Học Hạnh Ngài A Nan

13 Tháng Chín 201200:00(Xem: 35554)

HỌC HẠNH NGÀI A NAN
Trong Kinh Lăng Nghiêm
Thích Nữ Giác Anh

thichnugiacanhKinh Lăng Nghiêm là một trong những bộ Kinh tinh túy cốt lõi thuộc truyền thống Kinh điển đại thừa Bồ Tát đạo trong Phật Giáo. Tinh thần Bồ tát là tinh thần cầu thành Phật, phổ độ chúng sanh, tinh thần ấy không phân biệt giữa hai giới tại gia hay xuất gia. Đã là Phật tử, tức phải xác định mục đích tấn tu duy nhất, mục đích đó là phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo. Trong lời tựa tán thán Kinh Lăng Nghiêm, Ngài A Nan phát nguyện “ngũ truợc ác thế thệ tiên nhập”, lời phát nguyện đó cũng chính là lời phát nguyện cho mỗi người Phật tử trên con đường tu tập.

Thuật ngữ “ngũ truợc ác thế” nghĩa là năm điều ô truợc của thế gian. Đức Phật xác định, cõi này là cõi truợc, cõi nhơ uế. Sở dĩ nhơ uế là vì nghiệp tánh nhân chủng của chúng sanh nhơ uế. Tâm nhơ uế nên cảnh nhơ uế. Tâm Phật thanh tịnh nên cảnh Phật thanh tịnh. Tâm Bồ tát vô phân biệt nên cảnh giới an trụ của Bồ Tát vô phân biệt, và quang minh thọ luợng của Chư Phật, Bồ Tát cũng thanh tịnh, tự tại, vô phân biệt.

Một cách dễ hình dung hơn, thử xét nhân quả ngay tại thế gian nơi chúng ta đang sống. Đức Phật dạy, nhân quả phuớc nghiệp của mỗi người là chánh báo thân thể hoàn cảnh của nguời là y báo. Nhân ích kỷ, tị hiềm... không quan tâm đến nguời khác thì quả báo phải là nghèo khổ, thiếu thốn. Nếu nhân rộng luợng, chân thật, biết quên mình vì nguời, thường đem lợi ích cho mọi người, thì quả báo chắc chắn sẽ giàu sang, danh vọng... Như vậy từ nhân nghiệp chánh báo giữa nguời nghèo và giàu khác nhau, nên tất nhiên hoàn cảnh sinh sống, còn gọi là y báo, giữa hai nguời đó cũng theo đó khác nhau. Cảnh nhà của nguời nghèo lam lũ, rách ruới... Cảnh sống của nguời giàu là cao sang, cung điện... Tất cả những khác nhau đó không tự nhiên mà sanh. Trên phương diện nhân quả nghiệp báo, như vậy cho nên sẽ không có chuyện một nguời kém phước đức thác sanh vào gia đình hoàng tộc, cũng như không có chuyện một nguời đầy đủ phuớc báu lại sanh vào một gia đình hành khất. Tất nhiên trừ truờng hợp thị hiện của chư vị Bồ Tát. Như vậy hoàn cảnh nghèo hay giàu sẽ không tự nó xuất hiện nếu không bắt nguồn từ chánh nhân nghiệp báo nhân quả mà ra.

Chúng ta đang tu Phật, nghĩa là đang phát nguyện chuyển cảnh giới từ phàm phu sang cảnh giới giải thoát. Điều đó chắc chắn phải như vậy. Không ai tu Phật mà chấp nhận trầm luân mãi trong biển khổ bao giờ. Điều đó vô lý như sự vô lý của người bệnh cứ uống thuốc mà không muốn hết bệnh vậy. Trở lại việc tu Phật, khi hiểu các pháp đều do nhân quả nghiệp báo thì “ngũ trược ác thế” đều là trách nhiệm của chính bản thân mình. Nếu kết quả tu niệm của chúng ta thanh tịnh, trang nghiêm thì hoàn cảnh xung quanh sẽ theo đó trang nghiêm, thanh tịnh.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Ngài là quốc truởng và cũng là vị lãnh đạo tinh thần tối cao của nguời dân Tây Tạng; khi đến bất cứ nơi nào, dù gặp gỡ Phật tử hay người chưa từng biếtđến Phật giáo, Ngài đều có cái nhìn bình đẳng đến hết thảy mọi người. Ngài thường nhận xét, con người dù có khác biệt về hoàn cảnh văn hóa, lối sống, về tín nguỡng hay màu da…, nhưng tất cả đều là con nguời, mang thể xác và tâm trí của một chúng sanh cao cấp. Thân thể vật lý của chúng ta giống nhau, tâm thức và cảm xúc chúng ta cũng giống nhau. Gặp ai Ngài cũng có cảm tuởng là đang đối diện với một con nguời như chính Ngài. Trên căn bản đó, Ngài đã đối thoại với tha nhân bằng một tấm lòng tràn đầy thương yêu và hỷ lạc. Đức Đạt Lai Lạt Ma với lòng bi mẫn chân thành đã làm rung động trái tim hàng triệu người vốn hoàn toàn xa lạ với Phật Giáo trên khắp thế giới. Hình ảnh của Ngài là bài học "ngũ truợc ác thế thệ tiên nhập" sống động nhất giữa cảnh đời đau khổ như ngày nay. Phật Giáo trên thế giới nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng, hơn hai ngàn năm qua đã có rất nhiều, rất nhiều… những trái tim Bồ Tát từ bi vô lượng,vô biên như thế.

Tuy nhiên, ví như đi biển phải có hải bàn, vào rừng phải biết định hướng; giữa vòng nghiệp báo phức tạp và đầy nguy hiểm, Đức Thế Tôn trước khi nhập Niết Bàn, Ngài đã thiết tha căn dặn: “Sau khi Như Lai diệt độ, các con hãy lấy Giới luật làm Thầy, Giới luật là mạng mạch của Phật Pháp, Giới luật còn thì Phật Pháp còn". Đức Phật chế giới luật cho 4 chúng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di. Theo Kinh điển chúng xuất gia thường đi theo Phật là 1250 vị, tuy nhiên số chúng tại gia thì vô số, không thể nào tính biết đuợc. Rất ít kinh điển kể lại Đức Phật chỉ thuyết cho hàng xuất gia, mà đa phần Kinh Phật đều có sự hiện diện cả 2 giới. Kinh Lăng Nghiêm chúng ta trì tụng, cũng là một trong những Kinh đặc trưng Phật thuyết cho cả hai giới như thế. Điều đó nói lên rằng, Đức Phật quan tâm đến sự tu tập, hành trì của giới tại gia không kém, hoặc có phần quan tâm hơn cả giới xuất gia nữa. Đức Phật nhấn mạnh về Giới cho người xuất gia như thế nào, thì người tại gia cũng cần "lấy Giới làm Thầy" như thế ấy.

Trong vòng sinh tử luân hồi, đau khổ của chúng sanh thật không cùng tận. Lỗi lầm của sinh tử là Vô Minh. Muốn phá Vô Minh, phải có Trí Tuệ, muốn có Trí Tuệ phải có Định lực, muốn có Định lực, phải có trì Giới. Đó là công thức chung duy nhất cho tất cả Phật tử. Nguời Phật tử tại gia có 5 giới, 10 giới, xuất gia có cụ túc giới và quan trọng trên hết là Bồ tát giới. Tuy vậy, dù tại gia hay xuất gia, 5 giới cơ bản vẫn luôn là thềm thang cho tất cả những bước tiến kế tiếp. Tất cả mọi an lạc, hạnh phúc cho đến thực chứng giáo pháp, đều lấy đây làm nền tảng. Nguời Phật tử tu tập Phật Pháp trong thế gian, không thể nào thiếu Giới làm rào cản cho bản thân, cũng như làm gương cho hết thảy chúng sanh.

Tuy nhiên, để hiểu và hành đúng Phật Pháp, là một điều không thể trong vòng một kiếp, hai kiếp… có thể làm được, so với vô số kiếp vô minh của chúng sanh. Nhưng điều đó sẽ không còn khó khăn nữa, nếu trên đường chúng ta đi được sự gia bị của chư Phật và Bồ Tát. Nói cách nôm na, là có đủ phước đức. Tổ Ấn Quang dạy, rồng đất không thể ban mưa, nhưng muốn cầu mưa không thể không cúng rồng đất, một vị Tăng chưa thanh tịnh không thể khiến ta giải thoát được, nhưng muốn cầu quả giải thoát, không thể không cúng chư Tăng. Để hiểu Phật Pháp và gìn giữ Giới luật, những tưởng điều đó mang tính cố gắng của cá nhân; nhưng quả thật, nếu không có đủ phước báu, không thể hiểu và hành đúng chánh pháp. Cũng như nếu không có sự gia bị của chư Phật, Bồ tát và Long thần hộ pháp… sẽ không thể nào trì Giới nỗi, khi toàn thể thân tâm chúng ta đang trong vòng nghiệp báo đau khổ luân hồi.

Truyền thống đẹp của Phật Giáo Trung Hoa và Việt Nam được gìn giữ đến ngày nay với hai thời công phu, nhất là thời công phu khuya, mở đầu cho một ngày mới - người Phật tử được hưng khởi tâm Bồ Đề bằng lời phát nguyện của Ngài A Nan, đó là một truyền thống đẹp và rất đáng hãnh diện. Nguyện cầu Tam Bảo thường gia hộ truyền thống này luôn được trân quí và phát huy cho dù trong mọi hoàn cảnh, thời gian nào.

Kỷ niệm mùa An Cư 2009
Trường hạ Pháp Bảo
Thích Nữ Giác Anh

(CÙNG TÁC GỈA / DỊCH GỈA)

 


c
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn