Chương Vi: Tổng Tiêu Đại Cương

20 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 11400)

Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức 
THẾ THÂN BỒ TÁT

CU XÁ LUẬN TỤNG LƯỢC THÍCH I

Nguyên tác Nhật ngữ: Trai Đằng Duy Tín - Bản dịch Hán Văn: Huệ Viên Cư Sĩ 
Bản dịch Việt Văn: Học Tăng Lớp Chuyên Khoa Phật Học Viện Trung Phần 
Biên tập: Thích Phước Viên - Ban Tu Thư Phật Học 2546 - Nhâm Ngọ

Chương VI: Tổng tiêu đại cương 

Trong phần tựa đã giải thích rằng, trí tuệ là phương tiện thù thắng để diệt trừ các mê hoặc, cho nên rải rác khắp nơi đức Phật đã thuyết minh về Đối pháp. Vậy, những pháp nào là đối tượng của trí huệ giản trạch đó?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Hữu lậu vô lậu pháp
Trừ đạo dư hữu vi
Ư bỉ lậu tùy tăng
Cố thuyết danh hữu lậu ( 1 )
Vô lậu vị đạo đế
Cập tam chủng vô vi
Vị hư không nhị diệt
Thử trung không vô ngại ( 2 )
Trạch diệt vị ly hệ
Tùy hệ sự các biệt
Tất cánh ngại đương sanh
Biệt đắc phi trạch diệt ( 3 )

Dịch nghĩa:

Các pháp là hữu lậu và vô lậu;
Hữu lậu là các pháp hữu vi trừ đạo đế
Vì ở nơi kia lậu tùy thuận tăng trưởng
Cho nên được gọi là hữu lậu (tụng 1)
Vô lậu là đạo đế
Và ba pháp vô vi,
Tức hư không và hai thứ diệt.
Trong ba pháp vô vi, hư không nghĩa vô ngại. (tụng 2)
Trạch diệt có nghĩa là ly hệ;
Tùy theo hệ sự mà có sai khác.
Các pháp hoàn toàn bị chướng ngại nên sẽ không sanh khởi
Mà đặc biệt chứng đắc phi trạch diệt. (tụng 3)

Từ bài tụng này về sau là phần chánh tông, tức 600 bài tụng căn bản. Căn cứ vào sự phân định của chương trên, chia làm hai phần tổng tiêu (giới thiệu tổng quát) và biệt thích (giải thích chi tiết), thì ba bài tụng này là phần tổng tiêu. Tám phẩm tiếp theo phần tổng tiêu này, như “Giới phẩm”, “Căn phẩm”, v.v… là phần biệt thích. Vì thế nên, Quang ký quyển 1 gọi phần này là tổng tiêu cương yếu.

Những pháp làm đối tượng giản trạch cho trí tuệ, phạm vi của chúng vô cùng rộng rãi, bao gồm tất cả các pháp mê ngộ nhơn quả. Tuy nhiên, nếu quy kết lại, chúng không ngoài các pháp hữu lậu và vô lậu. Vì thế, câu đầu của bài tụng nói: “Các pháp là hữu lậu và vô lậu.”

Trong tứ đế, trừ diệt đế, còn lại là pháp hữu vi. Hữu lậu là các pháp hữu vi đó nhưng trừ đạo đế ra, tức khổ đế và tập đế. Vì rằng, khổ, tập, và đạo đế là những pháp có biến dịch, sanh diệt, nên đều thuộc về hữu vi (saṃskrita). Chỉ có diệt đế, tức Niết-bàn, là pháp thường trụ, bất biến, nên thuộc về vô vi (asaṃskrita).

Vì sao nói khổ đế và tập đế là hữu lậu?

Lậu (āsrava) nghĩa là rỉ chảy, chỉ cho phiền não. Giống như sự rỉ chảy của dòng nước; nó xoi phá đê điều, ngập tràn ruộng lúa, làm tổn hại giống mạ. Phiền não cũng vậy. Nó phá hoại đê điều thân tâm, làm tổn hại giống mạ thiện căn.

Những phiền não này theo thuận duyên mà tăng trưởng nơi các tâm, tâm sở và các cảnh sở duyên, chúng đồng thời tương ưng sanh khởi. Tâm, tâm sở, cảnh sở duyên tùy thuận tăng trưởng đó, đều được gọi là hữu lậu (sāsravā). Trường hợp này, khi phiền não cùng tương ưng với tâm và tâm sở tùy thuận tăng trưởng thì gọi là “tương ưng tùy tăng.” Phiền não cùng với cảnh sở duyên tùy thuận tăng trưởng thì gọi là “sở duyên tùy tăng.”

Thuận chánh lý quyển 49 nói về tướng trạng của hai thứ tùy tăng trên đây như sau. Như ở ngoài thành ấp có một đống uế tạp do phẩn, đất và nước tạo thành. Trong đống uế tạp kia, đất và nước vì có phẩn nên trở thành dơ bẩn. Ngược lại, cũng vì phẩn trộn với đất và nước nên phẩn càng trở nên nhơ nhớp thêm. Thí dụ này muốn nói rằng, “phẩn-phiền não” thường làm cho “đất nước tâm, tâm sở” đồng thời tương ưng trở thành dơ bẩn, và đất nước tâm, tâm sở cũng tùy thuận phẩn phiền não làm cho phẩn phiền não càng nhơ nhớp thêm. Đây là tướng trạng của tương ưng tùy tăng.

Lại nữa, như con heo ở trên đống uế tạp. Những con heo ăn ngủ, đùa giỡn ở trên đó thì không những toàn thân trở thành dơ bẩn vì bị lấm đầy phẩn uế, mà đống tạp uế vì có heo ở nên càng nhơ nhớp thêm lên. Đó là thí dụ muốn nói rằng, uế phiền não làm cho heo sở duyên trở thành dơ bẩn, và ngược lại, heo sở duyên cũng làm cho uế phiền não trở thành nhơ nhớp thêm lên. Đây là tướng trạng của sở duyên tùy tăng.

Sau Phật diệt độ khoảng 600 năm, Luận sư Pháp Thắng (Dharnottara) viết bộ A-tì-đạt-ma Tâm-luận (Abhidharma-hṛdaya), 4 quyển. Trong đó, quyển 2 nói: “Nếu sanh các phiền não thì Thánh gọi là hữu lậu.” Đây là nghĩa tùy sanh mà ngài Pháp Thắng định nghĩa cho hữu lậu.

Về sau, khoảng sau Phật diệt độ 700 năm, ngài Đạt-ma-đa-la (Dharmatrāta), tức Pháp Cứu tôn giả, viết bộ Tạp-A-tì-đàm tâm-luận (Samyukta-abhidharma-hṛdaya), 11 quyển, cho rằng nghĩa tùy sanh là sai lầm, nên ở quyển 1 sửa lại: “Nếu làm tăng phiền não thì Thánh gọi đó là hữu lậu.” Đây là dùng nghĩa tùy tăng để giải thích hữu lậu. Ở đây, ngài Thế Thân cũng cho rằng nghĩa tùy sanh là sai lầm, nên dùng nghĩa tùy tăng của Pháp Cứu. Do đó, tụng văn nói: “Ư bỉ lậu tùy tăng, cố thuyết danh hữu lậu.”

Vì rằng, nếu chấp nhận nghĩa “tùy sanh” là hữu lậu, thì khi duyên các pháp vô lậu như đạo đế và diệt đế mà sanh phiền não, thì đạo đế và diệt đế cũng phải được gọi là hữu lậu. Thế nhưng khi duyên dù có sanh phiền não, đạo đế và diệt đế cũng không thể được gọi là hữu lậu, vậy biết rằng nghĩa “tùy sanh” là không đúng.

Ngược lại, theo nghĩa “tùy tăng”, lúc duyên dù có sanh phiền não nhưng đối tượng sở duyên không làm tăng thêm phiền não, nên không gọi là hữu lậu. Ví như ruộng phì nhiêu thường sanh lúa, mạ và cũng làm cho lúa, mạ tăng trưởng nên gọi là ruộng lúa. Còn ruộng muối dù có sanh ra lúa, mạ cũng không thể làm cho lúa tăng trưởng cho nên không gọi là ruộng lúa.

Tóm lại, vì tùy thuận tăng trưởng theo các sở duyên tương ưng của khổ đế và tập đế, cho nên khổ đế và tập đế được gọi là hữu lậu (sāsravā).

Pháp vô lậu (anāsravā) tức là đạo đế trong tứ đế, cùng ba pháp vô vi.

Ba pháp vô vi (asṃskrita) là hư không vô vi, trạch diệt vô vi và phi trạch diệt vô vi. Cho nên, tụng văn nói: “Vô lậu là đạo đế và ba pháp vô vi: hư không và hai thứ diệt.”

Đạo đế và ba pháp vô vi tại sao được gọi là vô lậu? Bởi vì, đối với các phiền não, không tùy thuận tăng trưởng. Bây giờ hãy thử nói rõ về hư không vô vi và hai thứ diệt.

Hư không vô vi (ākāśa) được tụng văn định nghĩa là vô ngại (anāvṛti), vì lấy sự không chướng ngại làm tánh. 

Thế nào là không chướng ngại? Pháp vô vi này, đối với bất cứ sự vật nào trong không gian, dù tồn tại hay không tồn tại, nó vẫn trải khắp mười phương thế giới. Nó không làm chướng ngại vật khác cũng không bị vật khác làm chướng ngại. Cho nên, vạn vật trong hư không này, khi sanh thì hiện đến và khi diệt thì bỏ đi, tùy thời gian mà biến hóa hiện tượng, tùy không gian mà thay đổi vị trí, nhưng hư không ấy không hề bị biến đổi chuyển dời, nó thường trú bất động. Vì vậy, nói hư không là vô vi. Hư không trong quan niệm thông tục tuy tương tợ với hư không này, nhưng thật ra cái đó chỉ là sắc pháp hiện hữu trong không gian mà thôi; không những nó làm ngăn ngại vật khác mà trên mặt hiện tượng nó vẫn chịu sự biến đổi. Ví như ném viên đá vào nước, nước chướng đá, phải nhường chỗ cho đá chiếm cứ rồi bao quanh phía ngoài viên đá cho nên thuộc về hữu vi, không đồng với hư không vô vi này.

Làm thế nào mà biết được trong pháp vô vi có hư không vô vi này?

Vạn vật trong vũ trụ, mỗi cái đều có thể phô bày tướng dạng của nó theo trình tự mà không hề rối loạn. Cố nhiên, ấy là nhờ vào năng lực nhân duyên của chính nó, nhưng cũng cần nhờ vào cái không chướng ngại để hòa thành tự thể. Nhơn duyên hòa hiệp thì hốt nhiên mà sanh, nhơn duyên tan mất thì hốt nhiên mà diệt. Khi sanh thì đến mà không bị chướng ngại, khi diệt thì cũng không bị ngăn cản. Như thế ắt phải có pháp hư không vô vi không chướng ngại này mới có thể dung chứa vạn vật, để cho tự tánh của chúng được hiển hiện. Vì vậy, văn trường hàng giải thích: “do vô ngại nên sắc pháp luân lưu trong đó.”

Trạch diệt vô vi (pratisaṃkhyānirodha) được tụng văn định nghĩa là ly hệ (visaṃyoga). Do xa lìa các hệ phược, trói buộc của phiền não, vô minh mà hiển bày chơn lý tịch diệt của các tướng. Chơn lý này là diệt lý không tịch của các tướng được chứng đắc bởi trí lực có khả năng giản trạch để diệt trừ. Vậy, nếu nói đủ thì phải nói: “trạch lực sở đắc diệt”, sự diệt trừ được thành tựu bởi năng lực giản trạch, và nói tắt là “trạch diệt”

Trạch (pratisaṃkhyā) là trí huệ, là nhơn của khả năng chứng đắc diệt lý. Diệt (nirodha) là diệt lý, là quả của trí huệ có khả năng chứng đắc đó. Diệt lý này phải do xa lìa các hệ phược của phiền não, vô minh mới được hiển bày. Thoạt nhìn qua, tưởng chừng như xưa không mà nay có. Nhưng khảo sát một cách kỹ càng hơn thì không phải như vậy. Ví như mây tan trăng hiện. Trăng vốn ở trên hư không chứ không phải bấy giờ mới có. Mặt trăng diệt lý cũng giống như vậy. Chỉ vì từ vô thỉ đến nay, bị mây mù phiền não vô minh che khuất, cho nên chúng ta không thể thấy. Một khi gió lớn chơn trí vô lậu thổi tan mây mù thì trăng sáng diệt lý sẵn có ở không trung tự nhiên chiếu hiện, nên chúng ta thấy được. Cho nên, cái diệt lý do chứng đắc diệt lý mà thấy thật chẳng phải xưa không mà nay có, mà là xưa nay nó vẫn thường hằng bất biến, bất sanh bất diệt, là pháp vô vi. Nếu vậy, diệt lý được nói trong Tiểu thừa có khác gì với Chơn như được nói trong Đại thừa chăng?

Chơn như được nói trong Đại thừa, thể tánh của nó bình đẳng không hề sai khác, không hai cũng không ba. Còn diệt lý được nói trong Tiểu thừa thì không phải vậy. Diệt lý này do nhờ xa lìa các trói buộc của pháp hữu lậu mà chứng đắc, tùy theo số lượng bất đồng của các sự trói buộc (hệ sự )mà sự chứng đắc cũng có khác nhau. Vì thế, tụng văn nói: “Tùy hệ sự các biệt” tùy theo số lượng sai biệt của các hệ sự mà số lượng của sự ly hệ cũng sai biệt. Đó chính là hiển bày cái thể sai khác của nó. Cho nên, có thể biết rằng Trạch diệt của Tiểu thừa và Chơn như của Đại thừa không phải là một.

Phi trạch diệt vô vi (apratisaṃkhyā), nếu căn cứ theo cái lý trạch diệt được nói ở trên, lẽ đáng phải nói rằng “Phi trạch sở đắc diệt”, diệt lý được chứng đắc không do giản trạch. Tức là, không phải giống như trạch diệt vô vi phải nhờ vào trí lực giản trạch mới chứng được. Phàm vật được sanh ra đều bắt nguồn từ vị lai để đến hiện tại, rồi từ hiện tại đi về quá khứ, đó là thứ lớp tất nhiên không thể vượt qua được. Cho nên mọi vật trong hiện tại không vật nào không từ vị lai mà sanh ra. Nhưng có vật từ vị lai để sanh ra hiện tại lại bị thiếu duyên để sanh; nó dừng lại nơi vị lai, không sanh ra trong hiện tại được. Nếu vĩnh viễn thiếu duyên để sanh thì vĩnh viễn ở trong vị lai, hoàn toàn không sanh khởi. Pháp này không thể đạt được bằng cách nương vào trí lực có khả năng giản trạch, nên được gọi là phi trạch diệt. Nó đã vĩnh viễn không sanh thì cũng vĩnh viễn không diệt. Pháp không sanh không diệt chính là tương phản với pháp hữu vi sanh diệt biến hóa. Do đó, gọi là vô vi. Vì thế, tụng văn nói: “Rốt ráo làm ngăn ngại các pháp sẽ sanh nên gọi là phi trạch diệt.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn