Chương 4: Các Căn

12 Tháng Hai 201100:00(Xem: 12219)


VUA MILINDA VẤN ĐẠO

Một bản thâu gọn quyển "Milinda Panha"
Bản Anh ngữ: Tỳ Kheo Pesala - Bản Việt ngữ: Cư sĩ Liễu Pháp

Chương 4: Các Căn

1. “Phải chăng ngũ căn được tạo tác từ nhiều hành nghiệp khác nhau hay tất cả ngũ căn đều do một hành nghiệp tạo nên?”
“Thưa Đức Vua, từ nhiều hành nghiệp khác nhau.”
“Xin ngài cho một ví dụ.”
“Nếu ngài gieo xuống ruộng năm loại hạt giống khác nhau thì mùa màng gặt hái được sẽ là năm loại khác nhau.”

2. “Bạch ngài Nāgasena, tại sao mọi người sinh ra lại không giống nhau; người chết trẻ và người thì sống lâu; người bệnh hoạn và người thì khỏe mạnh; có người xấu và có người đẹp; người có nhiều quyền hạn, kẻ lại không có quyền; người được giàu có, kẻ thì nghèo khó; có người sinh ra nơi cao quý và có kẻ sinh ra nơi hạ tiện; người thì khôn ngoan, kẻ thì ngu dại?”
“Tại sao mọi loại rau cỏ lại không giống nhau?”
“Tại vì chúng do các loại hạt giống khác nhau mà có.”
“Vậy thì, thưa Đức Vua, tại vì các hành nghiệp khác nhau mà chúng sinh không giống nhau. Về điều này, Đức Thế Tôn có nói: ‘ Tất cả mọi chúng sinh đều có hành nghiệp như là của cải của mình, như gia tài để lại cho mình, họ được sinh ra từ hành nghiệp, là họ hàng của hành nghiệp, coi hành nghiệp như nơi nương tựa, những hành nghiệp gì mà họ đã làm phân chia họ thuộc vào bậc cao hay thấp’.”

3. Ngài đã nói là ngài tiến tu để đau khổ được dập tắt và để cho không còn đau khổ nào nữa sẽ sinh khởi. Phải chăng điều đó có được là do các cố gắng đã có từ trước hay là do cố gắng từ nay về sau?”
“Những cố gắng bây giờ thì quan tâm đến những gì sẽ phải làm, những cố gắng đã qua để hoàn tất những gì đã phải làm.”
“Xin ngài cho một ví dụ.”
“Phải chăng ngài chờ đến khi quân thù dàn trận chống mình thì lúc đó ngài mới sắp đặt việc đào mương, đắp đê, dựng chòi canh gác, xây đồn lũy và thâu góp dự trữ?”
“Bạch Đại Đức, chắc chắn là không.”
“Thì cũng như vậy, những cố gắng bây giờ quan tâm tới những gì sẽ còn phải làm, những cố gắng đã qua thì hoàn tất những gì đã phải làm.”

4.”Ngài nói rằng lửa địa ngục có thể tức thì hủy hoại một tảng đá lớn như ngôi nhà; nhưng ngài lại nói bất cứ chúng sanh nào tái sanh vào địa ngục, dầu có đốt cháy hằng trăm ngàn năm thì họ cũng không tiêu hủy được. Làm sao mà có thể tin được điều này?”
“Mặc dù rằng thức ăn, xương và ngay cả đá sỏi được ăn vào trong bụng mẹ cũng bị hủy hoại, nhưng bào thai trong bụng mẹ lại không bị tiêu hủy. Cũng giống như vậy, những chúng sinh trong địa ngục không bị tiêu hủy vì lửa là do ảnh hưởng của nghiệp.” (*V4.4)

5. “Ngài nói rằng thế giới đặt nền tảng trên nước, nước đặt nền tảng trên gió và gió đặt nền tảng trên không gian. Điều này cũng không thể tin được.”
Rồi vị Đại Đức chỉ cho Nhà Vua nước trong một bình lọc nước được giữ nhờ áp lực không khí và Nhà Vua được thuyết phục.

6. “ Phải chăng sự ngưng nghỉ là Niết Bàn ?” (*V4.6)
“ Thưa Đức Vua, đúng vậy. Mọi lạc thú ngu dại trong trần gian đều do từ ngũ căn và ngũ trần; chúng sinh tìm thấy thỏa thích trong đó và dính mắc vào đó. Từ đó chúng sinh bị trôi lăn theo thác lũ dục vọng và không thoát khỏi vòng sanh tử và đau khổ. Người đệ tử khôn ngoan của các bậc cao thượng không thỏa thích trong dục lạc. Và trong người đó, tham ái ngưng nghỉ, dính mắc dứt bỏ, hữu không còn, sanh chấm dứt, lão, tử, thương tiếc, ân hận, đau khổ, buồn rầu và thất vọng không còn tồn tại. Như vậy, sự ngưng nghỉ đó chính là Niết Bàn.”

7. “Phải chăng mọi người đều đạt được Niết Bàn?”
“Thưa Đức Vua, không phải tất cả đều đạt được; tuy nhiên bất cứ ai cư xử đúng đắn, biết những gì nên biết, nhận biết những gì nên nhận biết, dứt bỏ những gì nên dứt bỏ, phát triễn nhũng gì đáng phát triễn và thực hiện những gì đáng thực hiện thì người đó sẽ đạt được Niết Bàn.”

8. “Phải chăng người chưa đạt được Niết Bàn có thể biết được quả thực Niết Bàn là hạnh phúc trọn vẹn?”
“Thưa Đức Vua, quả đúng vậy. Những ai mà chưa bị cắt cụt tay và chân có thể biết đau đớn đến thế nào khi nghe tiếng khóc là của người bị cắt tay chân; cũng giống như vậy, những ai chưa đạt được Niết Bàn có thể biết Niết Bàn là hạnh phúc khi nghe tiếng vui mừng của người đã đạt được.” 
 

*V4.4: Tảng đá bị lửa cháy hủy hoại là do định luật vật lý. Bào thai hay chúng sinh không bị lửa tiêu hủy là bởi định luật của nghiệp. Chúng sinh tạo nghiệp ác phải trả cho hết quả của nghiệp đã gieo. 
*V4.6: Nibbāna còn gọi là parinibbāna, có nghĩa là tịch diệt.Theo chú giải, Niết bàn có nghĩa là “giải thoát khỏi tham ái”; đó là mục đích tối hậu của sự tu tập theo Phật Pháp, nghĩa là dứt hẳn đời sống với tham, sân và si và mọi sự dính mắc, với sự giải thoát rốt ráo không còn sanh, lão, tử và đau khổ. 
________________________________________________________________________

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn