Tôn Giả Tu Bồ Đề, Đệ Nhất Giải Không (Subhoti)

24 Tháng Ba 201100:00(Xem: 14256)

THANH TINH TÂM
Lê Sỹ Minh Tùng

Tôn Giả Tu Bồ Đề, Đệ Nhất Giải Không (Subhoti)

Triết lý thâm sâu của Đức Phật về sự hiện hữu của vũ trụ nhân sinh thật là bao la, đa dạng và không có giới hạn. Đức Phật đã dùng 22 năm trong suốt 49 năm hành đạo của Ngài để giảng dạy về cái đạo lý chân không của vũ trụ và thuyết giảng cái thật tướng, vô tướng của tất cả các pháp. Từ đó kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật được ra đời như là trung tâm điểm để giải thích tánh không của vũ trụ, mà Bát Nhã là trí tuệ để thấu hiểu về tánh không nầy.

Chữ “Không” rất huyền diệu, bởi vì khi nói “Có” thì chưa phải là “có”, còn nói”Không” thì chưa chắc là “không”. Vì sự khó hiểu về chữ “Không” nên Đức Phật đã khẳng định rằng nếu chúng sinh muốn được giác ngộ hoàn toàn thì phải có khả năng để nhận biết là “Thực tướng vô tướng và thực tánh vô tánh”. Phật dạy rằng bất cứ vật gì có sắc tướng thì cái đó có sự lừa dối, có nghĩa là cái đó không thật và biến đổi theo luật vô thường. Vậy chỉ khi nào chúng sanh thấy rõ vô tướng nơi các tướng thì chúng sinh sẽ thấy được Phật, tức là được giác ngộ rồi vậy. Cũng vì sự huyền diệu của chữ “Không” nên tuệ giác Bát Nhã không thể dùng ngôn thuyết và cũng chẳng thể dùng tâm tư để thấu triệt đạo lý đó được. Khi Đức Phật thuyết giảng cho 1250 vị đại A La Hán về tính không của vũ trụ thì chỉ có tôn giả Tu Bồ Đề là người duy nhất có thể hiểu rõ ý nghĩa của chữ “Không” nầy vì thế tôn giả mới xứng đáng với danh hiệu là đệ nhất giải không.

Thật ra đối với một nhân vật phi phàm như Tu Bồ Đề thì tôn giả đã có những điềm lành đặc biệt từ lúc sơ sanh. Khi Ngài vừa chào đời thì tất cả tài bảo, dụng cụ trong nhà của cha mẹ bỗng nhiên biến mất. Mọi người trong nhà đều lo sợ, vội mời thầy tướng đến xem. Nhà tướng số sau khi nghiên cứu kỹ càng quả quyết rằng:

- Đây là một điềm tốt vì trong nhà vừa sanh quý tử thì tiền bạc trong nhà đều trống trơn ngay khi cậu bé chào đời. Đó là biểu tượng cậu bé chính là đệ nhất giải không sau nầy. Chúng ta nên đặt tên cho cậu bé là Không Sanh. Điều nầy rất là đại cát đại lợi và tương lai chú bé sẽ không bị danh văn lợi dưỡng thế gian ràng buộc. Hoặc chúng ta có thể gọi chú bé là Thiện Cát cũng tốt lắm vậy. Lời nói của vị thầy tướng số làm an lòng mọi người, từ đó đứa bé được gọi là Không Sanh hay Thiện Cát. Đột nhiên ba ngày sau, tài bảo và dụng cụ trong nhà mới trở lại như trước. Đây quả là chuyện hy hữu xưa nay ít có.

Mặc dầu sanh trưởng trong gia đình giàu có và rất được cha mẹ cưng chiều, nhưng từ nhỏ Tu Bồ Đề đã không nô lệ vào tiền tài báu vật. Cha mẹ cho đồng nào, thì cậu đem bố thí cho những người nghèo khổ. Lạ lùng là khi đi đường mà gặp kẻ hành khất áo không kín thân thì cậu liền cởi áo của mình mà cho họ, chỉ mặc vỏn vẹn quần cụt về nhà.

Tuy cha mẹ không tiếc chút ít tiền của, nhưng với việc làm của cậu con yêu thường không bằng lòng nên kêu lại dạy dỗ:

- Không Sanh! Con làm như vậy không được. Tiền bạc có sẵn không kể lý do gì mà đem cho người và quần áo mặc trên người cũng cởi ra cho. Con để trần thân thể thật khó coi.

Tu Bồ Đề ôn hòa, cung kính thưa với song thân:

- Con chẳng biết vì sao trong tâm lại nghĩ rằng tất cả trên thế gian nầy rất quan hệ với con. Thân thể mọi người cũng như thân con. Khi sanh ra đã chẳng có áo quần thì trần trụi sao lại không tốt? Đem của mình cho người thì người và con sao lại không như nhau?

Nghe Tu Bồ Đề nói, cha mẹ tôn giả chẳng vui tí nào:

- Con chỉ là con nít mà thật kỳ cục. Có tiền không biết xài, quần áo chẳng quan tâm, còn lý luận gì đâu chẳng sợ người ta chê cười. Từ nay về sau nếu không sửa đổi thì cha mẹ sẽ nhốt trong nhà, không cho ra ngoài nữa. 

Cha mẹ nghiêm cấm mà Tu Bồ Đề chẳng thay đổi tâm tánh bố thí làm lành của mình nên bị cha mẹ giữ luôn trong nhà. Nhưng thật ra đây là điều tốt đẹp cho Tu Bồ Đề bởi vì nhờ không được đi ra ngoài nên mỗi ngày cậu bé tìm đọc và nghiền ngẫm những sách vở về triết học và tôn giáo của Ấn Độ đương thời. Do đó đối với vấn đề nhân sinh cậu bé có một sự hiểu biết rành rẽ. Cậu thường tự hào nói với cha mẹ:

- Tất cả sum la vạn tượng trên vũ trụ đều hiện rõ trong tâm con. Tâm con như hư không rỗng rang chẳng có chút gì. Nếu như trên thế gian nầy không có bậc thánh nhân đại trí đại giác thì ai có đủ tư cách để bàn luận với con về tâm cảnh của người giải thoát. Ai cũng không rõ được thế giới trong tâm con.

Lời nói tự đắc của chàng thanh niên Tu Bồ Đề làm cha mẹ liên tưởng đến việc kỳ lạ khi cậu mới sanh mà trong lòng thầm nghĩ con mình thật là lạ đời bởi vì người khác thường thì lời nói cũng kỳ lạ.


Quy Y Theo Phật

Một ngày nọ, trên đường hoằng dương đạo pháp, Đức Thế Tôn đến quê hương của Tu Bồ Đề. Dân chúng trong làng xôn xao bàn tán Phật Đà là bậc nhất thiết trí mà trên thế gian nầy không ai có thể sánh bằng. Đặc biệt là chính cha mẹ Tu Bồ Đề cũng theo dân làng quy y với Phật mà gia đình của Tu Bồ Đề chỉ có một truyền thống là tín ngưỡng Bà La Môn. Điều nầy làm cho Tu Bồ Đề thắc mắc không ít vì từ xưa tới giờ cha mẹ Tu Bồ Đề làm việc gì cũng tính toán cẩn thận thì tại sao hôm nay họ lại hồ đồ nghe lời dân làng mà cải đạo dễ dàng như vậy? Lần nầy đến lượt Tu Bồ Đề thấy cha mẹ mình hành động kỳ quái.

Một hôm phụ thân Tu Bồ Đề nói rằng:

- Không Sanh! Con thường tự cho mình rất có trí tuệ và đã thông chân lý nhân sanh, nhưng sánh với Đức Phật thì con còn kém xa. Đức Phật chẳng những có đại trí tuệ, mà cũng đại từ bi và đại thần thông. Từ khi Ngài quang lâm đến làng ta, người trong làng đều quy y với Ngài. Cha định thỉnh Đức Thế Tôn về nhà cúng dường và khi đứng trước mặt Ngài con nên bỏ tâm cuồng ngạo đi nhé.

Mặc dầu nghe phụ thân nói thế, nhưng trong tâm Tu Bồ Đề không phục chút nào, nên nói:

- Đối với con mắt mọi người, Phật Đà là bậc nhất thiết trí, nhưng đối với con, ông ấy chỉ là một người bình thường.

Tuy nói như vậy, nhưng chính Tu Bồ Đề tự thắc mắc Phật Đà là người thế nào và tại sao lại có sức mạnh thu hút quần chúng lớn lao như thế? Càng nghĩ, Tu Bồ Đề càng thắc mắc nên quyết định lén đi trước xem Đức Phật ra thế nào chớ không thể đợi Đức Phật đến nhà thọ trai mới tương kiến.

Chiều tối gió mát hiu hiu, trăng thanh thượng tuần lơ lửng trên không và muôn sao nhấp nháy như cười nhạo tính hiếu kỳ của Tu Bồ Đề. Khi Tu Bồ Đề đến nơi thì vừa lúc Đức Phật đang ngồi trên tòa cao thuyết pháp, bốn bên sáng lòa mà trước mặt là hàng vạn thính chúng quỳ rạp, nghe pháp. Quan sát kỹ thì thân Phật dường như phóng hào quang.

Tu Bồ Đề thầm nghĩ:

- Người ấy không giống người thường, dung nghi viên mãn, trang nghiêm và thần tướng của Phật đã vượt quá sức tưởng tượng của Tu Bồ Đề.

Giữa khung cảnh yên tĩnh chỉ có tiếng thuyết pháp của Phật trong khi ngàn vạn thính chúng chẳng dám thở mạnh. Phật dạy rằng:

- Thế gian nầy chẳng nên đấu tranh với nhau bởi vì mọi người đều là một thể nhưng xưa nay con người vốn không phân biệt được nhân ngã mà thôi. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, chẳng có vật nào độc lập mà tồn tại. Mình và vạn vật đã nương nhau để sống còn thì việc ban bố lòng thương và ân huệ cho chúng sanh khi mới nhìn thì giống như vì người nhưng thật ra đối với chính mình thì lợi ích còn lớn hơn.

Pháp âm của Thế Tôn rất từ hòa và đạo lý Ngài nói đó đã khiến Tu Bồ Đề cảm động. Tu Bồ Đề bèn lẫn vào trong thính chúng và len lén chấp tay bái Phật.

Phật thuyết pháp xong, trở về tịnh thất an nghĩ. Tu Bồ Đề cứ đứng đó bồn chồn trước cửa thất, muốn vào gặp Thế Tôn mà không dám.

Đức Phật đang ngồi thiền trong thất, quán thấy bèn ra gọi:

- Anh là ai? Hãy vào trong nầy nói chuyện với ta.

Không ngần ngại suy nghĩ gì nữa, Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:

- Con, Tu Bồ Đề, rất mong được Đức Thế Tôn thâu nhận con làm đồ đệ xuất gia.

Phật hỏi:

- À! Anh là Tu Bồ Đề. Ta từng nghe nói anh là người thông minh nhất trong làng. Rất tốt, người thông minh chân chính mới có thể chân chính tin hiểu và vâng theo Phật pháp. Cha mẹ anh biết không?

- Con nghĩ rằng cha mẹ con biết chắc chắn là rất vui mừng cho con được hân hạnh bái Phật Đà làm vị lão sư.

Đức Thế Tôn gật đầu hoan hỷ. Từ đó Tu Bồ Đề khoác áo cà sa và trở thành một đệ tử khác thường trong tăng chúng.



Khuất Thực Nhà Giàu Chớ Không Khuất Thực Nhà Nghèo

Sau khi xuất gia theo Phật, cuộc sống của Tu Bồ Đề bây giờ trở thành ba y một bát như tất cả các vị tỳ kheo khác. Mỗi sáng sớm tôn giả đi vào làng khuất thực và chiều đến thì theo Phật nghe pháp, tham thiền.

Chúng tỳ kheo mỗi ngày đi khuất thực đều tuân theo pháp chế của Phật, đó là theo thứ tự mà xin cho dù đi một mình hay đi với chúng tăng, bất luận nhà đó cho hay không thì họ phải tuần tự qua hết. Nhưng Tu Bồ Đề thì lối sinh hoạt khuất thực cũng không giống ai cả. Mỗi khi rời tịnh xá, tôn giả tách đường đi riêng. Với dáng đi oai nghi nghiêm chỉnh, tôn giả hướng về khu nhà giàu rảo bước an tường mà khuất thực. Ban đầu các tỳ kheo không lưu tâm đến việc ấy, nhưng lâu ngày họ mới phát giác hành động của tôn giả có vẻ lạ thường. Số là Tu Bồ Đề thích đến những nhà giàu có mà khuất thực, nếu đi qua khu nào thấy nhà cửa nhỏ hẹp hoặc nhà nào kinh tế nghèo cùng thì tôn giả không ôm bát đứng trước cửa. Cho dù là xa cách mấy, tôn giả cũng đi tìm nhà phú quý còn không thì thà để bụng đói chớ không đi khuất thực.

Một hôm, trong thành Tỳ Xá Ly có một vị tỳ kheo cười mỉm với tôn giả trên đường đi và nói:

- Nghèo khó thì ở ngay trước mặt cũng không ai hỏi thăm, giàu sang dù ở núi sâu cũng có người thân. Trong thành Tỳ Xá Ly nầy toàn là thương buôn phú hộ, chẳng biết hôm nay tôn giả chọn được nhà nào chưa?

Tu Bồ Đề nhìn vị tỳ kheo một cái rồi mới giải thích:

- Đại đức! Tôi chẳng phải không ưa người nghèo. Tôi cũng đích thật là một người bần cùng vậy. Thật ra thì tôi có phát nguyện chỉ đến nhà giàu mà xin, không đến nhà nghèo đưa bát. Đó là điều khổ tâm của tôi, xin đại đức lượng xét.

Vị tỳ kheo không mấy hài lòng, nói thêm:

- Tôn giả xin nhà giàu không xin nhà nghèo, mỗi ngày dinh dưỡng đầy đủ, không lạ gì mà thân thể mạnh khỏe như thế. Ngài nhìn lại xem có phải ngài béo tốt thế kia!

Tu Bồ Đề ôn hòa nhỏ nhẹ giải thích nguyên nhân chọn lựa sự khuất thực của mình:

- Đại đức! Xin đừng nói vậy. Tôi đến khuất thực nhà giàu, không phải vì tham thức ăn ngon. Còn như nếu tham ăn thì tôi đã không xuất gia học đạo. Đại đức có biết tại sao tôi không đến nhà nghèo không? Vì người cùng khổ, tự họ đã sinh sống khó khăn, đâu có dư dã thức ăn mà cúng dường cho chúng ta? Nếu bắt họ cố ý phát tâm thì cũng chỉ là lòng có dư mà sức không đủ. Chúng ta đã không có thức ăn để cứu tế họ, lẽ đâu lại thêm gánh nặng cho họ? Trái lại, chúng ta đến xin nhà giàu, họ bố thí chút thức ăn thì đối với họ chẳng nhằm gì. Cho nên tôi xin nhà giàu mà không xin nhà nghèo là vì vậy.

Tu Bồ Đề nói rõ quan niệm của mình thì vị tỳ kheo kia mới thôi không nói nữa.

Trong tăng đoàn, người có phong độ tương phản với Tu Bồ Đề là Đại Ca Diếp. Trong khi Tu Bồ Đề chỉ xin nhà giàu chẳng xin nhà nghèo, còn Đại Ca Diếp thì chỉ xin nhà nghèo chớ không đến nhà giàu. Tu Bồ Đề không hiểu rõ dụng tâm của Đại Ca Diếp nên nhân một buổi chuyện trò rảnh rỗi, mới hỏi:

- Tôn giả Đại Ca Diếp! Thái độ xin nhà nghèo của Ngài trái ngược với tôi. Tôi vô phép xin ngài nói cho biết nguyên nhân:

- Tôn giả Tu Bồ Đề! Chúng ta là sa môn xuất gia thì phải làm việc theo đạo lý, đó là phước điền của nhân gian. Chúng ta thọ sự cúng dường của họ là để giúp cho họ có cơ hội tăng trưởng phước huệ. Tôi đến nhà nghèo khuất thực là để tạo cơ hội cho họ gieo phước điền để trừ cái nhân nghèo khổ cho tương lai. Còn người giàu có thì họ đang hưởng nhiều phước đức, chúng ta cần gì thêm hoa thêm gấm.

Lời nói của Đại Ca Diếp một mặt thì giải thích cho việc làm của mình còn mặt kia thì đã kích hành động Tu Bồ Đề chỉ xin nhà giàu mà không xin nhà nghèo. Tu Bồ Đề nghe xong, chỉ gật đầu nhưng không đồng ý vì tôn giả không bắt buộc người khác phải giống mình, chỉ nói:

- Khuất bần, khuất phú đều là vì lợi ích cho chúng sinh. Thưa tôn giả! Phương tiện của Phật pháp rất nhiều, chúng ta mỗi người có thể tự làm theo đường lối riêng, kỳ thật đều là giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Thái độ khuất thực của Tu Bồ Đề và Đại Ca Diếp trở thành hai thái cực đối chọi nhau. Về sau Đức Phật biết được nên quở trách hai vị là cả hai không áp dụng đúng tinh thần bình đẳng của Phật giáo và cả hai hành động không hợp với phép khuất thực của đạo Phật.

Phật dạy:

- Phép khuất thực chơn chánh là không chọn lựa nghèo giàu, không chê dơ sạch và oai nghi nghiêm túc thứ tự mà hành khất.

Đại Ca Diếp cố chấp hơn nên sắc thái tu khổ hạnh đầu đà rất mạnh vì vậy tôn giả xưa nay không nguyện xả bỏ lối tu khổ hạnh nầy. Còn Tu Bồ Đề thì tánh tình rỗng rang do đó đối với lời chỉ thỉ của Phật thì y giáo phụng hành. Từ đó tôn giả sửa đổi thái độ khuất thực của mình. Luôn luôn cảm ân mà tiếp thọ lời chỉ giáo của Như Lai.



Ngộ Được Lý “Không” Của Bát Nhã

Từ khi gia nhập tăng đoàn, Tu Bồ Đề lúc nào cũng rất nhiệt tâm từ việc nghe pháp tu hành đến việc thay mặt Phật đi giáo hóa lợi sinh. Trong tất cả 16 hội và 4 nơi thuyết pháp Bát Nhã, nếu như không đi hoằng pháp thì tôn giả chưa từng vắng mặt.

Một hôm tại nước Xá Vệ thuộc tịnh xá Kỳ Viên, Phật và 1250 vị đại Tỳ kheo đều đắp y và mang bình bát vào thành theo thứ lớp khuất thực. Khuất thực xong, Phật và chư đệ tử đồng về tịnh xá để thọ trai. Sau đó, Đức Thế Tôn nhắm mắt tỉnh tọa và trong tăng chúng không ai dám hướng về Phật mà hỏi han gì cả.

Lúc ấy, Tu Bồ Đề ở trong đại chúng, vội đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, đảnh lễ Phật rồi cung kính hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Đệ tử chúng con đều biết Thế Tôn là bậc tối thiện nhiếp hộ chúng con, nhưng đối với hàng thiện nam thiện nữ đã phát tâm Bồ Đề thì làm thế nào để an trụ chơn tâm? Với những vọng niệm nhiễu loạn như thế thì làm sao có thể hàng phục vọng tâm? Xin Đức Thế Tôn từ bi vì đại chúng mà chỉ dạy.

Câu hỏi của Tu Bồ Đề làm Đức Phật rất hoan hỷ mà dạy rằng:

- Như muốn an trụ nơi tâm Bồ Đề và không bị vọng niệm quấy rối thì khi bố thí nên hành bố thí vô tướng, khi độ sanh nên thực hành độ sanh vô ngã. Nên y theo đó mà an trụ chơn tâm và y theo đó mà hàng phục vọng tâm.

Thật vậy “ vô tướng bố thí, vô ngã độ sanh” có nghĩa là khi bố thí thì phải phá trừ chấp ngã chấp pháp. Ý Phật muốn nói là khi bố thí thì không nên chấp mình là người bố thí ban ơn, tức là chấp ngã, còn người đó là kẻ chịu ơn, tức là chấp nhơn và đây là vật bố thí, tức là chấp pháp thì tâm không sanh các phiền não ô nhiễm. Vì vậy khi làm các Phật sự mà không khởi vọng tâm, chấp ngã chấp pháp thì các phiền não tham, sân, si không sanh. Mà phiền não không sanh thì chúng ta không tạo nghiệp tức là không còn luân hồi sanh tử. Đây chính là phương pháp “hàng phục vọng tâm” và “an trụ chơn tâm” vậy. Vì sự sâu sắc như vậy nên kinh có câu: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, có nghĩa là không nên dính mắc nơi sắc thì sẽ sanh tâm Bồ đề, không nên dính mắc nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp thì sẽ sanh tâm Bồ đề và tâm không dính mắc thì tâm sẽ an. Còn đối với chúng ta thì tâm còn dính mắc nên tâm không an là vậy, mà tâm không an thì làm sao mà giác ngộ giải thoát cho được. Chữ trụ trong kinh Kim Cang có nghĩa là dính mắc vì thế mà ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng khi nghe câu” Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang thì Ngài liền ngộ đạo. Tại sao Ngài ngộ đạo nhanh thế? Bởi vì mỗi khi lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của Lục Tổ tiếp xúc với lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì tâm của Ngài không bị dính mắc ở nơi nào cả, tức là tâm không trụ. Một thí dụ điển hình là khi mắt chúng ta thấy một bình hoa, tức là nhãn căn tiếp xúc với sắc trần. Khi mới thấy và biết cái vật đó là bình hoa thì tâm của chúng ta lúc bấy giờ được gọi là chơn tâm. Mà muốn giữ mãi cái chơn tâm nầy thì tâm của chúng ta không khởi niệm phân biệt cái bình hoa là tốt hay xấu. Như vậy tâm của chúng ta không bị dính mắc vào sắc trần. Còn nếu tâm của chúng ta khởi niệm phân biệt là cái bình hoa nầy thì đẹp hay xấu thì cái chơn tâm của niệm ban đầu biến thành vọng tưởng. Nói tóm lại nếu sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà tâm không chạy theo sáu trần thì đó là tâm không trụ hay là tâm không dính mắc.

Có một câu chuyện khác nói về tâm không dính mắc là khi Đức Phật còn tại thế thì một hôm có một người ngoại đạo tu chứng được năm phép thần thông và vì lối thuyết giảng rất hay nên thính chúng đến nghe rất đông mà trong số đó có cả Trời Đế Thích. Một hôm ông giảng xong, thính chúng ai cũng ra về chỉ có Trời Đế Thích ngồi lại khóc. Ông ngoại đạo lấy làm lạ bèn hỏi:

- Thưa Ngài! tại sao nghe giảng xong Ngài lại khóc.

Trời Đế Thích trả lời:

- Thưa thầy! Thầy giảng rất hay, nhưng tôi thấy Thầy sắp chết nên thương tiếc.

Vị ngoại đạo giựt mình nói:

- Vậy làm sao khỏi chết?

- Chỉ có Đức Phật mới dạy pháp môn bất tử.

- Ngài ấy ở đâu?

- Ngài đang thuyết pháp tại tịnh xá Trúc Lâm, nếu Thầy cần thì đến đó cầu pháp.

Vị ngoại đạo dùng thần thông mà bay trên mây hướng về tịnh xá Trúc Lâm để gặp Phật. Trên đường đi, ông nghĩ mình tới cầu pháp với Phật mà không có cái gì để cúng dường thì không đúng lễ thì ông chợt thấy cây ngô đồng đang trổ bông rất đẹp nên ông dùng thần thông nhổ hai cây ngô đồng đang nở hoa dâng lên Phật. Ông nói:

- Thưa Ngài Cư Đàm, muốn khỏi chết phải làm sao?

Phật dạy:

- Buông!

Ông ngoại đạo buông một tay rớt cây ngô đồng thứ nhất, còn một tay vịn cây ngô đồng thứ hai.

Phật bảo:

- Buông!

Ông ngoại đạo buông tay thứ hai tức thì cây ngô đồng thứ hai ngã.

Phật lại bảo:

- Buông!

Ông ngoại đạo đã buông hết hai tay và hai cây ngô đồng đã ngã hết rồi mà bây giờ Phật lại bảo buông nữa thì ông không biết buông cái gì nên thưa:

- Hai tay tôi bưng hai cây ngô đồng, lần thứ nhất Ngài bảo buông thì tôi buông tay thứ nhất thì cây ngô đồng thứ nhất ngã, lần thứ hai Ngài bảo buông thì tôi buông tay thứ hai cây ngô đồng thứ hai ngã, bây giờ Ngài bảo buông nữa, tôi không biết buông cái gì?

Phật giải thích:

- Lần thứ nhất ta bảo ông buông là buông chấp trần cảnh, lần thứ hai ta bảo ông buông là buông chấp sáu căn, lần thứ ba ta bảo ông buông là buông chấp vọng thức. Nếu ông buông được ba cái đó là ông dứt sanh tử.

Ý Phật muốn nói gì?

Khi buông chấp trần cảnh có nghĩa là đừng để sáu căn chạy theo sáu trần thì tâm không bị dính mắc. Tức là tâm không khởi phân biệt tốt xấu thì tâm không bị si mê vọng niệm.

Khi buông chấp sáu căn có nghĩa là sáu căn không bị sáu trần quyến rũ thì sáu căn sẽ được thanh tịnh.

Còn buông chấp vọng thức có nghĩa là tâm không chạy theo vọng trần thì không sanh ra vọng thức.

Tóm lại ý Phật muốn nói với ông ngoại đạo là nếu tâm bên ngoài không bị vọng trần kích thích và bên trong không bị phiền não quấy phá thì tâm sẽ thanh tịnh. Khi tâm đã thanh tịnh thì không gây nghiệp, mà không gây nghiệp tức là không còn sanh tử.

Tu Bồ Đề thấu hiểu cái đạo lý cao siêu và cảm kích pháp âm của Phật nên vui mừng rơi nước mắt và quỳ dài trước tòa của Thế Tôn mà bạch Phật rằng:

- Bạch Phật! Từ khi con làm người đến nay, cái đạo lý sâu xa vi diệu như thế này mới được nghe đến lần đầu. Từ đây con không còn vướng vào chấp ngã chấp pháp. Ngay cả bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả cũng không thể trói buộc con. Lìa tất cả chấp trước mới thấy được lý “không” và lìa tất cả danh tướng mới thấu đáo nhơn sanh.

Hôm nay con đã thể hội tâm lý của Phật như là nhận thức rõ cho chính con.

Tu Bồ Đề nghe xong thì khai ngộ và từ đó được xưng là đệ nhất giải không.



Hạnh Nhẫn Nhục Tột Cùng

Đức Thế Tôn tuy biết Tu Bồ Đề đã lìa chấp trước, nhưng vì lòng từ bi muốn nhấn mạnh đến tu hạnh nhẫn nhục tột cùng mà còn chấp mình tu hạnh nhẫn nhục tột cùng thì chưa phải là nhẫn nhục tột độ. Kẻ tu hành phải lìa tất cả vọng chấp: nhơn, ngã, bỉ, thử…mà tu pháp nhẫn nhục thì pháp nhẫn nhục mới hoàn toàn rốt ráo.

Đức Phật hồi tưởng lại đời quá khứ và kể rằng:

- Tu Bồ Đề! Trong đời quá khứ ta một thời tu hành trong núi sâu và trải qua một đoạn nhân duyên như sau:

Khi ta đang tĩnh tọa dưới cội cây đại thọ, nhắm mắt nghiền ngẫm những bí ẩn của vũ trụ và khởi nguyên của nhân sanh. Bốn bề gió mát thoảng đưa, hoa cỏ bay mùi hương u nhã. Bỗng từ xa có nhiều tiếng cười lảnh lót vang lên khiến ta mở mắt nhìn xem. Thì té ra đây là một nhóm công nương yêu kiều diễm lệ đang đứng trước mặt ta. Bọn họ mặt y phục cung nhân, châu ngọc óng ánh khiến người mới nhìn tưởng họ là tiên nữ trên trời hay là vương phi chốn nhân gian. Họ nắm tay nhau, cười nói trước mặt ta và hỏi:

- Ông đạo! Ở chỗ núi cao rừng rậm nầy sao dám ngồi tu một mình? Ông không sợ cọp beo hùm sói làm hại sao?

Ta nhìn các cô, ngồi nghiêm chỉnh đáp:

- Thưa các cô nương! Ở trong núi sâu nầy mà tu đạo, đích thị chỉ có một mình tôi. Tu hành không nhất định phải có bạn đồng tu. Người có lòng từ bi thì rắn độc thú dữ không làm tổn hại. Ở chốn thành thị, những thứ như tiền, vàng, sắc đẹp và chế độ cai trị hà khắc uy quyền cũng là một thứ hổ báo sài lang của rừng núi đấy.

Ta nói vậy thì bọn cung nữ liền bỏ thái độ kiêu mạn mà cung kính thỉnh ta thuyết pháp. Ta bèn ngắt một bông hoa nhỏ bên cạnh rồi tiếp tục nói:

- Này các cô! Người đời xưa nay đều ưa tìm cầu khoái lạc, nhưng khoái lạc cũng có thứ chân thật, thứ giả dối, có cái lâu dài và cũng có cái tạm bợ. Nhưng phần lớn mọi người đều bị mê hoặc bởi thứ khoái lạc hư giả và ngắn ngủi. Giống như đóa hoa nầy tuy thật đẹp, nhưng không vĩnh viễn nở hoa tỏa hương. Tuổi trẻ và sắc đẹp, sức khỏe và hùng mạnh đều không đủ cho chúng ta nương tựa. Người cao quý là ở chỗ biết học đạo, mong được thăng hoa sinh mệnh, được kéo dài sức sống, đó mới là việc khẩn yếu.

Lúc ta đang nói, bỗng một người mặc y phục vương giả, tay cầm gươm báu từ trong rừng cây bước ra. Ông đến bên ta và lớn tiếng mắng rằng:

- Mi là ai? Dám cả gan đùa cợt với cung phi của ta?

- Đại Vương! Xin phép hỏi quý danh của Ngài. Xin đừng hạ nhục người như thế. 

Nhà vua hăng hái nói:

- Ngươi ngủ mê rồi phải không? Oai danh của ta chấn động khắp nơi, ngươi há không biết ta là vua Ca Lợi hay sao? Hèn gì ngươi dám cả gan mê hoặc đám cung phi của ta.

- Đại Vương! Xin đừng nói thế, người tu hành nhẫn nhục không nói trả lại nhà vua, nhưng Ngài tạo khẩu nghiệp đó thì tương lai sẽ không tốt đâu.

Nhà vua càng nóng giận:

- Ngươi tu hành nhẫn nhục à! Ta sẽ cắt đứt thân thể ngươi ra từng mảnh, xem ngươi còn nói tu nhẫn nhục không?

Lúc ấy vua Ca Lợi xuống gươm xẻo tai, móc mắt, xẻo mũi, chặt hai tay hai chân ra từng đoạn mà ta vì muốn độ chúng sanh nên lúc ấy không có chút gì ân hận. Ta theo tinh thần độ sanh vô ngã, dần dần tu tập tích chứa phước huệ và trang nghiêm Phật quả. Thật vậy, hành hung người không thể thắng người, chỉ có người thực hành nhẫn nhục mới là người thắng lợi cuối cùng.

Sau cơn nóng giận, nhà vua hối hận và hỏi:

- Có lẽ vì thế lực của nhà vua nên ông không dám chống lại, chứ trong tâm làm sao khỏi buồn giận?

Ta thề rằng:

- Nếu tôi không thật tu nhẫn nhục tột cùng và trong tâm còn chút giận hờn thì tôi chết luôn theo với chân tay bị cắt xẻo. Trái lại, nếu tôi thật tu nhẫn nhục tột cùng và tâm không sân hận thì tay chân của tôi bị cắt đều hoàn nguyên trở lại như xưa.

Lời thệ của ta vừa dứt thì mũi, tai, thân thể đều hoàn lại như trước. Nhà vua hết sức ăn năn sám hối tội lỗi của mình và thỉnh cầu ta tha thứ. Ta đã không hờn giận lại còn phát nguyện:

“Sau khi đắc đạo thì ta sẽ độ ngươi trước”

Vua Ca Lợi bây giờ chính là tôn giả Kiều Trần Như.

Tu Bồ Đề nghe qua một đoạn sự tích nhân duyên tu hành của Đức Thế Tôn thời quá khứ rất là cảm động vì thế tôn giả thấu hiểu được chân lý vô ngã tối cao và đạt đến lý “không “sâu xa.





Ý Nghĩa Chữ “Không”

Đối với lời chỉ dạy của Đức Phật thì Tu Bồ Đề nhận thức rõ ràng sự tương quan nhân duyên trong vũ trụ. Phật dạy rằng:

Các pháp do nhân duyên sanh

Và các pháp cũng do nhân duyên diệt

Như vậy tất cả mọi vật trên thế gian nầy đều do nhân duyên kết hợp mà thành và khi nhân duyên không còn nữa thì chúng sẽ bị hoại. Vì thế nhân duyên là yếu tố quan trọng nhất cho lý “KHÔNG”. KHÔNG chẳng phải là “không” của cái chẳng có gì và cũng chẳng phải là cái không trống rỗng, không thấy, không hiện hữu trên thế gian. Mà không chẳng hề lìa nhân quả của sự vật mà có, bởi vì Không chính nó không có tự tánh, tức là vô ngã.

Một hôm, một ngoại đạo Bà La Môn thuộc giới trí thức gặp Tu Bồ Đề trên đường đi, bèn chất vấn:

- Tôn giả Tu Bồ Đề! Nghe nói Ngài là người đệ nhất giải không trong hàng đệ tử Phật, tôi xin lỗi hỏi, tất cả sự vật trên thế gian đều tồn tại rõ ràng mà Ngài cho là không, nếu giải thích là không thì làm sao cho trọn vẹn với lời giải thích ấy?

Tu Bồ Đề đưa tay chỉ một ngôi nhà và nói:

- Ông xem cái nhà này là do bốn yếu tố đất, nước, gạch, ngói và các nhân duyên hòa hợp mà hình thành. Nếu đem phân tán đất, nước, gạch, ngói thì hình tướng cái nhà nầy sẽ không còn, mà tên gọi “cái nhà” cũng không có luôn. Từ lý luận “tất cả đều do nhân duyên hòa hợp” có thể thấy được lý ”Không”. Thật vậy, lúc chưa có sự hòa hợp của gạch, ngói, đất, nước thì chưa có cái nhà nầy vì đây chỉ là một mảnh đất trống mà thôi, tức là Không và sau nầy khi gạch ngói đổ bể tan rã thì cái nhà nầy cũng không còn nữa, tức là nó trở lại tính Không của ban đầu. Người không ngộ được lý Không thì thấy mọi sự vật trên đời nầy bền vững lâu dài, còn kẻ ngộ được lý Không thì mọi việc chẳng qua như là giấc mộng. Vậy “Không” đó là diện mục bổn lai của tất cả sự vật. Diện mục bổn lai là hình tướng ban đầu trước khi nhân duyên tạo tác thành hình thể mới.

Người Bà La Môn nọ nghe nói xong, trầm tư một phen, rồi chấp tay làm lễ Tu Bồ Đề nói:

- Tôn giả! Ngài chẳng hổ danh là bậc đệ tử đệ nhất giải không của Phật Đà. Lời chỉ dạy của Ngài khiến tôi rất cảm phục. Thật xấu hổ cho tôi chẳng đủ tư cách cùng Ngài đối luận. Xin chào Ngài, chúng ta sẽ gặp sau.

Tu Bồ Đề trang nghiêm gật chào rồi vẽ một nét trong không trung và nói rằng:

- Đang lúc ông tóc đen thành tóc bạc, đang lúc ông thấy trên cành lá rụng xuống đất, rồi lại hoa rơi hạt rụng làm nẩy mầm, tăng trưởng và nở hoa, kết trái. Qua bao nhiêu năm tuần hoàn biến hóa rồi lại trở về nguyên thể của nó. Ngài nên nhớ kỹ, đó là “Không”.


Người Đầu Tiên Nghinh Đón Đức Phật

Tu Bồ Đề thể chứng lý “không”, tuyên dương lý không và tất cả oai nghi đi đứng nằm ngồi của tôn giả cũng biểu thị lý không.

Một hôm, bỗng nhiên không thấy bóng Đức Phật trong tăng đoàn, tất cả đệ tử xôn xao tìm kiếm mà không biết Đức Thế Tôn đi đâu. Sau đó tôn giả A Na Luật dùng thiên nhãn xem xét mới biết Thế Tôn đã lên cung trời Đạo Lợi thuyết pháp cho thánh mẫu Ma Da khoảng ba tháng nữa mới trở xuống. A Na Luật báo cho đại chúng biết tin ấy làm mọi người đều mong mỏi và cứ mỗi một ngày không có Phật thì họ cảm thấy lâu bằng ba năm.

Ba tháng trôi qua và đã đến lúc Đức Thế Tôn trở về lại nhân gian khiến cho các đệ tử tranh nhau đi đón. Lúc ấy Tu Bồ Đề đang vá y trong một hang động tại núi Linh Thứu, nghe truyền tin Đức Phật trở về liền đứng dậy buông áo xuống định cùng đi nghinh tiếp. Ngay lúc đó, trong tâm chợt khởi lên ý nghĩ làm tôn giả ngồi xuống chỗ cũ. Tôn giả nghĩ rằng: Ta đi đón Phật để làm gì? Chân thân của Thế Tôn không thể thấy bằng sáu căn do đó nếu ta mà đi nghinh tiếp Ngài thì chẳng khác nào cho rằng pháp thân Ngài do tứ đại hòa hợp, đó là ta không nhận thức được tánh không của đại pháp. Không thấy tánh không tức là không thấy được pháp thân Phật.

Về pháp thân Phật chính là tánh không của các pháp, không có chủ tạo tác, cũng không bị tạo tác. Muốn thấy Phật, trước tiên phải rõ ngũ uẩn tứ đại là vô thường. Phải biết rõ tất cả sự vật hiện có đều không tịch và biết các pháp sum la vạn tượng đều là vô ngã. Không ngã, không nhơn, không năng tác và không sở tác. Tất cả các pháp đều rỗng lặng bởi vì pháp tánh biến khắp mọi nơi và pháp thân thì chỗ nào cũng có. Ta phụng hành giáo pháp của Phật đã thể chứng lý “ không” của các pháp thì ta nghĩ mình không nên mê lầm trên sự tướng. Khi nhận thức như vậy, tôn giả an nhiên ngồi lại vá áo mà không đi nghinh tiếp Đức Phật. Ngày Phật trở về thật là một sự vui mừng lớn lao thành thử trong tăng đoàn chỗ nào cũng đầy vẻ hân hoan vì ai ai cũng đều muốn bái yết Phật trước người khác. Lúc bấy giờ trong tăng đoàn có tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc đã dùng thần thông để đi thật nhanh mà nghinh đón Đức Phật trước nhất. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, bà nói:

- Bạch Thế Tôn! Đệ tử Liên Hoa Sắc, người thứ nhất nghinh đón Thế Tôn, xin Phật nhận con bái yết.

Đức Phật mĩm cười, chậm rãi nói:

- Liên Hoa Sắc! Ta trở về, người nghinh đón ta trước nhất chẳng phải là cô đâu.

Liên Hoa Sắc lấy làm lạ, quay lại nhìn hai bên thì thấy trưởng lão Đại Ca Diếp đều còn phía sau. Liên Hoa Sắc hoài nghi nên bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Đệ tử chẳng dám hỏi, nhưng ai là người nghinh đón Ngài trước con?

Đức Phật lại mĩm cười, nhìn các đệ tử đông đảo kéo đến rồi mới trả lời cho Liên Hoa Sắc mà cũng như bảo với đại chúng:

- Các ông rất tốt, xa xôi đến mấy cũng đi đón ta, nhưng người gặp ta trước nhất là Tu Bồ Đề. Ông ấy lúc này đang quan sát tánh KHÔNG của các pháp trong hang núi Kỳ Xà Quật. Ông ấy mới là người chân chính nghinh tiếp ta. Người thấy pháp mới là người đầu tiên thấy Phật và là người đệ nhất nghinh tiếp Phật.

Liên Hoa Sắc và các đệ tử nghe Phật nói mới biết đối với Phật pháp của Thế Tôn và đối với việc lãnh hội chân lý của vũ trụ thì mọi người không ai sánh bằng Tu Bồ Đề.

Qua lời khen ngợi đặc biệt của Thế Tôn, tôn giả Tu Bồ Đề càng lúc càng nổi danh và dĩ nhiên càng được đại chúng tôn kính.



Vị A La Hán Ly Dục Bậc Nhất

Lối sống và tâm tư của Tu Bồ Đề rất điềm đạm tự tại và thường ở trong KHÔNG tam muội mà giải thoát.

Đã là con người trên cõi đời nầy cho dù là một ông thánh đi nữa cũng lắm phen bị chê cười phỉ bang cho dù ông thánh ấy chẳng khác nào như viên ngọc không tỳ vết, đã lìa xa mọi thứ danh văn lợi dưỡng. Mỗi ngày, Tu Bồ Đề chỉ lo tu đạo và hoằng pháp độ sinh, nhưng nhân tình ấm lạnh, miệng lưỡi lắm lời cũng không buông tha cho tôn giả. Cho dù trong thế gian lắm tiếng thị phi, tôn giả xem những thứ ấy như gió thoảng ngoài tai mà chẳng hề khởi tâm động niệm.

Một ngày nọ trên đường đi thuyết pháp, tôn giả nghe có người phê bình mình. Họ nói rằng: Tu Bồ Đề là cái thứ gì, ông ấy chẳng làm nên tích sự gì, ở trong tăng chúng như một tên ngáo, không có một chút sống coi cho ra hồn. Một số tỳ kheo khác nghe như vậy liền bất bình giùm cho tôn giả. Họ hỏi Tu Bồ Đề sao không trả lời lại? Tu Bồ Đề an nhiên, hòa nhã mà đáp:

- Thưa các vị! Đa tạ các vị có lòng yêu mến bạn đạo, nhưng xin các vị chớ có khởi lòng bất bình như vậy. Biện bạch vô ích là một thứ tranh luận mà tranh luận là tâm còn hơn thua. Chúng ta là người tu thì đối với những lời dèm pha, phỉ báng, cho tới nghịch cảnh, ma nạn đều phải xem đó như là cái duyên trợ đạo để tăng trưởng sự tu hành, nhờ đó mà chúng ta có thể tiêu trừ nghiệp chướng và tăng lòng tin mạnh mẽ. Vã lại, trong thế giới của chân lý không có chuyện tranh cãi. Chân lý là không ta không người, không cao không thấp và không có thánh phàm. Tôi đã biết lý chơn không vô trụ, một tướng bình đẳng cho nên cái tâm của tôi như vạn lý tình không đến một chút xíu cũng không có thì tôi biện bạch với họ làm chi?

Tu Bồ Đề giải không với tấm lòng và tâm niệm khoáng đạt tự tại như thế cho nên các tỳ kheo rất khâm phục tác phong của tôn giả. Tu Bồ Đề đối với chúng sanh luôn dùng đức nhẫn nhục để thuyết pháp hoặc giáo hóa họ trở về với chánh đạo, quả thật tôn giả là người cao thượng đệ nhất. Tôn giả thường nói, nếu như có chúng sinh nói tôi đứng hoài không tốt thì tôi liền ngồi suốt ngày. Còn như chê tôi ngồi hoài không được thì tôi sẽ đứng luôn cả ngày. Tôi đối với tất cả pháp không khởi một tí phiền não và cũng không làm phiền một chúng sanh nào.

Tu Bồ Đề hay tùy thuận thế gian, thực hành đại nhẫn nhục nên đối với bất cứ ai đều không náo loạn họ và cũng không tranh cãi với họ chỉ vì tôn giả thông đạt tánh không.

Đức Phật biết Tu Bồ Đề tu hành như thế thì rất hoan hỷ vui lòng. Một hôm nọ trên hội Bát Nhã, Đức Phật khen ngợi rằng:

- Trong hàng đệ tử ta thì người tu đạt đến trình độ như Tu Bồ Đề thật hiếm có. Ông có thể chứng vô tranh tam muội, đó là đệ nhất trong loài người. Ta chúc mừng cho ông đó vì ông xứng đáng là vị A La Hán ly dục bậc nhất.

Tu Bồ Đề được khen ngợi, trong tâm rất cảm kích vui mừng, nhưng lại chẳng dám tự đắc. Tôn giả chắp tay đảnh lễ Đức Thế Tôn và nói:

- Bạch Thế Tôn! Ngài ban cho đệ tử chúng con những lời từ bi ái mộ để khích lệ chúng con vì vậy con không biết làm sao diễn tả hết nỗi cảm kích. Thế Tôn nói con là bậc nhất loài người, là A La Hán ly dục. Nếu con nghĩ như vậy thì chưa hết ngã chấp và rốt cuộc con cũng còn chìm trong pháp chấp, có chứng có đắc. Bạch Thế Tôn! Con không nghĩ như vậy, cũng không làm như vậy, vì nhân duyên vô sanh vô vi. Tuy Đức Thế Tôn nói với con những lời ái mộ mỹ mãn, nhưng thật ra, chính tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên mới đúng là những bậc A La Hán ly dục.

Tu Bồ Đề rất khiêm tốn cộng với lời nói khéo léo, ôn hòa đã làm làm cho tôn giả không hổ danh là một bậc thánh A La Hán đương thời.



Chư Thiên Rải Hoa Cúng Dường

Tu Bồ Đề nổi danh là vị A La Hán ly dục cho nên đối với thế gian, tôn giả không cần tranh hơn thua và cũng không mong gì ở thế gian cả. Có khi tôn giả ở trong tăng đoàn tu học cùng với đại chúng, có khi ngài tu tập thiền định trong rừng cho nên pháp hỷ càng ngày càng cao sâu huyền diệu. Kỳ Xà Quật là một ngọn núi rất nổi tiếng vào thời Đức Phật còn tại thế vì núi nầy có rất nhiều khóm trúc bao quanh còn rừng thì sâu và rất nhiều hang động với phong cảnh đẹp, thanh nhã và yên tịnh rất thích hợp cho người tu. Đức Thế Tôn thường ngự đến đây cũng vì lý do ấy. Tu Bồ Đề rất thích lối sống trong rừng núi cho nên lúc nào cũng thấy tôn giả ở núi Linh Thứu nầy. 

Những lúc trời trong mây trắng, tôn giả tọa thiền dưới gốc cây bên sườn núi, hoặc kinh hành quán tưởng. Còn những lúc mưa to gió lớn thì Ngài vào trong động, hoặc núp dưới những tảng đá lớn để tư duy Phật pháp.

Đối với tôn giả, núi sâu rừng rậm là một đạo tràng kín đáo tu hành rất tốt, ban ngày có chim bay thú chạy bên cạnh và khi đêm đến trăng sao trùng dế làm bằng hữu tu hành. Chính tại nơi yên tịnh nầy, tôn giả thường nghĩ rằng con người ta vốn từ cõi không mà đến thì cũng nên trở lại với thiên nhiên không tịch.

Một hôm, Tu Bồ Đề ngồi thiền trong thạch động. Tôn giả nhập không tam muội với công hạnh thâm sâu cảm động đến chư thiên hộ pháp. Vì vậy có rất nhiều vị trời xuất hiện trên không rải thiên hoa bay phơi phới trước tôn giả để cúng dường. Trời Đế Thích chấp tay khen ngợi nói:

- Thưa tôn giả! Làm người có danh vọng tiền rừng bạc biển trên thế gian thật chẳng có gì đáng tôn quý. Dầu cho là quốc vương hay phú hộ cũng đều bị trói buộc trong phiền não dục vọng. Tôn giả đúng là bậc tôn quý trên thế gian và thật là người đại tu hành chân chính. Hiện nay Ngài nhập Không Tam Muội làm cho ánh sáng oai đức của Ngài chiếu soi suốt thiên cung của chúng tôi. Tôn giả Tu Bồ Đề mặc dù ở cõi người nhưng rất xứng đáng được sự thọ cúng dường của cõi trời. Ngài khéo nói Bát Nhã và lúc nào cũng dạo chơi ở chốn Không Tam Muội như trời xanh vạn dặm. Ngài đã thoát khỏi mọi tình cảm của thế gian, cho dù là phiền não hắc ám hay bồ đề trong sáng cũng không thể làm cho mờ tâm của tôn giả. Ngài cắt đứt dây sắc dục và bẻ gãy xiềng chấp pháp. Tôn giả, xin hãy tiếp thọ hoa trời cúng dường của chúng tôi để tỏ lòng tôn kính.

Lời xưng tán của thiên nhơn với những hoa trời rơi tán loạn làm kinh động đến Tu Bồ Đề. Tôn giả sau khi xuất định bèn hỏi thiên nhơn:

- Các ông là ai? Vì sao đến đây rải hoa khen ngợi ta?

Vị thủ lãnh chư thiên chấp tay thưa:

- Con là Trời Đế Thích và mấy vị kia đều là thiên nhơn.

Tu Bồ Đề hỏi tiếp:

- Vì sao các vị lại ân cần khen ngợi tôi như thế?

Trời Đế Thích thưa:

- Chúng con kính trọng tôn giả nhập Không Tam Muội và nói Bát Nhã rất hay.

Tu Bồ Đề hơi ngạc nhiên:

- Tôi chưa từng nói một chữ Bát Nhã, cớ sao các ông khen ngợi?

Trời Đế Thích trả lời:

- Tôn giả không nói, chúng con không nghe. Thế thì không nói và không nghe mới thật là chơn Bát Nhã.

Tu Bồ Đề nghe xong thì rất hài lòng mĩm cười liền khen chư thiên:

- Trên hội Bát Nhã, Đức Phật nói pháp vi diệu thâm sâu nên lúc ấy các ông hộ trì đạo tràng đã tín thọ thâm hiểu. Đa tạ các ông đem hoa thơm rải cúng, nguyện mùi hương thiên hoa nầy biến khắp cõi người và cõi trời.

Tu Bồ Đề nói xong thì tất cả chư thiên lại làm lễ một lần nữa rồi từ từ biến mất trong mây.

Chư thiên rải thiên hoa cúng dường, ngoại trừ Đức Phật thì tôn giả là người duy nhất được hưởng cái danh dự đặc biệt nầy.



Chư Thiên Tấu Nhạc Thăm Bệnh

Đối với Tu Bồ Đề thì núi Kỳ Xá Quật là nơi lý tưởng để tham thiền nhập định và quán tưởng tính Không của các pháp. Một hôm, bỗng nhiên tứ đại bất hòa làm cho thân tâm của tôn giả cảm thấy mệt mỏi không an.

Là một vị thánh với sức tu hành thâm hậu thì làm sao tôn giả còn có bệnh? Thật ra, sắc thân bị nghiệp báo chiêu cảm là pháp hữu vi, mà đã là pháp hữu vi thì làm sao tránh khỏi hiện tượng sanh, lão, bệnh, khổ, lý không và luật vô thường của tạo hóa. Mặc dầu Tu Bồ Đề đã chứng thánh quả thì tinh thần của tôn giả đã giải thoát, nhưng sắc thân hữu vi còn đó. Mà sắc thân là pháp thế gian thì tất nhiên phải gánh chịu luật sanh, lão, bệnh, tử của thế gian.

Khi tôn giả cảm thấy bệnh trầm trọng, Ngài bèn đem tọa cụ trải trên đất, ngồi kiết già để quán tưởng cái thân bệnh từ đâu mà ra.

- Cái bệnh khổ của thân nầy từ đâu mà đến? Ta phải làm gì để có thể hết bệnh?

Tu Bồ Đề tự hỏi một cách thâm sâu như thế và tư duy tiếp:

- Nguyên nhân đưa đến bệnh nầy, hoặc là nghiệp báo quá khứ đến thời kỳ phải trả, hoặc là chướng duyên của đời hiện tại. Nếu như vậy thì thuốc men chẳng thể nào trừ tận gốc, chỉ tin sâu vào luật nhân quả thì phải sám hối tội nghiệp và tu tập thiền quán thì từ tâm không khổ và sau đó khiến thân hết khổ.

Tu Bồ Đề thiền quán và chánh niệm như thế thì lập tức cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng tự tại và không còn chút bệnh nào cả.

Ngay lúc ấy Trời Đế Thích dẫn theo 500 thiên nhơn và rất nhiều nhạc thần từ trên không bay xuống núi Kỳ Xà Quật. Trời Đế Thích liền bảo nhạc thần tấu khúc ủy vấn. Nhạc thần vâng lệnh đến trước tôn giả khảy đờn lưu ly và 500 thiên nhơn đồng ca rằng:

Tôn giả, đức vọng như trời cao thay

Tôn giả, tu hành như trường thủy thay

Qua khỏi bể sanh tử

Tiêu dứt lửa hữu vi

Già bệnh thống khổ đều đoạn trừ

Hành nghiệp nếu sám trừ

Cấu uế được diệt hết

Nguyện tôn giả thể ngộ thiền định

Tôn giả, bệnh khổ liền tiêu trừ

Tôn giả, thân người được lành bệnh

Tấu khúc chấm dứt, tiếng ca vừa mừng thì Trời Đế Thích mang quyến thuộc đảnh lễ tôn giả. Tu Bồ Đề từ bi đáp lễ và khen rằng:

- Khúc ca và nhạc điệu của các ông thật là vi diệu hòa ca.

Trời Đế Thích cung kính hỏi thăm:

- Chúng con thỉnh vấn tôn giả, hiện giờ bệnh của Ngài còn hay hết?

Tôn giả bèn bảo với vua trời rằng:

- Các pháp từ nhân duyên sanh ra, các pháp lại theo nhân duyên mà diệt. Nhân duyên hòa hợp thì pháp thành, nhân duyên ly tán thì pháp bại hoại tan rã. Trong mỗi pháp thì tự nó có quả báo nhân duyên. Đối với pháp đen thì dùng pháp trắng để trị, và pháp trắng thì dùng pháp đen mà đối trị. Cũng như bệnh tham dục thì phải cần quán bất tịnh để đối trị, bệnh sân hận thì dùng tâm từ bi đối trị còn bệnh ngu si thì dùng trí tuệ bát nhã đối trị.

Tất cả trên thế gian đều là không, chẳng có tướng ngã, chẳng có tướng nhơn, không có phân biệt nam nữ. Các ông thấy kia, gió đông thổi ngã cây đại thọ, hoặc là sương tuyết làm héo nụ hoa, làm cho cây cỏ khô gãy nhưng khi gặp gió xuân mưa nhẹ thì tự nhiên đâm chồi nẩy lộc. Các pháp rối loạn rồi cũng trở về với tính an bình của vũ trụ.

Một chút bệnh tật của thân tôi, đó là khi các pháp rối loạn. Chúng ta có thể dùng thủy cam lồ của Đức Phật và thiền quán thì bệnh của tôi sẽ được chóng lành. Đa tạ các vị cực nhọc đến đây, hiện tại thân tôi rất an ổn tự tại.

Trời Đế Thích nghe xong rất hoan hỷ, đảnh lễ tôn giả và cùng các thiên nhơn trở lại cõi trời.

Tu Bồ Đề nhìn theo họ và ngâm:

Thế Tôn khai thị chúng ta

Bệnh khổ, pháp Phật mới hay trị lành

Chẳng cần đợi bệnh lo tu

Bình thường cốt yếu Văn, Tư rồi Hành

Cơ duyên chứng ngộ sẵn dành

Sám hối nghiệp chướng mới đành an tâm

Tin lý nhân quả thậm thâm

Tích chứa phước huệ để tăng đạo mầu

Đó là diệu được trong đời

Trị lành mọi bệnh, mọi thời khổ đau.







Thuyết Lý Không Trên Hội Bát Nhã 

Tu Bồ Đề trí tuệ thật là thâm sâu huyền diệu, chẳng những tôn giả có thể nhận thức những lời khen chê của thế gian để giải thoát cho mình ra khỏi mọi ràng buộc của vật chất mà tôn giả còn có thể dùng trí Bát Nhã và thiền quán để giải trừ bệnh khổ của thân tâm.

Một hôm, trên hội Bát Nhã, Đức Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Này Tu Bồ Đề! Ông rất có biệt tài, thể hợp sâu xa lý chân Không. Hôm nay các vị Bồ Tát nhóm hợp ở đây, ông có thể giải thích pháp tương ứng của Bát Nhã Ba La Mật cho họ để giúp cho sở học của các vị ấy thêm đầy đủ để cùng nhau nỗ lực tinh tấn tu hành.

Phật nói như thế, chúng hội đều biết pháp môn Bát Nhã là pháp môn cao thâm huyền diệu nên mọi người đều nghĩ rằng:

- Tôn giả Tu Bồ Đề có thể dùng trí tuệ biện tài của mình để tuyên thuyết pháp vi diệu như thế chăng? Hay là nương sức oai thần của Đức Phật mà nói ra?

Tu Bồ Đề biết tâm của hội chúng, bèn nói:

- Từ mệnh của Thế Tôn không thể cãi lại, chúng đệ tử khi thuyết giáo, không kể là giáo pháp cạn sâu, như nếu nói được khế lý, khế cơ đều là nhờ oai thần của Phật. Nương sức của Ngài mà nói pháp, khuyên người tu học mới là đạt được bổn thể của các pháp, mới là tương ứng với thật tướng của các pháp và mới có thể thông đạt được tâm lý của Thế Tôn.

Hôm nay tôi vâng oai thần của Phật, tuyên thuyết về lý tương ứng của Bát Nhã Ba La Mật trong sự tu học Bồ-tát đạo, đó chẳng phải là sức trí huệ biện tài của tôi.

Lời nói của Tu Bồ Đề rất khiêm nhượng và cung kính. Tôn giả nói xong lại đảnh lễ Đức Phật và thưa:

- Bạch Thế Tôn! Đệ tử vâng lời dạy của Ngài, nói về pháp tương ứng giữa Bồ Tát và Bát Nhã Ba La Mật, nhưng có pháp nào là Bồ-tát đâu? Pháp nào là Bát Nhã Ba La Mật đâu? Con chẳng thấy có pháp tên gọi Bồ-tát, cũng chẳng thấy có pháp tên Bát Nhã Ba La Mật. Trên danh xưng của hai pháp ấy, con cũng chẳng phân biệt. Con dùng nhận thức nầy mà nói về sự tương ứng giữa Bồ-tát và Bát Nhã Ba La Mật. Bạch Thế Tôn! Cung thỉnh Thế Tôn từ bi khai thị trước, con có thể làm đầy đủ sở học cho các Bồ-tát chăng?

Đức Phật hoan hỷ trả lời:

- Này Tu Bồ Đề! Bồ-tát chỉ là danh từ để gọi Bồ-tát, Bát Nhã Ba La Mật cũng chỉ là danh từ để gọi Bát Nhã Ba La Mật. Danh xưng Bồ-tát và Bát Nhã Ba La Mật cũng chỉ là danh xưng mà thôi. Điều ấy vốn không sanh chẳng diệt. Tuy nhiên, để tiện ở trong, không phải ở ngoài, cũng không ở khoảng giữa, xưa nay là bất khả đắc. Nếu như nói rằng: “ngã” cũng chỉ có giả danh vì bổn thể của ngã xưa nay vốn chẳng sanh diệt. Các pháp hữu vi như mộng, như tiếng vang, như hình bóng, như huyển hóa, như sóng nắng và như bóng trăng dưới nước. Do đó, Bồ-tát muốn chứng đắc pháp bất sanh, bất diệt thì cần phải tu học giả danh và giả pháp của Bồ-tát và Bát Nhã Ba La Mật. Tu Bồ Đề! Bồ-tát tu học Bát Nhã Ba La Mật, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thường và vô thường, vui và khổ, ngã cùng vô ngã, không với bất không, hữu tướng và vô tướng, hữu vi với vô vi, cấu với tịnh, sanh với diệt, thiện với ác, hữu lậu với vô lậu, thế gian với xuất thế gian, luân hồi với Niết Bàn là để loại bỏ cái chấp của sự phân biệt, đối đải. Này Tu Bồ Đề! Vì sao nói như thế? Khi Bồ-tát tu học Bát Nhã Ba La Mật thì không nên đối với các pháp mà phát khởi tâm phân biệt. Vì thế khi Bồ-tát tu sáu pháp Ba La Mật và những hạnh khác, cũng không thấy có tên gọi Bồ-tát, không có tên gọi Bát Nhã Ba La Mật. Bồ-tát chỉ nên cầu nhứt thiết trí để thấu hiểu thật tướng của vạn pháp mà thật tướng chính là vô tướng. Tu Bồ Đề! Tu Bát Nhã Ba La Mật như vậy, đối với tất cả pháp mà không chấp trước, mới hỗ trợ hoàn thành công tu Bát Nhã, mới tấn nhập hành giả vào chánh vị, mới có thể trụ ở địa vị bất thối, đầy đủ thần thông, dạo chơi các cõi Phật, hóa độ lợi lạc chúng sanh, trang nghiêm Phật độ, tự mình an trụ nơi cảnh giới tự tại.

Tu Bồ Đề! Sắc, có phải là Bồ-tát không? Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là Bồ-tát ư? Địa, thủy, hỏa, phong, không, thức là Bồ-tát ư? Người ta lìa hết sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, địa, thủy, hỏa, phong, thức là Bồ-tát ư?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn! Tất cả những thứ kể trên đều chẳng thể gọi là Bồ-tát.

Phật hỏi lại:

- Tu Bồ Đề! Ông nói những thứ ấy không phải là Bồ-tát, vì cớ gì? Có thể nói rõ được chăng?

- Bạch Thế Tôn! Chúng sanh xưa nay là chẳng thể biết, chẳng thể được, không thể là thứ pháp gì, cho đến Bồ-tát cũng là như thế. Nếu còn chấp có chấp không và không lìa xa được vọng chấp thì không thể gọi là Bồ-tát được.

- Phật dạy:

- Này Tu Bồ Đề! Ông nói ông không thấy có pháp gọi là Bồ-tát và tên Bồ-tát. Bồ-tát tu tập Bát Nhã thì không thấy một pháp nào mới có thể không còn sợ hãi và tâm không trụ nơi pháp mới không hối hận về sau. Như lời ông nói, Bồ-tát mà tu tập Bát Nhã cũng không được gọi Bồ-tát , đó mới thật là Bồ-tát và mới thật là Bát Nhã Ba La Mật.

Trong số ngàn vạn thính chúng tại hội Bát Nhã, vì các đại Bồ tát mà thuyết giáo, Đức Phật và tôn giả Tu Bồ Đề kẻ vấn người đáp để thuyết minh cái sâu xa vi diệu của chân lý “Không”. Đại đệ tử của Phật thì rất nhiều, nhưng chỉ có tôn giả Tu Bồ Đề là người duy nhất có khả năng thông hiểu và thể chứng nền tảng triết học “không” một cách tường tận.

Thật vậy, tôn giả Tu Bồ Đề được tôn kính trong khắp tăng chúng không những về Phật pháp cao sâu, u huyền và rộng lớn mà Ngài còn là một tấm gương sáng chói về đức hạnh của một vị thánh tăng đã quên cả thân mình ngỏ hầu giúp chánh pháp được hưng thịnh mãi mãi ngàn đời về sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3268)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9905)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4192)