Mục Đích Và Lợi Ích Của Việc Tranh Luận Giáo Pháp

04 Tháng Mười 201509:19(Xem: 8767)

MỤC ĐÍCH VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC TRANH LUẬN GIÁO PHÁP 
Tsenzhab Serkong Rinpoche thứ Hai giảng giải
do Alexander Berzin thông dịch và tóm tắt 
Mundgod, Ấn Độ, 20 tháng Tám, 2001
Lozang Ngodrub dịch; Chân Thông Tri hiệu đính www.berzinarchives.com

 

alex-berzinMột trong những mục đích chính của việc tranh luân trong khi tu học Phật pháp là để giúp bạn phát triển nhận thức quả quyết (nges-shes). Bạn sẽ chọn một quan điểm và người đối tác trong cuộc tranh luận sẽ thách thức quan điểm này bằng nhiều quan điểm khác nhau. Nếu có thể bảo vệ quan điểm của mình đối với mọi sự phản bác và thấy rằng nó luôn luôn hợp lý, không có sự mâu thuẫn thì bạn có thể tập trung vào quan điểm đó với nhận thức quả quyết không lay chuyển. Chúng tôi còn gọi tâm thái này là niềm tin vững chắc (mos-pa). Bạn cần có nhận thức xác tín và niềm tin vững chắc này trong khi nhất tâm thiền quán về bất cứ đề tài nào, chẳng hạn như lẽ vô thường, tánh bình đẳng của tự thân và tha nhân, xem tha nhân quý báu hơn bản thân, bồ đề tâm, Không tướng và v.v...

Hơn nữa, đối với những người mới tu học thì tranh luận giáo pháp tạo ra bối cảnh thuận lợi hơn cho việc phát triển định lực, so với việc hành thiền. Sự thách thức của người đối tác và việc các bạn cùng lớp lắng nghe cuộc tranh luận khiến bạn phải tập trung tinh thần. Khi hành thiền một mình, chỉ có ý chí giúp tâm bạn không đi lang thang hay ngủ gục. Ngoài ra, tại các sân tranh luận trong tu viện, nhiều cuộc tranh luận lớn tiếng xảy ra sát bên nhau và điều này cũng khiến bạn phải tập trung tinh thần. Nếu những cuộc tranh luận xung quanh khiến bạn mất sức tập trung hay bực mình thì bạn đã thua cuộc. Một khi đã phát triển định lực ở sân tranh luận, bạn có thể áp dụng kỹ năng này vào việc hành thiền, thậm chí trong lúc hành thiền ở những nơi ồn ào.

Hơn nữa, việc tranh luận giáo pháp giúp bạn phát triển cá tánh. Bạn không thể nhút nhát trong khi tranh luận. Bạn phải nói lớn tiếng khi bị người đối tác thách thức. Mặt khác, nếu bạn kiêu hãnh hay nổi giận thì tâm trí bạn sẽ không sáng suốt và chắc chắn là người đối tác sẽ thắng cuộc tranh luận. Bạn cần phải giữ một tâm thức quân bình trong mọi lúc. Dù thắng hay thua, cuộc tranh luận cho bạn một cơ hội tuyệt vời để nhận ra cái “tôi” mà bạn phải bác bỏ. Khi bạn nghĩ hay cảm thấy “Tôi đã thắng; tôi quá thông minh,” hay “Tôi đã thua; tôi quá ngu si,” bạn có thể nhận ra một cách rõ ràng sự phóng chiếu của một cái “tôi” rắn chắc, quan trọng của bản ngã mà bạn đang đồng hóa với nó. Đây là cái “tôi” hoàn toàn hư cấu và phải được bác bỏ.

Thậm chí khi chứng minh cho người đối tác thấy rằng quan điểm của họ phi lý, bạn cần phải nhớ rằng điều này không có nghĩa bạn là người thông minh hơn và người kia ngu ngốc hơn. Động lực của bạn phải luôn luôn là giúp đỡ bạn mình phát triển sự thấu hiểu rõ ràng và niềm tin vững chắc đối với điều gì có thể được chứng minh một cách hợp lý.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn