Tiết Thứ Ba: Lập Trường Toàn Bộ Của Bát Nhã

19 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 5052)

CHÂN NHƯ QUAN CỦA PHẬT GIÁO 
(Đặc biệt lấy Bát-Nhã làm trung tâm)
Kimura Taiken -Việt Dịch: HT. Thích Quảng Độ

TIẾT THỨ BA :  
LẬP TRƯỜNG TOÀN BỘ CỦA BÁT NHÃ. 


1) Hệ thống tư tưởng của Bát-Nhã. 

Đề cập đến Chân-như quan của Bát-Nhã mà không nói đến lịch sử hệ thống tư tưởng của nó thì quyết không thể được. Vì nếu không làm như thế thì ý nghĩa của Chân-như quan đó không thể được trình bày một cách rõ ràng. Mà điểm này tuy hơi phiền toái, nhưng lại phải bắt đầu từ Nguyên thủy Phật Giáo. 

Tưởng không cần nói ai cũng hiểu giáo lý căn bản của Nguyên thủy Phật Giáo là Tứ Đế. Mà Tứ Đế tuy là giáo pháp có tổ chức, song, pháp như đã trình bày ở trên, nếu khảo sát một cách riêng rẽ thì đó là một tổng hợp của hai quy phạm, nghĩa là cái quy phạm thuyết minh sự thực hiện hữu về Khổ Tập và cái quy phạm thuyết minh lý tưởng tương lai về Diệt Đạo. 

Theo tinh thần của Phật Giáo Nguyên thủy, muốn thấy được cái tướng chân thực của sự vật tức là phải lý giải cái lý tưởng chân chính một cách chính xác đúng theo đạo trình, hai quy phạm này như hai bánh xe không thể rời nhau. Song nghiên cứu hai quy phạm này cho có thứ lớp là một vấn đề phức tạp, nghĩa là nên nghiêng về loại nào để quan sát? Nói đến vấn đề này, ta thấy không nhiều thì ít cũng có chổ bất đồng, bởi lẻ các phái chủ trương khác nhau, đó là lý tự nhiên. Thật vậy, sau khi đã chia thành bộ phái, đối với vấn đề này, cách quan sát có chỗ bất đồng, về phương diện giáo lý, đó là một nhiệm vụ trọng yếu. Nghĩa là về phía Thượng-toạ-bộ, tức là bảo thủ, vấn đề chủ yếu là vấn đề sự thực, nói theo danh từ chuyên môn là đặt trọng tâm về phương diện giải quyết vấn đề luân hồi, tất cả đều hướng về sự quan sát và chỉnh lý để giải quyết nó một cách thích đáng. Còn về phía Đại-chúng-bộ, tức phái cấp tiến, thì ngược lại lấy vấn đề lý tưởng làm chủ, tất cả hướng về giải thoát để giải quyết và chỉnh lý. Bởi thế, lập trường của Thượng-toạ-bộ, trên đại thể, tự nhiên đã trở thành Thực Tại Luận; và phía Đại Chúng Bộ, nếu có, thì tất nhiên đó là Quan Niệm luận. Nói theo danh từ chuyên môn thì phái trước là "Hữu" và phái sau là "Không". Vì Thượng-toạ-bộ chỉ muốn thuyết minh cái thứ tự của sự thành lập luân hồi giới nên đã thừa nhận sự tồn tại của sự vật. Còn Đại-chúng-bộ thì siêu việt hẳn sự tồn taị của luân hồi, nghĩa là lấy giải thoát làm mục tiêu mà quan sát hết thảy, cho nên có vẻ như muốn khuynh hướng về một thế giới quan phủ định hiện tượng. Và lập trường này, căn cứ vào sự bất đồng và ảnh hưởng giáo lý, Phật Giáo sau này ta có thể nhận thấy rõ về mọi mặt. 

Tựu trung, điểm đáng chú ý là : Thượng-toạ-bộ lấy thế giới quan Hữu làm bối cảnh để phát khởi những kiến giải về sinh mệnh, rồi cuối cùng đã trở thành nguyên nhân phát sinh ra triết học A-lại-da-thức. Về phía Đại-chúng-bộ thì lấy thế giới quan Không làm bối cảnh để thuyết minh quan niệm "tất cả đều có Phật tính" mà sản sinh ra các loại Chân-như quan đã được trình bài ở trên. Có thể nói đây là điểm tiền phong của triết học A-lại-da-thức. Những tư tưởng như : "Phi tức phi ly uẩn ngã", "Tế ý thức", "Cùng sinh tử uẩn" v.v… đều đã phát sinh từ các phái thuộc Thượng-toạ-bộ-hệ. Còn các thuyết như : Tâm Tính Bản Tịnh, Vô-vi-Hữu-Dụng, Chân-như v.v…, đại để là chủ trương của các phái thuộc Đại-chúng-bộ-hệ. 

Về phương diện lấy việc giải quyết vấn đề luân hồi làm chủ, quy định chủ thể của luân hồi là vấn đề rất trọng yếu ; về phương diện lấy vấn đề giải thoát làm chủ, sự phát hiện chỗ y cứ của cái bất biến bất động trở thành một việc rất hệ trọng. Sự bất đồng của hai Bộ-phái là do kết quả của hai lập trường trên đây. Đương nhiên, như Nghiêm Mật đã nói, trong Thượng-toạ-bộ-hệ cũng có phái thâu nạp ý kiến của Đại-chúng-bộ-hệ và ngược lại. Bởi vậy, nếu muốn minh định rõ ràng lập trường của hai phái là một việc rất khó khăn. Tuy nhiên, trên đại thể, lập trường của hai phái như vừa được trình bài trên đây đại khái là một sự thực hiển nhiên. 

Như thế thì tư tưởng Bát-Nhã đã phát xuất từ hệ thống nào? Đều này không cần phải nói lại thêm rườm rà, đương nhiên là nó đã phát xuất từ Đại-chúng-bộ-hệ. Nghĩa là, về phương diện giáo lý, căn cứ theo truyền thuyết Chân đế, thì những bộ phái như : Nhất Thiết Bộ, Thuyết Giả Bộ, Thuyết Xuất Thế Bộ v.v… thuộc Đại-chúng-bộ hệ đều chủ trương hết thảy các pháp chỉ là giả danh mà không có thực thể, pháp Vô-vi tuy là có, nhưng hiện tượng giới chỉ là giả danh. Thế giới quan Bát-Nhã thực sự đã được xây dựng và triển khai trên nền tảng của thuyết này. Hơn nữa, Phật thân quan, Tâm-tính-bản-tịnh-quan, và nhiều đề mục đặc thù khác, nếu nghiên cứu ta sẽ thấy giữa tư tưởng Bát-Nhã và tư tưởng Đại-chúng-bộ có sự quan hệ trực tiếp. Về mặt văn-hiến, điểm này có thể được chứng minh một cách rất rõ ràng. Thêm vào đó, về mặt địa dư, khu vực mà Đại-chúng-bộ rất thịnh hành để rồi trở nên căn cứ địa rất gần với tư tưởng Đại Thừa là Nam Ấn Độ, nhất là khu vực Án-Đạt-La. Tư tưởng Bát-Nhã ít ra lúc đầu cũng bắt nguồn từ phương Nam. Điều này chính kinh Bát-Nhã cũng đã cho ta thấy rõ. Trong tám nghìn bài tụng Bát-Nhã có ghi việc này : "Kinh Bát-Nhã vốn lưu hành ở phương Nam, từ phương Nam truyền đến phương Tây, từ phương Tây tiến đến phương Bắc, rồi từ đó cuối cùng lan tràn khắp bốn phương". Điều này có phải đã ám chỉ toàn bộ kinh Bát-Nhã, lúc đầu đã phát xuất từ Nam Ấn Độ không? Nói đúng ra thì tư tưởng Bát-Nhã đã thoát thai từ học phái Án-Đạt-La thuộc Đai-chúng-bộ-hệ, điểm này ta chỉ suy cứu về quan hệ địa dư cũng đủ thấy rõ. Kinh Bát-Nhã tuy nói nhiều về Chân-như, nhưng nếu nói theo hệ thống thì chẳng qua chỉ kế thừa tư tưởng của Đại-chúng- bộ -hệ mà thôi. 

Tóm lại, tư tưởng Bát-Nhã đã phát xuất từ phép tu dưỡng không chấp trước của Phật Giáo Nguyên thủy. Xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa không chấp trước này để tổ chức và thành lập giáo lý mà kế thừa Đại-chúng-bộ-hệ. Mặc khác, vì sự đối kháng với giáo lý phiền tỏa của Hữu-Bộ mà thành lập. Trong lịch sử giáo lý Phật Giáo, điểm đặc biệt trọng yếu của tư tưởng Bát-Nhã là: nó là sản phẩm đầu tiên của Đại Thừa đồng thời bất cứ nói theo ý nghĩa tịnh hay động, nó đã trở thành cơ sở của tất cả tư tưởng Đại Thừa. 

2) Toàn bộ tư tưởng Bát-Nhã. 

Tưởng không cần phải nhắc đi nhắc lại, ta đã biết rằng chủ trương nhất quán của Bát-Nhã là ở chỗ phủ định tất cả những quan điểm sai biệt để nói lên cái lý "Vạn pháp tức không". Nếu nói theo lập trường thường thức thì thế giới này tuy có những hiện tượng thiên sai vạn biệt, nhưng đến trên lập trường Đệ-Nhất-Nghĩa-Đế, nếu thấu suốt được cái chân tướng của những hiện tượng đó thì tất cả đều chỉ là giả hiện, tất cả là không, đó là chủ trương căn bản của Bát-Nhã. 

Bát-Nhã (Prjaana) nghĩa là trí tuệ, nhưng trí tuệ đây là cái chân quán trí của Đệ-Nhất-Nghĩa-Đế, nói theo danh từ chuyên môn thì nó là "Quán chiếu Bát-Nhã". Sở dĩ kinh Bát-Nhã được gọi là Bát-Nhã vì trong toàn bộ kinh đều chứa đựng và nói lên cái đại trí tuệ đó. 

Trí tuệ Bát-Nhã không phải cái trí tuệ do phân loại sự vật sai biệt mà là cái trí tuệ phủ định mọi hiện tượng sai biệt, siêu việt tương đối, trực tiếp thấu suốt được thực tướng của vũ trụ là không. Theo chủ trương của Bát-Nhã thì không những chỉ cái thế giới thường thức của chúng ta đây là giả hiện, không có thực tướng, mà ngay cả đến những yếu tố là những cái chúng ta có thể thấy hay tưởng tượng được mà từ trước đến nay trong Phật học thường quan tâm đến là Ngũ Uẩn, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, những đề mục đã do sự quan sát khoa học mà đạt được, tất cả cũng chỉ là hiện tượng giả danh, chính đó không có thực thể, không tồn tại, tất cả chỉ là không. Do đó, tất cả những quy phạm hay pháp tắc liên quan đến sự tụ, tán, ly, hợp của những yếu tố đó cũng đều là giả danh. Cho nên, quá khứ, hiện tại, vị lai, nhân quả, sinh, trụ, diệt v.v…, nếu nói theo lập trường Đệ-Nhất-Nghĩa-Đế, thì tất cả chỉ là hiện tượng mà thôi, chứ tuyệt nhiên không phải chân tướng của các pháp. Thêm vào đó, không những chỉ thế giới hiện thực như thế, mà ngay cả đến cái gọi là thế giới lý tưởng cũng vậy. Những đức mục tu dưỡng là không, cho đến quả vị La Hán, quả vị Như Lai, quốc độ Phật, nếu trực quán cái chân tướng của nó thì rốt ráo cũng chỉ là không. Mà cho đến cả cái tâm của ta cũng chỉ là hiện tượng. Nếu nói một cách đơn giản thì mê, ngộ, thực tế, lý tưởng, tất cả đều là hiện tượng của cái tâm sai biệt của ta, tất cả đều là không, đó là chủ nghĩa của Bát-Nhã. Kinh Bát-Nhã vì muốn tận lực thuyết minh điểm đó nên thường hay nêu lên "Nhị Thập Không" mà đã gần trở thành một định chế vậy. 

Kinh nói: "Nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, Vô-vi không, tất kính không, vô tế không, tán không, vô biến dị không, bản tính không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tính không, tự tính không, vô tính tự tính không". 

Những đề mục này đã được thuyết minh đủ trong Thắng Thiên Vương Bát-Nhã (phần thứ sáu của kinh Đại Bát-Nhã ) nhưng rất phức tạp cho nên ở đây chúng tôi không bàn đến. 

Tóm lại, lập trường của Bát-Nhã là phủ định tất cả để nói lên cái " không" nhưng rồi đến chính cái không cũng lại phải phủ định nốt, chứ nếu còn chấp trước vào nó thì không thể thấu suốt được chân tướng của các pháp. Lập trường này cũng tương tự như lập trường của Upanishads, vì Upanishads nói : "Chân tướng của pháp chung cùng chỉ là không không (Neti,neti)!". 

Như vậy, nói cho cùng, Bát-Nhã đã theo căn cứ nào, và dựa theo điểm tất yếu nào để phủ định tất cả những tướng sai biệt mà chủ trương thuyết không? Điểm này nếu dựa vào bối cảnh lịch sử mà phân biệt thì có thể đưa ra hai lý do sau đây : 

a)- Nói theo nhận thức luận thì như các nhà quan niệm luận đã nói, thế giới này là biểu tượng của tâm. Thế giới quan của Phật Giáo Nguyên thủy tuy là thực tại luận, nhưng đối với thế giới của ta, tức là cõi thế gian này, toàn do kết quả của hành động của chúng ta, đó là tư tưởng của quan niệm luận. Và đó cũng là điểm mà Bát-Nhã muốn đạt đến. Điều này được nói đến một cách rõ ràng trong tám nghìn bài tụng của nguyên điểm kinh Bát-Nhã trang 15. Ngài Thi Hộ dịch quyển thứ nhất tờ 3b có đoạn văn như sau : 

"Này ông Xá Lợi Phất ! Thực ra không có một pháp nào tồn tại, nếu không biết rõ như thế thì tức là vô minh. Những người phàm phu vì không biết như thế nên mới sinh lòng chấp trước, vì chấp trước nên cho tất cả các pháp là có thật, vì cho các pháp là có thật, nên chấp trước nhị biên (chấp thường, chấp đoạn), và vì chấp trước nhị biên nên mới không thấy, không biết cái chân tướng của các pháp. Vì không thấy, không biết nên chấp trước tất cả các pháp hiện tại, quá khứ, vị lai, do đó mới chấp có danh sắc : vì chấp danh sắc cho nên các pháp đều thật có, bởi thế mà không thấy không biết được đạo như thật (Yathabhutam marga); vì không thấy, không biết được đạo như thật nên không siêu việt được tam giới, không thấy rõ được thật tướng của mọi pháp". 

Trên đây là đoạn văn của đức Phật giải đáp mối thắc mắc của ngài Xá Lợi Phất cho rằng các pháp vốn là không mà sao lại có thế giới này? Và theo ý nghĩa của đoạn trên thì chấp trước và sự hoạt động tình ý, rồi biến kế (biểu tượng) và sự hoạt động nhận thức hỗ tương tập hợp mà tạo ra những hiện tượng của vạn hữu. Ý nghĩa trên đây cũng đã được nói đến trong Trí Độ luận, quyển thứ 39 ; tam giới có là do sự tạo tác của tâm, tất cả đều là biến hiện của thức. Điểm này đã trở thành căn cứ của thuyết KHÔNG

b)- Căn cứ thứ hai là nền tảng tất yếu về sự tu dưỡng, tức là phải thấu suốt tất cả đều là không để thực hiện lý tưởng giải thoát Niết-Bàn. Về chân tướng của Niết-Bàn thì tuy có nhiều nghị luận khác nhau, nhưng tựu trung có một điểm mà tất cả các học phái đều nhất tri thừa nhận, đó là cái cảnh giới mà ở đấy tất cả dục vọng của cá thể không còn tồn tại nữa. 

Do đó, quan niệm về không đối với đạo giải thoát là một phương pháp trọng yếu. Đứng về phương diện thực tế mà nói thì quan niệm Không của Bát-Nhã cũng không ngoài phương pháp quán sát này. Về vấn đề đó trong kinh Bát-Nhã có nhiều thuyết ; hoặc nói là : vô sỉ, vô trước, vô văn, vô tự là Bát-Nhã (Thắng-Thiên-Vương quyển thứ II) ; hoặc nói : vô tướng, vô nguyện, vô sinh, vô tác, vô nhiễm, tịch tĩnh là Bát-Nhã (nguyên văn trong tiểu- phẩm Bát-Nhã, trang 341). 

Tóm lại, mục tiêu chính của Bát-Nhã là xúc tiến chủ nghĩa không nhiễm trước. Như vậy, nếu đem kết quả cách quan sát về mục đích tu dưỡng của Bát-Nhã và kết quả cách quan sát về nhận thức luận ở trên mà kết hợp lại thì thành ra hết thảy đều là không. Điểm này ta có thể coi là một chủ trương rất lớn. 

3) Chân-không Diệu-hữu. 

Như thế là Bát-Nhã theo lập trường nhận thức luận và lập trường tu dưỡng, phủ định tất cả các tướng sai biệt của mọi pháp mà chủ trương thuyết không. Vậy thì thế giới quan của Bát-Nhã há chẳng phải là một luận thuyết vô-vũ-trụ để rồi đưa đến chủ nghĩa hư vô sao? Đó là câu hỏi thường được nêu ra và đại khái đa số cho là đúng. Nhưng thật ra nhận xét đó chưa đánh trúng vào chủ ý của Bát-Nhã. Đây là điểm ta không thể bỏ qua. Trong phạm vi biểu tượng thì chân ý của Bát Nhã thật sự đều cho là không, nhưng có điều ta cần lưu ý là mục tiêu của Bát Nhã là một cảnh giới ngoài phạm vi biểu tượng và chính ở cảnh giới đó Bát-Nhã mới biểu thị chủ ý của nó một cách đích thực. 

Trước hết, đứng về phương diện nhận thức luận mà nhận xét thì Bát-Nhã chủ trưởng rằng tất cả hiện tượng đều là biểu tượng của tâm ta, ngoài tâm ra tất cả đều là không; tuy nhiên Bát-Nhã không hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của hình nhi thượng học. Nói đến sự tồn tại thì tuy Bát-Nhã không chấp nhận danh từ đó, song, dù sao thì Bát-Nhã cũng thừa nhận rằng dưới những lớp hiện tượng có một cái gì bất biến bất động. Mà cái bất biến, bất động đó không thể dùng một danh từ nào thích hợp để diễn tả được, về mặt biểu tượng chỉ có thể gọi đó là cảnh giới khái niệm, như vậy, ngoài chữ "không" ra, không còn phương pháp nào khác để diễn tả cái chân ý của nó. Nhưng cái không đó không phải là cái không trống rỗng, hư vô, chỉ toàn phủ định tính, mà là cái không linh động, cái không : “Diệu-Hữu". Tuy cái không cũng phủ định ý nghĩa hiện tượng, nhưng một khi đã đạt đến Diệu-Hữu thì lại từ căn đễ của hiện tượng làm cho ý nghĩa hiện tượng sống lại. Đó là thuyết mà kinh Bát Nhã mệnh danh là “Chân Không Diệu Hữu”, là “thực tướng” của các pháp. Trên bề mặt tuy ý nghĩa đó chưa hiển trứ một cách rõ ràng, nhưng ở bề trong thì nó đã bao hàm đầy đủ, và cái thường được gọi là " sắc tức thị không, không tức thị sắc" chính là để biểu thị ý nghĩa đó. Tư tưởng Chân-như của Bát-Nhã, nếu đứng về phương diện nhận thức luận mà nói thì thật sự đã xuất phát từ điểm này. 

Lại đứng về phương diện tu dưỡng mà nói, Bát-Nhã tuy căn cứ vào thuyết không mà xúc tiến chữ nghĩa không chấp trước như đã nói ở trên, nhưng không chấp trước ở đây không phải chủ nghĩa tu dưỡng lấy tiêu cực, ẩn tuẫn làm mục tiêu sinh hoạt, mà, trái lại, không chấp trước vào bất cứ một việc gì để phát huy cái tinh thần hoạt động tự do vô ngại. Chẳng hạn, kinh Kim Cương nói : " Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" đó là cực điểm tu dưỡng của Bát-Nhã. Do đó ta thấy kinh Bát-Nhã đã đạt qua được cái không để nói lên cái năng lực tự do của nó một cách rất khoáng đại. Thậm chí còn nói cái tác dụng vi diệu có thể lấp biển dời non, cái diệu lực có thể dung nạp trăm nghìn núi Tu Di trong một sợi lông cũng đều do cái năng lực đại tự do đó mà thực hiện được. 

Kinh Bát-Nhã cũng đặt nặng vấn đề từ bi cứu khổ. Thế giới quan bình đẳng của Bát-Nhã, về mặt luân lý, có thể nói là vì thương hết thảy chúng sinh mà thực hiện. Nói một cách đơn giản, sự tu dưỡng về không quán của Bát-Nhã không phải là một cái gì tiêu cực, mà là một cái gì đầy tính chất tích cực lấy sự thực hiện sai-biệt-giới một cách cụ thể làm mục đích. Nói cách khác, đối với sai-biệt-giới cụ thể vận dụng tất cả mọi hoạt động Vô-vi, vô-tác để thực hiện Đệ-Nhất-Nghĩa-Không, bình đẳng vô sai biệt: đó là lập trường thực tiễn của Bát-Nhã. Như vậy, Bát-Nhã không phải lấy chủ nghĩa hư vô, hoặc vô-vũ-trụ-luận làm chổ lập cước, mà lập trường của Bát-Nhã là từ Chân-Không trở lại khẳng định hết thảy để thành lập Diệu-Hữu. Nếu đứng về phương diện này mà nói thì Chân-như quan của Bát-Nhã đã căn cứ vào giá trị của sự hoạt động cụ thể vô ngại mà được đề xuất. 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn