Bát Nhã Tâm Kinh

31 Tháng Mười 201514:41(Xem: 9148)

BÁT NHÃ TÂM KINH (PHẦN 1)
Mãn Tự 

 

bat nha tam kinh 2        Bát Nhã Tâm Kinh được xưng tán ca ngợi là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú. Vì vậy với chúng ta là những người tiếp theo bước chân Đức Bổn Sư Thế Tôn nên cần học hỏi, cần lý giải một cách đúng nghĩa với tầm quan trọng của bản Kinh. Nhờ vậy tuy chưa đến nơi nhưng trong tay đã có bản đồ chỉ dẫn nên không sợ bị lạc lối; nếu không, ta muốn đi về hướng đông mà cứ theo hướng tây, nam, bắc thì chắc chắn là không thể đến được.

          Hiện nay, có rất nhiều bản dịch và giải nghĩa của các Bậc cổ đức, Hòa Thượng, các vị Cư sĩ Thiện trí thức, các vị học giả…Trước kia chúng ta chỉ có các bản dịch và giải nghĩa của các vị Sư Trung Hoa, còn bây giờ có thêm bản tiếng Sanskrit, bản Tạng ngữ để so sánh đối chiếu. Vì vậy ta không còn nghi ngờ tánh trung thực của bản kinh. Tuy nhiên, dù là như vậy không phải hết rắc rối, rắc rối ở đây là từ ngữ cộng thêm trình độ người dịch. Từ ngữ trong bản Kinh nó chỉ về một cảnh giới mà tâm thức thì bất khả vô phương, cho dù là quán tưởng, quán chiếu, dù là tịch tĩnh nói chung là có tác ý thì không thể nào thâm nhập được vì đó là cảnh giới “Không phải Nó cũng không rời Nó”. Với Tâm Kinh hầu hết mọi người đều biết nên không viết vào đây thêm rườm rà, mà ở đây chỉ nói lên nghĩa chính của bản dịch và sự lầm lẫn chệch hướng trong nhiều từ ngữ của các dịch giả và giảng giải giả. Thí dụ, Tâm Kinh- chữ Tâm là từ ngữ tuy có danh, có từ, tuy nhiên vạn pháp trong vũ trụ này, bất cứ một pháp nào dù là hữu hình hay vô hình, dù nó thật lớn hay có thật nhỏ, mà kinh qua sự nhận biết của tâm thức thì không phải là Tâm; nhưng ngược lại không có vạn pháp cũng không có Tâm. Bất cứ từ ngữ nào mà diễn tả về Tâm thì nên hiểu đó là ngón tay để chỉ cái không phải ngón tay, cũng không phải cái mà từ ngữ đã đặt tên cho, cũng như bóng trăng trong nước nó không phải là mặt trăng thật, tuy nhiên cũng không rời mặt trăng.

          Người phương Tây khuynh hướng thiên về khoa học nên rất khó chấp nhận sự việc gì mà không thể nắm bắt, diễn tả, đặt tên bằng tâm thức. Vì không chấp nhận như vậy nên có nhiều từ ngữ trong kinh họ dịch làm ý nghĩa bị giới hạn; nó buộc tâm đóng khuôn vào một phạm trù, giống như một con chim se sẽ chỉ biết kiếm ăn quanh quẩn trong khu vườn, mà đúng ra phải là con đại bàng lấy trời mây núi biển bao la làm nơi sinh hoạt. Thí dụ, chữ Tâm Kinh thì tiếng Anh dịch là “Heart Sutra” còn Tánh Không dịch ra là “Emtyness”, dĩ nhiên khi đọc lên thì họ đều nhận ra vì từ ngữ biểu thị chỉ cho cái có thật không còn là Ba-la-mật ngón tay chỉ mặt trăng nữa.

          Không như người Phương Tây, chúng ta có những cách nhận biết nằm ngoài phạm vi nắm bắt của sáu căn nên câu “Tâm truyền Tâm” là vậy. Nói chung chữ Tâm dù là người biết cũng không đem ra, chỉ ra được; mà người không biết cũng chấp nhận một cách mơ hồ không nghi ngờ thắc mắc. Thí dụ, có người mở tiệc đãi bạn bè vui chơi ăn uống, trong số bạn bè đó có một người không ăn; mấy người bạn thấy vậy hỏi tại sao, thì người đó trả lời hôm nay là ngày chay nên không ăn được, thì tất cả mấy người bạn đều cười mà rằng: “Tu Tâm được rồi cần gì kiêng cữ”. Tuy nhiên nếu hỏi thế nào là Tâm thì không một ai trả lời được.

          Tâm là xuyên suốt, không trệ nại, không đóng khung nên tuyệt đối không thể chuyển đổi hay nhân cách hóa bằng trừu tượng từ, hay hình dung từ hay bất cứ một từ ngữ nào khác vì “Nó là Nó” hay “Không phải Nó cũng không ngoài Nó”.

          Trong Kinh Giải Thâm Mật, có một đoạn Đức Thế Tôn giảng giải cho Ngài Thiện Hiện về Thắng Nghĩa phổ biến như vầy: “Thiện Hiện: Như Lai đã nói cái thanh thịnh sở duyên nơi toàn thể năm uẩn chính là thắng nghĩa. Như Lai đã nói cái thanh tịnh sở duyên của toàn thể mười hai xứ, mười hai duyên khởi, bốn thực, bốn đế, mười tám giới, bốn niệm trú, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám thánh đạo, chính là thắng nghĩa”. Đoạn kinh ý nghĩa là khi thanh tịnh được sở duyên thì các pháp chính là thắng nghĩa. Cũng vậy, khi thanh tịnh được sở duyên thì vạn pháp chính là tâm; còn không thì vạn pháp là thức, là tưởng, là vạn pháp.

          Trong bốn vô ngại thì từ vô ngại là một trong bốn, vì vậy nếu từ ngữ mà còn dính mắc, không khế hợp thì nghĩa liền đi chệch hướng nên từ ngoại đạo là như vậy. Khi đã như vậy thì dù có tu hành vô lượng kiếp cũng vẫn lòng vòng bên ngoài mà thôi.

          Bây giờ đem bản Tâm Kinh lên mỗ xẻ những từ ngữ và ý nghĩa của các vị tiền nhân, các vị thức giả, học giả đã đang dịch và giải nghĩa. Hầu hết các vị dịch và giảng giải bản kinh chỉ chú trọng về giải nghĩa, mà quên một điều tối ư quan trọng đó là cấp độ. Cấp độ ở đây là một vị Đại Bồ Tát đó là Quán tự tại chỉ cho một vị Thinh văn Đại A-la-hán là ngài Xá-lợi-phất. Dù là Đại A-la-hán, tuy nhiên ngài Xá-lợi-phất vẫn chưa vượt qua hết nhứt thiết khổ ách.

          Câu đầu của bản Kinh là “Quán tự tại Bồ Tát ‘Hạnh’ thâm Bát nhã ba-la-mật-đa thời ‘chiếu kiến’ ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách”. Đây là câu giới thiệu một sản phẩm là một bài thuốc thần diệu trị tuyệt chứng bệnh sợ mang hình hài này. Trong kinh chúng ta thấy các vị tu sĩ khi đắc được quả vị A-la-hán là diệt thân bằng các vận dụng tam muội chân hỏa để đốt hình hài.

          Cấp độ Bồ Tát Quán Tự Tại so sánh cùng ngài Xá-lợi-phất nói riêng hay toàn thể các vị A-la-hán nói chung có thể thí dụ như thế này: “Có một ngôi làng nọ nhận được tin có một bọn cướp trên đường sắp đi vào làng, mà ác danh của bọn cướp thì vô cùng khủng khiếp. Mỗi khi vào làng thì bọn cướp tàn sát tất cả, nó không dung tha một ai, bất kể người già trẻ con nam phụ lão ấu cũng không chừa. Nó tai điếc mặt ngơ không hề điếm xĩa đến những lời van lạy cầu xin, nó tuyệt nhiên không chùn tay trước danh lợi, tài sắc… Mà nó chỉ có một mục đích duy nhất là giết mà thôi. Quá sợ hãi bọn cướp, các thanh thiên thanh nữ trong làng hối hã chạy trốn, vừa ra khỏi làng thì gặp một Dũng sĩ từ phương xa đến và hỏi nguyên nhân vì sao bỏ làng mà chạy. Các thanh niên thanh nữ run rẫy trả lời vì bọn cướp tàn ác sắp tới nên bọn họ mới chạy đi lánh nạn; vị tráng sĩ lắng nghe trình bày xong mới cười mà rằng không cần chạy, vì thật ra bọn cướp không phải mạnh như vậy đâu. Nó diễu võ đương oai để dọa người yếu đuối mà thôi, còn người can đảm khỏe mạnh thì nó chẳng những không làm gì được mà ngược lại còn chế phục được nó. Tôi biết gốc gác bọn cướp rõ ràng như chỉ tay trong lòng bàn tay. Bọn cướp chỉ có một môn nội công thô thiển cộng thêm năm chiêu kiếm pháp mèo quào múa may quay cuồng đem dọa trẻ con và người yếu đuối. Bây giờ tôi truyền cho chư vị một môn tuyệt thế thần công cộng thêm sáu chiêu tuyệt học kiếm pháp, nếu luyện thuần thục thì chư vị mặc sức tung hoành trong bọn cướp như vào chốn không người, trước tự giúp mình sau cứu tất cả dân làng thoát tay bọn cướp.

          Cấp độ là như vậy, Quán Tự Tại Bố Tát ung dung tự tại trong vô minh, trong sinh lão bệnh tử khổ; còn các vị A-la-hán tuy đắc quả A-la-hán nhưng không vượt qua được nhất thiết khổ ách, vì vậy không dám mang thân ngũ uẩn ở trong nhân gian làm lợi lạc cho chúng sinh.

          Tiếp theo- Từ “Hành” và “Hạnh”. Trong các bản dịch và giảng giải đều dịch là “Hành” thâm, ở đây đổi lại là “Hạnh” thâm vì từ Hành không khế hợp. Các vị dịch giả, giảng giải giả vì không thâm nhập được vào cấp độ nên không nhận ra sai biệt của từ ngữ, không nhận ra sự tối ư quan trọng của từ ngữ khi đặt vào câu văn. Có những từ ngữ chỉ cần đảo lộn trước sau thôi nhưng cái nghĩa sai biệt của nó thì nghiên trời lệch đất.

          Trong Kinh Lăng Nghiêm có một câu gồm hai từ, chỉ hai từ đảo lộn thôi nghĩa thì một trên trời còn một là dưới đất; chỉ đảo ngược hai từ mà một là Đạo Sư, là Thế Tôn, là Chánh Đẳng Chánh Giác, là Như Lai… Còn một bên là A-la-hán, là đệ tử. Hai từ ngữ đó là “Giác Minh” và “Minh Giác”; Giác minh là trí tuệ thấy biết của Ngài Phú-lâu-na; còn Minh Giác là trí tuệ Thế Tôn. Vì giác minh nên trong chánh định tịch lặng thì vạn pháp bất sinh, nhưng khi xuất định lại hoàn như củ chưa diệt được sinh diệt nên là “Trước không nay có”. Còn Minh Giác là trí tuệ thường hằng của Thế Tôn, là cái định không xuất không nhập- không ra không vào, không sinh không diệt; Pháp giới tánh như thế nào thì thấy như thế đó, không thêm không bớt.

          Bây giờ phân tích hai từ “Hành” và “Hạnh” cảnh giới sai biệt như thế nào, cấp độ nào dùng từ “Hành”, cấp độ nào dùng từ “Hạnh”.

          Ba mươi bảy Pháp trợ đạo mà Đức Thế Tôn chỉ dạy bất cứ chúng sanh nào cũng học được; từ phàm phu. Chư thiên, nhị thừa cho đến Bồ Tát Đệ Thất Viễn hành Địa lấy nhận đó mà tu học thì gọi đó là “Hành”- Vì sao? Vì còn tác ý là hữu công dụng, chưa được ung dung tự tại, còn chèo còn chống chưa qua được rốt ráo bên kia bờ. Trong kinh có bài kệ bốn câu nói lên cảnh giới sau cùng của Hành là “Chư Hành vô thường, là pháp sinh diệt; sinh diệt –diệt rồi tịch diệt là vui”. Cái thành quả sau cùng của sự tu hành là chứng đắc được cái vui tịch diệt. Tuy nhiên vì là Hành nên cái quả tịch diệt đó chưa hiện tiền. Hành là còn tu còn chứng, dù thế nào cũng vẫn chưa độ hết nhất thiết khổ ách.

          Còn cảnh giới nào là dùng từ “Hạnh”. Từ “Hạnh” là nói lên việc làm các vị Đại Bồ Tát từ Đệ Bát Bất Động Địa trở lên. Bồ Tát Bất Động Địa thì đã chứng cảnh giới vô sanh pháp nhẫn, đã được Như Lai khai mở trí tuệ đã thấy được bản nguyện, đã qua bên kia bờ, đã không còn tâm ý thức hành, vì vậy việc làm của các Ngài không còn hữu công dụng, mà là Vô công dụng Hạnh. Các Ngài ở trong nhân gian để thành mãn Thập lực, Tứ Vô úy, Thập bát bất cọng vì vậy công hạnh các Ngài cho dù Bồ Tát Đệ Thất Viễn Hành Địa cũng không luận bàn được.

          Có nhiều bản giải cho rằng cảnh giới Bồ tát Quán Tự Tại là Bất Động Địa, không biết các vị đó dựa vào tài liệu nào hay sự hiểu biết như thế nào để đo lường trình độ mà xác định như vậy.

          Tiếp theo, Quán Tự Tại Bồ Tát Hạnh thâm Bát nhã Ba-la-mật-đa thời “Chiếu kiến” ngũ uẩn giai không. Trong nhiều bản giải của các vị tri thức học giả vì nội lực không đủ, không nhận ra tầm mức sâu cạn của từ ngữ câu kinh là “Chiếu kiến” thì một số vị giảng giải giả giải thành “Quán chiếu”. Vì tri thức là có giới hạn nên các vị giảng giải giả không thể thấy biết được sự sai biết ý nghĩa của từ ngữ, vì vậy mới đánh đồng từ “Chiếu kiến” thành “Quán chiếu” như nhau.

          Nên biết “Chiếu kiến” là thành quả thâm hạnh Bát nhã Ba-la-mật nên thấy được ngũ uẩn thường không. Còn “Quán chiếu” vì có tác ý nên thấy ngũ uẩn khi có khi không- khi còn khi mất. Vì Chiếu kiến là thường, vì là thành quả thâm hạnh Bát nhã trí nên nó không cần dụng công nữa, nó tự động khởi “Trí giải” khi sáu căn tiếp xúc sáu trần nên gọi là Diệu quan sát.

          Còn “Quán chiếu”- chữ Quán này là trong “chỉ Quán” , mà muốn quán cho đúng thì trước phải chỉ, còn không chỉ được thì quán cũng không. Vì vậy thành quả sau cùng là chỉ quán hòa hợp cũng thấy được cái thể của Chân như, còn cái dụng của Chân như thì quá còn xa vời nên mới sợ cái hình hài ngũ uẩn này. Quán chiếu còn trong phạm trù “Vạn pháp nhân duyên sinh, cũng theo nhân duyên diệt”. Giữa hai từ “Chiếu kiến” và “Quán chiếu” không thể dùng lẫn lộn được, phải biết sự sai biệt khoảng cách không thể nào vượt qua.

          Ngũ uẩn giai “Không” từ Không này là tánh “Không”, là thành quả thâm hạnh chiếu kiến ngũ uẩn nói riêng- vạn pháp nói chung. Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là “Biên kế sở chấp”. Vì thâm hạnh Bát nhã Ba-la-mật nên vượt lên Biên kế sở chấp đứng trên cảnh giới Viên thành thật- thấy vạn pháp tự tánh- tánh không là y tha khởi. Vì Bát nhã Trí chiếu kiến như vậy nên ngũ uẩn dù có hiện hữu cũng không vướng bận, không bị trói buộc, không còn bị nó sai khiến, nên nhất thiết khổ ách là sắc thân hiện hữu này không còn.

Bát Nhã Tâm Kinh (phần 3)
Bát Nhã Tâm Kinh phần 2
Bát Nhã Tâm Kinh

 

MÃN TỰ

          

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn