Nhập Trung Đạo: con đường Bồ Tát tích hợp đại bi và trí tuệ (bài 1)

17 Tháng Ba 201613:57(Xem: 5316)

Nguyệt Xứng (c. 570 - 650)
NHẬP TRUNG ĐẠO:
CON ĐƯỜNG BỒ TÁT TÍCH HỢP ĐẠI BI VÀ TRÍ TUỆ
Giới thiệu bản dịch Việt (Bài 1)
Bản dịch Việt: Đặng Hữu Phúc


blankBản Anh: Introduction to the Middle Way. Chandrakirti’s Madhyamakavatara with  Commentary by Jamgon Mipham. Translated by The Padmakara Translation Group (2002). Shambhala, 2004.


Đức Phật giảng bộ kinh Bát Nhã trong thời chuyển pháp luân thứ nhì. Ngài Long Thọ (c.150-250) viết “Các tụng căn bản về Trung Đạo” (Trung Luận) để trình bày tóm tắt bộ kinh Bát Nhã. Ngài Nguyệt Xứng (c.570-650) viết Minh cú luận (Prasannapada) để giải thích Trung Luận -- mỗi chương và mỗi tụng. Ngài Nguyệt Xứng cũng viết Nhập Trung Đạo (Madhyamakavatara) gồm có 331 tụng, trình bày 10 địa Bồ tát và Trạng Thái Phật, địa 11. Địa 6 có 226 tụng, Địa 11 có 56 tụng;và 9 địa còn lại chỉ có 49 tụng. Ngài cũng viết Giải thích Nhập Trung Đạo (Madhyamakavatarabhashya). Bản này Louis de La Vallé  Poussin dịch một phần sang Anh ngữ (1907, 1910, 1911). Nhập Trung Đạo không có bản Hán dịch.

Nhập Trung đạo là Con đường Bồ tát tích hợp đại bi và trí tuệ, khởi hành từ đại bi và tích hợp với tính bất nhị và tâm bồ đề. Nhập Trung Đạo căn cứ vào Các tụng căn bản về Trung Đạo, Vòng hoa quý (Ratnavali; Precious Garland), Tinh yếu của các kinh (Compendium of Sutras) của ngài Long Thọ; và Thập địa kinh (Dashabhumikasutra)

2.

Ngài Nguyệt Xứng giới thiệu Trung Luận của ngài Long Thọ:

Điểm xuất phát, chủ đề và quan tâm tối hậu của Trung Luận của Long Thọ 

Bộ luận tuyệt vời chúng ta sắp thảo luận là bộ luận khởi đầu với kệ tụng ‘Không từ chính chúng, cũng không từ cái khác, cũng không từ cả hai…”

Chúng ta phải hỏi điểm xuất phát là gì, chủ đề là gì, và quan tâm tối hậu của bộ luận tuyệt vời này là gì. Trong Nhập Trung Đạo [Nguyệt Xứng. Nhập Trung Đạo/ Madhyamakavatara] , điều được khẳng định là trí tuệ siêu việt của đấng toàn giác có điểm xuất phát từ một bản nguyện phát bồ đề tâm bắt nguồn từ đại bi, và được hỗ trợ với sự lý hội thông hiểu vượt trên tính nhị nguyên.

Trong quan niệm này ngài Long Thọ, nhận biết chính xác làm cách nào  giảng dạy trí tuệ siêu việt, đã tăng trưởng bộ luận này do lòng đại bi và cho sự giác ngộ của các người khác. Nền tảng của bộ luận này, có thể nói là “Một bộ luận đáng tin cậy có một giáo pháp là một căn cứ vững mạnh để chế ngự các phiền não tai hại và để tập quen vượt qua các biến dịch thăng trầm của đời sống. Hai phẩm tính này không được tìm thấy trong bất kỳ các bộ luận khác”

Ngài Long Thọ cho chúng ta một tổng quan về chủ đề và quan tâm tối hậu của bộ luận sâu sắc chúng ta sắp thảo luận. Với tính phân minh chính xác của thánh trí, và ý nguyện tôn kính, bằng một bộ luận, vị thầy vô thượng, vị toàn giác không hề ly cách với tồn sinh và chân lý của thánh trí, ngài nói

“Tôi đỉnh lễ đấng toàn giác, vị thầy vô thượng của các vị thầy, ngài thuyết giảng, 

Cái gì duyên khởi,

Không diệt, không sinh, không đoạn, không thường,

Không đến, không đi, không sai biệt, không đồng nhất

Là niết bàn tịch tĩnh hoàn toàn, không có các cấu trúc của tưởng [về hiện hữu tự tính và tính nhị nguyên]”

Duyên khởi [= thật tướng của sự vật], trong tướng trạng miêu tả bởi tám phương diện “không diệt, không sinh” và các tương tự, là chủ đề của bộ luận này.

Quan tâm tối hậu của bộ luận này được minh bạch khẳng định là niết bàn (nirvana) : sự tịch tĩnh đến để làm an tĩnh các cấu trúc của tưởng / các phương diện của các sự vật được đặt tên (sarvaprapancopasama).

Lời kính lễ được ghi trong các từ ngữ “Tôi đỉnh lễ vị thầy vô thượng của các vị thầy”.

3.

Nay nói về Tụng mở đầu Trung Luận. Bản Hán dịch Trung Luận của ngài Cưu ma la thập là một bản dịch rất tốt. Thầy Tuệ Sỹ , trong Huyền Thoại Duy Ma Cật (2008) có nói về cách đọc “Thiện diệt chư hý luận” trong bản Hán dịch Trung Luận của ngài Cưu ma la thập. Do thế, tôi có bài viết “Lí tính Duyên khởi trong tụng mở đầu Trung luận”, đăng trên Thư Viện Hoa Sen ngày 17.12.2011, giới thiệu quan điểm của Thầy Tuệ Sỹ trong cách đọc “thiện diệt chư hý luận”, và cũng giới thiệu các bản dịch Sanskrit - English kệ tụng mở đầu này, đều nói tới duyên khởi và tịch tĩnh của niết bàn để kính lễ Đức Phật.

Kệ tụng mở đầu này không hàm ý chỉ kính lễ Đức Phật vì Đức Phật khéo diệt các hý luận. Như vậy, cách đọc sai “thiện diệt chư hý luận” thành “khéo diệt các hý luận” do một bản dịch Việt phổ biến khiến rất nhiều sách báo Phật học tiếng Việt không hề nói đến tịch tĩnh của niết bàn khi nói đến Tụng kính lễ mở đầu Trung Luận .

*

Lược trích từ bài viết-- Lí tính Duyên khởi trong tụng mở đầu Trung luận:

< Về bài tụng này, do ngài La Thập dịch Phạn-Hán và câu “năng thuyết thị nhân duyên, thiện diệt chư hí luận” trong các bản dịch Việt, Thầy Tuệ Sỹ có giải thích trong “Tuệ Sỹ. Huyền thoại Duy Ma Cật” như sau:

“… Cho nên, mở đầu Trung luận, Long Thọ tôn kính Phật trong ý nghĩa là vị Chính giác đã thiện xảo một cách tuyệt vời tuyên bố lí tính duyên khởi. Mà lí tính duyên khởi ấy vốn không là cái diệt tận, không là sinh khởi; không là gián đoạn, không là thường hằng; không là nhất thể, không là đa thù; không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Chính lí tính duyên khởi ấy là diệu lạc của Niết bàn, là tĩnh chỉ của mọi hí luận”. (23) (Tuệ Sỹ, trang 263)

“Chú thích 23: MK…pratiyasamutpadam prapancopasmam sivam, duyên khởi là sự tĩnh chỉ của hí luận, là diệu lạc (của Niết bàn). Những từ này đồng cách với duyên khởi nên được hiểu là những phẩm định của duyên khởi. Hán dịch của Cưu-ma-la-thập (năng thuyết thịnhân duyên, thiện diệt chư hí luận. Vì theo ngữ pháp Hán thông thường, trong đó thiện (Skt. sivam: diệu lạc của Niết bàn) được hiểu như là trạng từ, nên câu kệ này thường được dịch Việt là: (đức Phật nói duyên khởi, là để) khéo léo diệt trừ các hí luận”. (Tuệ Sỹ, trang 263)>

4

Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV viết “Mặt trời chiếu sáng ba phương diện chính tín”, ca tụng 17 Đại Sư đại học Nalanda. Ngài ca tụng ngài Nguyệt Xứng và ngài Tịch Thiên như sau:

Tụng 6. Tôi kính lễ ngài Nguyệt Xứng, người phổ truyền tất cả các đạo lộ của kinh điển và tantra. Ngài vô cùng thiện xảo trong giảng dạy các phương diện trí bát nhã và tâm bồ đề vạn hạnh của Trung Đạo -- sự liên hiệp của sắc tướng và tính không trục xuất hai cực đoan -- bằng phương tiện hữu hiệu của duyên khởi đó là chỉ thuần lí tính nhân duyên.

Tụng 7. Tôi kính lễ ngài bồ tát Tịch Thiên (Shantideva), vô cùng thiện xảo khai mở tập hội của các học viên đại phúc duyên theo đạo lộ tuyệt hảo của đại bi đó là sử dụng mĩ diệu nhất các phương thức lí luận trí bát nhã và tâm bồ đề vạn hạnh.

5

“Kề lưng hùm sói gửi thân tôi đòi” là một hiện tượng / biến cố / pháp / tình cảnh / kịch bản (phenomenon/ event/ dharma/situation/ scenario). Con người tự do mới là vốn quý cho xã hội. Con người nô lệ chỉ là vốn quý cho chủ nô mà thôi.

Ngài Nguyệt Xứng viết:

“Nền tảng của bộ luận này [Trung Luận], có thể nói là “Một bộ luận đáng tin cậy có một giáo pháp là một căn cứ vững mạnh để chế ngự các phiền não tai hại và để tập quen vượt qua các biến dịch thăng trầm của đời sống. Hai phẩm tính này không được tìm thấy trong bất kỳ các bộ luận khác”.

Ngài Long Thọ nói trong Hồi Tránh Luận: Duyên khởi, Tính Không, và Trung Đạo là đồng một nghĩa. Thế nên giáo pháp Duyên khởi được nói đến trong tụng mở đầu Trung Luận là “một căn cứ vững mạnh để chế ngự các phiền não tai hại và để tập quen vượt qua các biến dịch thăng trầm của đời sống”.

Đối diện “Kề lưng hùm sói gửi thân tôi đòi” là các cấu trúc của tưởng có tính nhị nguyên , tin rằng các hiện tượng có hiện hữu tự tính, có tính  độc lập, tự lập, thành lập do sức mạnh của chính nó, không do nương nhờ các yếu tố khác. Hoặc tin rằng nó thường hằng / thường tại. Hoặc tin rằng nó đoạn diệt, nghĩa là tàn tạ, đi đến chấm dứt, không còn nữa. Cả hai, tin thường hằng và đoạn diệt, nghĩa là rũ tay áo đứng xem.

Tính bất tử của giáo pháp Phật giáo / Cam lộ của chính pháp là: Không đồng nhất không dị biệt, không thường hằng không đoạn diệt; đây là giáo pháp của chư Phật (Trung Luận  XVIII.11)

Như vậy đối diện hay sống trong “Kề lưng hùm sói gửi thân tôi đòi” thì ta và kẻ khác không là đồng nhất, không là dị biệt; ta và môi trường sinh sống không là đồng nhất, không là dị biệt.

“Kề lưng hùm sói gửi thân tôi đòi” thì không thường hằng / thường tại, cũng không tàn tạ đi đến hoại diệt. “Trí chẳng trụ hữu vô, Mà khởi tâm đại bi (Kinh Lăng già). Hữu : thường hằng. Vô: đoạn diệt.

Giáo pháp của Phật về nguyên nhân và hiệu quả, tỉ dụ hạt giống và mầm -- nguyên nhân không trở thành mầm; mầm không hoàn toàn đồng nhất với nguyên nhân, không hoàn toàn dị biệt với nguyên nhân .

Nguyên nhân của “Kề lưng hùm sói gửi thân tôi đòi” không trở thành “Kề lưng hùm sói gửi thân tôi đòi”, và “Kề lưng hùm sói gửi thân tôi đòi” cũng không hoàn toàn đồng nhất, cũng không hoàn toàn dị biệt với nguyên nhân của nó.

Giáo pháp nói mầm không thể nảy mầm mà không có hạt giống, và mầm không nảy mầm từ bất kì hạt giống nào, nghĩa là giữa hạt giống và mầm có tương quan thích hợp.

Học giới Phật giáo Tây Tạng giới thiệu ngài Nguyệt Xứng là nhà Trung Quán Hệ Quả / Nhà Hệ Quả (Prasangika; Consequentialist). Nhà Hệ Quả chủ trương rằng mỗi người nên xem xét tất cả các hệ quả của chủ trương của mình. Chúng ta cũng nên xem xét tất cả những hệ quả của chủ trương của mình khi sống giữa lòng cuộc đời.  

Đối với các hữu tình tạo các ác hạnh một cách đùa giỡn nhởn nhơ, Đức Phật giảng có một Ngã để giúp chúng không sa vào các địa ngục . Đối với các hữu tình, do tập khí, tự nhiên tạo các các thiện hạnh , lánh xa các ác hạnh , Đức Phật giảng Vô ngã , không có ngã . Đối với các hữu tình  gần tới niết bàn , Đức Phật giảng chẳng có ngã , chẳng có vô ngã .

 

6

Khi mà hư không còn

Tôi mong tôi vẫn còn

Chung sức với mọi người

giúp nhau cùng thoát khổ .

 “Chúng ta tích tập phúc đức trên căn bản của phương diện hiển lộ (apparent aspect) của duyên khởi và tích tập trí tuệ trên căn bản của phương diện rỗng thông/ chân không diệu hữu (empty aspect) của duyên khởi” (Đạt Lai Lạt Ma. Trung Đạo. Chính tín căn cứ trong suy lí. Bài 1).

Lí hội thông hiểu như thế, chúng ta hân hoan với các phúc đức hiển lộ của hữu tình, các quả hải vạn đức hiển lộ trong cuộc sống ở đây bây giờ. Và chúng ta theo học Nhập Trung Đạo: Con đường Bồ tát tích hợp Đại Bi và Trí Tuệ.

Đức Phật giảng duyên khởi, tính không, trung đạo, và vạn hữu đều hân hoan.   

“ Và từ Chính định vương kinh / Nguyệt đăng tam muội kinh (Samadhirajasutra):

“Khi Đức Phật, thánh giả, quốc vương của chân lí, vị khai hiển của tất cả các chân lí xuất hiện, điệp khúc thì được vang lên từ cây cỏ, cây con và cây lớn và cây nhỏ, từ sỏi đá và các núi non: tất cả các tập hợp của đời sống đều là tính không / tính chân không diệu hữu”

“Bất kì xa xôi cách nào chỉ thuần các đơn vị chữ viết, lời nói vươn tới cõi thế tục, tất cả đều là tính không/ tính chân không diệu hữu, chẳng có cái chi là thật [ thật = chẳng biến dịch]; và  vang xa là tiếng gọi của đức Phật, vị hướng dẫn và vị thầy của tất cả loài người”.

(Nguyệt Xứng. Minh cú luận. Prasannapada, p.179)

“Khi chư Phật nhập niết bàn, đại lạc tối hậu, đó là sự an tĩnh của các cấu trúc của tưởng, chư Phật tương tợ như các thiên nga huy hoàng trong bầu trời, tự thong dong trong hư không hoặc trong chân không diệu hữu của hư không trên đôi cánh của tích tập phúc đức và trí tuệ; kết quả nên biết đó là bởi vì chư Phật không tri nhận các đối tượng là các tướng trạng, không có ‘Chân Lý’ gắt gao bất kỳ là cái gì quan liên đến sự nô lệ hoặc sự tịnh hoá đã được giảng dạy giữa hoặc cho cõi trời hoặc cõi người dù là bất kỳ cái gì”. 

*
When the illustrious Buddhas are in nirvana, the ultimate beatitude, which is the coming to rest of named things as such, they are like kingly swans in the sky, self-soaring in space or in the nothingness of space on the twin wings of accumulated merit and insight; then it should be known, that, because they do not perceive objects as signs, no rigid ‘Truth’ whatsoever either concerning bondage or purification has been taught either among or for any gods or men whatsoever.

Candrakirti. Lucid Exposition of the Middle Way. Prasannapada. of Candrakirti . Translated by Mervyn Sprung -- p. 262. (Nguyệt Xứng. Minh Cú luận) 

*

 

Như thế bạn nô lệ hay bạn tịnh hoá, bạn tỉnh biết hay không tỉnh biết, đó là tự do đầu tiên và cuối cùng của bạn.

Kính

Đặng Hữu Phúc

Sydney, 14.3.2016

 

------------------

Chú thích

Bản dịch Việt dịch từ bản dịch Anh. Introduction to the Middle Way . Chandrakirti’s Madhyamakavatara  with Commentary by Jamgon Mipham. Translated by the Padmakara Translation Group. Shambhala  2004.

Trong khi dịch, cũng có tham khảo:

1. Introduction to the Middle Way: Chandrakirti's Madhyamakavatara with commentary by Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche, edited by Alex Trisoglio, Khyentse Foundation, 2003 . Bài giảng này có bản pdf  trên mạng

2. Nhập Trung Quán Luận. Bản dịch Tạng - Việt. Tỳ kheo Hạnh Tấn và Sư cô Nhật Hạnh . Bản pdf

*

Về bản dịch Việt, người dịch rất mong các độc giả từ bi chỉ giáo -- thư về:

phucdang143@hotmail.com


Nhập Trung Đạo: con đường Bồ Tát tích hợp đại bi và trí tuệ (bài 1)
Nhập Trung Đạo: Con đường Bồ tát tích hợp đại bi và trí tuệ (Bài 2)
Nhập Trung Đạo: Con đường Bồ tát tích hợp đại bi và trí tuệ (Bài 3)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn