Quả Báo Ba Đời

17 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 21669)

CÓ TRÍ TUỆ 
LÀ NHƯ BIẾT THẬT VỀ…
Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Phương Đông 2011

Phật dạy:

Trên đời có hai hạng người không tội, khi mệnh chung được sinh cõi trời như khoảng duỗi cánh tay. Thế nào là hai?
1. Người không tạo gốc tội mà tu thiện.
2. Người tạo tội mà cải hối việc đã làm.
Rồi dùng kệ dạy rằng:
Người làm hạnh rất ác
Hối lỗi chuyển sang nhẹ
Luôn hối không lười nghỉ
Gốc tội đã nhổ sạch
Kinh Tăng Nhất A Hàm tập 3
Phẩm Thiên Tử Mã Huyết (2) phần 7

Quả báo ba đời

I. ĐỊNH NGHIỆP VÀ BẤT ĐỊNH NGHIỆP

Kinh Niết Bàn, phẩm Sư Tử Hống, Phật dạy:

Này thiện nam tử! Nếu cho rằng những nghiệp nhân quyết định có quả báo, thì chẳng thể có sự tu tập phạm hạnh, giải thoát, niết bàn. Nên biết, người nói lời nói này chẳng phải là đệ tử Phật mà là quyến thuộc của ma.

Bị quở «quyến thuộc của ma», là do hai chữ «quyết định». Quyết định, là cho rằng đã có nghiệp nhân thì nhất định phải có nghiệp quả. Việc đó trái với lý Nhân duyên đang chi phối thế giới này. Có nhân, nhưng phải đủ duyên mới có quả. Không đủ duyên thì dù nhân đã có, quả cũng không xuất hiện.

Nghiệp nhân, là những gì mình đã gây tạo, đang gây tạo và sẽ gây tạo trong đời sống của mình, thông qua ba thứ thân, lời nói và ý nghĩ.

Một thời tôi từng suy nghĩ: «Sống ở đời, có tiền là việc tối thượng, bởi đến đâu, có tiền cũng dễ thành công. Ngay cả đến chùa, có tiền cũng được trọng vọng…». Suy nghĩ thế rồi, mọi hành động và lời nói của tôi đều theo suy nghĩ ấy mà làm. Nó trở thành một loại ý nghiệp của mình. Đã gọi là ý nghiệp thì nó có lực sai khiến và dẫn dắt mọi hành động và lời nói của mình.

Bởi suy nghĩ như thế, việc kiếm tiền trở thành mục đích tối hậu của tôi. Chỗ nào hái ra tiền, tôi liền có mặt. Chỗ nào không hái ra tiền, dù thiết yếu cho vấn đề đạo đức, tôi cũng gạt qua. Tôi đã tạo cho mình một thói quen nghề nghiệp không mấy tốt mà không biết, cứ theo đó cho thành một loại thân nghiệp bất thiện. Thân nghiệp bất thiện thì khẩu nghiệp khó mà thiện. Lời nói dù không chân thật, nhưng nếu có thể củng cố địa vị và tài lộc cho mình, tôi vẫn sẵn sàng. «Tập lâu thành tánh», nói dối quen rồi, chính mình cũng không biết mình nói dối. Chỉ thấy mình khôn ngoan lanh lợi. Một loại khẩu nghiệp không tốt đang hình thành.

Hiểu đạo và trải đời nhiều hơn, tôi đã suy nghĩ khác đi: «Tiền, đúng là quan trọng ở đời, nhưng không bằng có trí tuệ và phước đức. Có trí tuệ, mình mới biết thứ gì nên làm, thứ gì không nên làm. Có phước đức thì dù không tiền, mọi thứ vẫn trôi chảy, khi cần vẫn có người giúp đỡ, tiền bạc cũng từ đó phát sinh. Có tiền mà không có trí thì gây tạo nghiệp xấu không ít. Nạn tai, bệnh tật thêm nhiều mà có khi tiền không giải quyết được». Suy nghĩ thay đổi thì việc làm và lời nói cũng theo đó mà thay đổi dần. 

Những suy nghĩ và hành động nêu trên, dù thiện hay bất thiện, đều gọi là nghiệp nhân.

. Với những nghiệp nhân thiện, nếu không hiểu về bản chất của nó mà sinh tâm nắm giữ, dễ biến thành bất thiện.

. Với những nghiệp nhân bất thiện, nếu không ý thức để từ bỏ, nó sẽ hình thành những cái quả bất hạnh trong tương lai. Nói tương lai, là so với cái nhân đã tạo trong quá khứ. Nó có thể xảy ra ngay trong kiếp này, cũng có thể là trong các đời sau. Đủ duyên thì quả hình thành, không đủ duyên thì quả không hình thành. Đó là lý do vì sao Phật nói: «Nếu cho rằng nghiệp nhân quyết định có quả báo … lời nói này chẳng phải là đệ tử Phật mà là quyến thuộc của ma».

Song ở đời, có nhiều việc xảy ra khiến lòng tin nhân quả của mình dễ … lung lay.

Ni sư T.H, tôi biết Ni sư từ lúc nhỏ, lớn lên vẫn còn gần gũi dù không trực tiếp. Phải nói, thời nay có được một bậc tu hành như thế không phải dễ kiếm. Nhưng cuối đời Ni sư bị tai nạn rất thảm. Cái chết khiến người thân của tôi đánh một dấu hỏi: «Tu hành chân chính như thế mà vẫn không chuyển được nhân xấu thì khác gì người không tu hành? Nghiệp, nếu không chuyển được thì rơi vào thuyết định mệnh, đâu theo luật Nhân duyên». Một câu hỏi nghe rất chí lý, nhưng …

Trong kinh Niết Bàn, Phật nói như sau:

Nếu nói các nghiệp có định nghiệp và bất định nghiệp, định nghiệp thì có quả báo hiện tại, đời kế và đời sau, bất định nghiệp thì lúc nhân duyên hội họp bèn thọ báo, không hội họp thì không bị thọ báo, do đó mà có tu phạm hạnh, giải thoát, niết bàn… thì biết, người nói lời nói đó thật là đệ tử Phật.

Với những nghiệp nhân đã, đang và sẽ gây tạo, Phật phân ra thành hai loại: Định nghiệp và bất định nghiệp.

Định nghiệp, là những nghiệp nhân mà cái quả xem như đã đủ duyên, dù tu hành thế nào, trên mặt hình tướng nhân quả, vẫn không mất. Cái chết của Ni sư là một loại định nghiệp. Với loại này, chỉ có thể chuyển nhẹ hơn (sẽ nói rõ ở phần sau) hoặc chuyển bằng tâm. Tâm không thì mọi nạn tai chỉ như giấc mộng đêm qua. Song tâm muốn không thì phải nhờ đến trí Bát-nhã mới không được. Muốn có trí Bát-nhã thì phải tu Chỉ Quán. Vì «Chỉ Quán là nhân, Định Tuệ là quả». Định Tuệ bình đẳng thì sắc thân và thế giới này như huyễn, có cũng như không.

Bất định nghiệp, là những nghiệp nhân mà khi đủ duyên mới thành quả, không đủ duyên thì không thành quả. Như mầm cỏ dưới đất, phải có mưa v.v… mới sinh cỏ. Đất khô cằn thì không sinh cỏ. Nếu cỏ có sinh, cũng èo uột. Làm phước hay tu hành chính là tạo cái duyên «đất khô cằn» để nghiệp bất thiện không thể sinh quả hoạn nạn tai ương.

Nghèo khó quá, đến chùa làm công quả cúng dường cho chư tăng rồi thấy mọi thứ hanh thông, con cái làm ăn phát đạt v.v… thì cái quả nghèo khó đó thuộc dạng bất định nghiệp. Do cái duyên công quả cúng dường tăng chúng mà quả nghèo khó hết, quả hanh thông xuất hiện. Nếu làm công quả rồi, mà nghiệp nghèo khó vẫn còn thì biết cái nhân nghèo khó mình gây ra trong quá khứ, công đức hiện đời chưa đủ để chuyển nó. Nói theo lý nhà Phật là «chưa đủ duyên». Biết vậy để an lòng làm công quả tiếp. Cái quả của việc làm công quả sẽ hiện thành khi nhân xấu hết duyên. Đó là nói về mặt phước đức. Nếu làm công quả để hồi hướng cho con đường Phật đạo thì tùy duyên, tùy ước nguyện của mình mà cái quả hiện thành có sai khác, không nhất thiết chỉ ở mặt tài vật.

Được cái quả hanh thông rồi, mình bỏ việc công quả, chạy theo tài lộc thụ hưởng, còn gây thêm những nghiệp nhân bất hảo, là mình đang tạo những nhân bất thiện mới. Đó là cách mình giúp duyên cho quả tốt mau hết và gieo trồng những mầm xấu cho tương lai. 

Với lý Nhân quả Phật dạy trên thì việc người không lương thiện mà giàu có hạnh phúc hay kẻ lương thiện mà thấy bạc mệnh cũng chỉ là cái quả trước sau của các nghiệp nhân đã gây tạo trong quá khứ, chỉ là đủ duyên hay chưa đủ duyên mà thôi. Cũng không ngoài hai loại định nghiệp và bất định nghiệp nói trên.

II. TU ĐẠO HẠNH CHUYỂN THỌ BÁO

Phật dạy: Này Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh gây tạo bất định nghiệp thì nhiều, tạo định nghiệp thì ít, vì thế nên tu tập đạo hạnh. Do tu tập đạo hạnh, định nghiệp nặng có thể khiến thọ báo nhẹ, còn những nghiệp bất định không thọ quả báo đời kế.

Tuy là định nghiệp, nhưng cũng có phân nặng nhẹ. Tuy đều phải lãnh quả nhưng vẫn có mặt bất định trong đó. Như phải trả quả đó khi còn trẻ, thì nhờ công đức tu hành, có thể sống thọ và trả vào cuối đời. Như phải chết yểu, nhưng vẫn sống thọ hơn với thân thể yếu bệnh v.v… Việc chuyển ít hay nhiều này tùy thuộc vào công đức tu hành hiện đời.

Phật lại dạy: Người thành tựu nghiệp ác, nghiệp này ắt phải thọ báo nơi địa ngục, người này do tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, nên hiện đời không phải đọa địa ngục.[1]

Nghiệp này bị quả báo thế nào trong hiện đời? Do phát lồ sám hối những tội đã làm, chẳng dám tái phạm, vì hổ thẹn, vì cúng dường Tam bảo, vì thường trụ quở trách, người này do nhân duyên nghiệp lành đó mà chẳng đọa địa ngục, hiện đời chỉ thọ báo nhức đầu, đau mắt, đau bụng, đau lưng, chết vì hoạn nạn, bị mắng nhiếc làm nhục, bị đánh đập trói nhốt, bị đói khát khốn khổ… Những việc như vậy là thọ báo nhẹ ở hiện đời.[2]

Những hiện tượng mình thấy rất xấu trong hiện đời, có khi lại là cái quả đã được chuyển đổi bởi công đức tu hành, nhằm hóa giải những tội báo ở địa ngục. Đoạn kinh này có thể giải thích về nạn tai mà Ni sư đã gặp phải.

Phật lại dạy:

Này Thiện nam tử! Có hai hạng người:

1. Hạng có nghiệp bất định làm thành quả báo quyết định, quả báo hiện đời làm thành quả báo đời kế, quả báo nhẹ làm thành quả báo nặng, đáng nhẽ thọ báo trong loài người lại thọ báo trong địa ngục.

2. Hạng người với định nghiệp làm thành bất định nghiệp, đáng nhẽ thọ báo ở đời kế thì thọ báo ở đời hiện tại, báo nặng làm thành báo nhẹ, đáng thọ báo địa ngục lại thọ báo nhẹ trong loài người.

Hai hạng đó, một là kẻ ngu, một là kẻ trí. Người trí làm cho nhẹ. Người ngu làm thành nặng. Người trí nhờ nghiệp lành nhiều nên tuy có trọng tội mà thọ quả báo nhẹ. Người ngu vì nghiệp lành ít, nên tội nhẹ mà thọ quả báo nặng. 

Gọi ngu hay trí ở đây không phải y cứ vào việc học rộng hay bằng cấp cao, mà y cứ vào cái trí thấy được bản chất của thế gian.

Do biết qui luật Nhân quả chi phối thế gian này, biết nhân nào cho ra quả nào, biết thế gian vô thường, biết những gì có tướng đều là hư vọng, tuy hư vọng nhưng khi chưa tỉnh thì quả khổ không thể tránh khỏi, nên tu tạo công đức lành v.v... Đó là một trong các dạng mà Phật gọi là người trí.

Đắm chấp thế gian, buông lung sáu căn theo ăn uống, ngủ nghỉ. Không biết tiết chế lời nói hại người. Để cho dục vọng, tham, sân bành trướng. Năm giới thọ rồi, không giữ v.v… đều là các dạng mà Phật gọi là người ngu.

Người ngu làm thành nặng, người trí làm cho nhẹ… là nói về nghiệp bất thiện. Nhân gây ra ở quá khứ có khi như nhau, nhưng cái quả gặt được ở hiện đời hoặc tương lai lại khác nhau, là do hiện đời một người tu tạo công đức nhiều, một người không tạo công đức, hay tạo công đức ít. Như nắm muối bỏ vào chén thì mặn, bỏ vào sông thì hết vị. Người tạo công đức nhiều, gọi là người trí. Người không tạo công đức gọi là người ngu. Giữa hai hạng này lại có hạng tuy tạo công đức mà ít hơn chút v.v… Tùy đó mà gọi trí nhiều hay ngu nhiều.

Đáng nhẽ thọ báo ở đời kế thì thọ báo ở đời hiện tại, Phật nói là việc của người trí. Người ngu thì khiến sự việc ngược lại. Phật ví việc này như hai người bị phân dính vào áo. Người trí vừa thấy liền giặt. Người ngu tuy thấy mà không biết giặt. Người giặt thì áo liền sạch. Người không giặt thời nhơ uế càng tăng. Như vậy, được quả báo liền tay dù xấu hay tốt đều là dạng người trí hay có. Ngu hay trí nói đây cũng có thể xảy ra trên cùng một người. Người có tám phần trí hai phần ngu, người có bảy phần trí ba phần ngu v.v…

Làm việc gì mà gặp quả báo ngay, rất lợi ích cho mình. Vì nó giúp mình tin vào nhân quả nhiều hơn. Cái tin này mới kiên cố. Bởi mình đã có sự trải nghiệm, không chỉ do đọc học kinh sách mà tin. Niềm tin này khắc sâu trong tiềm thức, nên dù ra đời ở đâu, nó cũng là cái nhân khiến mình tự động tránh ác làm thiện, không cần phải đọc học kinh sách mới biết.

Ngày chưa tới thiền viện, chưa biết đến kinh sách, tôi đã biết cúng dường hay bố thí cho chư tăng và người nghèo. Vì mỗi lần cúng chùa hay cho người nghèo, công việc làm ăn của tôi trôi chảy. Thói quen đó khiến quan niệm «Cho ra mới có vô» hình thành trong đầu tôi. Dùng phương pháp qui nạp để hình thành nên một thuyết sống như thế chưa hẳn đúng. Nhưng trong trường hợp này, nó lại trùng với lý Nhân quả mà Phật đã chứng nghiệm bằng tuệ giác. Nhờ đó, khi đến với kinh luận, tôi có niềm tin kiên cố hơn.

Với việc bất thiện cũng như thế. Phật nói mình dùng lời ly gián người thì gia đình mình sẽ tan tác. Tôi không chỉ chứng nghiệm việc đó ở người chung quanh mà với chính bản thân mình. Cái miệng của mình, có khi còn kinh hơn dao găm, thuốc độc. Có, nói không có. Ít, nói cho nhiều. Nhiều, nói thành ít v.v… Mình nói, có khi vì cố tình muốn như thế, mà có khi chỉ vì cái tưởng của mình quá mạnh. Thành trong kinh Tăng Chi Bộ tập 3, phẩm Thánh Ngôn, Phật dạy về lời nói của bậc thánh như sau:

Có 8 thánh ngôn. Thế nào là tám?

1. Không thấy nói không thấy.

2. Không nghe nói không nghe.

3. Không nghĩ nói không nghĩ.

4. Không biết nói không biết.

5. Thấy nói thấy.

6. Nghe nói nghe.

7. Nghĩ nói nghĩ.

8. Biết nói biết.

Đó là những việc rất đơn giản, nhưng phải nói là khó làm, vì tâm mình hay quanh co, lại bị cái tưởng chi phối khá mạnh, nên thường trông gà hóa cuốc mà thành sai lệch.

Nhận được nhân quả xảy ra với người hay mình ngay trong hiện đời giúp mình dễ tỉnh giác, nên đó cũng là một trong các công đức của mình. Nhờ nó mình càng tiến tạo thiện nghiệp và dừng bớt các ác nghiệp.

III. LÀM GÌ KHIẾN QUẢ BÁO CHUYỂN?

Bồ-tát Sư Tử Hống bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Chúng sinh làm những gì khiến quả báo nhẹ lại thành quả báo nặng trong hiện đời? Làm những gì khiến quả báo địa ngục lại thành quả báo nhẹ trong hiện đời?

Hành thân, khẩu và ý thế nào mà quả báo tốt lại thành xấu, quả báo xấu lại thành tốt? 

Phật trả lời: Có hai hạng chúng sinh. Một là người trí, hai là người ngu. Nếu có thể tu tập thân, giới, tâm, tuệ nơi tâm, gọi là người trí. Nếu chẳng thể tu tập, gọi là người ngu

Đây là cách Phật chỉ cho chúng ta hóa giải những quả báo xấu của mình. Cũng là trả lời câu hỏi: «Làm những gì khiến quả báo địa ngục lại thành quả báo nhẹ trong hiện đời?».

Tu tập thân, là điều nhiếp năm căn. Năm căn, là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Điều nhiếp, là điều phục và thu nhiếp năm căn, không để nó tự do theo năm trần sắc, thanh, hương, vị, xúc.

Ăn món gì ngon, liền đút đầu ăn cho đến chết, là không tu thân. Nói chính xác là không điều phục thiệt căn (lưỡi). Người phát tâm tu Phật, phải tập dần việc chay lạt đơn giản. Không nên biện rằng: «Đâu phải ăn chay mới gọi tu». Ừ, ăn chay nhưng đủ duyên lại dối như cuội, lấy của người làm của mình v.v… thì không gọi là tu. Nên có khi ăn chay mà vẫn không tu. Nhưng muốn thành Phật mà tập nghiệp ăn mặn không trừ thì A-la-hán còn không có phần, nói là thành Phật.

Chuyện chay mặn này là đề tài rất nóng với giới trên mạng. Người nói «Tu thì phải ăn chay». Người cãi «Ăn mặn không có lỗi». Cãi qua cãi lại bất phân thắng bại. Không phân thắng bại cũng phải, bởi chay hay mặn không phải lỗi. Lỗi nằm ở hai chữ tập nghiệp, không phải ở việc chay mặn.

Sutasoma và Brahmadatta, là vương tử của nước Câu-lâu và Ba-la-nại. Lệ là trước khi thành quốc vương đều được gởi đến một vị danh sư để học pháp. Suta, chẳng bao lâu đạt đến tài năng giảng dạy, nhưng lại không muốn thăm hỏi các bạn khác nhiều mà chỉ chú ý đến Brahma, và trở thành thầy riêng của Brahma. Suta tiên đoán đại nạn sẽ xảy đến với Brahma trong tương lai, nên trước khi chia tay, Suta dặn dò tất cả:

- Sau khi chứng tỏ tài học của mình trước phụ vương, các vị sẽ ổn định đời sống của riêng mình. Khi ổn định xong, xin nhớ tuân lời giáo huấn của ta.

- Thưa Tôn sư, đó là lời giáo huấn gì?

- Vào những ngày trăng non và trăng tròn phải giữ giới Bồ-tát và không được sát sinh.

Các vương tử đều đồng ý tuân lời dặn ấy.

Vua Brahma chưa bao giờ ăn cơm mà không có thịt, vì thế để giữ ngày trai giới, quần hầu thường lấy thịt cất riêng một nơi. Do người đầu bếp bất cẩn, bầy chó của hoàng cung ăn hết. Người đầu bếp không thể tìm ra thịt vào lúc đó, nên phải lấy đỡ miếng thịt đùi của một người vừa chết, nướng thật chín và dọn lên làm thức ăn.

Khi lát thịt vừa chạm vào đầu lưỡi, toàn thân của Brahma rúng động. Đó là do tiền kiếp, vua đã từng là quỉ Dạ-xoa ăn thịt người. Ăn thịt người đã thành tập nghiệp ẩn sâu trong tiềm thức của Brahma. Giờ đủ duyên, tập ấy bùng phát. Vua quên hết những gì đã được học, mê mãi theo món thịt người, quên luôn lời dặn của Suta là không được sát sinh.

Vua ra lệnh cho đầu bếp bỏ hết tất cả các loại thịt khác, chỉ làm một món thịt người nướng cho mình ăn. Ban đầu, là thịt của hàng tù nhân. Sau thịt tù nhân không đủ cung cấp, vua và đầu bếp lập kế tìm đến thịt dân lành. Việc xảy ra liên tục, khiến dân chúng rúng động và cầu cứu lên tướng quân Kalahatthi. Sau nhiều tuần theo dõi, đầu bếp của vua bị bắt. Tướng quân biết việc vua ăn thịt người, ông ra sức khuyên nhủ nhưng vua nhất quyết không nghe. Vua bị tước vương quyền và đày ra sống ở bìa rừng. Theo sở nguyện, Brahma được giữ một thanh kiếm bên mình và ra đi cùng tay đầu bếp.

Sống trong rừng, ông tiếp tục gây nghiệp để tìm thức ăn cho mình. Khi người trong rừng hết, ông giết tên đầu bếp…

Việc đó cho thấy, cái đáng sợ không phải ở miếng ăn, mà ở tập nghiệp (thói quen) của mỗi người. Tập, là một chi phần của Tứ diệu đế đã nói trên, là căn nguyên khiến chúng sinh rơi vào đường khổ, cũng khiến chúng sinh không được giải thoát và niết bàn.

Thứ gì thuộc tập nghiệp (thói quen), nó sẽ có lực dẫn mình chạy. Huân càng sâu, lực nó càng mạnh. Nếu không đủ trí tuệ và định lực, khó có thể dừng được nó.

Đó là lý do vì sao ăn mặn không lỗi mà vẫn khuyên ăn chay. Là để hạn chế dần sự tham đắm mùi vị, để cắt đi nghiệp tập ăn mặn của chúng sinh. Đó là một cách tu thân, điều nhiếp năm căn, là pháp trợ thành cho việc giải thoát. Việc này coi thì đơn giản, nhưng không phải dễ làm với những căn cơ chưa thuần thục. Vì tật tham đắm mùi vị, thèm món này, thích món kia khiến ta không giữ được những gì mình đã đề ra. Nhập chay rồi, lại bày đủ thứ món ngon vật lạ để mà hưởng thụ. Nếu không đủ định lực để dừng, không đủ trí tuệ để chiếu soi, thì cứ theo đó mà đi, càng đi càng xa nguồn.

Trở lại chuyện của Brahma, ông được sinh ra trong hoàn cảnh vương quyền, lại được gặp Suta v.v… thì biết Brahma từng gây tạo nhân lành rất lớn. Nhưng do chưa đủ trí tuệ để thấy việc «rúng động toàn thân» ấy báo hiệu việc «ăn thịt người» là tập nghiệp của mình, nên thay vì phải dằn lòng từ bỏ, lại để cho tập nghiệp ấy dẫn chạy. Cũng vì có vương quyền nên ác nghiệp càng có điều kiện chồng chất. Mới thấy, có điều kiện thuận tiện để ăn các món ngon vật lạ chưa hẳn đã tốt. Không khéo, đó là cái họa của mình trong tương lai cũng nên. Người xưa nói: «Bệnh, từ miệng mà vào. Họa, từ miệng mà ra» là vậy.

Ngài Liêm Sứ ở Hồng Châu hỏi Mã Tổ:

- Uống rượu ăn thịt là nên hay không nên?

Mã Tổ trả lời:

- Uống rượu ăn thịt là cái lộc của ngài, không uống rượu ăn thịt là cái phước của ngài. 

Ăn hay không là quyền của mỗi người. Mã Tổ chỉ nói lên bản chất của sự việc để mỗi người tự lựa chọn. Phải gây được nhân lành đời trước, đời này mới có lộc để hưởng, muốn hưởng thì cứ hưởng, nhưng phải nhớ «không ăn thịt, uống rượu» mới là cái phước của mình. Nhân phước thì tương lai quả mới lành. Cho nên, hưởng lộc chớ hưởng quá tay mà thành họa. 

Bốn căn còn lại cứ theo đó mà suy. Căn cần chú ý nữa là tai. Nếu không điều nhiếp thì buông lung theo đàn ca xướng hát, tiếng khen, tiếng chê v.v... Tiếng khen thì khởi tâm thích thú, tiếng chê thì khởi tâm sân giận. Từ đó gây tạo nghiệp nhân bất thiện không ít.

Nếu không thọ trì 7 thứ tịnh giới thì không gọi là tu giới. Kinh nói tiếp: «Chẳng tu giới là, nếu thọ hạ giới chẳng gọi là tu giới. Thọ trì biên giới, hoặc là giới tự lợi hoặc là giới tự điều phục, không thể làm chúng sinh an lạc, không vì hộ trì chánh pháp vô thượng, vì sanh thiên thọ ngũ dục, thì không gọi là tu giới».

Hạ giới, là những giới gọi là thấp. Không phải y cứ vào số giới đã thọ mà nói là thấp hay không thấp, mà tùy vào mức độ thanh tịnh mình đang giữ được mà gọi là thấp hay không thấp. Như ngũ giới của phật tử tại gia, không giết người nhưng vẫn hại vật thì thuộc hạ giới. Giữ được tâm không sát với muôn loài thì không thuộc hạ giới. Giữ được tâm không sát với những bất thiện của người thì không thuộc hạ giới. Như giới dâm, phật tử tại gia có quyền có đời sống vợ chồng nhưng phải chung thủy. Giữ được như thế thì thuộc hạ giới. Nếu trong hình tướng vợ chồng, nhưng do tâm bồ đề hiển phát nên sống đời thanh tịnh, không chỉ trên tướng mà ngay ở tâm, thì giới tuy thấy thấp mà thật là không thấp.

Biên giới, chỉ cho những giới lệch một bên. Giới nào chỉ giúp tự điều phục và tự lợi, chỉ vì mong thích sinh cõi trời cõi người hưởng ngũ dục, không vì sự an lạc của tất cả chúng hữu tình, không vì quả bồ đề vô thượng, tức không mang đủ hai tính tự lợi và lợi tha thì gọi là « biên giới ».

Rơi vào « biên giới » và « hạ giới » thì không gọi là thọ giới. Nói chính xác là không thọ đúng loại giới đủ để chuyển đi các nghiệp xấu nặng. Vì thế, nếu thấy phóng sinh nhiều, cúng dường nhiều v.v… mà nghiệp vẫn thấy không chuyển, cứ kéo đến làm khổ mình, thì biết mình dùng thuốc chưa đúng.

Cũng một việc làm phước, nhưng tịnh tâm làm phước hồi hướng về đạo vô thượng đồng cứu khổ chúng sinh khác với làm phước để được danh lợi, được quả báo trời người. 

Không hiển 7 loại tịnh giới nhưng liệt kê những gì không thuộc 7 tịnh giới đó, thì có thể hiểu 7 loại tịnh giới này không ra ngoài giới của 7 chúng tì-kheo, tì-kheo ni v.v… và Tam tụ tịnh giới. 

Phật tử tại gia muốn chuyển được nghiệp xấu của mình thì ít nhất phải giữ được 5 giới ở mức độ thường mà mình đã thọ khi qui y. Giữ được, càng vi tế càng thanh tịnh thì ngoài việc góp phần vào việc chuyển nghiệp, nó còn khiến việc điều thân và điều tâm được dễ dàng. Nó cũng biểu hiện cho việc tu tuệ của mình bước đầu thành công. Kinh Niết Bàn tập 2, phẩm Sư Tử Hống nói: «Ở trong nghiệp ác, nếu không khéo giữ gìn tâm niệm, thì chẳng gọi là tu tuệ». Nói tu tuệ là phải giữ gìn các tâm niệm, nhất là tâm niệm bất thiện. Để chúng biến thành hành động phạm giới rồi, chứng tỏ mình không có tu tuệ.

Vì chẳng điều tâm nên chẳng tu tâm. Tu tâm là điều phục tâm. Điều phục tâm có thô và tế:

. Không để niệm bất thiện hiện khởi trong tâm là điều tâm.

. Niệm bất thiện sinh rồi, không cho nó nối tiếp, là điều tâm.

. Với cảnh tham sân, nhiếp tâm không để phạm giới là điều tâm.

. Không để tâm tán loạn là điều tâm.

. Quán sát tâm niệm động chuyển lăn xăn, niệm niệm sinh diệt mau chóng như ánh chớp, thấy tâm niệm đó là cội gốc của sinh tử v.v… là tu tâm. 

. Đầy đủ Thiền ba-la-mật là tu tâm.

Không tu tập thánh hạnh, gọi là không tu tuệ. Tu tuệ là phải tu tập thánh hạnh. Thánh hạnh, là hạnh của bậc thánh. Phải tu tuệ mới dứt được tâm si. Kinh nói: «Người không tu tuệ, thời không thể đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật». Đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật, là hạnh của bậc thánh.

Tu tuệ cũng có cạn sâu.

Đầu tiên, cần phân biệt rõ ràng pháp gì là thiện, pháp gì là bất thiện. Thiện thì làm. Bất thiện thì không. Thứ gì có tham sân đi liền trong đó thì không thiện. Thứ gì lợi mình hại người, cũng không thiện. Thứ gì không vì lợi ích chúng sinh mà vượt ngoài giới luật mình đã thọ cũng không thiện v.v…

Với người đã phân biệt thiện ác rõ ràng rồi, thì dùng phương tiện tu tập Chỉ Quán, Niệm Phật tam muội v.v… để phá đi trí phân biệt, giúp đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật. Đó là tu tuệ.

Tóm lại, muốn chuyển nghiệp xấu của mình nhất là những nghiệp đọa địa ngục như sát sinh, trộm cắp v.v… mà chỉ làm những việc ngoài da như phóng sinh, làm phước, bố thí, còn tịnh giới không giữ, các căn thả lỏng theo sáu trần, tâm không điều phục, tuệ cũng không tu, thì khó mà chuyển được các quả báo nặng. Cho nên, nếu mình thấy mình tu nhiều rồi mà sao báo xấu không chuyển, là do mình tu chưa đủ đô, hoặc mình chỉ mới làm phước, chưa phải tu. Muốn chuyển được các nghiệp nặng thì phải làm theo những gì kinh nói trên.

Ngài Giới Hiền ở chùa Na-lan-đà, có bệnh phong thấp nặng, thường bị đau nhức như trăm ngàn mũi dao đâm vào. Ngài chịu đựng mấy mươi năm. Sau chịu không nỗi, định nhịn ăn cho chết. Đêm đó, Hòa thượng bỗng thấy ba vị Bồ-tát Quan Âm, Di Lặc và Văn Thù hiện ra bảo rằng: «Phật dạy chán thân nhưng không bảo hủy thân. Ông do đời trước làm vị quốc vương đem binh đánh giết nhiều người, nay do công phu tu hành, tội kia đáng lý bị đọa nhưng chuyển lại thành bệnh hiện đời. Ông hãy nhẫn chịu, đợi ba năm sau có vị tăng từ Đông độ đến học pháp, ông chỉ dạy pháp Đại thừa cho vị ấy để truyền bá rộng thêm, bệnh ông sẽ hết». Ba năm sau, ngài Huyền Trang qua học pháp, từ đó bệnh của ngài Giới Hiền cũng hết.

Tùy mức độ tu hành của mình mà việc hóa giải nghiệp nạn theo đó có cạn sâu.

Sau là trả lời câu hỏi «Chúng sinh làm những gì khiến quả báo nhẹ hiện đời thành quả báo nặng?».

Này Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh nếu đủ 5 việc sau thời làm cho quả báo nhẹ hiện đời thành địa ngục:

1. Vì ngu si.
2. Vì căn lành kém ít.
3. Vì ác nghiệp sâu nặng.
4. Vì chẳng sám hối.
5. Vì chẳng tu nghiệp lành.

Đủ 5 việc, là nói 5 nhân duyên khiến chúng ta bị quả báo địa ngục: Do ngu si nên không biết Nhân quả chi phối thế gian này, không biết nhân nào cho ra quả nào, từ đó gây tạo ác nghiệp. Gây tạo ác nghiệp rồi lại không biết sám hốitu tạo các nghiệp lành, nên ác nghiệp ngày càng sâu nặng. Ác nghiệp càng sâu nặng thì căn lành càng kém ít. Đó là nhân duyên khiến chúng ta phải đọa địa ngục.

Có 5 việc khiến quả báo nhẹ hiện đời thành quả báo địa ngục:

1. Tu tập nghiệp ác.
2. Không giới đức.
3. Xa lìa căn lành.
4. Chẳng tu thân, giới, tâm, tuệ.
5. Gần gũi bạn ác.

Đây là 5 việc khiến cho những gì mình gặp phải ở hiện đời trở thành cái nhân của địa ngục. 

Trong đời quá khứ, dòng họ Thích của Phật Thích Ca sinh ra trong một hoàn cảnh hết sức đói nghèo, người phải ăn rễ cây mà sống, nên đa phần đều đến bắt cá ở một cái ao trong làng mà ăn.

Trong số cá bị giết ăn ấy có hai con cá cùng nhau thề nguyền sau sẽ trả thù khi có cơ hội.

Sau, vào thời đức Phật, một trong hai con cá ấy đầu thai thành con của vua Ba-tư-nặc và một nữ tỳ.

Nhân trong thành có một giảng đường vừa mới xây, dòng họ Thích bàn nhau trang hoàng để cúng dường Phật và chúng tăng. Thái tử Lưu Ly lúc ấy còn nhỏ, cùng bạn bè chạy chơi, vào ngồi ngay lên tòa sư tử. Cho thái tử chỉ là con của một nữ tì nên dòng họ Thích xúm lại mắng và xô đẩy khiến cậu bé té nhào. Uất hận, thái tử nhìn ra sau thấy con của một Phạm chí tên là Háo Khổ (hậu thân của con cá thứ hai), liền nói: «Sau này khi nào ta lên ngôi, cần nhắc ta trả mối hận này».

Câu nói khơi dậy lời thề nguyền ngày xưa ẩn sâu trong tiềm thức, nên ngày nào Háo Khổ cũng nhắc vua việc trả thù. Mỗi lần cầm quân đi đánh phá dòng họ Thích, gặp đức Thích Ca, vua Lưu Ly lại quay về. Song về đến cung, lại gặp Háo Khổ nhắc nhở mối thù. Sau vài lần, dòng họ Thích bị sát hại. Bảy ngày sau, vua Lưu Ly cũng bị nước cuốn trôi và đọa vào địa ngục.

Thời phong kiến, thân nữ tì luôn bị coi rẽ. Lưu Ly là thái tử, nhưng mẹ lại là một nữ tì, nên là cái duyên khiến người đời khinh miệt. Đó là quả báo nhẹ trong hiện đời. Nếu vua Lưu Ly biết đạo, tu thân, giới, tâm, tuệ, hoặc biết giữ giới đức không sát sinh thì dù bực bội cách mấy, cũng không dấy binh đi tàn sát dòng họ Thích, cũng không để những việc nhỏ nhặt kia làm dấy động cái nhân trả thù (mà do vô minh ông đã phát nguyện khi còn trong thân súc sinh), thì quả báo bị nước cuốn và đọa địa nguc không xảy ra. Lại, từ tiền kiếp đến hiện đời, do gần gũi bạn ác nên lòng thù hận không thể nguôi. Gặp Phật thì nguôi mà xa Phật thì lòng trả thù lại tăng lớn, nên mất hết phước báu hiện đời, kết cuộc thật bi thảm.[3]

Cho nên, trong đời có những nhân duyên có khi đã hình thành sâu đậm từ thời quá khứ, mà nếu không tỉnh, mình sẽ là tên đầy tớ của nghiệp, bị nó sai sử lôi kéo cho đến khi nghiệp báo hoàn tất rồi, mình mới tỉnh ra. Nói « tỉnh ra », với điều kiện mình đã biết đạo, không thì chưa chắc đã biết mà tỉnh. Không tỉnh thì nghiệp báo giống như bánh xe quay tròn, cứ nối nhau vay vay trả trả không biết ngày nào mới dứt. Oan oan tương báo không biết bao giờ mới thôi.

Phật dạy nhân quả, dạy giữ giới, nhẫn nhục, buông xả, thiền định, trí tuệ v.v… chính là đang giúp ta dừng đi vòng nhân quả luân hồi đó.

Lời thệ nguyện trả thù của mình có thể sẽ được thỏa mãn trong tương lai, nhưng nó cũng biến thành cái nhân khiến mình đọa địa ngục nếu những người mình muốn trả thù trong tiền kiếp, hiện đời lại là người giữ giới tu hành. Không thì cũng là cái nhân để oán thù nối tiếp mãi. Cho nên, hãy buông xả mọi ý niệm trả thù, sân hận v.v… đừng để nó lưu giữ trong tàng thức của mình, hiện tại đã khổ, tương lai còn khổ hơn.

Tha thứ cho người chính là đang giải thoát cho chính mình trong hiện tại và mai sau. 



[1] Phần tu thân, tu giới v.v… sẽ theo kinh, giải thích ở phần sau.

[2] Kinh Niết Bàn tập 1, phẩm Phạm Hạnh. HT Trí Tịnh dịch.

[3] Đây đang giải thích phần quả báo nhẹ thành quả báo địa ngục, nên chỉ bình ở phương diện này, không bình quả báo của dòng họ Thích.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2166)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8177)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3008)