Khái Lược Ý Nghĩa Biến Hành, Đồng Loại Nhân và Đẳng Lưu Quả

06 Tháng Bảy 201503:22(Xem: 5028)
KHÁI LƯỢC Ý NGHĨA
BIẾN HÀNH, ĐỒNG LOẠI NHÂN VÀ ĐẲNG LƯU QUẢ
Phước Nguyên
****************

blankTheo Ngài Thế-Thân, trong A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, Tám giới thuộc loại không ngăn ngại (vô ngại pháp) tức bảy tâm giới và pháp giới, vừa là đẳng lưu vừa là dị thục. Là đẳng lưu khi sinh từ đồng loại nhân (sabhāgahetu) và biến hành nhân (sarvatragahetu); là dị thục khi sinh từ dị thục nhân (sarvatragahetu), các pháp vô ngại không phải là trưởng dưỡng bởi vì các giới không thuộc sắc không có sự tích tập (sacaya). Các pháp còn lại (dư) là bốn cảnh sắc, hương, vị và xúc đều có cả ba loại dị thục, trưởng dưỡng và đẳng lưu.

Hữu bộ nói rằng: Các pháp được gọi là cùng hiện khởi, ngoài câu hữu nhân ra, còn có các nhân khác như đồng loại nhân (sabhāgahetu), biến hành nhân (sarvatragahetu), dị thục nhân (vipākahetu). Các nhân này có vai trò tương tợ như sợi dây, cái móc, v.v., do đó câu hữu nhân mới được lập thành.

Nhân có sáu loại là năng tác nhân (kāraṇahetu), câu hữu nhân (sahabhūhetu), đồng loại nhân (sabhāgahetu), tương ưng nhân (saṃprayuktakahetu), biến hành nhân (sarvatragahetu), dị thục nhân (vipākahetu). Đây là các loại nhân mà các luận sư Đối pháp[1] đã thừa nhận:

能作及俱有

同類與相

應 遍行并異

熟 許因唯六種.

Năng tác nhân, câu hữu nhân,

Đồng loại nhân, tương ưng nhân,

Biến hành nhân, và dị thục nhân.

Nhân chỉ có sáu loại này.

Biến hành nhân là do khai triển các loại phiền não từ  Đồng loại nhân mà thiết lập. Đồng loại nhân bao gồm cả sắc và tâm, nhưng Biến hành nhân chỉ giới hạn ở mười một phiền não biến hành của tâm sở.

遍行謂前遍 為同地染因.

Biến hành là các pháp biến hành trước đó

Làm nhân cho nhiễm pháp ở cùng địa.

Đồng loại nhân  tức là các pháp đồng loại, thì lấy pháp đồng loại làm nhân. Thiện pháp làm nhân cho thiện pháp. Ác pháp làm nhân cho ác pháp. Phi thiện phi ác pháp, làm nhân cho phi thiện phi ác pháp.

Đồng loại và liên tục là hai tính chất của đồng loại nhân. Đồng loại là vì quả khởi phát và hình thành có gốc rễ từ một dòng chuyển biến liên tục của nhân.

Thí dụ: Con gà là kết quả khởi phát và hình thành có gốc rễ từ một dòng chuyển biến liên tục của trứng gà; Và trứng gà là kết quả khởi phát và hình thành có gốc rễ từ những noãn tử trong con gà, phối hợp với các duyên có gốc rễ từ một dòng chuyển biến liên tục của nhân duyên con gà.

Cho nên, mục đích của Biến hành nhân là giúp cho ta thấy sự liên hệ giữa tiền nhân và hậu quả.

Mười một phiền não biến hành gồm:

Do mê lầm đối với lý Khổ thánh đế (sự thực của khổ), mà sinh khởi bảy thứ phiền não gồm:

Thân kiến: Tri kiến sai lầm đối với sự thật của thân thể.

Biên kiến: Tri kiến một chiều đối với thực tại toàn diện.

Tà kiến: Tri kiến sai lầm đối với thực tại.

Kiến thủ kiến: Bám chặt vào những hiểu biết sai lầm.

Giới cấm thủ: Tuân thủ những tín điều không thích ứng với chân lý.

Nghi: Nghi ngờ đối với sự giác ngộ chân lý và con đường dẫn thánh đến sự giác ngộ ấy.

Vô minh: Không hiểu rõ sự thực về Khổ, Tập, Diệt và Đạo. Không hiểu rõ sự thực đối với ngã và pháp.

Và do mê lầm đối với lý Tập thánh đế (sự thực của những tập khởi khổ đau), mà sinh khởi bốn thứ phiền não gồm: Tà kiến, kiến thủ, nghi và vô minh.

Do những mê lầm này tác động làm nhân sinh khởi hết thảy phiền não, nên gọi là Biến hành nhân. Biến hành nhân dẫn sinh Đẳng lưu quả.

Đẳng lưu quả còn gọi là Y quả hay Tập quả. Y quả là quả y vào Tùy thuận y xứ mà thành lập. Tập quả là quả sinh khởi từ chủng tử huân tập đồng loại mà sinh khởi.

Đẳng lưu quả, tiếng Phạn là Nisyandaphala. Nisyanda, cùng một dòng chảy, cùng một chủng loại. Ở trong Luận Thuận Chánh Lý có câu kệ giải thích Đẳng lưu quả như sau: “Đẳng lưu tợ tự nhân”. Nghĩa là quả sinh khởi tương tợ và đồng loại với nhân. Nên, Đẳng lưu quả là quả sinh ra tương tợ với Đồng loại nhân và Biến hành nhân. Đồng loại nhân và Biến hành nhân là tác nhân sinh khởi Đẳng lưu quả.

Quả và nhân có hai loại tương tợ gồm: Thể loại và tính loại.

Thể loại của quả là tương tợ với thọ, tưởng, hành, thức...

Tính loại của quả là tương tợ với tính loại của nhân, như tính thiện, ác hay vô ký.

Nghĩa là tâm thiện của sát-na trước, sinh khởi tâm thiện của sát-na sau. Tâm ác của sát-na trước, sinh khởi tâm ác của sát-na sau. Tâm vô ký hay tâm không thiện ác của sát-na trước, sinh khởi tâm vô ký hay tâm không thiện ác của sátna sau. Quả sinh khởi cùng thể loại và cùng tính chất như vậy gọi là Đẳng lưu quả.

Đồng loại nhân sinh khởi Đẳng lưu quả là do các pháp liên hệ tương tác không đồng biến hành, khiến mỗi tính loại hay thể loại đều hướng thánh đến tợ loại của chính nó. Biến hành nhân sinh khởi Đẳng lưu quả là do quả liên hệ tương tợ thánh đến tính chất nhiễm hay tịnh của nhân đồng biến hành.

Lại nữa, Đẳng lưu quả, tuy sinh khởi từ Đồng loại nhân là thiện, ác hay vô ký, nhưng quả của nó lại hướng thánh đến lạc thọ, khổ thọ và xả thọ, nên gọi Đẳng lưu quả sinh khởi từ Biến hành nhân.

Lạc thọ, khổ thọ, xả thọ của Đẳng lưu quả không sinh khởi từ Đồng loại nhân mà sinh khởi từ Biến hành nhân, Tại sao? Vì do các pháp đồng biến hành hướng thánh đến bộ loại khác nó mà tương tợ với nó. Như nhân thiện sinh khởi quả báo vui. Nhân ác sinh khởi quả báo khổ. Nhân không thiện không ác hay vô ký, thì sinh khởi quả báo không vui không khổ. Nhưng, khi nhân ác đã sinh khởi quả khổ, thì quả khổ ấy là vô ký, chứ không phải khổ là ác. Quả khổ không phải là ác, nhưng quả khổ là do nhân ác dẫn sinh. Khi nhân thiện đã sinh quả vui, thì quả vui ấy là vô ký, chứ không phải là thiện, nhưng quả vui ấy là do nhân thiện dẫn sinh. Nhân sinh khởi quả như vậy, gọi là nhân biến hành sinh khởi quả đẳng lưu. Vì quả như vậy, nó thuộc nhân biến hành, nên gọi là nhân biến hành sinh quả đẳng lưu.

Theo Thành Duy Thức Luận 8, Đẳng lưu quả không phải chỉ dẫn sinh từ hai nhân Đẳng lưu và Biến hành mà còn dẫn sinh từ bảy nhân gồm:

1- Khiên dẫn nhân.

2- Sanh khởi nhân.

3- Nhiếp thọ nhân.

4- Dẫn phát nhân.

5- Định dị nhân.

6- Đồng sự nhân.

7- Bất tương vi nhân cùng với các duyên như Nhân duyên và Tăng thượng duyên mà Quả đẳng lưu thành tựu.[2]

Theo Thành Duy Thức Luận Quán Tâm Pháp Yếu:  Đẳng lưu quả có hai loại gồm: Chân đẳng lưu quả và Tợ đẳng lưu quả.

Chân đẳng lưu quả: Do tập khí huân thành chủng tử thiện ác đời trước, nên đời này sinh ra, lại ưa thích điều thiện, ác đã được huân tập ấy. Đó gọi là Chân đẳng lưu quả.

Tợ đẳng lưu quả: Đời trước có tâm không não hại chúng sanh, đời này được quả báo sống lâu; đời trước sống với tâm không tham lam, bần tiện, đời này được quả báo giàu có. Đời này bị nghèo đói, do đời trước sống với tâm tham lam, bần tiện; đời nay vợ con hay chồng con bất chánh, do đời trước sống với tâm hành tà dâm... Đó gọi là Tợ đẳng lưu quả[3].

 

Phước Nguyên.

[1] Jñānaprasthāna, 1,11.

[2] Thành Duy Thức Luận 8, Đại 31, Tr.42b.

[3] Thành Duy Thức Luận Quán Tâm Pháp Yếu, Tục 82.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 2016(Xem: 7428)
Biện tài hay biện tài vô ngại là một trong những phẩm chất cần thiết của vị sứ giả Như Lai. Biện tài có nghĩa là tài hùng biện, biện luận tài giỏi, khả năng nói các pháp nghĩa một cách khéo léo trôi chảy, thuyết pháp lưu loát, có sức thuyết phục người nghe.
16 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7191)
Chúng ta sinh ra trong cõi Dục nên nghiệp tham ái là bản chất của con người. Ái dục, luyến ái nam nữ có vị ngọt, có sức hấp dẫn và lôi cuốn mạnh mẽ.
07 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7615)
Đam mê là một cái thú đồng thời là cái tật của con người. Có thể nói rằng hầu hết những người làm nên cơ nghiệp đều bắt đầu từ những đam mê nhưng có không ít người cũng vì đam mê mà thân bại, danh liệt. Cuộc sống nếu thiếu đam mê sẽ nhạt nhẽo, vô vị và mất sinh khí. Vì thực ra, đam mê vốn không phải là tội lỗi nhưng vấn đề cần đặt ra với con người là đam mê cái gì, đam mê như thế nào?
01 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8329)
Theo lời dạy của Thế Tôn: “Tại sao gọi đó là đuốc sáng? Nghĩa là đã dứt hẳn tham dâm, sân giận và ngu si”
29 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5689)
Ai cũng biết câu “Gần đèn thì sáng”. Trong đạo cho đến ngoài đời, nếu gặp thầy hay và bạn tốt, chắc chắn sự nghiệp của chúng ta sẽ thăng tiến, cuộc sống sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Thầy hay và bạn tốt chính là thiện tri thức. Nhưng với thực tế đời sống hiện nay, thiện ác lẫn lộn, thật giả khó phân, cũng không phải dễ biết ai là thiện tri thức để tựa nương.
17 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5167)
Đạo Phật chủ trương “duy tuệ thị nghiệp”, không duy tín ngưỡng và thần quyền. Nhìn bức tranh Phật giáo lung linh sắc màu tín ngưỡng và thần quyền hiện nay, người có đạo tâm dù lạc quan đến mấy cũng trầm tư về tính hai mặt của phương tiện. Nói theo pháp phương tiện một cách quá đà, không khéo cũng rơi vào vọng ngữ.
06 Tháng Mười Một 2015(Xem: 4897)
Sau mỗi thời tụng kinh, người đệ tử Phật thường nguyện “Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển”. Nguyện cho ánh sáng Phật pháp thường chiếu rọi soi sáng thế gian. Nguyện cho bánh xe Chánh pháp quay hoài để lời Phật được lưu chuyển cùng khắp.
21 Tháng Mười 2015(Xem: 5017)
Giáo huấn của Đức Phật thật rõ ràng, muốn thành tựu giải thoát an lạc thì cần từ bỏ, không thân cận, không “tham đắm pháp dục và lạc”, đồng thời “tu tập đạo chí yếu”. Người học đạo không thân cận hai pháp dục và lạc vì thấy rõ “Đây là pháp tầm thường ti tiện. Lại đây là trăm mối khổ não”.
15 Tháng Mười 2015(Xem: 5569)
Người hiện tướng đầu tròn, áo vuông nhưng thiếu vắng phạm hạnh, không có oai nghi, các căn không hộ trì, tâm ý tán loạn, các ác đủ cả… thì những vị này chỉ “tựa như Sa-môn” mà thôi.