Chương 05

13 Tháng Hai 201100:00(Xem: 15626)

PHÁP NGỮ

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Tu thì đừng bao giờ tự mình bào chữa (đính chính cho mình), cũng chớ biện luận uốn éo (không thẳng thắn), cũng chớ nói chuyện thị phi (bàn luận chuyện đúng sai, tốt xấu của người).

Không có chúng sinh thì sẽ không có kinh điển. Không có kinh điển thì cũng không có việc giáo hóa chúng sinh thành Phật.

Nếu có ai mắng chửi tôi (hòa thượng), bạn nên đảnh lễ kẻ ấy. Bất luận ai hủy báng tôi, bạn cũng chớ biện hộ cho tôi.

Càng để dành tiền cho con cháu bao nhiêu thì bạn sẽ càng nuôi họa lớn bấy nhiêu. Chẳng để dành bao nhiêu tiền cho con cháu mà ngược lại, tránh được nhiều rắc rối.

Chớ lãng phí thời gian. Có giờ thì hãy dụng công. Các bạn hãy nỗ lực, siêng năng tinh tấn.

Hộ pháp tức là đừng làm cho pháp diệt vong.

Bất kỳ người nào thuyết pháp, hay hoặc dở, bạn cũng không nên sinh lòng chán ghét, phiền não, khó chịu.

Trẻ không tu, chờ tới lúc bạc đầu mới tu, thì sẽ chẳng kịp.

Khi trong tâm mình không chấp trước, thì tượng Phật lúc nào cũng khai quang. Nếu tâm mình chấp trước, dù tượng Phật đã được khai quang, cũng chẳng khác gì chưa khai quang.

Ăn bớt chút thịt thì sẽ bớt chút quái bịnh.

Phép tắc ở đời là mình phải biết nguồn biết cội; hết lòng lo lắng, một mực hiếu thảo với cha mẹ, cung kính với sư trưởng. Đó là lý tất nhiên của trời đất vậy.

Nếu bạn không nghe giảng kinh thuyết pháp, chỉ cắm đầu tu hành thì đó gọi là tu mù, luyện bậy. Dù có tu đến số kiếp nhiều như bụi bặm, bạn cũng chẳng thể thành công.

Người thiện thì có hào quang trắng sáng. Người ác thì có khí đen đúa hắc ám. Do đó làm thiện làm ác đều tự nhiên hiện ra nơi hình tướng. Bạn có thể che mắt người, nhưng không thể che mắt Phật Bồ Tát và quỷ thần.

Bạn không nghe giảng kinh thuyết pháp, nhưng lại coi sách báo nhảm nhí khác thì tức là không giữ quy củ rồi đấy.

Vì bạn nghe giảng mà chẳng hiểu nên bạn phải cần nghe. Nếu nghe mà hiểu thì bạn chẳng cần nghe làm gì.

Thế nào là núi? Tức là lòng cống cao ngã mạn của mình. Thế nào là biển? Tức là tâm tự ty, cho mình là thấp kém. Vì bạn có lòng tự cao nên có núi cao. Vì bạn có lòng tự ty nên có biển sâu. 

Vì sao mình cần phải thâu hồi ánh sáng, không chiếu rọi ra ngoài? Lấy cây đèn dầu làm ví dụ: Đốt đèn, ánh sáng tỏa. Nhưng thắp hoài thì dầu cạn, đèn tắt. Nếu lúc cần mới thắp, không dùng thì tắt, đèn sẽ còn dùng rất lâu. (Đừng đem ánh sáng, trí huệ, tài năng, ra phung phí; phải biết giữ gìn. Tránh bị danh lợi dẫn dụ làm tiêu hao tiềm năng của mình.)

Phật phóng quang là để phá trừ vô minh của chúng sinh.

Hoằng dương Phật pháp là việc của mọi người, ai ai cũng nên chia xẻ gánh nặng. Có tiền thì đóng tiền, có sức thì góp sức. Mình phải nỗ lực đoàn kết nhất trí thì mới có thể làm Phật giáo hưng thịnh được.

Ăn thịt thì dục niệm sẽ nhiều, vọng tưởng cũng nhiều, rất khó nhập định. Không ăn thịt thì dục vọng mới nhẹ, lòng sẽ biết đủ, cũng sẽ bớt vọng tưởng. Đó là do khí huyết mình nhẹ nhàng, không hỗn trược.

Người biết tụng kinh thì chẳng những biết tụng kinh có chữ, còn biết tụng cả kinh không chữ. Người biết tụng kinh không chữ mới là người chân chính hiểu Phật pháp.

Rốt ráo, thế nào là kinh không chữ? Chính là lúc bạn không sinh ra một ý niệm nào. Khi không sinh ý niệm, lúc ấy bạn sẽ quay về với không tịch.

Người đời có câu nghe rất khắc bạc: Người xuất gia không ham tiền, nhưng càng nhiều càng tốt! Người xuất gia nghe vậy phải phản tỉnh, tự kiểm điểm, phải chăng mình có ý nghĩ như thế? Có thì sửa, không có thì ngừa.

Niệm Phật một tiếng, sen nở lớn chút. Niệm niệm đều là Nam Mô A Di Đà Phật thì sen nở lớn như bánh xe. Chờ tới khi bạn vãng sinh thế giới Cực Lạc thì linh tánh của bạn sẽ an trú nơi hoa sen ấy.

Thế giới Ta Bà thì vạn khổ trùm bủa, vạn ác dẫy đầy. Ai cũng tranh chấp lẫn nhau, chẳng có lúc bình an yên ổn. Ở Cực Lạc thì chẳng có phiền não, chẳng rắc rối gì cả. Vì vậy mình phải cầu sinh tịnh độ, hóa sinh từ hoa sen, diện kiến đức Di Đà, đạt tới quả vị không còn thụt lùi đọa lạc nữa.

Nhiều người làm tôi tớ cho thân xác này, thức khuya dậy sớm, là vì sao? Cứu cánh vì mình mà bận rộn? Hay vì bạn? Hay vì người khác mà bận rộn? Tôi tin rằng nhiều người không sao giải đáp vần đề này.

Nên biết: Người quân tử chỉ lo nghĩ về Đạo, không lo nghĩ về ăn uống.

Trong đạo Phật, xử thế với người hay xử lý công việc, mình đều phải dựa vào lòng từ bi hỷ xả, bốn tâm thái không giới hạn. Chớ nên mượn chuyện công để trả thù riêng. Không nên vì mối bất hòa mà mình vạch lông tìm vết, cố ý kiếm lỗi của người. Nhất định mình phải dùng lòng thẳng thắn, không thù oán, không thiên vị để giải quyết việc công.

Gõ mỏ theo đúng nhịp thì sẽ có công đức. Vừa gõ mỏ vừa tức giận, nên gõ ầm ĩ, hoặc gõ nhẹ hìu đều là lỗi lầm.

Bởi vì đời trước có tạo nghiệp chướng nên đời này, sẽ có lúc, quỷ tới đòi nợ. Cũng là lúc mà dương khí người này không đủ, âm thịnh dương suy nên quỷ mới thừa dịp tới tìm. Nếu bạn thường thường không chút phiền não, trí huệ hiện tiền, thì quỷ sẽ chẳng tìm thấy sơ hở để nhảy vào phá hại.

Chân thật niệm Phật tức là đi đứng nằm ngồi gì bạn cũng chỉ biết Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ hồng danh. Nếu bạn nhìn nước chảy, biết rằng nước chảy; nhìn gió thổi biết rằng gió thổi, hết nhìn đông lại ngó tây, xem xét động tịnh khắp nơi, thì bạn chẳng chân thật niệm Phật.

Nếu cứ lộ liễu khoe khoang (tài năng, trí huệ) thì đó thật là hành vi ngu si.

Sinh mạng không phải là tiền bạc, mà là vô giá bảo. Sinh mạng chẳng thể dùng tiền bạc mua bán. Song có người ở trên đời bán rẻ sinh mạng của mình, cam tâm tình nguyện hy sinh thân mạng để đổi lấy đồng tiền. Trong xã hội, (bất kỳ là người ở trong) tam giáo cửu lưu, ngũ phương bát đức, vì đồng tiền họ có thể bán đứt linh hồn và sinh mạng.

Đại công vô tư nghĩa là không ích kỷ, không tự lợi, không có dục vọng. Đối với tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ thì hoàn toàn không dính mắc, chẳng tham chẳng ái.

Do kiếp trước tu hành nên kiếp này chuyện gì cũng suông sẽ. Nếu kiếp này tu hành thì kiếp sau còn tốt hơn nữa. Nếu không tu thì tương lai tuyệt đối sẽ không thể như đời này. Đời sau thuận hay nghịch đều hoàn toàn do mình quyết định. Phật Bồ Tát không thể giúp gì mình được.

Một tô canh đầy thịt cá (tuy nhỏ), song chứa đựng lòng oán hận, thù hằn sâu như biển. Nói chẳng hết nổi oán thù ấy.

Trong thịt có chứa một thứ khí ô trược. Đó là vì nó phát xuất từ vật ô trược mà ra. Vì thế người ăn thịt thì khó có thể trì giới, khó khai trí huệ, khó đắc tam muội.

Có bạn không xem việc học Phật pháp là trọng yếu, chuyện gia đình mới quan trọng. Họ nói rằng: Tôi phải làm tròn trách nhiệm của tôi đã. Đến khi y chết, ai gánh trách nhiệm đây? Rõ là y không biết tính toán!

Không phải chỉ có làm hai thời công phu sáng và tối rồi gọi là tu. Bình thường, nhất cử nhất động, mỗi lời mỗi việc, mình phải tuân theo tiết tấu, quy luật. Bởi vì mỗi người ai cũng có âm nhạc của tự tánh.

Vì tâm không bình an nên mình mới cần âm nhạc bên ngoài giúp điều hòa tâm thái bên trong. Nếu tâm bạn lúc nào cũng yên ổn bình hòa, tràn ngập một không khí hòa điệu an lạc, thì đó mới chân chính là âm nhạc.

Các bạn đã tới núi châu báu, chớ nên ra về tay không.

Đừng nên vì bị chửi rủa, sàm báng mà khởi lòng oán hận. Hãy xem kẻ oán người thân giống nhau, dùng lòng nhân đối đãi. Nếu chẳng thế, làm sao bạn có thể diễn bày sức mạnh của lòng từ bi phát sinh từ vô sinh pháp nhẫn (Tính nhẫn nại do chứng ngộ sự không tịch của cái ngã, của người và vạn pháp).

Mỗi ngày mình phải phản tỉnh: Thời gian suy nghĩ, tính toán cho mình nhiều hay cho kẻ khác nhiều? Hay cho chùa nhiều? Phản tỉnh như vậy bạn sẽ biết mình có phá sự chấp ngã (chấp trước vào cái tôi) hay không.

Hãy phản tỉnh, xem công phu nhẫn nhục ra sao? Nếu bị người ta vô duyên vô cớ nhục mạ, đánh đập, mình nhẫn nhục được chăng? Nổi giận chăng? Sinh tâm báo thù chăng? Nếu có thì chấp ngã vẫn còn, chưa trừ.

Xin khuyên các vị giàu có: Hãy làm việc công ích, đạo đức, tế thế cứu đời. Đó mới là công đức vô lượng!

Có người nghĩ như vậy: Khi tôi già, không biết có chết đói, chết lạnh chăng? Ý nghĩ này thật kém cõi.

Các bạn biết chăng: Vì chẳng chịu buông bỏ, chẳng chịu bố thí, chẳng có lòng đồng tình, không biết thương xót mà mình phải luân chuyển không ngừng trong vòng sinh tử.

Kinh Kim Cang dạy: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (đừng trụ tâm vào bất kỳ thứ gì). Hễ có một chỗ (một đối tượng, một ý niệm, một cảm giác) thì tức là còn trụ. Vô sở trụ tức là không nghĩ thiện cũng không nghĩ ác. Bạn hãy dụng công ngay nơi đây. Nếu tâm chú ý vào chuyện gì đó, nghĩ tốt hay xấu về nó thì tức là chấp trước, là dính mắc rồi đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn