Hóa giải thâm cừu, đại hận giữa các hệ phái đạo Phật

27 Tháng Mười 201509:29(Xem: 4095)


Xin gửi bài về địa chỉ email:
thuvienhoasen@yahoo.com
BBT



Hóa giải thâm cừu, đại hận giữa các hệ phái đạo Phật

Thâm cừu, đại hận - Nghe có vẻ thật khoa trương song cụm từ đó cũng không phải là cách diễn đạt vô lối, đoản hậu. Nếu tựa trên bình diện tổng thể về sự phân tranh giữa các hệ phái đạo Phật thì mọi người sẽ dễ dàng nhận ra sự rạn nứt, chẳng dung nhau giữa các pháp môn học Phật là thật có, việc tương tàn giữa các hệ phái đạo Phật đã là mối thù truyền kiếp từ rất lâu xa. Và ngày nay điều đó vẫn đang tiếp diễn, việc những người học Phật khác tông phái, pháp môn dùng những lời thô trược, hằn học ném vào nhau đã trở nên thường đến rất đổi thường.

Người học Phật lấy Từ bi hỷ xả làm gốc, lấy chánh kiến, chánh ngữ mà gieo duyên chánh pháp Nhãn tạng Như Lai. Thế sao… Vì đâu nên nỗi?

Việc tranh cãi về pháp môn niệm Phật, cõi Tây Phương cực lạc vốn xảy ra lâu xa. Thời Lục Tổ Huệ Năng, điều này chẳng phải đã được trả lời rốt ráo rồi sao?

Một hôm, Vi Sử Quân mở hội trai Tăng mời Lục Tổ Huệ Năng cùng các bậc hương thân, kỳ lão, thiện nam, tín nữ trong vùng đồng phó hội. Sau khi thọ trai xong Lục Tổ bảo với mọi người rằng tùy chỗ nghi nên hỏi ta sẽ tùy chỗ biết mà trả lời.

Vi Sử Quân liền thay mặt cho đại chúng tham vấn chỗ huyền nghi. Vi Sử Quân hỏi:

- Đệ tử thường thấy người xuất gia, kẻ tại gia niệm Phật A di đà cầu vãng sinh Tây Phương cực lạc. Nay mong Sư vì trừ chỗ nghi ngờ có - không mà giảng việc vãng sinh cực lạc cho đại chúng được rõ.

Sư nói:

- Sử Quân và đại chúng hãy lắng nghe. Khi xưa Đức Thế Tôn nơi thành Xá Vệ thuyết việc sinh về Tây phương tịnh độ, câu chữ đã rất rõ ràng, nếu nói theo hình tướng thì khoảng cách từ Ta Bà đến Tây Phương là mười muôn ức cõi. Nói gần, nói xa thì phải xét gần với ai, xa với ai chẳng nên xây nhà trên hư không vậy. Nói xa là do người học Phật suy lường bị mười điều ác trong tâm ngăn trở, gây chướng ngại chỗ đến đi tự tại. Nói gần là với người thượng trí, thiện hành, tầm mắt rỗng rang. Nên biết người có hai hạng, pháp không hai lối. Vì mê ngộ khác nhau nên chỗ hiểu biết chẳng đồng, có mau chậm. Vậy nên người mê niệm Phật cầu vãng sinh Tây Phương, người ngộ chỉ tự gạn lọc bản tâm, giữ lòng thanh tịnh. Cho nên Phật nói “Tùy tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”. Người nơi Ta Bà cõi này - Đông Phương chỉ cần lòng thanh tịnh tức là giải thoát, nếu ở nơi Tây Phương mà lòng chẳng thanh tịnh thì đâu thoát khỏi sự ràng buộc khổ não, sinh tử vì còn niệm vậy. Sử Quân này! Nay ta hỏi ông “Người Đông Phương tạo tội niệm Phật cầu sinh Tây Phương. Người Tây Phương tạo tội niệm Phật biết cầu sinh nơi nào? Người kém trí chẳng hiểu tự tánh, không biết có cõi Tịnh độ nơi tâm mới ngược xuôi điên đảo, nguyện Đông, nguyện Tây. Người ngộ dù ở đâu cũng vậy, cho nên Phật nói “Tùy chỗ mình ở mà thường giải thoát”. Sử Quân! Chỉ cần tâm thiện thì Tây Phương chẳng xa. Nếu giữ hoài tâm bất thiện, niệm Phật vãng sinh e là điều hư vọng, chẳng thật.

- Nay Huệ Năng khuyên các vị thiện tri thức! Trước trừ mười điều ác, tức là qua được mười muôn cõi nước ngăn cách Tịnh độ. Khi trừ được mười sự ác chướng ngăn che thì mỗi niệm thường thấy tánh, thường làm chuyện công bằng, chính trực. Lúc ấy, việc đến Tây Phương nhanh như khảy móng tay, liền thấy Phật A di đà. Sử Quân! Người học Phật chỉ cần siêng năng hành trì mười điều lành thì cần gì phải nguyện vãng sinh Cực Lạc mà cõi A di đà tự hiện. Nhược bằng tâm chẳng dứt mười điều ác Phật nào đến rước? Nếu ngộ pháp Vô sanh thì thấy Tây Phương ngay trước mắt. Chẳng ngộ pháp vô sanh, niệm Phật cầu vãng sinh biết bao giờ mới đến được chỗ dừng chân? Huệ Năng sẽ vì đại chúng dời Tây Phương về đây. Đại chúng muốn thấy chăng?

Đại chúng đều nói “Nếu nơi này được thấy Tây Phương thì đâu cần lại nguyện vãng sinh Tây Phương chi nữa. Xin Sư từ bi hiện cõi Tây Phương cho đại chúng đều được khai tâm”.

Sư nói:

- Này đại chúng! Hãy xét lại thân mình. Sắc thân là thành quách, nhà cửa nhóm hợp từ bảy báu. Ngoài có năm cửa là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đều là cửa. Trong có cửa ý. Tâm là nền đất, tánh là vua. Vua ở trên đất tâm. Tánh còn thì vua còn, tánh đi thì vua mất. Tánh còn thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm hoại. Phật do trong tánh khởi lên, đừng cầu tìm ở bên ngoài. Tự tánh u mê là chúng sinh, tự tánh giác ngộ là Phật. Từ bi là Quán Âm. Hỷ xả là Thế Chí. Thường tịnh tức Thích Ca. Bình đẳng là A di đà. Tâm chấp ngã là núi Tu di, tâm tà là biển cả. Phiền não là sóng cuộn. Độc hại là rồng dữ. Hư vọng là quỉ thần. Trần lao là cá trạnh. Tham sân là địa ngục, ngu si là súc sinh. Các vị thiện tri thức! Thường làm mười điều lành thì nơi nào chẳng là Tịnh độ. Trừ tâm chấp ngã thì làm núi Tu di đổ. Bỏ tâm tà thì biển cả khô cạn. Phiền não không còn thì sóng cuộn sẽ lặng, độc hại quên đi thì rồng dữ tự diệt. Tự trong tâm địa là tánh giác Như Lai, phóng ánh đại quang minh, chiếu ra sáu cửa đều thanh tịnh, phá được các cõi trời Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Tự tánh soi chiếu bên trong, ba độc - Tham sân si liền trừ, các tội địa ngục đồng thời tan rã. Trong ngoài sáng tỏ thì chẳng khác Tây Phương. Nếu không hành trì được như vậy thì làm sao tới được tịnh độ?

Đại chúng nghe giảng thuyết, rõ ràng thấy tánh cùng nhau lễ bái, xưng tán, nguyện rằng “Lành thay! Nguyện cho hết thảy chúng sinh nghe được pháp này đều tức thời tỏ ngộ”.

Sư lại nói:

- Này các vị thiện tri thức! Nếu muốn tu hành, tại gia cũng tu được không nhất thiết phải đến ở chùa. Tại gia thường tu hành, như người ở cõi Ta Bà mà tâm thiện. Ở chùa chẳng tu hành, như người Tây Phương mà tâm ác. Chỉ giữ lòng thanh tịnh tức là tự tánh Tây Phương.

Về sau, Lục Tổ Huệ Năng lại vì người học Phật mà diễn nói rành rõ việc Quy y Tam bảo:

- Quy y Phật, quy y Giác, Lưỡng túc tôn.

- Quy y Pháp, quy y Chánh, Ly dục tôn.

- Quy y Tăng, quy y Tịnh, Chúng trung tôn.

Từ nay trở đi nương Giác - Chánh - Tịnh làm thầy, trọn chẳng quy y tà ma, ngoại đạo.

Này thiện tri thức! Ta khuyên thiện tri thức hãy nên quy y Tự tánh Tam bảo. Phật tức Giác, Pháp tức Chánh,Tăng tức Tịnh. Tự tâm quy y Giác thì tà mê chẳng sinh, thiểu dục tri túc hay lìa Tài - Sắc nên gọi Lưỡng túc tôn. Tự tâm quy y Chánh là niệm niệm chẳng tà kiến, vì chẳng có tà kiến nên chẳng có nhân ngã, cống cao, tham ái, chấp trước nên gọi là Ly dục tôn. Tự tâm quy y Tịnh là tự tánh đối với tất cả trần lao ái dục đều chẳng nhiễm trước, gọi là Chúng trung tôn.

Nếu tu hạnh này là tự tánh quy y. Người kém trí hư vọng, mê muội từ sớm đến tối thường khuyên người thọ Tam quy y mà chẳng hiểu. Nếu nói quy y Phật, Phật ở chỗ nào? Nếu chẳng thấy Phật thì dựa vào đâu quy y? Nói ra lại thành vọng.

Này thiện tri thức! Mọi người hãy xem xét kỹ, chớ lầm dụng tâm. Trong kinh nói rõ ràng là quy y tự tánh Phật, chẳng có nói quy y tha Phật. Tự tánh Phật chẳng quy y thì đâu còn chỗ nào quy y nữa.

Nay ta nói cho các người rõ về sau mỗi mỗi đều phải quy y Tự tánh Tam bảo, bên trong sửa đổi tâm tánh, bên ngoài kính mến mọi người tức là tự quy y vậy.

Nếu có người lại hỏi “Cõi Tây Phương cực lạc là thật có không?” thì tôi sẽ tùy chỗ biết trả lời.

- Vạn pháp duy tâm, Tam giới duy thức - Thế nên do nơi tín tâm của người học Phật mà cõi Tây Phương được tựu thành. Song vì người học Phật khi chết ở Ta Bà vãng sinh Tây Phương nên là có đến có đi; Có đến có đi là còn trong sinh diệt, nào phải đã vãng sinh. Vậy nên muốn thật giải thoát chí ít sẽ phải chết thêm lần nữa.

Nếu lại có người phản vấn “Lời này nghịch ý kinh” thì tôi sẽ hồi đáp:

Lời kia chẳng nghịch ý kinh chỉ do người chẳng khéo hay phân biệt lại sinh điều ràng buộc, dính mắc vì thế nên chướng ngộ việc liễu sinh thoát tử. Nên biết Phật Thích Ca không đợi đến chết rồi mới thành Phật do vậy người học Phật từ xưa đến nay muốn giải thoát hoàn toàn thì phải ngay nơi hiện kiếp, ngay cõi hiện tồn mà chứng ngộ pháp vô sanh, chẳng nên điên đảo vọng cầu Đông Tây giả lập mãi.

Người học Phật xưa thường khởi vọng chấp. Kinh Phật là phải do lời Phật Thích Ca thuyết, lời các Tổ không thể gọi là kinh Phật mà chỉ là những Tạng Luận. Sau rốt, Lục Tổ Huệ Năng với pháp khí đại thừa đã dùng lời khế hợp, khế cơ tùy nghi thuyết pháp. Những lời lẽ ngắn gọn, xúc tích, chỉ bày người học Phật nên trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật do Lục Tổ Huệ Năng diễn nói về sau được kết tập thành Pháp Bảo Đàn kinh. Điều này chẳng phải là đã phá vỡ nguyên tắc “Kinh Phật phải do chính Phật Thích Ca thuyết rồi sao?”.

Phật giáo đại thừa đã dung nạp Pháp Bảo Đàn kinh xem những lời Lục Tổ không khác lời Phật thuyết.

Phật giáo nguyên thủy không dung nạp kinh điển đại thừa cũng là vì cho rằng kinh điển đại thừa không do lời Phật Thích Ca thuyết. Tuy vậy, Phật giáo nguyên thủy lại dung nạp kinh Mi tiên vấn đáp, là bộ kinh xuất hiện sau những bộ kinh Nikaya vài trăm năm. Dựa vào bối cảnh cũng như lời giới thiệu của bộ kinh thì người học Phật dễ dàng nhận ra đây không phải kinh do Phật Thích Ca diễn nói.

Tại sao lại có việc hệ phái Phật giáo nguyên thủy không dung nạp kinh điển đại thừa mà lại dễ dàng chấp nhận kinh Mi tiên vấn đáp?

Vậy nên vấn đề Phật giáo nguyên thủy không dung nạp kinh điển đã không còn là vấn đề kinh Phật phải do lời Phật thuyết nữa mà đã là vấn đề khác.

Người học Phật khách quan, đúng mực, sáng suốt nên chăng xét lại rốt cuộc Phật giáo nguyên thủy kỳ thị kinh điển đại thừa là do vấn đề gì? Và hệ phái Phật giáo đại thừa có phủ định kinh điển nguyên thủy không?

Trên thực tế hệ phái Phật giáo đại thừa không hề có sự phủ định kinh điển nguyên thủy. Vậy nên lập luận cho rằng giáo lý hệ phái Phật giáo đại thừa không có Bát chánh đạo, Tứ diệu đế là nhận định có điều lỗi lầm, rơi vào biên kiến chủ quan. Vì sao? Vì kinh điển đại thừa bao hàm cả kinh điển nguyên thủy thế nên nói hệ phái Phật giáo đại thừa không có Bát chánh đạo, Tứ diệu đế thì khác nào người học Phật theo hệ phái nguyên thủy nói kinh điển nguyên thủy cũng không có Bát chánh đạo, Tứ diệu đế. Rõ thật đây là việc muốn chặt chân người thì trước đã chặt chân mình. Có câu y pháp bất y nhân thế nên người học Phật Nam Tông chớ vì sự sai lạc ở những người học Phật Bắc Tông hoặc là vì lòng tự tôn nguyên thủy chánh tông Phật môn mà tự rơi vào điều lầm lỗi, che mờ trí tuệ Phật.

 Có nhiều vấn đề dẫn đến sự kỳ thị kinh điển đại thừa ở người học Phật thuộc hệ phái Phật giáo nguyên thủy và việc “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng nói vuông”, thế nên đã phát sinh nhiều hệ lụy.

Vấn đề khiến Phật giáo nguyên thủy không dung nạp kinh điển đại thừa trước là do vấn đề văn phong, tư tưởng giữa hai hệ thống kinh điển Phật giáo. Quả thật là văn phong, tư tưởng giữa giáo lý kinh điển nguyên thủy và kinh điển đại thừa có sự sai biệt rất lớn. Khi khách quan đánh giá người tham cứu sẽ dễ dàng nhận ra hệ thống kinh điển Tam Tạng thật sự chẳng thể do một người trình bày. Có một sự khác biệt rõ rệt về văn phong, dòng tư tưởng, cách thức diễn đạt giữa kinh điển nguyên thủy và kinh điển đại thừa; Có cả yếu tố tri thức sai khác giữa hai thời đại bày ra nơi nội dung ở giáo lý hai hệ phái nguyên thủy - đại thừa. Thế nên người học Phật thuộc hệ phái Nam Tông phủ định kinh điển đại thừa không phải do Phật Thích Ca thuyết là việc làm không hề sai, song lại cũng không thật đúng vì việc làm này đã rơi vào biên kiến tranh hơn thua, tâm của người học Phật rơi vào lẽ đúng sai này đã đánh mất sự thanh tịnh, giải thoát.

Vấn đề sâu xa dẫn đến việc không dung nạp kinh đển đại thừa ở hệ phái Nam Tông cơ hồ không phải do văn phong, tư tưởng giáo lý có sự sai biệt mà kỳ thực là do lòng tự tôn nơi người học Phật mà ra. Hai chữ Đại thừa - Tiểu thừa được người học Phật hiểu sai đại ý, chỗ dụng tâm của người thuyết ra kinh điển đại thừa. Đại thừa - Tiểu thừa vốn không mang nghĩa hệ phái đại thừa là lớn, hệ phái nguyên thủy là nhỏ. Vì hiểu sai chỗ dụng tâm của Giác giả mà người học Phật Nam Tông - Bắc Tông rơi vào việc kỳ thị, đả phá, dấy khởi đại cuộc tranh luận trải qua hàng thiên niên kỷ, việc làm chỉ khiến tăng trưởng Tham sân si mạn nghi ràng buộc mà chẳng giúp ích gì cho sự giải thoát nơi người học Phật.

Thực ra đại thừa chỉ mang hàm nghĩa là thuyền lớn nên có thể nâng đỡ được nhiều người, Tiểu thừa là thuyền nhỏ chủ yếu là tự cứu mình sau lại dìu dắt thêm ít người. Đại thừa là tâm hạnh rộng lớn, trải đều muôn lối, việc hoằng dương chánh pháp thênh thang; Tiểu thừa tâm hạnh nhỏ nhẹm hơn, chỉ tùy duyên hóa độ người, việc hoằng dương chánh pháp tự có điều chướng ngại.

Ban đầu, tiểu thừa không hàm nghĩa là hệ phái Phật giáo nguyên thủy, đại thừa không phải là biểu trưng của Phật giáo đại thừa. Tuy nhiên, về sau do tri kiến sai lầm ở người học Phật dẫn đến tri kiến lập tri nên đại cuộc thành hình, lý kia thành sự. Người học Phật thuộc hệ phái nguyên thủy vì không dung nạp kinh điển đại thừa nên sau rốt hành vi trở nên tiểu thừa, trở thành thuyền nhỏ chở được ít người; Người học Phật theo hệ phái đại thừa tấm lòng rộng mở nên thành thuyền lớn chở được nhiều người hơn. Về lập luận này có “cưỡng từ đoạt lý” hay không thì cứ nhìn vào lịch sử phát triển của Phật giáo sẽ rõ. Thực tế là hệ phái Phật giáo đại thừa có tính phổ truyền chánh pháp lan rộng hơn việc hoằng pháp của hệ phái Phật giáo nguyên thủy.

Chỉ do tự ràng buộc mà hệ phái nguyên thủy trở thành Tiểu thừa, chứ không phải do nơi đại thừa kỳ thị mà hệ phái Phật giáo nguyên thủy trở nên là thuyền nhỏ. Song mầm móng Tiểu thừa vốn sẵn có nơi hệ phái Phật giáo nguyên thủy, cả hệ phái Phật giáo đại thừa cũng ẩn tàng tánh Tiểu thừa. Bậc Giác giả thông tuệ đã nhận diện mầm móng Tiểu thừa ở giới xuất gia nên khép Tăng bảo vào thành phần học Phật Thanh văn thừa.

Chữ Tiểu thừa mà bậc Giác giả dùng là nhằm vào người học Phật Thanh văn thừa chứ không mang hàm nghĩa là hệ phái Phật giáo nguyên thủy. Chữ Đại thừa được Giác giả dùng nhằm biểu dương người học Phật phát tâm Bồ tát, sẵn sàng làm cầu đò cho người chứ không mang hàm nghĩa là hệ phái Phật giáo đại thừa. Người học Phật xưa nay đã hiểu không thật đúng về dụng tâm của Giác giả nên sự hiểu biết chánh pháp rơi vào lầm lạc, hư vọng.

Vì rõ biết người học Phật xuất gia - Tăng bảo là hạnh Thanh văn thừa nên khó lập nên kỳ tích, Giác giả khó tựu thành nơi đạo Phật do vậy bậc Giác giả thông tuệ đã cảnh tỉnh người học Phật về tánh Tiểu thừa thường tại nơi Tăng bảo. Bậc Giác giả thông tuệ rõ biết người tại gia hành bồ tát đạo, tâm hạnh xuất trần chan hòa, rộng khắp nên dùng chữ đại thừa biểu dương cho người học Phật có pháp khí đại thừa thường có ở nẻo đời.

Người học Phật ngày nay dễ thường được nghe “Phật giáo Trung Hoa mang danh nghĩa Phật giáo đại thừa kỳ thực hành vi, tâm hạnh Tiểu thừa”, điều này là một thực tế đang diễn ra ở khắp mọi nơi chứ không riêng gì ở đất nước Trung Quốc. Đây cũng chính là một nguyên nhân khiến người học Phật Nam Tông không dung nạp giáo lý của Phật giáo Bắc Tông vì lời nói thì hay nhưng việc làm thì chẳng đến - lý sự chẳng đồng.

Mầm móng Tiểu thừa ở giới Tăng bảo, người xuất gia không kể theo hệ phái nguyên thủy hay hệ phái đại thừa là sự thật hiển nhiên, thường trụ do vậy nên Giác giả đã vì người học Phật đời sau mà bày ra lý Tiểu thừa - Đại thừa.

Vì sao người học Phật xuất gia - giới Tăng bảo bị xếp vào Thanh văn tiểu thừa? Vì người học Phật này bị trói thân vào pháp, nẻo đạo - người rơi vào biên  kiến cùng với sự chủ quan sẵn có nơi tâm mỗi chúng sinh sẽ khó thể giác ngộ hoàn toàn. Việc học Phật của Tăng bảo đa phần nương nơi văn tự kinh điển nên gọi Thanh văn, việc tự chứng ngộ như Duyên giác thừa đã khó, việc chứng ngộ Bồ tát thừa, Phật thừa lại càng khó hơn. Do việc chứng ngộ chẳng triệt liễu nên việc hành Bồ tát đạo tự khắc sẽ chướng ngại, dẫu thế nào cũng chỉ là thuyền nhỏ nên gọi Tiểu thừa.

Lại nhìn vào lịch sử phát triển của đạo Phật một cách khẳng khái, khái quan người thả lòng sẽ nhận ra “Thật vậy! Chánh pháp của đạo Phật tồn tại, phát triển qua hơn hai ngàn năm kể cả thời Phật Thích Ca tại thế chính là nhờ vào người tại gia hộ trì, giúp mạch pháp lan tỏa; Giới xuất gia chỉ là người đóng vai trò giữ gìn và truyền Pháp bảo của Phật theo nhu cầu”.

Mối thâm cừu, đại hận giữa các hệ phái đạo Phật sẽ được hóa giải khi người học Phật mở lòng thừa nhận Phật Thích Ca là bậc Giác giả đầu tiên ra đời; Vài trăm năm sau lại có người nương nơi giáo lý Phật Thích Ca mà chứng ngộ vạn pháp, do rõ biết những giới hạn tồn đọng nơi người học Phật đương thời nên đã thuyết ra kinh điển đại thừa dựa trên nền tảng giác ngộ giải thoát hoàn toàn của Phật Thích Ca. Vị Giác giả này vì triệt ngộ nên đâu cần một danh xưng nào khác nên tùy thuận hòa giáo lý mang lại sự giác ngộ giải thoát vào pho Tam Tạng kinh của Phật Thích Ca.

Về sau ngài Long Thọ vì chưa triệt ngộ, còn tham luyến chút hư danh nên khi soạn kinh Hoa Nghiêm đã khéo vụng để lộ hành tung. Thế nên, có thể khẳng định pho Tam Tạng kinh vốn không do một vị Giác giả thuyết, ngoài vị Giác giả Thích Ca còn có đến ít nhất một vị Giác giả khác hoàn toàn triệt ngộ góp phần làm nên một pho giáo lý bất khả tư nghị giải thoát.

Mục đích tìm đến đạo Phật của bạn là gì?

Là tranh hơn luận thắng, là phước báo lợi dưỡng, là sự hiểu biết rộng khắp vượt trội,… hay là vì sự thoát khổ, giải thoát hoàn toàn?

Kinh Phật chỉ nhằm vào mục đích giúp chúng sinh 3 cõi thoát khổ, giải thoát hoàn toàn. Là lời ai nói không quan trọng, điều quan trọng hơn đó là ở mục đích của lời nói mang lại, lời nói đó có đúng chánh pháp cứu khổ, giải thoát hoàn toàn không? Nếu không được vậy thì không thể xem là kinh Phật.

Vậy nên khi tham cứu kinh điển nguyên thủy bạn có nhận thấy nơi giáo lý đó chỉ bày con người thoát khổ, giải thoát hoàn toàn không? Khi tham cứu kinh điển đại thừa bạn có thấy con đường hướng chúng sinh thoát khổ, vượt thoát sinh tử không?

Nếu bạn nhận thấy có sự thoát khổ, giải thoát hoàn toàn ở giáo lý Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo đại thừa thì đó chính thật là kinh Phật. Nếu bạn không nhận thấy điều đó thì giáo lý mà bạn đang tham cứu là của ai đã không còn là điều quan trọng rồi, tranh luận thêm phỏng có ích gì?

Bạn hãy nên xác định rõ lại mục đích của mình. Đừng vì ngã chấp, kiến chấp, chấp pháp môn mà sa vào vòng thị phi tranh luận đảo điên. Tham sân si mạn nghi khởi lên, điều đó không mang lại cho bạn sự giải thoát, cõi nước thanh tịnh trong bạn sẽ bị khuấy động. Do vậy người học Phật hãy nên bảo nhậm.

Nếu là đúng duyên thì tùy thuận chia sẻ chỗ biết khách quan của mình, đừng nói những điều mình không thật rõ biết, đó chỉ là hý luận, lạm bàn, là lời hư vọng… Điều đó là vô ích và phiền não.

Đừng khẳng khái cho rằng tự thân đang ra sức bảo vệ pháp môn là đang hộ trì Tam bảo, hoằng dương chánh pháp. Vì sao? Vì đã là chánh pháp thì không cần đến sự bảo vệ, hộ trì.

- Bảo vệ Phật chăng? Phật ở đâu? Bạn đang bảo vệ Phật Thích Ca hay hộ trì vị Phật trong bạn? Phật Thích Ca đã nhập diệt, Phật Thích Ca từ xưa đến nay đâu từng cần đến ai bảo vệ. Phật tại tâm. Tâm Phật nào loạn động sao cõi nước nơi lòng bạn dậy sóng Tham sân si mạn nghi?

- Bảo vệ pháp chăng? Đó chỉ là pháp môn sở cậy của bạn. Pháp môn đó chưa viên thông nên mới chẳng thể dung nạp pháp môn người. Pháp Phật vốn bình đẳng, chẳng cao thấp, chẳng dơ sạch, chẳng lớn nhỏ, chẳng đúng sai, chẳng hay dở… Bạn đang bảo vệ điều gì? Đó chẳng phải là ngã chấp như núi Tu di hiện tồn nơi bạn đấy sao? Đó là hầm sâu vô minh chứa muôn điều ràng buộc. Người học Phật trước phá ngã thành vô ngã, sau không còn chấp ngã, chấp vô ngã; Việc làm tùy thuận khế hợp, khế cơ. Nên chăng?

- Bảo vệ Tăng chăng? Tăng bảo có mong manh, yếu đuối như lòng bạn nghĩ. Hơn nữa, khi họ phạm giới, rơi vào phước báo danh lợi liệu bạn đủ sức bảo vệ họ chăng?

Phải chăng muốn cởi trói người trước phải cởi trói cho mình trước? Muốn giúp người qua sông sinh tử thì chí ít mình phải đang ở trên thuyền lớn, lòng rộng mở thênh thênh hoặc giả cũng đã là người vượt thoát dòng sinh tử.

Nhân đây, tôi cũng vụng bày ra điểm giới hạn hiện tồn ở giáo lý hệ phái Phật giáo nguyên thủy. Nếu có điểm giới hạn này thì người học Phật hãy nên sớm dùng trí tuệ khách quan giải trừ. Điểm giới hạn đó là việc khẳng định không có linh hồn trong mỗi chúng sinh, mỗi con người. Hẳn là lời thuyết của Giác giả Thích Ca không có sự khiếm khuyết này, có lẽ do nơi người kết tập kinh điển Tiểu thừa hiểu sai ý Phật nên bài ra chỗ vụng.

Nếu người học Phật khẳng định không có linh hồn thì lời Phật Thích Ca sẽ rơi vào đoạn diệt, Tam Tạng kinh sẽ mất điểm tựa. Lời Giác giả trước sau không từng rơi vào chấp Đoạn, chấp Thường. Thế nên, đây chỉ là do người học Phật đời sau hoặc việc “Tam sao thất bản” kinh điển dẫn đến sự thiếu khuyết, chẳng rõ.

Vì sao nếu không có linh hồn thì Tam Tạng kinh trở nên mất điểm tựa, thành ra vô nghĩa?

Vì nếu không có linh hồn nghiệp biết nương vào đâu để dẫn dắt chúng sinh trôi lăn trong 3 cõi 6 đường. Nếu không có linh hồn thì việc luân hồi sẽ chẳng lập, quy luật sinh tử nhân quả sẽ rơi vào đoạn diệt, Tam Tạng kinh trở nên vô nghĩa hoàn toàn. Điều chẳng thật đúng sẽ khiến Tam Tạng kinh rơi vào đoạn diệt.

Do vậy nếu người học Phật loại trừ cụm từ “Linh hồn” thì người học Phật phải dùng một ngôn từ giả lập thay vào chữ “Linh hồn” như là thần thức, tâm thức,… hoặc là tâm ý sự sống như là cách tôi giả lập dùng để lý giải việc luân hồi. Vậy nên nếu người học Phật Nam Tông muốn không dùng từ “linh hồn” để diễn nói pháp Phật thì phải dùng một cụm từ nào khác thay vào chứ không thể rơi vào chấp Đoạn nói “Không có linh hồn”. Về điểm này, nếu người học Phật không thông thời khó mong liễu ngộ chánh pháp.

Hệ phái Phật giáo nguyên thủy không đồng thuận tri kiến của hệ phái Phật giáo đại thừa về việc Phật Thích Ca vốn đã thành Phật rất lâu xa, sau vì thấy chúng sinh cõi Ta Bà mà thị hiện trở lại nẻo người, trải qua bao gian truân tầm đạo, thành đạo rồi truyền đạo là điểm sáng rõ, khách quan, đúng mực với chánh pháp Như Lai tạng.

Vậy vì sao có sự xuất hiện tri kiến sai lạc của người học Phật ở hệ phái đại thừa?

Nguyên nhân do bởi vị Giác giả đời sau tùy thời thuyết pháp đã tạo ra vô số hóa thân Phật, Bồ tát nhằm hiển bày những pháp phương tiện nhằm dẫn dắt người học Phật đương thời về con đường thoát khổ, giải thoát hoàn toàn. Kết hợp với việc Phật Thích Ca chứng ngộ pháp vô sanh, chưa từng sinh ra, là trở về nơi bắt đầu và cũng vì việc thần thánh hóa Phật mà người học Phật còn trong lưới vô minh đã lập luận Phật Thích Ca vốn đã thành Phật từ trước vì tâm từ bi với chúng sinh mà tái nhập cõi Ta Bà. Do tri kiến mê lầm của người học Phật vô minh thời xưa đã trói sự hiểu biết của người học Phật thời nay.

Nên biết chư Phật và vạn pháp vốn chẳng thật có, chẳng thật không. Chư Phật là ai? Phật là Như Lai, là không đến, không đi. Như Lai chẳng có 3 thời thế nên chẳng có Phật 3 thời - Quá khứ, hiện tại, vị lai. Đã là Như Lai thì chẳng có danh tự để lập thế nên không có Phật với 10 hiệu. Nói Như Lai, nói Phật là vì người mê mà nói. Vậy nên danh hiệu chư Phật, chư Bồ tát có nơi kinh điển là tánh hạnh của người học Phật cầu đạo Bồ đề đi trên con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn mà Giác giả tùy thuận diễn nói.

Tóm lai, mục đích của Giác giả thông qua Tam Tạng kinh là chỉ bày cho con người về quy luật luân hồi sinh tử, tự tánh vạn pháp và việc liễu thoát sinh tử.

Người học Phật chân chính là người tìm đến đạo Phật với mục đích sáng rõ. Kinh Phật chỉ nhằm vào việc cứu khổ, giải thoát hoàn toàn, thế nên người học Phật nếu vì mục đích thoát khổ, giải thoát hoàn toàn tìm đến thì nhất định sẽ thành tựu.

Việc tranh hơn, luận thắng chỉ là sự hý luận vô minh. Việc phân chia ranh giới pháp môn cao thấp, nhanh chậm chỉ là điều chướng ngại cho người tìm về sự giải thoát, chứng ngộ vạn pháp.

Khi xưa Thái tử Tất đạt đa vì tấm lòng rộng mở, dung nạp vạn pháp mà trở nên bậc Toàn giác. Người học Phật ngày nay vì đâu lại dấy khởi tâm địa hẹp hòi, đố kỵ, ganh tỵ nhỏ nhen?

Nếu là người sáng mắt, là khách đã sang sông thì hãy vì người học Phật mà diễn nói chánh pháp Như Lai tạng. Nếu hãy còn trong lưới mộng vô minh, chân ngụy chẳng rõ thì chớ nên tùy tiện nói càng vì tri kiến mê mờ đó không chỉ gây tổn người mà còn là việc di hại chính mình.

Nếu người học Phật có chánh kiến, chánh tư duy một khi tham cứu được những điều đúng mực, khách quan, sáng rõ thì hãy vì nhau mà phổ truyền, đó chính là việc báo đền ơn Phật, là việc hoằng dương chánh pháp vậy.
Tác giả : Latuan

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 2015(Xem: 6468)
Trong Tam tạng giáo điển nhà Phật, giới luật có vai trò rất quan trọng, được xếp thành một tạng riêng, tạng Luật. Trong nội dung tu tập của hàng đệ tử Phật, dù tu theo bất cứ pháp môn nào, cả xuất gia lẫn tại gia, đều phải thành tựu giới; nhân giới mà sanh định, nhân định mà phát tuệ.
03 Tháng Giêng 2015(Xem: 8557)
Xưa, Đức Thế Tôn dạy các đệ tử: “Chớ ngủ hai đêm, dưới cùng một gốc cây”. Lời dạy, thoạt nghe có vẻ ngộ nghĩnh, gần như chẳng quan trọng gì, nhưng khi được Thầy chỉ rõ hơn, đệ tử mới biết rằng, một lời, dù đơn sơ, từ kim khẩu Đức Thế Tôn, đều là một bài pháp.
03 Tháng Giêng 2015(Xem: 7301)
Lịch sử là một vở kịch mà trong đó các diễn viên luôn thay đổi và trình diễn không ngừng. Trên sân khấu đó, cái nhìn của người thưởng ngoạn- cũng là diễn viên- được nhận diện khác biệt giữa Tây phương và Đông phương.
30 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 8252)
Đi chùa, dâng hương, lễ Phật là một trong những pháp tu căn bản của hàng Phật tử tại gia. Hàng xuất gia cũng nhờ lễ Phật mà nghiệp chướng tiêu trừ, công đức tăng trưởng, thành tựu đạo nghiệp.
21 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 5891)
Tuổi tác rất quan trọng nhưng phẩm hạnh còn quan trọng hơn rất nhiều đối với nhân cách của một người. Nhất là trong nhà đạo thì phẩm hạnh đặc biệt được xem trọng. Chính phẩm hạnh và tuệ giác đã tạo nên tính cách trưởng lão chứ không phải là tuổi tác. Thế Tôn đã xác quyết điều này như tinh thần pháp thoại dưới đây:
17 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 6789)
Cuộc đời này có vui không? Có, nhưng vui thì ít mà khổ thì nhiều, vui rất khó tìm mà lại dễ mất, vui không bao giờ là quà tặng cho số đông. Nhờ có chút niềm vui trong năm dục mà an ủi phận người, tiếp thêm nghị lực và sức sống cho con người. Tuy có vui nhưng Đức Phật dạy niềm vui ấy thật mong manh,
07 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 6838)
Chúng ta đều biết, người ta sống ở đời mỗi người đều có một thế mạnh, sở trường và sở đoản khác nhau. Biết khai thác và phát huy thế mạnh đồng thời biết khắc phục và tránh né những thế yếu của mình là nền tảng của mọi thành công.
04 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 7863)
Người tu tuy mang hạnh nguyện “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, nhưng sau nhiều năm tu học nhờ công đức làm lợi mình lợi người nên phước báo ngày càng lớn lên. Phước báo có công năng diệu kỳ, dù người tu không vọng cầu nhưng tứ sự (thực phẩm, y phục, thuốc men, sàng tòa) luôn đầy đủ, sung mãn. Và cũng từ đây, lợi dưỡng cùng cung kính bắt đầu đoanh vây đời sống xuất gia.
03 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 7372)
Vì sao người tu phải tránh “những điều luận bàn của thế tục”? Thực ra luận bàn để trau dồi và nâng cao tri thức thế gian cũng rất tốt, cần thiết cho cuộc sống nhưng nó không dẫn người tu đến các pháp lành, không đi đến Phạm hạnh, không đến được chỗ tịch diệt. Đây là chỗ người tu hướng đến giải thoát, Niết-bàn cần hết sức lưu tâm. Người tu thì nên nói chuyện tu, không nói chuyện đời mà chỉ “bàn luận về mười việc công đức”, chính là lời căn dặn của Thế Tôn.
23 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7425)
Sự tu tập trong Phật giáo, cốt tủy vẫn là “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Nghĩa là tự lực và tha lực luôn tương tác, hỗ trợ nhau trong tu tập nhưng tự lực vẫn là chính, trọng tâm của việc thực hành giáo pháp. Người tu muốn thành công phải theo thứ lớp, tuần tự từ thấp lên cao. Trước phải có lòng tin, không rời kinh điển rồi sau mới tự mình thân chứng và đến nơi các Thánh quả.