Chánh kiến - nền tảng đạo đức học Phật giáo

29 Tháng Sáu 201713:51(Xem: 5921)
CHÁNH KIẾN 
NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC HỌC PHẬT GIÁO
Tỳ Kheo Giác Đoan


Đạo đức là một trong những hình thái ý thức của xã hội, gắn liền với một xã hội cụ thể. Chúng là một dòng chảy liên tục từ quá khứ sang hiện tại đến tương lai, và miên viễn sẽ chảy theo dòng thời gian bất tận ấy. Khi nào dòng thời gian dừng trôi thì dòng đạo đức của lối sống, của văn hóa tôn giáo mới chính thức chấm dứt mạng sống của chúng. Chính vì thế, ở thời đại nào, vườn hoa tư tưởng, đạo đức triết học cũng nở rộ với muôn màu, muôn sắc. Tuy nền đạo đức xã hội ngày nay phát triển với sự hỗ trợ của khoa học, phương tiện vật chất nhưng nền đạo đức ấy đã không giải quyết được những tệ nạn, những nỗi khổ đau triền miên của kiếp người một cách tận gốc rễ. Trên bề mặt hình thức, có thể nói nền đạo đức xã hội làm tốt nhiệm vụ của mình, nhưng thật sự chỉ là xoa dịu những nỗi khổ đau một cách tạm thời và vẫn phải chịu sự chi phối bởi những quy luật của tự nhiên, nên C.G. Jung có viết:

 “Chúng ta tự hào là đã ngự trị được thiên nhiên, nhưng chúng ta vẫn là nạn nhân của thiên nhiên bởi vì chúng ta chưa học được cách chế ngự bản thân của chúng taDần dần nhưng chắc chắn, chúng ta tiến đến tai hoạ”.[1]

Đạo đức xã hội dù nỗ lực, vẫn không thể giải quyết rốt ráo được những tệ nạn của cuộc sống. Để góp phần đem lại an lạc cho đời, đạo đức Phật giáo hướng đến giải quyết những nỗi khổ tinh thần, mang lại hạnh phúc cho cõi nhân sinhĐạo đức Phật giáo đã lấy giáo lý Bát Chánh Đạo làm trung tâm cho con đường chuyển hóa những hành vi bất thiện của mình cũng như của xã hội. Trong Bát Chánh ĐạoChánh kiến đóng vai trò quan trọng. Không những thế, Phật giáo còn lấy chi phần này làm trung tâm, hay nói cách khác, Chánh Kiến chính là nền tảng căn bản của đạo đức Phật giáo. Do đó, người viết đã chọn đề tài này làm bài nghiên cứu cho bài thu hoạch của mình. Ở đây người viết chỉ phân tích chi phần Chánh Kiến trong Bát Chánh Đạo, nhằm làm sáng tỏ đạo đức Phật giáo. Với trình độ của Tăng sinh cùng sự hạn chế về thời gian nên người viết không có tham vọng đi sâu vào vấn đề tinh hoa trong đạo đức Phật giáo mà chỉ muốn phân tích ‘Chánh kiến’ để làm nổi bật một vài khía cạnh tư tưởng đạo đức trọng yếu mà thôi.

Đây là một việc làm cần thiết để giúp cho người viết đánh giá được tầm quan trọng của Chánh Kiến trong nền đạo đức học Phật giáo, đồng thờinhận thức vững vàng hơn trong con đường tu tập của mình để chọn lựa hướng đi đúng đắn hơn. Kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ là tài liệu hữu ích cho những người muốn tìm hiểu nghiên cứu đạo đức Phật giáo

I. TỔNG QUAN VỀ CHÁNH KIẾNĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO

Chánh Kiến là cái nhìn chân chánh dưới sự hướng dẫn của Tuệ giác. Và nội dung của Chánh kiến được tìm thấy trong nhiều bài kinh thuộc Trung Bộ Kinh như: Kinh Tất Cả Lậu Hoặc (Sabbāsava Sutta) số 2, Kinh Chánh Tri Kiến (Sammā diṭṭhi Sutta) số 9, Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi (Mahàhatthipadopama Sutta) số 28Kinh Chánh Kiến cũng có mặt trong hệ A-hàm với nội dung tương đương như Kinh 344 ở Tạp A Hàm. Điều này chứng tỏ Chánh kiến có một tầm khá quan trọng trong hệ thống giáo lý của Phật-đà. Nó cũng là đề tài chính, luôn được nhắc đến trong nhiều bài pháp được ghi lại trong Tam Tạng Kinh điển Phật giáo, đều liên hệ đến Thánh quả, cũng như sự chuyển hóa bất thiện pháp. 

1. Khái lược về Chánh kiến

Chánh kiến (Sammā diṭṭhi) có nghĩa là hiểu biết các pháp như chúng thực sự là, chứ không như chúng dường như là. Điều quan trọng, chúng ta phải nhận thức được rằng Chánh kiến trong đạo Phật có một nội hàm đặc biệt, khác hẳn với những gì thường được mọi người gán cho. Trong Phật giáo, Tuệ giác Chánh kiến có khả năng soi chiếu để thấy rõ năm thủ uẩn và hiểu được bản chất thực của nó, điều này có nghĩa là phải hiểu được chính thân và tâm con người. Để hiểu rõ hơn về Chánh kiến, chúng ta cần điểm qua lời dạy của Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) trong Kinh Chánh Tri Kiến:

Này chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri khổ, tuệ tri tập khởi của khổ, tuệ tri đoạn diệt của khổ, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của khổ. Chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đốithành tựu diệu pháp này.”[2]

Hay ở một vài nơi khác, Tôn giả có dạy rằng:

Này chư Hiền, khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiệntuệ tri được căn bổn bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bổn thiện, chư hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đốithành tựu diệu pháp này.” [3]

Như vậy theo Tôn giả Sàriputta, Chánh kiến trước hết là biết rõ về khổ và con đường đưa đến sự đoạn diệt khổ đau, hay nói một cách dễ hiểuphân biệt rõ ràng về những gốc rễ căn nguyên của thiện và bất thiện

2. Khái lược về Đạo đức học Phật giáo

Muốn nắm bắt được đạo đức học Phật giáo là gì, trước hết chúng ta cần tìm hiểu khái niệm ‘đạo đức’. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia thì: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắcquy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ; cũng như tương lai. Chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thốngsức mạnh của dư luận xã hội. Và có nơi cho rằng Đạo đức luôn bao hàm hai lãnh vực, tạm gọi là “cách xử thế đúng mực” và “lẽ chí thiện tận mỹ trong đời”. Qua đó, Đạo đức học có thể được định nghĩa như là một bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu về đức hạnhlẽ sống Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc đời. Nhưng đạo đức xã hội chưa có phương pháp giải quyết triệt để, còn đạo đức Phật giáo trên căn bản cũng giống như đạo đức xã hội nhưng lại có sự hỗ trợ của Tuệ giác. Tuệ giác ấy giúp cho mình biết rõ hơn về quy luật nhân quả nghiệp báo như là một lẽ công bằng, một quy luật khách quan. Đồng thời chúng khuyến thiện triệt để từ trong ý nghĩ cho đến lời nóiviệc làm nhằm tránh nguyên nhân đưa đến khổ đau và mang lại hạnh phúc chân thật cho mình và cho người. 

II. CHÁNH KIẾN VỚI ĐẠO ĐỨC GIẢI THOÁT

1. Chánh Kiến với Giới học

Chánh kiến là cái thấy đúng, cái thấy chân chánh giúp cho chúng ta tìm ra những tiêu chuẩn để có thể biết rằng hành động đó là đúng hay sai, tốt hay xấu..., là một bộ phận của triết học nhằm dựa vào trí tuệthiết lập một sự phân biệt rõ ràng giữa thiện và ác, giữa điều được làm và điều không nên làm, nhằm nêu ra một nguyên tắc tổng quát để đánh giá các hành động.

Tuệ giác rất quan trọng, bởi không có trí tuệ, mình sẽ không biết được con đường nào nên đi và cần thực tập như thế nào. Ví như một người không phân biệt được thiện ác, không thấy rõ được lợi ích của việc hành trì giới luật thì họ đâu có hành trì và cho rằng đó là điều ràng buộc. Tuệ tức là Chánh kiến hay cũng có thể nói là như lý tác ý (Yoniso-manasikàra).[4]  Khi có Chánh kiến tức là Vô si, mình sẽ có được tư duy chân chánh. Chính sự tư duy như lý tác ý này giúp cho mình có được hành động đúng, hành động không gây khổ đau, không tàn hại môi sinh, không gây tác hại cho sự sống muôn loài. Nói cách khác, những hành động này đã vượt qua chướng ngại tham, sân, si. Như thế ta đã thực hiện được chi phần giới chánh ngữ, chánh nghiệpchánh mạng trong Bát chánh đạo. Chính vì Chánh kiến có tầm quan trọng như vậy, Đức Phật đã nhấn mạnh chi phần này đầu tiên trong Bát chánh đạo, một phương hướng giúp cho con người thực hiện nếp sống đạo đức hướng thượng.

Ở mức độ tiên khởi của Chánh kiến, nó chính là Trạch pháp trong Thất giác chi. Yếu tố này giúp con người hiểu được mối tương quan nhân quả thông qua con đường nghe pháp và học pháp. Điều này hàm ý người có Chánh kiến thì đủ khả năng hiểu biết, nhận rõ mười Thiện nghiệp (Kusala kamma) và mười Bất thiện nghiệp (Akusala kamma) qua thân khẩu ý. Thiện nghiệp đem lại quả an vui, đó là những phước báu dẫn đến hạnh phúc đời nầy và đời sau. Do đó, mười thiện nghiệp được gọi là chánh nghiệp. Ngược lại, bất thiện nghiệp đưa đến những quả báo xấu và chúng dẫn đến khổ đau cùng bất hạnh ở đời này và đời sau. Cho nên, chúng được gọi là bất thiện nghiệp. 

a. Chánh kiến giúp hoàn thiện về thân    

Như đã trình bày ở trên, Chánh kiếntuệ tri được bản chất của thiện và bất thiện. Vậy thế nào là bất thiện, thế nào là căn bản của bất thiện, thế nào là thiện, thế nào là căn bản của thiện là những điều mà chúng ta cần được tìm hiểu.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn đối mặt với những công việc cần giải quyết: từ tư duy trí não cho đến nói năng, hành động. Tất cả đều chịu sự chi phối của ý thức và hành động được biểu hiện qua thân hành, khẩu hành cùng ý hành. Kết quả của hành động được đánh giá là thiện hay bất thiện tùy thuộc vào sự tác ý của chủ nhân hành động, nhưng căn bản trên bề mặt thân hành, chúng ta có thể tạm đánh giá qua ba phương diện như trong kinh Chánh Tri Kiến:

Sát sanhbất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện và ngược lại từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện. Đồng thời căn bản của những bất thiện hay thiện pháp này chính là tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si.”[5]

Điều này cho chúng ta thấy chính quan kiến hướng dẫn hành động. Nếu hiểu biết sai lầm, chúng ta sẽ dễ dàng bị lạc lối, dẫn đến những hành động sai lầm và đưa đến khổ đau. Ngược lại, nếu hiểu biết chân chánh thì chúng sẽ đưa đến hành động đúng đắn và có thể hướng con người đến hạnh phúc, giải thoát khổ đau.

Một số nền đạo đức học tôn giáo thuộc Độc thần giáo như Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo không tin vào nhân quả mà chỉ căn cứ vào mệnh lệnh của đấng Thượng Đế với mười điều răn, xuất hiện qua lời mặc khải của Ngài.[6] Trong khi đó, năm giới, mười thiện nghiệp của đạo Phật thì không xuất phát từ sự phán quyết của Đức Thế Tônxuất phát từ nhận thức giác ngộ của đức Thế Tôn. Nhận thức này có được do sự chứng đắc qua con đường thực tập hay qua sự tư duy theo con đường như lý tác ý. Ý thức được rằng sự hạnh phúc do không sát hại mang lại là nhờ vào sự hiểu biết về nhân quả, giữ tâm hồn thanh thản trong cuộc sống nên người ấy biết tránh ác và hành thiện.

Người thông hiểu nhân quả cũng biết rõ rằng chính những hành động thiện ác của họ đã làm cho đời sống họ hạnh phúc hay khổ đau. Người ấy biết rằng nguyên nhân trực tiếp của những dị biệt và bất bình đẳng về sinh trưởng trong cuộc đời này là những nghiệp thiện hoặc ác của mỗi cá nhân trong những kiếp quá khứ hay trong chính kiếp hiện tại này mang lại.[7] Và nhân cách của con người được hình thành chính từ những hành động có tác ý chân chánh hay không chân chánh. Sự tác ý đó giúp cho thân hành của mình được thanh tịnh nhờ vào những việc làm lành, tránh xa mọi công việc đưa đến hại mình, hại người như chú thuật, giết người, cướp của, lường gạt kẻ khác, v.v... Sự tác ý chân chánh sẽ hướng dẫn hành giả sống đúng với chánh pháp, biết lựa chọn những nghề nghiệp mang lại lợi ích, an vui cho mình và cho người. Đó gọi là nghề nghiệp sinh sống chánh đáng của một hành giả thực hành Chánh pháp của Đức Phật.

Khi ý thức được điều này, hành giả sẽ sớm hoàn thiện thân hành của mình - một phần trên con đường hoàn thiện đạo đức giải thoát. Như vậy, khi một người có Chánh kiến, hiểu được vị trí của họ trong vũ trụ huyền nhiệm này và cư xử đúng pháp, người ấy sẽ tiến bộ về phương diện đạo đứctâm linh. Chánh kiến đã mở lối và hướng hành giả đến chứng ngộ Duyên Khởi Tánh và Tứ Đế. Như vậy, Chánh kiến đã đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tu tập Bốn chân lý. Trên cơ sở này, chúng ta có thể nói rằng Chánh kiến đi hàng đầu trong mọi pháp môn. Nhận thức sáng tỏ được vấn đề này còn gọi là Kiến đạoLuận sư Vasubandhu đã nhấn mạnh rằng có thấy được đạo mới có thể tu và đắc đạo được. Ngài đã khẳng định rằng, một hành giả cần phải trải qua ba giai đoạn tu tậpKiến đạo, Tu đạoVô học đạo[8] để bước lên con đường giác ngộ

b. Chánh kiến giúp hoàn thiện về khẩu      

Khi có Chánh kiến, mình sẽ có được tư duy chân chánh và hẳn nhiên là sẽ nói năng đúng phép như được ghi lại trong kinh Chánh Tri Kiến. Ngài Sàriputta nói: Nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩubất thiện, nói phù phiếmbất thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện... nhưng căn bản của chúng vẫn dựa trên nền tảng của tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si”.[9] Lời nói câu hữu với Avijja (vô minh) sẽ đưa hành giả vào ba đường ác. Ngược lại, lời nói chân thật, lời nói hòa hợp lợi mình lợi người, lời nói nhẹ nhàng không thô ác nặng nề, lời nói không thêu dệt phù phiếm sẽ câu hữu với Paññā (trí tuệ) và mang lại an vui hạnh phúc. Ví như có người thóa mạ, buông lời chỉ trích, kết tội vu oan cho người khác, nếu người nghe sanh tâm phiền não, nóng giận thì lập tức ứng xử thiếu bình tĩnh và thiếu chánh kiến. Trong tình huống này, người ấy sẽ có lời qua tiếng lại. Khi sân hận gặp sân hận thì phiền não, thù hận theo đó tiếp diễn và đưa đến hậu quả khôn lường. Thế nhưng, khi chúng ta bình tĩnh suy xét với cái nhìn của Chánh kiến, chúng ta sẽ thấy được đầu mối nguyên nhân dẫn đến bất hòa. Có thể do sự hiểu lầm của người kia hoặc có thể đó là lỗi ở mình để tìm giải pháp tốt nhất giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa. Hơn nữa, trong những tình huống như vậy, chúng ta cần vận dụng Chánh kiến để thấy rằng thân ngũ uẩn này là giả hợp, không có gì là sở hữu của ta thì ngọn lửa sân hận sẽ không phát ra và nếu đã bùng nổ, chúng sẽ chóng tàn và không mang lại nhiều não hại cho người khác. Vì thế mà Chánh kiến diệt trừ được các ảo tưởng, giúp hoàn thiện khẩu hành và nhận chân được thật tướng của các pháp như trăng thoát mây che.

Hơn nữa, khi ngôn ngữ được sử dụng một cách chân chánh thì hành giả có thể giải quyết mọi vấn đề êm đẹp trong hòa ái, mang lại tinh thần đoàn kết, góp phần thiết lập một thế giới đại đồng, hòa bình và thịnh trị ở khắp mọi nơi. Nói cách khác, Chánh kiến trong việc sử dụng ngôn ngữ, lời nói được thiết lập thì sẽ xuất hiện sự cảm thông. Đây cũng chính là Chánh ngữ trong Bát chánh đạo. Khi mình đã ý thức được từng lời nói, lúc nào cũng nói lời hay, lẽ thật mang tính chất xây dựngthương yêu thì làm gì có chuyện đạo đức xã hội băng hoại hay xuống cấp trầm trọng. Do đó, Chánh kiến có một vai trò rất quan trọng trong hệ thống đạo đức Phật giáo cũng như giáo lý của Phật-đà. Chính vì sự hiểu biết chân chánh sẽ đưa đến tư tưởng, lời nói và hành động chân chánh. Nhờ Chánh kiếnchúng ta diệt trừ được ác nghiệp, tinh tấn thực hành thiện pháp để hoàn thiện nhân cách hơn. Đây cũng là điều đạo đức xã hội hướng tới. Thế nhưng, đạo đức xã hội hầu như chỉ dừng lại trên bề mặt điều chỉnh hành vi và chưa thể diệt trừ được tận gốc rễ căn nguyên tham, sân, si cùng sự tiến sâu vào con đường hoàn thiện trong suy tư và ý nghĩ. Chánh kiến của Phật giáo có thể góp phần làm nền tảng cho con đường hoàn thiện tư duyý nghĩ

c. Chánh kiến giúp hoàn thiện về ý nghĩ    

Trong Kinh Pháp Cú kệ số 1 và 2, Đức Thế Tôn đã đề cao vai trò của ý thức như là một vị vua có đủ mọi quyền hành điều binh khiển tướng và mọi thành công hay thất bại đều do sự chỉ huy của vị vua này. Ý nghĩ của chúng ta có đủ quyền uy để dẫn dắt con người đi trên đạo lộ thanh tịnh hay đạo lộ khổ đau. Tất cả những con đường ấy đều tùy thuộc vào sự phân biệt, quyết định của mỗi cá nhân. Vì thế hành giả tu tập theo chánh pháp của Phật thì trước hết phải thanh tịnh hóa ý nghiệp trong từng ý nghĩ, nghĩa là ý không bị tham, sân, si chi phối. Nói cách khác, ý không nghĩ đến những điều ác hại mình, hại người mà phải có những ý nghĩ đem lại lợi ích cho chính mình và mọi người chung quanh, gồm những người thân của mình và xa hơn nữa là xã hội. Đức Như Lai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Như lý tác ý (Yoniso manasikāra) bằng những lời dạy rất rõ ràng:

Như Lai tuyên bố có sự đoạn trừ các lậu hoặc chỉ cho người biết, cho người thấy chớ không cho người không biết, không thấy. Và này các Tỳ-khưu, do biết gì, do thấy gì, Như Lai nói là có đoạn trừ các lậu hoặc, có tác ý chân chánh và có tác ý không chân chánh? Này các Tỳ-khưu, đối với vị nào tác ý không chân chánh, các lậu hoặc chưa sanh sẽ khởi lên, và các lậu hoặc đã sanh càng thêm tăng trưởng; và này các Tỳ-khưu, đối với vị nào có tác ý chân chánh, các lậu hoặc chưa sanh sẽ không khởi lên và các lậu hoặc đã sanh được đoạn trừ.[10]

Chính như lý tác ý hướng dẫn những hành động và làm nhân cho con đường hạnh phúc. Những hành động phát xuất từ nhận thức đúng đắn của như lý tác ý là những hành động xuất phát từ một tâm thức không bị tham, sân, si chế ngự; và do đó, mọi lậu hoặc hay ác nghiệp không có điều kiện để phát triển. Khi hành động với như lý tác ý, chắc chắn hạnh phúc sẽ đến với người hành động cũng như người chịu tác động của những hành động này. Khi có Chánh kiến, hành giả hành động thiện xảo, giới thanh tịnh được hình thành. Sự tốt đẹp của giới thanh tịnh làm nền cho hệ thống đạo đức Phật giáo phát triển. Do đó, Chánh kiến thật sự cần thiết cho chúng ta trên con đường hướng thượng để làm cho tâm ý được thanh tịnh. Chúng ta cần thực tập Chánh kiến để thấy đúng, hiểu rõ về bản chất của cuộc đời vốn là vô thường, giả tạm; cả thân xác lẫn tâm ý đều thay đổi không ngừng. Khi thấy được bản chất ấy, ta sẽ không quá bám víu, chấp chặt vào các sự vật hiện tượng trong thế giới tương đối, trước mọi tình huống cứ bình tĩnh, vui tươithoải mái giải quyết mọi vấn đề. Có như thế thì tinh thần sẽ được cân bằng, giảm bớt những lo âu, căng thẳngĐồng thời Chánh kiến giúp cho mọi người có được những suy tư đúng đắn, chân chính và đây chính là nhân cho định phát sanh. Vậy Chánh kiếnliên hệ gì với tâm định hay không là điều mà chúng ta tiếp tục cần tìm hiểu

2. Chánh Kiến với Định học

Bát Chánh Đạo không phải là tám con đường chân chánh riêng biệt, cũng không phải là con đường chia làm tám giai đoạn nối tiếp nhau từ xa cho đến gần. Bát chánh đạo giống như một sợi thừng do tám sợi tao nhợ se lại với nhau, trong đó Chánh kiến là sợi tao nhợ quan trọng nhất và bảy sợi còn lại đều do Chánh kiến hướng dẫn. Nói cách khác, tác ý chân chánh giúp cho lời nói và hành động của chúng ta cũng chân chánh theo. Đồng thời, tác ý chân chánh còn có tác dụng loại bỏ những tạp niệm, những lo toan trong cuộc sống và giúp cho tinh thần trở nên thanh thản nhẹ nhàng. Đây là một hình thức của tâm định được hình thành. Con đường phát triển định tâm lại dựa trên hai phương diện: dừng lại tất cả những ác nghiệp, vọng tưởngquán chiếu những nguyên nhân tác thành để thấy được bản chất của các pháp. Đây chính là chi phần Chánh định trong Bát chánh đạo

a. Chánh kiến làm nền tảng cho việc đình chỉ ác nghiệp

Như trong Kinh Đoạn Trừ Lậu Hoặc, Đức Phật đã có dạy về phương pháp đoạn trừ những cấu uế mà trong đó chúng ta cần để ý đến hai phương pháp:“Có những lậu hoặc phải được đoạn trừ bằng phòng hộ và có những lậu hoặc phải được đoạn trừ bằng kham nhẫn.[11] Việc phòng hộ sáu căn và kham nhẫn những nghịch cảnhcon đường đưa đến sự đoạn tận phiền não và chỉ người có Chánh kiến mới có khả năng nhận thức như vậy. Với Chánh kiến, sự phòng hộ các căn và nhẫn nhục được thực hành miên mật trong cuộc sống hằng ngày sẽ giúp cho tâm ta trở nên an định hơn. Chính sự phòng hộ cùng kham nhẫn đã đình chỉ mọi ác nghiệp, vọng niệm và giúp cho hành giả nhiếp phục chúng. Sự nhiếp phục ấy đã có sự hỗ tương khá mật thiết giữa Chánh kiếnChánh niệm trong Bát chánh đạo. Cho nên mới nói con đường đình chỉ ác nghiệp này được thực hiện bằng Chánh tri kiến như lời Đức Phật dạy trong Tiểu Bộ Kinh:

Những dòng thác chảy trên đời
Này Ajita, được ngăn chặn là nhờ chánh niệm.
Ta tuyên bố sự chế ngự những bộc lưu
Do tuệ, chúng bị chặn đứng.”[12]

Chánh kiếntác dụng thanh lọc tâm, loại trừ những tư tưởng tham lam, dứt bỏ những ý niệm chia rẽ, hận thù. Cùng với chánh niệmchế ngự, những ác nghiệp sẽ không có cơ hội để phát sanh. Nhờ đó, tâm ý cũng được định tĩnh, an lạc hơn và từ đó thành tựu được năm lực: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Tâm định tĩnh cũng chính là hạnh phúc tối thượngđức Phật thường dạy trong các kinh điển“Không có hạnh phúc nào có thể sánh với sự an bình của tâm trí” hay như trong Kinh Pháp Cú có nói:

“Khó nắm giữ, khinh động
Theo các dục quay cuồng
Lành thay điều phục tâm
Tâm điều an lạc đến.”[13]

Niềm vui, niềm hạnh phúc đạt được trong thiền định sẽ giúp ta phát triển ý thức đạo đức. Khi căn nguyên của nền đạo đức lành mạnh được tìm thấy và khai mở thì tâm sẽ trong sáng, an tịnh, và thuần thục để tạo nên sự toàn bích cho nền tảng đạo đức. Vì vậy đạo đức Phật giáo cũng đồng nghĩa với hạnh phúc giải thoát. Trong Kinh tạng, Đức Phật đã từng khẳng định về nền đạo đức của Phật giáo chính là sự diệt khổ; mà sự diệt khổ ở đây lại là sự giải thoát tối thượng qua con đường Bát chánh đạo. Cho nên tôn giả Sàriputta mới nói: “Chánh kiến như là một ngọn đuốc soi đường, thắp sáng giữa rừng sinh tử vô minh, ai muốn được giải thoát phải bước chân vào hẳn Bát Chánh Đạo của chư Phật, và cửa ngõ đầu tiên mà hành giả phải đi xuyên qua là Chánh kiến”.[14] Bài kinh Chánh tri kiến này đã được Tôn giả Sàriputta phân tích và có thể xem đây là một kiệt tác giáo lý. Ngài xác quyết rằng chính Chánh kiến mới là cái chìa khóa để mở cổng đi vào con đường Thánh đạo và là chi phần vô cùng quan trọng của Bát chánh đạo

b. Chánh kiến làm nền tảng cho sự phát triển tuệ giác

Chánh kiến là cái thấy vượt trên tất cả các cái thấy khác, với cái nhìn Duyên khởi đối với mọi sự vật. Với cái nhìn này, hành giả không rơi vào cái nhìn méo mó sai lệch giữa có và không, giữa thường và đoạn của lối nhìn tà kiến, để có cái nhìn như thực, hoàn toàn khách quan, vượt lên trên mọi vướng mắc hữu lậu, đạt Chánh kiến vô lậu giải thoát. Cái nhìn duyên khởi cũng là cái nhìn sâu vào bản chất của ngã, ngã sởÝ nghĩa cao nhất của Chánh kiến là phương pháp quán như thật về các pháp như chúng đang là.

Khi thấy như thật về quy luật nhân quảhành giả mới nhận thức rõ ràng về sự giả danh của bản ngã, sự vô thường của mọi sự vật và từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn, an tịnh hơn. Khi tâm an tịnh, trong sáng thì rõ ràng không có mặt của bất cứ bất thiện pháp nào. Lúc đó hành giả có khả năng đạt được tuệ giác sâu xa nhất, đó là thấy được tất cả pháp đều vô thườngvô ngã, rằng không có gì đáng để chúng ta bám víu vào. Chính nhờ sự quán chiếu như vậy, hành giả có thể thấy được bản chất của các pháp, dẫn đến tất cả mọi hoài nghi đều tan biến và hành giả sẽ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trong sánglành mạnh hơn.

Phương pháp quán chiếu này được thiết lập trên sự tác ý chơn chánh; mà tác ý chơn chánh có nghĩa là quán bản chất của các pháp thế gianvô thường, khổ nãovô ngã. Nói cách khác, đây là phương pháp quán Tứ Thánh Đế cùng với việc áp dụng Tứ Niệm Xứ để chấm dứt những trạng thái tâm tán loạnsi mê. Con đường này vượt qua khỏi mọi vướng mắc hữu lậu để đạt đến Chánh kiến vô lậu giải thoát, và cũng là đỉnh cao của đạo đức Phật giáo. Chính sự quán chiếu Vipassanā này giúp cho ta thấy rõ được ba loại gốc rễ thiện lành vô tham, vô sân, vô sitác hại của ba căn nguyên bất thiện tham sân si, để từ đó, thoát ra khỏi những trạng thái u tối, bất tịnhsoi sáng dòng tâm thức. Đây là một kinh nghiệm vô cùng kỳ diệu làm chấn động tận bản tâm con người; đồng thời bẻ gãy các kiết sử[15] đã từng trói buộc con người vào vòng luân hồi. Chính thời điểm này, các lậu hoặc được bứng gốc vĩnh viễn. Đức Phật đã nhấn mạnh và khẳng định tầm quan trọng của Chánh kiến trong Kinh Đoạn Trừ Lậu Hoặc nhằm đạt được con đường giải thoát hay hoàn thiện nền đạo đức tối thượng: “Chỉcó sự đoạn trừ lậu hoặc cho người biết và người thấy.[16] 

III. CHÁNH KIẾN LÀM NỀN TẢNG CHO ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO NHẬP THẾ

Đối với thế giới văn minh của chúng ta ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học hiện đại, con người phương Đông lẫn phương Tây dường như ngày càng quan tâm đến đời sống vật chất hơn và hầu như quên đi lãnh vực tinh thần. Do đó, cuộc sống của họ mất cân đối và thậm chí nghiêng về điều bất thiện nhiều hơn. Với cái nhìn tuệ giác của Phật giáo, Chánh kiếnyếu tố rất cơ bản, hay đúng hơn là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống đối với những ai biết hướng tâm về con đường đạo đức. Chính vì vậy, Chánh kiến sẽ giúp cho con người chuyển hóa tâm bất thiện thành đời sống chánh hạnh về thân, chánh hạnh về lời nói, chánh hạnh về ý nghĩcon đường chuyển hóa đó bao hàm mọi lãnh vực trong đời sống nhân sinh.

lãnh vực giáo dục gia đình, học đường, hay bất kỳ một lãnh vực nào khác trong xã hội, những bậc làm cha làm mẹ, hay bất cứ ai cũng cần áp dụng Chánh kiến để có được sự hiểu biết chân chánh. Chính từ đây mới có được những tư duy, hành động tốt đẹp, để chọn cho mình một nghề nghiệp thuần lương cùng một tâm hồn trong sáng và thanh cao, nhằm tạo nên một đời sống tốt đẹp cho chính mình và xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Làm được như vậy, chính họ là những tấm gương tốt nhất cho hàng con cháu, thế hệ trẻ noi theo. Nhờ thực tập Chánh kiến mà họ có được cái nhìn sáng suốt cùng sự cảm thông, biết quan tâm chia sẻ, chăm sóc con cái nhiều hơn; đưa các em vào nếp sống có những sinh hoạt lành mạnh cùng tinh thần minh mẫn. Được như vậy, vấn đề xuống cấp đạo đức của các em ở tuổi vị thành niên nói riêng hay mọi người trong xã hội nói chung sẽ không còn là nỗi lo ngại nữa. Ngược lại, chúng sẽ góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp, lành mạnh, văn minh hiện hữu khắp mọi nơi.

Đây mới chính là nền văn minh đích thực, nền văn minh giúp cho tâm hồn thanh thản, tự tại và làm cho thế giới giàu đẹp hơn. Đã đến lúc mọi người cần phải nhìn lại vấn đề, để đủ can đảm đem Chánh tri kiến nhiệm mầu này vào việc xây dựng cuộc sống, hay nói cách khác là đưa Bát chánh đạo vào chương trình giáo dục nhân sinh. Bằng cách này, con người sẽ thấy được giá trị của hòa bình và an lạc; thấy được tội ác và khổ đau; thấy mình và vạn vật xung quanh cùng tạo nên môi trường sống để biết bảo vệxây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Như vậy, chúng ta đã biết vận dụng Chánh kiến để chuyển hóa tham, sân, si, hận thùích kỷ để kiến tạo một xã hội không còn lo âu, sợ sệt về những khủng hoảng. Nhân loại sẽ sống trong một thế giới bình yên, hạnh phúc và giàu đẹp. Rất nhiều bậc vĩ nhân trên thế giới đã áp dụng giáo lý Chánh kiến trong Bát thánh đạo của Phật-đà làm kim chỉ nam cho đời sống bản thân, cho quốc gia và cho xứ sở của họ để hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Tiêu biểu trong số họ là Đại đế Asoka ở Ấn Độ cách đây hơn 2.200 năm về trước cho đến những nhà khoa học lừng danh nhất thế giới như nhà vật lý Albert Einstein của thế kỷ XX.

Chánh kiến như là một nhu cầu của cuộc sống chứ không phải như là lời cầu nguyện của những tôn giáo độc thần. Chánh kiến soi thấu nguồn tâm cũng giống như mặt trời luôn mang ánh sáng đến cho mọi người. Những người tu theo đạo Phật mà bỏ phần Chánh kiến thì không thể nào đứng vững trong con đường hướng thượng. Có thể nói rằng, nơi nào có Chánh kiến, nơi đó có hạnh phúc. Chánh kiếnhiện thân của trí tuệ và do đó, Chánh kiến đã xuất hiện rất nhiều lần trong 37 phẩm trợ đạo và được xem như là kim chỉ nam để định hướng xã hội hay cho các pháp dẫn đến sự giải thoát khổ đau. Trong Kinh Tương Ưng, Đức Phật có dạy: “Này chư Tỳ-khưu! Tri kiến được đặt đúng hướng, con đường tu tập đặt đúng hướng, đâm thủng vô minh, làm sanh khởi chứng đạt Niết- bàn.[17]

Đến đây chúng ta có thể thấy rằng, đạo đức Phật giáo với sự vận hành của trí tuệ hay như lý tác ý đã thanh lọc thân, tâm và mang lại hạnh phúc bất tận cho cuộc sống. Hạnh phúc ấy được Bát chánh đạo thiết lập qua ý nghĩ, hành động, ngôn ngữ của mình, giúp con người sống trong an vui hòa ái hơn là đổ vỡ, tạo khó khăn cho người khác, cho các loài khác. Vì vậy, Bát chánh đạocăn bản của một nền đạo đức, có thể áp dụng cho tất cả mọi giai tầng trong xã hội chứ không chỉ dành riêng cho hàng xuất gia. Có thể khả quyết rằng, Bát chánh đạo là nền tảng cho con đường xây dựng xã hội, trong đó, chính tuệ giác là nền tảng của đạo đức Phật giáo, là trọng tâm của đời sống phạm hạnh, và là nền móng trên đó lâu đài giải thoát được xây dựng. Để kết thúc vấn đề về sự đóng góp của Chánh kiến cho việc định hướng một nền đạo đức chân thật, người viết xin mượn lời của Giáo sư Rhys Davids, Chủ tịch sáng lập hội Pàli Text Society, như là một lời kết để khẳng định con đường hình thành nên vẻ đẹp và sự thăng hoa của cuộc sống: “Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt của Bát chánh đạoTứ diệu đế của Đức PhậtTôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó”.[18] 

Kết luận

Chúng ta có thể nhận thấy Đạo đức học là một trong những khoa học quan trọng về con người, nó chỉ có thể giúp con người giải quyết các vấn đề liên quan đến cá nhânxã hội nhằm xác định các bổn phận, trách nhiệm, và các vấn đề thiện ác. Đạo đức học còn hướng đến sự tác thành các quy phạm, quy tắc để qua đó con người sẽ tuân thủ nhằm hoàn thiện những điều thiện lành. Mọi giá trị đề cập ở trên chỉ hiện hữu trong phạm vi tương đối của kiếp người. Đối với Đức Phật, vấn đề tôn giáo không phải là siêu hình, mà chính là những vấn đề tâm lý, tri thứctrí tuệVấn đề này được các bậc đại nhân[19] thể hiện và minh chứng qua điều thứ ba trong Bát Đại Nhân GiácAn bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp. Điều này cho thấy Phật giáo luôn đề cao vai trò trí tuệ và lấy đó làm nền tảng cho những nhận thức về sự vật hiện tượng.

Cuộc sống là một tiến trình vận hành không ngừng, trong đó chúng sanh lưu chuyển qua nhiều hình thức sống từ kiếp này sang kiếp khác. Chính vì lẽ đó đạo đức học Phật giáo chỉ nhằm nói về bản chất chiều sâu của nhận thứchành vi cùng những phương pháp thanh lọc tâm. Cách duy nhất để giải quyết những hoài nghi và những vấn đề khúc mắc trong nhận thức tâm thức nhằm chuyển hóa những hành vi bất thiện của chúng ta thành những hành vi thiện lành là phương pháp tự quán chiếu hay nhìn sâu vào nội tâm. Đây là đường lối Đức Phật sử dụng để giáo hóa chư đệ tử của Ngài nhằm giúp hành giả khảo sát tâm lý cũng như phát triển năng lực và phẩm chất nội tâm. Đức Phật dạy: “Chính tự các con phải kiên trì tinh tấnthành tựu giải thoát cho chính mình. Chư Phật chỉ rọi sáng con đường”.[20]

Chính vì thế, Đức Phật đã chọn Chánh kiến làm bước đầu tiên trên con đường tiến tới hạnh phúc. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng con đường Phật giáo không phải là một con đường mơ hồ, con đường của “lời hứa sống tốt” để được ban thưởng hay chỉ là chiếc bánh vẽ, cũng không phải là những giới luật kỳ quặc nào đó mà bắt buộc ta phải tuân giữ nhưng không đem lại lợi ích an vui. Trái lại, con đường của Đức Phật được đặt nền tảng trên sự hiểu biết và trong sự quán sát thực tại rốt ráo. Ngài biết rằng nếu chúng ta chịu mở mắt ra, nhìn lại cuộc đời mình một cách chín chắn, ta sẽ hiểu rằng chính những lựa chọn của ta, sẽ dẫn ta đến hạnh phúc hay bất hạnh. Một khi đã hiểu thấu đáo quy luật này, chúng ta sẽ có những lựa chọn khôn ngoan hơn bởi chúng ta cũng thực sự muốn có được hạnh phúc chân thật.


[1] Jung, Man and His Symbols. (New York: Dell Publishing, 1964), 91; Thích Nữ Hương Nhũ, Vài Nét Về Tâm Lý Học Phổ ThôngTâm Lý Phật Giáo, http://www.vnthuquan.net.

[2] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I - Kinh Chánh Tri Kiến (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 112.

[3] Sđd, tr.116.

[4] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I - Kinh Tất Cả lậu Hoặc (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 24.

[5] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I - Kinh Chánh Tri Kiến (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 112.

[6] Mặc khải hay còn gọi là Thiên khải, có nghĩa là những lời dạy của Thượng Đế, truyền lại cho con người qua một nhân vật nào đó và bắt buộc mọi người phải tin theo.

[7] Tuy là những hành động thuộc kiếp sống hiện tại nhưng suy cho cùng thì những hành động ấy vẫn thuộc về quá khứ so với hiện tại lúc thọ quả diễn ra.

[8] Thích Thiện Siêu, Đại Cương Luận Câu Xá (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2006), 279.

[9] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I - Kinh Chánh Tri Kiến (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 112.

[10] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh- Kinh Đoạn Trừ Lậu Hoặc (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003), 20.

[11] Sđd, 20.

[12] Thích Minh Châu (dịch), Tiểu Bộ Kinh - Kinh Tập (Sutta Nipata) - Chương Năm - Phẩm Con Đường Đến Bờ Bên KiaĐoạn số 1035. Xem Thích Nữ Trí Hải (dịch), Thanh Tịnh Đạo Luận, Tập I - số 18 (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2001), 14.

[13] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú Số 35, http://www.buddhanet.net.

[14] Nguyễn Điều, Cuộc đời Đức Xá-lợi-phất (Sarìputta), http://www.buddhanet.net.

[15] Kiết sử ở đây chỉ cho 10 kiết sử gồm ngũ độn sử: tham, sân, si, mạn, nghi; và ngũ lợi sử: thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến.

[16] Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I - Kinh Đoạn Trừ Lậu Hoặc (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2003), 20.

[17] Xem Tỳ-kheo Chánh Minh, Đường Đến Giác Ngộ: 37 Phẩm Bồ Đề. www.buddhanet.net.

[18] Xem Thích Tâm Quang (dịch), Phật Giáo Dưới Mắt Các Nhà Tri Thức. www.daitangkinhvietnam.org

[19] Đại nhân ở đây chính là những bậc đã giác ngộ giải thoát sanh tử luân hồi như A-la-hán, Bồ-tát, Phật.

[20] Thích Nữ Hương Nhũ, Vài Nét Về Tâm Lý Học Phổ ThôngTâm Lý Phật Giáo. www.vnthuquan.net.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn