Quan Niệm về Như Lai trong Kinh Kim Cương

24 Tháng Năm 201708:26(Xem: 7047)
QUAN NIỆM VỀ NHƯ LAI
TRONG KINH KIM CƯƠNG

Đoàn Văn An *


Kinh Kim Cương, gọi đủ là Kim Cương Bát nhã Ba la mật kinh (Verjracchedika prajnaparamita Sutra), là một trong những cuốn kinh căn bản của Phật giáo Đại thừa; đồng thời, cũng là tác phẩm tiêu biểu thuộc văn hệ Bát Nhã. Như hầu hết các kinh văn Đại thừa khác, nguyên bản tiếng Phạn của kinh Kim Cương được hình thành và xuất hiện tương đối muộn - trong khoảng từ thế kỷ II TCN. đến thế kỷ I SCN - tại vùng Bắc Ấn Độ. Kể từ đó, nó đã nhanh chóng lan toả xuống phía Nam, rồi được truyền sang các vùng và các quốc gia lân cận, như Mông Cổ, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam,...

Xét về nội dung, kinh Kim Cương đã thâu tóm toàn bộ tinh yếu hệ tư tưởng Bát Nhã và được xem là Tập đại thành của hệ thống kinh tạng hết sức đồ sộ này. Ngoài Học thuyết vô trụ và Biện chứng pháp, kinh Kim Cương còn đề cập đến một số nội dung quan trọng khác, như Triết lý hành động, việc xây dựng mẫu người Bồ Tát lý tưởng với tinh thần nhập thế độ sinh..., và đặc biệtquan niệm về Như Lai.

Trong kinh Kim Cương, Như Lai được quan niệm không phải là một con người cụ thể với sắc thân đầy đủ "ba mươi hai tướng quý, tám mươi vẻ đẹp" như ta hằng biết đến, mà đó là khái niệm được dùng để chỉ một thực tại siêu việt mọi tướng trạng - cái mà bản kinh này gọi là "thực tại phi tướng". Nguyên ngữ tiếng Phạn của khái niệm này là Tathagata, dịch sang tiếng Trung Hoa là Như Lai. Kinh Kim Cương định nghĩa về khái niệm này như sau: "Như Lai là một thực tại như thế, không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu" (Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai)(1), hoặc "Như Laichân như của vạn pháp" (Như Lai giả, thị chư pháp như nghĩa"(2). Theo D.T.Suzuki, Như Lai chính là cái Như như của vạn pháp, nó vận hành một cách phổ quát trong các sự vật. Cái Như như này "vốn không được sinh ra và không sinh ra, lúc nào cũng vẫn như thế mà không mất đi cái căn bản tuyệt đối của nó, dù nó hiện diệnhoạt động trong tất cả mọi vật"(3). Với quan niệm này, Như Lai trong kinh Kim Cương mang một sắc thái hoàn toàn mới so với quan niệm Đức Phật quyền năng đã từng tồn tại trong tín ngưỡng dân gian và trong lịch sử Phật giáo Việt Nam từ mấy thế kỷ trước đó.

 Kinh Kim Cương được truyền vào nước ta trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ VII. Trước khi nó xuất hiện, ở Việt Nam đã từng tồn tại một quan niệm về Đức Phật với đầy đủ quyền năng và phép màu, thường hiện thân cứu giúp mỗi khi con người gặp hoạn nạn và luôn đứng về phía dân lành để trừ diệt cái ác. Chính vì vậy, ngay từ buổi đầu du nhập, để phù hợp với tâm lýtín ngưỡng bản địa, Phật giáo Việt Nam đã trải qua quá trình bản địa hoá lâu dài, cả về Phật lý (giáo lý) lẫn Phật điện (tín ngưỡng, thờ phụng). Kết quả của quá trình tích hợp này - giữa tín ngưỡng thờ Phật của Ấn Độtín ngưỡng thờ các vị thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp... của Việt Nam - đã dẫn đến sự ra đời của tín ngưỡng Phật điện. Từ đó, Đức Phật đã được khoác thêm "bộ trang phục" của tín ngưỡng Thần điện Việt Nam, mà biểu tượng trung tâm của nó chính là Phật Bà chùa Dâu trong hệ thống tín ngưỡng Tứ pháp, hoặc hình tượng Bụt thường xuyên xuất hiện trong kho tàng truyện cổ tích của người Việt. Với quan niệm này, Đức Phật không chỉ là hiện thân cho tinh thần từ bi cứu khổ của Phật giáo, mà còn là biểu tượng của quyền năng siêu phàm, của ước vọng Hộ quốc an dân, do các tác giả dân gian xây dựng nên bằng tất cả tâm tư và tình cảm của mình.

Không chỉ trong tín ngưỡng dân gian, ngay các Tăng sĩ trí thức thời bấy giờ cũng đều quan niệm về Đức Phật như vậy. Trong tác phẩm Lý Hoặc Luận, Mâu Tử đã đưa ra định nghĩa về khái niệm Đức Phật: "Phật nghĩa là giác ngộ, nhanh chóng biến hoá, phân tâm tán thể, hoặc còn hoặc mất, hay lớn hay nhỏ, hay tròn hay vuông, hay già hay trẻ, hay ẩn hay rõ, đạp lửa không cháy, đi dao không đứt, gặp bẩn không dơ, mắc tai không hoạ, muốn đi thì bay, ngồi thì toả sáng..."(4). Như vậy, Đức Phật quyền năng là một quan niệm phổ biến của các giới Phật tử Việt Nam trong suốt mấy thế kỷ đầu khi Phật giáo được du nhập vào nước ta. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam coi đây là giai đoạn tư tưởng Phật giáo mang tính quyền năng. Tuy nhiên, về sau, quan niệm trên đã dần bộc lộ những khiếm khuyết do không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứutu tập ngày càng cao của các giới Phật tử, nhất là giới Phật tử trí thức. Sự kiện Sáu lá thư và cuộc tranh luận diễn ra vào giữa thế kỷ V xung quanh vấn đề đó, giữa một bên là hai nhà sư Đạo Cao và Pháp Minh, với một bên là Thái thú Giao châu Lý Miễu, là một minh chứng cho sự bế tắc của hệ tư tưởng Phật giáo quyền năng này(5). Trong các bức thư của mình, Lý Miễu đã đặt ra nhiều vấn đề, mà trọng tâmnghi vấn rằng, tại sao Đức Phật có đầy đủ quyền năng và phép màu như vậy nhưng lại không thấy hiện hình ở đời? Mặc dù cả Đạo Cao lẫn Pháp Minh rất muốn chứng minh với Lý Miễu điều đó, nhưng cách trả lời của họ còn quá khiên cưỡng và chưa thật sự đưa ra được một một giải đáp thoả đáng hay có sức thuyết phục nào.

Rất tiếc là trong bối cảnh đó, kinh Kim Cương vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam. Nếu cả ba vị này chỉ một lần tiếp cận với kinh Kim Cương, cụ thể là với quan niệm về Như Lai trong kinh này, thì những nghi vấn "Sao không thấy Đức Phật hiện hình?" của Lý Miễu đã được đặt ra và hai vị sư kia cũng không phải lao tâm khổ tứ viện dẫn kinh Pháp Hoa và kinh Tịnh Danh để trả lời một cách khiên cưỡng như họ đã làm.

Như Lai có hiện hình hay không, có thể nhìn thấy Như Lai qua ba mươi hai tướng quý hay không ? Đó là những vấn đề đã được kinh Kim Cương nhiều lần đặt ra và giải quyết một cách cặn kẽ. Trong bản kinh này, Đức Phật đã nhiều lần hỏi Tu Bồ Đề rằng: "Này Tu Bồ Đề, ý ông nghĩ sao, có thể dựa vào thân ba mươi hai tướng quý để thấy được Như Lai chăng?". Tu Bồ Đề đáp: "Thưa Đức Thế Tôn không thể, chẳng thể nào dựa vào thân ba mươi hai tướng quý để thấy được Như Lai. Vì sao vậy? Vì Thế Tôn dạy rằng, thân ba mươi hai tướng quý ấy vốn chẳng phải ba mươi hai tướng quý thật, mà chỉ tạm gọi là thân ba mươi hai tướng quý"(6). Và, Đức Phật kết luận: "Nếu ai dựa vào thân tướng để mong thấy Phật, nếu ai nương theo âm thanh để cầu thấy Phật, đó là những người mang ý nghĩ lầm lạc, chẳng bao giờ thấy được Như Lai" (Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai"(7).

Như vậy, quan niệm về Như Lai trong kinh Kim Cương đã có một nội hàm khác hẳn so với những quan niệm về Đức Phật lịch sử hay  Đức Phật quyền năng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bởi vì, Đức Phật lịch sử hay Đức Phật quyền năng bị hạn cuộc trong những thân tướng nhất định, tức là vẫn còn bị quy luật vô thường chi phối, vẫn có sinh có diệt. Ngược lại, Như Lai, theo quan niệm trong kinh Kim Cương, là một thực tại siêu việt mọi tướng trạng, là cái Chân như của vạn pháp, vận hành một cách phổ quát trong mọi sự vật. Kinh Kim Cương cho rằng: "Phàm những gì có hình tướng thẩy đều hư vọng, chỉ khi nào siêu việt khỏi mọi tướng trạng mới thấy được Như Lai" (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai) (8). Theo đó, Như Lai chính là thực tại tối hậu của vạn hữu. Đối với thực tại tối hậu này, ta không thể nhận thức nó như một đối tượng. Chỉ khi nào nắm bắt được cái đồng nhất trong muôn ngàn sai biệt của hiện tượng giới thì khi đó, ta mới thể nhập được cái thực tại tối hậu ấy, tức mới nhận thức được Như Lai.

Nhìn chung, quan niệm về Như Lai trong kinh Kim Cương là một sự bổ sung rất quan trọng đối với lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam trong tiến trình nhận thức Đức Phật. Trong giai đoạn đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Phật tử Việt Nam chỉ biết hướng ra bên ngoài để tìm cầu một Đức Phật nhiệm màu. Sau khi xuất hiệnViệt Nam, kinh Kim Cương đã hướng họ quay vào bên trong để tìm lại Đức Phật của chính mình. Mặc dù hai quan niệm này là biểu hiện của hai cấp độ nhận thức khác nhau về Đức Phật, song chúng không hề triệt tiêu nhau. Trên thực tế, cho đến nay, cả hai quan niệm ấy vẫn cùng tồn tại trong tâm thức Phật tử. Chính sự hợp lưu của hai quan niệm này đã tạo nên một sắc thái mới trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, giúp Phật tử Việt Nam nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về Đức Phật.

 

 

(*) Thạc sĩ triết học, Trường Trung cấp Phật học, tỉnh Thừa Thiên Huế.
(1) Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật kinh. Cưu Ma La Thập dịch. Đại chánh tân tu Đại Tạng kinh, quyển 8, tr.752.
(2) Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật kinh. Sđd., tr.751.
(3) D.T.Suzuki. Nghiên cứu kinh Lăng Già (Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn dịch). Ban giáo dục tăng ni ấn hành, 1992, tr.430
(4) Dân theo: Lê Mạnh Thát. Nghiên cứu về Mâu Tử. Tập II. Tu Thư Vạn Hạnh ấn bản, 1982, tr.443.
(5) Nguyên bản Sáu Lá Thư này đã được GS.Nguyễn Tài Thư dịch và giới thiệu trên Tạp chí Triết học, số 1, 1994, tr.43 - 45.
(6) Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật kinh. Sđd., tr.751.
(7) Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật kinh. Sđd., tr.752.
(8) Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật kinh. Sđd., tr.751. (Tạp chí Triết học, số 2 (153), tháng 2 - 2004)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn