Quyển Thứ Hai

16 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 8241)

TRUNG LUN (MADHYAMAKAKÀRIKÀ)
Tác giả: Bồ tát Long Thụ (Nàgàrjuna)
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Bản dịch Việt ngữ: Cao Dao

 QUYỂN THỨ HAI

TRUNG LUẬN QUYỂN THỨ HAI
7. QUÁN SÁT BA TRẠNG THÁI: SINH KHỞI, TỒN SINH VÀ HOẠI DIỆT (Tam Tướng-三相: Sinh-生, Trụ-住, Diệt-滅)_35 kệ
8. QUÁN SÁT CHỦ THỂ TẠO TÁC VÀ HÀNH VI TẠO TÁC_12 kệ
9. QUÁN SÁT BẢN TRỤ: CHỦ THỂ TỰ NGÃ (Bản Trụ-本住)_12 kệ
10.QUÁN SÁT CÁI ĐỐT CHÁY VÀ CÁI BỊ ĐỐT CHÁY_16 kệ
11. QUÁN SÁT GIỚI HẠN CỦA NHÂN SINH VÀ VŨ TRỤ (Bản Tế-本際)_8 kệ
12. QUÁN SÁT VỀ ĐAU KHỔ_10 kệ
13.QUÁN SÁT CÁC TÁC VI (Hành-行)_9 kệ
14. QUÁN SÁT CHỦ THỂ, ĐỐI TƯỢNG VÀ TÁC VI_8 kệ


PHẨM THỨ BẨY: 

QUÁN SÁT BA TRẠNG THÁI: SINH KHỞI, TỒN SINH VÀ HOẠI DIỆT (Tam Tướng-三相: Sinh-, Trụ-, Diệt-)

 

若生是有為

則應有三相

若生是無為

何名有為相

7.1

Nếu Sinh Khởi là cái gì có tương tác (Hữu Vi-有為) thì nó hẳn phải có ba trạng thái (Sinh Khởi, Tồn Sinh và Hoại Diệt).

Nếu Sinh Khởi là cái gì không tương tác (Vô Vi-無為), thì sao lại gọi nó là một cái có tương tác (Hữu Vi-有為.

 

三相若聚散

不能有所相

云何於一處

一時有三相

7.2

Nếu ba trạng thái này họp nhau lại, hoặc lìa hẳn nhau,

Thì mỗi trạng thái tự nó không thể có tính cách vốn có của nó nữa.

Vậy thì, làm sao trong cùng một lúc, một nơi:

Lại có cả ba tính cách (Sinh Khởi, Tồn Sinh và Hoại Diệt) ấy?

 

若謂生住滅

更有有為相

是即為無窮

無即非有為

7.3

Nếu cho rằng: Sinh Khởi, Tồn Sinh và Hoại Diệt,

Là những trạng thái có tính tương tác (Hữu Vi Tướng-有為相),

Thì hẳn chúng sẽ tương tác nhau thành một chuỗi mắc xích vô tận.

Nếu không, thì chúng không thuộc quá trình tương tác.

 

生生之所生

生於彼本生

本生之所生

還生於生生

7.4 (Nếu chúng tương tác nhau vô tận, thì:)

Chỗ khởi sinh sinh khởi của cái khởi sinh này,

Lại được sỉnh khởi từ chỗ bắt đầu khởi sinh cái sinh khởi kia,

Chỗ bắt đầu khởi sinh cái sinh khởi kia,

Lại khởi sinh ra sinh khởi khởi sinh vô tận.*

______*Sinh sinh chi sở sinh, Sinh ư bỉ bổn sinh, Bổn sinh chi sở sinh, hoàn sinh ư sinh sinh". Trong bài kệ 20 âm tiết này, Cưu Ma La Thập đã dùng tới 10 chữ "Sinh-生"! Trên thế giới làm gì có áng văn chương nào như thế nhỉ? Cưu Ma La Thập là người thích nghịch đủa chăng? Lẽ đâu lại đem kinh kệ ra mà đùa như thế? Văn chương như vầy, thì dù cho người không đọc được chữ Hán, hay dù có uyên bác chữ Hán đến tận xương, cũng đều bối rối như nhau. Nhưng mà người không đọc được chữ Hán thì có lẽ có lợi thế hơn: vì cứ đọc mà không cần hiểu 20 âm tiết trên, với chữ "Sinh" lập đi lập lại đều đều như thế, đọc mãi vài chục lần (thậm chí vài trăm lần, hay hơn nữa), một lúc nào đó, người đọc cảm "thấy" tâm thức của mình cũng giống hệt như thế: nó cứ "sinh" hoài "sinh" mãi không thôi...Lúc ấy thì mới biết được Cưu Ma La Thập không đùa, mà ông cũng không chỉ dịch ý của Nagarjuna, ông còn chuyển cả những âm "a"- "à" đều đều trầm trâm trong tiếng Phạn ra tiếng Hán, ông không chỉ "viết" chữ với ngữ nghĩa, mà còn dùng âm tiết để "vẽ" ra một quá trình tâm thức sinh diệt vô tận...

 Không, trên thế giới còn có một thứ văn chương cũng không kém phần "nghịch ngợm" (có lẽ còn gấp đôi Cưu Ma La Thập!), cũng bằng chữ Hán, bài kệ 20 chữ , của thiền sư Vô Môn: "Vô Vô Vô Vô Vô, Vô Vô Vô Vô Vô, Vô Vô Vô Vô Vô, Vô Vô Vô Vô Vô". Ông Vô Môn này thì không thích "vẽ", mà thích "thở": thở ra cũng "Vô", thở vào cũng "Vô"... Cứ thở như thế hết ngày này qua tháng nọ (không biết bao nhiêu vạn lần)...cho đến khi nào toàn thân cũng là "Vô", toàn tâm cũng là "Vô"...

 "Kệ-偈" ở đây cốt để "tụng" nhiều hơn là "đọc", ý nghĩa của nó cốt để "gợi" nhiều hơn là "tả" theo cách miêu tả hay thuật trình (report). Với tính cách "gợi" này, nó chỉ "điểm" (như điểm một tiếng chuông, hay tiếng gõ) vào tâm thức người ta một ý hướng (có thể lập đi lập lại nhiều lần, càng nhiều càng hay), cho đến khi nào tâm thức tự nó mở ra... Nhiều khi nó không muốn cho người ta lý giải một cách dễ dàng với một "ý nghĩa" (sense-cũng là "cảm giác") nhất định nào đó, nó không muốn tạo ra một cái cớ để lý tính tựa vào như là một tri thức. Ngược lại, nó muốn khuyấy lên cả toàn bộ tâm thức con người, cả những phần tiềm tàng sâu kín nhất mà con người ta không thể tự "biết"-Thức-識 được.

 _______

 

若謂是生生

能生於本生

生生從本生

何能生本生

7.5

Nếu cho rằng: cái vòng khởi sinh sinh khởi vô tận ấy

Được khởi sinh ra từ một cái Sinh Khởi Đầu Tiên,

Từ cái sinh khởi đầu tiên ấy mà sinh khởi khởi sinh vô tận,

Vậy thì cái gì có khả năng sinh ra cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy?

 

______*"Vậy thì cái gì có khả năng sinh ra cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy?-Hà năng sinh bổn sinh-何能生本生", như đã chú thích ở phẩm thứ 2 về Chuyển Động, ở đây chúng ta lại gặp được chỗ giao thoa giữa hai dòng tư tưởng của Nagarjuna và Aristote. Ở Tứ Đại Nguyên Nhân luận của Aristote, ông tìm cách truy nguyên đến tận nguồn gốc khởi sinh của vũ trụ, cái mà ông gọi là Nguyên Nhân Đầu Tiên, cũng tức là cái Động Bất Động, là cái gì vốn không hề chuyển (hóa biến dịch) và không hề động, nhưng nó lại là nguyên nhân cho tất cả những chuyển và động vô tận. Aristote dừng lại ở điểm này, vì cho rằng tri năng của con người chỉ có thể đến đó thôi. Sau Hy lạp cổ đại, một thời gian dài tử La Mã cổ đại, cả thời Trung Cổ cho đến cận đại và cả hiện đại, người ta thường diễn giải Aristote lệch sang một chiều hương khác: Nguyên Nhân Đầu Tiên đó chính là Thượng Đế, kẻ sáng tạo vạn hữu trong bảy ngày, và luôn luôn tìm cách minh chứng điều đó. Mãi đến tận gần đây, S. Hawking mới chứng minh cụ thể cho người ta thấy điều ngược lại, rằng: Vũ Trụ vốn không hề có giới hạn trong không gian, cũng không hề có hạn định nào trong thời gian, và "Thượng Đế" chẳng hề có việc gì để làm ở đây cả... Từ điểm này có chỗ khác nhau giữa Nagarjuna và Aristote, Đông và Tây, Pháp giới và Thế Gian giới, Tri Thức như là mục đích và Giác Ngộ như là cứu cánh tối hậu... Ở Nagarjuna, ông không dừng lại ở điểm của "Cái Sinh Khởi Đầu Tiên" có vẻ thần bí đó, luận lý của ông đuổi nó chạy tiếp: "Vậy thì cái gì có khả năng sinh ra cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy?" rồi lại truy đuổi tiếp nữa... Nếu Aristote truy đuổi nguyên-nhân-của-tồn-tại chạy theo đường thẳng, cho đến "ngõ cụt" và dừng lại; thì Nagarjuna truy đuổi bủa vây từ cả bốn phía, không chừa khe hở nào luận lý thoát ra được, ông tóm trọn ổ không để sót một cái gì cho tư tưởng có điểm tựa để bám vào ... Ông triệt phá tất cả mọi lý do, cho đến khi nào chẳng còn gì nữa, còn chăng, có lẽ chỉ có khoảng không mênh mông vô cùng tận và tịch liêu cũng vô cùng tận, mà đó chẳng phải là hình ành về "Thượng Đế" như con người đã vẽ ra một cách sáng lạn đến chói mắt, mà giản khiết chỉ là cái sự thật vô hạn trong mỗi một con người._______

 

若謂是本生

能生於生生

本生從彼生

何能生生生

7.6 

Nếu cho rằng: Chính cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy,

Có khả năng khởi sinh ra sinh khởi vô tận,

Cái Khởi Sinh Đầu Tiên ấy lại sinh ra từ một cái gì kia khác nữa,

Vậy thì cái-gì-nữa nữa lại có khả năng sinh khởi-khởi sinh hoài hoài như thế?

 

若生生生時

能生於本生

生生尚未有

何能生本生

7.7

Nếu: Chính tử trong cái vòng xoay sinh khởi khởi sinh vô tận ấy,

Cái Sinh Khởi Đầu Tiên được khởi sinh ra,

Thì vòng xoay sinh khởi khởi sinh vô tận ấy còn chưa được khởi sinh ra,

Lấy gì mà khởi sinh ra cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy?

 

若本生生時

能生於生生

本生尚未有

何能生生生

7.8

Nếu: Vòng xoáy sinh khởi vô tận ấy được khởi sinh ra

Ngay chính lúc Sinh Khởi Đầu Tiên khởi sinh,

Cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy còn chưa kịp sinh ra xong,

Thì lấy cái gì để khởi sinh ra vòng sinh khởi khởi sinh vô tận ấy?

 

如燈能自照

亦能照於彼

生法亦如是

自生亦生彼

7.9

(Nếu có người phản luận lại, cho rằng:)

Như ngọn đèn có khả năng tự chiếu chính nó

Cũng như có khả năng chiếu sáng những cái khác,

Đối tượng sinh khởi cũng giống như thế

Tự nó khởi sinh chính nó cũng như sinh khởi ra những cái khác.

 

10 

燈中自無闇

住處亦無闇

破闇乃名照

無闇則無照

7.10

(Thì không thỏa đáng, vì:)

Ngọn đèn tự nó không hàm chứa bóng tối (cái khác nó),

Chỗ nào có đèn thì cũng không có bóng tối,

Chính vì phá tan bóng tối nên mới gọi là "chiếu sáng",

Nếu không có bóng tối thì nó không "chiếu sáng" một cái gì cả. (chỉ thuần nhất ánh sáng của nó thôi)

 

11 

云何燈生時

而能破於闇

此燈初生時

不能及於闇

7.11

(Nếu phản luận lại, thì:)

Như thế nào mà lúc ánh sáng ngọn vừa mới khởi sinh ra,

Đã có khả năng phá tan đi bóng tối?

Vì lúc ánh sáng ngọn đèn vừa mới sinh ra,

 Nó không thể đến ngay được bóng tối (vốn có một khoảng cách với nó)?

 

12 

燈若未及闇

而能破闇者

燈在於此間

則破一切闇

7.12

(Phản chứng:)

Nếu như ánh đèn lúc chưa đến chỗ bóng tối (vốn có một khoảng cách với nó),

Mà có khả năng phá tan đi bóng tối,

Là chính vì ánh sáng ngọn đèn có thể từ một chỗ,

Cùng một lúc phá tan đi tất cả bóng tối ở mọi chỗ khác.

 

13 

若燈能自照

亦能照於彼

闇亦應自闇

亦能闇於彼

7.13

Nếu ngọn đèn có khả năng tự soi sáng chính nó,

Cũng như sáng soi những cái khác,

Thì bóng tối cũng có khả năng tương tự:

Tự bao trùm chính nó, cũng như bao trùm những cái khác.

 

 

14 

此生若未生

云何能自生

若生已自生

生已何用生

7.14

Một sinh khởi nếu chưa khởi sinh ra,

Thì làm sao có khả năng tự khởi sinh ra chính nó?

Và nếu cái sinh khởi đã tự khởi sinh chính nó rồi,

Thì còn cần chi đến sinh khởi nữa?

 

15 

生非生已生

亦非未生生

生時亦不生

去來中已答

7.15

Sinh Khởi chẳng khởi sinh cái đã sinh ra,

Cũng không khởi sinh cái chưa sinh ra.

Đang lúc sinh khởi cũng không sinh ra cái gì,
Điều này đã được luận giải trong phẩm Chuyển+Động (Phẩm 2).

 

16 

若謂生時生

是事已不成

云何眾緣合

爾時而得生

7.16

Nếu cho rằng: Sinh Khởi sinh hình thành vô điều kiện,

Việc này thì vốn không thể có được.

Vì: Làm sao phải hội đủ các điều kiện (Duyên-緣),

Thì lúc ấy mới có thể khởi sinh?

 

17 

若法眾緣生

即是寂滅性

是故生生時

是二俱寂滅

7.17 

Nếu: Mọi tồn tại đều do những điều kiện (Duyên-緣) khởi sinh ra,

Cũng tức là: Chúng rỗng không_không Tự tính (Tịch diệt tính-寂滅性),

Vậy thì: Lúc một cái khởi sinh ra một cái khác

Thì cả hai cái sinh khởi này cũng đều rỗng không.

 

18 

若有未生法

說言有生者

此法先已有

更復何用生

7.18

Nếu có một cái gì đó chưa được khởi sinh,

Mà có thể nói chắc rằng: Nó phải được sinh ra,

Vậy thì: Nó vốn đã có từ trước khi sinh ra rồi,

Cần chi lại phải khởi sinh ra nó nữa?

 

19 

若言生時生

是能有所生

何得更有生

而能生是生

7.19

Nếu nói rằng: Sinh khởi vốn tự nó khởi sinh (vô điều kiện),

Nghĩa là: Sinh khởi tự nó có khả năng khởi sinh.

Vậy thì làm sao sinh khởi có được cái-được-sinh-ra,

Để mà có thể khởi sinh cái-được-sinh-ra ấy.

 

20 

若謂更有生

生生則無窮

離生生有生

法皆能自生

7.20

Nếu nói rằng: Sinh khởi vốn tự nó đã có cái-được-sinh-ra,

Thì Sinh khởi sẽ tự khởi sinh vô cùng tận.

Nếu lìa khỏi Sinh khởi, mà vẫn cứ sinh ra cái-được-sinh,

Thì mọi tồn tại cũng đều có khả năng tự sinh như thế.

 

21 

有法不應生

無亦不應生

有無亦不生

此義先已說

7.21

Cái gì đã có thì chẳng cần sinh khởi làm chi,

Cái gì đã không có thì cũng chẳng cần chi đến sinh khởi,

Dù có, dù không có, đều không khởi sinh;

Nghĩa này đã được luận giải ở trên.__kệ 14, 15, 18

 

22 

若諸法滅時

是時不應生

法若不滅者

終無有是事

7. 22

Nếu: Tất cả mọi tồn tại đều có lúc phải hoại diệt đi,

Thì lý do gì để phải khởi sinh nó ra?

Nếu mọi tồn tại đều bất diệt,

Nói cho cùng, không thể có việc ấy.

 

23

不住法不住

住法亦不住

住時亦不住

無生云何住

7.23

Những gì không tồn tại thì không tồn tại,

Những gì tồn tại cũng không có lý do gì để tồn tại,

Những gì đang tồn tại cũng không căn cứ để tiếp tục tồn tại,

Bởi lẽ: Có sinh khởi đâu để mà tồn tại?*

______*"Những gì không tồn tại thì không tồn tại, Những gì tồn tại cũng không có lý do gì để tồn tại", Hán văn: "Bất trụ pháp bất trụ, trụ pháp diệt bất trụ-不住法不住,住法亦不住", chữ "Trụ-住" với nghĩa: "thường hằng", "đang tồn tại", được chuyển sang Việt ngữ với nghĩa: "Tồn tại" nói chung để liên tục ý với những kệ trên. Phẩm này đang luận về Ba trạng thái của Tồn tại: Sinh, Tồn sinh (Trụ-住) và Diệt, nên chữ "Trụ-住" này cần được hạn định trong ý nghĩa: "Tồn sinh", "Tồn tại" (hơn là "Thường hằng" như ở những phẩm khác có ý nghĩa tương quan vời Thường "Trụ" luận).

 

24 

若諸法滅時

是則不應住

法若不滅者

終無有是事

7.24

Nếu tất cả mọi tồn tại đều có lúc phải hoại diệt đi,

Thì hẳn không có lý do nào để nó tồn tại,

Nếu mọi tồn tại đều bất diệt,

Nói cho cùng, không thể có việc ấy.__lập lại ý của kệ 22

 

25 

所有一切法

皆是老死相

終不見有法

離老死有住

7.25

Tất cả mọi "tồn tại" mà con người ta nhận thức được,

Đều mang tính chất Già và Chết. (Lão-老, Tử-死)

Rốt cùng, không thể thấy được một cái gì

"Tồn tại" mà có thể lìa khỏi Già Chết.

 

26 

住不自相住

亦不異相住

如生不自生

亦不異相生

7.26 

Tồn tại không tự chính bản thân nó mà tồn tại,

Cũng không dựa vào cái khác nó mà tồn tại.

Cũng như sinh khởi không tự nó khởi sinh ra,

Cũng như không sinh khởi từ cái khác nó.

 

27 

法已滅不滅

未滅亦不滅

滅時亦不滅

無生何有滅

7.27

Cái gì một khi đã hoại diệt, thì không diệt được nữa.

Khi nó chưa hoại diệt, thì cũng không diệt nó được.

Khi nó đang hoại diệt, thì cũng không thể diệt nó được.

Vốn chưa hề Sinh Khởi, thỉ làm sao Hoại Diệt?

 

28 

法若有住者

是則不應滅

法若不住者

是亦不應滅

7.28

Một cái gì nếu có chỗ trụ vững,

Tất nhiên chỗ đó không tương ứng với hoại diệt.

Một cái gì nếu không có chỗ trụ vững,

Thì cũng chẳng có chỗ nào tương ứng để diệt hoại.

 

29 

是法於是時

不於是時滅

是法於異時

不於異時滅

7.29

Một cái gì đang lúc nó tồn tại,

Thì đó chẳng phải là lúc có thể hoại diệt nó.

Một cái gì đang lúc nó không tồn tại,

Thì cũng chẳng phải là lúc có thể hoại diệt nó được.

 

30 

如一切諸法

生相不可得

以無生相故

即亦無滅相

7.30

Tất cả mọi tồn tại trong vũ trụ đều như thế,

Không thể có được tính chất Sinh Khởi,

Bởi không hề có tính chất Sinh Khởi,

Thì tất nhiên cũng không hề có tính chất Hoại Diệt.

 

31 

若法是有者

是即無有滅

不應於一法

而有有無相

7.31

Nếu tồn tại là cái gì vốn có,

Thì tất nhiên tự nó cũng không có tính cách hoại diệt,

Bởi: Trong một tồn tại duy nhất,

Không thể nào có cả hai tính cách: vừa tồn tại, vừa không tồn tại được.

 

32 

若法是無者

是即無有滅

譬如第二頭

無故不可斷

7.32

Nếu tồn tại là cái gì vốn không có,

Tất nhiên: Không có gì để hoại diệt cả.

Ví dụ như cái đầu thứ hai,

Vốn không hề có, nên không thể chặt nó được.

 

33 

法不自相滅

他相亦不滅

如自相不生

他相亦不生

7.33

Tồn tại, tự chính nó không có tính cách hoại diệt,

Cũng không thể hoại diệt những tính chất không phải của nó,

Cũng như tự nó vốn không hề sinh khởi,

Những tính cách không phải của nó cũng chẳng hề khởi sinh.

 

34 

生住滅不成

故無有有為

有為法無故

何得有無為

7.34

Không thể thành lập được tính cách Sinh Khởi, Tồn Sinh và Hoại Diệt,

Vì vậy, cũng không thể có tương quan tương tác (Hữu Vi Pháp-有為法).

Những tương quan tương tác vốn đã không có,

Thì làm sao có được cái gì tương tác (Hữu Vi-有為)?

 

35 

如幻亦如夢

如乾闥婆城

所說生住滅

其相亦如是

7.35

Nói về Sinh Khởi, Hoại Diệt, Sinh Tồn

Thâm sâu trong căn để của chúng

Như mộng, như ảo, như bọt, như bóng

Cũng như lầu các giữa không trung.

 

_______________

 

PHẨM THỨ TÁM:

QUÁN SÁT CHỦ THỂ TẠO TÁC VÀ HÀNH VI TẠO TÁC

 

決定有作者

不作決定業

決定無作者

不作無定業

8.1

 Nếu nhất định rằng: Có chủ thể tạo tác,

Thỉ nó không tạo tác ra quá trình tích lũy tác tạo (Nghiệp-業) nhất định.

Nếu nhất định rằng: Không có chủ thể tạo tác,

Thì cũng không thể tạo tác ra quá trình tích lũy nhất định.

 

決定業無作

是業無作者

定作者無作

作者亦無業

8.2

Nếu nhất định rằng: Quá trình tích lũy (Nghiệp-業) không được tác tạo ra,

Thì quá trình tích lũy vốn không có chủ thể tạo tác.

Nếu: Chủ thể tạo tác không hề tác tạo,

Thì chủ thể tạo tác cũng không hề có quá trình tích lũy tạo tác nào.

 

若定有作者

亦定有作業

作者及作業

即墮於無因

8.3

Nếu nhất định là có chủ thể tạo tác.

Và nếu cũng nhất định là có sự tác tạo ra quá trình tích lũy (Nghiệp-業),

Thì cả chủ thể tạo tác lẫn quá trình tạo tác,

 Đều rơi vào chỗ không có nguyên nhân khởi đầu_(vì sao chủ thể đó lại tạo tác như thế).

 

若墮於無因

則無因無果

無作無作者

無所用作法

8.4

Nếu đã rơi vào chỗ không có nguyên nhân khởi đầu,

Thì hẳn (cũng rơi vào một trạng huống bất định liên hoàn):

_Không Nhân_không Quả_không tạo tác_không chủ thể tạo tác_

Chính khái niệm "Tạo Tác" cũng vô nghĩa.

 

若無作等法

則無有罪福

罪福等無故

罪福報亦無

8.5

Nếu đã không có một khái niệm nào về "tạo tác" như thế,

Thì hẳn cũng không có luôn khái niệm như là "Phúc" hay "Tội"...

Bởi vì không có cả "Tội" và "Phúc",

Nên cũng không có luôn "quả báo" của Tội và Phúc.

 

若無罪福報

亦無有涅槃

諸可有所作

皆空無有果

8.6

Nếu không có quả báo của Tội, Phúc,

Thì cũng không có luôn cả khái niệm "Niết Bàn".

Tất cả những cái gì có tạo tác của nó,

Căn tính của chúng đều là Không, không có cả kết quả tạo tác (Quả-果).

 

作者定不定

不能作二業

有無相違故

一處則無二

8.7

Chủ thể tạo tác, dù xác định, hay bất định,

Cũng không thể tạo tác hai quá trình tích lũy (Nghiệp-業) trùng lập:

Cái này có (quả báo), cái kia không (quả báo),

Một chủ thể không thể tạo tác ra hai cái trái ngược nhau.

 

有不能作無

無不能作有

若有作作者

其過如先說

8.8

Cái gì tồn tại, không thể tạo tác ra cái gì không tồn tại.

Cái gì không tồn tại, không thể tạo tác ra cái gì tồn tại.

Nếu cho rằng chủ thể tạo tác và sự tạo tác đều tồn tại,

Thì mắc vào chỗ sai lầm đã nói ở trên (kệ 3).

 

作者不作定

亦不作不定

及定不定業

其過如先說

8.9

Chủ thể tạo tác không tạo tác ra cái gì xác định được,

Cũng không tạo tác ra cái gì bất định,

Cả quá trình tạo tác (Nghiệp-業) vốn cũng vốn không xác định được, cũng không bất định,

Chỗ lầm lẫn này như đã luận giải ở trên (kệ 3, 4, 5, 6).

 

10 

作者定不定

亦定亦不定

不能作於業

其過如先說

8.10

Chủ thể tạo tác, dù xác định hay bất định,

Thì cả xác định cũng như bất định,

Cũng đều không có khả năng tạo tác ra quá trình tích lũy (Nghiệp-業).

Chỗ lầm lẫn này như đã luận giải ở trên (kệ 7).

 

11 

因業有作者

因作者有業

成業義如是

更無有餘事

8.11

Chính vì định kiến: Có chủ thể tạo tác,

Chính vì định kiến: Chủ thể tạo tác thực sự tạo ra quá trình quá trình tích lũy.

Mà hình thành ý nghĩa về "quá trinh tích lũy tạo tác" (Nghiệp-業) như thế.

Ngoài ra, không tồn tại một sự thể nào khác.

 

12 

如破作作者

受受者亦爾

及一切諸法

亦應如是破

8.12

Nếu phá hủy chủ thể tạo tác và hành vi tác tạo,

Thì cả người thụ nhận và thể thụ nhận (quả báo) cũng đều bị phá hủy,

Cho đến tất cả mọi cái gì có tương tác mà con người có thể nhận thức được,

Cũng đều bị phá hủy toàn triệt trong thế liên ứng toàn diện.*

 ______*"Cho đến tất cả mọi cái gì có tương tác mà con người có thể nhận thức được", bản Hán văn: "Cập nhất thiết chư pháp-及一切諸法". Chữ "Pháp-法" ỏ đây cần được hiểu theo nghĩa văn mạch: "Hữu Vi Pháp-有為法-Samkrta": tất cả những cái gì có tương quan tương tác, có tạo tác và nhận chịu tạo tác, nội hàm cả ý nghĩa: có tương quan nhân quả liên hoàn, với chủ thể tạo tác-quá trinh tích lũy tạo tác-kết quả của tạo tác. Như thế, "Hữu Vi Pháp-有為法" là một trong những dụng ngữ quảng nghĩa nhất của thế giới quan Phật giáo với ý nghĩa khả hữu của nó: "Tất cả mọi tồn tại trong vũ trụ mà con người ta có thể nhận thức đuợc, như là cái có điều kiện và có tương tác, trong mối tương quan Nhân-Quả". Chỉ với ý nghĩa này thì mới có thể tát cạn được hết ý nghĩa của câu kết luận tiếp theo: "亦應如是破-Diệc ứng như thị phá": Cũng đều bị phá hủy toàn triệt trong thế liên ứng toàn diện_Một khi chủ thể tạo tác và hành vi tạo tác, như là đầu mối của một quá trình nhị phân đã bị phá hủy, thì tất cả mọi ý nghĩa tương quan trong qui luật Nhân-Quả, tương quan Điều Kiện (Duyên Sinh-緣生)và tương quan Tương Tác (Hữu Vi-有為), trong một chuỗi mắc xích liên hòan vô tân, cũng đều bị phá hủy theo cách thế liên hoàn của chúng: cái này bị hủy thì cái kia cũng bị hủy theo, toàn bộ những mắc xích đều bị rã ra hết. ______

______________

 

PHẨM THỨ CHÍN:

QUÁN SÁT BẢN TRỤ: CHỦ THỂ TỰ NGÃ (Bản Trụ-本住)

 

______*"Chủ thể Tự Ngã", bản Hán văn: "Bản Trụ-本住"_"Bản thể Thường Trụ", khái niệm này có liên quan sâu xa đến Upanishad và tư tuởng của các hệ phái vể "Vật chất Tối sơ"(pradhana), được xem như là những bản thể thường trụ bất biến và nguyên nhân khởi đầu cho vạn hữu (trong đó có cả ý thức con người. Chính “Bản thể Thường Trụ” này là cơ sở dựa trên đó các hệ phái tư tưởng Ấn độ phát triển những luận điểm cố định vể Tự Ngã-Àtman, Tự tính-Prakriti…như là những cái gì thường trụ, bất biến. dẫn đên những quan niệm tất nhiên về Thường Trụ Luận và Đoạn Diệt luận mà lúc Phật Thích Ca còn tại thế vẫn thường phủ nhận. Những quan niệm khác nhau về Tự Ngã-Àtman ở mỗi hệ phái, theo đó có nhiều ý nghĩa và nhiều cách dịch khác nhau: học phái Vainshesika (Thắng Luận) và học phái Niyàya (Chính Lý) dùng ý nghĩa như Tự Ngã-自我, học phái Sàmkhya (Số Luận) quan niệm như là Linh Ngã 霊我, hay Thần Ngã 神我, học phái Vedanda quan niệm là Ngã-我, như là cái "Tôi". Trong Phật giáo nói chung, được dùng với ý nghĩa như Tự Ngã, cái "Tôi", đôi khi được dùng với ý nghĩa như Tâm Thức 心識, hay Tự Kỷ 自己 Ở phẩm 9 này, luận chứng của Nagarjuna đôi khi nhắm vào những quan điểm của từng học phái để bác bỏ những kiến giải của họ về cái "Bản thể Thường Trụ"-Bản Trụ-本住 này, tiêu biểu nhất là của hệ Phái Số Luận, một hệ phái tối cổ của Ấn độ có tầm ảnh hưởng sâu nhất, với quan niệm về Thần Ngã (Purusïa) như là: bản thể thường trụ của những thường trụ (nityo nityanamï), tâm thức của những tâm thức (cetanas cetananam). Ở bản Hán văn của Cưu Ma La Thập, ông vẫn giữ nguyên cách gọi tên Tự Ngã của từng học phái để có thể theo dõi được chỗ xuất phát của từng quan niệm nói trên, ví du: Trong trường hợp riêng biệt, thay vì dùng từ "Bản Trụ-本住"-Chủ thể Tự Ngã, ông dùng từ "Thần-神", tức "Thần Ngã-神我-Purusïa", như thế có thể theo dõi được quan điểm mà Nagarjuna đang bác bỏ là quan điểm của học phái Số Luận (xem chi tiết hơn ở Bát Nhã Đăng Luận của Thanh Biện, Phần 5)... Bản dịch Việt ngữ cũng giữ y nguyên cách dịch rất khoa học này của Cưu Ma La Thập, ngoài ra việc sử dụng khái niệm "Chủ thể Tự Ngã" trong tiếng Việt dịch thuật ngữ Bản Trụ-本住 còn cốt để thuận với cấu trúc luận lý của Nagarjuna, đồng thời với ý nghĩa đặc hữu như trên, phân biệt với " Ngã"-Self theo thuật ngữ tâm lý học, hay được hiểu như "cái Tôi" thông dụng, và cả "cái Tôi-Cogito-Chủ thể Tư duy" trong triết học Tây phương, những khái niệm này có một độ lệch rất lớn, không thể nào đồng nhất với nhau được.

______

 

眼耳等諸根

苦樂等諸法

誰有如是事

是則名本住

9.1

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể cho đến ý thức, là sáu cơ năng nhận tri (Lục Căn-六根_xem chú thích ở Phẩm 3.1) .

Tất cả những xúc cảm thụ nhận tử đó như: khổ đau, vui mừng...

"Ai"_là chủ thể của tất cả những sự thể này?

Người ta gọi "Ai" đó là chủ Thể Tự Ngã (Bản Trụ-本住).

 

若無有本住

誰有眼等法

以是故當知

先已有本住

9.2

Nếu không có Chủ Thể Tự Ngã,

Thì "Ai" là kẻ thụ nhận những cảm giác từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức?

Vì thế, trước tiên hãy giả thiết rằng:

Vốn có một cái gọi là Tự ngã, Chủ thể của (thụ nhận và tác vi) của chúng.

 

若離眼等根

及苦樂等法

先有本住者

以何而可知

9.3

Nếu lìa khỏi sáu tri năng:mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức,

Cho đến lìa khỏi cả những xúc cảm thụ nhận được từ chúng như mừng vui, đau khổ...

Thì cái Chủ Thể Tự Ngã vốn đã có trước ấy,

Có thể nhận tri được cái gì?

 

若離眼耳等

而有本住者

亦應離本住

而有眼耳等

9.4

Nếu lìa ra khỏi những tri nhận của mắt, tai…ý thức,

Mà vẫn cứ tồn tại một chủ thể Tự ngã,

Và nếu lìa ra khỏi chủ thể Tự ngã,

Mà vẫn cứ tồn tại những tri nhận của mắt, tai…ý thức

 

以法知有人

以人知有法

離法何有人

離人何有

9.5

Thì, chủ thể nhận tri có khả năng nhận biết đối tượng,

Và, đối tượng có thể được nhận biết bởi chủ thể nhận tri.

Nếu lìa khỏi đối tượng, thì làm sao chủ thể nhận tri tồn tại?

Và, lìa khỏi chủ thể nhận tri, thì làm sao đối tượng đó tồn tại?

 

一切眼等根

實無有本住

眼耳等諸根

異相而分別

9.6

Tất cả những cơ năng nhận tri (Căn-根) như: mắt, tai…ý thức

Đều tự nó không thực sự tồn tại chủ thể Tự ngã.

Bởi vì, những phương thức nhận tri này,

Chỉ có thể nhận tri được những dạng thông tri đặc thù của chúng thôi (mắt: nhận ra màu, sắc…; tai: âm, thanh…).

若眼等諸根

無有本住者

眼等一一根

云何能知塵

9.7 

Nếu mỗi cơ năng nhận tri như mắt, tai...ý thức

Tự nó vốn không tồn tại của chủ thể Tự ngã,

Thì mỗi một cơ năng cơ bản như mắt, tai...
Làm sao có khả năng nhận tri những dạng thông tri đặc thù riêng của nó?

 

見者即聞者

聞者即受者

如是等諸根

則應有本住

9.8

Như thế thì mỗi một cơ năng nhận tri: mắt, tai, mũi...ý thức,

Đều tương ứng với một chủ thể nhận tri (Bản Trụ-本住) riêng biệt:

Chủ thể của mắt nhận màu sắc, chủ thể của tai nhận âm thanh,

Thân thể nhận cảm giác nóng lạnh...

 

若見聞各異

受者亦各異

見時亦應聞

如是則神多

9.9

Nếu cùng một lúc có nhiều chủ thể khác nhau,

Để nhận tri những cảm giác khác nhau từ mắt, tai...ý thức,

Lúc chủ thể của mắt nhận màu sắc, thì chủ thể của tai nhận âm thanh...

Như thế thì phải có nhiểu "Thần Ngã".

 

10 

眼耳等諸根

苦樂等諸法

所從生諸大

彼大亦無神

9.10

Những quan năng như: mắt, tai... ý thức,

Và những cảm xúc thụ nhận được: đau khổ, mừng vui…

Vốn nguyên do từ những Thực thể Tối sơ (Đại-大:Đất, Nước, Gió, Lửa...),

Cả Bốn Thực thể Tối sơ này cũng không hề tồn tại "Thần ngã".

 

11 

若眼耳等根

苦樂等諸法

無有本住者

眼等亦應無

9.11

Nếu những cơ năng nhận tri như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức,

Và cả những cảm xúc thụ nhận được: đau khổ, mừng vui…

Đều vốn không có chủ thể (Bản Trụ-本住) riêng biệt,

Thì cũng không có chủ thể Tự Ngã (Bản Trụ-本住) chung cho những cơ năng nhận tri ấy.

 

12 

眼等無本住

今後亦復無

以三世無故

無有無分別

9.12

Ở sáu cơ năng nhận tri: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, cho đến ý thức, vốn đã không hề tồn tại chủ thể Tự ngã.

Bây giờ cũng không tồn tại, sau này cũng không tồn tại.

Trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều không tồn tại.

Vì nó không hề tồn tại, nên không thể phân biệt ra nó được.

 

________________

 

PHẨM THỨ MƯỜI:

QUÁN SÁT CÁI ĐỐT CHÁY VÀ CÁI BỊ ĐỐT CHÁY

 

若燃是可燃

作作者則一

若燃異可燃

離可燃有燃

10.1

Nếu cái đốt cháy và cũng là chất liệu có thể cháy (cái bị đốt cháy),

Thì chủ thể tạo tác và đối tượng thụ nhận tạo tác hẳn là đồng nhất.

Nếu cái đốt cháy dị biệt với chất liệu có thể cháy,

Thì khi tách rời khỏi cái bị đốt cháy, vẫn cứ tồn tại cái đốt cháy.

 

如是常應燃

不因可燃生

則無燃火功

亦名無作火

10.2

Như thế: Cái đốt cháy tự nó cháy thường xuyên,

Không cần nhân tố phát sinh từ chất liệu cháy.

Tất nhiên nó không cần nhóm lửa,

Cũng được gọi là lửa không điều kiện tạo tác.

 

燃不待可燃

則不從緣生

火若常燃者

人功則應空

10.3

Nếu cái đang cháy tự nó không cần chất liệu cháy,

Thì hẳn là: Nó không cần điều kiện tạo tác nào để khởi sinh.

Nếu lửa tự nó là cái gì tự cháy thường xuyên, vô điều kiện,

Thì hẳn người ta có tác động vào cũng như không.

 

若汝謂燃時

名為可燃者

爾時但有薪

何物燃可燃

10.4 

Nếu người cho rằng lúc lửa đang cháy,

Là lúc nó được gọi là "cái có thể cháy",

Vậy thì lúc chỉ có củi thôi,

Thì cái gì sẽ đốt cháy "cái có thể cháy" đó?

 

若異則不至

不至則不燒

不燒則不滅

不滅則常住

10.5

Nếu cái đốt cháy và chất liệu cháy là hai thể dị biệt, thì chúng không thể đi đến chỗ đồng nhất (lửa) được,

Không đồng nhất thành lửa được, thì tất nhiên không cháy,

Không cháy thì tất nhiên nó không tắt,

Không tắt thì cái đốt cháy và chất liệu cháy cứ như thế mãi sao?

 

燃與可燃異

而能至可燃

如此至彼人

彼人至此人

10.6

Nếu cái đốt cháy và chất liệu có thể cháy là hai thể dị biệt,

Mà có thể đi đến chỗ đồng nhất thành lửa cháy được,

Như đàn ông đến với đàn bà,

Và đàn bà đến với đàn ông.*

 

______*(Hai câu sau được dịch theo nghĩa của bản tiếng Anh-Tạng: "Như đàn ông đến với đàn bà, Và đàn bà đến với đàn ông":

/ji ltar bud med skyes pa dang //skyes pa'ang bud med phrad pa bzhin //gal te shing las me gzhan yang //shing dang phrad du** rung bar 'gyur /

6. Just as a woman connects with a man and a man too with a woman, although fire is other than wood, it is fit to connect with wood. (Romanization and Literal English Translation of the Tibetan Text by Stephen Batchelor)

. Văn bản chữ Hán: "Như người này đến với người kia, người kia đến với người này-Như thử chí bỉ nhân, bỉ nhân chí thử nhân-如此至彼人,彼人至此人". Nghĩa của bản Hán văn làm rơi mất ý nghĩa "Dị biệt" mà câu đầu lấy làm giả thiết. Với ý nghĩa "dị biệt" này, sẽ dẫn đến mâu thuẩn luận lý: Hai cái "dị biệt" thì sẽ không thể nào đi đến chỗ thành một cái "đồng nhất" được_ dù đàn bà đến với đàn ông, hay đàn ông đến với đàn bà, thì cũng không thể thành ra cái thứ ba nào đó đồng nhất giữa đàn bà và đàn ông được______

 

若謂燃可燃

二俱相離者

如是燃則能

至於彼可燃

10.7

Nếu cho rằng: Cái đốt cháy và chất liệu có thể cháy,

Là hai thể cách ly với nhau.

Thì cũng như cho rằng: Cái đốt cháy hẳn tự nó có khả năng

Tìm đến chỗ chất liệu có thể cháy ấy*.

______*Hệ luận_Điều này không thỏa đáng: Lửa không tự nó tìm đến chỗ có vật liệu có khả năng cháy được, mà cần phải có một tác nhân nào đó tác động vào, như: có người châm ngòi, hay gió thổi đến mang nó đi đến chỗ cái mà nó có thể đốt cháy_____

 

若因可燃燃

因燃有可燃

先定有何法

而有燃可燃

10.8

Nếu cho rằng: Chất liệu cháy là nguyên nhân, vì có chất liệu có khả năng cháy, thì mới cháy được.

Hoặc cho rằng: Cái đốt cháy là nguyên nhân, vì có đốt thì mới cháy được.

Thì trước hết phải xác định:

Cái nào là nguyên nhân cho sự cháy của cả hai.

 

若因可燃燃

則燃成復成

是為可燃中

則為無有燃

10.9

Nếu cho rằng: Chất liệu cháy là nhân tố tạo tác, vì có chất liệu có khả năng cháy, thì mới cháy được,

Thì có nghĩa là chất liệu ấy "cháy" hai lần: 1. như là nhân tố tạo tác, nó đốt "cháy"; 2. như là chất liệu, nó bị đốt "cháy".*___(Một dạng Đồng nghĩa phản phục_tautology)___

Đồng thời cũng có nghĩa là: Không có chất liệu nào cháy cả, vì nếu là nhân tố tạo tác, thì tự nó đã có thể cháy rồi, không cần chất liệu nào cả.

 

______*"Chất liệu cháy là nguyên nhân, vì có chất liệu có khả năng cháy, thì mới cháy được", bản Hán văn: "Nhược nhân khả nhiên nhiên-若因可燃燃". Chữ "Nhân-因", thường được hiểu theo nghĩa đương đại là "nguyên nhân"(=cause), điều khác biệt giữa cổ ngữ và ngôn ngữ hiện tại này cản trở chúng ta hiểu ý nghĩa thực sự mà văn bản hàm chứa. "Nguyên-元" và "Nhân-因" vốn là hai khái niệm khác nhau (xem chú thích ở 1.1). Dụng ngữ "Nhân--Hetu" ở đây chính là “Nhân tố”, rất trùng khớp với định nghĩa của Aristote về Nhân tố Chất liệu: "Cái như là một chất liệu nội tại mà từ đó một sự vật được hình thành nó" (Aristote, Metaphysica 5). Ý nghĩa “Nhân tố” vốn nội hàm trong chữ Hán cổ “Nhân-因”, và ở đây nó có ý nghĩa: lửa là cái nội tại để hình thành ra chính nó. Chỉ có ý nghĩa này mới có thể minh giải rõ ràng được mệnh đề luận lý mà Nagarjuna đã đề ra:

"Nếu cho rằng: Chất liệu cháy là nhân tố tạo tác vì có chất liệu có khả năng cháy, thì mới cháy được,thì có nghĩa là chất liệu ấy "cháy" hai lần: 1. như là nhân tố tạo tác, nó đốt "cháy"; 2. như là chất liệu, nó bị đốt "cháy"". (Nếu hiểu theo nghĩa "nguyên nhân", chỉ có một lần "cháy thôi, và mệnh đề luận lý này của Nagarjuna không thành lập được, hoặc thành lập theo một ý nghĩa mâu thuẩn khác).

 . Mệnh đề luận lý của Nagarjuna đánh thẳng vào điểm ngộ nhận tự nhiên (naturalistic fallacy)giữa "Nguyên-元”: nguyên do gây sự cháy, một cái khác gây ra" và " Nhân-因": Nhân tố tạo tác sự cháy, chính nó là sự cháy, cái đốt cháy (“Sabhaya hetu”-Đồng loại nhân). Điều này tạo ra mâu thuẩn luận lý như Nagarjuna đã phân tích, trong nhiều trường hợp khác cũng như thế, mâu thuẩn luận lý phát sinh từ chính cấu trúc ỡm ờ vốn có của ngôn ngữ và trong chính cấu tạo của nhận thức.

______

 

10 

若法因待成

是法還成待

今則無因待

亦無所成法

10.10 (Cũng như thế:)

Nếu mọi tồn tại phải chờ một nhân tạo tác nào đó để hình thành chính nó,

Thì nó phải chờ một sự hình thành cách xa với chính nó.

Cái gì hiện đang tồn tại hẳn nhiên không chờ nhân tố nào nữa để hình thành,

Mà cũng chẳng có chỗ nào để hình thành ra nó (thêm một lần) nữa.

 

11 

若法有待成

未成云何待

若成已有待

成已何用待

10.11

Nếu cái gì tồn tại phải chờ một nhân tố tạo tác để hình thành chính nó,

Thì lúc nó còn chưa hình thành, thì làm sao mà chờ?

Nếu hình thành xong thì nó mới có thể chờ,

Đã hình thành rồi, thì cần chi phải chờ nữa?

____*"Nếu cái gì tồn tại phải chờ một nhân tố để hình thành chính nó-Nhược pháp hữu đãi thành-若法有待成", Ý này liên tục với ý ở 9, 10 và 11, nên chữ "Nhân-因-Nhân tố tạo tác" được hiểu ngầm, câu này đồng nghĩa với câu 10a "Nhược pháp nhân đãi thành-若法因待成", với chữ "Hữu-有" chỉ để nhấn mạnh ý này thêm lên._____

 

12 

因可燃無燃

不因亦無燃

因燃無可燃

不因無可燃

10.12

Có nhân tố và có chất liệu cháy, thì cũng không thể cháy.

Không có nhân tố, thì cũng không thể cháy,

Có nhân tố cháy được mà không có chất liệu cháy, thì cũng không thể cháy,

Không có nhân tố, không có chất liệu, thì cũng không thể cháy.

 

13 

燃不餘處來

燃處亦無燃

可燃亦如是

餘如去來說

10. 13

Cái đốt cháy (lửa) không đến từ chỗ nào ngoài nó,

Chỗ nó đang cháy cũng không có đối tượng bị đốt cháy.

Cái bị đốt cháy cũng như thế,

Những luận giải còn lại có thể thấy tương tự như ở phẩm Chuyển+Động.

 

14 

可燃即非然

離可燃無燃

燃無有可燃

燃中無可燃

可燃中無燃

10.14

Cái bị đốt cháy, tức là cái bên ngoài cái đốt cháy,

Ra khỏi cái bị đốt cháy thì không có cái bị cháy,

Cái đốt cháy, ở ngoài cái bị đốt cháy,

Trong cái đốt cháy không có cái bị đốt cháy,

Vậy thì, trong cái bị đốt cháy cũng không có cái gì cháy được cả.

 

15 

以燃可燃法

說受受者法

及以說瓶衣

一切等諸法

10.15

Hình tượng về cái đốt cháy (chủ thể) và cái bị đốt cháy (đối tượng),

Có thể nói lên ý nghĩa về nhận thức (Thụ-受) và đối tượng của nhận thức (Thụ giả-受者) của con người,

Cùng với những thí dụ về cái bình, cái áo*,

Điều này nói lên ý nghĩa của tất cả mọi tồn tại.

______*"Thí dụ về cái bình, cái áo", Xem chi tiết ở Bát Nhã Đăng Luận, Phần 3. Phê phán luận chứng về Tự Ngã của các học phái khác, Thanh Biện)

 

16 

若人說有我

諸法各異相

當知如是人

不得佛法味

10.16

Nếu có người thuyết giảng rằng: Tự ngã tồn tại,

Và mọi tồn tại đều có tính cách phân định biện biệt.

Thì hãy biết rằng những người như thế,

Chưa nắm được ý vị lặng lẽ sâu thẳm của Phật Pháp.

 _________________

 

PHẨM THỨ MƯỜI MỘT:

QUÁN SÁT GIỚI HẠN CỦA NHÂN SINH VÀ VŨ TRỤ (Bản Tế-本際)

 

大聖之所說

本際不可得

生死無有始

亦復無有終

11.1

Như Như Lai đã từng nói:

Không thể sở đắc được giới hạn của nhân sinh và vũ trụ.

Bởi vì: Tử Sinh vốn không có Khởi đầu,

Cũng không có Kết thúc.

 

若無有始終

中當云何有

是故於此中

先後共亦無

11.2

Nếu không có Khởi đầu và Kết thúc,

Thì làm sao có được cái khoảng giữa?

Vậy thì cái khoảng giữa này,

Cùng với cái vô tận trước nó và sau nó, cũng đều không tồn tại.

 

若使先有生

後有老死者

不老死有生

不生有老死

11. 3

Nếu giả sử: Trước thì có cái sinh ra,

Sau đó thì có cái già và cái chết.

Vậy thì có nghĩa là: Không có cái già và cái chết, cũng cứ có cái sinh ra,

Và: Không có cái sinh ra cũng cứ có cái già và cái chết.

 

若先有老死

而後有生者

是則為無因

不生有老死

11.4

Nếu: Trước thì có cái già và cái chết,

Sau đó thì có cái sinh ra.

Thì có nghĩa là: Không có nguyên nhân khởi đầu_

Không có cái sinh ra, mà vẫn cứ có cái già và cái chết.

 

生及於老死

不得一時共

生時則有死

是二俱無因

11.5

Từ lúc sinh ra, cho đến khi già, và chết đi,

Thì cái sinh khởi, cái già và cái chết không thể đồng thời,

Có lúc nào đó sinh ra, hẳn một lúc nào khác chết đi,

Vậy thì hai cái này đều không có nguyên nhân.

 

若使初後共

是皆不然者

何故而戲論

謂有生老死

11.6

Nếu cho rằng: cái đầu tiên và cái cuối cùng liên kết nhau,

Thì cả hai đều không thể có.

Vậy thì tại sao cứ luận giải rỗng không,

Rằng: Cái sinh, cái già và cái chết thực sự tồn tại? 

 

諸所有因果

相及可相法

受及受者等

所有一切法

11.7

Mọi cái gì được cho là có tương quan Nhân Quả,

Mọi cái gì được cho là có hình tướng biện biệt, hay có thể biện biệt hình tướng,

Cho đến tất cả mọi cái thụ cảm được và cái được cảm thụ,

Tất cả mọi tồn tại mà con người ta có thể nhận thức được,

 

非但於生死

本際不可得

如是一切法

本際皆亦無

11.8

Đều không chỉ là những cái vốn phi-Sinh Tử,

Mà cũng không thể sở đắc được giới hạn trước và sau vô tận của chúng.

Như vậy tất cả mọi tồn tại,

Và giới hạn trước và sau vô tận của chúng, đều không có.

 

______________

 

PHẨM THỨ MƯỜI HAI:

QUÁN SÁT VỀ ĐAU KHỔ

 

自作及他作

共作無因作

如是說諸苦

於果則不然

12.1

Vế Đau Khổ, nếu cho rằng: (a)_Đau Khổ do tự mình tác tạo ra, (b)_Đau Khổ do những cái khác tạo tác ra,

 (c)_Tự mình và những cái khác cùng tạo tác ra, (d)_Đau Khổ được tạo tác ra không cần nguyên nhân.

Tất cả những giải thich về Đau Khổ như thế,

Đều không đem lại kết quả thỏa đáng.

 

苦若自作者

則不從緣生

因有此陰故

而有彼陰生

12.2

(a) Nếu Đau Khổ là cái tự mình tạo ra,

Thì hẳn nó không do điều kiện tạo tác (Duyên-緣) khởi sinh ra.

Nhưng do điều kiện nhận thức (Ấm-陰) này.

Sinh ra điều kiện nhận thức kia.

 

若謂此五陰

異彼五陰者

如是則應言

從他而作苦

12.3

Nếu cho rằng: Năm điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-五陰) này,

Tạo tác ra những năm điều kiện nhận thức khác khác.

Như vậy thì đã thừa nhận rằng:

Đau khổ là do những điều kiện khác nhau tác tạo (Duyên-緣) ra.

 

若人自作苦

離苦何有人

而謂於彼人

而能自作苦

12.4

Nếu cho rằng: Con người ta tự mình làm khổ chính mình,

Thì rời khỏi cái đau khổ ấy, làm sao còn có người?

Vậy thì lẽ ra phải nói rằng:

Đau khổ là do kẻ khác gây ra cho mình.

 

若苦他人作

而與此人者

若當離於苦

何有此人受

12.5

(b) Nếu cho rằng: Đau khổ là do kẻ khác gây ra,

Khiến cho kẻ này đau khổ.

Vậy nếu kẻ này đang không đau khổ,

Thì làm sao mà cảm nhận được đau khổ?

 

苦若彼人作

持與此人者

離苦何有人

而能授於此

12.6

Nếu cho rằng: Đau khổ do kẻ khác tạo tác ra,

Rồi trao nó lại cho kẻ này,

Mà kẻ này lại đang không đau khổ,

Thì làm sao có người nhận nó được?

 

自作若不成

云何彼作苦

若彼人作苦

即亦名自作

12.7

Nếu tự mình đã không làm khổ mình được,

Thì làm sao kẻ khác làm khổ mình được?

Nếu kẻ khác có thể tạo tác đau khổ,

Thì cũng có nghĩa là: Chính là kẻ đó tự làm khổ mình.

 

苦不名自作

法不自作法

彼無有自體

何有彼作苦

12.8

Đau khổ, không thể gọi là cái tự mình làm ra,

Không có cái gì có thể tự làm ra nó.

Kẻ khác vốn sinh ra cũng không có sẵn đau khổ*,

Thì kẻ khác ấy tạo tác đau khổ từ đâu ra?

 

______*"Kẻ khác vốn sinh ra cũng không có sẵn đau khổ", Hán văn: "Tha vô hữu tự thể彼無有自體", Chữ "Thể-體":tính chất nội hàm bên trong của cái gì. Nghĩa câu này: Kẻ khác vốn không có bản thể đau khổ"______

 

若此彼苦成

應有共作苦

此彼尚無作

何況無因作

12.9

(c)Nếu cho rằng: Đau khổ do chính mình cùng kẻ khác tạo ra,

Có nghĩa là đau khổ do cộng tác mà thành.

Kẻ này (đã không tạo thành được đau khổ:2,3,4) và kẻ kia (cũng không tạo thành được đau khổ:5,6,7,8), cả hai họp lại càng không tạo tác được đau khổ,

(d)Hà huống chi nói đến việc: Không có nguyên nhân mà tác tạo đau khổ được sao?.

 

10 

非但說於苦

四種義不成

一切外萬物

四義亦不成

12.10

Chẳng những chỉ nói về Khổ Đau,

Mà cả bốn ý nghĩa tạo tác (a. tự tác, b. tha tác, c. cộng tác, d. vô nhân tác) đều không thành:

Tất cả mọi tồn tại ở thế gian này cũng như thế,

Bốn ý nghĩa tạo tác đều không thành.

 

 

________________

 

PHẨM THỨ MƯỜI BA:

QUÁN SÁT CÁC TÁC VI (Hành-)*

 

______*"Tác Vi"-Hành-行: Xem chú thích ở phẩm 4, "Ngũ Ấm"

 

如佛經所說

虛誑妄取相

諸行妄取故

是名為虛誑

13.1

Như đức Phật đã thuyết trong kinh điển:

Tất cả những gì con người ta nhận thức trong ảo tưởng, điên đảo, không thật,

Đều là do các Tác Vi (Hành-行) của tâm thức tạo ra những ảo tưởng trong nhận thức (Thụ-取) con người,

Nên gọi nó những cái điên đảo, hư vọng.

 

虛誑妄取者

是中何所取

佛說如是事

欲以示空義

13.2

Tất cả những gì con người ta nhận thức trong ảo tưởng, điên đảo, không thật ấy,

Làm sao có chỗ để tâm thức có thể thụ nhận vào được?

Phật nói về việc ấy,

Là muốn chỉ ra áo nghĩa căn để của Không tính (空-Sunyata).

 

諸法有異故

知皆是無性

無性法亦無

一切法空故

13.3

Mọi tồn tại có điều kiện tương tác (Hữu vi pháp-有爲法) đều có biến đổi*,

Vì thế hãy biết rằng: Tất cả mọi tồn tại đều không có tự tính của nó.

Cái gì không có tự tính, thì cũng tự nó không tồn tại,

Vì thế: Căn để của tất cả mọi tồn tại là Không tính.

______*"Mọi tồn tại có điều kiện tương tác đều có biến đổi", Hán văn: "Chư pháp hữu dị cố-諸法有異故", chữ "Pháp-法" ở đây chỉ có thể hiểu được là "Hữu vi pháp-有爲法": Tất cả những gì có tương quan tương tác, tác tạo và bị tác tạo, cũng tức là có tương quan Nhân Quả. Tất cả những gì con người ta có thể nhận thức được một cách có điều kiện (Ngũ Âm-五陰), đều là Hữu vi pháp.

 

諸法若無性

云何說嬰兒

乃至於老年

而有種種異

13.4

Nếu mọi tồn tại đều không có tự tính,

Thì làm thế nào có thể giải thích vì sao:

Từ trẻ sơ sinh cho đến người già lão,

Ai cũng có tính cách khác nhau?

 

若諸法有性

云何而得異

若諸法無性

云何而有異

13.5

Nếu mỗi mọi tồn tại đều có tự tính,

Thì làm sao nó có thể đổi khác đi được?

Nếu mỗi mọi tồn tại đều không có tự tính,

Thì có tính cách nào đâu để mà khác nhau?

 

是法則無異

異法亦無異

如壯不作老

老亦不作壯

13.6

Có tự tính thì không thể đổi khác,

Không có tự tính, thì cũng không thể khác nhau,

Cũng như trẻ không gây ra già,

Cũng như già không gây trẻ.

 

 

若是法即異

乳應即是酪

離乳有何法

而能作於酪

13.7

Nếu tự tính là cái có thể đổi khác,

Cũng như sữa biến đổi thành bơ,

Vậy thì tách sữa riêng ra,

Thì cái gì sẽ biến đổi thành bơ?

 

若有不空法

則應有空法

實無不空法

何得有空法

13.8

Nếu tồn tại một cái gì chẳng phải là hư không,

Thì ứng ngay chỗ của nó phải có hư không tồn tại,*

Nếu thật sự chẳng hề có cái không phải là hư không,

Thì hư không cũng chẳng hề tồn tại.

 

______*"Nếu tồn tại một cái gì chẳng phải là hư không, Thì ứng ngay chỗ của nó phải có hư không tồn tại". Trên bình diện luận lý, thì mệnh đề này của Nagarjuna hoàn toàn đồng nghĩa với mệnh đề của Wittgenstein:

 Trong hình học, cũng như trong luận lý học, không gian là một khả năng: một cái gì đó có thể tồn tại ở đó. (In geometry and logic alike a place is a possibility: something can exist in it. Tractatus Logico-Philosophicus, 3.411)

 

大聖說空法

為離諸見故

若復見有空

諸佛所不化

13.9

Như Lai thuyết giảng về Không tính,

Là để con người ta lìa bỏ những định kiến không thật.

Nếu lại khư khư cho cái Không này là cái gì thực hữu,

Thì chư Phật cũng không còn cách nào dạy bảo được nữa.

 

 

________________

 

 

PHẨM THỨ MƯỜI BỐN:

QUÁN SÁT CHỦ THỂ, ĐỐI TƯỢNG VÀ TÁC VI

 

見可見見者

是三各異方

如是三法異

終無有合時

14.1

Nếu nhìn thấy (tác vi), cái được nhìn thấy (đối tượng) và kẻ nhìn thấy (chủ thể),

Là ba thể dị biệt.

Như là ba thể dị biệt,

Thì cuối cùng không thể hợp nhất được.

 

染與於可染

染者亦復然

餘入餘煩惱

皆亦復如是

14.2

Tạp nhiễm (tác vi), cái bị tạp nhiễm (đối tượng) và cái gây tạp nhiễm (chủ thể),

thì cũng như thế.

Ngoài ra, những cái tương tự như phiền não...

thì cũng đều như thế cả.

 

異法當有合

見等無有異

異相不成故

見等云何合

14.3

Nếu những cái dị biệt mà lại hợp nhất với nhau được,

Thì những thể dị biệt (tác vi, đối tượng, chủ thể) trong việc nhìn thấy, và những gì tương tự, sẽ không còn dị biệt nữa,

Những thể dị biệt không thành được,

Thì làm sao sự nhìn thấy và những cái liên quan, lại hợp nhất với nhau được?

 

非但見等法

異相不可得

所有一切法

皆亦無異相

14.4

Không những chỉ với sự nhìn thấy và những cái liên quan,

Mà những thể dị biệt (tác vi, đối tượng, chủ thể) không thể có được,

Tất cả những gì con người ta có thể nhận thức được,

Cũng đều như thế cả.

 

異因異有異

異離異無異

若法從因出

是法不異因

14.5

Sự dị biệt xuất phát từ phân định dị biệt mà có dị biệt,

Cái được cho là dị biệt (đối tượng) rời khỏi phân biệt dị biệt (tác vi), thì không còn thấy dị biệt (chủ thể) nữa.

Nếu một cái gì xuất phát từ một nhân tố tạo tác (Tác vi) nào đó,

Thì cái đó không khác với nhân tố tạo tác (Tác vi) ấy.

______*"Cái dị biệt xuất phát từ phân định dị biệt mà có sự dị biệt. Cái được cho là dị biệt (đối tượng) rời khỏi phân biệt dị biệt (tác vi), thì không còn thấy dị biệt (chủ thể) nữa", Hán văn: "異因異有異,異離異無異-Dị nhân dị hữu dị, Di ly dị vô dị", Hai câu này, mỗi câu 5 chữ thì đã có 3 chữ "Dị-異" được dùng với 3 thể tương ứng với 3 ý nghĩa khác nhau của chính từ này và trùng lập với 3 ý nghĩa mặc định nội hàm trong cấu trúc luận lý của Nagarjuna:

 1. "Dị-異", Danh từ: Sự dị biệt (tác vi), cái dị biệt (chủ thể), cái được cho là dị biệt (đối tượng) ,

 2. "Dị-異", Động từ-Sử động: phân biệt ("Tác vi"), thấy có dị biệt (chủ thể).

Có lẽ chữ Hán cổ là một trong những ngôn ngữ văn tự ỡm ờ nhất trong các loại văn tự, và cũng có lẽ Cưu Ma La Thập là người sử dụng cái ỡm ờ đó một cách thiên tài nhất trong những cây bút Hán văn lão luyện. Ở đây, cái ỡm ờ của chính cấu tạo ngôn ngữ được sử một cách chính xác kỳ lạ, để gợi ra cái ỡm ờ vốn có trong nhận thức của con người: sự phân biệt chủ thểđối tượng trong nhận thức luận nhị nguyên, và những tác vi tạo tác phân biệt vốn nằm trong điều kiện nhận thức (Ấm-陰)______

 

若離從異異

應餘異有異

離從異無異

是故無有異

14.6

Nếu rời bỏ sự phân biệt cái dị biệt này với cái dị biệt kia,

Mà vẫn còn có sự dị biệt, thì là có dị biệt.

Nếu không có cái dị biệt kia, mà cái dị biệt này không còn dị biệt,

Thì sự dị biệt không tồn tại.

 

異中無異相

不異中亦無

無有異相故

則無此彼異

14.7

Trong mỗi cái dị biệt, không có sự dị biệt,

Trong cái không dị biệt, cũng không có sự dị biệt,

Bởi vì không có sự dị biệt nào,

Nên cái này và cái kia không hề dị biệt.

 

是法不自合

異法亦不合

合者及合時

合法亦皆無

14. 8

Tồn tại, tự chúng không hợp nhất với nhau,

Cái dị biệt cũng không thể hợp nhất với nhau,

Cái hợp nhất (chủ thể), sự hợp nhất (tác vi) và cả cái được hợp nhất (đối tượng),

Đều không tồn tại.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn