Phần Giới Thiệu

24 Tháng Ba 201100:00(Xem: 14832)

THANH TINH TÂM
Lê Sỹ Minh Tùng

PHẦN GIỚI THIỆU


Trước khi Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tìm đạo, nhân dịp dạo chơi bốn cửa thành thì Ngài thấy những cảnh khổ như sanh, già, bệnh, chết. Từ đó trong tâm của Thái tử nẩy sanh ra ba thắc mắc:

1) Con người chúng ta từ đâu đến đây?
2) Sau khi chết thì chúng ta sẽ đi về đâu?
3) Cuộc đời nầy đầy dẫy khổ đau do đó nếu muốn thoát khổ và ra khỏi vòng sanh tử thì phải làm sao?


Vì những thắc mắc đó mà Ngài không yên tâm sống trong cảnh cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh mà quyết chí xuất gia cầu đạo, xả phú cầu bần để cố tìm cho ra chân lý. Sau gần 11 năm tu hành khổ hạnh đến khi thân thể khô cằn chỉ còn xương bọc lấy da và một ngày nọ vì quá kiệt sức Ngài ngã quỵ bên dòng sông Ni Liên. Lúc ấy có một thôn nữ tên là Sujata đến cúng dường một bát cháo sữa và sức khỏe Thái tử dần dần hồi phục. Thái tử bèn tắm gội ở dòng sông Ni Liên, vượt qua sông lớn đến núi Bát La Cấp Bồ-đề tức là núi Tiền Chánh Giác và dạo xem phong cảnh ở đây. Ngài rất hài lòng cảnh trí an tĩnh của núi nầy và có ý định chọn nơi đây để thành Chánh Giác. Khi Thái tử từ triền núi phía đông bắc lên trên đỉnh núi, mặt đất bỗng chấn động làm núi rừng rung chuyển. Sơn thần lo sợ thưa với Thái tử:

* Quả núi nầy không có phước để Ngài tu thành Chánh giác. Nếu Ngài ở lại đây, nhập Kim Cương định, sẽ sinh ra động đất thì núi nầy thế nào cũng bị sụp đổ.

Sau đó Thái tử từ phía tây nam đi xuống, dừng lại nơi lưng chừng núi, nhìn xuống vực sâu thấy có một ngôi thạch thất. Ngài bèn vào trong ngôi thạch thất, ngồi Kiết già thì mặt đất lại chuyển động làm quả núi rung chuyển. Khi đó có vị Hộ pháp thiên thần là Tịnh Cư Thiên, một trong Tứ Thiên vương, từ trên không nói vọng xuống:

Chỗ nầy cũng không phải nơi Như Lai tu thành Chánh giác. Ngài phải đi khoảng mười lăm dặm về hướng tây nam, không xa nơi Ngài tu khổ hạnh khi trước, có một cây Tất Bạt La, bên dưới có một tòa kim cương, chư Phật quá khứ và tương lai đều thành Chánh giác tại đó cả. Như Lai nên đi đến đó.

Thái tử bèn đi đến cây Tất Bạt La, trong lòng thầm nghĩ nên dùng cỏ để trải tòa. Trời Đế Thích thấu biết liền biến thành một người cắt cỏ, gánh một gánh cỏ đến. Thái tử bèn hỏi:

* Cỏ ông gánh đấy có cho tôi mượn được không?

Thái tử nhận cỏ và lót ngồi dưới cội cây Tát Bạt La. Ngài ngồi suốt 49 ngày đêm thiền định dưới cội cây Tất Bạt La và trở thành đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ đây Thái tử Tất Đạt Đa không còn nữa mà trở thành Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và cây Tất Bạt La được gọi là cây Bồ-đề tức là cây giác ngộ. Khi Phật Đà còn tại thế, cây ấy cao mấy mươi thước, bị chặt phá bao nhiêu lần nên ngày nay cây Bồ-đề là cây cháu, cây chít chớ không còn là cây mà ngày xưa Đức Phật ngồi trên đó. Mỗi năm đến ngày Đức Phật nhập diệt, cây Bồ-đề rụng hết lá, nhưng sau đó lá xanh lại nhanh chóng phục hồi như trước.

 



la bo de


Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng bốn trăm năm tức là vào năm 264 trước Công nguyên, vua A Dục mới lên ngôi. Vì tin theo tà đạo và muốn phá hoại di tích Phật giáo, đích thân nhà vua thống lãnh quân đội đến chặt phá cây Bồ-đề. Cây bị đào bật gốc, chặt đứt từng đoạn rồi đem đi vất cách xa chỗ ấy mấy mươi bước rồi hạ lệnh cho những người Bà La Môn thờ lửa đốt rụi để tế trời. Khi ngọn lửa còn đang phừng cháy, đột nhiên nẩy sinh ra hai gốc cây Bồ-đề trong ngọn lửa, tàng lá sum sê, xanh tốt rất mực nên người sau gọi là cây Bồ-đề tro.

Vua A Dục thấy chuyện kỳ lạ, thành tâm hối hận, dùng sữa thơm rửa sạch các rễ cây còn sót lại và đến sáng hôm sau cây Bồ-đề phục sinh như cũ. Nhà vua thấy linh dị như thế, trong lòng phát sinh tâm kính ngưỡng nên đích thân nhà vua cúng dường trọng lễ. Vương phi xưa nay tín ngưỡng ngoại đạo, lén sai đầy tớ nhân lúc trời tối quá nửa đêm đến chặt cây. Sáng hôm sau, vua A Dục thấy cây bị tàn tạ, đau đớn trong lòng, dùng sữa thơm tưới rửa thì chưa đến một ngày cành lá lại phục hồi như trước. Từ đấy vua A Dục lại càng tôn sùng tin tưởng liền cho xây tường bao bằng đá, cao trên mười thước để bảo vệ cho cây mà vẫn còn cho đến ngày nay.

Vào cuối thế kỷ thứ sáu, vua nước Cao Đạt là Sasànka có nghĩa là mặ trăng cũng tín ngưỡng ngoại đạo nên đố kỵ phá hoại Phật pháp. Nhà vua ra lệnh chặt bỏ cây Bồ-đề, đem vất xuống sông và cho đào cả rễ cây mà đốt. Sau đó dùng mật đường mía tươi tưới lên cho tuyệt mầm. Mấy tháng sau vua Mãn Trụ (Pàrnavarma) là cháu vua A Dục nghe tin ấy thì than thở:

* Ngày của Trí tuệ đã ẩn tàng rồi, chỉ còn lại mỗi cây Bồ-đề ấy mà nay cũng bị tàn phá nốt thì chúng sinh còn gì để nương tựa?

Nhà vua nằm lăn ra đất rất đau thương rồi dùng sữa của mấy ngàn con bò mà tưới cho cây. Qua một đêm cây lại nẩy mầm lớn lên cao đến hơn mười thước. Nhà vua lại sợ có người lại phá hoại nên cho xây tường bằng vách đá xanh cao để bảo vệ mà hiện nay vẫn còn là một di tích ở Bồ-đề đạo tràng.

Từ lúc khai thiên lập địa, ở trong tam thiên đại thiên thế giới và ở ngay trung tâm của Bồ-đề đạo tràng có một tòa Kim Cương mà bên dưới đụng tới Kim luân và bên trên đụng tới mặt đất do Kim Cương cấu thành với chu vi khoảng một trăm bước. Thời Hiền kiếp thiên Phật tức là một ngàn vị Phật xuất thế độ sanh đều tọa thiền nơi ấy mà nhập được Kim Cương định nên mới gọi là Kim Cương tòa.

Phía bắc cây Bồ-đề, có một khu đất, là nơi Phật Đà tản bộ. Sau khi thành Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật ngồi tĩnh tọa tại tòa Kim Cương nhập định bảy ngày. Lúc đó có Long vương muốn hộ vệ Như Lai nên lấy thân mình quấn quanh Đức Phật bảy vòng, rồi hóa thành nhiều đầu lâu để bảo vệ cho Ngài. Kế đó có ngôi tịnh xá xây dựng trên một tảng đá lớn. Trong tịnh xá có một Phật tượng, mắt nhìn lên trên cao bởi vì ngày xưa sau khi thành Phật, Ngài đứng tại đó trải qua bảy ngày nhìn chăm chăm cây Bồ-đề, dẫu một khắc cũng không rời. Đó là Như Lai báo đáp ơn trọng của cây Bồ-đề và cũng là lúc Ngài suy nghĩ lời của một Đại Phạn Thiên vương khuyên nên chuyển bánh xe Pháp. Sau khi thành đạo thì có hai vị thương gia tên là Đề Vị (Tapussa) và Ba Lợi (Bhallika) lấy thức ăn đi đường của mình gồm cháo mạch và mật ong dâng lên Phật Đà. Thọ dụng bửa ăn xong, Đức Phật đang tính tìm vật chi để đựng thức ăn thì bốn vị Thiên Vương từ bốn phương hiện đến, mỗi người đem theo một bình bát bằng vàng, chuẩn bị hiến cho Thế Tôn. Đức Phật không chịu nhận vì người xuất gia không xử dụng vật dụng ấy. Tứ Thiên vương lại dâng các loại bình bát bằng bạc rồi mã não, lưu ly…đều bị Thế Tôn từ chối. Bốn vị Thiên vương mỗi người trở về tiên cung lấy loại bình bát bằng đá, sắc xanh hồng dâng lên. Thế Tôn nhận cả bốn bát bằng đá, rồi nhập chung lại thành một, nên bình bát của Phật có bốn cái dấu.

Phía đông cây Bô-đề có ngôi Manh Long thất. Trong nhà có con rồng kiếp trước phạm nhiều tội nên khi ra đời đã bị mù cả hai con mắt gọi là con rồng mù. Khi Thái tử sắp thành Chánh Giác có đi ngang qua Manh Long thất, thốt nhiên mắt rồng trở nên sáng ra liền bạch với Thái tử:

* Thầy sắp sửa thành Chánh Giác vì đôi mắt tôi mù đã lâu lắm rồi, khi nào Phật ra đời thì mắt tôi liền sáng. Bửa nay, thầy đi qua, hai con mắt của tôi sáng ra nhìn thấy hết mọi thứ cho nên tôi biết thầy sắp thành Phật.

Trong đêm lịch sử mùng tám tháng chạp cách đây trên 2500 năm thì Ngài đã thành đạo sau khi chứng được tam minh và lục đại thần thông. Tam minh đó là:

1)Túc Mạng Minh: Túc là đời trước, mạng là sinh mạng còn minh là sáng suốt. Do đó túc mạng minh là sáng suốt để thấu hiểu rõ ràng những đời trước của mình. Đây là lời giải đáp câu hỏi thứ nhất là con người chúng ta từ đâu mà đến? Đức Phật đã thấy rõ vô số tiền kiếp của mình như việc mới xảy ra hôm qua. Đời trước Ngài là ai? Tên gì? Và sống ở đâu? Từ đó vô số kiếp hiện ra trước mắt Ngài, một kiếp qua đi thì kiếp khác lại đến. Vì sự trực tiếp nhớ về đời quá khứ của chính mình nên về sau đệ tử của Phật gom góp tất cả các đời quá khứ để làm thành kinh Bổn Sự cho Đức Phật.

2)Thiên Nhãn Minh: là con mắt sáng suốt thấy rõ ràng những gì rất xa một cách tường tận. Ngài đã thấy sự sanh tử của chúng sanh dựa trên cái nghiệp mà chính họ đã tạo ra. Sự thấy biết của Ngài như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng. Đức Phật thấy rằng con người chết rồi không phải là hết mà phải theo nghiệp để thọ sanh trong Lục đạo Luân hồi. Đây là câu trả lời cho nghi vấn thứ hai là sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu.

3)Lậu Tận Minh: Lậu là rơi rớt, tận là chấm dứt, là hết. Do đó lậu tận minh là biết tường tận để không còn rơi rớt vào trong lục đạo luân hồi. Đức Phật đã thấy nguyên nhân nào chúng sinh có sanh

tử và phương cách nào chấm dứt sự sanh tử nầy để không còn rơi rớt, trầm luân trong sáu nẻo luân hồi. Đây chính là chân lý Tứ Diệu Đế. Con người không còn sanh tử tức là vĩnh viễn không còn đau khổ và đây là câu trả lời cho nghi vấn thứ ba.

* Ngoài tam minh thì Đức Phật còn chứng cả lục đại thần thông, đó là:

1) Thiên nhãn thông: có nhãn lực nhìn thấy khắp muôn loài cùng sự sanh hóa trong thế gian bao la rộng lớn.

2) Thiên nhĩ thông: có nhĩ lực để nghe khắp mọi nơi bao gồm loài người và loài vật.

3) Tha tâm thông: có tâm lực biết được tâm nguyện sở cầu của kẻ khác.

4) Túc mạng thông: có trí lực hiểu biết các đời trước của mình.

5) Thần túc thông: có thần lực để bay cao hay độn thổ.

6) Lậu tận thông: có trí tuệ thông suốt ba đời để không còn đau khổ, phiền não và sanh tử luân hồi.

Mặc dầu Đức Phật đạt được lục đại thần thông, nhưng trong suốt 49 năm hoằng pháp thì Ngài lúc nào cũng khuyên đệ tử chỉ dùng chánh pháp mà hành đạo chớ không nên lạm dụng thần thông, bởi vì khi thần thông hết thì lòng tin con người cũng tan biến theo, còn chánh pháp là chân lý tối thượng để giúp con người đến chỗ giác ngộ ngỏ hầu giải thoát cho họ ra khỏi mọi phiền não khổ đau. Một ngày nọ Đức Phật muốn vượt qua sông Hằng, lúc đó có một ông ngoại đạo đến khoe rằng:

* Tôi có thể đi trên mặt nước để qua sông.
* Đức Phật hỏi:
* Ông tu luyện bao lâu mới đạt được như vậy?
* Ông ngoại đạo đáp:
* Phải cần tu luyện đến 50 năm mới thành được.

* Đức Phật dạy:

Ông dùng đến 50 năm tu luyện để đi qua sông, còn ta chỉ cần có ba đồng để trả tiền đò thì cũng qua được sông mà thôi.

Vì thế nếu dùng 50 năm của ông ngoại đạo kia để làm việc lợi ích cho chúng sanh và tu tâm thanh tịnh thì tốt biết bao. Thêm nữa, thần thông cũng không thắng nỗi nghiệp lực do đó khi nghiệp quả đã đến thì thần thông cũng trở thành vô nghĩa mà thôi.

Kinh điển Phật giáo là những bảo vật vô giá và chính là kim chỉ nam cho kẻ tu hành, nhưng muốn giải thoát giác ngộ con người không thể hoàn toàn sống trong dĩ vãng hay thế giới của kinh điển được. Con người cần đọc kinh để tìm hiểu những ý nghĩa huyền diệu nhưng cũng cần phải xét suy những gì hợp với sự thật và gạt bỏ đi những gì rườm rà phiền phức. Nói như thế có nghĩa là chúng ta tôn trọng Chân Lý mà Đức Phật đã chỉ dạy trong tinh thần chứ không phải trong sách vở hay kinh điển. Đọc quá nhiều kinh sách cũng là một chướng ngại cho sự tu hành vì tu là tìm sự giải thoát chứ không phải bị trói buộc trong những dòng chữ trong kinh.

 

Chúng sinh vô-biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô-tận thệ nguyện đoạn,

Pháp môn vô-lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô-thượng thệ nguyện thành.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3268)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9905)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4192)