chú này thì dù tội nhỏ, nghiệp nhẹ cũng không thể diệt trừ, huống gì là tội nặng!” (唯除一事,於呪生疑者,乃至小罪輕業,亦不得滅,何況重罪?) 

4- Kinh Nhân vương hộ quốc Bát-nhã Ba-la-mật-đa17 

Bản kinh này có nhiều điểm đáng nghi ngờchúng tôi đã có dịp trình bày trên nguyệt san Giác ngộ. Trong đó điều dễ thấy nhất là sự cố ý đưa thêm yếu tố Mật giáo, các loại bùa chú như thần phù, bích quỷ phù, hộ quốc châu, thiên địa kính… vào trong bản kinh, mà hơn hết là đà-la-ni của Bồ-tát Kim Cang Thủ: “Bạch Thế Tôn! Con có đà-la-ni có thể gia trìủng hộ, là pháp môn tu hành nhanh chóng thành tựu của tất cả chư Phật. Nếu người nào được nghe qua một lần kinh này thì mọi tội chướng đều tiêu diệt”. 

5- Kinh Thiên nhãn thiênQuán Thế Âm Bồ-tát đà-la-ni thần chú18 

Nội dung kinh này nói về pháp ấn chú của Bồ-tát Thiên thủ Quán Âm và cách lập đàn. Trước hết nói về Bồ-tát Quán Thế Âm đem lòng đại bi vì các chúng sinh bạc phước ở 500 năm sau, nói về pháp môn Thiên nhãn thiênQuán Thế Âm đà-la-ni mà Ngài đã thọ trì trong vô lượng kiếp quá khứ; kế đến nêu 12 ấn, như ấn Tổng nhiếp thân... và các pháp tu trì, 13 pháp ấn chú. Đoạn nói: “Nếu người nào trì tụng đà-la-ni này 108 biến thì mọi tội chướng người ấy đã gây tạo, như tội nặng ngũ nghịch… thảy đều tiêu trừ hết, thân khẩu ý nghiệp của người ấy đều được thanh tịnh”19

6- Kinh Phật thuyết diệt trừ ngũ nghịch tội đại đà-la-ni20 

Mật giáo có hẳn một bản kinh được cho là Phật nói để diệt trừ năm tội vô gián. Kinh này do Pháp Hiền dịch thời Triệu Tống và nội dung chỉ có câu thần chú Phật dạy cho A Nan với lời giới thiệu: “Có đại đà-la-ni đầy đủ oai lực lớn, công đức vô lượng, có khả năng diệt trừ năm tội trọng cho chúng sinh. Nếu có người nào nghe qua đà-la-ni này, phát tâm chí thành đến trọn đời thường hay đảnh lễ, thọ trì, đọc tụng thì người đó sẽ được công đức như công đức phụng thờ một ngàn Đức Phật không khác”21

Vài suy nghĩ 

1- Vị trí đà-la-ni trong dòng lịch sử Phật giáo 

Kể trên là 6 trong số hơn 200 kinh có nói đến đà-la-ni, chủ yếu thuộc bộ Mật giáo trong Đại tạng kinh Đại chánh tân tu. Toàn bộ tạng kinh có khoảng 13.871 lần nhắc đến cụm từ đà-la-ni, trong đó riêng Đại bát-nhã ba-la-mật-đa nhắc đến 3.276 lần, tiếp theoĐại phương quảng Phật Hoa nghiêm với 293 lần, nhưng hầu hết đều nói đà-la-ni như là một loại sở đắc của Bồ-tát, chẳng hạn “giữ gìn Chánh pháphạt giống Phật không dứt vì chứng được Thanh tịnh đà-la-ni, thuyết pháp không chướng ngại vì chứng được Nghĩa đà-la-ni, biện tài không cùng tận vì chứng được Pháp đà-la-ni…”22 Riêng Mật giáo bộ có 6.455 lần nhắc đến cụm từ đà-la-ni với ý nghĩathần lực gắn liền với một câu thần chú nào đó. Trong khi đó, đà-la-ni tuyệt nhiên không có trong bốn bộ A-hàm, tức hoàn toàn vắng mặt trong kinh tạng Nguyên thủy

Như vậy, khái niệm đà-la-ni chỉ xuất hiện trong kinh tạng Phật giáo phát triển và chí ít cũng phải 500 năm sau Phật niết-bàn. 

2- Phương pháp tu tập chuyển hóa nghiệp trong kinh tạng A-hàm 

Con người nói riêng, chúng sinh nói chung, đều do nghiệp mà trôi lăn trong ba cõi, sáu đường. Nghiệp thiện thì hưởng quả báo thiện, an vui, hạnh phúc. Nghiệp ác thì nhận quả báo xấu, khổ đau, bất an. Nghiệp do chính chúng sinh tạo nên, bằng lời nói, hành động, suy nghĩtác ý và để lại hậu quả. Do vô minh thúc đẩy, hầu hết chúng sinh đều tạo nghiệp bất thiện. Nghiệp bất thiện nhất là tạo bốn tội trọng, năm tội ngũ nghịch hay không tin nhân quả, không tin Tam bảo (nhất-xiển-đề). Những hành nghiệp này thường dẫn chúng sinh đến những cảnh giới tối tăm, thống khổ nhất. Do đó, một khi ý thức được hậu quả của việc mình làm, ai cũng mong muốn làm sao cho hết tội hoặc bớt tội. 

Kinh Diêm dụ23 cho chúng ta biết con người tạo nghiệp như thế nào thì lãnh thọ quả báo của nó như thế, nhưng nếu có sự tu hành phạm hạnh thì sẽ diệt tận được khổ, tức là nếu tu tập phạm hạnh thì có thể chuyển hóa nghiệp, còn nếu không có sự thực hành phạm hạnh thì không thể diệt tận được khổ. 

Bản kinh cho biết, mỗi chúng sanh đều có thể làm chủ đời sống (hay nói một cách dân gian là số mạng, vận mạng) của mình. Cuộc đời của mình khổ đau hay hạnh phúc đều tùy thuộc vào việc có tu tập pháp lành hay không tu tập pháp lành. Giả sử, trong trường hợp nào đó chúng ta trót đã gây tạo lỗi lầm, như phạm bốn tội trọng, mười bất thiện, nếu không ăn năn sám hối thì chắc chắn phải thọ quả báo xấu ác ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nhưng nếu chúng ta biết ăn năn sám hối thì chỉ chịu chút ít khổ đau trong hiện tại mà thôi. Kinh phân biệt các trường hợp đó, như sau: 

- Người tạo nghiệp bất thiện mà không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, chắc chắn bị đọa địa ngục, giống như đem một lạng muối bỏ vào một chút nước, muối làm cho nước mặn không thể uống được; hoặc như người chủ nuôi dê nghèo hèn, không có thế lực, bị vua quan hay người có thế lực lớn chiếm đoạt dê, người chủ dê nghèo không thể đòi lại được, dù có lạy lục, van xin; hoặc như người nghèo, không có thế lực, thiếu nợ người chủ giàu có, bị chủ bắt trói. 

- Người tạo nghiệp bất thiện mà có tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thì chỉ thọ chút ít quả khổ trong đời hiện tại, như đem chút ít muối bỏ vào sông Hằng, không thể làm cho nước sông Hằng mặn đi không uống được; hoặc như người chủ nuôi dê giàu có, có thế lực, người trộm dê nghèo hèn, tất bị chủ dê bắt trói, đoạt lại dê; hoặc như người có vô lượng tài sảnthế lực rất lớn, dù có mắc nợ thì cũng không bị ai làm khó. 

Rõ ràng, lộ trình tu tập trong Phật giáo nhất định phải đi qua Giới-Định-Tuệ mới có thể chuyển hóa nghiệp lực, chứ không thể nào “tụng chú này một biến”, hay “chỉ nghe qua một lần” mà có thể diệt trừ được vô lượng tội! 

Kinh Hòa-phá24 còn cho chúng ta hiểu rõ hơn về phương pháp tu tập chuyển hóa nghiệp. Theo lời Phật dạy, cho dù trong quá khứ, thân, khẩu, ý của chúng ta hành bất thiện, do vô minh mà sinh ra lậu hoặc, nóng bức, ưu sầu… nhưng bây giờ chúng ta tu tập, diệt trừ vô minh, không gây nghiệp bất thiện, không tạo thêm những nghiệp mới, xả bỏ nghiệp cũ, thì ngay trong hiện tại này liền chứng được cứu cánh, không còn nóng bức, thường trụ không đổi, không còn sinh khởi lậu bất thiện và dẫn đến đời sau nữa! 

Như vậy, then chốt của sự tu tập là phải diệt tận vô minh, không tạo nghiệp bất thiện, xả bỏ nghiệp cũ, không gây nghiệp mới thì chắc chắn được giải thoát. Lẽ nào vừa nghe qua một câu đà-la-ni mà mình không hiểu nghĩa lại có thể diệt tận được vô minh trong nhiều đời nhiều kiếp? 

3- Đà-la-ni là pháp tu niệm 

Nếu đúng nguyên nghĩa của đà-la-ni là tổng trì, thì thực ra đà-la-ni cũng như các môn tu niệm khác, như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng25Hành giả trì tụng một câu thần chú hay đà-la-ni nhằm cột tâm vào đó để tâm thiện không mất, tâm ác không khởi, lậu hoặc không sinh, gọi là tổng trì26. Pháp tu này cũng lấy niệm, định, tuệ làm thể, chứ không phải chỉ tin vào thần lực của từng câu chú được cho là linh thiêng, mầu nhiệm, bí mậtthực ra là do không hiểu được ý nghĩa của nó! 

Lời kết 

Từ thuở xa xưa, trước khi Đức Phật ra đời, trong các bộ Veda, đặc biệt là Atharva-veda, các chân ngôn, mật chú được sử dụng nhằm mục đích trừ tai họa, cầu phước thọ là nghề của Bà-la-môn. Khi Đức Phật ra đời, Ngài xem đó là cách sống tà mạng27! Dẫu vậy, những câu thần chú được trì tụng bằng ngữ điệu đặc thù đã ăn sâu vào lòng người dân Ấn Độ từ lâu đời và có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh, do đó, Phật giáo cũng không thể nào thay thế hoàn toàn tín ngưỡng của chúng sinh. Bằng một cách nào đó, những câu thần chú khẩn luỵ thiên thần đã đi vào văn hiến Phật giáotồn tại dưới nhiều hình thức28

Ngay cả những nước Phật giáo Nam truyền, như Phật giáo Tích Lan, các nhà truyền giáo cũng phải khéo léo lựa chọn những bản kinh Phật có lời cầu chúc, ước nguyện tốt đẹp để làm thành các minh hộ chú (paritta, pirit, tức chú ngữ) để cho tín đồ sử dụng29. Tuy nhiên, những hộ chú này thuần túy là những lời ước nguyện hay những lời ban rải tâm thương yêu với mong muốn cho muôn loài chúng sinh đều được an lạc khi nghe tán thán chân lýTam bảo chứ không hề có xu hướng xóa tội như các đà-la-ni dẫn thượng. Tựu trung, như kinh Nghiệp báo sai biệt30khẳng định: “Nếu người nào tạo tội nặng phải thống thiết tự trách mình, sám hối rồi không tái phạm thì có thể bạt trừ được nghiệp căn bản”. Đây là cách duy nhất làm cho tội chướng tiêu trừ vậy!


 
________________
(1) 陀羅尼, 梵 dhāraṇī, 意譯爲總持、能持、能遮. Xem luận Đại trí độ, quyển 5. 
(2) ĐTK/ĐCTT, T.25, n°. 1509, p. 0096a. 
(3) ĐTK/ĐCTT, T.30, n°.1581. 
(4) ĐTK/ĐCTT, T.30, n°.1579. (5) ĐTK/ĐCTT, T.09, n°.0262, p.61a. 
(6) ĐTK/ĐCTT, T.26, n°.1530. 
(7) ĐTK/ĐCTT, T.03, n°.0157. 
(8) ĐTK/ĐCTT, T.03, n°.0157, p.171a. Nguyên văn: 菩薩摩訶薩若能修行解了一切陀羅尼門,所作五逆重惡之罪悉得除滅. 
(9) ĐTK/ĐCTT, T.18, n°.0901. (10) ĐTK/ĐCTT, T.18, n°.0901, p. 0785b02. (11) Ngoài sự ghi nhận tên gọi của nó trong Tống Cao tăng truyện, Đọc cổ kim thích kinh đồ ký, Khai nguyên thích giáo lục… 
(12) Nguyên văn: 若人至心受持讀誦。滿三十萬遍乃至七十萬遍。滅除四重十惡五逆一闡提罪. 
(13) Nguyên văn: 誦 三 遍 已。頂 禮 一 拜。如 是三度。 如是禮拜者。 禮一切佛般若菩薩金剛賢聖。 滅 除 一 切 十 惡 五 逆 四 重 等 罪。 一切障難皆悉消滅. 
(14) Nguyên văn: 若善男子善女人。 至心作印誦陀羅尼。 隨誦一遍。 百千萬億俱致那由他恒河沙劫。 四 重 五 逆 一 闡 提 罪 一 切 罪 障 悉 皆 消 滅. 
(15) ĐTK/ĐCTT, T.20, n°.1060. 
(16) ĐTK/ĐCTT, T.20, n°.1060, p.0107a19. 
(17) ĐTK/ĐCTT, T.08, n°.0246. 
(18) ĐTK/ĐCTT, T.20, n°.1057a, p.84c. 
(19) Nguyên văn: “當誦此陀羅尼一百八遍。 是人所有一切罪障。 五逆重罪悉皆消滅。 身口意業皆得清淨.” 
(20) ĐTK/ĐCTT, T.21, n°.1399. 
(21) Nguyên văn: 有大陀羅尼具大威力功德無量。 能滅眾生五逆重罪。 若復有人聞是陀羅尼。 發至誠心盡此身命。 常能頂戴受持讀誦。 是人所獲功德。 如持千佛無異. 
(22) ĐTK/ĐCTT, T.09, n°.278, p.0471a11. 
(23) Trung A-hàm, kinh Diêm dụ. Tương đương Pāli: A.III.99. Lonaphala. 
(24) Trung A-hàm, kinh Hòa-phá. Tương đương Pāli: A.IV.195. Vappa. 
(25) Kinh tạng Nikāya, A-hàm liệt kê 40 đề mục thiền chỉ, gồm: 10 đề mục hình tròn (kasiṇa), 10 đề mục tử thi bất tịnh (asubha), 10 đề mục tùy niệm (anussati), 4 đề mục tứ vô lượng tâm (appamaññā), 1 đề mục quán vật thực đáng nhờm (āhāre paṭikkūlasaññā), 1 đề mục phân tích tứ đại (catudhātuvavatthāna), 4 đề mục vô sắc giới (āruppa). 
(26) ĐTK/ĐCTT, T.38, n°. 1775, p. 329a. 
(27) Trường bộ, kinh Kassapa-Sīhanāda. 
(28) Xem Chúc Phú, Vài điều quan ngại khi đọc kinh Kim quang minh
(29) Như kinh Phật lực, kinh Từ bi, kinh Hạnh phúc... 
(30) Tên đầy đủ là Phật vì trưởng giả Thủ-ca nói sự sai biệt của nghiệp báo. ĐTK/ĐCTT, T.01, n°.80. Tương đương Pali M.135
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn