Từ đất vọt lên

24 Tháng Mười 201616:16(Xem: 5589)

TỪ ĐẤT VỌT LÊN
Nguyễn Thế Đăng

 

lotus-flower-thumb5055129Kinh Pháp Hoa thường dùng những thí dụ, nhất là những ẩn dụ, để nói đến diệu pháp, khiến người bình thường dễ tưởng rằng những điều dị thường, thần thoại ấy xảy ra ngoài chúng ta. Chúng ta chỉ thấy chúng thần thoại, huyễn hoặc khi cho rằng đó là những việc xảy ra bên ngoài chúng ta, chẳng liên hệ gì đến chúng ta. Điều cần thiết khi học kinh  là tin được Đức Phật dùng những ẩn dụ ấy  để nói về chính chúng sanh chúng ta, khai thị cho chúng ta ngộ nhập Phật tánh có sẵn nơi mỗi chúng ta.

Khi các Đại Bồ-tát ở các cõi nước phương khác xin Đức Phật cho giữ gìn, đọc tụng, biên chép, cúng dường để truyền bá kinh Pháp Hoa ở cõi Ta-bà này, Đức Phật đã từ chối, “vì cõi Ta-bà của ta tự có sáu vạn hằng hà sa Đại Bồ-tát, sau khi ta diệt độ có thể hộ trì đọc tụng giảng nói kinh này”.

“Lúc Đức Phật nói xong thì thế giới Ta-bà, tam thiên đại thiên quốc độ đất đều rung nứt, ở trong đó có vô lượng ngàn vạn ức Đại Bồ-tát đồng thời vọt ra. Các Bồ-tát ấy thân đều sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng tốt, vô lượng ánh sáng, trước đây ở dưới cõi Ta-bà, cõi đó trụ giữa hư không”. (Phẩm Tùng địa dũng xuất, thứ 15).

“Cõi Ta-bà này tự có sáu vạn hằng hà sa Đại Bồ-tát, thân đều sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng tốt, đồng thời từ dưới đất vọt lên”, ngay tại thế giới này vốn có các Đại Bồ-tát, tức là các con của Phật, do Phật giáo hóa, sanh ra về mặt tâm linh. Các Bồ-tát ấy có Pháp Hoa trong tâm, đã thành tựu Pháp Hoa, cho nên có thể giữ gìn, giảng nói.

Kinh chỉ rõ chỗ từ đó các vị dũng xuất, vọt lên, đó là từ cõi hư không dưới đất của cõi Ta-bà này. Đất này là đất tâm, tâm địa, tức là nền tảng Như Lai tạng, Phật tánh chung cho tất cả chúng sanh và các bậc giác ngộ. Chúng sanh thì đất tâm ấy còn nhiễm ô, chưa được tịnh hóa, còn Đại Bồ-tát thì đã tịnh hóa đất tâm, là tâm không còn ô nhiễm, là tâm Không: “cõi đó trụ giữa hư không”.

Đất tâm hay tâm địa này là nền tảng chung của chúng sanh, thế giới và các bậc giác ngộ, vì thế kinh nói chỉ có một Phật thừa, chỉ có một vị:

Trong cõi Phật mười phương
Chỉ có pháp Nhất thừa
Chỉ một sự thật này
Hai thứ chẳng phải chân.        
 
     (Phẩm Phương tiện, thứ 2)

Nhất thừa ấy chính là Phật thừa:

Dùng thí dụ này
Thuyết một Phật thừa
Các ông có thể
Tin nhận lời này
Tất cả đều sẽ
Được thành Phật đạo

    Phẩm Thí dụ, thứ 3).

Tất cả chỉ có và cùng chung một thừa, một Phật thừa, một vị, một pháp:

Phật bình đẳng nói
Như mưa một vị
Thảy thảy ngôn từ
Diễn nói một pháp.
Ta rưới mưa pháp
Đầy khắp thế gian
Pháp chỉ một vị
Tùy sức tu hành.

(Phẩm Dược thảo dụ, thứ 5).

Nhờ tâm địa này, một thừa, một vị này, nhờ Phật tánh này mà chúng sanh có thể thành Phật:

Muốn cho tất cả chúng
Đồng như ta không khác.

     (Phẩm Phương tiện, thứ 2).

Các Đại Bồ-tát đã thành tựu vọt lên mạnh mẽ (dũng xuất) từ nền tảng Phật tánh này:

“Các Đại Bồ-tát từ lúc dưới đất vọt lên, dùng các cách tán thán của Bồ-tát mà tán thán Phật và Đa Bảo Như Lai, thời gian ấy trải qua năm mươi tiểu kiếp mà do thần lực Phật khiến đại chúng thấy như là nửa ngày. Bấy giờ bốn chúng cũng nhờ thần lực Phật, thấy các Bồ-tát đầy khắp vô lượng trăm ngàn vạn ức cõi nước hư không”.

Đất rung nứt và các Đại Bồ-tát từ đất vọt lên (tùng địa dũng xuất), sự việc này khiến ranh giới phân chia chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối sụp đổ, cảnh giới giác ngộ và cảnh giới sanh tử hòa nhập với nhau. Trong đó không gian và thời gian  trở thành vô ngại, nghĩa là giải thoát, một là nhiều, nhiều là một.

Các Đại Bồ-tát từ đất vọt lên như thế thật hoàn hảo, đó là những Bồ-tát đã chứng Pháp thân, gọi là Pháp thân Bồ-tát. Đức Phật xác nhận các Bồ-tát ấy “…thường được ta giáo hóa, và cũng từng ở nơi chư Phật quá khứ cung kính tôn trọng trồng các thiện căn. Bấy giờ Bồ-tát Di-lặc và tám ngàn hằng sa các Bồ-tát đều nghĩ rằng: ‘Chúng ta từ xưa đến nay chẳng thấy chẳng nghe các chúng Đại Bồ-tát như thế, từ đất vọt lên, đứng trước Thế Tôn, chắp tay cúng dường, thăm hỏi Như Lai’.”.

Tại sao Đức Phật mới ở đời có mấy mươi năm mà các đệ tử đã thành Đại Bồ-tát từ lâu như thế? Thế Tôn thành Phật “mới hơn bốn mươi năm”, làm sao mà có thể giáo hóa vô lượng chúng Bồ-tát đã thành Bồ-tát Pháp thân từ lâu như thế? Tại sao có hiện tượng “cha trẻ con già” như vậy?

Câu hỏi đó đã được Đức Phật giải đáp trong phẩm tiếp theo, phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16. “Từ ta thành Phật tới nay lâu hơn số kiếp nhiều như hạt bụi của tất cả vũ trụ này, lâu hơn số kiếp đó trăm ngàn muôn ức vô số vô số kiếp”. (Phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16). Thọ lượng của Như Lai là vô lượng vô biên, vì đó là Pháp thân không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch vậy.

Cha trẻ là người cha mà mọi người đang thấy trước mắt đây, đó là Hóa thân Phật của Pháp thân Phật, là Đức Thích-ca Mâu-ni lịch sử. Nhưng thật ra thọ lượng và giác ngộ của Phật đã từ rất lâu xa, thọ lượng và giác ngộ ấy là Pháp thân Phật. Như vậy, sự giáo hóa của Phật pháp thân đối với các vị Bồ-tát pháp thân từ đất vọt lên cũng đã có từ rất lâu.

Pháp thân Phật hay Như Lai thọ lượng hay Phật tánh không thời gian nào không có, không không gian nào không có. Thế nên Pháp thân Phật giáo hóa trong tất cả thời gian tất cả không gian:

Nhân tâm kia mến mộ
Bèn xuất hiện nói pháp
Lực thần thông như vậy
Ở nơi vô số kiếp
Thường tại núi Linh Thứu
Và các trụ xứ khác.

      (Phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16).

Những Đại Bồ-tát từ dưới đất vọt lên chính là những Hóa thân, những đứa con, của Pháp thân, tức là cha. Những Hóa thân ấy chính là những hoạt động của Pháp thân nơi cõi Ta-bà này, bởi thế bốn Đại Bồ-tát đứng đầu đều có tên là Hạnh, nghĩa là hành động, hoạt động. Bốn vị ấy là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh và An Lập Hạnh.

Nói cách khác, các Đại Bồ-tát Pháp thân từ đất vọt lên ấy là Dụng và Pháp thân Phật tánh là Thể. “Chúng Đại Bồ-tát số đông bằng số cát của sáu muôn sông Hằng, và mỗi Đại Bồ-tát có sáu muôn số cát sông Hằng làm quyến thuộc”. Cái dụng ấy có sáu muôn vô số, tức là vô số hoạt động của sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Với một bậc giác ngộ tức là hoàn toàn ở trong Pháp thân, thì sáu căn là cái dụng, là Hóa thân thanh tịnh của Pháp thân vốn thanh tịnh. Với vị ấy tâm địa là Pháp thân Phật tánh, và các con Bồ-tát từ dưới đất vọt lên, tức sáu căn, là các hoạt động thanh tịnh của Phật tánh để giữ gìn giảng nói kinh Pháp Hoa ở đời này.

Hiện giờ chúng ta cũng có Phật tánh ấy. Nhưng ở nơi chúng ta, Phật tánh bị che mờ vì nhiễm ô, ràng buộc (Như Lai tạng tại triền). Tất cả Phật giáo là để giải thoát khỏi mọi nhiễm ô, ràng buộc này (Như Lai tạng xuất triền). Thế nên, chúng ta phải tịnh hóa mọi nhiễm ô ràng buộc ở cả cha và con bằng những thực hành để Phật tánh hiển lộ. Các che chướng được loại bỏ đến đâu, Phật tánh hiển lộ đến đó, và các diệu dụng, tức các căn thanh tịnh, hiển bày đến đó. Nếu không, những tùng địa dũng xuất từ đất vọt lên của chúng ta chỉ là những phiền não làm nhiễm ô đời sống.

Tịnh hóa được đến một lúc nào, chúng ta sẽ thấy trực tiếp thế gian này là sự tùng địa dũng xuất của Phật tánh, là những đứa con Hóa thân thanh tịnh của cha Pháp thân thanh tịnh. Thế gian là sự tùng địa dũng xuất thanh tịnh của Phật tánh; nói cách khác, thế gian là sự hiển bày thanh tịnh của Phật tánh.

Như thế là kinh Pháp Hoa được “hộ trì, đọc tụng, giảng nói” ở đời.      

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 252

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn