Phòng Hộ Nhờ Quán Niệm

27 Tháng Mười 201100:00(Xem: 42875)

PHÒNG HỘ NHỜ QUÁN NIỆM
Protection through Satipatthana
NYANAPOKIA THERA
( LÂM THANH NHIÊN trích dịch )

blankNgười thiết tha dâng hiến đời mình cho việc hoàn thiện về đạo đức , tự phát triển về tâm linh sẽ có một ảnh hưởng năng động và mạnh mẽ cho điều tốt trong cuộc đời , ngay cả khi người ấy không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào cóa tính cách phục vụ xã hội .

Kinh Tương ưng Niệm xứ số 19 có thuật lại việc Đức Phật kể cho các Tỳ-kheo câu chuyện như sau : Hồi trước có một đôi nghệ sĩ tung hứng chuyên trình diễn các màn nhào lộn trên một cây sào tre . Một hôm , người thầy bảo người học việc : “ Con đứng lên vai ta rồi leo lên cây sào tre ”. Sau khi người học việc thực hiện mệnh lệnh ấy , người thầy lại nói : “ Bây giờ thì con hãy bảo vệ ta , và ta sẽ bảo vệ con . Bằng cách quan sát và bảo vệ lẫn nhau . Như vậy , chúng ta sẽ có thể biểu diễn tài năng của mình , kiếm được tiền và sẽ leo xuống khỏi cây sào tre một cách an toàn ” Nhưng người học việc trả lời : “ Không phải vậy , thưa thầy ! Thầy nên tự bảo vệ lấy mình , và con cũng tự bảo vệ con . Tự bảo vệ và tự cảnh giác như vậy , thầy trò ta sẽ trình bày màn biểu diễn của mình an toàn ”.

Đức Thế Tôn cho rằng đó là biện pháp thích hợp và nói thêm như sau : “ Giống như điều người học việc nói , ‘con sẽ tự phòng hộ’ . Tứ niệm xứ cần được thực hành như vậy . Đang khi tự phòng hộ , hành giả phòng hộ người khác ; đang khi phòng hộ người khác , hành giả tự phòng hộ mình . Và , làm thế nào đế một người , trong lúc tự phòng hộ mình , phòng hộ được cho người khác ? Bằng cách thường xuyên thực hành thiền định . Và làm thế nào để một người , trong lúc phòng hộ người khác , tự phòng hộ cho mình ? Bằng nhẫn nhục và độ lượng , bằng cuộc sống không gây hại , và không bạo lực , bằng từ ái và bi mẫn ”.

Bài kinh này thuộc về số lượng đáng kể những giáo pháp thực tiễn nổi bật và quan trọng của Đức Phật vẫn bị lãng quên như một kho báu bị chôn vùi , ít được biết đến và không được áp dụng . Thế nhưng bản kinh này mang một thông điệp quan trọng và việc bản kinh này gắn với kinh Niệm xứ càng nhắc nhở chúng ta phải quan tâm hơn .

Cá nhân và xã hội

Bản kinh bàn tới mối liên hệ giữa chúng ta với những người chung quanh , giữa cá nhân với xã hội . Bản kinh kết luận một cách cô đọng về thái độ của Đức Phật đối với những vấn đề về đạo đức xã hội và cá nhân , về thói vị kỹ và lòng vị tha . Ý chính của bản kinh chứa đựng trong hai câu ngắn gọn : Đang khi tự phòng hộ , hành già phòng hộ người khác . Đang khi phòng hộ người khác , hành giả tự phòng hộ . Hai câu này bổ túc cho nhau và không thể được trích dẫn riêng lẻ . Ngày nay khi hoạt động xã hội được nhấn mạnh thái quá , con người có thể bị xúi giục để hỗ trợ cho những yq tưởng của họ bằng cách chỉ trích dẫn câu sau . Nhưng bất kỳ trường hợp trích dẫn một phía nào như thế cũng đều làm sai lạc lời dạy của Đức Phật . Cần nhớ rằng trong câu chuyện dẫn chứng ở trên , Đức Phật hiển nhiên đã chấp nhận phát biểu của người học việc , rằng trước hết chúng ta phải cẩn thận quan sát các bước đi của chính mình nếu người ấy muốn bảo vệ người khác trước những họa hại . Kẻ đã tự mình lún trong bùn thì chẳng thể nào giúp người khác thoát khỏi chỗ lầy . Trong ý nghĩ ấy , việc tự phòng hộ hình thành một nền tảng không thể thiếu cho việc phòng hộ và giúp đở kẻ khác . Tự phòng hộ không phải là sự phòng hộ ích kỷ . Nó chính là sự tự kiểm soát , tự phát triển về đạo đức và tâm linh .

Có vài sự thật lớn lao , sâu sắc và đầy đủ đến mức có vẽ như những sự thật ấy có tầm quan trọng mở rộng mãi , vẫn phát triển cùng với tầm hiểu biết và mức độ thực tập của từng cá nhân . Những sự thật ấy được áp dụng trên những mức độ hiểu biết khác nhau và có giá trị giữa những bối cảnh khác nhau trong đời sống của chúng ta . Sau khi đạt tới mức độ thứ nhất hoặc thứ hai , hành già sẽ ngạc nhiên thấy những viễn tượng mới cứ lần lần tự mở rộng ra cho sự hiểu biết của chúng ta . Được soi sáng bởi cùng sự thật ấy , điều đó cũng áp dụng cho chân lý kép của bản kinh văn đang được chúng ta xem xét về một vài chi tiết .

“ Đang khi tự phòng hộ , hành giả phòng hộ người khác ”- Chân lý trong phát biểu này bắt đầu ở một mức độ thực tiễn và hết sức đơn giản . Mức độ cụ thể đầu tiên của sự thật này có tính cách hiển nhiên đến mức chúng ta chỉ cần nói thêm vài lời . Rõ ràng việc bảo vệ cho sức khỏe của chính mình sẽ góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cho người khác trong môi trường sống của ta , đặc biệt là khi có bệnh truyền nhiễm . Thận trọng trong mọi hành vi cử chỉ của chúng ta sẽ bảo vệ cho người khác tránh được những họa hại mà sự bất cẩn hay phóng túng của ta có thể mang lại . Lái xe cẩn thận , không uống rượu , biết tự kiềm chế trong những hoàn cảnh có thể gây nên bạo lực …bằng cách đó và nhiều trường hợp khác chúng ta sẽ bảo vệ cho người khác khi bảo vệ chính mình .

Mức độ đạo đức

Nay chúng ta tiến đến mức độ đạo đức của sự thất ấy . Sự tự phòng hộ về mặt đạo đức sẽ che chở được cho người khác cả về mặt cá nhân lẫn phương diện xã hội , trước những đam mê vô độ và những thôi thúc vị kỷ của ta . Nếu chúng ta cho phép tam độc – tham , sân , và si – lập căn cứ vựng chắc trong tâm mình , khi ấy hoa trái của chúng ta sẽ đâm chồi nẩy lộc giống như dây leo hoang dại , bóp nghẹt mọi sự tăng trưởng lành mạnh và cao quý ở chung quanh . Nhưng nếu ta biết tự phòng hộ và chống lại ba nguồn ác ấy , những người chung quanh ta cũng sẽ được an toàn . Họ sẽ an toàn thóat khỏi sự liều lĩnh vì lòng tham đắm tài sản và quyền lực , tính trăng hoa , sự ganh ghét và lòng ghen tuông của ta ; an toàn trước những hậu quả tàn phá của lòng căm ghét và tính thù hằn của ta vốn có thể gây nên phá hoại hoặc chết chóc ; an toàn trước sự bột phát lòng tức giận của ta cũng như trước cái không khí đối kháng và mâu thuẩn đang hình thành có thể làm cho cuộc sống trở nên không thể chịu đựng nổi đối với họ .

Những tác động tai hại của lòng tham và sự hận thù của ta trên người khác không chỉ bị giới hạn ở thời điểm họ trở thành đối tượng thụ động hay nạn nhân của lòng căm ghét của ta , hoặc khi tài sản họ trở thành đối tượng cho lòng tham của ta . Cả lòng tham và sự hận thù có một năng lực lây nhiễm sẵn sàng nhân rộng cái tác động tai hại của chúng . Nếu chính ta không nghĩ gì khác hơn khao khát và chiếm đoạt , đạt được và sở hữu , chiếm giữ và bấu víu …chúng ta có thể khơi gọi hay củng cố những bản năng ấy nơi người khác phẩm hạnh xấu xa của ta có thể trớ thành tiêu chuẩn cho thái độ và hành vi của người chung quanh ta , cho con ta , bạn bè ta , đồng nghiệp ta …Phẩm hạnh của chính ta có thể xui khiến người khác tham gi vào sự thỏa mãn chung của những khát vọng cướp bóc ; hoặc chúng ta có thể khơi gợi những tình cảm oán giận và tranh đoạt . Nếu ta có đầy nhục dục , ta cũng có thể thắp sáng lửa dâm dục nơi người khác . Lòng căm hận của ta có thể thúc đẩy người khác căm hận và trả thù . Ta cũng có thể liên kết với kẻ khác hoặc xúi giục họ tham gia vào những hành động chung của sự căm hận và thù hằn . Rõ ràng lòng tham và sự căm hận giống như bệnh truyền nhiễm . Nếu ta tự phòng hộ mình chống lại những căn bệnh truyền nhiễm ấy , ở một mức độ nào đó , ít nhất ta cũng phòng hộ cho người khác .

Sự phòng hộ nhờ vào Tuệ giác

Về căn nguyên thứ ba của ác hạnh , si hay vô minh , ta biết rất rõ vô số họa hại có thể gây ra cho kẻ khác chỉ vì sự ngu muội , sự thiếu suy nghĩ , thiên kiến , ảo tưởng ..của chỉ một người . Thiếu kiến thức và Tuệ giác , những cố gắng tự bảo vệ hay bảo vệ người khác thường thất bại . Người ta chỉ thấy được nguy hiểm khi đã quá trễ , không dự liệu cho tương lai , không biết được những phương tiện có hiệu quả cho việc phòng hộ và giúp đỡ . Cho nên việc tự phòng hộ cho kiến thức và tuệ giác là điều rất quan trọng . Có được kiến thức và tuệ giác , ta bảo vệ được người khác tránh được những hậu quả tai hại do ngu dốt , thiên kiến , cuồng tín và ảo tưởng . Lịch sử cho thấy những ảo tưởng của đám đông mang tính tàn phá lớn lao thường được nhen nhúm bởi chỉ một người hay một nhóm người ít ỏi . Tự bảo vệ nhờ kiến thức và tuệ giác sẽ bảo vệ những người khác khỏi những tác động xấu xa cùng cực của những ảnh hưởng như thế .

Ở đây , ta chỉ nêu một cách ngắn gọn rằng , đời sống cá nhân của ta có thể có những ảnh hưởng lớn lao đến đời sống của những người khác như thế nào . Nếu ta bỏ mặc không giải quyết những cội nguồn tội ác xã hội tiềm tàng hay hiện hành trong chính bản tâm mình , hoạt động xã hội bên ngoài của ta sẽ chỉ là phù phiếm và bất toàn . Thế nên , nếu ta bị thúc đẩy bởi tinh thần trách nhiệm xã hội , ta không được phép lơ là nhiệm vụ nặng nề của việc tự phát triển về phương diện đạo đức và tâm linh . Bận tâm với trách nhiệm xã hội không thể là lý do để tránh né nghĩa vụ đầu tiên của con người , là hãy dọn dẹp ngôi nhà tâm thức của chính mình .

Mặt khác , người thiết tha dâng hiến đời mình cho việc tự hoàn thiện về đạo đức , tự phát triển về tâm linh sẽ có một ảnh hưởng năng động và mạnh mẽ cho điều tốt trong cuộc đời , ngay cả khi người ấy không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có tính cách phục vụ xã hội . Chỉ riêng cái gương im lặng của người ấy thôi cũng sẽ mang lại sự giúp đở và khuyến khích cho nhiều người , bằng cách chỉ ra rằng những lý tưởng của một cuộc sống vô ngã và bất hại có thể thực hiện được một cách thực tế chứ không chỉ là những chủ đề của những lời thuyết giáo suông .

Nguồn : Satipatthana Samyutta - Protection through Satipatthana , Nyanaponika Thera , trích rừ eng . buddhapia.com Đọc nguyên bản Tiếng Anh

Nyanaponika Thera ( 1901- 1994 ) được truyền giới theo Phật giáo Nguyên thủy bởi Đại Sư Nyanatiloka Thera vào năm 1936 tại Tích Lan . Ngài nguyên là người Đức gốc Do Thái , thể danh là Siegmund Feniger . Ngài là người đồng sáng lập Buddhist Publication Society là một tác giả của nhiều tác phẩm Phật học thời danh và là thầy của nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo phương Tây nổi tiếng .

(Văn Hóa Phật Giáo 127)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn