Con Đường Bồ Tát (chương 5) Bảo Vệ Tỉnh Biết

28 Tháng Tám 201413:59(Xem: 7053)

Tịch Thiên
CON ĐƯỜNG BỒ TÁT
Chương 5
BẢO VỆ TỈNH BIẾT
Bản dịch Việt: Đặng Hữu Phúc (dịch theo bản Phạn- Anh)
Bản Anh: Santideva. A Guide to the Bodhisattva Way of Life.
Translated from the Sanskrit and Tibetan
by Vesna A. Wallace and B. Alan Wallace.
Snow Lion, 1997

Bodhisattvacharyavatara1. Những người mong muốn bảo vệ sự tu tập của mình nên siêng năng bảo vệ tâm. Tu tập không thể được bảo vệ nếu không bảo vệ tâm lang thang.

2. Các con voi điên, chưa được tập quen sống với người cũng không gây tổn hại trong thế giới này như là các con voi không bị trói buộc của tâm gây tổn hại trong ngục A tì (Avici) và các ngục khác.

3. Nhưng nếu con voi của tâm được kiềm chế hoàn toàn bằng sợi dây chánh niệm, kết quả là tất cả các nguy hiểm cực kì đều biến mất và bạn thành tựu một cuộc sống an lành trọn vẹn.

4-5. Các con hổ, sư tử, voi, gấu, rắn, tất cả các kẻ thù, tất cả các kẻ canh gác các địa ngục, các không hành nữ (dakinis), và các ma qủy đều bị chế ngự bằng sự kiểm soát chỉ một mình tâm. Bằng cách chế ngự một mình tâm, tất cả chúng đều trở thành bị chế ngự.

6. Vì tất cả các sợ hãi và vô lượng khổ đau đều sinh khởi từ một mình tâm. Như Lí Sư đã dạy như thế.

(Skt. tattavavadin; the Propounder of Truth; the Teacher of Reality; Như lí sư; Phật).

7. Ai kẻ đã siêng năng cần mẫn kiến tạo các thứ võ khí trong địa ngục? Ai kẻ đã hoạch định trong tâm các sàn sắt nóng bỏng lột da? Và từ đâu những phụ nữ mĩ lệ đã đến đây? [Ngụ ý Tâm là tạo chủ]

8. Bậc Trí Giả (Phật) đã tuyên bố tất cả các thứ đó đều sinh khởi từ tâm bất thiện, do thế trong ba thế giới (dục giới, sắc giới, và vô sắc giới) không một sự vật nào nguy hiểm ghê gớm hơn là tâm.

9. Nếu bố thí toàn hảo làm cho thế giới cách tuyệt nghèo khổ, và các đấng Thủ Hộ / Giữ Gìn Che Chở của thời quá khứ đã đạt được bố thí toàn hảo bằng các nỗ lực, làm cách nào điều đó là một khả hữu, khi thế giới ngày nay vẫn còn bị nghèo hèn khốn khổ?

10. Bố thí toàn hảo chỉ là một trạng thái của tâm khi bạn có ý định trao tặng mọi sự vật bạn có, cùng với các kết quả của chúng, tới tất cả mọi người (intention of giving away everything, together with the fruits of that, to all people).

Chú thích: Bát Nhã Thủ Huệ/Prajnakaramati trong Panjika, p.53: Khi tâm không còn dấu vết nhơ nhuốm do ghen tị về phẩm tính và sở hữu, tâm không tham luyến sinh khởi, trong trường hợp đó bố thí toàn hảo bắt đầu hiển lộ. Thế nên, bố thí toàn hảo chỉ là một trạng thái của tâm; và ngoài cái này, không có một bố thí toàn hảo nào khác.(The Panjika, p.53: “When, the mind that is free of the stain of envy arises on account of the attachment, then the perfection of generosity emerges. Therefore, that [perfection of generosity] is simply a state of mind; and there is no other perfection of generosity”] [the perfection of generosity: toàn hảo về trao tặng hào hiệp cao qúy = bố thí toàn hảo = bố thí ba la mật]

11. Nơi nào các con cá và các thứ có thể được xem như nơi mà tôi không thể giết chúng? [Nơi đó là tâm] Khi tâm viễn li đạt được, cái đó được xem là giới hạnh toàn hảo.

Where can fish and the like be taken where I could not kill them? When the mind of renunciation is obtained, that is considered the perfection of ethical discipline.

Chú thích: Bản Panjika, p.53 giải thích dòng 11a như sau:

Giới hạnh là tâm ngừng lại không làm tất cả các nết xấu vô đạo đức, bắt đầu với giết, và các thứ tiếp theo [Ethical discipline (Skt. sila) is the mind desisting from all vices, beginning with killing, and so forth). Bản chất của giới hạnh đó không phải là sự không thấy các đối tượng đối ngoại, mà chúng là căn bản [của sự giết và các thứ]. Nếu giới hạnh sinh khởi từ sự không có sự giết, đó là sự vụ do vì không có các hữu thể mà chúng là đối tượng của sự giết và các thứ, trong trường hợp đó, ở nơi nào mà các con cá và các thứ có thể được xem như nơi mà bạn không thể nhìn thấy chúng [là các đối tượng của sự giết]? Trên phương diện khác, nếu bạn khởi sự giết chúng, giới hạnh sẽ không sinh khởi.

Theo Panjika, p.53, “tâm viễn li quy chỉ tới tâm trong đó tất cả các khởi niệm đã chấm dứt (“the mind of renunciation” refers to the mind in which all mental engagement has ceased (nivrrti-manasikara: khởi -niệm)

12. Bao nhiêu người hiểm độc ác ý, nhiều như hư không vô tận, tôi có thể giết được không? Khi trạng thái tâm sân hận bị giết, trong trường hợp đó tất cả các kẻ thù đều bị giết.

13. Nơi nào sẽ có đủ da thuộc để che phủ toàn thể thế giới? Trái đất có thể được che phủ chỉ thuần với miếng da của đôi dép của tôi.

14. Cũng thế, tôi không có khả năng kiểm soát các hiện tượng đối ngoại, nhưng tôi sẽ kiểm soát tâm tôi. Quan tâm của tôi đâu phải là kiểm soát các sự vật khác?

15. Các hoạt động tinh thần yếu kém, ngay cả phối hợp với các hoạt động của thân và ngữ [trong tu tập], cũng không có các kết quả, trong khi đó chỉ một mình tâm trong sáng cũng có kết quả, tỉ dụ trạng thái Trời Phạm Thiên (cõi trời cao nhất trong sáu trời Dục giới) và các thứ tương tự.

16. Đấng Nhất Thiết Trí (Phật) đã khẳng định tất cả các tụng niệm và tu các khổ hạnh lâu năm đều thực sự vô ích nếu tâm vẫn tán loạn trên một sự vật khác hoặc tâm thì trì độn.

17. Tâm là huyền diệu và tinh hoa của Pháp, nên những ai không đào luyện tâm, mà vẫn muốn loại bỏ đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc, chỉ lang thang vô ích trong không gian.

18. Do thế, tôi sẽ kiểm soát và bảo vệ tốt tâm tôi. Một khi tôi đã buông bỏ giới nguyện bảo vệ tâm, nhiều giới nguyện khác đối với tôi có công dụng gì?

19. Cũng như những kẻ đứng giữa các hoạt động của những người rầm rộ hiếu loạn cẩn thận bảo vệ các vết thương của họ, thế nên những kẻ đứng giữa các hoạt động của những người độc ác nên luôn luôn giữ gìn các vết thương của tâm họ.

20. Tôi bảo vệ vết thương bằng nhiều chăm sóc do sợ hãi một chút đau đớn. Tại sao tôi không bảo vệ vết thương của tâm tôi, vì sợ hãi bị nghiền nát bởi các ngọn núi của địa ngục Chúng Hợp (Samghata hell)?

21. Sống với thái độ này ngay giữa các người độc ác và giữa các trinh nữ, với các nỗ lực vững bền, một hiền nhân kiên tâm sẽ không bị đánh bại.

22. Hãy để cho các sở hữu của tôi biến mất một cách tự do; hãy để danh dự của tôi, thân, các phương tiện kiếm tiền, và mọi thứ khác đều chết. Nhưng tôi nguyện mong tâm thiện hảo của tôi chẳng bao giờ bị đánh mất.

23. Tôi nghiêm trang thỉnh cầu những người muốn bảo vệ tâm của họ: hãy luôn luôn siêng năng bảo vệ chánh niệm (mindfulness) và tỉnh biết (awareness/introspection) của bạn.

24. Cũng như một cá nhân bị đại bại vì bệnh tật thì không có khả năng thích hợp cho bất kì công việc, thế nên tâm không có chánh niệm và tỉnh biết thì cũng không có khả năng thích hợp cho bất kì công việc nào.

25. Cái gì được nghe, tư duy, và thiền định, khi tâm không có tỉnh biết, giống như nước trong một bình chứa bị nứt, không còn ở lại trong kí ức của tâm.

26. Ngay cả những người kiến thức, tín tâm và rất tinh tấn, vẫn trở thành bị nhơ nhuốm do các nết xấu vô đạo đức bởi vì lỗi lầm từ không có tỉnh biết.

27. Ngay cả những người đang tích tập công đức, khởi đầu họ bị trộm lấy mất chánh niệm, kế tiếp họ bị kẻ trộm lấy mất tỉnh biết, và họ lâm vào các trạng thái khốn khổ của hiện hữu.

28. Bọn trộm này, các nhơ nhuốm (defilements), ngó tìm một lối vào. Theo kế hoạch khi tìm thấy lối vào, bọn này cướp phá và phá hủy đời sống [như bọn giặc thời loạn] trong các cõi hiện hữu phúc đức.

29. Thế nên chánh niệm không nên bao giờ bị xa lìa cửa tâm. Nếu chánh niệm ra đi, nó phải được đem về lại vị trí trước đây trong khi gợi nhớ lo sợ về địa ngục.

30. Chánh niệm sinh khởi dễ dàng cho những kẻ phúc đức do họ tu học với vị thầy tâm linh, và cho những ai biết tôn kính các chỉ giáo của truyền giới sư và do họ biết sợ hãi.

31. Chư Phật và chư Bồ tát có cái thấy không bị che lấp trong tất cả các phương hướng. Mọi sự vật đều hiện diện trước các ngài, và tôi đứng trước các ngài.

32. Thiền định như vậy, bạn nên an trú ý thức cư xử lễ độ hợp đạo đức (sense of propriety), tôn kính và sợ hãi; và bạn nên luôn luôn nghĩ về chư Phật trong cách này.

33. Khi chánh niệm đứng bảo vệ ở cửa tâm, tỉnh biết đến, và một khi nó đến, nó không ra đi một lần nữa.

34. Trước nhất, tôi nên luôn luôn an lập tâm này theo một cách thức như thế, và tôi luôn luôn an trú bất động như là không có các căn / giác quan (sense faculties), giống như một khúc gỗ.

35. Bạn không bao giờ nên nhìn không chớp mắt xung quanh nếu không có mục đích. Bạn nên luôn luôn hướng cái nhìn không chớp mắt của bạn hướng xuống như là trong thiền định.

36. Tuy nhiên bạn nên thỉnh thoảng nhìn phía chân trời để làm thư giãn cái nhìn không chớp mắt; và nếu bạn chú ý thấy một thuần ảnh chiếu của một cá nhân, bạn nên nhìn lên và chào người đó.

37. Để dò tìm nguy hiểm trên đường và các thứ tương tự, bạn nên nhìn về bốn hướng suốt một thời điểm. Khi bạn dừng lại, bạn nên nhìn xa xa, bạn nhìn phía sau chỉ sau khi quay sang bên phải.

38. Sau khi nhìn phía trước hoặc phía sau, bạn nên đi tới hoặc quay về. Tương tự như thế, trong tất cả các tình thế bạn nên tiến hành sau khi xác định chắc chắn cái gì cần được làm.

39. Một khi khởi sự hành động, bạn nghĩ “Thân nên ở tư thế như thế này”, sau đó bạn nên thỉnh thoảng quan sát xem vị trí thân như thế nào.

40. Trong cách này, con voi điên của tâm nên được chiếu soi một cách siêng năng do thế nên nó không bị buông lỏng trong khi bị buộc vào nhiệm vụ phản chiếu về Chánh Pháp .

41. Bạn nên khảo sát tâm trong cách này -- tâm của tôi đang lang thang ở đâu? -- do thế tâm không xa lìa trách nhiệm của tịnh chỉ, ngay cả trong một sát na.

42. Nếu bạn không có khả năng làm như thế trong trường hợp lâm nguy hoặc một cơ hội thọ hưởng vui vẻ, vậy thì bạn nên thoải mái, thư giãn. Kinh Vô tận ý (Aksayamati Sutra) nói rằng trong thời điểm bố thí/trao tặng, giới điều có thể tạm ngưng áp dụng (ethical discipline may be held in abeyance).

43. Khi nhận định được cái gì cần được bắt đầu làm, với một tâm chú ý vào điều đó, bạn không nên chăm lo một việc nào khác cho tới khi bạn làm xong điều đó.

44. Bởi vì trong cách này, mọi việc đều được làm tốt. Nếu theo cách khác, chuyện làm tốt chẳng thể thành, và các phiền não tinh thần do phi tỉnh biết cũng sẽ tăng gia.

45. Bạn nên xóa bỏ những khao khát làm bạn buồn rầu vì không có được mà chúng sinh khởi vì những cuộc nói chuyện vô ích thường duyên hội xảy ra, và vì tất cả các loại vui chơi giải trí.

46. Nếu chuyện đào xới mặt đất, cắt cỏ, hoặc vẽ trên đất một cách vô ích xảy ra, trong trường hợp đó bạn nhớ đến giáo pháp của Như Lai, sợ hãi, bạn nên tức thời dừng nó lại.

47. Khi bạn muốn vận động hoặc khi bạn muốn nói, trước nhất bạn nên khảo sát tâm bạn, và sau đó hành động hợp theo thái độ điềm tĩnh bạn có.

48. Khi bạn thấy tâm bạn bị gắn bó hoặc bị đẩy xa, vậy thì bạn cũng không nên hành động hoặc nói, nhưng hãy tiếp tục bất động như một khúc gỗ.

49. Khi tâm tôi kiêu ngạo (haughty), châm biếm (sarcastic), tỏ lộ tâm trạng và hống hách (full of conceit and arrogance), nhạo báng, giễu cợt (ridiculing), lẩn tránh (evasive), và giả dối (deceitful),

50. Khi tâm muốn ngả về khoe khoang, hoặc khi tâm thiếu kính trọng các người khác, lạm dụng, và dễ cáu (irritable), trong trường hợp đó tôi nên tiếp tục bất động như một khúc gỗ.

51. Khi tâm tôi tìm kiếm các thành đạt vật chất, vinh dự, và danh tiếng, hoặc khi nó tìm kiếm những khán thính giả, và sự chăm chú theo dõi, nếu thế, tôi sẽ tiếp tục bất động như một khúc gỗ.

52. Khi tâm tôi chống lại lợi ích của các người khác và tìm kiếm tự lợi cho tôi, hoặc khi nó muốn nói từ lòng mong cầu gửi đến khán thính giả, nếu thế, tôi sẽ tiếp tục bất động như một khúc gỗ.

53. Khi tâm nóng nảy, trốn việc, dễ hèn nhát, vô liêm sỉ, nói nhiều về các chuyện tầm thường, hoặc thiên vị về mình (biased in my own favor), nếu thế, tôi sẽ tiếp tục giống như một khúc gỗ.

54. Tri nhận trong cách này rằng tâm thì bị nhơ nhuốm hoặc thực hiện các hoạt động không kết quả, người anh hùng nên luôn luôn kiểm soát vững chắc tâm bằng các phương pháp hữu hiệu của thuốc hoá giải cho tình trạng đó.

55. Quyết tâm, tự tin, kiên tâm, hữu kính và lễ phép thân thiện, khiêm tốn, nhu thuận (meek), bình tĩnh, nhiệt tình giúp đỡ người khác,

56. Không mệt mỏi thất vọng vì các người ngu ngốc có các ham muốn xung đột lẫn nhau, bạn vốn có sẵn lòng thương xót, hãy tuệ tri chúng đều như thế là hệ quả của các phiền não tinh thần của chúng.

57. Vì lợi ích cho mình và kẻ khác, luôn luôn cần làm những điều không nhơ nhuốm, không thể buồn trách (irreproachable things), tôi chủ trương tâm tôi hoàn toàn cách tuyệt các hãnh diện, và chỉ tương tợ một hoá hiện.

58. Hãy mãi mãi nhớ là sau một thời gian dài, mới có được các tốt đẹp từ các thời điểm thuận duyên, tôi sẽ giữ tâm này không dao động, giống như núi Tu Di.

59. Bạn không chống đối khi thân bị các con kên kên thèm thịt kéo lê đó đây.Vậy thì tại sao bây giờ chống đối?

60. Tâm, tại sao bạn bảo vệ thân này, đồng nhất hoá với thân? Nếu nó thực sự li cách với bạn, nó có ích gì cho bạn đâu?

61. Này ngốc, nếu bạn không xem một pho tượng gỗ trong sạch là bản ngã bạn, tại sao bạn bảo vệ cái bộ máy này được kết hợp từ các thứ nhơ nhuốm?

62. Trước nhất, với trí tuệ phân biệt của bạn, hãy bóc vỏ cái bao da này, và với con dao trí tuệ tháo gỡ thịt ra khỏi bộ xương.

63. Phá vỡ các xương, hãy nhìn vào bên trong tủy và khảo sát cho chính bạn, “Ở đây, thể tinh yếu (essence) đâu?”

64. Nếu truy tìm cẩn thận theo cách này, bạn không thấy một thể tinh yếu ở đây, vậy thì sao bạn vẫn bảo vệ thân ngày hôm nay?

65. Thân thì bất tịnh, nếu bạn sẽ không ăn nó, và nếu bạn sẽ không uống máu hoặc cũng không hút các nội tạng, vậy thì bạn sẽ làm gì với thân?

66. Dĩ nhiên bảo vệ thân khốn khổ này là một điều đúng, nhưng trong vai trò thực phẩm cho các con kên kên và các loài lang sói, hoặc trong vai trò thi hành các hoạt động lợi ích cho hữu tình.

67. Ngay cả bạn bảo vệ thân như thế, cái chết không xót thương sẽ chụp giật thân này và cho các con chim kên. Trong trường hợp đó bạn sẽ làm gì?

68. Bạn không cho người giúp việc quần áo và các thứ nếu bạn nghĩ kẻ đó sẽ không ở lại. Thân sẽ ăn uống và sẽ chết. Trong trường hợp đó tại sao bạn chi tiêu tốn phí?

69. Thế nên, tâm, trả tiền cho thân, bây giờ thân phục vụ cho các nhu cầu của bạn, bởi vì một công nhân không thể nhận hết các thứ tạo tác ra.

70. Hãy xem thân là một chiếc thuyền bởi vì nó là cái căn bản để đến và đi. Hãy làm cho thân bắt đầu hoạt động theo ý chí của bạn để hoàn thành an lạc cho các hữu tình.

71. Bạn kẻ đã trở thành tự kiểm soát trong cách đó luôn luôn nên có một khuôn mặt đang mỉm cười. Bạn nên từ bỏ nét mặt nhăn nhó hoặc đùa giỡn xem thường mọi sự, là người đầu tiên chào người khác, và là một người bạn đối với thế giới.

72. Bạn không nên thu dọn ghế ngồi và các thứ một cách lỗ mãng và náo động và cũng không nên mở, đóng cửa mạnh tay, và bạn nên luôn luôn vui thích trong yên tĩnh.

73. Con hạc, con mèo, hoặc kẻ trộm, di chuyển một cách thầm lặng và không bị chú ý. Một hiền giả (người đi tìm tỉnh biết) luôn luôn nên hoạt động theo cách thức thầm lặng không bị chú ý đó.

74. Bạn nên thu nhận một cách kính trọng ý kiến khuyến cáo của những vị kinh nghiệm trong hướng dẫn, cung ứng trợ giúp tự nguyện (unsolicited aid) các kẻ khác. Bạn nên luôn luôn là người học trò của mọi người.

75. Bạn nên bày tỏ sự tán thành của bạn với tất cả các lời thiện hảo. Khi thấy cá nhân thực hiện các công đức, bạn nên khuyến khích họ với các lời ca ngợi.

76. Bạn nên nói về các phẩm tính tốt đẹp của các kẻ khác khi họ vắng mặt và thuật lại chúng với sự vui vẻ thích ý; và khi công đức của chính bạn được thảo luận, bạn nên xem điều đó là sự khích lệ cho các phẩm tính tốt đẹp.

77. Tất cả các nỗ lực đều là để làm cho điều tốt thành nguồn vui, mà nó thì khó đạt ngay cả bằng phương tiện do giàu có. Do thế, tôi sẽ hưởng thụ lạc thú vui vẻ với các phẩm tính tốt đẹp do các kẻ khác nỗ lực thành tựu.

78. Tôi sẽ chẳng có thua thiệt gì trong đời này, và sẽ có hạnh phúc tuyệt vời trong đời sau. Trong khi đó tính căm ghét dẫn đến khốn khổ do tính thù ghét và trong thế giới mới sự đau khổ lớn lao.

79. Với giọng nói dịu dàng và mềm mỏng, bạn nên nói các lời chân thành, mạch lạc, ý nghĩa sáng tỏ và dễ làm theo, vui vẻ dễ nghe, và có gốc rễ trong đại bi.

80. Bạn luôn luôn nên nhìn thẳng vào tất cả các hữu tình, dường như “Cặp mắt nhìn nhau có hẹn thề? Thuyền trao sóng mắt dẫn trăng đi” (Hữu tình là ngón tay chỉ trăng), nghĩ, “Chỉ cần đến họ và tùy thuộc vào họ, tôi sẽ đạt trạng thái Phật”

80. "One should always look straight at sentient beings as if drinking them in with the eyes, thinking,"Relying on them alone, I shall attain Buddhahood".(Bản Vesna A. Wallace & B. Alan Wallace -- 1997)

80. “One should always look at people directly, as if drinking them in with the eye: depending upon them alone, Buddhahood will be mine”. (Kate Crosby & Andrew Skilton. 1995)

rely: (Cobuild Dictonary): (verb) If you rely on someone or something, you need them and depend on them in order to live or work properly.

81. Bạn có sự chấp thuận và hỗ trợ tuyệt vời sinh khởi từ sự liên tục mong cầu phục vụ chư vị thắng đức (= chư Phật, chư Bồ tát), chư vị từ bi (= cha mẹ), và từ một thuốc giải (= thiền định về tính không) quan liên đến những kẻ đang đau khổ.

82. Bạn nên có kĩ năng và năng lực, nên luôn luôn tự làm công việc. Trong tất cả các công việc, bạn không nên mong chờ một người khác làm.

83. Mỗi toàn hảo (bala mật), từ bố thí toàn hảo tiến tới toàn hảo cao hơn toàn hảo trước. Bạn không nên buông bỏ cái tốt hơn để làm cái cái tốt kém hơn, trừ khi bạn theo quy tắc huấn luyện của con đường bồ tát.

84. Nhận thức điều này, bạn nên luôn luôn gắng hết sức cho lợi ích của các người khác. Ngay cả điều bị cấm chỉ, bạn với lòng thương xót được phép thực hiện khi tiên liệu có lợi ích.

85. Bạn nên ăn uống vừa đủ thôi, và hãy chia sẻ với các kẻ sa vào các cảnh huống nghèo khổ, với những kẻ không có người bảo hộ, và với các tu sĩ giữ giới nguyện. Bạn nên cho đi mọi thứ, ngoại trừ ba bộ quần áo.

86. Thân phục vụ Chánh Pháp. Bạn không nên làm tổn hại thân thể chỉ vì muốn một lợi ích nhỏ. Bởi vì chỉ trong cách này bạn hoàn thành mau chóng các hi vọng của các hữu tình.

87. Thế nên, khi tâm niệm đại bi của bạn không thanh tịnh [= chưa đạt bồ tát địa thứ nhất], bạn không nên hi sinh đời sống của bạn, nhưng bạn nên hi sinh khi tâm niệm của bạn không bị lệch đường vì thiên vị (biased). Như vậy, đời sống không bị hoang phí.

88. Bạn không nên giảng dạy Pháp tu tập trí tuệ siêu việt và thực hành vạn hạnh cho các người bất kính (chánh pháp), cho một người khoẻ mạnh nhưng trùm đầu, một người đang che dù, cầm gậy hoặc vũ khí, một người đầu mặt có che mạng.

89. Cho những người thiếu trí, hoặc nghiêng về Tiểu Thừa, và cho những phụ nữ mà chồng không có mặt cùng nghe. Bạn nên kính trọng như nhau các giáo pháp cho bậc thấp và bậc cao.

90. Bạn không nên trình bày giáo pháp Tiểu thừa cho một người có khả năng với giáo pháp Đại Thừa. Bạn không nên dẫn dụ sai lạc họ về các kinh điển và các thần chú, làm cho họ ngừng con đường bồ tát.

[Patrul Rinpoche giảng: Bạn hiểu theo nghĩa đen các kinh nên hướng dẫn sai lạc, nói họ muốn giải thoát chỉ cần đọc các bản kinh và tụng niệm thần chú].

90. One should not expose a vessel of the vast Dharma to an inferior Dharma. Putting aside the Bodhisattva way of life, one should not seduce them with sutras and mantras. (Vesna A.Wallace & B. Alan Wallace)

90. One should not restrict someone who is worthy of the higher teaching to the lesser teaching, nor, disregarding the matter of good conduct, beguiled them with the Scriptures and spells. (Kate Crosby & Andrew Skilton).

Bản dịch NS Trí Hải

90. Không nên nói pháp nhỏ cho người có khả năng lớn, không nên xả luật hạnh Bồ tát, không dùng chú thuật dối gạt người.

Bản dịch Trí Siêu

90. Nếu thấy người nào đủ nhân duyên lãnh thọ giáo pháp Đại Thừa thì Bồ tát không nên giảng dạy giáo pháp Tiểu Thừa cho người đó. Bồ tát cũng không được thu hút người khác bằng cách giảng dạy sai lạc Kinh giáo (Sutras) và Mật giáo (Mantra).

91. Không nên vứt bỏ tăm xỉa răng hoặc khạc nhổ nơi công cộng, và không tiểu tiện và v.v… vào nước hoặc trên đất đang có người sử dụng, đó là một điều đáng trách.

92. Bạn không nên ăn với thức ăn đầy miệng, nhai to tiếng, hoặc với miệng mở rộng. Bạn không nên ngồi duỗi chân, và khi rửa tay, không nên chà xoa hai bàn tay với nhau [nên rửa từng bàn tay].

93. Bạn không nên đi, nằm, hoặc ngồi riêng mình với vợ /chồng một cá nhân khác. Sau khi quan sát và tìm hiểu, bạn nên buông bỏ tất cả các hành vi không làm hài lòng mọi người.

94. Bạn không nên chỉ bất kì sự vật gì với ngón tay của bạn nhưng nên chỉ đường đi một cách kính trọng, với toàn thể bàn tay phải của bạn.

95. Bạn không nên gọi người đến giúp bằng cách vẫy các cánh tay bạn khi sự việc chỉ chút ít cần gấp; thay vào đó, bạn nên khảy bật các ngón tay của bạn hoặc làm các thứ tương tợ. Nếu bạn làm khác đi, bạn sẽ tỏ ra không tự kiềm chế.

96. Bạn nên nằm xuống theo hướng tốt đẹp [đầu hướng bắc, mặt hướng tây] trong tư thế sư tử như khi Đức Phật nhập niết bàn. Bạn nên đứng dậy tức thời, trước khi bạn bị nhắc nhở đứng dậy ngay.

97. Các hạnh của Bồ tát được miêu tả là vô lượng. Trước nhất bạn nên thực sự thực hành các tu tập tịnh hoá tâm.

98. Bạn nên tụng đọc kinh Ba tụ (Triskandha) ngày ba thời, đêm ba thời. Bằng phương tiện đó bạn làm nhẹ bớt các tội nặng đang còn lại nhờ sự giúp đỡ của các đấng Tối Thắng và Tâm Bồ Đề.

[Theo Panjika p.75, kinh Tam Tụ là một kết hợp của sám hối tội nghiệp, tùy hỉ công đức, và thuần thục của Bồ đề]

99. Bạn nên siêng năng thực hành các huấn luyện cho các tình huống này mà bạn tự tìm thấy, hoặc là do hợp ý bạn mà không có sức ép của người khác, hoặc là dưới ảnh hưởng của các người khác.

100. Vì không một sự vật gì mà Các Con của Các Tối Thắng (=Bồ tát) không nên học. Vì người thiện hảo cư xử theo cách thức này, không một điều gì là phi đức hạnh.

101. Bạn không nên làm một cái gì ngoài cái làm lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho các hữu tình, và để làm tốt cho các hữu tình bạn nên hồi hướng tất cả mọi sự tới Bồ Đề.

102. Bạn, không bao giờ dù ngay cả có thể mất mạng, buông bỏ một thiện tri thức vốn tuân thủ các giới nguyện Bồ tát và cũng là người thông hiểu giáo pháp Đại Thừa.

103. Bạn nên học các cư xử kính trọng với các vị thầy tâm linh, từ Cát tường sinh giải thoát (trong kinh Hoa Nghiêm) (Srisambhavavimoksa trong Aryagandavyuhasutra). Chỉ giáo này và các chỉ giáo khác của Phật nên được học từ tụng đọc các bản kinh.

104. Các tu tập đều được tìm thấy trong Kinh Tạng. Thế nên bạn nên tụng đọc các kinh, và bạn nên học các vi phạm giới nặng trong kinh Hư không tạng (Akasagarbhasutra).

105. Bạn nên học nhiều lần “Tịch Thiên. Học Xứ Tập Yếu” (Santideva. Siksasamuccaya), trong đó có giảng chi tiết các thiện hạnh.

106. Có một cách nữa, trước nhất bạn nên đọc Học Xứ Tập Yếu một cách ngắn gọn, và sau đó đọc cẩn thận Nhất Thiết Kinh Tập Yếu của ngài Long Thọ (Nagarjuna. Sutrasamuccayasutra; Compendium of Scriptures).

107. Bạn nên nhìn vào các bản văn này khi đào luyện tâm, thấy cái gì bị cấm chỉ và cái gì được làm, và bạn nên thực thi trọn vẹn các giáo pháp đó để bảo vệ tâm trong thế giới.

108. Tóm tắt, chỉ riêng đây là định nghĩa của bảo vệ tỉnh biết: quán sát mỗi sát na trạng thái của thân và tâm của bạn.

109. Tôi sẽ tu tập bảo vệ tỉnh biết với thân tôi . Chỉ đọc các chữ thì để làm gì? Một người bệnh sẽ có bất kì lợi ích nào khi chỉ thuần đọc các cách chữa bệnh?

Xem bản tiếng Anh (PDF): ● Santideva. A Guide to the Bodhisattva Way of Life.

CÁC CHƯƠNG TRƯỚC: (Cùng dịch gỉa)
Con Đường Bồ Tát (Chương 1) Lợi Lạc Của Tâm Bồ Đề.
Con Đường Bồ Tát (Chương 2) Sám Hối Nghiệp Tội.
Con Đường Bồ Tát (Chương 3) Tâm Bồ Đề Nguyện.
Con Đường Bồ Tát (Chương 4) Thực Hành Tâm Bồ Đề.
Con Đường Bồ Tát (chương 5) Bảo Vệ Tỉnh Biết
Con Đường Bồ Tát (Chương 9) Trí Tuệ Siêu Việt.

SÁCH ĐỌC THÊM (KHÁC DỊCH GIẢ):
NHẬP HẠNH BỒ TÁT Tịch Thiên - Nguyên Hiển Việt dịch (sách)
NHẬP BỒ TÁT HẠNH Tịch Thiên (Shantideva
)- Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải
(sách)
BỒ TÁT HẠNH Santideva (Tịch Thiên) - Thích Trí Siêu dịch (sách)
BỒ TÁT HẠNH TRONG KINH VIÊN GIÁC Thích Nguyên Tịnh




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn