- Lời Mở Đầu
- Phần Giới Thiệu
- Luân Hồi
- Hiện Tượng Khi Người Sắp Chết
- Con Người Và Nghiệp Quả
- Nghiệp Sát Hại
- Luật Nghiệp Quả Và Tướng Diện
- Luật Nghiệp Quả Và Sức Khỏe
- Luật Nghiệp Quả Và Tài Năng
- Luật Nghiệp Quả Và Nhân Cách
- Luật Nghiệp Quả, Biệt Nghiệp Và Cộng Nghiệp
- Nghiệp Có Thể Chuyển Được Chăng?
- Tôn Giả Xá Lợi Phất (Sariputra) Đệ Nhất Trí Tuệ
- Tôn Giả Mục Kiền Liên (Đệ Nhất Thần Thông)(maha Moggalyana)
- Tôn Giả Đại Ca Diếp, Đệ Nhất Tu Khổ Hạnh(mahakàsyapa)
- Tôn Giả Ca Chiên Diên, Đệ Nhất Nghị Luận (Katyayana)
- Tôn Giả Phú Lâu Na, Đệ Nhất Thuyết Pháp (Purnamaitrayaniputra)
- Tôn Giả A Na Luật, Đệ Nhất Thiên Nhãn (Anurudha)
- Tôn Giả A Nan, Đệ Nhất Đa Văn (Ananda)
- Tôn Giả La Hầu La, Đệ Nhất Mật Hạnh (Rahula)
- Tôn Giả Tu Bồ Đề, Đệ Nhất Giải Không (Subhoti)
- Tôn Giả Ưu Bà Ly, Đệ Nhất Trì Giới (Upali)
THANH TINH TÂM
Lê Sỹ Minh Tùng
Luật Nghiệp Quả, Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp
Lê Sỹ Minh Tùng
Luật Nghiệp Quả, Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp
Tháng 12 năm 2004, một cơn động đất dữ dội kéo theo những ngọn sóng thần khủng khiếp đã tàn phá không biết bao nhà cửa và giết chết trên trăm ngàn người dọc theo bờ biển các nước Thái Lan, Nam Dương và Tích Lan. Ngoài số người chết nằm la liệt, các bệnh viện không còn một chỗ trống vì số người bị thương mỗi ngày mỗi tăng. Chưa hết, mùa thu năm 2005, cơn bão Katrina đã tàn phá nhiều thành phố dọc theo vịnh Mễ Tây Cơ của Hoa Kỳ và chính cơn bão nầy cũng giết chết và làm bị thương rất nhiều người mà cho đến ngày nay chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa thể tái thiết trở lại. Trước những tai họa chung đó, nhà Phật gọi chúng là cộng nghiệp.
Như thường lệ, cứ mỗi sáng ông B đi tản bộ chung quanh khu phố nhà ông. Nhưng sáng nay vì sương mù dày đặc nên một chiếc xe không thấy ông băng qua đường nên đụng làm ông chết tại chỗ. Trường hợp cái chết của ông B là biệt nghiệp. Đối với biệt nghiệp thì vấn đề trở nên đơn giản vì nghiệp ai đã gieo thì chỉ người ấy chịu, nhưng trước một tai họa chung thì sự việc phức tạp hơn nhiều. Thế thì Luật Nghiệp Quả giải thích cách nào? Không lẽ tất cả những người bất hạnh kia trong quá khứ đã xúm nhau làm chung một điều ác?
Thật ra thì không nhất thiết là một nghiệp ác đời nầy sẽ sinh ra quả báo ở đời sau mà Luật Nghiệp Báo đã xắp xếp quả báo của mọi người một cách rõ ràng từ nhiều trăm năm về trước để khiến họ sống quay quần với nhau dọc theo bờ biển, hoặc có những người ở nước khác thì nhân duyên cũng khiến họ đi du lịch đến những nơi nầy. Thật vậy, chính nghiệp đã thúc đẩy những người có quả báo giống nhau đã tìm về ở chung một môi trường với nhau. Ví dụ có khoảng vài ngàn người trong quá khứ tạo nghiệp ác ở rải rác khắp nơi trên thế giới mà quả báo của họ khá giống nhau là phải chịu chôn vùi theo dòng nước bùn dưới chân một ngọn núi. Nhưng nhân duyên để họ quay quần về sống gần nhau dưới chân núi cần phải một thời gian là vài trăm năm sau, do đó khi mới đây chúng ta thấy trận nước bùn chôn người tại một hòn đảo ở Phi Luật Tân là có sự chuẩn bị nhiều trăm năm của Luật Nghiệp Báo mà thôi. Chưa chắc là những nạn nhân nầy đã từng tạo chung một nghiệp ác trong quá khứ. Có thể mỗi người tạo riêng cho mình mỗi nghiệp ác nặng nhẹ khác nhau, nhưng tất cả đều chiêu thành một quả báo giống nhau nên nghiệp duyên đã thúc đẩy họ cùng định cư chung quanh bờ biển hay ngọn núi. Vì thế người nghiệp nặng thì chết, người nghiệp nhẹ hơn thì bị gãy chân, gãy tay, hay chỉ bị xây xát mà thôi.
Cũng có trường hợp nhiều người cùng chung tạo nghiệp, nhưng vì thiếu nhân duyên để gặp gỡ nên họ chia ra nhận quả báo riêng rẻ mỗi nơi khác nhau mặc dù quả báo khá giống nhau. Ví dụ, hai người bạn cùng phát tâm xây một cây cầu nhỏ cho dân làng đi lại dễ dàng trong mùa mưa. Vì đây là nghiệp thiện, nhưng do tư tưởng và một số nghiệp khác không giống nhau nên đời sau một người sinh ra ở Việt Nam còn người kia sinh ra ở Mỹ. Mặc dù sanh ra trong hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng hai người đều thích học ngành xây dựng cầu cống và thành công giàu có gần như nhau.
Một hôm, Đức Phật đang ngồi trên núi Linh Thứu thì có nhiều đoàn tỳ kheo đi thiền hành. Đoàn thứ nhất gồm một số tỳ kheo đi theo tôn giả Xá Lợi Phất, đoàn thứ hai đi theo tôn giả Mục Kiền Kiên, đoàn thứ ba đi theo tôn giả Đại Ca Diếp, đoàn thứ tư đi theo tôn giả A Na Luật, đoàn thứ năm đi theo tôn giả Ưu Bà Ly và đoàn thứ sáu đi theo sau Đề Bà Đạt Đa. Khi đó Đức Phật mới nói với các tỳ kheo đang ở bên cạnh rằng:
- Những tỳ kheo cùng đi theo Xá Lợi Phất là những tỳ kheo có trí tuệ lớn. Những tỳ kheo cùng đi với Mục Kiền Liên là những tỳ kheo có đại thần thông. Những tỳ kheo đi theo Đại Ca Diếp là những tỳ kheo thích tu khổ hạnh đầu đà…Còn những tỳ kheo mà đi theo Đề Bà Đạt Đa là những tỳ kheo có tâm ác dục.
Và Đức Phật đã kết luận rằng:
- Ai cùng đi theo người nào là đã có cái nghiệp chung với người đó. Những tỳ kheo đi theo tôn giả Xá Lợi Phất có cái nghiệp chung, tức là cộng nghiệp, với Ngài về trí tuệ. Những tỳ kheo đi theo tôn giả Mục Kiền Liên là có nghiệp chung với Ngài về thần thông… Cho tới các tỳ kheo đi theo Đề Bà Đạt Đa cùng có nghiệp chung về ác dục. Cái nghiệp chung đó có từ quá khứ, hiện tại và vị lai.
Ngày nay, chúng ta thấy cộng nghiệp hiển hiện rất thực tế và cụ thể. Người thích cờ bạc thì chỉ muốn giao du với người chơi cờ bạc, còn kẻ ham rượu chè thì lân cận ăn chơi với người uống rượu. Người thích đi chùa tụng kinh niệm Phật thì kết bạn với người đi chùa tụng kinh niệm Phật. Như vậy, cộng nghiệp đưa đẩy con người thân cận, kết bạn với nhau và biệt nghiệp khiến chúng ta có dáng mạo, tánh tình, năng khiếu và trí tuệ khác nhau.
Trong số những nhà tiên tri lừng danh trên thế giới, chúng ta thấy ở Pháp vào khoảng thế kỹ thứ 16 có Nostradamus (1503-1566), còn ở Việt Nam có trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Những vị tiên tri nầy có khả năng tiên đoán những sự việc sẽ xảy ra rất lâu chứng tỏ rằng Luật Nghiệp Báo đã sắp xếp quả báo của mọi người khá rõ ràng từ nhiều trăm năm, có khi từ nhiều ngàn năm, về trước. Chính Nostradamus có một sự nhạy cảm tâm linh cao độ khiến ông đã đọc được nhiều tiên đoán cho dù nó chưa có dấu hiệu nào nơi không gian hiện hữu cả.
Đất nước Việt Nam chúng ta là nơi đầy long mạch và tụ khí nên ngày xưa Cao Biền cởi hạc đi đến đâu là ếm long huyệt đến đó. Năm 785, Thiền Sư Định Không (730-808) nhân cho đào đất để đắp nền dựng chùa Dịch Bảng, Thiền Sư tìm thấy 10 chiếc khánh và một chiếc lư hương. Nhưng khi đem xuống sông để rửa thì một chiếc khánh chìm xuống nước. Cảm ứng việc nầy, Thiền Sư thánh nhập xuất khẩu nói rằng: mười chiếc là thập khẩu, viết chung lại là chữ Cổ, một chiếc rơi xuống chìm đi là thủy khử viết chung lại là chữ Pháp, cho nên Thiền Sư đặt tên cho mảnh đất thiêng liêng nầy là Cổ Pháp. Thiền Sư làm một bài thơ tiên tri 200 năm sau, nhà Lý sẽ làm vua, xuất thân từ làng Cổ Pháp:
Đất trình pháp khí
Phẩm chất tinh đồng
Đưa Phật giáo đến chổ hưng long
Đặt tên là làng Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Mười chiếc chuông đồng
Nhà Lý hưng vương
Tám phẩm thành công
Trước khi viên tịch, Thiền Sư Định Không dặn đệ tử là Thiền Sư Thông Biện rằng:” Đất Cổ Pháp nầy rất quan trọng, sau nầy có dị nhân đến phá hoại thì bậc vĩ nhân không thể xuất thế để cứu nước và làm cho Phật pháp hưng thịnh”. Thiền Sư Thông Biện ghi lời thầy dạy trong một ngôi tháp được dựng lên để thờ Thiền Sư Định Không ở phía Tây chùa Lục Tổ. Trước khi qua đời, Thiền Sư Thông Biện lại dặn cho đệ tử là Thiền Sư La Quý An (852-936). Quả nhiên năm 865, tức là khoảng 100 năm sau lời tiên tri của Thiền Sư Định Không, Cao Biền qua Giao Châu và sai đắp thành ở sông Tô Lịch mới biết là đất làng Cổ Pháp có khí đế vương nên đã cho đào 19 địa điểm để yểm phá. Thiền Sư La Quý An biết được và y theo lời Tổ dạy đã cho lấp lại 19 cái huyệt mà Cao Biền đã đào để yểm.
Y như lời tiên tri Thiền Sư Định Không trên 200 năm trước, năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi vua dựng lên nhà Lý và truyền được 8 đời (8 phẩm thành công).
Xin nói thêm, vua Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn, người sáng lập ra triều đại thịnh vượng và huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam, người làng Cổ Pháp, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh lại là con không có cha. Tục truyền rằng, mẹ là Phạm Thị một hôm đi chơi chùa Tiêu Sơn nằm mộng đi lại với thần nhân rồi về có thai và sinh ra được đứa con trai. Khi đứa bé lên ba tuổi thì đem cho nhà sư ở chùa Cổ Pháp tên là Lý Khánh Vân làm con nuôi và đặt tên là Lý Công Uẩn. Nhà sư Lý Khánh Vân sau nầy là Sư Vạn Hạnh. Công Uẩn lớn lên vào Hoa Lư làm quan nhà tiền Lê đến chức Tả Thân Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Khi Lê Long Đỉnh mất thì Lý Công Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Lúc bấy giờ lòng người đã oán hận nhà tiền Lê nên ở trong triều có bọn Đào Cam Mộc cùng với Sư Vạn Hạnh mưu tôn Lý Công Uẩn lên làm vua. Vua Lý Thái Tổ thấy đất Hoa Lư chật hẹp bèn định đời đô về La Thành. Tháng 7 năm 1010 thì khởi sự dời đô, nhưng khi ra đến La Thành, Thái Tổ nằm mộng thấy rồng vàng hiện ra bèn đổi tên là thành Thăng Long, tức là Hà Nội ngày nay. Sau đó nhà vua cũng nằm mộng thấy Phật Bà hiện ra nên xuống chỉ làm ra chùa một cột mà vẫn còn là một kỳ quan tại Hà Nội bây giờ. Triều đại nhà Lý kéo dài đến đời thứ bảy là vua Lý Huệ Tông thì ông vua nầy không có con trai mà thường hay bịnh hoạn và thỉnh thoảng lại nổi cơn điên nên cứ uống rượu say ngủ cả ngày. Nhà vua chỉ có hai công chúa, người chị thì gã cho Trần Liêu còn người em là Chiêu Thánh công chúa tên là Phật Kim thì mới lên 7 tuổi được lập làm Thái tử. Tháng 10 năm 1224, vua Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa rồi vào ở chùa Chân Giáo để đi tu. Chiêu Thánh công chúa lên ngôi tức là vua Lý Chiêu Hoàng và là vị vua cuối cùng của triều Lý. Bấy giờ mọi việc triều chính đều nằm trong tay Trần Thủ Độ mà Thủ Độ lại tư thông với Trần Thái Hậu và cho cháu là Trần Cảnh vào làm chức Chính Thủ. Đến tháng chạp thì Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và truyền ngôi cho chồng. Nhà Lý đến đây là hết, làm vua được 216 năm và truyền ngôi được 8 đời. Một hôm Huệ Tông đang nhổ cỏ ở sân chùa Chân Giáo, Trần Thủ Độ đi qua trông thấy, mới nói rằng:”Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rể cái nó đi”. Huệ Tông nghe thế, phủi tay đứng dậy nói rằng:”nhà ngươi nói ta hiểu rồi”. Được vài ngày, Thủ Độ cho người mời Huệ Tông, Huệ Tông biết ý, vào nhà sau thắt cổ tự vận. Năm Ất Dậu, 1225 Trần Cảnh lên ngôi lúc mới 8 tuổi lấy hiệu là Trần Thái Tông để khai nguyên cho cơ nghiệp của nhàTrần.
Trở lại vần đề Nghiệp Quả thì hiện nay có một tai họa chung mà toàn thể nhân loại phải gánh chịu đó là ngày tận thế. Vào năm 1988 có một vẫn thạch lớn cắt ngang quỹ đạo của địa cầu tại một nơi mà địa cầu vừa mới đi qua, Các nhà thiên văn còn e ngại một sự gặp gỡ tương tự như thế xảy ra vào lúc khác. Nếu có sự va chạm lớn như vậy, chắc chắn đó là ngày tận thế của nhân loại cũng như trên 65 triệu năm về trước, những vẫn thạch đã tiêu diệt tất cả mọi loài khủng long. Thêm nữa với những kho nguyên tử mà con người tồn trữ ngày nay đủ sức tàn phá và tiêu diệt toàn thể nhân sinh trong trái đất nầy nếu con người cứ mãi điên cuồng chạy theo để thỏa mãn lòng tham vô đáy của họ. Thật ra tận thế là một quả báo chung của toàn thể nhân loại vì sự sống của mình mà con người thường xuyên tạo các nghiệp phá hoại sự sống lẫn nhau. Những con vật lớn ăn thịt các loài vật nhỏ bé hơn, con cọp mạnh đi bắt con dê yếu đuối. Cá lớn nuốt cá con và con người thì mưu toan giết hại lẫn nhau, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu…Quốc gia lớn đè ép quốc gia nhỏ, ngay cả tôn giáo nầy cũng muốn thanh toán tôn giáo kia. Nếu nhân loại cứ bạo tàn hủy diệt sự sống lẫn nhau thì ngày tận thế sẽ đến gần hơn. Còn như nhân loại biết bồi đắp giữ gìn sự sống cho nhau thì chính họ tự tay đẩy ngày tận thế xa ra mãi mãi. Nhưng đối với dòng luân hồi sinh tử, tử sinh vô tận tiếp nối mãi mãi thì cái chết lúc tận thế có gì quan trọng để chúng ta sợ hãi đâu? Nếu chúng ta cố gắng tu tâm dưỡng tánh để tích lũy phước đức và công đức cho được viên mãn thì tận thế hay không đối với người tu Phật chẳng qua chỉ là một sự chuyển tiếp từ cuộc sống ở một thế giới nầy sang một thế giới khác mà thôi. Chẳng hạn như cõi Tây phương Cực Lạc để có cuộc sống an vui tự tại hơn.
Sắc thân của con người ví như một quán trọ và tâm thức ví như người khách trọ. Nếu quán trọ nầy không ở được thì người khách trọ vào quán trọ khác. Không có gì là quan trọng cả.
Gửi ý kiến của bạn