Tâm Và Vật Trong Phật Pháp

15 Tháng Tám 201403:19(Xem: 5215)

TÂM VÀ VẬT TRONG PHẬT PHÁP
Truyền Bình

Kinh điển xưa nói về Tâm và Vật

Tâm và Vật là vấn đề rất lớn của triết học từ xưa đến nay. Vấn đề là : Nền tảng của vũ trụ vạn vật là Tâm (Thức, tinh thần) hay Vật chất ?

Các triết học gia cả Đông lẫn Tây đã bàn luận rất nhiều, song không đủ thuyết phục vì họ không thể đưa ra được chứng cứ, chỉ có lý luận suông, hoặc cố đưa ra những dẫn chứng khá mơ hồ, trừu tượng, rất khó hiểu và không đủ sức thuyết phục, chỉ có bậc thượng sĩ (nói theo Đạo Đức Kinh) may ra mới hiểu.

Cách nay hơn 2500 năm, Thích Ca đã tự chứng ngộ sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội cây Bồ đề bên dòng sông Ni Liên Thiền, nay là Bồ Đề Đạo Tràng thuộc bang Bihar của Ấn Độ. Ngài thấu suốt hết mọi lẽ huyền vi của tạo hoá. Sở dĩ thấu suốt vì ngài có lục thông, tức 6 thứ thần thông mà một bậc toàn giác khai triển được. Sau đó Thích Ca đi du hoá một vùng rộng lớn thuộc miền bắc Ấn Độ (ngày nay thuộc hai bang Uttar Pradesh và Bihar, diện tích khoảng 340.000 km2). Thích Ca chỉ giảng đạo bằng miệng không có ghi chép. Sau khi Phật nhập diệt, các đệ tử đã nhiều lần tổ chức đại hội kết tập kinh điển để ghi nhớ và thống nhất, nhưng toàn bằng khẩu truyền. Mãi đến lần kết tập thứ tư tại Tích Lan (nay là Sri Lanka) vào khoảng năm 20 trước Công nguyên, kinh điển mới bắt đầu được chép bằng chữ viết trên lá bối, sau 500 năm truyền khẩu.

Những kinh điển nguyên thuỷ do Đức Phật nói được ghi chép bằng cả hai ngôn ngữ thông dụng. Một là tiếng Pali ở miền nam Ấn Độ. Hai là tiếng Sanskrit ở miền bắc Ấn Độ.

Đó là bước đầu hình thành Tam Tạng Kinh, gồm có Kinh Tạng với 5 Bộ Kinh lớn : Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ, riêng Tiểu Bộ có 15 quyển. (bên Sanskrit có tên tương ứng là Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm). Luật Tạng gồm 5 quyển : Căn bản giới, Tiểu giới, Đại phẩm, Tiểu phẩm, Yết ma và Truyền pháp giới. Tạng thứ ba là Thắng Pháp Tạng hay Luận Tạng (Adbidamma Pitaka_A Tỳ Đàm hay A Tỳ Đạt Ma) gồm 7 bộ căn bản.

1- Dhammasaṅgaṇi (Bộ Pháp Tụ 法聚論/法集論 Pháp Tụ Luận hay Pháp Tập Luận)
2- Vibhaṅga (Bộ Phân Tích 分別論 Phân Biệt Luận)
3- Dhātukathā (Bộ Chất Ngữ 界論 Giới Luận) Luận các cõi giới từ đâu đến
4- Puggalapaññatti (Bộ Nhơn Chế Định人施設論 Nhân Thi Thiết Luận) Luận về các chủng người khác nhau do đâu mà có, nói về 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 4 đế…phân biệt các hạng người.
5- Kathāvatthu (Bộ Ngữ Tông 論事 Luận Sự) do Moggaliputta Tissa làm trong lần kết tập thứ ba mục đích là bài bác tà kiến của ngoại đạo xâm nhập vào tăng đoàn.
6- Yamaka (Bộ Song Đối 雙論 Song Luận) Luận về chỗ đồng dị của từng cặp mệnh đề.
7- Paṭṭhāna (Bộ Vị Trí 發趣論 Phát Thú Luận). 6 bộ luận đầu chủ yếu luận về danh (tên gọi) và tướng (hình trạng) của các pháp. Còn bộ luận thứ bảy còn gọi là Đại Luận 大論 chủ yếu nói về 24 mối quan hệ của các pháp, hệ thống hoá chúng. Do đó bộ luận này rất lớn và phức tạp. Bản dịch tiếng Việt gồm 7 quyển, mỗi quyển dày khoảng 350 trang.

Ngôn ngữ được dùng để ghi chép là tiếng Pali, vốn là ngôn ngữ Paishachi ở phía Tây Ấn Độ, phát triển thành tiếng Pali sử dụng phổ biến trên cao nguyên Decan và Nam Ấn , cũng là ngôn ngữ của Mahinda đến Tích Lan từ mấy trăm năm trước. Đây là kinh điển Phật giáo nguyên thủy (Theravada) thuộc truyền thống Nam Tông, được truyền bá ở các nước phía nam nên còn gọi là Nam Truyền, như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Kampuchia, phía nam Việt Nam.

Bảy bộ căn bản của Luận tạng chính là cơ sở để chúng ta nghiên cứu vấn đề Tâm và Vật của Phật giáo, tóm tắt như sau :

Luận Tạng hay Vi Diệu Pháp đúc kết vạn pháp thành 4 pháp cứu cánh 四種究竟法 hay Chân đế (Paramattha)là Tâm心, Tâm Sở 心所, Sắc 色, và Niết Bàn 涅槃

Pháp cứu cánh có thể hiểu là pháp rốt ráo hay nói cho cùng là nền tảng của vũ trụ vạn vật. Trong đó Sắc là tên gọi xưa chỉ vật chất. Tuy chia ra 4 pháp cứu cánh nhưng Phật pháp là Bất nhị pháp môn. Bất nhị tức không phải là hai cũng không phải là một. Nghĩa là các cặp phạm trù mâu thuẫn như Tâm và Vật tuy là hai hình thái khác hẳn nhau nhưng thật tế không phải là hai thứ khác nhau. Tất cả vạn pháp đều có thể quy về một mối. Và từ cái Một có thể biểu hiện ra thiên hình vạn trạng. Vi Diệu Pháp về sau được các Tổ Sư khai triển rõ ràng hơn.

Tâm 心 (Citta) là A-lại-da thức bao gồm 8 thức : tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh tiếp xúc. 5 tánh này gọi chung là Tiền ngũ thức (5 thức đầu hay cơ bản). Thức thứ sáu là tánh biết, tổng hợp tiền ngũ thức do bộ não thực hiện. Thức thứ bảy là Mạt-na (Manas) là thức chấp ngã tạo ra cái ta và cái của ta (ngã sở) của cá thể sinh vật. Thức thứ tám là A-lại-da (Alaya) là Tạng thức tức kho chứa tất cả mọi chủng tử, tất cả mọi phát sinh của bảy thức kia. Như vậy Alaya bao gồm tất cả tam giới, là một kho chứa vô hình, vô lượng, vô biên. Vì vô hình, vô thể, vô dạng, nên Alaya hay Tâm (Citta) không phải là vật chất, mà nó giống như hư không. (Tâm như hư không vô sở hữu) không có thực chất, chỉ là ảo. Nhưng Tâm không phải là hư không vì nó chứa đủ mọi chủng tử (dữ liệu- data) có khả năng biến hoá ra vũ trụ vạn vật.

Tâm Sở 心所 (Cetasika) là các thuộc tính của Tâm. Kinh điển phân tích Tâm có 51 Tâm Sở còn gọi là 51 Hành (sa. saṃskāra) tức là trạng thái hoạt động, biểu hiện của Tâm. 51 hành bao gồm : 5 Biến hành tâm sở (遍行, sarvatraga), 5 Biệt cảnh tâm sở (別境, viniyata), 11 Thiện tâm sở (善, kuśala), 6 Căn bản phiền não tâm sở (根本煩惱, mūlakleśa), 20 Tuỳ phiền não tâm sở (隨煩惱, upakleśa) 4 Bất định tâm sở (aniyata). Nói chung các Tâm Sở là dạng hoạt động của Tâm về hai phương diện Thọ (cảm nhận, perception, sa. vedanā), và Tưởng (suy tư, tưởng tượng, meditation, imagination, sa. saṃjñā). Tất cả Tâm Sở cũng nằm trong Alaya.

Sắc 色(Rūpa) là cứu cánh hay Chân Đế (Pali. Paramattha) thứ ba được đề cập đến trong Abhidhamma (Vi Diệu Pháp), và cũng là một trong hai thành phần cấu thành cái được gọi là chúng sanh hay vạn vật, thành phần kia là Danh (Nāma). Sắc được liệt kê ra 28 loại vật chất. Lý thuyết về nguyên tử cũng thịnh hành ở Ấn Độ vào thời Đức Phật. Paramānu là một danh từ tương đương với chữ “hạt cơ bản (particle)” thời hiện đại. Theo sự tin tưởng thời bấy giờ, một rathareṇu là một hạt bụi tí ti vởn vơ trong làn ánh sáng, nó chứa 36 tajjāris (phân tử); một tajjāri chứa 36 aṇus (nguyên tử) ; một aṇu chứa 36 paramāṇus (hạt cơ bản). Như vậy, một paramāṇu bằng 1/46.656 phần của một rathareṇu. Paramāṇu nầy đuợc xem như không thể còn phân chia được nữa. Tuy nhiên lý thuyết nguyên tử thời xưa chỉ là để tham khảo thêm, chứ không thể chính xác về mặt định lượng, vì Phật pháp phải dựa vào tri kiến thế gian mới có thể nói cho người thế gian hiểu. Tri kiến thế gian thời đó chỉ biết đến thế thì Phật pháp cũng không có cách nào nói rõ ràng chính xác hơn được. Tóm lại, đối với Sắc pháp trong kinh điển xưa, chúng ta nên hiểu về định tính hơn là định lượng.

Sắc không những luôn luôn biến đổi mà cũng hoại diệt (khaya, vaya). Sắc ở mức cơ bản (paramāṇus) chỉ tồn tại trong mười bảy sát-na tâm (刹那心 citta-ksana, thời gian của một niệm). Rūpa (Sắc) biến đổi nhanh chóng đến đổi ta không thể gõ hai lần đúng ngay vào một nơi.

Đại Tỳ Bà Sa Luận định nghĩa sát na 刹那 (Sa.ksana) như sau : Một ngày đêm có 30 mâu hô lật đa 牟呼栗多(muhurta), một mâu hô lật đa bằng 30 lạp phược 臘縛 (lava), một lạp phược bằng 60 đát sát na 怛剎那(tatksana), một đát sát na bằng 120 sát na 刹那 (ksana). Suy ra một ngày đêm 24 giờ bằng 30 x 30 x 60 x 120 = 6.480.000 sát na. Vậy một giây của chúng ta (second) bằng 6.480.000 /86.400 = 75 sát na

Một cái búng tay là 60 sát na, sát na tâm hay thời gian của một niệm là 90 sát na. Vậy nếu lấy sát na hay đơn vị thời gian nhỏ hơn nữa để tính, thì thấy hiện tại bất khả đắc, bởi vì nếu một niệm mất 90 sát na, thì niệm hiện tại ở đâu ? vì chưa khởi xong một niệm thì thời gian đã qua mất rồi !

Paramāṇu ấy ngày nay có thể coi là các hạt cơ bản, là biểu hiện cụ thể của paramatthas (chân đế, ngày nay có thể coi là lượng tử). Những biểu hiện khác là paṭhavi, āpo, tejo, và vāyo. Những yếu tố đó xưa được giải thích là tứ đại (đất, nước, lửa, gió). Nhưng ngày nay, tri kiến thế gian đã phát triển tương đối đủ để hiểu những nhận thức của các bậc giác ngộ, nên cần giải thích lại cho thoả đáng hơn. Paṭhavi nên hiểu là quark. Apo là lực kết nối (forces, 4 lực cơ bản). Tejo là năng lượng (energy). Vayo là electron. Những cảm nhận hữu hình của vật chất như tính cứng, đặc, màu sắc, nói chung sắc thanh hương vị xúc pháp kể cả những cái mắt trần không thấy được (khí, kinh lạc 经络) đều là biểu hiện của vayo. Từ bốn thành phần chánh yếu ấy có bốn chuyển hóa là vaṇṇa (màu sắc, hình tướng), gandha (hương), rasa (vị) và ojā (tinh chất dinh dưỡng).Ngoài ra, hai mươi loại yếu tố vật chất (sắc) khác còn lại cũng rất quan trọng.

A Tỳ Đạt Ma Luận 阿毗達摩論, liệt kê 28 loại vật chất (Sắc) như sau :

4 Đại chủng sắc 四大种色 (mahā-bhūta)

Địa giới 地界(pathaví-dhātu)

Thuỷ giới水界(āpo-dhātu)

Hoả giới火界(tejo- dhātu)

Phong giới 風界(vāyo- dhātu)

14 Sở tạo sắc 所造色 (upādāya-rūpa) bao gồm :

5 Tịnh sắc 淨色(pasāda-rūpa) tức 5căn : nhãn眼(cakkhu-pasada)、nhĩ 耳(sota-pasāda)、tị 鼻ghāna-pasāda)、thiệt舌(jivhā-pasāda)、thân身(kāya-pasāda)

4 Cảnh sắc境色(gocara-rūpa) tức 4 trần: sắc色(nhan sắc颜色vaṇṇa)、thanh聲(thanh âm声音sadda)、hương香(khí vị气味gandha)、vị 味 (vị đạo味道rasa

2 Tính căn sắc性根色(bhāvarūpa) :

Nam tính男性(hoặc Nam căn 男根 purisindriya)nhiễm sắc thể XY

Nữ tính女性(hoặc Nữ căn 女根 itthindriya)nhiễm sắc thể XX

1 Não bộ gọi là Tâm sở y xứ 心所依處 (hadayavatthu) hoặc Tâm sắc心色(hadaya-rūpa)

1 Mệnh căn 命根(jīvitindriya) còn gọi là Mệnh sắc 命色(rūpa-jivita) Có thể hiểu là tim

1 Đoạn thực 段食(kabalinkārāhāra còn gọi là Thực sắc食色) Lương thực thực phẩm

Tổng cộng 18 loại trên gọi là Hữu tướng sắc有相色, Hoàn thành sắc完成色 hoặc Chân thực sắc真实色

10 loại còn lại gọi là bất hoàn thành sắc 不完成色 liệt kê như sau :

1 Hư không giới 虚空界(ākāsadhātu) còn gọi là Hạn giới sắc 限界色(rūpa-ākāsa) tức không gian

5 loại Biến hoá sắc 变化色(vikāra-rūpa) Loại vật chất biến hoá

2 Biểu sắc của thân thể và ngôn ngữ : thân biểu 身表、ngữ biểu 语表的表色(viññatti-rūpa)

1 Sắc khinh khoái tính 色轻快性(rūpassa lahutā) Loại vật chất nhẹ và nhanh ví dụ ánh sáng

1 Sắc nhu nhuyến tính 色柔软性((rūpassa mudutā) Loại vật chất mềm

1 Sắc quát ứng tính 色适应性(rūpassa kammaññatā) Loại vật chất biến đổi nhanh

4 loại vật chất liên quan Nghiệp, Tâm, Thời gian và Dinh dưỡng.

1 Sắc tích tập 色积集(rūpassa upacaya) Mô và tế bào

1 Sắc tương tục 色相续(rūpassa santati) Mã thông tin di truyền

Sắc tích tập và Sắc tương tục gọi chung là Sinh sắc 生色 Vật chất sống

1 Sắc lão tính 色老性(jarā) Loại vật chất tạo ra sự lão hoá

1 Sắc vô thường tính 色无常性(aniccatā) Loại vật chất tạo ra sự biến đổi

Sắc lão tính và Sắc vô thường tính gọi chung là Tướng sắc 相色(lakkhannarūpa) Vật chất biểu hiện hình tướng

Cộng chung 28 loại vật chất gọi chung là Sắc pháp

Chúng ta thấy rằng sự mô tả Tâm và Vật trong kinh điển Phật giáo rất là vi diệu. Nó chỉ bị giới hạn vì tri kiến thế gian thời cổ đại còn quá hạn chế, không làm sao nói cho người thế gian hiểu được. Dùng tri kiến khoa học ngày nay xem xét lại để hiểu kinh điển xưa một cách đúng mức mới thấy trí tuệ của Thích Ca thật phi phàm. Trí nhớ của A Nan và các vị La Hán trong các cuộc kết tập kinh điển cũng rất phi thường khi họ thuộc nằm lòng những chi tiết rất phức tạp và rất xa lạ đối với người bình thường, của Vi Diệu Pháp.

Sắc biến đổi rất nhanh, tạo ra sự ảo hoá mà con người không thể kịp nhận ra. Nhưng do thói quen tâm lý hay bị vướng mắc vào kiến văn giác tri (chấp) nên không theo kịp sự ảo hoá, từ đó mà thấy vật tương đối bền vững, tương đối ổn định. Ví dụ một đóm nhang quay tròn thật nhanh, ta không còn thấy đầu nhang cháy đỏ mà chỉ thấy một vòng lửa đỏ. Ví dụ những tấm ảnh tĩnh lướt qua mắt ta thật nhanh với tốc độ 30 hình/giây, ta không còn thấy những tấm ảnh tĩnh nữa mà là con người hay sinh vật đang sống, đang hoạt động, đang ca hát, nói năng. Tóm lại ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tạo ra cuộc đời tưởng tượng của ta trên thế gian. Dữ liệu để tạo ra cuộc sống thế gian đó lấy từ A-lại-da thức.

Khi con người giác ngộ, tức thấu suốt được tất cả bí mật huyền vi của Tâm, Tâm Sở và Sắc thì hiểu được tánh Không, nghĩa là tất cả mọi hiện tượng trong Tam giới chẳng qua chỉ là ảo hoá, không một cái gì là có thật, dù là Tâm, Tâm Sở hay Sắc, nghĩa là vật chất và tinh thần tuy hai mà một, biểu hiện có khác nhau nhưng bản chất y chang. Cái Không đó vốn bất sinh bất diệt, chẳng phải Tâm, cũng chẳng phải Vật, cũng là Tâm, cũng là Vật, không thể nắm bắt được, không thể định nghĩa được, kinh Kim Cang gọi đó là Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.

Cái đó gọi là Niết Bàn 涅槃(Nirvana)tính chất của nó là tịch 寂, tịnh 静 . Tịch là vắng lặng vì không một niệm nào nổi lên. Tam giới chỉ xuất hiện khi có niệm nổi lên, giống như cuốn phim bắt đầu chiếu khi máy khởi chạy. Máy ngừng thì cuộc sống trong phim không hiện hữu. Tịnh là vô cấu 無垢nghĩa là không có cấu tạo, không có cấu trúc, nó thuần nhất, tinh khiết, bởi vì tánh Không thì không có cấu trúc, không có gì để mà diễn tả nữa, khác với Sắc, Sắc có cấu trúc dù cấu trúc bằng hạt ảo thì vẫn là có cấu trúc. Chúng ta nói tịch, tịnh, chẳng qua là thêm thắt, cố mà diễn tả cái không thể diễn tả.

Tóm lại tuy Tâm và Vật khác hẳn nhau nhưng vẫn đồng quy là Một, Vật cũng tức là Tâm, Tâm cũng tức là Vật. Kinh điển Vi Diệu Pháp cố gắng diễn tả nhưng có lẽ chưa được rõ ràng, bởi vì muốn nói cho người thế gian hiểu, phải dùng tri kiến thế gian, mà tri kiến thế gian ngày xưa còn nhiều hạn chế nên Kinh cũng không có cách nào nói rõ ràng hơn.

Về sau các vị Tổ Sư triển khai thêm khi tri thức của loài người ngày càng nhiều thêm. Long Thọ, rồi Vô Trước, Thế Thân, đều là những bậc giác ngộ, tiếp tục triển khai giáo lý Đại Thừa Thắng Nghĩa qua Trung Quán Luận, Duy Thức Học, rồi Huyền Trang tiếp tục xây dựng Pháp Tướng tông với bộ sách dịch và tổng hợp Thành Duy Thức Luận.

Trung Quán Luận, Duy Thức Học và Thập Nhị Nhân Duyên là những luận thuyết được phát triển sau, diễn tả rõ ràng hơn bảy bộ Luận Tạng nguyên thuỷ. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng là Sắc (vật chất) vẫn chưa được diễn tả một cách thấu triệt. Người ta vẫn chưa hiểu được một cách rõ ràng tại sao Thức lại có thể sinh ra Danh Sắc, tức làm sao mà Tâm vốn là vô hình vô thể lại có thể sinh ra Vật chất hữu hình, cứng chắc cho được. Cho tới tận ngày nay, người ta vẫn hoàn toàn không thể hiểu được, không thể tin được điều đó. Nhất là ở những nước xã hội chủ nghĩa, khi người ta tôn sùng chủ nghĩa duy vật của Karl Marx, lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc để đánh giá lại Phật giáo. Mặc dù ngày nay, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã thoái trào, người ta vẫn không thể tin được Tâm thức có thể sinh ra vật chất, điều đó quá khó tin. Mặc dù trong kinh điển Phật giáo, rõ ràng có những câu như :

-Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức (Thành Duy Thức Luận)

- Kinh Hoa Nghiêm nói : Nhược nhân dục liễu tri, Tam thế nhất thiết Phật, Ưng quán pháp giới tính, Nhất thiết duy tâm tạo 若人欲了知, 三世一切佛, 应观法界性, 一切惟心造 (Nếu ngươi muốn biết rõ, Tất cả Phật ba đời -quá khứ, hiện tại, vị lai- Nên quán thực chất của pháp giới, Tất cả đều là do tâm tạo).

- Trung tâm tư tưởng của Phật giáo là tánh Không. Cửa Phật còn gọi là cửa Không. Ngay cả những người bình dân ít học cũng biết rằng cốt lõi của Đạo Phật là vấn đề Sắc (vật chất) Không (Tâm). Và câu Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, tất cả sư tăng đều biết và thường tụng đọc vì câu đó nằm trong Bát Nhã Tâm Kinh, một bộ kinh rất ngắn và lưu hành rất rộng.

Những câu kinh trên, ý nghĩa đều rất rõ ràng, không có chút úp mở nào. Ý nghĩa mà cả người bình dân cũng hiểu, là tất cả vạn pháp, tất cả vạn vật đều do Tâm tạo. Nhưng đó chỉ là hiểu về mặt văn từ, các lời lẽ đó rất dễ hiểu, nhưng nội dung thì không một ai hiểu, không một ai tin. Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật, phát hiện của Thích Ca hơn 2500 năm trước, Tâm là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, ngày nay đã được khoa học xác nhận một cách rõ ràng, cụ thể.

Khoa học ngày nay nói về Tâm và Vật

Trong tiền bán thế kỷ 20, Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi tâm thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ tâm thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).

Von Neumann

Những Thí nghiệm chặt chẽ về Hai Khe Hở (Double Split Experiment) tuân theo phương pháp luận chính xác của thí nghiệm tưởng tượng Feynman về sau càng củng cố thêm lập luận này.

Từ thời của Thomas Young (1773-1829) thí nghiệm hai khe hở (double split experiment) đã được biết đến. Tuy nhiên ông chỉ phát hiện được sự giao thoa ánh sáng, nó chứng tỏ ánh sáng là sóng mà thôi. Cho đến năm 1924, Louis de Broglie phát hiện thêm một tính chất quan trọng của photon (ánh sáng) qua thí nghiệm hai khe hở, đó là ánh sáng vừa là sóng mà cũng có thể vừa là hạt, phát hiện này đem đến cho ông giải Nobel Vật lý năm 1929. Đến năm 1961, Claus Jonsson của đại học Tubingen (Đức) lần đầu tiên tiến hành thí nghiệm hai khe hở với electron, ông có phát hiện quan trọng, chùm tia electron tạo ra giao thoa sóng, nó chứng tỏ rằng hạt electron cũng có thể là sóng. Đây là phát hiện mới mẻ vì từ trước đến nay chưa ai nghĩ rằng electron lại có thể là sóng, mặc dù từ năm 1927 Heisenberg đã đưa ra nguyên lý bất định (principle of uncertainty) nói rằng không thể đồng thời xác định vị trí và động lượng của electron. Sự giao thoa sóng của electron càng được chứng tỏ rõ ràng hơn khi người ta bắn từng hạt electron đơn độc qua hai khe hở năm 1974, thực hiện bởi Giulio Pozzi và các đồng sự tại đại học Bologna nước Italy. Việc bắn từng hạt electron nhằm tránh việc các electron chạm nhau gây nhiễu xạ. Họ đã cho các electron đơn độc đi qua một lưỡng lăng kính – một dụng cụ có chức năng giống như một khe đôi – và quan sát thấy sự hình thành của một hệ vân giao thoa sóng. Một thí nghiệm tương tự cũng được thực hiện vào năm 1989 bởi Akira Tonomura và các đồng sự tại phòng nghiên cứu của hãng Hitachi ở Nhật Bản. Thí nghiệm electron đơn độc đầu tiên sử dụng một khe đôi thực sự được báo cáo vào năm 2008 bởi Pozzi và các đồng sự. Đội khoa học gia Italy còn tiến hành thí nghiệm với một khe bị che đi, và đúng như trông đợi, nó không dẫn tới sự hình thành của hệ vân giao thoa hai khe. Đội còn tiến hành một thí nghiệm khác vào năm 2012, trong đó sự tới đích của từng electron đến từ hai khe được ghi lại tuần tự từng hạt một.

Herman Batelaan thuộc trường Đại học Nebraska-Lincoln, cùng với các đồng nghiệp ở đó và tại Viện Vật lý Lý thuyết Perimeter ở Waterloo, Canada, cũng báo cáo cho biết họ vừa tạo ra một thí nghiệm hai khe tuân theo phương pháp luận chính xác của thí nghiệm tưởng tượng Feynman. Công trình được công bố đầu năm 2014.

Công trình ban đầu vốn là một đề án tốt nghiệp tại Nebraska và nhận được sự quan tâm khi Damian Pope ở Viện Perimeter biết được Batelaan và đồng sự đang nghiên cứu hiện thực hóa thí nghiệm Feynman. Pope thiết tha muốn ghi phim về thí nghiệm tưởng tượng đó.

Đội nghiên cứu đã chế tạo một khe đôi trên một màng mỏng silicon mạ vàng, trong đó mỗi khe rộng 62 nano-mét và dài 4 micro-mét và hai khe cách nhau 272 nano-mét. Để chặn đi một khe, một mặt nạ nhỏ xíu được điều khiển bởi một mũi áp điện trượt tới trượt lui trên hai khe.

Các electron được tạo ra tại một dây tóc tungsten và được gia tốc đến 600 GeV (Giga electron Volt, 1 GeV = 1 tỉ (bilion) electron volts) rồi chuẩn trực thành một chùm tia. Sau khi đi qua hai khe, chúng được phát hiện ra bởi một bản dò đa kênh.

Cường độ của nguồn electron được thiết lập thấp đến mức chỉ có một electron mỗi giây được phát ra – để đảm bảo rằng mỗi lượt chỉ có một electron sẽ đi qua hai khe. Ở tốc độ này, người ta mất chừng hai giờ để cho một hệ vân hình thành trên máy dò – một quá trình được ghi lại trực tiếp bằng video. Các phép đo được lặp lại với mặt nạ quét qua lại nhiều vị trí: trước tiên chặn cả hai khe, rồi chặn một khe, sau đó không chặn khe nào, rồi chặn khe bên kia. Đúng như trông đợi, hệ vân hai khe xuất hiện khi các electron được phép đi qua cả hai khe, nhưng không xuất hiện khi một khe bị chặn lại.

Batelaan cho biết thí nghiệm trên đặc biệt quan trọng khi nhìn từ quan điểm rộng, bởi vì không giống như thí nghiệm lưỡng lăng kính trước đây, nó thật sự sử dụng một khe đôi và do đó dễ được mọi người chấp nhận hơn. Được biết, thí nghiệm hai khe với electron đơn độc đã được độc giả báo Physics World (Thế giới Vật lý) bầu chọn là “thí nghiệm đẹp nhất trong vật lí học” hồi năm 2002. Chúng ta hãy xem kỹ thí nghiệm này.

Double Split Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ

Thí nghiệm hai khe hở chứng tỏ vật chất (electron, có thể là sóng, cũng có thể là hạt) không phải độc lập khách quan như chúng ta quen tưởng tượng. Khi bị nhìn hoặc bị đo đạc, electron bị sụp đổ chức năng sóng, và xuất hiện là hạt và thành vật chất mà chúng ta có thể thấy, nghe, sờ mó. Bằng không thì nó là sóng, vô hình, không có vị trí nhất định (nonlocal), không có động lượng nhất định, mà Heisenberg đã nêu trong nguyên lý bất định (priciple of uncertainty) năm 1927.

Các nhà vật lý lượng tử ngày nay cũng hiểu cơ chế rõ ràng bản chất của vật chất là gì, nó xuất hiện như thế nào.

Vạn Pháp Duy Thức

Các nhà khoa học lý giải thế nào về Thí nghiệm Hai Khe Hở ? Video dưới đây sẽ thuyết minh.

The Holographic Universe – Vũ Trụ Toàn Ảnh 2 – Phụ đề Việt ngữ

Và cơ chế nào khiến Tâm (Citta, A-lại-ya thức) vốn vô hình, lại có thể biến thành vật chất ? Xin mời xem.

Tieng On Toan Anh – Truong Alaya Thuc

Các nhà khoa học nói rằng Thức (tiếng Anh tạm dùng từ Conciousness) chính là nguồn gốc của mọi hiện tượng trong vũ trụ vạn vật.

Tóm lại khoa học ngày nay đã minh hoạ rõ ràng (có thể cũng còn chưa đầy đủ) về Tâm và Vật mà Thích Ca đã chứng ngộ hơn 2500 năm trước.

Truyền Bình

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn