Chương X: Danh Và Nghĩa Ba Khoa

20 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 10240)

Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức 
THẾ THÂN BỒ TÁT

CU XÁ LUẬN TỤNG LƯỢC THÍCH I
Nguyên tác Nhật ngữ: Trai Đằng Duy Tín - Bản dịch Hán Văn: Huệ Viên Cư Sĩ 
Bản dịch Việt Văn: Học Tăng Lớp Chuyên Khoa Phật Học Viện Trung Phần 
Biên tập: Thích Phước Viên - Ban Tu Thư Phật Học 2546 - Nhâm Ngọ

Chương X: Danh và nghĩa ba khoa 

Tiết 1: Giải thích ba danh từ Uẩn Xứ Giới

Tại sao gọi là uẩn, xứ, giới?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Tụ, sanh môn, chủng tộc,
Thị uẩn, xứ, giới nghĩa. (17a)

Dịch nghĩa:

Tụ, sanh môn và chủng tộc,
Đó là nghĩa của uẩn, xứ và giới. (½ tụng 17)

Tụ nghĩa là tích tụ, tức là nghĩa của uẩn. Vì các pháp hữu vi phẩm loại sai biệt, cho nên có thể nhóm họp được. Ví như sắc pháp, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hiện tại, hoặc trong, ngoài, thô, tế, thắng, liệt, xa, gần v.v… phẩm loại tuy sai biệt nhưng có thể tóm lược thành một nhóm gọi là sắc uẩn . Thọ, tưởng, hành và thức cũng vậy. Sở dĩ nói có thể tóm lược thành một nhóm bởi lẽ chỉ tóm lược cái danh, chứ chẳng phải cái thể. Vì thể của các pháp hữu vi thông suốt tồn tại trong ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai, chứ chẳng phải tích tụ các pháp trong ba đời về một nơi, cho nên gọi là lược.

Sanh môn là sanh trưởng, tức là nghĩa của xứ. Sao gọi là sanh trưởng? Vì 12 xứ, tức 6 căn và 6 cảnh, là chỗ nương và chỗ duyên của tâm sở, có khả năng phát sinh tâm, tâm sở, nên gọi là tăng trưởng. Nhưng pháp thể hằng hữu trong ba đời; ở đây nói sanh trưởng là sanh trưởng tác dụng chứ không phải sanh trưởng bản thể.

Chủng tộc tức là nghĩa của giới. Tự tánh chủng loại của 18 giới, 6 căn, 6 cảnh và 6 thức, riêng biệt không đồng nhau nên gọi là giới.

Tóm lại, tích tụ nhiều phẩm loại sai khác gọi là uẩn. Căn, cảnh là nơi phát sanh tâm và tâm sở nên gọi là xứ. Tự tánh các pháp sai biệt nhau nên gọi là giới.

Ba khoa uẩn xứ giới này, Tát-bà-đa bộ cho là thật hữu. Kinh lượng bộ nói uẩn và xứ là giả; giới mới là thật. Luận chủ không chấp nhận cả hai thuyết trên. Năm uẩn chứa nhóm các phẩm loại sai biệt trong ngoài, thô tế, thắng liệt, xa gần, v.v… trong ba đời, đều là giả. Còn 12 xứ, 18 giới dù là sở duyên hay năng duyên cũng đều có thật dụng, được cho là thật. Đây chính là lý do Luận chủ chủ trương uẩn giả, xứ và giới thật.

Tiết 2: Nhân duyên thuyết giáo

Vì lý do gì đức Thế Tôn nói pháp môn uẩn, xứ và giới này?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Ngu, căn, lạc, tam cố,
Thuyết uẩn, xứ, giới tam. (17b)

Dịch nghĩa:

Vì ngu si, căn tánh và sự ưa thích, mỗi loại đều có ba hạng,
Do đóThế Tôn nói ba khoa uẩn, xứ và giới. (½ tụng 17)

Ngu tức ám muội, đối với cảnh sở duyên không có nhận thức sáng suốt rõ ràng. Thể của sự ngu muội này là vô minh. Có 3 loại ngu si:

1. Ngu chấp tâm sở làm thật ngã. Hạng này đối với tâm sở, không có sự nhận thức rõ ràng cho nên đức Thế Tôn nói pháp năm uẩn để phá trừ; vì trong 5 uẩn, sắc và tâm vương mỗi thứ chỉ 1 uẩn, còn tâm sở gồm đến 3 uẩn, nên đối với tướng của tâm sở mà quán sát kỹ càng xem đó phải chăng là thật ngã?

2. Ngu chấp sắc pháp làm thật ngã. Đây là hạng người đối với sắc pháp không có sự nhận thức rõ ràng nên đức Thế Tôn nói 12 xứ để phá trừ. Vì trong 12 xứ, trừ ý và pháp, còn lại 10 xứ kia đều là sắc pháp, do đó mà có thể quán sát kỹ càng xem đây phải chăng là thật ngã?

3. Ngu chấp sắc tâm làm thật ngã. Hạng người này, đối với sắc lẫn tâm đều không có sự nhận thức rõ ràng nên đức Thế Tôn nói 18 giới để phá trừ. Vì trong 18 giới, có 10 giới (5 căn và 5 cảnh) cùng với một phần pháp giới, tức vô biểu sắc, đều là sắc pháp, còn 7 giới kia và một phần pháp giới đều là tâm pháp nên đối với 2 nghĩa sắc và tâm ngài họp lại để giảng thuyết.

Căn là căn tánh của hữu tình, cũng được chia làm 3 hạng:

1. Lợi căn. Đây là hạng người căn tánh rất thông minh, thoáng nghe đã hiểu cho nên đức Thế Tôn giáo hóa họ bằng pháp 5 uẩn.

2. Trung căn. Hạng này kém hơn hàng lợi căn nên đức Thế Tôn giáo hóa họ bằng pháp 12 xứ.

3. Độn căn. Hạng này căn tánh tối tăm chậm lụt, cần phải nghe nhiều mới lãnh hội, cho nên đức Thế Tôn giáo hóa họ bằng pháp 18 giới.

Lạc là sự ưa thích của loài hữu tình, cũng có ba hạng:

1. Thứ nhất là hạng người ít ham muốn. Vì thế đức Thế Tôn nói pháp 5 uẩn để giáo hóa họ.

2. Thứ hai là hạng ham muốn vừa vừa. Vì thế đức Thế Tôn nói pháp 12 xứ để giáo hóa họ.

3. Hạng thứ ba là người nhiều ham muốn. Vì thế đức Thế Tôn giáo hóa họ bằng pháp 18 giới.

Tóm lại, đức Phật thuyết pháp giống như vị lương y tùy bịnh mà cho thuốc. Để thích ứng với nhiều căn cơ sai khác của chúng sanh, khiến họ được nhiều lợi ích, cho nên Ngài phân biệt nói có 3 khoa.

Đồ biểu ba khoa
UẨN...... hạng người ngu tâm sở..... lợi căn....... thích gọn
XỨ......... hạng ngu sắc pháp........... trung.......... thích vừa
GIỚI.... hạng ngu sắc và tâm........ độn căn..... rộng

Tiết 3: Lập và phế các uẩn

Trong 46 tâm sở, tại sao hành uẩn lại gồm 44 món mà 2 tâm sở thọ và tưởng lại được lập riêng thành hai uẩn?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Tránh căn, sanh tử nhân,
Cập thứ đệ nhân cố,
Ư chư tâm sở pháp,
Thọ tưởng biệt vi uẩn. (18)

Dịch nghĩa:

Vì là nhân của tránh căn, của sanh tử,
Và vì là nguyên nhơn của thứ tự,
Cho nên đối với các tâm sở,
Lập riêng thọ và tưởng thành 2 uẩn. (tụng 18)

Bài tụng trên đây nhắm giải thích lý do vì sao mà lập riêng 2 tâm sở thọ và tưởng thành 2 uẩn. Có ba lý do:

1. Vì nguyên nhân của tránh căn. Tránh tức phiền não. Căn là cội rễ. Vì phiền não là cội rễ của mê lầm nên gọi là tránh căn. Có hai loại:

a. Những người tại gia đối với cảnh ngũ dục thường sanh lòng tham đắm (ái).
b. Những người xuất gia thường móng khởi những vọng kiến chấp trước (kiến).

Hai sự mê lầm trên đây do đâu mà có? Do có tâm sở thọ; thọ lãnh cảnh ngũ dục cho nên sanh lòng tham đắm. Do tâm sở tưởng, móng khởi những tư tưởng điên đảo nên phát sanh vọng kiến. Chính thọ và tưởng là nguyên nhân đặc biệt sanh ra các phiền não như thế, cho nên trong 46 tâm sở lập riêng chúng làm hai uẩn.

2. Vì nguyên nhân của sanh tử. Sanh tử là kết quả của mê lầm. Cái nguyên nhân đặc biệt đưa đến kết quả mê lầm đó, chính là thọ và tưởng. Chúng ta chìm đắm lưu chuyển trong sanh tử vì đắm say hưởng thọ khoái lạc, móng khởi những tư tưởng điên đảo. Căn cứ vào nguyên nhân đặc biệt đó của thọ và tưởng nên lập riêng chúng thành hai uẩn.

3. Vì nguyên nhân của thứ tự. Vì căn cứ vào thứ tự sai khác của tùy thô, tùy nhiễm, tùy khí và tùy giới biệt, nên lập riêng thọ và tưởng thành hai uẩn để tạo thành thứ lớp của sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Tại sao năm uẩn chỉ thâu tóm các pháp hữu vi mà không bao gồm các pháp vô vi?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Uẩn bất nhiếp vô vi,
Nghĩa bất tương ưng cố. (19a)

Dịch nghĩa:

Uẩn không bao gồm các pháp vô vi,
Vì ý nghĩa không tương ưng. (½ tụng 19)

Bởi vì, thể của pháp vô vi không có nghĩa biến hoại và biến ngại như sắc pháp, và không có tác dụng liễu biệt các cảnh như thọ, tưởng v.v... Cho nên không được xếp vào năm uẩn.

Lại nữa, các pháp vô vi không tương ưng với thức nên không xếp vào năm uẩn.

Vậy, tại sao không lập thêm uẩn thứ sáu để thâu nhiếp chúng? Như trước đã giải thích, uẩn có nghĩa là tích tụ. Các pháp hữu vi, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, hoặc trong, hoặc ngoài v.v… dù có nhiều thứ loại sai khác, nhưng chúng đều có thể được thâu tóm lại thành một nhóm, và nhóm thứ nhất gọi là sắc uẩn cho đến nhóm thứ 5 gọi là thức uẩn. Còn các pháp vô vi không có quá khứ, hiện tại, vị lai v.v… không có phẩm loại sai khác, và không có nghĩa tích tụ thì làm thế nào mà lập thành riêng một uẩn được.

Tiết 4: Thứ lớp các danh từ
Đoạn 1: Thứ lớp của năm uẩn
Thứ lớp của năm uẩn như thế nào?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Tùy thô, nhiễm, khí đẳng,
Giới biệt thứ đệ lập. (19b)

Dịch nghĩa: 

Tùy theo tính cách thô, nhiễm, vật khí,
Và giới biệt, mà thành lập thứ lớp. (½ tụng 19)

Đây là trình bày thứ lớp của năm uẩn. Có 4 nghĩa:

1. Tùy thứ lớp thô, tức thứ lớp trước thô sau tế. Sắc uẩn có ngại, có đối, so với 4 uẩn sau chúng vô hình, nên sắc uẩn thô hơn và vì vậy nó được nói trước hết. Trong 4 uẩn kế tiếp, thọ có khổ, lạc…, nên đối với thân có sự cảm nhận đau khổ, hay khoái lạc của nó thô hơn uẩn sau, do đó được xếp hàng thứ nhì. Trong 3 uẩn sau, tưởng uẩn là sự tưởng về các tướng sai biệt nam nữ v.v..., so với 2 uẩn còn lại, nó dễ nhận biết hơn, nên xếp vào hàng thứ ba. Hành uẩn trong 2 uẩn cuối bao gồm các phiền não tham, sân v.v.., so với thức uẩn, hành tướng của nó rõ ràng hơn nên xếp vào hàng thứ tư. Còn thức uẩn là tâm vương, tóm thâu hết các cảnh tướng, hành tướng của nó rất vi tế, khó phân biệt, nên xếp vào hàng sau cùng.

2. Thứ lớp tùy nhiễm. Nhiễm tức phiền não nhiễm ô. Căn cứ vào thứ lớp sanh khởi phiền não nhiễm ô này mà lập ra năm uẩn. Từ vô thỉ đến nay, kẻ nam người nữ yêu thương lẫn nhau đầu tiên là do các hiển hình sắc như nhan sắc, dung mạo; đối với các hiển hình sắc đó mà phát sanh sự ái lạc. Do mong cầu ái lạc, phát sinh đắm trước lạc thọ. Lại nữa, ý tưởng điên đảo của mỗi người sanh khởi là do nghiệp phiền não (nghiệp phiền não được xếp vào hành uẩn), và nghiệp phiền não thì lại lấy thức làm chỗ nương tựa. Do đó nên có thứ tự của sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

3. Thứ lớp tùy khí. Đây là thứ lớp theo vật khí - vật đựng món ăn, đồ ăn, gia vị, người đầu bếp và thực khách, để ví dụ. Muốn đãi khách, trước hết cần phải chuẩn bị vật đựng món ăn, kế đó tìm kiếm đồ ăn như gạo, bún, v.v... kế đến là đồ gia vị như muối, dấm v.v… rồi sau mới giao cho người đầu bếp nấu nướng, để cuối cùng mang ra đãi khách. Đó là thứ lớp tự nhiên. Nay đây thử đem sắc, thọ, tưởng, hành và thức phối hợp với thứ lớp của 5 ví dụ trên xem thế nào. Sắc uẩn là chỗ nương của thọ, so với vật đựng món ăn là chỗ nương cho đồ ăn, giống nhau. Còn lạc thọ trong thọ uẩn hay làm lợi ích cho người, khổ thọ hay làm tổn hại người, chính là đồng với ví dụ đồ ăn hay làm lợi ích cũng như tổn hại người. Trong tưởng uẩn nếu sanh ý tưởng thân ái thì được thọ lạc cũng in như muối dấm hay làm tăng thêm hương vị món ăn. Nghiệp phiền não trong hành uẩn hay tạo ra quả dị thục, có thể ví với người đầu bếp biến chế món ăn. Còn thức uẩn thì cảm nhận quả báo không khác gì người khác được thết đãi.

4. Thứ lớp theo giới biệt. Giới có 3: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Sắc ở cõi dục, hình tướng rất rõ rệt nên sắc uẩn được nói trước hết. Còn thọ nhận sự mừng, vui thì ở cõi sắc thù thắng hơn nên nói thọ uẩn thứ nhì. Ba xứ, không vô biên, thức vô biên và vô sở hữu trong cõi vô sắc, các tướng không v.v… thù thắng hơn nên xếp tưởng uẩn thứ ba. Còn phi tưởng và phi phi tưởng trong cõi vô sắc, ở đó nghiệp – lực cảm thọ quả báo đến 8 vạn đại kiếp, tư nghiệp – tư nghiệp thuộc hành uẩn – là tối thắng nên xếp hành uẩn thứ tư. Bốn uẩn trước là sở trú, thức là năng trú, là chỗ gieo trồng cho chủng tử, cho nên thức uẩn được xếp cuối cùng.

Tóm lại, căn cứ vào 4 nghĩa: tùy thô, tùy nhiễm, tùy khí và tùy giới biệt mà thành lập thứ lớp 5 uẩn sắc, thọ, tưởng, hành và thức như thế.

Đoạn 2: Thứ lớp của xứ giới

Trong 12 xứ, 18 giới, tại sao các căn sở y được sắp theo thứ lớp: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Tiền ngũ cảnh duy hiện;
Tứ cảnh duy sở tạo;
Dư dụng viễn, tốc, minh. 
Hoặc tùy xứ thứ đệ. (20)

Dịch nghĩa:

Năm căn trước chỉ duyên cảnh hiện tại;
Cảnh của 4 căn đầu chỉ là sở tạo;
Ngoài ra, căn cứ vào tác dụng: xa, mau, rõ.
Hoặc tùy theo thứ tự lớp của vị trí. (tụng 20)

Nói về thứ lớp của 6 căn, có 2 cách: theo cảnh sở duyên của chúng, tức 3 câu tụng đầu; hay theo vị trí của chúng, tức 1 câu tụng cuối.

Xét về cách thứ nhất, trong 6 căn ta thấy 5 căn trước: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, chỉ duyên cảnh hiện tại, còn ý căn thứ 6 thì không nhất định. Vì ý căn không những duyên cảnh hiện tại, mà còn thông suốt rộng rãi các cảnh trong quá khứ hiện tại, vị lai, và những pháp vô vi nữa. Cho nên, sắp 5 căn kia trước, ý căn sau cùng. Câu tụng “tiền ngũ cảnh duy hiện” là chỉ cho ý này.

Lại nữa, trong 5 căn, cảnh sở duyên của bốn căn đầu – sắc, thanh, hương, vị – chỉ là sắc sở tạo của bốn đại chủng. Còn xúc cảnh mà thân căn duyên đến thì bao gồm cả bốn đại chủng và sở tạo của bốn đại chủng như nặng, nhẹ, lạnh, đói, v.v... Hoặc có khi nó duyên với bốn đại chủng năng tạo, hoặc có khi nó duyên với sở tạo của 4 đại chủng, hoặc có khi với cả năng tạo và sở tạo; quả thực, hoàn toàn không nhất định. Cho nên nói bốn căn mắt, tai, mũi, lưỡi trước, rồi sau mới nói thân căn. Câu tụng “tứ cảnh duy sở tạo” là chỉ cho ý này.

Lại nữa, trừ hai căn, thân và ý, bốn căn còn lại, mắt, tai, mũi và lưỡi, trong đó ta thấy tác dụng của mắt và tai đủ khả năng duyên cảnh xa, nên nói trước. Hai căn, mũi và lưỡi, chỉ căn, mắt và tai, ta thấy tác dụng của mắt rất xa và rất nhanh, nên nói trước. Ví như từ đằng xa, chúng ta nhìn thấy sông, núi, mà không nghe tiếng của chúng phát ra. Lại nữa, như khi nhìn ai đánh vào vật gì ở đằng xa, trước tiên chúng ta thấy động tác đánh, sau đó mới nghe tiếng. Điều đó đủ chứng minh rằng, so với nhĩ căn, tác dụng của nhãn căn vừa xa vừa nhanh hơn. Còn so sánh giữa mũi và lưỡi, ta thấy tác dụng của mũi nhanh và rõ ràng hơn nên nói trước. Như khi chúng ta đứng trước thức ăn ngon, thì mũi ngửi ngay được mùi thơm, sau đó lưỡi mới nếm được vị. Lại nữa, mũi có thể ngửi được mùi vi tế nhất, mà lưỡi thì không thể nếm được vị vi tế như mũi. Thí dụ trên đủ chứng minh rõ. Tụng văn nói “dư dụng viễn, tốc, minh” chỉ cho ý này.

Về cách thứ hai, vì chỗ 6 căn nương có vị trí trên dưới khác nhau. Trước hết, con mắt, kế đến lỗ tai, mũi, lưỡi; còn thân thì lấy lỗ rốn làm tâm điểm do đó được nói sau thiệt căn. Ý căn thì không có hình tướng, không vị trí, dựa vào các căn mà sanh khởi nên để nó sau cùng. Đó là y nghĩa của câu tụng: “hoặc tùy xứ thứ đệ.”

Tiết 5: Phế và lập danh từ
Trong 12 xứ, 5 căn, 5 cảnh, đều thuộc về sắc pháp nên lẽ ra cũng được gọi là sắc, nhưng tại sao sắc cảnh, đối tượng của nhãn căn, một trong năm cảnh, lại đặc biệt được mệnh danh là sắc xứ? Và tất cả 12 xứ đều có nghĩa là “nhậm trì tự tánh” thì đúng ra phải được gọi chung một tên là “pháp, ở đây tại sao lại đặc biệt chỉ gọi đối tượng của ý là pháp xứ?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Vị sai biệt, tối thắng,
Nhiếp đa, tăng thượng pháp,
Cố nhất xứ danh sắc,
Nhất danh vi pháp xứ (21)

Dịch nghĩa:

Vì sai biệt, tối thắng,
Nhiếp đa, và tăng thượng pháp,
Cho nên một xứ gọi là sắc,
Và một xứ gọi là pháp. (tụng 21)

Trong 10 xứ, sở dĩ chỉ gọi đối tượng của nhãn căn là sắc xứ, vì hai lý do sau đây:

1. Sai biệt: mặc dù 5 căn, 5 cảnh đều thuộc về sắc pháp, nhưng nếu chúng được gọi chung là sắc thì không thể hiển lộ được tính cách sai biệt. Cho nên, đối với 9 xứ kia mỗi xứ đều có tên riêng. Còn ở đây chỉ gọi sắc cảnh là sắc xứ để nói lên sự sai biệt trong 10 xứ.

2. Tối thắng: tất cả sắc cảnh mà nhãn căn thấy được đều có tính chất “làm đối tượng” và “bị thấy”, do đó thế gian cũng gọi là sắc. Vì các tính chất thù thắng đó, cho nên 9 xứ kia không được gọi là sắc mà chỉ gọi cảnh của nhãn căn là sắc mà thôi.

Trong 12 xứ, sở dĩ chỉ gọi đối tượng của ý căn là pháp xứ bởi ba lý do sau:

1. Sai biệt: mặc dù 12 xứ đều là pháp, nhưng nếu gọi tất cả như thế thì không hiển lộ được tính cách sai biệt của chúng. Cho nên với 11 xứ kia mỗi xứ đều có tên riêng, còn ở đây chỉ gọi đối tượng của ý căn là pháp xứ chính để nói lên sự sai biệt trong 12 xứ.

2. Nhiếp đa, bao gồm nhiều pháp, mặc dù pháp xứ chỉ là một trong 12 xứ, nhưng nó bao gồm 64 pháp khác. Đó là: 46 tâm sở, 14 bất tương ưng hành, 3 vô vi và vô biểu sắc. Vì thế gọi là pháp xứ.

3. Nhiếp pháp tăng thượng: pháp tăng thượng là Niết-bàn. Pháp xứ bao gồm cả pháp tăng thượng Niết-bàn, cho nên đặc biệt gọi là pháp. Ba chữ “vị sai biệt” trong tụng văn là chỉ chung cho sắc xứ và pháp xứ.

Tiết 6: Nhiếp dị danh

Đoạn 1: Lược nhiếp pháp uẩn.
Trong các kinh, uẩn, xứ và giới có nhiều tên khác nhau. Trong đó, như tám vạn bốn ngàn pháp uẩn, chúng thuộc về uẩn nào?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Mâu Ni thuyết pháp uẩn,
Số hữu bát thập thiên,
Bỉ thể ngữ hoặc danh,
Thử sắc, hành uẩn nhiếp. (23)

Dịch nghĩa:

Đức Mâu Ni nói pháp uẩn,
Số có tám mươi ngàn;
Thể của chúng, hoặc ngữ hoặc danh,
Do đó, hoặc thuộc sắc uẩn, hoặc thuộc hành uẩn.

Mâu-ni, tiếng Phạn gọi là Mâu-ni (muni), Trung hoa dịch là tịch mặc. Đó chính là đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni.

Bát thập thiên: tức 8 vạn 4 ngàn được nói gọn.

Bỉ thể ngữ hoặc danh: thể của pháp uẩn mà đức Thế Tôn đã nói, có thuyết cho là ngôn ngữ, có thuyết cho là danh, cú, văn. Nếu lấy ngôn ngữ làm thể, mà ngôn ngữ chính là âm thanh, thì tám vạn bốn ngàn pháp uẩn đều thuộc về sắc uẩn trong 5 uẩn. Nếu lấy danh cú văn làm thể, mà danh cú văn thuộc bất tương ưng hành, thì 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn chắc chắn thuộc về hành uẩn trong năm uẩn. Do đó, tụng văn nói: Thử sắc, hành uẩn nhiếp. Hai thuyết trên, căn cứ vào luận Tì-bà-sa, quyển 126. Ở đây, thuyết đầu được coi là đúng.

Lượng của pháp uẩn như thế nào?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Hữu ngôn chư pháp uẩn,
Lượng như bỉ luận thuyết;
Hoặc tuỳ uẩn đẳng ngôn;
Như thật hành đối trị. (23)

Dịch nghĩa:

Có người nói lượng của các pháp uẩn,
Như lượng được nói trong luận kia;
Hoặc tùy theo uẩn,... mà nói ;
Hoặc như thật hành đối trị. (tụng 23)

Nói về lượng của pháp uẩn, ở đây có ba thuyết theo ba tiêu chuẩn khác nhau.

1. Định lượng theo văn năng thuyên (2 câu đầu của bài tụng): mỗi một pháp uẩn trong 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn, lượng của nó bằng lượng của một bộ Pháp uẩn túc luận (Dharmaskandha-śāstra) gồm 6 ngàn bài tụng.

2. Định lượng theo nghĩa sở thuyên (câu tụng thứ 3): lượng của pháp uẩn không thể căn cứ vào con số nhiều ít của văn năng thuyên để phân định. Mà văn cú dù ít đến đâu nếu có thể trình bày rõ được cái nghĩa đệ nhất thì đó chính là lượng của một pháp uẩn. Chẳng hạn như 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 12 nhơn duyên, 4 đế, bốn thức ăn v.v… Cho nên tụng văn nói: “Hoặc tùy uẩn đẳng ngôn.”

3. Định lượng theo công dụng (câu thứ 4): loài hữu tình mà đức Phật giáo hóa có 8 vạn 4 ngàn phiền não. Để đối trị số phiền não nhiều như thế, Ngài nói 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn. Cho nên, lượng của tất cả pháp uẩn căn cứ vào công năng đoạn trừ tất cả vọng hoặc mà định.

Trong ba thuyết này, ở đây lấy thuyết thứ ba làm chính. Cho nên đặc biệt thêm vào hai chữ “như thật.”

Con số 8 vạn 4 ngàn phiền não này được thành lập như thế nào? Khảo sát các kinh luận, có 4 thuyết:

1. Thuyết của kinh Hiền Kiếp, quyển 2, được nhắc đến trong Duy thức thuật ký quyển 5, Bảo sớ quyển 1.

2. Thuyết của luận Đại trí độ quyển 25 và quyển 29, được nhắc đến trong Bảo sớ quyển 

3. Thuyết của ngài Chân Đế, được nhắc đến trong Quang ký và Bảo sớ 1.

4. Thuyết của Hoa nghiêm Khổng mục chương quyển 3 và Đại tạng pháp số quyển 69.

Ở đây không thể trình bày đầy đủ, xin tham khảo trong các kinh luận đã dẫn trên.

Đoạn 2: Xếp loại các uẩn khác.
Tám vạn bốn ngàn pháp uẩn được xếp vào sắc uẩn hoặc hành uẩn; song trong kinh luận khác cũng nói đến 5 loại uẩn khác như giới v.v… hoặc 10 biến xứ, hoặc 62 giới; chúng được xếp vào đâu?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Như thị dư uẩn đẳng,
Các tùy kỳ sở ứng,
Nhiếp tại tiền thuyết trung,
Ưng thẩm quán tự tướng. (24)

Dịch nghĩa:

Các uẩn trong các kinh khác, v.v… như vậy,
Mỗi loại tùy theo sự thích ứng của chúng,
Được xếp vào các uẩn đã nói trên,
Cần quán sát kỹ tự tướng của chúng. (tụng 24)

Uẩn (skandha), ở đây là 5 uẩn gồm giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Đẳng, v.v… nghĩa là bao gồm mười biến xứ (kṛṣna-āyatana) tức đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, không và thức. Các giới (dhātu) như địa, thủy, hỏa, phong, không và thức; chúng tùy theo sự thích ứng của mỗi loại và xếp vào trong các trường hợp đã nói ở trên. Tức là, uẩn, xứ và giới được nói ở trong các kinh khác, mỗi loại tùy theo sự thích ứng mà xếp vào uẩn, hay xứ, hay giới của luận Cu-xá. Như 5 uẩn giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến được xếp theo 5 uẩn của Cu-xá. 10 biến xứ xếp vào 12 xứ và các giới kia được xếp theo 18 giới của luận này.

Ưng thẩm quán tự tướng, nếu luận bàn về cọng tướng thì vạn pháp nhiếp thuộc lẫn nhau. Nay cần phải quán sát kỹ tự tướng của từng loại để thấy rõ sự tương nhiếp của chúng.

Vì sao, ở đây, 5 pháp uẩn cũng được xếp vào 5 uẩn của luận này?

Giới uẩn (śīlā-skandha) là vô biểu của đạo cọng giới, nên thuộc về sắc uẩn (rūpa-skandha). Thể tánh của định uẩn (samādhi-skandha) là tâm sở định; Thể tánh của huệ uẩn (prajñā), giải thoát tri kiến uẩn (vinuktijñānadarśana) đều là huệ tâm sở; và giải thoát uẩn (vimukti) là thắng giải tâm sở. Vậy, tất cả đều thuộc về hành uẩn (saṃskāra).

Trong 10 biến xứ, 8 loại gồm đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ và trắng lấy vô tham làm thể tánh nên được xếp vào pháp xứ (dharma-āyatana); còn không và thức vì không có hình sắc nên thuộc về ý xứ và pháp xứ.

Về các giới (dhātu), nếu nói đủ thì có 62 giới, ở đây chỉ nói đến 6 giới mà thôi. Trong 6 giới này, 4 thứ gồm địa, thủy, hỏa và phong thuộc về xúc giới; không thì được xếp vào sắc giới và thức thì được xếp vào ý giới 6 thức giới tức 7 tâm giới tất cả.

Đoạn 3: Nói riêng về sáu giới.

Trong 6 giới, không giới (ākāśa-dhātu) phải chăng là hư không (ākāśa)? Thức giới hữu lậu hay vô lậu?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Không giới vị khiếu khích;
Truyền thuyết thị minh, ám.
Thức giới hữu lậu thức,
Hữu tình sanh sở y. (25)

Dịch nghĩa:

Không giới là lỗ hổng,
Truyền thuyết cho là tối và sáng.
Thức giới là hữu lậu thức,
Vì là sở y của chúng sanh hữu tình. (tụng 25)

Trong bài tụng trên đây, 2 câu đầu giải đáp vấn đề thứ nhất; 2 câu sau giải đáp vấn đề thứ hai.

Không giới, trong vấn đề thứ nhất được giải thích đó là những lỗ hổng ở ngoài thân như cửa sổ chẳng hạn và những lỗ hổng ở trong thân như miệng, mũi, v.v... Những lỗ hổng đó, nếu tách rời sự tối và sự sáng thì không thể có được; cho nên Tát-bà-đa bộ nói sáng và tối là thể của không giới. Còn Kinh bộ thì lại cho rằng không giới chỉ là hiện tượng giả lập nên không có thực thể riêng biệt. Ở đây, Luận chủ căn cứ theo thuyết của Kinh bộ nên không chấp nhận không giới có thực như Hữu bộ, vì thế ngài dùng 2 chữ “truyền thuyết” trong tụng.

Luận Tì-bà-sa, quyển 19, có vạch ra 5 điểm dị biệt giữa hư không và không giới như sau:

1. Sắc và phi sắc. Thể tính của không giới là tối và sáng, nên nó thuộc về sắc pháp. Hư không không phải là sắc pháp.

2. Hữu kiến và vô kiến. Với không giới, con mắt thịt có thể nhìn thấy được (hữu kiến), nhưng với hư không thì không thể (vô kiến).

3. Hữu đối và vô đối. Không giới bị chi phối bởi sự chướng ngại nên có đặc tính hữu đối. Hư không thì ngược lại, nên là vô đối.

4. Hữu lậu và vô lậu. Nói về tính chất, không giới làm cho phiền não tùy thuận tăng trưởng nên nó là hữu lậu. Với hư không, mặc dù phiền não có thể duyên đến nhưng nó không làm cho phiền não tùy thuận tăng trưởng nên thuộc về vô lậu.

5. Hữu vi và vô vi. Không giới là pháp hữu vi, có sinh diệt Hư không là pháp vô vi nên thường trụ, bất biến.

Có điều nên nói là, danh từ “hư không” mà thế tục thường dùng là chỉ cho hư không mắt có thể thấy được và làm chướng ngại mọi vật nên nó cũng thuộc về không giới trong đây. Và từ ngữ “hư không” (ākāśa) ở đây lại chỉ cho hư không vô vi trong 3 pháp vô vi. Đó là điều không thể không lưu ý.

Tiếp theo, từ ngữ “thức giới” trong 2 câu tụng sau, nếu đem so về hữu lậu và vô lậu thì nó thuộc hữu lậu. Vì tất cả sáu giới tất cả 6 giới đều là nơi y cứ cho chúng sanh hữu tình được kiến lập căn cứ trên một chu kỳ đời sống của chúng.

Tì-bà-sa quyển 75 nói: “Nếu có pháp nào làm trưởng dưỡng các hữu (ở đây chỉ cho 4 đại chủng), nhiêu ích các hữu (tức không giới) và duy trì các hữu (thức giới) thì đó được thiết lập trong 6 giới.”

Chính lý quyển 3 nói: “Sáu giới là sinh nhân, trưởng nhân và dưỡng nhân cho chúng sinh hữu tình, tạo ra sự sai biệt của chúng, nên làm sở y cho chúng sinh hữu tình. Sanh nhân chỉ cho thức giới, vì là nguyên nhân cho sự tiếp nối của đời sống. Dưỡng nhân, chỉ cho 4 đại chủng, là y báo và chánh báo của chúng sinh. Trưởng nhân, chỉ cho không giới, vì là khả năng dung nạp chúng sinh v.v…”

Vì có khả năng gây tổn hại, phá hoại và tiêu diệt các hữu, cho nên pháp vô lậu không phải là sở y cho chúng sanh, do đó, thức giới ở đây chắc chắn chỉ nằm trong giới hạn của hữu lậu mà thôi, và không liên hệ gì đến pháp vô lậu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn