Đại thừa phương tiện

10 Tháng Sáu 201608:09(Xem: 5028)

ĐẠI THỪA PHƯƠNG TIỆN
Chân Hiền Tâm

duc_phat_thich_ca“Trên cầu Phật đạo. Dưới hóa độ chúng sinh” là việc mà một người phát tâm bồ-đề phải thực hiện. Phật đạo không ngoài tâm. Chỉ cần ngay tâm nhận lại, sống được thì đầy đủ trí tuệ và đức tướng của Như Lai. Nhưng vì trôi lăn từ vô thủy kiếp, vô minh che lấp, tập nghiệp sâu dày, chúng sinh trong tâm đã thành chúng sinh ngoài tâm, nên cần ba a-tăng-kỳ kiếp để hoàn thành Phật đạo.

Vì không thể ngay đó trực nhập, vì đã có không gian và thời gian, nên không thể không có phương tiện đi đến quả vị tối cùng. Trong kinh Đại Bửu Tích quyển VI, phẩm Đại thừa phương tiện,[1] ngài Trí Thắng đã hỏi Phật về nghĩa phương tiện. Phật đã dùng ví dụ để nêu rõ nghĩa đó. Phần phương tiện này chú trọng đến việc lợi ích cho tha nhân nhưng góp phần thành tựu tự lợi. Nó là dụng của chân thể thanh tịnh


1/ Phương tiện bố thí cúng dường

. Phương tiện dễ thực hiện nhất của Bồ-tát là bố thí cho chúng sinh và cúng dường chư Phật. Trong kinh đức Phật nói chỉ cần một vắt cơm đã có thể làm việc bố thí. Bố thí cho đến cả loài súc sinh. Bố thí rồi, nguyện cầu tất cả chúng sinh đều được Nhất thiết trí, hồi hướng Đạo quả vô thượng. Khi cúng dường hương hoa cho Phật, nguyện hồi hướng “nhân thiện căn này mà tất cả đều được vô lượng giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến”. Đây gọi là Bồ-tát hành phương tiện.  

. Với người bố thí thì sinh lòng hoan hỉ, rồi mang căn lành tùy hỉ này hồi hướng để tất cả được Đạo quả vô thượng, không lìa tâm Nhất thiết trí. Đây gọi là Bồ-tát hành phương tiện.  

. Dù vật thực bố thí cúng dường không nhiều cũng không lấy đó làm hổ thẹn, vì hiểu rằng bố thí với tâm tăng thượng quảng đại[2] hơn hẳn việc bố thí chỉ để tìm phước báu ở thế gian. Vì thế dù bố thí vật thực đến trăm ngàn cũng không bằng bố thí vật thực ít mà với tâm hồi hướng Nhất thiết trí v.v… Đây gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

. Vì tất cả chư Phật đồng một pháp giới, một pháp thân, một giới định tuệ v.v… nên khi cúng dường, kính lễ, tán thán, tôn trọng một đức Phật mà biết chính là đang cúng dường, kính lễ, tán thán, tôn trọng tất cả chư Phật, gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

. Nếu hành bố thí mà đầy đủ sáu Ba-la-mật thì gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Thế nào là bố thí mà đầy đủ sáu Ba-la-mật?

Thấy người xin, Bồ-tát trừ lòng xan tham, đầy đủ đại thí xả, gọi là Bố thí Ba-la-mật.

Bồ-tát tự trì giới rồi mang công đức đó hồi hướng để người giữ giới, gọi là “trì giới thí người giữ giới”[3]. Với người phá giới, khuyên họ trì giới rồi sau mới cấp thí, gọi là Trì giới Ba-la-mật.

Bồ-tát tự trừ sân nhuế, vì chúng sinh mà bình đẳng bố thí với tâm không sân nhuế, gọi là Nhẫn nhục Ba-la-mật.

Bồ-tát bố thí ẩm thực thuốc thang đầy đủ và tức thì, thân tâm tinh tấn trong các oai nghi, gọi là Tinh tấn Ba-la-mật.

Bồ-tát bố thí rồi, tâm an định vui vẻ, chuyên niệm bất loạn, gọi là Thiền định Ba-la-mật.

Bồ-tát bố thí rồi, thấy người thí, vật thí và người được bố thí, tánh vốn không, gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Bố thí như vậy gọi là Bố-thí đầy đủ Ba-la-mật.

Do sức phương tiện như vậy, nên khi hành bố thí là nhiếp tất cả Phật pháp và các chúng sinh. Vì thế, dù hành chút ít bố thí mà được phước đức vô lượng vô biên a-tăng-kỳ. Do đó, đại Bồ-tát dù được địa vị Bất thối chuyển rồi, vẫn dùng phương tiện thực hành bố thí. Đây gọi là đại Bồ-tát hành phương tiện.            


2/ Phương tiện chịu khổ thế cho chúng sinh

Thấy chúng sinh thọ báo vui thì nguyện họ được vui cái vui Nhất thiết trí. Đó là Bồ-tát hành phương tiện.

Thấy chúng sinh khổ thì nguyện vì họ lãnh chịu khổ đó, rồi mang căn lành ấy hồi hướng để tất cả đều được Đạo vô thượng, gọi là Bồ-tát hành phương tiện.


3/ Phương tiện bình thản với lợi danh

Bồ-tát thấy hàng Thanh văn Duyên giác được nhiều lợi dưỡng hay tôn trọng và tán thán, cũng không lấy làm buồn vì hiểu nhân Bồ-tát mới có Như Lai, nhân Như Lai mới có Thanh văn Duyên Giác. Như vậy, dù thấy hàng Nhị thừa được lợi dưỡng, tán thán, tôn kính cũng không sinh lòng hy vọng. Nhờ tâm không hy vọng này mà Bồ-tát có thể làm những việc khó làm, làm những việc không dính gì đến lợi dưỡng, tôn trọng và tán thán, miễn mang lại lợi ích cho chúng sinh. Đây gọi là Bồ-tát hành phương tiện.


4/ Phương tiện vững tâm đối với sinh tử

Nếu có người bảo: “Hãy sớm nhập niết bàn, chớ luyến tiếc nơi sinh tử” mà Bồ-tát biết đó là lời của ác tri thức, người này làm lưu nạn mình, cần phải xa lìa, và thường suy nghĩ: “Ta đã phát đại thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sinh, nay nếu không ở trong sinh tử thì làm sao có thể giáo hóa vô lượng chúng sinh”, thì đó là Bồ-tát hành phương tiện.


5/ Phương tiện đồng với sở dục của chúng sinh

. Bồ-tát làm bất cứ việc gì, dù là chung cùng với Thanh văn Duyên giác, hay chung cùng với chúng sinh tham ái v.v… nếu tất cả đều hướng nguyện cho Đạo quả vô thượng thì gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Như tôn giả Anan bạch Phật rằng:

- Sáng nay con vào thành Xá-vệ thứ lớp khất thực, thấy Bồ-tát Chúng Tôn Vương ngồi cùng giường với một nữ nhân.

Anan vừa nói xong thì đại địa chấn động theo sáu cách. Bồ-tát Chúng Tôn Vương bay lên hư không và nói:

- Này Tôn giả! Có ai phạm tội mà có thể trụ ở hư không chăng?

Tôn giả Anan ưu sầu, hướng về Phật sám hối.

Phật dạy:

- Nầy Anan! Chớ tìm cầu lỗi nơi bậc đại sĩ Đại thừa. Hàng Thanh văn các ông đối với chỗ chướng nạn, hành cái định tịch diệt, dứt tất cả các kiết sử, không có lưu nạn. Còn hàng Bồ-tát hành phương tiện, thành tựu tâm Nhất thiết trí[4], dù ở trong cung vui đùa với thể nữ mà chẳng khởi ma sự và các lưu nạn, sẽ được Bồ-đề vô thượng. Nầy Anan! Bồ-tát hành phương tiện không bao giờ ở nơi chúng sinh thọ lạc như vậy mà chẳng đem Tam bảo hoặc Bồ-đề vô thượng ra giáo hóa họ.

Phật dạy tiếp:

- Nầy Anan! Nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào đã được tâm Nhứt thiết trí, nếu thấy ngũ dục đáng yêu mà ở trong đó cùng chung thọ lạc, thì ông nên biết Bồ-tát như vậy có thể thành tựu căn bản Như Lai.

Sau đó đức Phật thuật lại nhân duyên vì sao Bồ-tát Chúng Tôn Vương ngồi cùng giường với nữ nhân. Vì nữ nhân ấy đã từng có năm trăm kiếp làm vợ của Chúng Tôn Vương. Do nhân duyên đó, nên vừa thấy Chúng Tôn Vương, nàng liền khởi tâm yêu thương ràng buộc. Nhưng Chúng Tôn Vương do lực trì giới nên oai đức nghiêm chánh. Nàng ấy đành ngồi riêng một mình và ao ước: “Nếu Chúng Tôn Vương có thể ngồi chung giường với tôi thì tôi sẽ phát tâm Bồ-đề”.

Do thấy được tâm niệm đó mà Chúng Tôn Vương đến ngồi cùng giường, nắm tay nàng và nói kệ:

Đức Phật chẳng ngợi khen
Hàng phàm phu hành dục
Ly dục ly tham ái

Mới thành thầy trời người.

Nghe kệ xong, nàng vui mừng hớn hở, liền đứng dậy quỳ dưới chân Chúng Tôn Vương lễ lạy, rồi nói kệ:

Tôi chẳng tham ái dục
Tham dục bị Phật quở
Ly dục ly tham ái
Mới thành thầy trời người

Nói kệ rồi, liền phát tâm Bồ-đề muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Khi nữ nhân phát tâm Bồ-đề xong, Chúng Tôn Vương liền rời đi.

Kể xong câu chuyện, Phật nói: “Nầy Anan! Nên biết, Bồ-tát hành phương tiện thu nhiếp quyến thuộc thì chẳng đọa vào ba đường dữ”. Cũng dạy: “Do bi nguyện mà không bỏ sót một chúng sinh nào, nên Bồ-tát dù thọ ngũ dục mà chẳng phạm trọng tội, được lìa các tội, và xa tất cả các nghiệp khiến đọa ác đạo”.

 

Phật kề một câu chuyện khác.

Phật, trong một kiếp làm Phạm chí, có tên là Thọ Đề. Thọ Đề, suốt bốn mươi hai ức năm trong rừng vắng thường tu phạm hạnh. Qua năm đó vào thành Cực Lạc gặp một nữ nhân. Nữ nhân gặp Thọ Đề liền sinh tâm thương yêu, quỳ dưới chân Thọ Đề muốn cầu đời sống gia đình. Thọ Đề suy nghĩ “Việc này chẳng phải pháp của ta, chẳng phải thời của ta. Ta đã 42 ức năm tu tịnh hạnh, nay sao lại hủy hoại?”. Nghĩ rồi liền bỏ đi. Nữ nhân nói: “Nếu không được như ý, tôi sẽ hoại thân mạng này”.

Đi được bảy bước, Phạm chí sinh lòng thương xót, suy nghĩ như vầy: “Ta dù phạm giới bị đọa ác đạo, vẫn có thể chịu được cái khổ của địa ngục. Không nên để nàng vì ta mà chết”. Nghĩ rồi, liền trở lại chấp nhận ý nguyện của nữ nhân. Sau mười hai năm cùng nữ nhân ấy làm chồng vợ, Thọ Đề xuất gia, liền đủ Tứ vô lượng tâm, mạng chung sinh lên cõi Phạm thiên.

Kể xong, Phật kết luận: “Nữ nhân ấy chính là nàng Cù Di bây giờ. Ta khi ấy vì khởi tâm đại bi đáp ứng lòng dục của nữ nhân kia mà siêu việt được khổ sinh tử trăm vạn kiếp”. Cũng nói: “Các chúng sinh khác vì ái dục mà đọa địa ngục, còn Bồ-tát vì hành phương tiện nên sinh Phạm thiên”.              

Bồ-tát hành phương tiện giáo hóa chúng sinh, tùy theo sở dục của họ mà hiện thân. Song đối với các vật dụng không hề ham tiếc, nhẫn đến có thể xả thân vì chúng sinh. Lại thường ưa thích thiện căn chẳng cầu quả báo. Khi biết chúng sinh không còn thoái chuyển với thiện nghiệp thì liền xả ly, đối với cảnh sở hiện là ngũ dục không hề luyến tiếc. Như loài ong lấy phấn mật trong các hoa mà không có ý tưởng trụ lại nơi hoa, cũng chẳng luyến ái mà mang hoa đi.      

Bồ-tát tuy hiện phiền não vui thú trong ngũ dục lạc nhưng chẳng sinh nghiệp nhân ở ba ác đạo, chẳng mất thiện căn vốn có, cũng không có thoái chuyển. Vì nhờ có Nhất thiết trí làm nền tảng, vì nhờ dùng không, vô tướng, vô tác, vô ngã huân tu tâm mình. Do Bồ-tát khéo dùng dao phương tiện trí huệ nên lúc đã thành tựu sở nguyện, liền có thể chặt đứt phiền não nhanh chóng. Hàng Thanh văn không biết, tự suy nghĩ: “Người như vậy, còn chưa tự độ, huống là cứu vớt tất cả chúng sinh, làm sao có thể phá hoại tứ ma?”. Nghĩ vậy rồi, sinh lòng khinh rẻ, không thì xót thương, vì cho Bồ-tát ấy là người phóng dật. Thật là không phải. Chỉ vì bi nguyện mà vào chốn ngũ dục, làm hạnh Đồng sự.

Phật kể một câu chuyện khác.

Bồ-tát Ái Tác vào thành Xá-vệ khất thực thì gặp một nữ nhân tên Đức Tăng. Đức Tăng vừa gặp Ái Tác liền sinh lòng dục. Bồ-tát Ái Tác cũng vậy. Nhưng nhờ quán Bất tịnh, Bồ-tát Ái Tác lìa được tâm ái dục, được Vô sinh nhẫn, hiện thân trên hư không.

Đức Tăng do lòng dục bức chết mà sinh thiên. Đó là do lời nguyện của Bồ-tát Ái Tác trước đây: “Nữ nhân nào thấy tôi mà phát lòng dục thì liền thành tựu thân nam và được mọi người yêu mến”. Đức Tăng sinh thiên rồi, có trí túc mạng biết được quá khứ làm thân gái con trưởng giả, do sinh lòng dục với Ái Tác mà chết rồi sinh thiên, nên khởi tâm thanh tịnh cung kính Bồ-tát Ái Tác hết mực.

Khi Đức Tăng mới chết, cha mẹ cô sinh niệm uất hận, nhưng được Phật và Đức Tăng hiện thân khuyên giải, nên đã cùng Đức Tăng và quyến thuộc phát tâm Bồ-đề. Đức Tăng được Phật thọ ký thành Phật, hiệu là Thiện Kiến Như Lai Ứng đẳng chánh giác.

Với cái nhìn của người đời, những việc làm như thế không khỏi tiếng chê bai. Phạm chí Thọ Đề thì bị hàng giữ giới thanh tịnh chê bai. Bồ-tát Ái Tác thì bị hạng phàm tình chê bai. Thực chất thì tất cả đều vì lợi ích của chúng sinh. Do có trí và bi làm nền tảng nên cả hai việc làm trên đều mang đến kết quả tốt đẹp. Vì thế, nói về phương tiện thì nghịch thuận Bồ-tát đều có thể dùng. Do ứng duyên mà hiện sao cho có lợi ích, nên hiện tướng đó luôn phù hợp và mang lại lợi ích cho chúng sinh. Đó không phải là chỗ thấy của phàm tình.

Phạm chí Thọ Đề từng nói: “Đạo Bồ-đề rất là khó được, đâu phải kẻ trọc mà làm nên việc ấy, tôi không muốn thấy”. Nghe thì như phỉ báng Như Lai mà thật là không phỉ báng, chỉ là phương tiện. Do lúc ấy, năm người bạn thân của ông tuy đã từng học Đại thừa, nhưng do thân cận ác tri thức lâu ngày nên phụng hành ngoại đạo, chẳng còn tin Phật pháp. Thọ Đề muốn dẫn bạn bè lìa khỏi chốn bất thiện mới tìm cách gần gũi, hy vọng có thể chuyển đổi tà tâm của họ. Khi Ngoại đạo sư nói Thọ Đề đến gặp Phật, ông quán sát thấy nếu khen Phật thì bạn hữu sẽ bất mãn, khó mà khuyến dụ được họ, nên đã nói: “Tôi chẳng muốn thấy các đạo nhân trọc đầu ấy…”. Ngoại đạo sư nghe vậy, lại nhất quyết nắm tóc Thọ Đề kéo đi cho được. Năm người bạn thấy việc nắm tóc người khác lôi kéo như thế có thể bị án tử, nhưng Ngoại đạo sư lại dám làm việc ấy, ắt Phật có điều gì khác người. Nghi rồi, liền cùng Thọ Đề và Ngoại đạo sư đến gặp Phật. Gặp rồi, liền phát tâm Bồ-đề. Phật kết luận: “Thuở ấy nếu Thọ Đề tán thán Phật Ca-diếp thì năm người bạn ấy đã chẳng chịu đến gặp Phật, huống là sinh lòng tin kính. Vì muốn nhiếp thọ năm người bạn mà Thọ Đề đã hành Bát-nhã Ba-la-mật phương tiện”.

Cho nên, “Đối với Như Lai và Bồ-tát, chớ khởi nghi ngờ. Vì Phật và Bồ-tát thành tựu phương tiện không thể nghĩ bàn. Phật và Bồ-tát an trụ các phương tiện nhằm giáo hóa chúng sinh”. Cũng nói: “Đại Bồ-tát dùng sức phương tiện, trong vô lượng kiếp ở các thế giới, không có ưu sầu vì chẳng chán lìa… Thanh văn, thân tâm bất động, bèn tự cho là nhập Niết-bàn. Còn Bồ-tát, thân tâm tinh tấn dùng Tứ nhiếp pháp thu nhiếp chúng sinh, dùng Ba-la-mật giáo hóa chúng sinh. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện, được quả vị Phật[5].        


6/ Phương tiện nhập thai, tu hành, thành đạo

Bồ-tát ở thiên cung Đâu Suất vẫn có thể được Bồ-đề vô thượng, chuyển đại pháp luân, nhưng do đâu lại hạ sinh ở chốn Diêm-phù-đề? Vì người Diêm-phù-đề không thể lên thiên cung nghe pháp, còn chư thiên thì có thể xuống Diêm-phù-đề nghe pháp, nên Bồ-tát không thành Phật ở thiên cung mà ở Diêm-phù-đề. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Bồ-tát chẳng vào thai mẹ vẫn có thể thành Phật, nhưng vẫn từ thai ra, vì không muốn chúng sinh khởi các nghi, rồi không chịu tin nhận giáo pháp mà tu hành dứt phiền não, nên vẫn theo lệ thường của người đời mà sinh ra. Tuy vậy, Bồ-tát vẫn chưa hề rời cung trời Đâu Suất mà xuống Diêm-phù-đề, thọ ngũ dục, xuất gia, khổ hạnh và ngồi ở cội Bồ-đề. Tất cả chúng sinh thấy như thật nhưng đều là biến hóa của Bồ-tát. Bồ-tát vẫn đang trong Vô cấu định. Chẳng xuất cũng chẳng nhập. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Bồ-tát đã nhập thai để sinh mà không vào không ra như người bình thường, lại từ hong phải nhập vào, rồi từ hong phải sinh ra là để biết Bồ-tát là do hóa sinh, không phải do nghiệp bất tịnh mà sinh. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Bồ-tát không sinh trong chốn cung điện mà sinh ra trong vườn vắng, vì từ trước đến giờ, Bồ-tát thường ưa chỗ vắng vẻ, thường tán thán chốn núi rừng nhàn tĩnh, thanh vắng và hành pháp tịch diệt. Lại, không sinh trong chốn cung điện thì mọi người và mọi loài có thể đến cúng dường, đều được phước báu. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Bồ-tát khi mới sinh ra liền đi bảy bước, là để hiểu Bồ-tát có tướng đại thần lực chuyên cần tinh tấn của bậc đại trượng phu, muốn thị hiện cho chúng sinh thấy không ai có khả năng như thế, chỉ có Phật. Về việc đi bảy bước, Phật nói: “Nếu bảy bước là lợi ích chúng sinh thì Bồ-tát đi sáu bước. Nếu tám bước là lợi ích chúng sinh thì Bồ-tát đi bảy bước. Vì thế khi sinh ra không ai đỡ dắt, Bồ-tát tự đi bảy bước mà chẳng phải sáu cũng chẳng phải tám”. Đi bảy bước là vì tám bước là lợi ích chúng sinh. Điều đó cho thấy, những tướng mà Như Lai thị hiện chưa nói được hết những lợi ích mà chúng sinh có được khi thực hành giáo pháp Như Lai đã nói. Con số bảy không mang ý nghĩa đầy đủ như của ngoại đạo, cũng không mang nghĩa Thất giác chi hay bảy quả vị là tứ quả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật. Tất cả chỉ là… phương tiện của Phật tử. Đó chưa hẳn là điều Phật muốn hiển thị khi đi bảy bước. Câu “Nếu tám bước lợi ích chúng sinh thì Như Lai đi bảy bước” vẫn còn đầy bí ẩn đối với Phật tử. Nó được xem như một loại công an để tham cứu và trực ngộ.

Đi bảy bước rồi, Bồ-tát xướng rằng: “Ta tối tôn, tối thắng, lìa sinh, già, bệnh, chết”, thanh âm vang khắp tam thiên đại thiên thế giới, là để hàng phục chư thiên trời Đế Thích. Vì chư thiên cõi ấy tâm rất cao mạn, tự cho mình là tôn quí nhất trong trời đất. Tâm kiêu mạn sẽ khiến họ đọa vào các đường dữ, nên Phật đã phát lời như thế. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Do duyên gì mà Bồ-tát vừa sinh bảy ngày, phu nhân Ma-gia lại mất? Là do thọ mạng của phu nhân chỉ đến đó là hết, không do Bồ-tát. Dù Bồ-tát thọ sinh hay không thọ sinh thì phu nhân Ma-gia cũng mất vào lúc đó.

Vì sao Bồ-tát tự lấy dao cắt tóc mình? Vì để phá bất thiện tâm của vua Tịnh Phạn. Ông đã thị uy quyền mà truyền rằng: “Ai cạo tóc cho Thái tử sẽ bị tru lục”. Vì thế Bồ-tát đã tự cắt tóc mình để xóa đi bất thiện tâm của vua Tịnh Phạn.  

Bồ-tát thị hiện khổ hạnh 6 năm chính là để hàng phục ngoại đạo. Do ở thế gian, có các Sa-môn, Bà-la-môn mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, một hột gạo, lấy đó làm công khóa cho việc thanh tịnh và giải thoát, nên Bồ-tát hiện thân tu khổ hạnh, cho thấy khổ hạnh không đưa đến kết quả thanh tịnh hay giải thoát. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Bồ-tát thị hiện ăn món thượng diệu rồi khí lực sung mãn, thành tựu Đạo quả, là do thương chúng sinh thiện căn chưa thuần thục mà muốn cầu đạo. Các chúng sinh ấy nếu bị cái khổ đói khát bức bách thì chẳng thể được trí tuệ. Nếu được cái hạnh an lạc thì trí tuệ soi rõ các pháp. Vì thế Phật thị hiện nhận bát sữa của nàng Tu-xá-khư, rồi thành tựu 37 phẩm trợ đạo, được Bồ-đề vô thượng. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Lúc hành Bồ-tát đạo trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, Bồ-tát đã nguyện vì chúng sinh ban vui giải thoát, vì sao khi thành đạo phải chờ Phạm vương thỉnh nhiều lần, Phật mới thuyết pháp? Vì một khi Phạm vương cúi đầu thỉnh Phật thì chư thiên của Phạm vương đều qui y Phật. Khi Phạm vương thỉnh Phật chuyển pháp luân, đã có sáu mươi tám trăm ngàn Phạm thiên phát tâm Bồ-đề. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Vì sao người đầy đủ công đức như Phật mà vào thành khất thực lại mang bát không trở ra? Là vì thương xót chúng Tì-kheo tương lai, do kém phước đức mà khất thực chẳng được. Muốn chúng Tì-kheo ấy không thoái tâm, nên hành phương tiện mang bát không trở ra. Chư Tì-kheo ấy sẽ nghĩ: “Như Lai vô lượng công đức còn có khi khất thực chẳng được, huống là chúng ta phước mỏng nghiệp dày”. Nghĩ vậy rồi, sẽ không thoái tâm trên con đường tu tập.

Khi mang bát không trở ra, Phật và chúng Tì-kheo tâm chẳng thay đổi, trước sau vẫn bình thường, chẳng có một niệm ưu não. Nhân việc đó, có bảy ngàn thiên tử sinh lòng tin kính đối với Phật. Phật vì họ thuyết pháp, tất cả đều được pháp nhãn thanh tịnh. Còn hàng cư sĩ do đến chỗ Phật sám hối, Phật đã vì họ thuyết Tứ đế. Có hơn hai vạn người được pháp nhãn thanh tịnh. Đó gọi là Bồ-tát hành phương tiện.

Do nhân duyên gì mà Phật và chúng tăng trong ba tháng ăn lúa ngựa? Là để độ cho 500 ngựa ấy thoát kiếp súc sinh. Bầy ngựa ấy từng đã học pháp Đại thừa, từng thân cận cúng dường chư Phật quá khứ. Nhưng do thân cận ác tri thức, tạo ra ác nghiệp mà đọa làm thân ngựa. Bồ-tát Nhựt Tạng do duyên đời quá khứ, đã dùng phương tiện Đồng sự để độ sinh, khiến các ngựa kia nhớ lại duyên xưa, phát tâm Bồ-đề. Phật vì nhân duyên ấy mà thọ thỉnh duyên thí thực này. Trong ba tháng, Bồ-tát Nhựt Tạng đã dạy các ngựa ấy sám hối, kính Phật và vui vẻ cúng dường nửa phần ăn của mình cho Phật và chúng Tăng. Sau đó chẳng bao lâu, bầy ngựa chết, thác sinh vào cõi trời Đâu-suất, nghe pháp, tu hành. Còn chúng Tăng theo Phật thọ thí thì hơn hai phần ba, hễ ăn ngon là sinh dục. Nhân việc cúng dường mã mạch này mà qua ba tháng an cư, chư vị lìa dâm dục chứng quả A-la-hán.

Do việc ăn lúa ngựa mà hàng súc sinh được thân trời, chúng Tăng chứng La-hán, thiên tử thì sinh lòng tin kính với Phật, cư sĩ thì hiểu lý Tứ đế… thì biết, đó là Bồ-tát hành phương tiện, chẳng phải do nghiệp báo vậy.          


Kết luận

Phật và các đại Bồ-tát, thân tướng hay việc làm của chư vị, mỗi mỗi đều có tác dụng lợi ích chúng sinh. Không gì không lợi ích, dù đó là những hình tướng mà với cái nhìn hạn cuộc của chúng sinh, chúng là ác nghiệp.

Thời Phật Nhiên Đăng, có 500 vị khách buôn vào biển lớn tìm châu báu. Đi với bọn họ, có một giặc cướp giả dạng. Lúc được nhiều châu báu trở về, giặc cướp sinh ác tâm muốn giết cả 500 người để sở hữu toàn bộ châu báu. Lúc ấy Bồ-tát làm hướng đạo sư của đoàn, được Hải thần mách bảo: “Không nên để tên phản tặc giết người. Vì nếu để nó làm việc ấy sẽ gây thành đại nghịch, ở địa ngục vô lượng kiếp. Vì 500 vị này là Bồ-tát bất thoái chuyển hướng về Đạo vô thượng”. Bồ-tát nghe rồi, theo dõi mọi động chuyển của tên cướp. Dù hiểu nhân quả chi phối thế giới này, biết giết người đưa đến quả báo dữ, nhưng không cách nào khác, đành phải dùng cây giáo giết tên phản nghịch. Vừa cứu mạng các Bồ-tát bất thoái chuyển, vừa cứu tên cướp thoát vô lượng kiếp địa ngục. Do bi nguyện mà hành phương tiện, nên về sau Bồ-tát chỉ bị quả báo giáo đâm vào chân.

Song phương tiện lợi ích này không phải khi nào cũng có tướng thuận như thế. Kinh nói: “Có lúc Như Lai dùng các phương tiện cứu người ra khỏi sinh tử, cũng có lúc Như Lai chẳng cứu người. Vì sao? Vì Như Lai đối với tất cả chúng sinh không có tâm thiên lệch”. Nghĩa là cứu hay không cứu đều tùy thuộc vào lợi ích của người. Cứu mà mang lại lợi ích cho người thì Phật cứu. Không cứu mới mang lại lợi ích cho người thì Phật không cứu. Như các Bà-la-môn giết cô gái Tôn-đà-lợi rồi chôn xác trong vườn Kỳ Hoàn. Phật có thể dùng thần lực để cứu hàng Ba-la-môn và cô gái, nhưng Phật không làm vì quán thấy mạng căn cô gái đã hết, còn hàng Ba-la-môn thì cần phải rơi vào đường khổ mới có thể hồi tâm, nên Phật không cứu.        

Phương tiện này là kết quả nhân duyên giữa bi nguyện của chư Phật (chư Bồ-tát) và thiện căn của chúng sinh. Bi nguyện đầy khắp pháp giới là duyên, nhưng nhận được hay không là tùy vào cái nhân là tâm chúng sinh. Nhân duyên đầy đủ thì quả nhất định thành. Chúng sinh nếu đủ nhân lành, đều có thể nhận được phần phương tiện này. Nếu thiện căn chưa đủ mà có tâm hướng thiện, muốn quay về thì cần phát lời nguyện. Lời nguyện này sẽ giúp chúng ta nhận được phương tiện giáo hóa của chư Phật và chư Bồ-tát không mấy khó khăn.

Việc ứng tâm như thế, không thể dùng trí phân biệt phàm tình mà có thể định liệu thuận nghịch sao cho tương hợp với từng duyên hầu mang lại lợi ích cho chúng sinh. Nó đòi hỏi phải có Trí chánh pháp mà phu nhân Thắng Man đã nhắc đến trong ba đại nguyện của mình làm nền tảng, chính là Nhất thiết trí nói đây. Chưa đạt được trí này thì thuận nghịch thiện ác khó phân, khó mà ứng tâm để có loại Phương tiện Đại thừa này cho chính xác, chỉ là thuận theo tập nghiệp ngã tướng của mình mà cho là lợi người, nên không mang lại lợi ích cho người. Vì thế trong kinh, Phật nói: “Các phương tiện này phải giữ kín, chẳng nên nói với hạng người hạ liệt thiện căn kém mỏng. Vì sao? Vì kinh này chẳng phải chỗ hành của Thanh văn và Duyên giác, huống là phàm phu hạ liệt mà có thể tin hiểu. Kinh Phương tiện này chẳng phải chỗ dùng của họ, chẳng phải là chỗ mà hạng phàm khí có thể thọ trì. Chỉ có Bồ-tát là hay thuyết hay học kinh phương tiện này”. Cũng nói: “Kinh Phương tiện này, kẻ nào đã thành tựu bảo khí đều nghe đều hiểu. Kẻ chẳng có bảo khí, dù ở tại hội này cũng chẳng nghe chẳng thấy, huống là miệng có thể nói. Vì không phải là hạng bảo khí nên không nương thần thực của Phật mà nói được”. Phải là hàng có bảo khí mới nghe thấy được kinh này, nên dù “phương tiện này phải giữ kín, chẳng nên nói với hạng hạ liệt thiện căn kém mỏng”, bài viết vẫn xuất hiện. Tuy xuất hiện mà vẫn không xuất hiện đối với hàng thiện căn kém mỏng, chỉ kẻ có bảo khí mới nhận được kinh này.            

Nhân mùa Phật đản, nguyện cho tất cả chúng sinh ở mười phương giới đều thấm nhuần mưa pháp, giới hạnh đầy đủ, tin sâu nhân quả, thiện nghiệp luôn làm, phương tiện đầy đủ, thành tựu Đạo quả vô thượng.                  


[1]Nội dung cũng như phần trích dịch của bài viết này đều y vào bản kinh này.

[2]Hồi hướng được Nhất thiết trí, Đạo quả vô thượng, giới, định, tuệ v.v…

[3] Kinh Đại Bửu Tích quyển VI. Phẩm Đại thừa phương tiện hội.

[4] Nhất thiết trí, là Căn bản trí, tương ưng với từ kiến tánh trong nhà thiền là thấy được cái nhân Phật tánh. Ở Phật quả, thì được tâm Nhất thiết chủng trí.

[5] Kinh Đại Bửu Tích quyển VI. Phẩm Đại thừa phương tiện hội. HT Thích Trí Tịnh dịch.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn