9. Thấy bệnh và “thấy tánh”

05 Tháng Ba 201814:29(Xem: 5302)

NHỤY NGUYÊN

 VŨ ĐIỆU Ý NIỆM
TRONG CƠN ĐAU BẢN THỂ
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2018


Thấy bệnh và “thấy tánh”

 

Đầu đề mạn phép thêm hai từ “thấy Tánh”. Thực tế những người “minh tâm kiến tánh” không bao giờ nói cho ai biết họ đã thấy tánh, trừ phi đó là thiện xảo của thánh nhân mật truyền chánh pháp như trong Kinh đề cập. Thấy bệnh cũng là một cách nói. Thấy bệnh khá dễ, nhất là thời đạicon người chỉ cần soi vào rô bốt liền thấy bệnh; ở đây ý muốn nói thấy nguyên nhân bệnh. Thấy nguyên nhân sanh bệnh thì cắt nguyên nhân là cạn dần mọi bệnh (nhất thiết từ nơi ăn uống sai lầm mà chuyển lại, và trọng yếuchuyển tâm ý cùng hành vi từ bất thiện qua thiện); còn lúc thấy bệnh thường người ta chữa bệnh, thực chất chữa trị hiện tượng/ triệu chứng của [nguyên nhân] bệnh, dĩ nhiên dễ phát sanh bệnh khác, cho đến lúc (do hóa chất trong thuốc điều trị cùng với đường sữa cá thịt sẽ khiến hệ miễn dịch/đề kháng vốn là đội quân tinh nhuệ bảo vệ vận mạng bị suy yếu, ấy là bắt đầu cho chuỗi ngày đau khổ của đời người.

 

Con người từng luân hồi hàng ức kiếp, gây vô số tội. Đời sống hiện đại, không chỉ từ thân khẩu tạo tác trái với pháp tánh, trái với luân lý đạo đức, khiến cơ thể mất cân bằng tâm/ sinh lý dẫn đến bệnh tật, mà còn từ phương diện ý nghiệp. Khoa học lượng tử cho biết mỗi ý niệm đều phóng ra như làn sóng điện, có thể khiến môi trường thiên nhiên, con người, sự vật kết tinh theo tần số của ý niệm đó. Nếu là tích cực, hoàn cảnh sẽ chuyển tốt; nếu là tiêu cực như tham lam, sân giận, ganh ghét, đố kỵ, oán trời trách người, không những khiến chính mình lâm bệnh mà còn làm cho người chung quanh nhuốm theo, tương lai u ám. Đây là lý “vạn vật đồng nhất thể” mà Lão giáo, Ấn Độ giáoPhật giáo nói từ nhiều nghìn năm trước. Người hiện thời thường không tin, cho là mê tín, cho mình giỏi hơn người xưa, vậy thì các bậc vĩ nhân đại diện cho 3 nền văn minh trên là Lão Tử, Krishnamurti, Ramakrishna, Phật Cồ Đàm… đều không bằng mình rồi!

Nguyên nhân gây bệnh chính tự ta chiêu cảm. Sự chiêu cảm nghiệp lực, cội gốc ở tâm. Thế nên dĩ nhiên phải từ tâmtrị liệu, mà chuyển hóa. Trong nhà Phật, sự chuyển này là chuyển Tham Sân Si thành Giới Định Tuệ. Và còn hai điều quan trọng nữa là Mạn và Nghi. Kiêu mạn bất cứ ở lĩnh vực nào kể cả việc hành thiện, đó cũng là độc! Nghi, là hoài nghi lời dạy của Thánh hiền và chư Tổ sư Đại đức. Chúng ta có năm thứ độc ấy trong người, không bệnh mới lạ. Năm độc càng nhẹ, bệnh càng nhẹ. Ai kết hợp với hành trì tâm linh như thiền định hay hành đúng chánh pháp, không tà, không mê, ngay đến bệnh nan y cũng chuyển thành không. Hoặc ít ra bệnh thuyên giảm, thuyên giảm ngay ở ý niệm về bệnh do đó họ không đau khổ và thậm chí an vui sống với bệnh rồi thanh thản nhẹ nhàng ra đi.

Chúng ta do quá chấp thân vật chất, hầu như chẳng màng đến tinh thần tâm linh, sự chữa trị thuần vật lý sẽ dẫn đến những hậu họa. Nếu so sánh với y học hiện đại, việc chữa trị theo phương pháp thực dưỡng xem ra an toàn và gần hơn với đạo lý trời đất; cũng xem như người ta vô tình được chữa trị cả thân lẫn tâm, và điều này cũng hợp với tuyên ngôn của vị Tổ ngành Tây y Hippocrate; ông nói “không có cái bệnh để chữa, mà phải chữa con người bệnh”.

Không thể phủ nhận công lao to lớn của nền y học hiện đại. Nhờ sự phát triển của khoa học, y học đã có máy móc tân tiến, chế thành công nhiều phương thuốc quý phục vụ hiệu quả việc chữa lành rất nhiều chứng bệnh. Tuy nhiên với bệnh nan y, y học vẫn tỏ ra lúng túng.

Không phủ nhận sự phát triển của khoa học với nhiều phát kiến khiến loài người được hưởng lợi về đời sống vật chất (thân), nhưng người ta quên phần tinh thần (tâm), quên thế giới tâm linh nên sự sáng tạo chủ yếu phục vụ vật chất đẩy đến bất lực trước thảm họa. Y học một khi thuần phát triển theo hướng vật lý thì loài người vẫn “tiến lùi”. Một bệnh nhân dẫu gặp thuốc tiên mà không soát lại lỗi lầm sám hối nghiệp chướng, hướng về tâm linh cúi đầu (và ngước đầu) trước vô vàn bí ẩn màu nhiệm thì vẫn là nước đã vào thuyền lại khoanh tay đứng nhìn sự đắm.

*

Thường thì chúng ta không chú ý điều cơ thể cần mà chỉ quan tâm miệng mình muốn ăn gì, khiến cho “bộ máy hoàn thiện” sớm hư hoại. Theo đó thứ miệng đòi hỏi đều đánh đồng là tốt. Người hiểu biết hơn họ sẽ tìm đến loại thực phẩm được chứng nghiệm bổ dưỡng. Đây là thói quen phần nhiều mang tính áp đặt, tra tấn cơ thể. Điều quan trọng trước hết, là mỗi con người cần hiểu cơ chế hoạt động của cơ thể, hiểu giá trị thực phẩm, hiểu những thứ đưa vào cơ thể lợi hại hại như thế nào. Thực tế nếu chỉ kiêng kị đã chữa cơ bản căn bệnh; bởi nguyên lý cao nhất là, cơ thể vốn tự điều hòa, cái chính là chúng ta do ăn uống sai lầm, do thỏa mãn khẩu vị nên không cho cơ thể cơ hội tự điều hòa bệnh tật mà thôi.

Theo y học phương Đông, cơ thể có sự cố là do không điều hòa Âm - Dương. Hiểu thêm về Âm - Dương trong mình sẽ khiến cơ thể khỏe mạnh và đẩy lùi bệnh tật. Rất ngạc nhiên, từ nửa thế kỷ trước Oshawa từng khuyến cáo về tác hại khủng khiếp của đường: “Đường hóa học của kỹ nghệ và thương mại, là thức sát nhân có một không hai trong lịch sử loài người”; “nó chính thật nguồn gốc của sự tai vạ văn minh của kỹ nghệ tân thời”. Và ông còn đưa ra một kết luận quan trọng: “Nguyên nhân chính yếu của ung thư luôn luôn do sự quá thặng Âm ở thức ăn nhiều bánh ngọt, cà phê ngọt và sữa ngọt”. Trước đó một nhóm nghiên cứu ở phương Tây đã phát hiện tai hại của đường song do mức lợi nhuận quá lớn nên thông tin này với nhiều lý do đã không trở thành đáng tin cậy. Ngày nay khoa học cũng thừa nhận mức độ nguy hiểm của đường, trong khi nó ăn sâu vào tiềm thức nhân loại. Đường dưới bất cứ hình thức chế biến nào và cả trong trái cây đều đi ngược lại với phương pháp thực dưỡng bởi nó tạo nước từ các thực phẩm đưa vào cơ thể khiến tế bào trương nở, gây nên mức độ âm nặng, làm cơ sở cho nhiều căn bệnh hiểm nghèo và cả nan y. Hồi ấy Oshawa có thể chưa lường đến những nguyên nhân gây ung thư khác như môi trường ô nhiễm nặng, sóng từ; hay cụ thể hơn là dùng bia rượu vô độ; thuốc lá, thịt nướng - thứ chủ yếu do tác dụng của hóa chất. Xin mở ngoặc, thuốc lá nguyên gốc không quá độc hại như ta nghĩ; người dân tộc đa phần quấn lá thuốc hút từ nhỏ, hút lúc nhàn rỗi cũng như suốt thời gian cuốc rẫy, về già vẫn không sao. Còn thuốc lá đóng gói do sử dụng chất bảo quản và nhiều thứ khác trong quá trình chế biến là tác nhân của bệnh ung thư. Đường và sữa độc hại chính bản chất nó Âm tính. Thống kê gần đây cho thấy, những nước dùng sữa với số lượng nhiều thường có người mắc bệnh loãng xương rất cao. Một tài liệu quan trọng từ bệnh viện trường đại học Johns Hopkins, nằm ở Baltimore, Maryland, nổi tiếng nhất trên thế giới 17 năm liên tiếp được phân loại ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng của các bệnh viện tốt nhất tại Hoa Kỳ, được tác giả Xuân Phong dịch từ bản tiếng Pháp cho hay: Thức ăn của con ung thư là “Đường: Không ăn đường là cắt bỏ một trong những nguồn quan trọng nhất của các tế bào ung thư. Sữa: Làm cho cơ thể sản xuất chất nhầy, đặc biệt là trong đường ruột. Tế bào ung thư ăn chất nhầy. Loại bỏ sữa và thay thế bằng sữa đậu nành, các tế bào ung thư không có gì để ăn, vì vậy nó sẽ yếu và chết”. Tiếp theo danh sách tai hại này là các loại thịt đỏ. Hippocrate đã đưa ra tuyên ngôn: “Thực phẩm là thuốc men. Thuốc men là thực phẩm”.

Nhiều nguồn nghiên cứu khoa học khác cũng đã lột mặt nạ của đường, kẻ thù của tim mạch và các bệnh khác. Những tờ báo uy tín trong nước khái quát: Đường qua tinh chế sẽ loại bỏ hầu hết các chất dinh dưỡng tự nhiên vốn có như vitamin, khoáng chất, đạm, chất xúc tác; ảnh hưởng tuyến tụy và làm cạn kiệt nguồn crom trong cơ thể; làm mất vitamin B, làm cho tóc, xương, máu và răng thiếu canxi; nó lên men trong dạ dày và làm ngưng sự tiết dịch vị, làm ức chế sự tiêu hóa của dạ dày. Bác sĩ Hồ Ngọc Minh (người từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health) viết trong một báo cáo: “Tình trạng “ghiền đường” mà vị ngọt của đường là một loại ma túy nguy hiểm có thể giết người trong thầm lặng”. Một thí nghiệm khác, người ta lấy một trăm cc máu rồi cho vào một muỗng đường, lúc sau thấy toàn bộ hồng cầu trong đó bị diệt! Thế nên khi đường vào cơ thể nó sẽ phá hoại theo cách khác.

Con người hoàn toàn không cần đường (kể cả trong trái cây); đường vốn tự có trong gạo, trong nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc, rau củ. Quan sát cho thấy trẻ em dùng bánh kẹo thường xuyên sẽ “bị sâu ăn răng”; nhiều đứa nguyên hàm răng vẹt mất một nửa, là hệ lụy của đường. Một khi cơ thể không cần mà ta vẫn đưa vào, nó sẽ phải làm việc rất mệt nhọc. Khoa học cảnh báo lúc ta uống sữa ăn thịt sẽ làm máu tăng độ axit, do vậy cơ thể phải rút canxi trong xương để trung hòa; gây bệnh loãng xương. Nếu Dương tính quá nhiều cũng khiến cơ thể mất cân đối, phát bệnh, nhưng thường chúng ta ít tìm hiểu nên bao giờ cũng thu nạp quá nhiều Âm tính. Theo đó, các loại thức ăn thạnh âm cần tránh hoặc chế biết giảm bớt lượng âm bằng bằng lửa và muối.

Bí quyết trường thọ Đông phương, cũng như qua nghiên cứu của khoa học dinh dưỡng hiện đại, ăn thịt động vật là bước thụt lùi trong tư duy nhận thức về nhân sinhvũ trụ quan. Nếu ai áp dụng ăn chay, nói không với đường sữa, những gì dính dáng với đường sữa, hạn chế dùng trái cây, ăn các loại rau có tính dương, uống ít nước, hạn chế tối đa thức ăn làm sẵn, đồ hộp, đồ nướng, đồ xào nhiều dầu mỡ và các thực phẩm vỉa hè đường phố, cộng với ý hướng thiện lành nương vào tâm linh chánh pháp, kiêng sát sanh hại vật hại người, trong chừng một tháng sẽ thấy cơ thể nhẹ nhõm sảng khoái hẳn. Ăn chay không những bản thân, người chung quanh được thiện hưởng mà còn khiến môi trường chung trong sạch. Ăn chay thực dưỡng là minh triết sống. Y học Viễn Đông kết hợp với hành trì tâm linh chính là hiểu cội gốc cơ thể mình do vậy bệnh được chữa ở gốc; đồng nghĩa người đó trở thành bác sĩ cho chính mình. Cách lập luận của Ohsawa rất gần giáo lý “tự nhiên”, “tự do” tuyệt đối của Đức Phật. Ông thường nhắm vào khái niệm “giải thoát”; hay triết thuyết: “Nếu bạn cho ai một phần nhỏ hay lớn tài sản của mình thì điều này không phù hợp với nguyên lý Đông phương của chúng tôi: “cho, rồi cho, rồi cho đến vô cùng”, bởi vì bạn diễn tả cái nguyên tắc của Tây phương: “cho ra rồi lấy lại”… Philip wollen (sinh năm 1950), nguyên là phó chủ tịch của Citibank và cũng là Tổng giám đốc điều hành Citicorp trong một báo cáo đã dẫn ra: “Đại học Cornell và Harvard đã chứng minh lượng thịt lí tưởng nên tiêu thụ để đạt được chế độ ăn khỏe mạnh là hoàn toàn 0!”; “Những tầng đất giữ nước từng mất hàng triệu năm để hình thành nay đang dần cạn kiệt; vậy mà cần đến 50 nghìn lít nước mới có thể sản xuất được một kí thịt bò”. Trong lúc “thịt là một loại thuốc độc mới, nguy hiểm hiểm chết người hơn cả thuốc lá”. “Thịt là nguyên nhân của hàng loạt căn bệnh ung thư và bệnh tim. Liệu họ có thể nêu tên bất kì loại bệnh nào gây ra bởi chế độ ăn chay?”.

Theo tinh thần Đạo Phật, một nguyên nhân nữa của bệnh là do nghiệp lực dẫn nguồn từ tham, sân, si. Nhiều người tham ăn theo bản năng. Đa phần người mập đều muốn ăn nhiều thịt, nhiều trái cây, nhiều đường. Đó là thói quen trượt đà rất khó ghìm cương. Với sân. Khoa học chứng minh, lúc ta sân giận, uất ức, căm thù, các tế bào sẽ mau chóng chuyển đổi từ tốt (khỏe) qua xấu (yếu). Một cơn giận dữ nhiều khi tiết ra lượng độc tố tương đương ta bị rắn độc cắn. Ta không chết là nhờ ý nghĩ không phải rắn cắn, và nhờ cơ thể không chịu áp lực từ ý niệm đó, nó thản nhiên làm việc cật lực để lọc độc tố, nên chúng ta mới sống. Hiểu điều này để chúng ta không thể xem thường cơ chế tự điều hòa của cơ thể. Chúng ta càng không thể xem thường ý niệm tác động trực tiếp đến cơ thể như thế nào. Cơ thể hoàn toàn có thể lọc được độc tố của loài rắn cắn ta, song ý niệm (tâm) sợ hãi đã đánh bại cơ chế vật lý (thân). Trên thực tế có vị sư bị rắn độc cắn, họ điều tâm trở lại bình lặng và do đó thân tự lọc độc hoàn toàn. Ta hãy tưởng đến một người uống rượu quá mức, đến tình trạng tương đương ngộ độc, nhưng họ vẫn thản nhiên nằm ngủ, qua đêm thấy “lành”. Nhưng cũng tình trạng như vậy từ cơn bệnh sinh, ta quá lo âu sợ hãi, nghĩ nếu không đến bệnh viện nhanh sẽ chết; cái ý niệm đó khiến cơn bệnh được khuếch đại lên trăm ngàn lần. Điều này không có gì huyễn hoặc khi ta so sánh với hai người đang nói cười với nhau, chỉ một cơn giận nhân lên gấp trăm lần, đã giết đối phương.

Thí nghiệm nước của tiến sĩ người Nhật Masaru Emoto, ta hòa ái với nước thì nước kết tinh đẹp đẽ như kim cương; ta chửi thì nước kết tinh xấu xí. Cao hơn nữa, lượng tử lực học còn khám phá nước có ký ức, hiểu được ý nghĩ con người. Phật pháp giải thích: không chỉ nước mà hết thảy vật chất đều có ký ức, hiểu ý nghĩ con người, phản ứng và kết tinh theo ý niệm con người phóng ra. Một người đàn ông nước ngoài hết chữa ở bệnh viện, nắm chắc cái chết, đã phát nguyện nghe theo tăng sĩ ở ngôi chùa gần nhà, nhịn đói và cùng họ niệm Phật trong 11 ngày đã chuyển biến phần lớn tế bào ung thư. Trường hợp này được truyền hình quay cặn kẽ suốt ngày đêm. Cư sĩ Lưu Tố Vân ở miền Đông Bắc Trung Quốc mắc chứng Hồng Ban Tánh Lang Sang (Systemic Lupus Erythematosus: Việt dịch là bệnh lao da, được xem là nặng hơn ung thư), là một giáo viên và là quan chức cấp cao, bị bệnh viện trả về “thu vén”; cơ duyên tiếp cận với Phật pháp, bà thâm tín nhân quả, chuyên tâm niệm “A Di Đà Phật”, đã lành hẳn. Cơ thể chúng ta phần nhiều là nước, chính là nằm trong quy luật này, đâu có gì khó hiểu huyền bí. Còn hiểu theo chuyên môn y học, ấy là chữa bệnh bằng sóng; một dạng sóng âm siêu thiện, lọc tâm thông qua việc chấp trì danh hiệu của Đấng Toàn Giác. Trong một cuốn sách Oshawa bàn về thuật trường sinh được dịch qua tiếng Việt năm 1973, viết: “Nhược điểm duy nhất mà tôi có thể khiển trách y học Tây phương là chỗ thiếu mất đức hạnhtinh thần. Họ muốn tìm cho kỳ được những “viên đạn thần” để diệt trừ tất cả những triệu chứng bệnh dù phải hy sinh đức hạnhtinh thần. Với thuốc đương thời và trang bị đầy đủ tất cả kỹ thuật ngoại khoa tối tân, người ta có thể gây ra bất cứ tai hại nào, vi phạm luật thiên nhiên cao quí tức là sự tổ chức và chân khái niệm của vũ trụ”. Thời nay vẫn còn những bộ tộc như Kogi sống trên dãy núi Sierra Nevada, Colombia, khước từ khoa học kỹ thuật, y học hiện đại, họ sống an hòa với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên: ăn thuần rau cỏ, không sát sanh; tuổi thọ trung bình của họ trên 100.

Lúc bệnh lên tiếng, lúc tai ương nạn nghiệp ập đến, là lúc người tu cần phản tỉnh nhìn lại, xem cách ăn uống, thái độ ứng xử ra sao. Bí quyết chữa bệnh của thổ dân người Hawaii là yêu thương bệnh, xin lỗi bệnh, mong bệnh tha thứ, cám ơn bệnh, tĩnh tâm. Người hành trì theo Tịnh độ tông thường niệm hồng danh “A Di Đà Phật” thay cho lời xin lỗi và tạo dựng mối thân tình với bệnh. Cùng với sự chỉnh sửa ăn uốngcông khóa nhất tâm trì niệm, bệnh dần lui. Đó là cách trị bệnh tận gốc. Chữa ngọn thì ngược lại, một khi bệnh nổi lên liền xem đó là kẻ thù, phải mau chóng trừ diệt. Ý niệm và hành động quyết liệt đối đầu đó sẽ khiến tế bào bệnh trỗi dậy mạnh hơn. Khả dĩ trường hợp nếu thuốc có thể khiến ta khỏe lại, cũng nên lưu ý bởi đó chỉ tạm thời dìm bệnh chứ bệnh ấy không mất hoàn toàn, hoặc nó sẽ biến thái thành những loại bệnh khác; chẳng hạn chữa khớp “đớp tim”, hoặc uống thuốc tây trường kỳ thường có đích chung là đau dạ dày và phát nhiều bệnh khác do cơ thể không điều hòa nổi hóa chất tổng hợp trong thuốc. Nhiều người mắc ung thư muốn cầm giữ sự sống nên lạm dụng hóa chất trị liệu, nên nỗi có trường hợp suy sụp trước khi tế bào ung thư tạm thời được phong tỏa. Ung thư, cũng giống như người kiệt sức vẫn phải trèo qua một ngọn núi chất ngất. Chỉ người hy vọng mãnh liệt về sự sống, với nội lực phi thường, họ vượt qua một cách nhẹ nhàng nhờ thực dưỡng. Bỗng nhớ trường hợp đôi vợ chồng ở quê. Người vợ bị ung thư, đã chọn phương pháp dưỡng sinh Ohsawa. Động viên vợ, chồng ăn cùng. Người vợ sau đó lành hẳn và điều bất ngờ là cả hai không dứt được gạo lứt muối mè nữa. Theo Ohsawa: “Những món trường sinh là những thức ăn ngon nhất”. Điều quan trọng lúc ăn mà hầu như ai cũng bỏ qua là nhai kỹ, ngậm miệng nhai ra nước, thấy ngọt mới nuốt. Nhai càng nhiều lần, tuyến nước bọt sẽ hòa quyện như sữa, tạo năng lượng nhờ nội lực tự sinh, miếng cơm trở thành biệt dược. Ohsawa khuyên: “Nếu, vào lúc đầu, bạn không thể tìm thấy hương vị, thì hãy nhai mỗi búng (cơm gạo lứt muối mè) một trăm lần hay hơn. Bạn sẽ thấy nó một cách chắc chắn. Càng nhai, người ta càng thấy ra hương vị đích thực. Tất cả món nào thấy ngon lúc đầu, nhưng trở nên càng lúc càng ít ngon đi khi người ta nhai thì không phải là một món ăn tốt. Tất cả món gì làm tăng cường sức khỏe thì lúc đầu có một hương vị bình thường nhưng trở nên càng lúc càng ngon miễn là cứ nhai và tiếp tục nhai mỗi ngày thì các bạn sẽ không bao giờ mệt mỏi, dẫu cho có ăn món ấy suốt đời. Nếu muốn hiểu hơn lời tôi nói, hãy nhai một miếng thịt một trăm lần, bạn sẽ nhận ra càng nhai càng gớm”. Đây chính là nguyên lý: Tạo điều kiện tốt nhất cho cơ thể tự điều hòa bệnh.

Nguyên lý Tự thực nhận giải Nobel y sinh học 2016: “Các tế bào và protein trong chúng ta có khả năng tái sinh (recycling). Nói cách khác, trong điều kiện thiếu thốn, các protein tự chúng tái sinh để đáp ứng đủ khối lượng protein mà cơ thể cần thiết”. Phát hiện này thực ra quá cũ so với phương pháp thực dưỡng cổ xưa, tuy thời nay sẽ “giúp chúng ta hiểu tại sao trong thời kì đói khát, cơ thể có thể duy trì sự sống một thời gian khá lâu; và tại sao cơ thể chúng ta có thể tự sửa chữa những tổn hại”. Một giáo sư uy tín người Nga bằng việc nhịn ăn dài ngày đã đưa ra kết luận, trong quá trình nhịn, cơ thể sẽ tự ăn những “đồ tồn kho” (như mỡ máu chẳng hạn), và hầu như tất cả mọi chỉ số đều tạm hạ xuống, duy trí tuệ là tăng lên.

Xin điểm thêm về phương pháp Tuyệt thực, gọi đúng hơn là khoa học nhịn đói, sẽ kích thích sự tái tạo sinh lý, dẫn tới việc đổi mới và làm trẻ lại các mô, tế bào và phân tử cùng thành phần hóa học của cả cơ thể, dễ dàng quét sạch mọi độc tốc, a xít, thứ có thể gây bệnh tật. Nhịn mỗi tháng một vài ngày là phương cách khả dĩ thải khỏi cơ thể các mầm bệnh và giữ sự quân bình cho cơ thể. Tiên sinh nói: “Chúng ta tham ăn và thường ăn quá độ, cho nên nhịn ăn là lối thoát duy nhất mở rộng cho mọi người để nhờ đó mà mọi người vào chiêm ngưỡngthưởng thức toàn cảnh nguy nga của thế giới đức tin”. Như có lần Jésus dạy: “Cầu nguyện và nhịn ăn trị nhẹ bệnh nan y nhất”. Bên cạnh đó việc này giúp chúng ta giảm sự tham/chấp đắm vào thức ăn, đặc biệttăng ý chí trong công việc cũng như khiến người tu thêm tinh tấn. Đức Phật luôn khuyên môn đồ mỗi ngày nên chỉ ăn một bữa. Hạnh khổ này rất cần đối với hành giả bất cứ thời nào giúp hướng vào nội tâm, xoay tri giác vào tánh giác lần tìm hạnh phúc đích thực. Cũng có người lấy hạnh phúc từ tài, danh, sắc, thực, thùy. Không hẳn xấu. Nhưng hạnh phúc dựa vào đó, lúc mất đi phía trước có khi là ngõ cụt. Thứ hạnh phúc này chắc chắn bị tước sạch ở bên kia thế giới; còn niềm hạnh phúc có từ hành trì tâm linh sẽ theo ta xuyên được vào mọi cảnh giới. Vẫn nghĩ các vị sư trong núi là khổ hạnh ép xác, chân thật học Phật mới thấy niềm hạnh phúc của họ vô biên (dẫu một ngày chỉ ăn lưng chén cơm, nhiều vị cả tháng trời nhịn, lấy hạnh đó hồi hướng cho chúng sanh bệnh khổ). Ở Vạn Phật Thánh Thành, Hòa thượng Tuyên Hóa nêu ba nguyên tắc cho những ai muốn bước vào; một trong đó là "mỗi ngày chỉ ăn một bữa". Phương pháp nhịn đói một ngày, là tuyệt đối không ăn bất cứ thứ gì kể cả một hạt mè, chỉ uống chút nước trong, nhịn khô thì càng tốt. Sáng hôm sau uống ly nước lọc để làm sạch thành ruột, sau đó ăn chút hồ, cháo, trưa cũng ăn loãng, nhai kỹ, tối ăn bình thường, không no. Do bởi lúc nhịn các chất độc sẽ được tiết ra theo tuyến mồ hôi, nên sau đợt nhịn cần tắm sạch, chúng ta sẽ thấy thân tâm sảng khoái, và nó còn giữ cho cơ thể nhẹ nhàng trong rất nhiều ngày. Với những người bệnh mãn tính thì nhịn từ 5 đến mười ngày; bệnh ung thư thì nhịn dài ngày hơn, có khi hàng tháng. Nhiều người lành bệnh nan y như một phép màu! Nguyên tắc của sự nhịn dài ngày là hoàn toàn không ăn, chỉ uống chút nước ấm; tắm rửa cũng phải có phương pháp riêng. Nhịn mà vẫn ăn trái cây, các loại thực phẩm kiêng, uống sữa, nước chanh, đường, thì cơ thể sẽ dựa vào chút ít đó mà không tiêu năng lượng dư thừa trong cơ thể; chưa nói những thứ ăn kiêng trên toàn là âm tính, có những thứ cực âm. Người nhịn do vậy luôn trong tình trạng bị cơn đói tra tấn; chỉ xét về mặt tinh thần đã bị đánh gục. Nhịn ăn hoàn toàn sẽ khổ nhọc mấy ngày đầu, sau đó cơn đói tự giảm có khi hàng tháng trời; lúc đói dữ dội trở lại tức phải tạm kết thúc đợt nhịn. Trước đây bên phương Tây có một những trung tâm nhịn đói rất hiệu quả, song rồi bị đóng cửa với lý do: nếu theo phương pháp hiện đại, đa phần bó tay thì chẳng sao, (nan y mà!); còn nhịn đói hay thực dưỡng, mười người vào, phần nhiều khỏi bệnh nhưng một vài người không qua khỏi liền bị lên án. Họ cho điều này không khoa học, mà thực tế là khoa học bậc cao. Nghỉ ăn chữa bệnh, cần lưu ý là phải thực hành ở những Trung tâm uy tín, có chuyên gia dày dạn kinh nghiệm hướng dẫn, theo dõi. Hoặc đương sự cần nghiên cứu kỹ, khi nó thành một niềm tin vững chắc và gần như là một xúc tác đam mê rồi mới thực hành, ngừng ăn trên tinh thần tự nguyện vui vẻ; phải tự do tuyệt đối và xem khoảng thời gian đó ta đang thực hành ân huệ dành cho chính cơ thể mình. Ngược lại nếu sự nhịn duy trì trong bực tức, trong nỗi bị tước đoạt miếng ăn sẽ khiến cơ thể kích hoạt các tế bào ứng phó theo chiều hướng xấu. Tôi có anh bạn đồng tu mỗi năm nhịn vài đợt, mỗi đợt ít nhất một tuần, nhờ vậy trẻ khỏe, minh mẫn, an lạc.

Giáo sư Ohsawa từng nhịn ăn 2 tháng và hỏi: Các bạn nhịn được bao ngày?

Chính là nghị lực của người bệnh.

Việc chữa lành nan y thông qua Đông y kể trên ai chưa tìm hiểu nghe có vẻ khôi hài. Cũng như nếu ta nói tôi nhịn đói một vài ngày, họ sẽ bảo "để mà chết à!" Oshawa có lần từng than: “Nếu có một vị Jésus xuất hiệnxã hộidựa vào đức tin, trị nhẹ tất cả các bệnh thì nhất định Ngài sẽ bị bắt, giam cầm và trừng phạt do luật pháp đã bảo vệ y khoa chuyên chế”. Việc khuyên uống vài lít nước một ngày cũng là một ước tính không thực tế. Uống nước nhiều đòi hỏi thận làm việc quá công năng, lại khiến người ta tiểu tiện nhiều lần trong ngày - một dấu hiệu không ổn. Cơ địa mỗi người mỗi khác, tùy trọng lượng, tuổi tác và sức khỏe. Bác sĩ khuyên chúng ta uống nước nhiều và nhất là đối với con bệnh nhằm rửa thận, đào thải vôi và sỏi; theo Tiên sinh, “họ thuộc về giai đoạn thứ hai của trí phán đoán”, và “đó là tâm trạng và sự hiểu biết của những người văn minh”. Mỗi lít máu/nước thận lọc gần hai trăm lần trong ngày; nếu uống trên một lít nước là buộc thận phải làm việc thêm rất mệt nhọc. Giới khoa học khảo nghiệm: hầu như thứ khô khan nào đem ép đều có nước, kể cả cục than, vậy nên thường ta ăn gì cũng quá nhiều nước rồi. Thận đã suy, uống nhiều nước thì kiệt. Kinh nghiệm của ông: mỗi ngày nếu không ăn canh, cơ thể chỉ cần chưa tới 1 lít nước. Đối với người đang trị bệnh nặng thì “hoàn toàn không uống nước và tất cả những gì lỏng (ít nhất trong một hoặc hai tuần, hay nhiều hơn nếu có thể)”.

Nhìn ở quy luật vận hành từ vũ trụ nhân sinh, như có nêu ở trên, bệnh trước hết là do nghiệp chiêu cảm. Bệnh là nghiệp nên nhiều trường hợp dẫu đủ khả năng đến bất cứ bệnh viện tối tân nào vẫn phải nhận lãnh cái chết. Chẳng hạn nghiệp đa dâm tổn thọ mà trong nhà Phật gọi là tà dâm, hiểu ở hai nghĩa, nặng nhất là quan hệ ngoài vợ chồng, điều này cũng như ta tự ngắt bớt thọ mạng (và tài danh lợi dưỡng) của mình nhưng trước hết nó đóng vai trò chính gây những căn bệnh hiểm (một sự chiêu cảm nghiệp tự nhiên); thứ đến là bày trò quá đáng giữa vợ chồng và thực hành ngay trong những ngày đáng phải kiêng như tang gia gỗ chạp hay đặc biệt là vào các ngày lễ trọng liên quan đến chánh tín tâm linh. Một khi đang bệnh, không quán chiếu thân bất tịnh ở những lỗ tiết sự nhơ uế từ cơ thể để tránh vướng sắc dục, là thiêu thân. Đây là yếu tố chính khiến âm dương trong cơ thể lệch chuẩn, còn ở triết lý tối thượng là sự phá hủy nghiêm trọng lý nhân duyên vận hành theo quy luật đạo trời đất trong vũ trụ, quả chiêu cảm rất thảm khốc.

Triết lý y học Đông phương cho rằng, cơ thể có sự cố là do không điều hòa Âm - Dương, tức là tính đến cái “quả” sinh ra từ “nhân” từ những hành vi sai quấy; và như chúng ta đang bàn ở đây là ăn uống sai lầm. Phương pháp thực dưỡng dựa trên dịch lý và thông qua việc nghiên cứu các bộ tộc trường thọ, đối trị với hầu hết các bệnh, được chứng nghiệm trên thế giới nên nhờ đó nhiều người bước ra từ cõi chết. Người bị ung thư xem như chạm tay tới bản án khốc liệt. Nếu ăn gạo lứt muối mè hiệu suất lành rất cao. Ohsawa qua nghiên cứu, chữa bệnh trong hơn 40 năm, đã kết luận: nếu theo đúng thực dưỡng, nan y thuộc hàng dễ chữa, và ông đã chữa lành hẳn cho hàng ngàn bệnh nhân ung thu trên thế giới. Ohsawa rất hiếm khi chữa lần thứ hai cho ai, bởi người bệnh đã qua tay ông sẽ lành hẳn. Điều này chứng minh cho việc những bệnh nhân của ông trong sự kiện bom nguyên tử ở nước Nhật, họ không bị nhiễm phóng xạ trong lúc rất nhiều người quanh đó chết. Hay Tiên sinh cũng từng uống một dạng thuốc độc trước lúc thuyết giảng để minh chứng trước đại chúng về phương pháp tối ưu này, đặc biệt là minh chứng cho sự bình lặng của tâm tạo điều kiện cho thân tự lọc độc.

Chúng ta thử lập sơ đồ cuộc chiến với bệnh, tức giữa “ta” và “địch”: Đường, sữa, thịt cá bổ dưỡng vốn là thức ăn của con ung thư, (xem đó là lương thực của kẻ thù). Tổ Y học phương Tây khẳng định: “Nếu cơ thể không được làm sạch (như nhịn ăn hoàn toàn trong một hoặc nhiều ngày) thì càng cho ăn càng làm hại nó thêm”, nhất là những thực phẩm được chỉ địnhthức ăn chính của loài vi rút mà người bệnh đang mang. Mặt khác, hệ thống miễn dịch (ví như quân đội) sẽ tăng mãnh liệt nhờ ăn gạo lứt muối mè và nhờ cắt các nguồn thực phẩm khác thuộc đường sữa, thuộc động vậtthực vật âm tính. Ngược lại nếu chữa theo cách hiện đại, nhất là đưa hóa chất vào cơ thể, con bệnh được uống sữa, đường, trái cây và ăn thịt cá (tức cung cấp lương thực cho kẻ thù); trong lúc thuốc men và hóa chất vào người hệ miễn dịch dần bị tiêu diệt (quân đội mất hết khả năng chiến đấu). Bệnh thường phát xuất từ sự ăn uống, và hành vi gồm cả thân, khẩu, ý sai lầm (một dạng nhân xấu); nó như nguồn sông tách ra các nhánh (các loại bệnh); nhiều loại thuốc đắt giá hiện thời chỉ chặn nhánh chứ không có khả năng cắt nguồn. Chuyên gia về phương pháp tự chữa bệnh tuyệt thực G. P. Malakhov gọi nó là “nuôi bệnh”; tạm hiểu là dìm vi rút xuống sâu hơn trong tế bào, hoặc loài vi rút đó sẽ chạy qua nhánh sông khác sinh sống. Phương pháp dưỡng sinh gạo lứt + muối mè hay nhịn đói chính là cắt ở nguồn sông, nhờ vậy tất cả mọi nhánh của sông tự cạn.

 

*

 

Chúng ta biết các bậc đạo sư chân tu thường ăn uống rất ít, nom gầy gò nhưng thân tâm luôn sảng khoái, bộ óc mẫn tuệ và đôi mắt sáng ngời. Những tấm gương vĩ đại trong giới tu hành được Phật tử khắp thế giới ngưỡng vọng đều sống quá ư đạm bạc, thường là một ngày một bữa hay nhịn hàng tháng như HT Hư Vân, HT Quảng Khâm, HT Tuyên Hóa, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, HT Tịnh Không… Ở Việt Nam cũng có rất nhiều bậc tôn túc, như HT Thích Thiền Tâm, HT Thích Trí Tịnh,... Có vị Hòa thượng ở chùa Đậu sống đúng như hai bậc đạo sư chứng đạo để lại toàn thân xá lợi là Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường. Tất cả họ đều sống thọ, ngày ngày giảng kinh thuyết pháp lợi lạc cộng đồng. Họ vui với đời sống thanh đạm, lấy đó nâng cao ý lực, và lượng tâm vô biên được trải ra cùng vạn vật.

Không tham chấp sức khỏe, để rồi rơi vào thân kiếnĐức Phật đã cảnh tỉnh. Tuy nhiên nếu thân bệnh sẽ không hoàn thành công việc thường ngày, nhất là rất khó trong thực hành chánh pháp, cầu giải thoát trước khi quá muộn. Người tu luôn biết phòng bệnh song lại không mấy để ý đến bệnh, còn xem bệnh là bạn. Người tu thành tâm sám hối tội chướng, tinh tấn chánh định, nguyện lực cứu độ chúng sanh, họ chẳng những trừ được bệnh nan y mà còn chuyển được cả cảnh giới, đổi uế độ thành tịnh độ. Hiểu cơ thể mình, rồi mới hiểu tha nhânvũ trụ. Khỏe mạnh để tu chứ không phải tu để khỏe mạnh mà hưởng thụ. Không khỏe mạnh, hành giả sẽ không đủ thời gian giành tấm vé lên nước Phật. Nhưng, nếu không bệnh kẻ sơ cơ khó giải ngộ xác thân vốn vô thường hư huyễn, chấp chặt thân kiến, tăng thượng mạn, bám cõi trược, lu mờ con đường giải thoát. Nếu không thấy bệnh hành giả sẽ khó xả bỏ tứ đại trần ai hầu mong thấy tánh. Hiểu vật chất chỉ mới là bước đầu con người có thể hiểu phần tinh thần. Kho báu trong mỗi sinh mệnh chính là Như Lai Tạng, tiếc là mấy ai đủ duyên nhận ra. Một khi thân xác tan theo mây, thức sẽ lôi dẫn chúng ta theo nghiệp mình tạo tác đi đầu thai. Ai tu tập đúng đạo Pháp thì thân dẫu chưa hết bệnh tật nhưng Tâm đã lìa bệnh hoạn, hạnh phúc gì bằng. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn