8. Nhận Thức Chân Chính

27 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 17983)

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI
Nhà xuất bản Phương Đông 2011

8. Nhận thức chân chính

Thông minh nhân tạo.

Chuyên gia thông minh nhân tạo (AI; artificial intelligence) thường tìm cách lập trình (program) các máy tính để chúng tác động như có trí khôn. Đối với họ, thị giác, ngôn ngữ, người máy, hay toán học, tất cả chỉ là vấn đề thảo chương (programming). Họ thấy không cần biết thế nào là trí khôn và thế nào là thông hiểu. Họ gạt ra ngoài máy thông minh phần quan trọng nhất của máy là trí khôn hay trí thông minh! Thật ra, thông minh nhân tạo có thể chế biến thành nhiều sản phẩm lợi ích, nhưng không thể nào tạo lập được những máy thực sự thông minh.

Não bộ không thể ví như một máy tính vì máy tính và não bộ thành lập y trên những nguyên lý khác nhau. Một đàng là do lập chương trình, một đàng là tự học. Một đàng phải toàn hảo để hoàn tất công việc, một đàng mềm dẻo, chấp nhận khuyết điểm và sai lầm. Một đàng có trung tâm xử lý, một đàng không có sự điều khiển tập trung. Khác biệt kể ra còn dài dài. Thông minh nhân tạo thành lập đồng thời với các máy tính số tự (digital computer). Một trong những người khởi xướng khái niệm thông minh nhân tạo có ảnh hưởng nhiều nhất là Alan Turing, nhà toán học người Anh đã thuyết minh định lý kế toán vạn năng: ‘Tất cả máy tính đều tương đương trên căn bản luận lý dẫu được tạo lập theo bất cứ cách nào.’ Để chứng minh quan điểm trên ông tưởng tượng mọi máy tính vạn năng cần có ít nhất ba bộ phận thiết yếu: một hộp xử lý tương ứng với cái hiện nay gọi là bộ xử lý trung tâm (CPU: Central Processing Unit), một cuốn băng giấy làm bộ nhớ, và một thiết bị đọc và viết những dấu trên băng giấy khi cuốn băng chạy qua chạy lại trên máy. Turing dùng toán học chứng minh rằng nếu chọn một số tắc lệ chính đáng cho bộ xử lý và cung cấp máy tính một cuốn băng giấy dài vô tận thời máy có thể thực hiện bất kỳ tập hợp phép tính nào có thể xác định trong vũ trụ. Một máy tính như vậy gọi là máy vạn năng Turing. Định lý Turing về kế toán vạn năng đã dẫn khởi cuộc cách mạng máy tính. Hết thảy máy tính số tự đều tương đương trên phương diện luận lý.

Sau đó Turing xoay qua vấn đề làm thế nào để tạo lập một máy thông minh. Ông cảm nhận máy tính có thể có trí khôn. Mặc dầu ông không bao giờ định nghĩa rõ ràng “thông minh” hay “trí khôn” là gì, ông đề xướng một cách chứng minh sự hiện hữu của thông minh, nổi danh là phép thử nghiệm Turing: ‘Nếu một máy tính lừa được và khiến người thẩm vấn nó tưởng rằng nó cũng là một người thời máy tính ấy được định nghĩa là phải có trí khôn (thông minh).’ Từ đó, với thử nghiệm Turing làm thước đo và máy Turing làm môi vật, Turing giúp phát khởi ngành thông minh nhân tạo. Giáo điều chính yếu của ngành: ‘Não bộ chỉ là một thứ máy tính.’ Trù hoạch tạo lập một hệ trí khôn nhân tạo theo bất cứ cách nào là điều không quan trọng. Điều quan trọng là phải tạo thành một hệ thống có tập tính con người.

Phe chủ trương thông minh nhân tạo đối chiếu phép kế toán với sự suy tưởng. Cả hai phía đều vận dụng biểu tượng. Turing cho rằng vận dụng biểu tượng theo bất cứ cách nào, với một bộ máy răng cưa ăn khớp nhau, với một hệ chuyển mạch điện tử, hay với mạng lưới tế bào não, miễn môi vật tác dụng tương đương một máy vạn năng Turing là được.

Thêm vào đó, vào năm 1943 nhà thần kinh sinh lý học Warren McCulloch và nhà toán học Walter Pitts công bố kết quả nghiên cứu cho thấy các tế bào trong mạng lưới não tác dụng giống như các cổng logic (logical gates) trong các chip của máy tính. Theo hai ông, neuron có thể kết nối với nhau một cách chính xác để thực hiện những phép tính logic, chẳng hạn, các phép VÀ, BẤT, và HAY (and, not, và or). Vin vào kết quả nghiên cứu, phe chủ trương thông minh nhân tạo càng tin hơn vào giáo điều ‘não bộ chỉ là một thứ máy tính’ mà không đòi hỏi bằng chứng thực nghiệm sinh học, không thắc mắc các neuron kết nối nhau như thế nào để có thể thực hiện những phép tính logic như vậy.

Mặt khác, nửa đầu thế kỷ 20, thuyết tập tính (behaviorism) chiếm ưu thế trong ngành tâm lý học và góp phần hỗ trợ quan điểm triết học của thông minh nhân tạo. Theo thuyết này, không tài nào biết được những gì xảy ra trong não bộ. Não bộ được gọi là một hộp đen. Tuy nhiên, có thể quan sát và đo lường môi trường chung quanh con thú và tập tính của nó. Tức là những sự vật nó nhận biết và những hành vi nó tác động, những tín hiệu nó thu vào và những tín hiệu nó phát ra. Thuyết này công nhận não có cơ chế phản xạ (reflex mechanisms) có thể sử dụng như điều kiện buộc con thú phải thay đổi tập tính bằng cách thưởng hay phạt. Hiểu biết chừng ấy cũng đủ không cần nghiên cứu tìm hiểu thêm về não bộ, nhất là những hiện tượng phức tạp liên quan tới đói khát, sợ hãi, hay thế nào là thông hiểu (understanding).

Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, các máy tính số tự trở thành phổ dụng, các chuyên gia thông minh nhân tạo lăn xả vào công việc thảo chương (programming). Ban đầu, các chuyên gia thông minh nhân tạo rất phấn khởi vì lập được một chương trình thành công tìm ra những định lý toán học, nhưng xét kỹ thời toàn là những định lý đơn giản và được phát minh từ lâu. Lại có những chương trình thiết lập “hệ chuyên viên” (expert systems) tức cơ sở dữ liệu cất trữ những sự kiện khả dĩ đáp ứng câu hỏi của những người sử dụng. Chẳng hạn, một hệ chuyên viên y khoa có khả năng chẩn đoán nếu cho biết một số triệu chứng, nhưng khả năng ấy rất giới hạn, không nhu nhuyễn như trí khôn. Chương trình Deep Blue của IBM đấu chess và thắng nhà vô địch thế giới nổi tiếng Gary Kasparov, nhưng đó là do chuyển vận nhanh hơn nhiều triệu lần chứ không phải thông minh hơn con người. Nó chơi chess nhưng không hiểu chess là gì, giống như cái máy tính làm đủ phép toán mà không hiểu toán là gì.

Trong mọi trường hợp, những chương trình AI nếu thành công thời chỉ thành công hạn hẹp trong phạm vi riêng biệt nó được thiết lập. Giải quyết nhiều vấn đề AI lúc đầu tưởng dễ nhưng đến nay vẫn không thấy tiến bộ chút nào. Ngay bây giờ, không máy tính nào có thể hiểu ngôn ngữ rành bằng đứa bé lên ba hay nhìn thấy cảnh vật nhanh bằng một con chuột lắt. Sự thất bại của thông minh nhân tạo trông thấy rõ qua tin tức các hãng công nghệ AI đóng cửa và các khoa học gia chuyển sang nghiên cứu những ngành khác. Công trình phát minh máy tính vạn năng của Alan Turing quả thật rất hiển hách vì phát sinh cuộc cách mạng máy tính làm thay đổi thế giới toàn diện, nhưng không phải qua ngã thông minh nhân tạo.

Giáo sư triết học John Searle, Đại học California tại Berkeley, xác quyết máy tính không có và không thể có trí khôn. Vào năm 1980 ông nghĩ ra một thí nghiệm bằng trí tưởng tượng gọi là Phòng tiếng Hoa (Chinese Room). Đó là một căn phòng với duy nhất một đường hở trên một vách trong đó có một người nói tiếng Anh ngồi trước một cái bàn. Trên bàn là một quyển sách chỉ dẫn to bự và tất cả bút chì và giấy nháp có đủ cho người ấy cần đến. Lật các trang sách, thấy các chỉ dẫn bằng Anh ngữ chỉ rõ cách sử dụng, sắp xếp, và so sánh các chữ Hoa. Các chỉ dẫn không đả động đến ý nghĩa mà chỉ cho biết làm thế nào sao chép, tẩy xóa, sắp xếp lại thứ tự, chuyển dịch, vân vân các chữ Hoa.

Một người từ phía ngoài phòng nhét đẩy vào đường hở một mảnh giấy trên đó viết một câu chuyện và những câu hỏi liên can đến câu chuyện toàn bằng Hoa ngữ. Người ngồi trong phòng không nói và đọc được một chữ Hoa nào, cầm lấy mảnh giấy, và dùng sách chỉ dẫn để thi hành công việc. Áp dụng quy tắc này đến quy tắc khác, viết và xóa các chữ, người ấy chỉ ngưng lại khi sách chỉ dẫn cho y biết công việc đã hoàn tất. Cuối cùng y đã viết một trang giấy mới đầy chữ Hoa trong đó là những câu trả lời y không hiểu mảy may một chữ. Sách chỉ dẫn bảo y đưa trả lại trang giấy đó qua đường hở. Y tuân theo lệnh và hoang mang không hiểu vừa làm xong việc gì.

Ở ngoài phòng, một người Hoa đọc bản giấy và nhận xét các câu trả lời hoàn toàn đúng, có ý nghĩa sâu sắc. Nếu ai hỏi có phải một trí óc thông minh đã thông hiểu câu chuyện và trả lời các câu hỏi, thời người Hoa này không ngần ngại trả lời ‘Đúng thế.’ Câu trả lời của người Hoa này có đúng hay không? Ai là người thông hiểu câu chuyện? Chắc chắn không phải người nói tiếng Anh ngồi trong phòng. Cũng không phải quyển sách chỉ dẫn đặt trên bàn. Như thế thời sự thông hiểu xảy ra từ đâu? Searle cho rằng không có sự thông hiểu nào xảy ra. Đó chỉ là một số lần lật các trang sách chỉ dẫn qua lại và quào quẹt những nét bút chì.

Ông ví Phòng tiếng Hoa với một máy tính số tự. Người nói tiếng Anh ngồi trong phòng là bộ xử lý trung tâm và giấy nháp là bộ nhớ. Như vậy một máy tính mô phỏng trí khôn bằng cách tạo ra những tập tính như người được thành lập tài tình bao nhiêu đi nữa, máy đó vẫn không có thông hiểu và không có trí khôn. Đáng lưu ý: Searle nói rõ ông không biết trí khôn (thông minh) là gì; ông chỉ nói rằng trí khôn có thể bất kỳ là thứ gì, máy tính không có nó. Lẽ cố nhiên, thí nghiệm Phòng tiếng Hoa gây ra những cuộc tranh biện sôi nổi. Điều phải chấp nhận là sự thông hiểu không xảy ra ở bất cứ bộ phận nào của máy tính. Nhưng ‘thông hiểu’ là gì? Vấn đề thiết yếu là phải tìm cách định nghĩa thông hiểu như thế nào để có thể phân biệt được những khi một hệ thống có trí khôn (hệ thông minh) và khi không có, khi hệ thống thông hiểu và khi không thông hiểu. Tập tính của hệ thống không cho thấy biết những điều ấy. Thật ra, khi đọc một câu chuyện, ta đâu cần vận chuyển thi vi để thông hiểu. Ta có thể nằm yên đọc sách và mặc dầu không bày tỏ tập tính ra ngoài, ta biết có sự thông hiểu rõ ràng. Nếu ai hỏi có thông hiểu hay không thời sự thông hiểu của ta thực sự xảy ra khi đọc chứ không phải khi trả lời câu hỏi. Nói cách khác, không thể bằng vào tập tính bên ngoài mà đo lường sự thông hiểu ở bên trong.

Suốt nửa thế kỷ qua, bao nhiêu tâm lực và tài lực đổ dồn vào việc lập chương trình trí khôn đưa vào máy tính. Kết quả thực hiện là những bộ xử lý từ (word processor), những cơ sở dữ liệu (database), những trò chơi trên máy video (videogames), Internet, điện thoại di động (mobile phones), ... ... Nhưng tất cả thứ máy đó không có trí khôn. Con đường duy nhất để hiểu trí khôn là tìm trí khôn ở ngay trong con người nói chung, trong não bộ nói riêng, chứ không phải ở nơi máy tính.

 

Thông tin và Biểu tượng.

Thông minh nhân tạo là hiện thân của cái thuyết tánh biết gọi là thuyết “kế toán - ký hiệu” (computationalist- symbolic; cognitivism). Thuyết này giả thiết biết là xử lý các ký hiệu theo phương cách của một máy tính số tự. Nói cách khác, tánh biết là tâm lý biểu tượng (mental representation), nghĩa là, tâm thức vận hành bằng cách xử lý các ký hiệu biểu thị những nét đặc thù của thế giới hay biểu thị thế giới tồn tại theo một cách nào đó. Theo thuyết kế toán – ký hiệu, khảo sát tánh biết qua những tâm lý biểu tượng thời nhận ra được lĩnh vực đích thực của khoa học tánh biết. Như vậy, lĩnh vực của khoa học tánh biết độc lập với cả khoa sinh học thần kinh (neurobiology), lẫn khoa xã hội học và khoa nhân loại học (anthropology).

Hơn nữa, dùng máy tính mô hình tánh biết vấp phải hai khuyết điểm quan trọng. Khuyết điểm thứ nhất là “đường thắt nghẽn Von Neumann” (Von Neumann bottleneck) tức xử lý ký hiệu thông tin bắt buộc phải áp dụng một cách tuần tự các qui tắc kế toán, mỗi lúc một qui tắc mà thôi. Như thế, trong trường hợp gặp phải công việc cần số lớn kế toán theo trình tự như phân tích hình ảnh hay tiên đoán thời tiết, đường thắt nghẽn Von Neumann quả là một hạn chế bi đát. Khuyết điểm thứ hai là tính cách cục bộ của xử lý ký hiệu: sự mất mát hay trục trặc của bất kỳ phần nào của hệ thống lập tức gây trục trặc nghiêm trọng trong toàn bộ hệ thống. Hai khuyết điểm này không thấy có trong các hệ thống sinh học. Có những công việc tầm thường nhất đòi hỏi rất nhiều thời gian khi dùng máy tính thời được thực hiện trong chớp nhoáng bởi các cơ quan sinh học kể cả những côn trùng bé tí. Đặc biệt là tính đàn hồi (resilience) của não bộ chịu đựng thương tích và tính dễ uốn nắn của các giác quan điều chỉnh thích nghi với những thay đổi cấu trúc thường xuyên của môi trường.

Những khuyết điểm quan trọng trên thúc đẩy các nhà sinh học chuyên về tánh biết chuyển phương pháp nghiên cứu sang một hướng khác, thành lập một thuyết mới gọi là thuyết “kết nối – động lực” (connectionist-dynamic; connectionism). Thuyết này không bắt đầu bằng những ký hiệu và qui tắc vận dụng ký hiệu, mà bằng một số thành phần đơn được kết nối với nhau theo những định lý của thuyết mạng lưới phi tuyến tính (nonlinear networks), với tánh tự tổ chức (self-organization) và tánh xuất khởi (emergence). Thay vì lập trình máy tính, các chuyên gia tánh biết dùng máy tính mô phỏng các quan hệ tương tác của mạng lưới neuron biểu tượng hệ thần kinh hay não bộ và tìm cách khám phá những tính chất xuất khởi hay khả năng tổng hợp các cấu hình mới tùy theo kinh nghiệm.

Kế toán trên ký hiệu được thay thế bởi kế toán trên số, như sử dụng các phương trình vi phân trong các hệ động lực. Tâm thức trong thuyết kết nối – động lực không còn là một thiết bị nhập kiện xuất kiện (input-output device) xử lý thông tin mà là một mạng lưới xuất khởi và tự trị. Tuy nhiên, các quan hệ kết nối của mạng lưới vẫn biểu tượng hay tương ứng với những tính chất và biến cố của một thế giới sẵn có bên ngoài, giống như tâm lý biểu tượng trong thuyết kế toán - ký hiệu. Nói một cách dễ hiểu hơn thời cả hai thuyết đều xem hệ thần kinh như một khí cụ dùng thu nhận thông tin từ môi trường bên ngoài để thiết lập ở bên trong một biểu tượng thế giới nhằm nương vào đó mà ước tính hành vi thích đáng hầu tồn tại trong thế giới.

Marvin Minsky, một chuyên gia lỗi lạc về tánh biết, đã viết trong tập sách Society of Mind của ông: “Bất cứ lúc nào chúng ta nói đến tâm thức là chúng ta đang nói đến những quá trình chuyển biến bộ não của chúng ta từ trạng thái này sang trạng thái khác ... quan thiệp đến tâm thức là thật sự quan thiệp đến những quan hệ giữa những trạng thái, và điều này thực ra không liên can gì đến chính bản chất của các trạng thái.” Như vậy, phải hiểu các quan hệ ấy như thế nào? Chúng có cái gì khiến ta nghĩ rằng chúng giống tâm thức?

Thường câu trả lời là chúng ta tri nhận các quan hệ ấy bao hàm hay giá đỡ các biểu tượng môi trường. Tuy nhiên, nếu quan niệm tác dụng của các quá trình ấy biểu tượng một môi trường độc lập thời chúng ta quả đã chấp nhận rằng các quá trình ấy được điều động từ bên ngoài, rằng chúng phải được định nghĩa bằng những cơ cấu điều khiển từ bên ngoài. Thế là xem thông tin như một đại lượng có sẵn trước, hiện hữu độc lập trong thế giới, và có thể tác dụng truyền vào hệ thống tánh biết như nhập kiện. Nhập kiện này cung cấp những tiền đề sơ khởi hệ thống căn cứ vào đó mà tính toán xuất kiện, tính toán một hành vi. Nhưng làm thế nào định rõ được nhập kiện và xuất kiện đối với các hệ thống phức hợp thường xuyên tự tổ chức như não bộ? Quả có một dòng năng lượng tới lui, nhưng thông tin chấm dứt và hành vi bắt đầu ở điểm nào trong dòng?

Về vấn đề này, Minsky phát biểu rất chính xác: “Tại sao các quá trình khó phân lớp? Trước đây, thông thường chúng ta có thể lượng đoán cơ khí và quá trình bằng cách nhìn chúng biến đổi nguyên liệu thành sản phẩm như thế nào. Nhưng bây giờ hoàn toàn vô nghĩa nếu nói não sản xuất tư tưởng giống như nhà máy sản xuất xe hơi. Sự khác biệt ở đây là não bộ sử dụng những quá trình biến cải chính chúng, và như vậy có nghĩa là chúng ta không thể tách biệt những quá trình đó với sản phẩm chúng sản xuất. Nói riêng, não bộ thi thiết ký ức, điều này làm thay đổi đường lối suy tư kế khởi của chúng ta. Hoạt dụng chủ yếu của não là thi thiết những biến cải trong chính nó. Bởi tại toàn bộ khái niệm quá trình tự biến cải (self-modifying processes) rất mới đối với kinh nghiệm thông thường cho nên chúng ta không nên kỳ vọng vào sự hiểu biết thường thức để lượng đoán.”

Điểm đặc biệt trong đoạn phát biểu trên là không đả động đến bất kỳ khái niệm biểu tượng nào. Minsky không nói hoạt dụng chủ yếu của não là biểu tượng thế giới bên ngoài. Ông chỉ nói não thường xuyên tự biến cải. Như vậy, đâu là khái niệm biểu tượng?

Đây là một chỉ điểm về sự lìa bỏ ý tưởng có một thế giới độc lập ở bên ngoài và chuyển sang ý tưởng về một thế giới bất tương ly với cấu trúc của các quá trình tự biến cải. Sự thay đổi quan niệm như vậy không biểu thị chỉ một sự lựa chọn lập trường triết học. Nó phản ảnh sự cần thiết thông hiểu các hệ thống tánh biết không đặt cơ sở trên những quan hệ nhập kiện và xuất kiện mà trên tánh vận hành khép kín (operational closure). Một hệ thống vận hành khép kín là hệ thống trong đó kết quả các quá trình của nó chính là những quá trình đó. Vậy khái niệm vận hành khép kín là một cách xác định những lớp quá trình vận hành quay ngược lại chúng tạo thành những mạng lưới tự trị. Các mạng này không thuộc lớp hệ thống do cơ cấu bên ngoài điều khiển. Chúng thuộc lớp hệ thống do cơ cấu tự tổ chức bên trong xác định. Điểm quan trọng ở đây là những hệ thống như vậy thay vì biểu tượng một thế giới độc lập, chúng diễn xuất (enact) một thế giới như một cảnh giới khu biệt bất tương ly với cấu trúc nằm trong hệ tánh biết.

Ta có thể tìm hiểu ý nghĩa của khái niệm ‘quá trình tự biến cải’, ‘tự qui chiếu’, hay ‘vận hành khép kín’ trong hình ‘Tay vẽ tay’ (Drawing hands) của họa sĩ Hòa Lan M. C. Escher: tay này vẽ tay kia, thử hỏi tay nào là tay ‘thật’? đâu là nguồn gốc của quá trình?

 

 Tay vẽ tay. (Họa sĩ M. C. Escher)

Lý do nào khiến nên lìa bỏ ý tưởng về sự hiện hữu một thế giới với những nét đặc thù bản hữu hay thông tin sẵn có? Các nhà khoa học tánh biết từ lâu lâm vào một tình trạng hết sức khó xử vì một mặt nhất quyết tìm cho được một nền tảng cố định và bền vững làm căn cứ sở y cho thuyết tánh biết, nhưng mặt khác bất lực không tìm thấy một thế giới hoàn toàn độc lập, một nơi tánh biết phát sinh và nương tựa. Thế giới không phải là vật thể, biến cố, hay quá trình trong thế giới. Đúng hơn, thế giới có chiều giống như một bối cảnh, một bố trí và vận động trường cho tất cả động tác thi vi kinh nghiệm của chúng ta. Trong thực tế không thể nào tìm thấy một thế giới riêng biệt tách khỏi cấu trúc, hành vi, và tánh biết của chúng ta. Bởi vậy bất kỳ điều gì chúng ta nói biết về thế giới cũng đồng thời nói cho chúng ta biết về chính chúng ta.

Theo logic căn bản của biểu tượng luận thời nền tảng của nhận thức (tánh biết) hoặc ở tại thế giới bên ngoài hoặc ở trong tâm thức. Phân tâm thức và thế giới thành hai đối cực, các nhà khoa học tánh biết thường xuyên băng khoăng đong đưa giữa hai cực chủ quan và khách quan. Trong trường hợp nhận biết không thể thông hiểu thấu suốt thế giới, tất nhiên phải chối bỏ ý tưởng tìm kiếm nền tảng ở bên ngoài. Thuyết “kết nối – động lực” hướng về biểu tượng nội tại để tìm một nền tảng bền vững trong đó. Đây là trường hợp tâm thức được ví với mặt gương phản chiếu thiên nhiên và đối tượng của cái biết là một thế giới độc lập, có sẵn. Như thế, phép biểu tượng được sử dụng để phát hiện lại một thế giới có sẵn ở bên ngoài. Trong trường hợp này tính chính xác của nhận thức tùy thuộc tính chính xác của biểu tượng. Nếu không thể xác định tính chính xác của biểu tượng, điều kiện này không thỏa mãn, và chỉ còn cách trở về tìm một nền tảng nội tại ở ngay tự ngã của hệ thống nhận thức. Trên quan điểm lấy tự ngã làm trung tâm, tánh biết phóng chiếu thế giới của tự ngã, một thế giới có sẵn bên trong. Thực tại biểu hiện của cái thế giới phóng chiếu này phản ảnh những qui luật nội tại của hệ thống nhận thức. Tuy nhiên, như đã trình bày trên, thuyết “kết nối – động lực” chứng minh khái niệm tự ngã thật không cần thiết bằng cách khảo sát tánh biết (nhận thức) như một hiện tượng xuất khởi từ các mạng lưới tự tổ chức và phân bố.

Thời đại Phật giáo Nguyên thủy tuy chưa có các khái niệm khoa học như vòng hồi dưỡng (feedback loops), tánh xuất khởi (emergence) và chưa có khoa logic hình thức để biểu diễn tánh tự qui chiếu (self-reference), tánh tự tổ chức (self-organization), nhưng đã diễn tả tánh xuất khởi bằng cách sử dụng những quá trình vừa nhân vừa quả. Chẳng hạn, “căn, cảnh, thức; ba sự hòa hiệp xúc”. Xúc có thể xem như một quá trình nhân quả đồng thời. Thật vậy, xúc là nhân hội tập ba thành phần: một trong sáu căn, cảnh tâm hay vật là phần sở duyên, và thức tương ứng với căn cảnh là phần năng duyên. Xúc cũng là quả do quá trình hội tập ấy phát sinh, một duyên khởi do sự hòa hiệp hay sự tương hợp của ba thành phần ấy. Sự tương hợp này không phải là tính chất của từng thành phần, căn, cảnh, hay thức, mà là một tính chất của các quá trình tương tác giữa ba thành phần ấy. Nói cách khác, nó là một tính chất xuất khởi.

Tính chất xuất khởi “thức chuyển” cũng được Pháp tướng tông nêu ra trong bài kệ: “Chủng tử sinh hiện hành. Hiện hành huân chủng tử. Tam pháp triển chuyển. Nhân quả đồng thời.” Trên quan điểm đó, ngài An Huệ giải thích thức chuyển là nhân chuyển và quả chuyển phát sinh dị biệt và xảy ra đồng thời. Như thế, Phật giáo từ lâu đã khai triển khái niệm xuất khởi ở cả hai tầm mức: tầm mức (tương đối) toàn bộ của lý duyên khởi và tầm mức (tương đối) cục bộ của tâm sở biến hành xúc, rất cần thiết trong phân tích tìm hiểu sự phát khởi kinh nghiệm vô ngã.

Theo thuật ngữ Phật giáo, khăng khăng tìm kiếm nền tảng ở bên trong và ở bên ngoài chính là thái độ chấp ngã và chấp pháp, căn nguyên phát sinh hai trọng chướng, chướng phiền não và chướng sở tri. “Do nhận thức chân chính mà hai trọng chướng được đoạn trừ. Bởi vì, do chấp ngã và chấp pháp mà hai chướng cùng phát sinh. Nếu chứng hai Không (ngã Không và pháp Không) các chướng ấy tùy theo đó mà bị đoạn trừ. Do đoạn trừ các chướng mà đắc hai quả vị thù thắng. Do đoạn phiền não chướng vốn dẫn đến tái sinh mà chứng chân giải thoát. Do đoạn sở tri chướng vốn cản ngại nhận thức mà đắc đại Bồ đề.” (Luận Thành Duy thức. Tuệ Sỹ dịch Việt).

Như trình bày trên, nhận thức chưa phải là chân chính nếu do chấp ngã chấp pháp mà hiểu nhận thức theo thuyết kế toán – ký hiệu là xử lý thông tin hay theo thuyết kết nối – động lực, là sự xuất khởi những trạng thái toàn bộ trong một mạng lưới gồm những thành phần đơn. Trong sách Nhận thức và Không tánh, tác giả đã có dịp trình bày trong bài Sinh mệnh tức Không một thuyết thứ ba về tánh biết tựa trên ý tưởng một thế giới bất tương ly với cấu trúc các quá trình tự biến cải của hệ thần kinh và quan niệm tâm thức là một mạng lưới các quan hệ, xuất khởi và tự trị. Thuyết này xác quyết tánh biết hay quá trình nhận thức (process of knowing) và quá trình sống (process of living) chỉ là một. Nay xin nhắc lại dưới đây để có dịp bổ túc.

Nhận thức là hóa thân tác động.

Mở đầu tập Chánh lý nhất trích luận (Nyāya-bindu), để minh định mục đích và phạm vi của khoa nhận thức và luận lý do Ngài chủ trương, Pháp Xứng (Dharmakīrti) nói: “Mọi hành động thành công là nhờ trước đó nhận thức chân chính. Vì vậy chúng ta bắt đầu khảo sát điều đó.” Như vậy, nhận thức luận Phật giáo chú trọng khảo sát những tác dụng và hành động phát hiện trong mối quan hệ giữa nhận thức và đối tượng nhận thức. Trong chiều hướng đó, Francisco J. Varela (1946-2001), nhà sinh học thần kinh lỗi lạc rất thâm ngộ giáo lý Phật, định nghĩa tánh biết là tác động của hóa thân (cognition as embodied action). Ông giải thích: “Khi dùng từ “hóa thân” (embodied) chúng tôi muốn làm sáng tỏ hai điểm: một, tánh biết tùy thuộc những kinh nghiệm đến từ sự sở hữu một cái thân thể với nhiều khả năng cảm giác vận động (sensorimotor capacities), và hai, những khả năng cảm giác vận động cá biệt này kết nhập trong một tình huống (context) sinh học, tâm lý học, và văn hóa bao dung hơn. Khi dùng từ “tác động” (action) chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng các quá trình cấu phần của tánh biết, cảm giác và vận động, nhận thức và hành động, trong căn bản không thể phân cách. Quả vậy, hai quá trình ấy chẳng những bất tương ly trong cá thể, chúng còn cùng nhau tiến hóa.”

Nói đến khả năng cảm giác vận động tức nói đến chức năng của hệ thần kinh, nói đến nét đặc thù của sự kết nối và tương tác giữa các tế bào thần kinh (neuron). Xuyên qua các sợi trục (axon) duỗi dài và lan rộng khắp thân thể, các xung động được neuron truyền hỏa tốc đến các diện tiếp hợp (synapse), cấu trúc liên kết giữa hai neuron hoặc giữa neuron với diện vận động (tên gọi chung tế bào cơ), hoặc giữa neuron với diện cảm giác (tên gọi chung tế bào cảm giác). Diện tiếp hợp là nơi các nhóm tế bào cách xa nhau trao đổi ảnh hưởng của chúng qua lại hai chiều.

Mỗi mẫu hình hoạt tính của một số nhóm neuron vận động (motoneuron; neuron kết nối với cơ) sản xuất một biến chuyển trạng thái vận động. Mặt khác, hoạt tính vận động ấy phát sinh rất nhiều thay đổi trong các tế bào cảm giác ở trong các bắp thịt, trong những phần khác của thân thể, và trên những bề mặt tiếp xúc với môi trường, cũng như trong các neuron vận động. Những diễn biến nhu vậy xảy ra trong một quá trình bắt nguồn từ những thay đổi trong mạng lưới kết nối các neuron trung gian (interneuron) với các diện cảm giác và vận động. Vì mạng này có vô số khả hữu trạng thái vận động cho nên sinh vật có vô số khả hữu tập tính. Do đó, các diện cảm giác và vận động được hệ thần kinh liên tục móc nối qua trung gian một mạng neuron có vô số mẫu hình hoạt tính.

Thí dụ con người, có chừng một trăm tỉ (số 1 đèo theo 11 zero) neuron trung gian kết nối chừng một triệu neuron vận động, những neuron vận động này kích động vài ngàn cơ (bắp thịt), với chừng mười triệu tế bào cảm giác phân bố thành các diện nhận cảm khắp thân thể. Đứng giữa các neuron vận động và cảm giác, bộ não giống như một khối khổng lồ các neuron trung gian kết nối chúng lại (với tỉ lệ 10:100 000:1) thành một hệ động lực chuyển biến không ngừng.

Hãy lưu ý đến cái cách gọi là “kết nối tái nhập” (reentrant connections) hay “tái nhập” (reentry) là cách não kết nối hai chiều các neuron và tế bào các kiểu. Ta có thể xem tái nhập là một qui luật cấu tạo não bộ: Nếu một vùng A nối kết với một vùng khác, B, thời B cũng nối kết với A, nhưng bằng một con đường giải phẫu học khác. Trong trường hợp con mắt chẳng hạn, các xung động được truyền từ võng mạc đến vùng nhận cảm sơ cấp là đồi thị (thalamus; khâu não), gọi đồi thị là A. Các xung động được A tiếp nhận và chuyển đến vỏ thị giác (visual cortex), gọi đó là B, và đến những vùng khác của vỏ não. Theo qui luật cấu tạo não bộ, ngược chiều với những kết nối từ đồi thị A đến vỏ thị giác B, có những kết nối từ vỏ thị giác B đến đồi thị A và số kết nối này nhiều hơn gấp bội.

Trong não, những mạng gọi là vùng chức năng (functional areas) gồm nhiều mạch dây thần kinh kết nối hai chiều ngắn đường hay dài đường tạo thành một cơ sở truyền chuyển các thế tác động (action potential). Các vùng chức năng đại để có hai dạng cấu trúc. Một là cấu trúc tằng hệ chia nhánh (branching hierarchy), có nhiều tầng, khai triển với thời gian thành những mạng lưới tương tức theo bề dọc. Hai là cấu trúc song song (in parallel) liên hợp các vùng ở trong chi nhánh các tầng và tạo thành những mạng lưới hỗ tương nhiếp nhập triển khai rộng trong không gian theo bề ngang.

Tái nhập là sự trao đổi thế tác động tái diễn giữa các vùng chức năng theo cả hai bề, bề dọc qua những tầng lớp chồng chập và bề ngang qua các vùng liên hợp song song. Tác dụng của tái nhập là phối hợp hoạt dụng của những vùng chức năng khác nhau trong không gian và thời gian. Khác với hồi tiếp (feedback), tái nhập không phải là một sự truyền chuyển theo trình tự một tín hiệu báo sai trong một vòng đơn. Tái nhập bao hàm rất nhiều lộ trình hai chiều ghép song song qua các vùng liên hợp song song và không có nhiệm vụ điều chỉnh sửa sai như các vòng hồi tiếp. Kết quả của quá trình động lực tái nhập là đồng bộ hóa (synchronization) hết thảy mọi hoạt dụng của các nhóm neuron phân bố lan rộng khắp thân thể. Quá trình ấy liên kết những hoạt dụng tách rời thành những mạch có khả năng phát khởi những biến cố nhất trí và đồng bộ.

Do tái nhập, quan hệ xoay quanh “tay vẽ tay” giữa nhận thức và hành động, cho nên mặc dầu chúng ta biết rõ những quá trình tạo nhận thức can hệ sự cấu thành con người chúng ta, hoạt tính và hành động của chúng ta, chúng ta vẫn phải sử dụng chúng để tìm hiểu chúng ta nhận thức như thế nào. Thật ra không có cách nào khác bởi vì mọi hành vi của chúng ta đều bất tương ly với kinh nghiệm của chúng ta về thế giới. Quan hệ xoay quanh giữa nhận thức và hành động, tánh bất khả phân giữa cái thể trong đương thời và cách thức thế giới hiện ra đối với đương thể khiến ta phải nghĩ rằng mọi hành động nhận thức đều tác dụng dựng khởi (to bring forth) một thế giới. Quan điểm nhận thức dựng khởi một thế giới, một thế giới xuất khởi từ quá trình động lực tái nhập cảm giác vận động, Varela gọi là quan điểm diễn xuất (enaction) và thuyết tánh biết ông đề xướng gọi là thuyết diễn xuất. Cương yếu có thể tóm lược trong hai điểm chính. Một, nhận thức là hành động được cảm giác hướng dẫn. Hai, cấu trúc nhận thức xuất khởi từ những mẫu hình cảm giác vận động tái diễn (recurrent sensorimotor patterns) từ đó hành động được cảm giác hướng dẫn.

Thế nào là hành động được cảm giác hướng dẫn? Vấn đề ở đây là khảo sát làm thế nào chủ thể nhận thức có thể hướng dẫn hành động trong hoàn cảnh cục bộ của nó. Do hoạt tính của chủ thể hoàn cảnh cục bộ thường xuyên biến chuyển, bởi vậy điểm quy chiếu để thông hiểu nhận thức không còn là một thế giới có sẵn, độc lập với chủ thể nhận thức, mà là cách thức hệ thần kinh kết nối các diện cảm giác và vận động, tạo nên cái gọi là cấu trúc cảm giác vận động của chủ thể nhận thức. Cấu trúc này tức là cái hình thù vật lý hóa thân của chủ thể nhận thức, chứ không phải một thế giới nào đó có sẵn, quyết định chủ thể nhận thức có thể tác động và bị điều biến bởi biến cố ngoại cảnh như thế nào. Như vậy thuyết diễn xuất tìm cách xác định những kết nối theo qui luật hai diện cảm giác và vận động, rồi nương đó mà giải thích làm sao hành động có thể được cảm giác hướng dẫn trong một thế giới tùy thuộc chủ thể nhận thức.

Về vấn đề hành động cảm giác hướng dẫn triết gia Merleau-Ponty đã viết như sau trong tập sách Cấu trúc của Tập tính (The Structure of Behavior) của ông:

“Tính chất của đối tượng và ý hướng của chủ thể... không chỉ trộn lẫn nhau, chúng còn tạo thành một toàn thể mới. Khi mắt và tai theo dõi một con vật đang bay, không thể nói ‘cái này bắt đầu trước’, trong sự trao đổi kích thích và phản ứng. Vì hết thảy mọi vận động của sinh vật đều luôn luôn bị chế ước bởi ảnh hưởng bên ngoài, ta có thể, nếu ta muốn, xem vận động như hiệu quả của môi trường. Ngược lại cũng vậy, vì các kích thích quấy nhiễu sinh vật phải theo thứ tự đến sau những vận động của sinh vật cuối cùng đưa ra những cơ quan cảm thọ đón nhận ảnh hưởng bên ngoài, nên ta cũng có thể nói vận động là nhân đầu tiên của tất cả các kích thích.

Như vậy chính sinh vật tạo nên cái dạng của tác nhân kích thích do đón nhận tác động của bên ngoài theo cách thích đáng của nó. Muốn tồn tại chắc chắn sinh vật phải đụng độ với một số tác nhân vật lý và hóa học trong môi trường bao quanh. Nhưng tùy thuận bản chất đáp ứng của các cơ quan nhận cảm, ngưỡng phản ứng của các trung tâm thần kinh, và những vận chuyển của các cơ quan, sinh vật đích thân chọn lọc những kích thích nào trong thế giới vật lý mà nó nhạy cảm và phản ứng. Môi trường (Umwelt) xuất khởi từ thế giới xuyên qua sự đương hiện của sinh vật. Lẽ cố nhiên sinh vật có thể tồn tại chỉ nếu nó thành tựu tìm được trong thế giới một môi trường tương thích.”

Quá trình nhận thức không chỉ kết nhập trong và ức chế bởi thế giới bao quanh, mà còn dự phần dựng khởi cái thế giới bao quanh đó. Như Merleau-Ponty đã nói, sinh vật vừa phát khởi vừa được nặn thành bởi môi trường. Bởi thế sinh vật và môi trường ràng buộc với nhau, xác định và chọn lọc lẫn nhau.

Bây giờ hãy bàn đến biến cố cấu trúc nhận thức xuất khởi từ những mẫu hình cảm giác vận động tái diễn (recurrent sensorimotor patterns) từ đó hành động được cảm giác hướng dẫn. Tiên phong nghiên cứu vấn đề này là Jean Piaget, nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ. Ông đưa ra một chương trình gọi là ‘Phát triển nhận thức luận’ (Genetic epistemology) tìm cách giải thích sự phát triển của một đứa bé từ khi mới sinh ra là một sinh vật non nớt cho đến khi thành người lớn biết đắn đo suy nghĩ. Đứa bé bắt đầu với hệ cảm giác vận động của nó, và Piaget muốn hiểu làm thế nào thông minh cảm giác vận động tiến hóa trở thành ý thức một thế giới ở ngoài đó với những vật thể thường tồn trong không gian và thời gian và ý thức được nó vừa là một vật thể trong số các vật thể, vừa là một tâm thức ở bên trong. Theo Piaget, đứa bé không chủ trương khách quan, không quan niệm lý tưởng, nó chỉ có hoạt tính. Ngay tác động đơn giản nhất của đứa bé để tri nhận một vật thể chỉ có thể giải thích bằng hoạt tính của nó mà thôi. Nương trên hoạt tính, đứa bé phải xây dựng toàn bộ cấu trúc với những qui luật và logic của thế giới hiện tượng. Đó là một thí dụ rõ sáng cho thấy cấu trúc nhận thức xuất khởi từ những mẫu hình tái diễn (Piaget bảo đó là phản ứng xoay quanh; circular reactions) của hoạt tính cảm giác vận động.

Thuyết diễn xuất bắt nguồn từ thuyết tự tổ chức (self-organization) của nhà thần kinh sinh học Humberto R. Maturana, Đại học Chí Lợi (University of Chile), Nam Mỹ. Ông khám phá hệ thần kinh không chỉ tự tổ chức mà còn luôn luôn tự qui chiếu (self-reference). Do đó nhận thức không thể xem như biểu tượng một thực tại ở bên ngoài, mà phải hiểu nhận thức là sáng tạo liên tục những quan hệ mới trong mạng thần kinh. Theo ông, nhận thức xác định (specify) một thế giới xuyên qua tiến trình tự tổ chức của hệ thần kinh. Tiến thêm một bước, ông xác quyết: “Các hệ thống sống là hệ thống nhận thức, và sống xem như một quá trình thời là một quá trình nhận thức. Phát biểu này đúng với hết thảy sinh vật, có hay không có một hệ thần kinh.” (Autopoiesis and Cognition. Maturana and Varela. 1980).

Hợp tác với học trò là Varela, Maturana quảng diễn khái niệm hệ thống tự tổ chức và tự qui chiếu lập thành thuyết liên tục tự tạo tự sinh (autopoiesis). Thuyết này không chú trọng đến tính chất các thành phần mà chỉ chú trọng đến những quá trình và quan hệ giữa các quá trình thực hiện xuyên qua các thành phần. Lần đầu tiên trong khoa học hệ thống, hai khái niệm, tổ chức và cấu trúc, được phân biệt minh bạch. Tổ chức của một hệ sống là tập hợp tất cả quan hệ giữa các thành phần biểu trưng đặc tính của hệ, xác định thuộc một lớp nào đó. Như là một vi khuẩn, một cây hướng dương, một con mèo, hay một bộ não người. Mô tả tổ chức là mô tả trừu tượng các quan hệ, không nói đến thành phần. Tánh tự tạo tự sinh được xem là một mẫu hình tổ chức tổng quát, chung cho hết thảy mọi hệ sống, bất cứ thể trạng các thành phần như thế nào.

Cấu trúc của một hệ sống, ngược lại, là gồm những quan hệ đương thời giữa các thành phần vật lý. Nói cách khác, cấu trúc của hệ là hình thù vật lý hóa thân của tổ chức của hệ. Tổ chức của hệ được nhấn mạnh là độc lập với tính chất của các thành phần, do đó với nhiều loại thành phần khác nhau bất kỳ một tổ chức nào cũng có thể hóa thân nhiều cách khác nhau. Cấu trúc con người là một cấu trúc tiêu tán (dissipative structure), bền vững xa vị trí cân bằng. Quá trình liên tục hóa thân của mẫu hình tổ chức tự tạo tự sinh trong một cấu trúc tiêu tán gọi là quá trình sống, được đồng hóa với quá trình nhận thức tức tánh biết.

Mẫu hình tự tạo tự sinh được định nghĩa là một mạng lưới gồm các quá trình sản xuất trong đó chức năng của mỗi thành phần là tham gia sản xuất hay biến chuyển các thành phần khác của hệ. Theo cách đó, toàn thể mạng lưới liên tục tự tạo tự sinh. Mạng là do các thành phần sản xuất và các thành phần ấy là sản phẩm của mạng. Như vậy, trong một hệ sống, sản phẩm của sự vận hành của hệ chính là tổ chức của hệ. Theo Maturana và Varela, khái niệm liên tục tự tạo tự sinh là điều kiện cần và đủ để biểu trưng đặc tính tổ chức của các hệ sống. Do tự tạo tự sinh mỗi sinh vật là một đơn vị tự trị, một cá thể tự trị. Do những tương tác tái diễn (recurrent interactions), những nhiễu loạn qua lại (reciprocal perturbations) giữa cá thể và môi trường, cấu trúc của cá thể thay đổi để thích nghi với cấu trúc của môi trường.

Chừng nào một đơn vị không bị hủy diệt bởi tương tác với môi trường, thời thế nào ta cũng ghi nhận có một sự hỗ tương thích nghi giữa cấu trúc của môi trường và cấu trúc của đơn vị. Chừng nào có một sự hỗ tương thích nghi như vậy, thời môi trường và đơn vị tương tác như những nguồn quấy nhiễu lẫn nhau, phía này kích khởi phía kia thay đổi trạng thái. Kết quả là một lịch sử tương tác tái diễn nhằm điều hợp cấu trúc của cá thể với cấu trúc của môi trường. Một quá trình tiến hành như vậy gọi là móc nối cấu trúc (structural coupling) và lịch sử thay đổi cấu trúc mà giữ nguyên vẹn tổ chức của một cá thể gọi là sự phát triển cá thể (ontogeny). Tánh thích nghi của sinh vật với môi trường là một kết quả của móc nối cấu trúc của sinh vật với môi trường. Như vậy, sự bảo trì tánh tự tạo tự sinh và tánh thích nghi là điều kiện cần để sinh vật tồn tại.

Đứng về phía sinh vật, một cá thể tự trị, môi trường chỉ châm mồi kích khởi biến đổi cấu trúc của cá thể chứ không chỉ định yếu tố nào phải biến đổi hay chỉ huy điều khiển sự biến đổi. Nói cách khác, những biến đổi cấu trúc của cá thể phát sinh là do nhiễu loạn đến từ những tương tác tái diễn, nhưng được xác định bởi cấu trúc của chính cá thể bị quấy nhiễu. Như vậy, cá thể không những xác định các thay đổi cấu trúc mà còn xác định những nhiễu loạn nào đến từ môi trường kích khởi những thay đổi cấu trúc đó. Đấy là điểm then chốt của thuyết diễn xuất. Chính những thay đổi cấu trúc của sinh vật cấu thành tác động nhận thức. Do xác định những nhiễu loạn đến từ bên ngoài kích khởi những thay đổi cấu trúc của nó, sinh vật ‘dựng khởi một thế giới’. Tánh biết như thế không phải là một biểu tượng của một thế giới độc lập có sẵn, mà là một sự dựng khởi liên tục một thế giới xuyên qua quá trình sống. Tương tác giữa một sinh vật và môi trường là những tương tác nhận thức, và ngay quá trình sống cũng là một quá trình nhận thức. Bởi vậy Maturana và Varela bảo: “Sống là biết”.

Tánh biết trong thuyết diễn xuất bao hàm toàn thể quá trình sống, bao gồm nhận thức, cảm xúc, và hành động, và không đòi hỏi phải có một bộ não và một hệ thần kinh. Ngay cả vi khuẩn cũng tri nhận một số đặc tính của môi trường. Chúng cảm giác các dòng hóa chất sai khác trong môi trường bao quanh, tìm tới chất đường và lìa xa acit. Chúng cảm giác và lánh xa nhiệt, chuyển tới gần hay lẩn tránh ánh sáng. Lại có một số vi khuẩn nhận ra từ trường. Như thế, ngay một vi khuẩn cũng dựng khởi một thế giới, một thế giới của ấm và lạnh, của các từ trường, và của các dòng hóa chất. Trong tất cả quá trình nhận thức ấy, không thể phân cách nhận thức và hành động. Vì các biến đổi cấu trúc và hành động liên hợp tùy thuộc cấu trúc của sinh vật cho nên Varela mô tả nhận thức là ‘hóa thân tác động’.

Thật vậy, nhận thức bao gồm hai hoạt dụng kết liên chặt chẽ với nhau: sự bảo trì liên tục tự tạo tự sinh và sự dựng khởi một thế giới. Mạng lưới sống với tánh lưu động và dễ uốn đáp ứng các nhiễu loạn hay ‘kích thích’ đến từ môi trường một cách rất đặc biệt. Toàn mạng lưới đáp ứng nhiễu loạn mà nó chọn lọc bằng cách bố trí lại mẫu hình kết nối của nó. Do đó, sinh vật chỉ đáp ứng một số rất bé kích thích. Hẳn chúng ta biết rằng chúng ta chỉ thấy hay nghe trong một dải tần số giới hạn, chúng ta thường không thấy biết những sự vật và biến cố ở chung quanh mà chúng ta không để ý, và mọi điều chúng ta biết đều bị chế ước bởi khung ý niệm và tình huống văn hóa của chúng ta.

Nói cách khác, có rất nhiều nhiễu loạn không làm thay đổi cấu trúc bởi tại chúng “lạ” đối với hệ thống. Do đó mỗi hệ sống dựng khởi thế giới riêng biệt của nó tùy thuộc cấu trúc riêng biệt của nó, như Varela phát biểu: “Tâm và thế giới đồng thời câu khởi.” Tâm đây là tánh biết. Tâm đây là quá trình sống. Tuy nhiên, xuyên qua sự hỗ tương móc nối cấu trúc, mỗi hệ sống cá biệt là thành phần của thế giới của các hệ sống cá biệt khác. Chúng hỗ tương giao thiệp và điều hợp hành động của nhau.

Tầm tương tác của một hệ sống với môi trường gọi là lãnh vực nhận thức (cognitive domain) của hệ. Các nghiên cứu mới nhất cho biết cảm xúc là một phần trọng yếu của lãnh vực này. Tỷ du: Khi phản ứng nổi giận thời toàn bộ mẫu hình của quá trình sinh lý, mặt đỏ, thở nhanh, rung lên, ..., thuộc lãnh vực nhận thức. Khi tánh phức hợp của hệ sống gia tăng thời lãnh vực nhận thức cũng gia tăng. Đặc biệt bộ não và hệ thần kinh gia tăng tầm hoạt dụng và sự biệt hóa của các móc nối cấu trúc là một sự bành trướng đầy ý nghĩa của lãnh vực nhận thức của sinh vật. Đến một mức phức hợp nào đó, sinh vật móc nối cấu trúc không chỉ với môi trường của nó, mà ngay cả với chính nó, và như thế, sinh vật dựng khởi không chỉ một thế giới ở bên ngoài, mà còn dựng khởi một thế giới ở bên trong. Trong con người sự dựng khởi một thế giới nội tại như vậy liên hệ mật thiết với ngôn ngữ, tư duy, và ý thức.

Theo thuyết diễn xuất, cái thế giới do quá trình sống của một sinh vật dựng khởi là một thế giới tùy thuộc cấu trúc của sinh vật. Vì các sinh vật cá biệt cùng một loài có cấu trúc ít nhiều giống nhau cho nên chúng dựng khởi những thế giới giống nhau. Hơn nữa, là người, chúng ta cùng chia xẻ một cảnh giới trừu tượng ngôn ngữ và tư tưởng xuyên qua đó chúng ta cùng nhau dựng khởi thế giới của chúng ta. Thuyết diễn xuất không chủ trương ngoài kia là hư vô từ đó vật chất được sáng tạo. Có một thế giới vật lý ngoài đó nhưng thế giới này không có nét đặc thù nào tiên thiên cả. Theo thuyết diễn xuất, không vật gì hiện hữu mà không tùy thuộc quá trình nhận thức. Không cấu trúc nào tồn tại một cách khách quan, không một khu vực nào có sẵn để ta vẽ một bản đồ. Bản đồ tự tạo tự sinh dựng khởi những nét đặc thù của khu vực.

Ta biết rằng chim và mèo nhìn cây khác với cách ta nhìn bởi ánh sáng chúng nhận thấy có dải tần số khác. Do đó, hình thù và cấu tạo của “cây” chúng dựng khởi khác với của “cây” ta dựng khởi. Khi ta nhìn một cây, ta không sáng chế thực tại. Nhưng cách ta miêu tả sự vật và nhận ra những mẫu hình từ vô số nhập kiện qua giác quan tùy thuộc thể chất của ta. Nói theo thuật ngữ của Maturana và Varela, cách ta móc nối cấu trúc với môi trường và từ đó cái thế giới ta dựng khởi tùy thuộc cấu trúc của ta.

Hằng ngày quen sử dụng hai khái niệm quen thuộc, biểu tượng và thông tin, ta khó chấp nhận chủ trương của thuyết diễn xuất bác bỏ hai khái niệm ấy cho là không thích hợp để giải thích quá trình nhận thức. Ký hiệu ngôn ngữ, nói hay viết, đều là biểu tượng của sự vật và ý tưởng. Ta thường xem những sự kiện như thời giờ trong ngày, báo cáo thời tiết, hay số điện thoại của một người thân là những mẩu thông tin thiết thực. Thời đại ta đang sống gọi là thời đại thông tin. Thế tại sao Maturana và Varela bảo là không có thông tin trong quá trình nhận thức? Sau đây là lời giải thích của Varela.

Trong mọi loài chỉ có người là nhận thức xuyên qua ngôn ngữ, suy tư trừu tượng, và ký hiệu khái niệm. Do khả năng trừu tượng hóa, một đặc tính của tâm thức, con người có thể và thường xuyên sử dụng những tâm lý biểu tượng, ký hiệu, và thông tin. Nhưng những thứ đó không biểu trưng đặc tính của quá trình nhận thức tổng quát chung cho hết thảy mọi loài sinh vật. Mặc dầu con người thường xuyên sử dụng tâm lý biểu tượng và thông tin, quá trình nhận thức của chúng ta không đặt cơ sở trên chúng.

Để thấy rõ vấn đề, hãy cứu xét ý nghĩa của từ ‘thông tin’. Theo hiểu biết thông thường, thông tin bề nào cũng sẵn có ở ngoài ấy chỉ cần não thu nhận chúng mà thôi. Thật ra, một mẩu thông tin thu nhận là một đại lượng, một tên gọi, hay một phát biểu ngắn được ta trừu xuất từ một toàn bộ mạng lưới các quan hệ, từ một tình huống khá ổn định, gán một ý nghĩa rút ra từ tình huống, và gọi đó là ‘thông tin’. Ta quá quen thuộc với những sự vật trừu tượng đó đến nổi tưởng rằng ý nghĩa của chúng ở ngay trong chúng chứ không phải kéo ra từ tình huống chúng được trừu xuất. Ví như ánh đèn màu đỏ có ý nghĩa ‘dừng lại’ chỉ đối với những tài xế có văn hóa và trình độ hiểu biết sống trong những cộng đồng quen sử dụng đèn lưu thông xanh đỏ ở các ngả ba đường, chứ đối với một người sinh sống ở núi rừng khi thấy đèn lưu thông màu đỏ trong thành phố họ không hiểu đó là dấu hiệu bảo phải dừng lại.

Sinh vật không thể tách rời môi trường vì chúng tương quan liên hệ xuyên qua sự hỗ tương xác định và chọn lọc. Sinh vật và môi trường đồng thời thu nhiếp và phóng khai lẫn nhau. Hay nói theo ngài Pháp Tạng, “Ở đây co rút là giản nở, giản nở chính là co rút. Vì sao vậy? Vì đồng nhất duyên khởi, không có tướng hai, nhị nguyên tính.” (Hoa nghiêm Nhất thừa giáo nghĩa phân tề chương. Tuệ Sỹ dịch) Môi trường của một sinh vật không phải là một cảnh giới vốn có mà do lịch sử móc nối cấu trúc của sinh vật ấy dựng khởi. Xây dựng tánh biết trên lịch sử móc nối cấu trúc, thuyết diễn xuất là Trung đạo, không chủ trương nhất nguyên hay nhị nguyên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn