Thay lời tựa

19 Tháng Bảy 201515:46(Xem: 4508)

Sa môn Đế Quán 
biên soạn

THIÊN THAI TỨ GIÁO NGHI
Bác sĩ Trần văn Nghĩa
Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
Phiên dịch và tường chú

 

THAY LỜI TỰA

 

Tôi có quen một số bạn thích Phật học. Chúng tôi thường gọi điện thoại trao đổi những kiến thức mình học được, hay hỏi nhau khi có những điều bế tắc. Nhóm bạn này thuộc nhiều tông phái khác nhau, người theo Phật giáo nguyên thủy, người theo Thiền Tông, người theo Tịnh Độ Tông v.v… Đó cũng là lý do đôi khi đưa đến những cuộc bàn cãi sôi nổi. Người học theo Phật giáo nguyên thủy cho rằng chỉ có giáo phái mình theo mới là khuôn đúc, là chính phái, mới là tông truyền của Phật giáo, các giáo phái khác là giả, là du nhập những quan niệm bất chánh ngoại đạo, Phật thật tức Phật Thích Ca thì không thờ mà lại thờ Phật giả tưởng như A Di Đà, Quán Âm...  Số người đưa ra quan niệm này chỉ mới thấy được một trong tam thân Phật là Ứng thân, chưa thấy được Báo thân và Pháp thân. Một số người theo Thiền Tông thì cho rằng chỉ phương pháp tu tập của mình là đúng vì nó theo đúng giới, định, tuệ và tự lực, lại cho Tịnh Độ Tông là pháp tu của ông già bà cả, ngày xưa Đức Thích Ca đâu có niệm Phật bao giờ. Những người này chưa hiểu được thực tướng niệm Phật là gì, cũng chưa thấy được Thiền và Tịnh là một, chẳng phải hai. Bậc cổ đức dù nói “Thiền Tịnh song tu” cũng chỉ vì tâm chấp trước của người đời mà phân làm hai pháp đó thôi. Thật đáng tiếc thay. Lại có người lại chê Mật tông là mê tín. Một số người theo Đại Thừa lại cho mình là siêu xuất …

Một hôm tôi có dịp bàn chuyện dịch kinh với cư sĩ Từ Hoa, chúng tôi đem câu chuyện này ra thảo luận, và đồng ý rằng Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, có tứ thánh đế, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà đức Phật đã giảng dạy khác nhau. Cư sĩ bèn đề nghị dịch bộ sách Tứ Giáo Nghĩa, do Thiên Thai Trí Giả đời Tùy thuyết, ra Việt văn để nói lên điểm quan trọng này. Chúng tôi bỏ hơn một tháng dịch xong Tứ Giáo Nghĩa, cuốn I. Dịch xong cuốn này chúng tôi phát giác cuốn Tứ Giáo Nghĩa không phải là dễ hiểu, và không thích hợp dùng để giới thiệu quan niệm Tứ Giáo cho đại đa số độc giả sơ cơ, vì Thiên Thai Trí Giả đưa ra những lý luận phán giáo sâu rộng, người đọc dễ lạc trong một cánh rừng khi chưa sẳn sàng. Quyển này thích hợp cho những người thâm cứu về Tứ Giáo. Chúng tôi đành ngừng dịch, hẹn trở lại trong tương lai. Chúng tôi chuyển qua quyển tóm tắt cuốn Tứ Giáo Nghĩa là quyển Tứ Giáo Nghi của sa môn Đế Quán. Cuốn này ngắn gọn, dễ hiểu hơn nên đã từng được dùng làm cuốn vỡ lòng của Thiên Thai Tông. Tứ Giáo Nghi có hơn 20 cuốn chú giải ở Trung quốc và Nhật Bản, cuốn này đã được dịch ra Anh văn. Chúng tôi bỏ ra một hai giờ mỗi ngày trong 15 tháng để dịch và chú giải cuốn sách này. Khi dịch cuốn sách này chúng tôi cố gắng trung thành với nguyên tác. Chúng tôi đã đính kèm bản Hán Việt đối chiếu để quý độc giả tham khảo.

Sau khi hoàn tất, lúc cư sĩ thiết kế bìa sách, có bàn với tôi nên lấy cái hình nào để làm bìa sách cho thích hợp. Chúng tôi đồng ý lấy cái hình nối vòng tay lớn. Tôi bèn vẽ một vòng tay quanh đóa hoa sen trắng để làm bìa của cuốn sách này. Bức hình nhỏ này tóm tắt cái ý chỉ của cuốn sách, cái động cơ và ước nguyện của chúng tôi khi dịch cuốn sách này: Không có Tiểu thừa, không có Đại thừa, không có tam hay tứ thừa gì cả mà chỉ có một Phật thừa thôi. Hơn nữa lời nào cũng là lời Phật, không một pháp nào ra ngoài pháp Phật, không một tâm nào ra ngoài tâm Phật. Hy vọng chúng ta hãy bỏ xuống cái pháp chấp của chúng ta, hãy nắm tay nhau hoằng dương Phật pháp qua nhiều phương tiện khác nhau, từ nhiều nẻo đường khác nhau hầu mong có ngày đến được bến giác.

Tôi viết đôi lời đơn sơ này thay lời tựa vậy.

 

Ngày 20 tháng 8 năm 2014

B. S. Trần Văn Nghĩa
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn